Giáo lý của chân sư thăng thiên và các đạo sư Ấn độ

Hỏi: Con là người Ấn độ, và con rất lấy làm lạ con là người Ấn độ duy nhất mà con quen biết đang theo học giáo lý của chân sư thăng thiên. Đất nước này có 1,3 tỷ dân và đã sinh sản ra rất, rất nhiều người trưởng thành về mặt tâm linh. Điều gì đang khiến cho nước con tụt hậu tâm linh đến như vậy? Và đâu là cách tiếp cận tốt nhất để đánh thức dân tộc con dậy? Con biết chân sư MORE đã từng nói là chính các đạo sư đã từ chối thừa nhận các chân sư thăng thiên, chẳng hạn những vị như Satguru, Sri Sri Ravi Shankar và phong trảo của Brahma Kumaris đều có rất đông người đi theo. Nhưng thực sự họ đã giúp cho tín đồ của họ được bao nhiêu? Con muốn biết suy nghĩ của các thày về điều này.


Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Chọn lựa Tương lai cho Hoa Kỳ. Đăng ngày 16/10/2020.

Trong quá khứ, các chân sư đã cố gắng với tay tới học trò tại Ấn độ qua phong trào Thông thiên học, nhưng kết quả đạt được khá giới hạn. Qua các đợt truyền pháp gần đây hơn là Phong trào I Am, Summit Lighthouse và đợt truyền pháp hiện thời, các thày lại đạt được kết quả ít hơn nữa khi cố mở ra với học trò tại Ấn độ. Tất nhiên, nguyên nhân phần nào là do Ấn độ có một truyền thống tâm linh vô cùng phong phú, phong phú hơn hầu hết mọi quốc gia phương Tây. Ở đây có một truyền thống đi tìm đạo sư. Tại Ấn độ vẫn còn một số đạo sư cá nhân chân chính, cho nên những ai cởi mở với đường tu tâm linh có thể tìm thấy những giáo lý này trong chính nền văn hóa của mình.

Ta cũng xin nói là tất nhiên, có một hàng ngũ những thày giả tà đạo tại Ấn độ, họ không chỉ tìm cách gạt gẫm người tầm đạo từ phương Tây mà ngay cả người Ấn nữa. Rõ ràng là trong tâm thức tập thể tại Ấn, có một sự tắc nghẽn chống lại việc thừa nhận các chân sư thăng thiên. Điều này không chỉ xảy ra tại Ấn mà con thấy nó xảy ra tại hầu hết mọi quốc gia. Ở hầu hết các nước chịu ảnh hưởng đạo Cơ đốc, đạo Cơ đốc đã tạo ra một sự tắc nghẽn chống lại việc chấp nhận chân sư thăng thiên, và ở Ấn độ cũng không khác gì. Tất nhiên, một phần là do truyền thống Ấn độ giáo không công nhận bất cứ gì vượt ra khỏi người Bà la môn cùng các vị thần của đạo Ấn, nhưng thôi…

Đây không phải là một vấn đề khiến cho chúng tôi quan tâm quá mức. Chúng tôi rất vui mừng có những học trò tại Ấn độ đang học hỏi giáo lý, nhưng thực sự chúng tôi không đang nỗ lực lôi cuốn một số đông đệ tử theo học đợt truyền pháp này tại Ấn độ.

Rõ ràng nếu con nhìn vào Ấn độ như một quốc gia, con sẽ thấy một số đạo sư đã trở nên danh tiếng hơn và quy tụ người theo học ngày càng đông đảo hơn. Nói chung, ta có thể nói là khi một đạo sư có rất nhiều người đi theo, thường đó là vì giáo lý của đạo sư không vượt lên trên một mức nào đó. Chính vì vậy mới có nhiều người cảm thấy tương hợp mà theo học. Một cách nào đó, vị đạo sư đã trao cho quần chúng những gì mà quần chúng mong muốn. Đạo sư cống hiến cho họ một con đường tiện lợi rất dễ theo, nhưng là một con đường không thực sự đòi hỏi họ phải nhìn vào chính bản thân mình, phải chữa lành tâm lý mình và nâng cao tâm thức.      

Bây giờ, nếu con nhìn rộng ra thế giới chứ không riêng gì Ấn độ, có một câu hỏi mà nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã từng tự hỏi: “Nếu đúng là loài người đang nâng cao tâm thức và sự tăng trưởng tâm thức này là do các chân sư thăng thiên đang làm vị thày phổ quát cho cả nhân loại, thì tại sao người ta không ngày càng công nhận các chân sư thăng thiên nhiều hơn?” Chẳng hạn, nếu một đạo sư đã đạt đến một mức tâm thức rất cao, tại sao vị ấy lại không nhìn nhận chân sư thăng thiên? Tại sao Paramahansa Yogananda đã không viết nhiều hơn về các chân sư thăng thiên trong cuốn sách của mình, ngoại trừ một vài đoạn nói bóng gió mà con có thể tìm thấy?   

Giải đáp cho câu hỏi này là không chỉ có một giải đáp duy nhất. Mỗi đạo sư chân chính đều có một nhóm người nhất định mà vị ấy đã trù định sẽ hướng dẫn. Tùy theo mức tâm thức của nhóm này, rất có thể là họ chưa sẵn sàng chấp nhận chân sư thăng thiên. Có nghĩa là nhiệm vụ của đạo sư không phải là khiến cho họ chấp nhận chân sư thăng thiên, mà là nâng cao mức hiện thời của họ lên tới một mức tâm thức mà từ đó họ có thể tiến xa hơn. Không cứ là mọi đạo sư chân chính đều sẽ có ngày công nhận chân sư thăng thiên, bởi vì không phải ai ai cũng sẵn sàng cho chuyện đó.    

Nhưng hiển nhiên còn có vấn đề hàng ngũ tà đạo, các đạo sư giả, không những tại Ấn độ mà khắp mọi nơi khác, và những kẻ này thì sẽ không công nhận chân sư thăng thiên, vì dĩ nhiên, chúng tôi là những vị thày có khả năng giải phóng người tầm đạo khỏi sự chi phối của đạo sư giả.

Con hãy nhìn vào địa cầu thì con có thể thấy được là các đạo sư chân chính cần nâng cao tâm thức của đệ tử, và nếu đệ tử cứ tiếp tục nâng cao tâm thức, thì cuối cùng hầu hết sẽ tìm thấy các chân sư và giáo lý của chân sư. Nhưng tuy vậy, con không thể nói là tất cả mọi người tâm linh trên địa cầu sẽ cần phải tìm thấy chân sư thăng thiên. Có những đường tu khác. Và điều quan trọng là luôn luôn có những người thực chứng được mỗi đường tu chân chính đó để cho rất nhiều người còn ở mức tâm thức chưa cao có thể tìm ra một con đường hấp dẫn đối với họ.       

Như ta đã nói, không phải ai ai cũng sẵn sàng đi theo đường tu mà chúng tôi cống hiến. Nhưng điều cũng cần nói là tất nhiên có nhiều đạo sư giả, và các đạo sư giả này sẽ dẫn con người đi lạc lối bằng rất nhiều cách, và họ sẽ cài đặt những nút tắc nghẽn trong tâm con người khiến cho con người không thể vượt quá một mức nào đó trên đường đạo. Có những đạo sư giả sẽ khiến đệ tử tiến tới một mức nào đó nhưng rồi bị kẹt lại, và sẽ rất khó khăn vượt qua được mức đó.   

Đối với những đệ tử đã đi theo đạo sư giả, họ sẽ thấy rất, rất khó lòng tìm lại được con đường chân chính nếu họ không sử dụng giáo lý của chân sư thăng thiên. Đó là vì chúng tôi là những vị thày duy nhất có mức tâm thức và kinh nghiệm cần thiết để giúp học trò khắc phục sự tắc nghẽn khởi sinh từ việc đi theo đạo sư giả. Hiển nhiên, rất nhiều đệ tử trong số này sẽ được lợi ích nếu họ xem đến giáo lý của chúng tôi. Nhưng tiếc thay, điều này đòi hỏi họ phải cởi mở hơn rất nhiều, phải sẵn lòng hơn rất nhiều, để nhìn xa hơn các giáo lý trước đây của họ. Đó là vì đạo sư giả thường có những phương thức vô cùng tinh vi để cài đặt tắc nghẽn trong tâm họ, và điều này sẽ ngăn cản họ nhận ra chân sư thăng thiên.

Các phong trào nữ quyền tại Hàn quốc

Hỏi: Câu hỏi này là về nữ quyền. Hiện nay xung đột giới tính là một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội Hàn quốc, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Với chủ trương mở rộng quyền lợi phụ nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ ở nơi làm việc, nữ quyền dường như là một phong trào khuyến khích cả phái nam lẫn phái nữ cân bằng hai khiá cạnh nam-nữ của họ, và như vậy đó là một viễn quan gần hơn với một xã hội tâm linh. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nữ quyền này lại có những lời tuyên bố gây xung đột trong xã hội, chẳng hạn như mạnh mẽ hỗ trợ việc bãi bỏ luật phá thai, hay đòi hỏi phụ nữ phải đạt túc số nhất định trong các chức vụ cao cấp. Khi con thấy điều này, con nghĩ họ có liên hệ với tâm thức sa ngã nhằm kích động xung đột giữa hai phái. Chúng con nên hiểu phong trào nữ quyền tại Hàn quốc như thế nào từ một góc nhìn tâm linh, và phong trào này đang tác động xã hội Hàn quốc ra sao?     


Trả lời của chân sư Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp một hội nghị tại Hàn quốc năm 2019. Đăng ngày 15/10/2019.

Nếu con nhìn những gì đã xảy ra tại các nước dân chủ Tây phương trong các thập niên trước, con sẽ thấy một mô thức phần nào cũng tương tự như những gì đang xảy ra ngày hôm nay tại Hàn quốc, nghĩa là để khắc phục nền văn hóa cũ trọng nam khinh nữ, nơi phụ nữ bị lấn át và chỉ có phái nam mới được xem là có phẩm giá, thì con phải phá vỡ những khuôn mẫu cũ ở một mức độ nào đó.

Tại hầu hết các nước Tây phương, con thấy được là đã có một phong trào nữ quyền hiển nhiên là mất cân bằng nếu nhìn từ góc cạnh tâm linh. Rõ ràng là có một số nhà hoạt động nữ quyền cực đoan có quan hệ với sa nhân. Họ toan tính sử dụng phong trào nữ quyền để gây ra chia rẽ và xung đột trong xã hội. Thậm chí có cả một số sa nhân, thay vì muốn thiết lập bình quyền giữa hai phái, lại muốn lật ngược tình thế và trao ưu thế cho phái nữ, như đã từng xảy ra trong một số nền văn minh thời quá khứ không được các sử gia hiện đại biết đến.

Cho nên các sa nhân luôn luôn có khuynh hướng sử dụng bất kỳ thay đổi nào trong xã hội để tạo ra hỗn loạn và xung đột, hoặc để đưa xã hội về một hướng mất quân bình hơn trước.

Tuy nhiên, các thày cũng từng nói, và thày Giê-su cũng đã có những lời dạy quan trọng về vấn đề này, có những trường hợp khi xã hội đã lâm vào bế tắc trong một thời gian rất dài. Và vì bế tắc kéo dài quá lâu, cho nên nó đã sinh sản ra những con quỷ tập thể hùng mạnh cưỡng chống lại thay đổi, và trong tâm thức tập thể có một số khuôn nếp chống đối lại thay đổi. Vì vậy trước khi thay đổi có thể xảy ra, các khuôn nếp cũ này cần được phá bỏ, hầu con người thoát ra khỏi mô thức tư duy quen thuộc và khởi sự suy nghĩ một cách mới mẻ. Điều này có nghĩa là những hành động này rõ ràng là mất cân bằng. Nhưng trong ngắn hạn, tác động của chúng là đập vỡ các khuôn đúc cũ hầu mọi người được tự do xem xét vấn đề một cách mới hơn. Và đây chính là điều đang xảy ra với phong trào nữ quyền tại Hàn quốc, cũng như đó là điều đã diễn ra tại các nước Tây phương trong những thập niên trước.

Cho nên với tư cách là người tâm linh, điều mà con có thể làm là, tất nhiên, con tránh để mình bị lôi kéo vào những phong trào cực đoan hơn. Con có thể, nếu con ưa thích, hoạt động để tranh đấu cho một quan điểm cân bằng hơn. Nhưng quan trọng hơn nữa, con có thể thỉnh cầu để kêu gọi một quan điểm cân bằng hơn trong vấn đề này. Như con thấy, ngay bây giờ đã có một sự quân bình nào đó trong xã hội Hàn quốc khi nhiều người nhận ra đây là vấn đề phá vỡ khuôn đúc cũ và thiết lập bình đẳng thực sự giữa nam và nữ.

Nhưng điều này không có nghĩa là người nam và người nữ gíống nhau. Rõ ràng nam và nữ khác nhau, và do đó họ sẽ có những vai trò khác nhau. Nhưng họ vẫn có thể được xem là có giá trị bình đẳng, có tầm quan trọng bình đẳng. Như chúng tôi có nói, rõ ràng hiện nay có một nhu cầu sinh vật học thiết yếu là các em bé được sinh ra từ bụng mẹ, và vì vậy một trong hai phái phải lãnh trách nhiệm sinh con. Và đó là phụ nữ. Điều này không có nghĩa là có gì bất công. Cũng không có nghĩa là phụ nữ phải nổi loạn chống lại, bởi vì con người cần nhận ra là mình không bị kẹt trong cơ thể phái nữ mãi mãi. Con có thể thay đổi cơ thể của mình mỗi lần con đầu thai trong một kiếp mới, và trong một kiếp tương lai, con có thể có một cơ thể phái nam nếu con muốn như vậy.

Cho nên con không nên có cảm giác là có sự bất công nào đó trong vũ trụ nếu con sinh ra trong một cơ thể phái nữ trong kiếp này và nghĩ rằng con là người phải chịu gánh nặng sinh nở. Vấn đề này sẽ tàn lụi đi khi các xã hội bắt đầu thiết lập được bình đẳng thực sự giữa hai phái. Ngay bây giờ con đã có thể thấy được tại một số quốc gia phương Tây như các nước Bắc Âu chẳng hạn, nơi họ đã đạt được một thế quân bình cao hơn trong vấn đề này, thì ở đó chủ nghĩa nữ quyền cực đoan phần lớn đã tan biến. Và với thời gian, một điều tương tự cũng sẽ xảy ra tại Hàn quốc. Nhưng tất nhiên, những lời thỉnh cầu của con vẫn sẽ vô cùng hữu ích.

Vai trò tâm linh của Ấn độ

Hỏi: Vai trò tâm linh của Ấn độ là gì?


Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga, năm 2017. Đăng ngày 4/9/2019.

Con nhìn nhận, con yêu dấu, là chúng ta đang nói chuyện về một quốc gia có 1,3 tỷ người, cho nên thật không có câu trả lời dễ dàng và đơn giản nào cho một câu hỏi như thế, vì lẽ tự nhiên, vai trò tâm linh của bất kỳ quốc gia nào cũng là việc thúc đẩy sự tăng triển tâm thức của người dân sinh sống ở đó.

Hiển nhiên con cũng biết Ấn độ đã có một truyền thống rất lâu đời trong cái mà các chân sư thường gọi là mối quan hệ giữa đạo sư và đệ tử. Con có một lịch sử rất lâu đời những vị đạo sư Ấn độ – một số thì hoạt động độc lập, trong khi một số khác thì thuộc về một hệ phái và tỏ lòng tôn kính đối với hệ phái đó. Thật sự con sẽ thấy là tương đối chỉ có một số ít – hay đúng hơn, rất ít – những vị đạo sư đó nhận ra được các chân sư thăng thiên trong khuôn khổ hệ phái của họ.

Đây thực sự là yếu tố chính đang kìm hãm sự phát triển tâm linh của dân tộc Ấn. Điều này mang nhiều hệ quả cho nước Ấn, trong đó có hệ quả là Ấn độ có một niềm tự hào dân tộc muốn mình tự đủ, và thường khi điều này ngăn cản người Ấn học hỏi từ các dân tộc khác. Thậm chí nếu con biết rõ cuộc đời của Gandhi, có một thời điểm trong nhóm của ông có một nhà truyền giáo Cơ đốc rất tốt, nhưng ông lại yêu cầu vị này rời khỏi nhóm vì ông cảm thấy nhân dân Ấn độ phải đứng ra hành động một mình. Đây chính là một cách biểu lộ niềm tự hào dân tộc đó, bởi vì nói thật, có dân tộc nào trên địa cầu mà lại đứng được một mình hay không? Liệu có dân tộc nào đứng riêng rẽ khỏi tâm thức tập thể của toàn bộ nhân loại? Chắc chắn là không.

Con có thể nhìn vào từng quốc gia riêng lẻ và có xu hướng xem họ là những đơn vị tự đủ, độc lập, tách biệt, nhưng không phải vậy, vì tất cả đều là một phần của tâm thức tập thể của nhân loại, và con không thể nào thực sự hiểu được vai trò của bất kỳ dân tộc nào mà không nhìn thấy chỗ đứng của dân tộc đó như một thành phần của tổng thể.

Như ta vừa nói, Ấn độ có một truyền thống lâu đời tôn kính con đường tâm linh, đã giáo dục được nhiều người về con đường tâm linh mà mỗi cá nhân có thể bước theo, nhưng họ cũng có một truyền thống vô cùng lâu đời là tách rời con đường tâm linh ra khỏi cuộc sống vật chất thường nhật.

Nhiều khi truyền thống đó còn xem thường những ai sống một cuộc đời thế tục, và một lần nữa, điều này lại nằm trong niềm tự hào dân tộc, qua đó nhiều người tâm linh bị cuốn vào ý niệm kiêu hãnh vi tế đó, và họ cho rằng bởi vì họ đang bước chân trên đường đạo tâm linh, bởi vì họ sinh trưởng trong một quốc gia có truyền thống tâm linh lâu đời thì một cách nào đó, họ là những con người tiến hóa hơn người dân các xứ khác.

Giê-su đã nói gì? Rằng “Quả vị Ki-tô mà không được biểu lộ qua việc phụng sự tổng thể, không phải là quả vị Ki-tô”. Con có thể thấy được là suốt rất nhiều thế kỷ, ngay cả trước khi người Anh đến Ấn độ, thì một đằng, nước Ấn đã có một truyền thống tâm linh giúp cho nhiều người cất bước trên đường đạo và đạt được một mức tâm thức nào đó. Nhưng đằng khác, họ lại có mức nghèo đói cao nhất và những điều kiện vật chất trong số thiếu thốn nhất, với biết bao người phải sống trong tình trạng cùng khổ.

Làm thế nào hai điều đó lại có thể sống chung với nhau trong một quốc gia? Ấy, chỉ là vì những người tâm linh đã không bước lên mức quả vị Ki-tô đó, nơi thay vì đi theo một con đường cá nhân nhằm nâng tâm thức riêng của mình cho ngày càng cao hơn, thì giờ đây họ sử dụng sự chứng đạt của mình để cải thiện hoàn cảnh của người khác.

Phải, tất cả những vị đó đều có lý do riêng của họ. Nhiều vị đạo sư và đệ tử đó, ta đã có quen biết rất rõ vì ta đã từng sống một thời gian tại Ấn độ trong một số tiền kiếp, thậm chí còn có một tu viện nhập thất tại Darjeeling nơi ta đã đồng điệu với những gì xảy ra nơi quốc gia đó. Thật sự nhiều vị đạo sư và đệ tử này đã không sẵn lòng bước lên một mức nơi họ có thể quên mình để phụng sự toàn thể và nhìn nhận rằng chuyện nâng cao tâm thức của riêng mình không thể nào đủ được nếu mọi người chung quanh vẫn còn khổ đau.

Chúng ta có thể dùng một từ thông dụng trong vùng này và nói rằng họ đã không bước lên tầng mức của lý tưởng Bồ tát, mặc dù nhiều người trong số họ sẽ phản đối lời nhận định này và nhìn sự việc khác hơn. Con yêu dấu, con không thể có một quốc gia nơi 95 hay 98% dân chúng phải sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Tất cả những vị đạo sư kia ngồi trong đạo tràng quy tụ đệ tử quanh mình, nhưng họ lại tự cô lập và từ chối nhìn thấy những điều kiện cùng khổ chung quanh.

Thử thách mà dân tộc Ấn phải đối mặt ngay lúc này là liệu họ có khắc phục được khuynh hướng vô cùng lâu đời đó hay không. Liệu họ có thể nào bước lên cao hơn và làm hòa nhiều hơn với cõi vật chất? Thay vì nhìn xuống và coi thường cõi vật chất và tưởng rằng mình phải tự cô lập khỏi cõi đó, liệu họ có thể nào nhìn ra là việc cải thiện điều kiện sống cho người khác chính là một việc làm tâm linh và là một phần của đường tu tâm linh?

Chúng ta có thể nói là hiện nay, sự phát triển của dân tộc Ấn không do các đạo sư cùng các đệ tử của họ thúc đẩy, mà nó được đẩy mạnh do những người đang ra tay làm những biện pháp tích cực hầu cải thiện một số khía cạnh của xã hội – cho dù đó có thể là việc kinh doanh cạnh tranh mà động cơ bề mặt có vẻ là cạnh tranh, nhưng tuy vậy nó vẫn đang giúp nâng cao mức sống, vẫn tạo ra tăng trưởng kinh tế, vẫn xây dựng cơ sở hạ tầng, và do đó nó đang kéo nước Ấn đi lên để có thể trở thành một quốc gia tân tiến.

Nếu ta hoàn toàn thành thật và thẳng thắn với con – và ta khó lòng nào mà không hoàn toàn thành thật – thì ta phải nói là yếu tố chính yếu đã cầm giữ nước Ấn không phát triển được để trở thành một quốc gia hoàn toàn hiện đại, đó chính là các đạo sư.

Chúng tôi các chân sư thăng thiên đã có đề cập đến sự kiện tại Ấn độ có một hàng ngũ bóng tối gồm những đạo sư giả tìm cách gài bẫy người ta vào con đường giả trá, và nhiều người đã bị chúng đánh bẫy mà đeo đuổi một con đường họ tưởng là phát triển tâm linh. Nhiều người như vậy đã có thể đạt được một số trải nghiệm tâm linh cao cấp nào đó, nhưng liệu đó có phải là tăng triển tâm linh đích thực hay không? À, thế nào là tăng trưởng tâm linh đích thực chứ con? Có phải là con cứ mãi mãi tìm cách nâng cao tâm thức riêng của mình mà phớt lờ mọi người khác? Không, con yêu dấu. Bởi vì sẽ tới một điểm khi sự tăng triển tâm linh có nghĩa là con ý thức nhận diện được nhu cầu bước vào sự hợp nhất, trước hết là hợp nhất với một cái gì vượt ra khỏi cõi vật chất – Hiện diện TA LÀ của con cùng các chân sư thăng thiên – xong sau đó con hợp nhất chiều ngang với mọi người ở dưới đây hầu con tìm cách nâng cao toàn thể.    

Con đường giả trá là khi người ta tìm cầu những trải nghiệm ngày càng cao hơn, và cái họ đạt được không phải là trải nghiệm tâm linh chân chính. Làm sao ta có thể nói như vậy? Tại vì nơi tu viện nhập thất của ta tại Darjeeling bên Ấn độ, một phần vai trò của ta trong tư cách chân sư thăng thiên là làm việc với những đệ tử tâm linh cao cấp tại Ấn, những người đã thể hiện được một mức độ quả vị Ki-tô nào đó. Vì vậy ta là đại diện chủ yếu của Ki-tô cho dân tộc Ấn, và điều này có nghĩa đơn giản là khi có ai bước lên một mức nào đó của quả vị Ki-tô thì người đó sẽ nhận ra ta. Họ nhận ra là ta đang hiện hữu, ta là sinh thể sẽ đưa họ lên cao hơn. Nếu họ không nhận diện được vai trò của ta trong đại đoàn chưởng giáo thì họ đã chưa bước lên quả vị Ki-tô – thật giản dị như vậy đó, con yêu dấu.

Những ai không nhận ra Ki-tô nơi Giê-su đã chưa bước lên một mức nào đó của quả vị Ki-tô cho dù họ có tuân thủ đủ loại nghi lễ vỏ ngoài trong các hội thánh Cơ đốc. Những ai trong số các đạo sư “tự phát triển” (self-help) trong thời hiện đại mà chưa bước lên và nhận diện được các chân sư thăng thiên, thì họ cũng chưa bước lên quá một mức quả vị Ki-tô nào đó, cho dù họ có quy tụ được nhiều đệ tử đến đâu đi nữa xem họ là những đấng giác ngộ.

Giác ngộ có nghĩa là gì – nếu từ này mang bất kỳ ý nghĩa nào? Nó có nghĩa là con nhận diện được con là ai, và một khi con nhận ra mình là ai thì con cũng nhận ra con là một phần của tổng thể, và khi đó con nhìn ra tổng thể đó. Vậy tại sao lại có quá nhiều đạo sư tại Ấn chưa nhận ra các chân sư thăng thiên? Họ chưa bước lên mức đó của quả vị Ki-tô. Trong các thời đại trước, điều này có thể không làm được vì chúng tôi không được phép tiết lộ công khai sự hiện diện của mình, nhưng ngày nay thì chắc chắn điều này có thể làm được.

Đức Dalai Lama có quyền ra đi

Hỏi: Đức Đalai Lama có phải là hiện thân cuối cùng của ngài Lama, hay là ngài sẽ vẫn là hiện thân tới của Dalai Lama?


Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels (tháng 7, 2013). Đăng ngày 7/11/2015.

Truyền thống Dalai Lama (Đạt lai Lạt ma) sẽ tiếp tục, một phần là vì dân tộc Tây tạng chưa sẵn sàng, hoặc chưa muốn, từ bỏ truyền thống này. Tuy nhiên, vị Dalai Lama hiện tại đã bày tỏ mong muốn được nhìn thấy một sự chuyển vọt trong dân tộc Tây tạng. 

Nhưng rất có thể là dân tộc Tây tạng sẽ không sẵn lòng tiến lên một bước trong tâm thức như Dalai Lama đã bước và chứng tỏ cho dân tộc của ông được thấy. Dân tộc Tây tạng còn quá gắn bó với truyền thống đến độ nếu dòng sống đang là Dalai Lama hiện tại không tái hiện thân trong một xác thân Tây tạng, thì họ cũng sẽ “tìm ra” một hiện thân khác mà họ tin là Dalai Lama đích thực.

Thật ra đã không có sự nối tiếp không gián đoạn của một dòng sống duy nhất hiện thân suốt chiều dài lịch sử xứ Tây tạng. Mấy lần rồi đã có sự đổi thay và rất có thể là sẽ có thêm thay đổi trong tương lai.

Mọi sự đều tùy thuộc vào quyền tự quyết của con người. Cho nên Đalai Lama hiện thời đã có bày tỏ ý muốn tái đầu thai như là một phụ nữ tại phương Tây trong kiếp tới. Tất nhiên đây là quyền quyết định của ông, nhưng ta cũng muốn nói thêm là vị Dalai Lama hiện tại đã hội đủ điều kiện để thăng thiên.

Động đất ở Trung quốc có là quả báo cho việc chiếm đóng Tây Tạng?

Hỏi: Thưa thày Giê-su, nữ diễn viên người Mỹ Sharon Stone đã đưa ra nhận xét trong liên hoan điện ảnh Cannes rằng trận động đất xảy ra gần đây ở Trung quốc [năm 2010] có thể là quả báo cho cách đối xử của chính quyền Trung quốc đối với dân tộc Tây Tạng. Xin thày cho biết quan điểm của thày về việc này. Ngoài ra, tại sao lời tuyên bố của cô Sharon Stone lại gây ra quá nhiều tức giận và chế nhạo đến vậy?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Trước tiên, hãy để ta nói cho thật rõ: Để có thể có một sự xoay chuyển trong tâm thức tập thể thì điều tuyệt đối cần thiết là những ai ở một địa vị được công chúng lắng nghe phải có can đảm lên tiếng, phải can đảm đưa ra những nhận xét tạo xốc hầu mọi người có thể suy nghĩ vượt ra khỏi hộp tư duy hiện thời. Trong nhãn quan này, thật không mấy quan trọng nếu các lời tuyên bố có thể được xem là chính đáng và thận trọng hay không – cho dù chúng có thể xác thực theo một nghĩa tối hậu nào đó. Bởi vì mục đích của lời tuyên bố là để lay chuyển mọi người, lay chuyển những ai có tâm chưa hoàn toàn khép kín để họ suy nghĩ một cách mới mẻ về một vấn đề.

Cho nên ta phải khen ngợi Sharon Stone và một số diễn viên danh tiếng khác như Richard Gere và Harrison Ford, đã có can đảm hỗ trợ đức Đạt lai Lạt ma cùng chính nghĩa của người Tây Tạng, đến độ họ phải chịu thiệt hại trong sự nghiệp cùng thu nhập của họ. Thật là một thực tế đáng buồn trên hành tinh này khi những ai có điều gì quan trọng để nói lên thường khó lòng được giới truyền thông lắng nghe, trong khi một số nhân vật nổi tiếng khác lại được báo chí đăng tải rầm rộ những lời nói nông cạn nhất. Vì vậy thật vô cùng cần thiết và đáng khen khi có những người đã đạt được tư thế nổi danh lên tiếng về một chính nghĩa có thể đem lại sự thay đổi.

Bây giờ hãy để ta trả lời câu hỏi, liệu trận động đất gần đây có phải là quả báo cho cách chính quyền Trung quốc đối xử với người Tây Tạng hay không. Trước hết, Sharon Stone đã can đảm bày tỏ công khai ý tưởng rằng một thảm họa thiên nhiên quả thực có thể là hậu quả của hành vi con người – một ý tưởng rất dễ đoán trước là cô ta sẽ bị người ta chế nhạo tại phương Tây. Bởi vì như Mẹ Mary có giảng, nhân loại rất cần thức tỉnh nhìn ra sự thật là có một mối liên hệ giữa trạng thái tâm thức loài người và các tai họa “tự nhiên”.

Tất nhiên một quốc gia có thể phải nếm mùi thiên tai do hành vi của kẻ lãnh đạo quốc gia đó, như được thấy qua ví dụ trận bão Katrina ở Hoa Kỳ [năm 2005]. Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể này, thật không chính xác khi bảo rằng trận động đất này là quả báo cho cách hành xử của Trung quốc chống lại Tây Tạng. Đây là một trường hợp mà cô Sharon Stone, mặc dù ý định của cô rất tốt, đã quá chú mục nhìn thế giới từ góc cạnh của cô và đặt dân tộc Tây Tạng ở ngay trung tâm cái nhìn đó.

Sự thật là trận động đất gần đây ở Trung quốc không phải là quả báo cho cách hành xử của chính quyền đối với dân tộc Tây Tạng mà đối với một tập thể khác – một tập thể thường bị phương Tây lãng quên khi nhìn vào Trung quốc. Và nếu con bị khó khăn không nhận diện ra tập thể này, thì điều đó càng chứng minh điểm ta muốn nói. 

Sự thật là trận động đất vừa rồi là nghiệp báo cho cách đối xử của chính quyền Trung quốc đối với chính dân tộc Trung quốc!

Hiển nhiên chính quyền Trung quốc đã đàn áp người dân Tây Tạng, nhưng chẳng phải là họ cũng đã đàn áp chính nhân dân họ ở cùng một mức độ hay sao? Liệu người dân Trung quốc không xứng đáng được thương xót và giúp đỡ một cách bình đẳng để họ tự do hay sao?

Nếu điều này đã rõ thì ta sẽ nhận xét thêm về câu hỏi, liệu có bất công hay không khi người dân Trung quốc phải hứng chịu hậu quả những hành vi của chính quyền họ – khi chính quyền này áp bức họ. Thực tế là ở mọi quốc gia, chính quyền là sự thể hiện của tâm thức quần chúng. Cho nên một nước không thể có chính quyền áp bức trừ khi trong tâm thức quần chúng cũng có một xu hướng phục tùng, không chịu lãnh trách nhiệm về cuộc sống của mình lẫn về đất nước của mình.

Do đó ngay cả ở các quốc gia độc tài nhất vẫn có một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa kẻ cai trị áp bức và quần chúng chấp nhận áp bức. Chỉ khi nào có một túc số tới hạn những con người quyết định nhận lãnh trách nhiệm về vận mạng của mình – và họ vươn lên cao hơn cái tâm thức đã khiến cho kẻ áp bức nắm được chính quyền – thì mới có một sự xoay chuyển quyết định trong hình thức chính quyền.

Và chót hết, ta sẽ nhận xét thêm về lý do tại sao lời tuyên bố của Sharon Stone lại gây ra nhiều tức giận tại Trung quốc và nhiều chế nhạo tại phương Tây đến như vậy. Lý do thật giản dị là vì ở cả hai vùng này của thế giới, có một tỷ lệ rất cao đã được nuôi dạy trong triết lý duy vật, một triết lý phản tâm linh. Theo đó, con người có thể tránh né hậu quả việc làm của mình, hoặc hành động của một người không có hậu quả gì hết ngoại trừ những gì thấy được ngay lập tức.

Như thày Maitreya có giải thích trong sách của thày [Master Keys to Spiritual Freedom], việc phủ nhận hậu quả như vậy là sự biến thái tha hóa cùng cực của quyền tự quyết. Thượng đế đã cho phép địa cầu – do độ dày đặc của vật chất ở đây – trở thành một hành tinh nơi con người có thể phủ nhận sự hiện hữu của ngài, và qua đó cũng phủ nhận các định luật của ngài. Điều này là để cho phép những dòng sống nào muốn tách biệt khỏi Thượng đế có cơ hội làm như vậy, với hy vọng là rốt cuộc họ sẽ chán chê chuyện đó và quay trở về với thực tại.

Thế nhưng một số những người đó đã tự thuyết phục mình – và cũng đang nỗ lực thuyết phục mọi người khác trên địa cầu – rằng thật ra không có Thượng đế, cho nên họ mới có cái mà họ tưởng là tự do tối hậu, tức là tự do làm bất cứ gì họ muốn mà không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả nào. Tuy nhiên như thày Maitreya giải thích, nếu không có hậu quả thì cũng không có quyền tự quyết, bởi vì nếu chọn lựa của con không mang lại hậu quả thì kỳ thực con đã không chọn lựa gì hết.

Vì vậy thực tế trên địa cầu là sẽ có một thành phần trong quần chúng bác bỏ kịch liệt sự kiện hành vi của con người có thể đem lại hậu quả cho thân thể của hành tinh, hoặc hành tinh có thể đáp trả lại hành vi của con người qua các thiên tai. Những người đó sẽ chế nhạo một cách ác độc bất cứ ai lên tiếng phản đối thế giới quan ích kỷ và tương đối của họ, và họ càng ích kỷ bao nhiêu thì sự chế nhạo sẽ càng cuồng nhiệt bấy nhiêu. Bởi vì CHỈ CÓ lòng ích kỷ mới có thể khiến cho con người từ chối xét xem hành động hay trạng thái tâm thức của mình có thể đem lại hậu quả tác động đến những thành phần khác của sự sống. Tất nhiên, chỉ có lòng ích kỷ đã khiến cho các dòng sống đó muốn tách rời khỏi Thượng đế cùng Thân thể của ngài.

Nhưng những ai đã bắt đầu khắc phục được lòng ích kỷ của mình cũng đã bắt đầu nhìn ra là mọi người trên trái đất đều là một phần của cùng một tổng thể rộng lớn, cho nên họ đang vượt ra khỏi tâm thức của Cain để nhìn nhận rằng quả thực họ là người canh giữ cho anh em mình. Và do đó, thật là chính đáng để có một phong trào “Tây Tạng tự do”, nhưng cũng chính đáng không kém là có một phong trào “Trung quốc tự do”. Bởi vì nếu con có thể giải phóng dân tộc Trung quốc khỏi cái tâm thức áp bức-phục tùng kia, thì con có nghĩ là vấn đề Tây Tạng cũng sẽ được giải quyết cùng một lượt hay không?

Về khía cạnh này, điều vô cùng quan trọng là người tâm linh cần nâng cao cách hiểu của mình về nghiệp quả để vượt ra khỏi truyền thống xem nghiệp quả là sự trừng phạt. Nếu con có một quả bóng và cứ thổi thêm hơi vào quả bóng thì cuối cùng nó sẽ nổ tung, nhưng liệu quả bóng nổ có phải là sự trừng phạt của một Thượng đế tức giận hay không? Không. Kỳ thực nhân loại đang không ngừng đổ thêm năng lượng ở tần số thấp vào trường năng lượng của thân thể hành tinh, và một khi áp suất trở nên quá lớn thì một cái gì đó phải nổ tung để giải áp. Vì nếu áp suất không được giảm bớt một cách lần hồi qua các pháp tu tâm linh – ví dụ như các bài chú hay bài thỉnh của Mẹ Mary – thì nó sẽ bùng nổ dữ dội và nhiều người sẽ bị thiệt hại.

Và mặc dù người ta có chiều hướng chú tâm vào những thiệt hại cho con người, đây vẫn không phải là một sự trừng phạt. Đây chỉ là kết quả không thể tránh khỏi của hành vi con người. Và vì vậy nghiệp quả luôn luôn là một vị thày – nghiệp quả chỉ duy nhất là một vị thày. Nghiệp quả là một nỗ lực nhằm dạy dỗ con người rằng mọi hành động, kể cả những “hành động” tâm lý, đều mang hậu quả. Cho nên luôn luôn có sự mong mỏi là một khi con người nếm mùi hậu quả thì họ sẽ thức tỉnh, sẽ nhận lãnh trách nhiệm về bản thân mình và quyết định thay đổi.

Tất nhiên trong nhiều trường hợp, chính cái tâm thức đã khiến cho con người tạo nghiệp sẽ ngăn cản họ thấy được nghiệp báo như một bài học. Khi nào con người còn bịt tai không muốn nghe các vị thày tâm linh của mình, thì không còn cách nào khác để dạy cho họ ngoài việc cho phép họ gặt hái nghiệp báo – hết lần này tới lần khác cho đến khi họ bắt đầu tự hỏi: “Không hiểu có cách nào khác hay hơn chăng? Có phải chính tôi là người phải thay đổi? Đâu là cái xà trong mắt tôi mà tôi chưa nhìn thấy?”