Tư duy đằng sau bạo lực tại Hoa Kỳ

Hỏi: Hôm thứ hai vừa rồi, thống đốc tiểu bang California đã ký một dự luật chống bạo loạn nhằm bảo vệ các cơ quan thực thi pháp luật, trấn áp các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn. Việc này phần nào có thể là để đối phó với những cuộc bạo loạn ở các thành phố Mỹ vào mùa hè năm ngoái. Phần đáng lo ngại nhất trong dự luật này là quyền miễn truy tố dân sự đối với những ai lái xe đâm vào người biểu tình làm nghẽn đường phố. Gần đây những vụ xả súng hàng loạt đã gia tăng đáng kể tại Hoa Kỳ. Mức độ bạo lực có vẻ đang leo thang. Các quan chức được bầu lên đáng lý phải nỗ lực giảm thiểu sự căng thẳng, nhưng dự luật mới này có vẻ mang tiềm năng làm cho vấn đề tệ hơn. Liệu có cách nào lật ngược tình thế theo chiều hướng tích cực để hạn chế bạo lực ở Hoa Kỳ hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 cho nước Nga. Đăng ngày 29/5/2021.

Đây là một đề tài phức tạp vì bạo lực ở Hoa Kỳ không chỉ có một nguyên nhân. Nếu chỉ bình luận hạn hẹp về biện pháp mới này của giới chính quyền, rõ ràng Hoa Kỳ cũng như một vài nền dân chủ khác, do mức bạo động và căng thẳng leo thang, đang bị buộc phải xét đến một số phương pháp không thực sự dân chủ.

Đây là điều con đã thấy xảy ra ở nhiều quốc gia độc tài là khi người dân bắt đầu phản đối chế độ thì chế độ đàn áp ngày càng mạnh tay hơn để giới hạn những cuộc phản kháng. Chắc chắn điều này đã và đang xảy ra ở Nga đây. Con thấy là ngay cả một số nước dân chủ cũng đã bị bạo động cùng căng thẳng leo thang bắt buộc họ phải ban hành những loại luật lệ hay phương pháp không thực sự dân chủ, không nên diễn ra ở một nước dân chủ.

Có nghĩa chăng là họ không nên làm vậy? À, họ cần làm môt cái gì đó để ngăn chặn bạo động – chuyện này thật rõ ràng ở một nước như Hoa Kỳ. Chẳng hạn như các thày có nói, mọi nước cần có biện pháp đối với loại phát biểu thù hận (hate speech) có thể nhanh chóng leo thang thành bạo hành thể xác.

Điều cốt yếu là như sau: đây là một vấn đề cần được thảo luận. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói lả bạo động đang buộc xã hội phải thảo luận, phải xem xét những vấn đề như: “Thế nào là phản ứng thích hợp trong một nước dân chủ?” Vì rõ ràng một khi con bước vào chu kỳ áp đặt những hạn chế bằng vũ lực thì nó sẽ ngừng ở đâu? Con phải đi xa tới đâu? Như con đã chỉ ra chính xác, một cách tiếp cận xây dựng hơn là nhìn vào nguyên nhân của sự căng thẳng. Làm thế nào xuống thang đây?

Tất nhiên đây là điều mà chính quyền Mỹ hiện thời biết rõ và mong muốn thực hiện trong khả năng của mình – một sự tương phản nổi bật so với chính quyền trước chỉ lo khích động thêm các mối căng thẳng thay vì xuống thang. Điều này không có nghĩa là chính quyền hiện thời sẽ thành công to lớn, vì bạo lực ở Hoa Kỳ là một vấn đề vô cùng phức tạp.

Đây là một vấn đề đi ngược trở về thời lập quốc, như các thày đã từng trình bày, khi Hoa Kỳ đã không thăng vượt được ý muốn sử dụng bạo lực cùng vũ lực để đạt bất kỳ mục tiêu nào, cho dù là muc tiêu cá nhân hay mục tiêu chính trị. Giải pháp lâu dài là Hoa Kỳ phải thăng vượt tư duy này như các nước dân chủ khác đã làm được. Lấy một ví dụ gần gũi nhất, con có thể nhìn về phía bắc biên giới với Canada, là một nước đã tiến xa hơn nước Mỹ trong lãnh vực này, và một số quốc gia châu Âu còn tiến xa hơn nữa.

Tiến trình này sẽ tốn thời gian. Vấn đề thật sự ở đây là tình hình phải tồi tệ hơn bao nhiêu nữa trước khi nước Mỹ mới đột phá và sẵn sàng giải quyết nó? Nó là một cái gì đã ăn sâu vào tâm lý người Mỹ đến độ có những lúc bạo lực không những là chính đáng, mà bạo lực còn cần thiết và là lối thoát duy nhất.

Ta đã có đề cập về điểm này, ngay cả Chiến tranh Cách mạng cũng đã có thể được tránh khỏi. Hoa Kỳ vẫn đã có thể lập quốc mà không dùng đến bạo lực – sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng Hoa Kỳ đã có thể được thành lập mà không có bạo lực. Với trạng thái tâm thức vào thời điểm đó thì có lẽ không thể, nhưng về mặt lý thuyết, bạo lực đã có thể tránh được.

Sự thật ở đây là con có thể hoàn thành bất kỳ mục tiêu tích cực nào mà không dùng đến bạo lực. Nó có thể tốn thời gian hơn, nhưng nó có thể làm được. Vấn đề là tâm lý của người Mỹ không nhận ra điều này. Tâm lý người Mỹ có xu hướng bước vào một trạng thái mà chúng ta có thể gọi là trạng thái ám ảnh cưỡng chế, là khi con thấy một mục tiêu cần đạt được, con cần phải thực hiện nó ngay lập tức!

Đây chính là tư duy cuồng đại đó con. Nó phải thực hiện ngay lập tức! Và vì vậy, cứu cánh có thể biện minh cho phương tiện. Bạo lực và vũ lực được biện minh, vì nếu chúng ta không đạt được cứu cánh này ngay bây giờ thì mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn nữa. Con đã thấy rõ điều này được sử dụng như một công cụ khuynh loát bởi ông Donald Trump và chính quyền của ông: “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, mà thật ra là cố làm thế nào để duy trì sự thống trị của nam giới da trắng trên nước Mỹ, mà họ mô tả là đang bị đe dọa và sắp sửa biến mất nếu họ không làm gì đó ngay bây giờ. Nói cách khác, nếu họ không làm gì để thay đổi kết quả cuộc bầu cử thì họ chẳng còn đất nước để mà sống.

Đây là loại tư duy nằm bên dưới tất cả các hiện tượng bạo lực nói trên, ngay cả những vụ xả súng bởi những cá nhân. Đây là tư duy đã ăn quá sâu vào tâm lý người Mỹ đến độ nó thật sự cần một nỗ lực ý thức quyết tâm để bật được gốc rễ. Về mặt thực tế, nó sẽ tốn thời gian. Nhưng nó sẽ xảy đến. Nó là một phần của những gì cần xảy ra để Hoa Kỳ có thể bước vào và thị hiện Thời Hoàng kim. Ta có kế hoạch để nó xảy ra. Có nhiều người đã mở tâm ra cho viễn quan này và họ đang làm việc hướng tới mục đích này. Không phải tất cả những người này đều luôn luôn cân bằng, nhưng dẫu sao họ đang làm việc về hướng đó.

Nhưng câu hỏi đặt ra thực sự là như sau: Bạo động sẽ phải tồi tệ hơn đến chừng nào thì mới có một số lượng tới hạn những con người thức tỉnh, nói rằng: “Đủ rồi. Như vậy là đủ rồi.” Rõ ràng việc kiểm tra súng là một phần của vấn đề, nhưng không phải là giải pháp tối hậu. Giải pháp tối hậu là một cuộc xoay chuyển tâm thức lánh xa khỏi ý tưởng: “Bạo lực là chính đáng và cần thiết. Bạo lực là cách duy nhất để đem lại một thay đổi quyết định, và chúng ta phải thực hiện thay đổi, và chúng ta phải thực hiện ngay bây giờ.” 

Đây là một phiên bản của tư duy cuồng đại, và chúng ta có thể nói là tư duy này đã dẫn đến việc thành lập quốc gia Hoa Kỳ vào thời buổi đó. Như ta vừa trình bày, Hoa Kỳ đã chưa thăng vượt được tư duy đó, và chừng nào chưa thăng vượt thì Hoa Kỳ sẽ không thể bước sâu hơn vào Thời Hoàng kim. Đó chính là lý do con đang thấy một sự trì trệ nào đó trong nhiều lãnh vực của xã hội Mỹ. Trong khi đó, con thấy một số quốc gia khác vẫn đang tiến bước vì họ không có vấn đề này để đối phó.