Giáo lý Advaita

Hỏi: Giáo lý của Advaita ở phương Đông gần gũi như thế nào với giáo lý cuả các chân sư thăng thiên về cái Ta Biết? Liệu có vị thày nào của Advaita đã thăng thiên trong 200 năm qua?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels trong Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 8/9/2020.

Các giáo lý của Advaita rất gần với giáo lý mà chúng tôi đã truyền giảng, không những về cái Ta Biết mà về cả nhị nguyên, bất nhị cũng như tư duy cuồng đại. Các giáo lý này không hẳn là đặc thù và cũng không liên hệ đến một số điều kiện cụ thể trên địa cầu như giáo lý mà chúng tôi đang giảng dạy. Tuy nhiên, các giáo lý này ngay từ đầu đã nhận được linh hứng từ các chân sư thăng thiên, và trong 200 năm qua, một số vị thày của Advaita đã thăng thiên, kể cả vị sau cùng là Ramana Maharshi.

Nhị nguyên không liên hệ hay tùy thuộc vào không gian

Hỏi: Con xin nói về nhị nguyên, không phải về ý niệm tốt xấu mà về ý niệm không gian. Đôi khi con có thể làm tan biến khoảng cách giữa chính mình và vật mình nhận thức – tức là tiến trình khách quan hóa, vật hóa (objectification) – và con thấy tất cả đều xảy ra trong khoảng không gian mà TA LÀ. Ngoài ra cũng có sự kiện con tách xa khỏi trải nghiệm qua việc cách ly và làm tan biến trải nghiệm, khi con nghiệm thấy là tất cả những gì ở trong con cũng là chính con như một tâm thức. Có rất nhiều lời dạy về làm thế nào chúng con có thể vượt khỏi thời gian bằng cách sống trong hiện tại vĩnh cửu. Vậy có lời dạy nào hay không để giúp chúng con xóa tan ảo tưởng không gian?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 6/9/2020.

Nhị nguyên tự thân nó không dính dáng gì đến không gian. Nhị nguyên không liên hệ với không gian hay tùy thuộc vào không gian. Tự thân không gian không nhị nguyên. Hiển nhiên, theo một nghĩa nào đó, không gian có thể khuyến khích nhị nguyên vì không gian cho con trải nghiệm mình là một sinh thể địa phương cục bộ, nhìn mọi vật từ một góc nhìn đặc thù trong không gian. Thậm chí nó còn cho con một cảm giác vị trí vật lý nhất định khi con xoay 360 độ và nhìn quanh cơ thể vật lý của mình.

Điều này có thể cho con cảm giác: “Đây là tôi, và ở đó là cái gì khác. Cái đó nằm ở ngoài tôi,” khiến có nhiều xác suất con sẽ chấp nhận những quan điểm nhị nguyên, nhưng nền tảng của nhị nguyên là sự hiện hữu của hai đối cực rồi thêm vào đó một sự phán xét giá trị. Tự thân nó, không gian không mang một phán xét giá trị nào.

Các thày đã có trao truyền, đặc biệt là thày Gautama, nhiều lời dạy về không gian, và con có thể tìm các bài truyền đọc này để học hỏi. Đây là những giáo lý có thể giúp con có một tầm nhìn khác hơn về không gian.

Đưa má bên kia

Hỏi: Đưa má bên kia? Làm thế nào con đưa má bên kia ra trong một tình huống con bị người ta tấn công bằng lời nói hay đối xử vô lễ? Có phải đó là giữ im lặng trong hoàn cảnh đó và rút lui nếu có thể, và cứ để yên như vậy? Khi con không đáp trả lại thì con không tự bênh vực mình được chút nào.



Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 19/12/2019.

Khi còn nhìn ngược dòng lịch sử, có lẽ ít lời dạy nào của ta đã bị hiểu lầm và bị diễn giải lầm như câu nói về “đưa má bên kia”. Câu hỏi đã được đặt ra bởi những người đã cố làm theo lẫn những người cho là họ không nên làm theo, và ở cả hai bên cuộc tranh luận, hầu hết ai ai cũng cho rằng việc đưa má bên kia có nghĩa là mình không làm gì cả, là mình thụ động, hay mình rút lui khỏi tình thế. Ở một mức tâm thức nào đó, cách diễn giải này quả là hữu lý.

Hãy thử nhìn thế này, con đang bị người ta tấn công qua lời nói và người kia phóng về phía con rất nhiều năng lượng tiêu cực. Giả thử con ở một mức tâm thức với đủ loại ngã tách biệt trong con, nghĩa là cách đáp ứng tình thế duy nhất của con là gửi trả ngược về người kia những gì họ phóng tới con. Nói cách khác, con sẽ leo thang cuộc tranh cãi, con sẽ gây thêm tranh cãi thậm chí có thể dẫn đến xô xát tay chân. Cho nên đứng từ góc cạnh không muốn tạo nghiệp quả tiêu cực, sẽ tốt hơn nếu con rút lui khỏi tình thế thay vì leo thang. Ở một mức tâm thức nào đó, cách cư xử như vậy có thể là một cách diễn giải hữu lý – tốt hơn là con nên rút lui thay vì leo thang một tình huống chỉ có thể dẫn đến một phương trình với càng ngày càng nhiều năng lượng và nghiệp quả tiêu cực.

Tuy nhiên, cách nhìn cao hơn trong một tình huống như vậy tất nhiên là con hãy tự xem xét mình, xem xét cách phản ứng của mình, và nếu con thấy mình đang có một phản ứng không bình an thì con nhận ra là nó đến từ một ngã tách biệt, cho nên con rút lui khỏi tình huống để làm việc trên ngã tách biệt đó. Nhưng sau khi con đã làm việc trên ngã tách biệt và để cho nó chết đi, con đạt tới điểm là tuy con bị người ta tấn công qua lời nói và bị xỉ vả, con vẫn không có phản ứng nào trong con, và ở điểm đó con sẽ không nên giữ im lặng, con không nên rút lui mà con nên lên tiếng. Nhưng con lên tiếng từ sự bình an nội tâm của con, cho nên thay vì phản ứng lại người kia, con sẽ chỉ đơn giản nói lên từ một nhãn quan trung hòa, và chính điều này sẽ cho phép con lên tiếng một cách hoàn toàn khác.

Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là người kia sẽ thay đổi vì con đã không phản hồi lại theo cách họ chờ đợi. Con sẽ thấy là trong nhiều trường hợp, khi người ta tấn công ai đó dù bằng lời nói hay cách nào khác, người ta thường chờ đợi một sự phản ứng nào đó. Và điều xảy ra – và con có thể thấy được điều này điễn ra trong lịch sử thế giới, như tại vùng Trung đông chẳng hạn – là một phe tấn công phe kia, rồi phe kia tấn công lại, thế là giờ đây phe đầu tiên cảm thấy là mình đã rất chính đáng: “Việc chúng tôi tấn công họ là chuyện chính đáng bởi vì phản ứng của họ cho thấy họ là những kẻ bạo lực hung hãn, và do đó họ xứng đáng bị chúng tôi tấn công”. Đây là cách người ta thường phản ứng.

Do đó khi có ai xỉ vả con, họ chờ đợi là con sẽ phản bác lại, con sẽ tự bênh vực, con sẽ buộc tội ngược trở lại, và nếu con không làm vậy mà lại lên tiếng từ một góc độ trung hòa, thì người kia có thể được biến đổi và họ thay đổi cách cư xử của họ.

Trong một số trường hợp khác, cư xử của con sẽ không ảnh hưởng được họ, và họ tiếp tục hung hãn. Trong trường hợp này, con trở thành công cụ cho sự phán xử của Ki-tô, và bây giờ họ sẽ nhận được phán xử của Ki-tô về hành vi hung hãn của họ.

Có thể nói là nếu người kia không được biến đổi do con đã lên tiếng từ một nội tâm an bình và một nhãn quan trung hòa, thì con không cần phải tiếp tục cho phép họ miệt thị hay tấn công con nữa. Khi đó con có thể rút lui, nhưng trước tiên con nên nói cho thật rõ và thật bình tĩnh những gì con nghĩ về cách cư xử của họ, rằng con không chấp nhận cách cư xử đó, rằng con sẽ không chịu đựng chuyện đó, và vì vậy con sẽ rút về nếu họ cứ tiếp tục như vậy. Đó là ý nghĩa việc chìa má bên kia.

Và ý nghĩa đích thực là thay vì đáp trả lại trong tâm thức phàm phu qua ngã tách biệt, con hành động trong tâm thức Ki-tô từ nhãn quan Ki-tô. Cho dù con có thể rút lui khỏi tình thế hay con trở nên thụ động và người ta tiếp tục công hãm con, điều này vẫn có thể đem lại phán xử của Ki-tô, và do con trụ vững trong tâm an bình, con đem lại sự phán xử đó ở một mức cao hơn hẳn.

Về việc chìa má bên kia

Hỏi: Chìa má bên kia? Làm thế nào con chìa được má bên kia khi con bị người ta tấn công bằng lời nói hay bị làm nhục? Có phải là con nên giữ im lặng và rút ra khỏi tình huống nếu có thể, và để mặc cho nó như vậy? Con sẽ không tự vệ chút nào bằng cách không đáp trả?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 19/12/2019.

Nếu con nhìn trong lịch sử, có lẽ có ít lời phát biểu nào của ta mà lại bị hiểu lầm, bị diễn giải sai lạc như câu nói về việc chìa má bên kia. Vấn đề đã được đặt ra bởi cả những người chọn làm theo lẫn những người cãi lại không nên làm theo, và trong cả hai phe, hầu hết đều cho rằng chìa má bên kia có nghĩa là con không làm gì hết, con thụ động, hay con rút lui khỏi tình huống. Ở một mức tâm thức nào đó, đây quả là một cách diễn giải hợp lý.

Hãy thử nói thế này. Con bị người ta tấn công bằng lời nói và người kia đang phóng tới con rất nhiều năng lượng tiêu cực. Con ở một tầng tâm thức nào đó và con mang nhiều cái ngã tách biệt khác nhau. Có nghĩa là cách trả lời duy nhất mà con có thể đối với tình huống là gửi trả lại những gì người ta gửi cho con. Nói cách khác, con sẽ leo thang cuộc đối đáp, con sẽ phóng ra một lập luận có thể dẫn đến cả chuyện xô xát bằng tay chân. Cho nên từ một góc cạnh không muốn tạo nghiệp tiêu cực, tốt hơn là con nên rút lui khỏi tình huống thay vì leo thang. Ở tầng mức tâm thức này, đó có thể là một cách diễn giải hợp lý: Thà rút lui còn hơn là leo thang một tình thế chỉ có thể dẫn đến một phương trình mang nhiều năng lượng tiêu cực và nhiều nghiệp hơn.

Tuy nhiên, cách nhìn cao hơn tất nhiên là trong tình thế đó, con nhìn vào bản thân mình, con nhìn vào các phản ứng của mình, và nếu con tìm thấy một phản ứng không an bình thì con nhận ra là nó đến từ một ngã tách biệt, xong con rút lui khỏi tình huống để làm việc với ngã tách biệt này. Nhưng một khi con đã làm việc với các ngã tách biệt và để chúng chết đi, con sẽ đạt tới điểm con có khả năng bị người khác tấn công bằng lời nói, bị họ hiếp đáp, mà vẫn không có phản ứng nào bên trong con. Tới điểm đó, con không nên giữ im lặng, con không nên rút lui, mà con nên lên tiếng, nhưng con lên tiếng từ sự an bình, cho nên thay vì phản ứng lại người kia, con chỉ đơn giản lên tiếng từ nhãn quan trung hòa đó, và chính điều này cho phép con lên tiếng một cách hoàn toán khác lạ.   

Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là người kia sẽ thay đổi vì con đã không đáp trả theo cách họ chờ đợi con đáp trả. Con sẽ thấy là trong nhiều trường hợp, người ta thường tấn công người khác bằng lời nói hay bằng bất kỳ cách nào khác, và người ta chờ đời sẽ nhận được một phản ứng ngược lại. Điều này luôn luôn xảy ra, và con có thể thấy chuyện này trong lịch sử thế giới, chẳng hạn tại vùng Trung Đông khi một bên tấn công bên kia thì bên kia phản công lại, thế là bên đã khởi đánh cảm thấy mình thật có lý: “Thật là hữu lý chúng ta tấn công bọn chúng, vì sự phản công của chúng cho thấy chúng là loại người tàn bạo, cho nên chúng xứng đáng bị tấn công.” Đây là cách người đời đáp trả.

Cho nên khi có ai đó tấn công con bằng lời nói, họ chờ đợi là con sẽ cãi lại, con sẽ tự vệ, con sẽ tấn công ngược lại, và nếu con không làm vậy mà lại nói chuyện từ một nhãn quan trung hòa, thì đôi khi họ không biết phải làm gì. Trong một số trường hợp, có những người sẽ được biến đổi bởi cách cư xử của con và họ thay đổi cách cư xử của họ. Trong một số trường hợp khác, sẽ không có tác dụng gì trên họ và họ sẽ tiếp tục hung hãn. Nhưng trong trường hợp này, con trở thành dụng cụ cho sự phán xử của Ki-tô, tức là người kia bây giờ sẽ nhận được phán xử Ki-tô do cách hành xử hung hãn của họ.

Chúng ta có thể nói là nếu người kia không thay đổi khi con đã lên tiếng từ trạng thái an bình và nhãn quan trung hòa, thì con không cần tiếp tục cho phép họ tấn công hay hiếp đáp con nữa. Sau đó con có thể rút lui, nhưng trước tiên con nên phát biểu một cách thật rõ ràng và bình tĩnh cái nhìn của con về cách hành xử của họ, rằng con không chấp nhận cách hành xử đó, con sẽ không cho phép mình phải chịu đựng nó, và do đó con sẽ rút lui nếu họ cứ tiếp tục. Đây chính là ý nghĩa của việc chìa má bên kia.

Nó có nghĩa là thay vì phản ứng lại với tâm thức phàm phu, với ngã tách biệt, con hành động với tâm thức Ki-tô từ tầm nhìn của Ki-tô. Cho dù con có rút lui khỏi một tình thế hay trở nên thụ động trong tình thế đó và người ta tiếp tục tấn công con – và điều này cũng có thể đem lại phán xử Ki-tô – nhưng con đem lại phán xử này từ một tầng cao hơn vì con đến từ trạng thái an bình.

Tại sao gọi là trung đạo?

Hỏi: Chúng con biết rằng lời dạy của đức Phật về trung đạo không phải là trung điểm nằm giữa hai đối cực nhi nguyên. Con thắc mắc không hiểu tại sao lại gọi là trung đạo?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Chúng tôi, các chân sư, có giải thích nhiều lần là khi giảng dạy, chúng tôi không tìm cách đưa ra lời dạy cao nhất có thể được. Lý do là vì chúng tôi không giảng dạy trong khuôn khổ cái cao nhất, bởi vì tất nhiên, đó là một khái niệm nhị nguyên có cao, có thấp và có sự so sánh. Điều chúng tôi đưa ra là một lời dạy thích hợp với những người mà chúng tôi cố chạm được. Và chúng tôi phải thích ứng lời dạy cho hợp với văn hóa của họ, với hệ thống tín ngưỡng của họ, với trạng thái tâm thức của họ.

Cho nên vào thời khi ta truyền giảng các giáo lý của đạo Phật, tình thế chung là xã hội Ấn giáo đã trở nên xơ cứng do bao nhiêu lớp xây dựng ngụy tạo của người Bà la môn được đúc lại thành một con đường vỏ ngoài đầy nghi thức. Nhưng song song, Ấn độ cũng có một truyền thống lâu đời các vị khổ hạnh rút lui khỏi xã hội, tu tập hành xác với đủ mọi cách thức tra tấn xác thân cực đoan, gần như là để trừng phạt cơ thể đã giam cầm tâm trí mình bên trong.    

Và như vậy mục đích của ta là thu hẹp khoảng cách, vì nhiều người tâm linh thời bấy giờ cho rằng họ phải lựa chọn đi theo hoặc cực đoan này hoặc cực đoan kia. Và như chính ta đã ngộ ra, cả hai cực đoan đều không dẫn tới giác ngộ. Nhưng giác ngộ phải tìm được ở đâu đó, không phải ở giữa, mà trong một hướng nhìn mới.  

Cho nên vào thời điểm đó, khái niệm trung đạo, nhất là trong văn hóa phương Đông, không mang cùng ý nghĩa mà con thấy thời nay tại phương Tây. Tâm trí người Tây phương suy nghĩ theo lối đường thẳng hơn, và vì thế họ nghĩ tưởng trung đạo là trung điểm, là điểm ở giữa hai đối cực. Nhưng đối với tâm người Đông phương, nhất là vào thời buổi đó, trung đạo mang một khái niệm khác, một sắc thái khác về một cái gì đó vượt ra ngoài, vượt khỏi mọi cái nhìn cũ.

Loại bỏ cái ác khỏi địa cầu mà không giao chiến với nó

Hỏi: Giê-su Ki-tô yêu dấu, con hoàn toàn yêu thích tất cả những gì con đọc được trong sách của ông Kim cho tới nay, nhưng con có câu hỏi về cái ác. Trong quyển “Ki-tô sinh ra trong bạn” (The Christ is Born in You) trang 214, có viết rằng con người không thể loại bỏ cái ác khỏi địa cầu. Con hiểu được sự so sánh với một căn phòng nơi mình không thể loại bỏ bóng tối khỏi phòng mà chỉ có thể đem ánh sáng vào phòng (thật là chí lý). Tuy nhiên, không phải là một số phong trào tâm linh cũng nói một điều tương tự về cái ác hay sao? Hay là chúng con (những con người) không thể loại bỏ cái ác khỏi địa cầu, mà những bài chú và tâm thức nâng cao của chúng con sẽ đem lại ánh sáng cũng như cơ hội cho các chân sư loại bỏ cái ác khỏi cõi trung giới, và như vậy cũng loại bỏ khỏi cõi vật lý, để lại một khoảng trống mà chúng ta cần lấp đầy với ánh sáng?

Ngoài ra thày cũng có nói là không một hành vi xấu ác nào đã từng xảy ra trên hành tinh này. Con thắc mắc về sự Sa ngã của Lucifer cùng những thiên thần khác đã hiện thân làm người. Không phải là họ có ý định ngăn cản những Đứa con của Thượng đế hoàn thành quả vị Ki-tô và đạt được hợp nhất với Hiện dịên TA LÀ của mình hay sao? Rồi âm mưu đánh phá, không những giới trẻ, mà mọi đứa con của Thượng đế, hình như là một chọn lựa ý thức để sử dụng quyền tự quyết hầu cố tình làm ác (tức là đi ngược lại quy luật của Thượng đế) chứ không nhất thiết là hành vi thiếu hiểu biết. Có vẻ là các Thiên thần Sa ngã đã biết rõ, và bây giờ vẫn biết, họ đang làm gì, và không phải sự vô minh do tâm nhị nguyên đã khiến họ hành xử như vậy. Hiển nhiên là sự suy luận của con có điều gì không đúng, bởi vì thày có nói là không một hành vi xấu ác nào đã xảy ra trên địa cầu. Vậy sự hiểu biết của con thiếu sót chỗ nào trong vấn đề này? Xin cảm ơn thày rất nhiều đã dành thì giờ để làm rõ điều này cho con, con thật biết ơn.   


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Một trong những thông điệp chính trên trang mạng của ta là con người đã rơi vào một trạng thái tâm thức nơi họ nhìn mọi sự qua phin lọc của những đối cực tương đối. Một cặp đối cực đã khiến con người nhìn thực tại một cách méo mó là cặp đối cực thiện và ác.

Như đã giải thích ở nhiều nơi trên trang web này, có những tà lực đang tìm cách đánh lừa nhân loại. Một vũ khí chủ yếu mà tà lực sử dụng là tạo ra hai lực lượng  chống đối lẫn nhau, một tượng trưng cho cái thiện tương đối, và một tượng trưng cho cái ác tương đối. Rồi chúng tìm cách lừa gạt cho con người ủng hộ cái này hay cái kia.

Vì vậy mà con người đã cống hiến cả mạng sống lẫn sức lực của mình để chiến đấu cho những sự nghiệp không bao giờ là chính nghĩa của Thượng đế. Ngay từ buổi đầu đã có một sự nghiệp khởi lên từ hai đối cực tương đối là thiện và ác, và vì vậy không liên quan gì tới chính nghĩa của cái thiện tuyệt đối mà các chân sư thăng thiên theo đuổi.

Vấn đề con thấy suốt các thời đại là nhiều người tâm linh có thiện chí đã cho phép mình bị lôi cuốn vào cuộc xung đột giữa thiện tương đối và ác tương đối. Nhiều người vô cùng tha thiết phụng sự Thượng đế, và họ thấy trên hành tinh có một thế lực đang chống lại ý muốn Thượng đế. Họ suy ra rằng việc chiến đấu chống lại cái ác là một tiếng gọi cao thượng, thánh thiện, và khi làm vậy họ sẽ thăng tiến chính nghĩa của Thượng đế trên địa cầu. Vấn đề ở đây là họ dễ dàng bị đánh lừa khiến họ rơi vào hệ thuyết căn bản của tà lực, đó là: cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Những người này thường hay trở nên cuồng tín, họ phẫn nộ và thù ghét xấu ác. Khi làm vậy, họ khiến cho năng lượng của Thượng đế bị tha hóa. Như ta đã giải thích khắp trang mạng này, các tà lực chỉ có thể sống sót khi chúng lừa gạt cho con người làm tha hóa năng lượng Thượng đế hầu chúng đánh cắp năng lượng đó. Cho nên ngay cả khi con người tưởng rằng mình đang chiến đấu cho chính nghĩa của cái thiện, thì sự tha hóa năng lượng đã thực sự hỗ trợ sự nghiệp của cái ác.

Ta mong rằng qua chuyện ngụ ngôn về việc loại bỏ bóng tối khỏi căn phòng, con người sẽ nhìn xuyên thấu sự lừa bịp này. Sự thật đơn giản là con người là nô lệ của sự chú tâm. Bất kỳ con chú tâm vào điều gì, điều đó sẽ nhận được dòng năng lượng xối qua tâm thức con. Ta không đang nói là con phải nhắm mắt bỏ qua cái ác. Điều ta muốn nói là nếu con tập trung sự chú tâm quá mức vào cái ác, đặc biệt là nếu con giận dữ hay sợ hãi, con đang làm tha hóa năng lượng của Thượng đế và như vậy con củng cố cho chính những lực lượng mà con đang chiến đấu. Điều này cũng liên quan tới câu nói của ta là con phải khôn ngoan như rắn nhưng hiền lành như bồ câu.

Câu nói đó chỉ ra rằng con người không thể chiến đấu chống xấu ác mà không bị liên lụy vào xấu ác. Vì thế, con người không thể loại bỏ xấu ác khỏi địa cầu. Tuy nhiên, con người có thể ủy quyền cho các chân sư thăng thiên loại bỏ xấu ác. Chìa khóa để thực hiện điều này là con không bám mắc vào xấu ác, và đây là ý nghĩa thực sự của lời dạy về việc giơ má bên kia. Nếu có ai làm hại con và con đáp lại với những cảm xúc tiêu cực hay con tìm cách trả đòn, con sẽ tạo nghiệp chướng với người đó. Khi con chọn lựa như vậy, con khiến cho các chân sư bó tay, không thể nhập cuộc. Nhưng nếu con giữ cho tâm mình không bám mắc và giơ má bên kia, con cho phép chân sư đem lại sự phán xét trên người kia. Như vậy cuối cùng sẽ loại bỏ được bóng tối khỏi địa cầu, trong khi không một nỗ lực nào với cái tâm nhị nguyên sẽ loại bỏ được bóng tối mà sẽ chỉ tăng cường thêm bóng tối.

Một trong những cách hay nhất để trở thành hiền lành như bồ câu là nhận ra rằng cái mà người ta nhanh nhẩu gán cho là xấu ác, thật sự khởi lên từ vô minh. Một lần nữa, có sự khác biệt rất tinh tế ở đây. Một đằng, con nói khá đúng khi con bảo rằng có nhiều tà lực cũng như nhiều người đã cố tình nổi loạn chống lại quy luật và ý muốn của Thượng đế. Họ biết rõ họ đang vi phạm quy luật Thượng đế và họ cũng vi phạm luật tự quyết khi họ thao túng con người.   

Từ một góc độ nào đó, thật không sai khi gọi các hành vi này là xấu ác. Thật ra, ta cũng đã dùng thuật ngữ này ở một vài nơi trên trang web này. Dùng từ “xấu ác” không sai vì nó phản ánh một mức hiểu biết, một mức tâm thức nhất định. Nó cũng phản ánh sự kiện ngôn ngữ vốn là một phương tiện tương đối và do đó có thể mang nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, có một cách hiểu vấn đề cao hơn. Khi Lucifer nổi loạn chống lại quy luật Thượng đế, hiển nhiên là y tự xem mình là đối nghịch của Thượng đế. Nói cách khác, y đã tạo ra một ý thức khoảng cách  giữa y và Thượng đế. Đây là định nghĩa cao nhất của vô minh. Vô minh là một trạng thái tâm thức nơi con không nhận ra rằng con đã được Thượng đế sinh tạo, sinh tạo từ bản chất, từ bản thể và từ tâm thức của Thượng đế.

Vô minh gây ra cảm nhận tách biệt khỏi Thượng đế, và ý thức tách biệt này luôn luôn là một ảo ảnh. Không có ngài thì không tạo vật nào được tạo ra. Không có gì được tạo ra mà tách biệt khỏi Thượng đế, và do đó, không một thành phần nào của Thượng đế có thể đứng riêng ra khỏi Thượng đế. Ý thức tách biệt là hình thức vô minh tối hậu.

Một khi con hiểu điều này, con nhìn ra là cuối cùng, ngay cả việc nổi loạn của Lucifer cũng khởi lên từ vô minh. Trong ý nghĩa tối hậu, vô minh không xấu ác. Đó là tại sao người ta có thể nói – mặc dù ta đồng ý đây là một câu nói khích đối với nhiều người – rằng không có hành vi xấu ác nào đã từng xảy ra.  

Khi con ngộ ra rằng con là một với Thượng đế và mọi người khác cũng là một với Thượng đế, con thấy dù con có làm gì thì con cũng đang làm trên chính con. Nếu con nhận thấy một hành vi sẽ làm hại con, tự động con sẽ không làm điều đó. Vì vậy, nếu con thực sự thể nhập với thực tế rằng tất cả đều là Thượng đế, con sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì mà con người gọi là xấu ác. Không một sinh thể nào có thể cố tình làm hại chính mình. Cho nên việc làm hại mình, hay làm hại một thành phần của mình, chỉ có thể xảy ra trong vô minh. Nói cách khác, con không thể nào biết rõ sự thật của Thượng đế mà lại có hành vi xấu ác.   

Ta hiểu là những câu nói của ta trong cuốn sách “Ki-tô sinh ra trong bạn” sẽ có vẻ khiêu khích đối với nhiều người. Ta nói ra những câu này với mục đích rõ ràng nhằm lay chuyển những định kiến của con người về xấu ác. Có thể nói, đáng lẽ ta nên đưa ra nhiều chi tiết hơn trong sách, nhưng một trong những kỹ thuật mà chúng tôi sử dụng là viết sách về một đề tài nào đó nhưng lại chèn vào một vài nhận xét đây đó để giúp cho những học trò bén nhậy bắt ý mà vượt ra ngoài chủ đề của sách. Nhận xét của ta rằng không một hành vi xấu ác nào đã từng xảy ra trên địa cầu là một lời gợi ý loại đó, và sự kiện con đã bắt được cho thấy con là một học trò nhạy bén đã sẵn sàng hiểu sâu hơn.   

Như ta có nói trước đó, nhiều người bị lừa gạt vào cuộc chiến đấu cho một sự nghiệp mà họ tưởng là chính nghĩa của Thượng đế nhưng thật sự chỉ là sự nghiệp của những kẻ chống đối Thượng đế. Người ta thường xét đoán người khác một cách quá vội vã dựa trên một cái chuẩn vỏ ngoài. Trong nhiều trường hợp, chuẩn vỏ ngoài này khởi lên từ sự tương đối của tâm nhị nguyên, và do đó nó có thể khác xa, hay hoàn toàn đối nghịch, với chuẩn đích thực của tâm thức Ki-tô. Chỉ có tâm thức Ki-tô toàn vũ mới phán xét công minh. Tâm này không phán xét dựa trên dáng vẻ bề ngoài như con người còn kẹt trong tâm nhị nguyên tương đối vẫn làm.

Ki-tô không phán xét con người và gán cho họ là xấu hay ác. Tâm thức Ki-tô biết rõ mọi con người đều là con của Thượng đế và vì vậy đều có tiềm năng tìm lại bản sắc chân thực của mình. Một sinh thể Ki-tô hoá sẽ không bao giờ phán xét bất cứ ai. Con có thể phán xét một hành vì hay một quan điểm là nó thuộc về Thượng đế hay đối nghịch lại Thượng đế. Đó là phán xét công minh, khác hẳn với những định giá mà con người thường làm.

Để thực sự phụng sự chính nghĩa của ánh sáng, con phải vươn lên khỏi các phán xét tương đối phát xuất từ tâm nhị nguyên. Con làm vậy bằng cách trở nên khôn ngoan như rắn và hiền lành như bồ câu. Một dụng cụ hữu ích để vươn khỏi tâm nhị nguyên tương đối chính là giáo lý nói rằng mọi hành vi mà con người gọi là xấu ác đều khởi lên từ vô minh. Thật ra, rất nhiều hành vi mà con người gọi là tốt thiện cũng khởi lên từ vô minh.

Một lần nữa, chìa khóa cho tinh tấn tâm linh đích thực là vươn lên trên tâm nhị nguyên tương đối và thấy đước sự thật của tâm thức Ki-tô. Sự thật này sẽ không làm sao để vừa vào bất cứ cái hộp tư duy nào do con người tạo ra.  Trong nhiều trường hợp, sự thật của Ki-tô sẽ không để vừa trong hộp tư duy mang nhãn hiệu “ác” lẫn hộp tư duy mang nhãn hiệu “thiện”. Cho nên cách duy nhất để biết sự thật của Ki-tô là bước ra ngoài cái hộp!

Ghi chú: Bạn cũng có thể ủy quyền cho các chân sư thăng thiên loại bỏ cái ác bằng cách sử dụng các bài chú và bài thỉnh được đăng tải trên trang Hộp Dụng cụ Thăng vượt.

Khái niệm “tánh không” và “vô ngã” trong đạo Phật

Hỏi: Xin thày giải thích ý nghĩa thực sự của các khái niệm trong Phật giáo về “tánh không” và “vô ngã”. Đó có thật là những điều đức Phật Gautama đã dạy?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Cả hai khái niệm mà con nói đến đã được khai triển sau khi đức Phật Gautama nhập diệt. Vì vậy không hoàn toàn chính xác là đức Phật đã giảng dạy những khái niệm này như được tìm thấy hiện nay trong rất nhiều giáo lý của đạo Phật. Tuy nhiên, đức Phật có giảng dạy những khái niệm tương tự như tánh không và vô ngã.

Như ta có trình bày suốt trang mạng này, vấn đề thực sự trên hành tinh địa cầu là con người đã đi xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn. Con người bị rơi xuống tâm thức này vì đã ăn phải trái cấm, là biểu tượng cho một trạng thái tâm thức nơi tất cả đều có vẻ tương đối. Điển hình là khái niệm thiện và ác, có nghĩa là thiện và ác tương đối với nhau. Ở cốt lõi tâm thức này là cảm nhận tách biệt khỏi cội nguồn của mình, cảm nhận tách biệt khỏi Thượng đế.

Chính cảm nhận tách biệt khỏi cội nguồn tâm linh của mình là nguyên nhân thực sự của mọi khổ đau. Khi dòng sống bắt đầu mất liên lạc với cái ta tâm linh, hay Hiện diện TA LÀ, nó đã phải dựng lên một loại ngã mới, một giả ngã, để lấp đầy khoảng trống vừa được tạo ra. Giả ngã này, thường được gọi là tự ngã hay tâm nhị nguyên, là nguyên nhân của mọi khổ đau mà dòng sống kinh nghiệm. Cũng chính cái ngã này đã làm nẩy sinh rất nhiều ý nghĩ và cảm xúc mâu thuẫn, phiền não, dẫn đến đau khổ cho dòng sống.  

Mục đích của đường tu tâm linh là vượt qua giả ngã hầu dòng sống có thể tự do hợp nhất với cái ta tâm linh. Và đây là ý nghĩa thực sự của khái niệm vô ngã. Khi dòng sống đạt được trạng thái tâm thức này, nó đã vượt qua và bỏ lại cái giả ngã đã khiến nó cảm thấy tách rời khỏi cội nguồn tâm linh của nó.  

Trong trạng thái tâm thức cao hơn này, dòng sống nhận ra là nó được cấu tạo bằng chất liệu cơ bản của Thượng đế, hoặc như đức Phật sẽ nói, tất cả đều là Phật tánh. Dòng sống nhận ra sự vô nghĩa khi nghĩ rằng mình có thể có sự hiện hữu, hay một ý thức bản ngã tách biệt khỏi nguồn cội tâm linh.    

Khi đó, dòng sống không còn ý thức bản sắc như bị tách rời khỏi nguồn cội, và đây là trạng thái vô ngã. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dòng sống đã mất hết mọi ý thức cá thể (individuality) hay bản sắc (identity). Cá thể đích thực của dòng sống được trụ neo nơi cái ta tâm linh, và cá thể đích thực này sẽ không mất đi khi giả ngã được từ bỏ. Kỳ thực, chỉ sau khi dòng sống đã vượt qua tự ngã phàm nhân thì nó mới có thể bắt đầu biểu hiện được cá thể đích thực của nó.

Ngoài ra còn có một khái niệm cao hơn nữa về vô ngã, là khi dòng sống cá biệt sẽ cuối cùng đạt tới hợp nhất với Thượng đế, một sự hợp nhất cao độ đến nỗi dòng sống chọn trở về tâm thức mà đạo Phật gọi là Niết bàn (Nirvana), mà ta gọi là cái Tất Cả. Dòng sống cá biệt lúc đó sẽ tự nguyên buông bỏ cả cá thể của mình để trở về trạng thái Là thuần khiết mà từ đó nó đã tuôn ra. Tuy nhiên, đây là một khái niệm không mấy hữu ích đối với hầu hết mọi người đang đầu thai trên địa cầu vì họ còn rất xa mới có được lựa chọn hợp nhất với Tất Cả.  

Khái niệm về tánh không cũng có thể được hiểu ở những mức độ khác nhau. Cao hơn cả, tánh không có nghĩa là trạng thái Là thuần khiết, cái Tất Cả, cái không thị hiện nơi không còn bất cứ hình tướng hay biểu hiện nào.

Ở tầm mức cá nhân, tánh không có nghĩa là trạng thái tâm thức khi mình đã vượt qua tự ngã phàm nhân. Bằng cách vượt qua tự ngã, dòng sống chiêm nghiệm mọi ý tưởng và cảm xúc phiền não nẩy ra từ tự ngã đều trở nên im lặng.  Như vậy, dòng sống chứng nghiệm một trạng thái tự do, giải thoát khỏi tiếng ồn của trí thể và cảm thể, một trạng thái trống rỗng không còn tiếng ồn của tự ngã.

Một lần nữa, đây không có nghĩa là dòng sống đã mất hết mọi cá thể, mọi nhận biết hay thậm chí cả những ý tưởng và cảm xúc. Chỉ đơn giản có nghĩa là dòng sống không còn những ý tưởng và cảm xúc mâu thuẫn dẫn đến khổ đau. Dòng sống nay được tự do chiêm nghiệm những ý tưởng và cảm xúc đích thực nẩy lên từ cá thể mà Thượng đế đã ban cho mình, dẫn đến sự an lạc tối hậu khi mình biểu hiện chính mình, tức là biểu hiện cái ta đích thực.

Ta cũng đã giảng dạy về trạng thái tâm thức này khi ta nói về Nước Trời ở trong con, và khi ta bảo mọi người đừng phán xét. Trong tâm nhị nguyên, con luôn nghĩ là con cần phán xét và dán nhãn mọi thứ theo tiêu chuẩn tương đối của con. Tất nhiên, tự ngã sẽ cả quyết rằng tiêu chuẩn này là một chân lý tuyệt đối, và đây chính là ảo tưởng nằm ở ngay trung tâm tự ngã. Nó khiến cho tâm con luôn luôn phán đoán, là trạng thái ồn ào nội tâm mà đức Phật gọi là cốt lõi của đau khổ. Tánh không thì ngược lại.

Con nên học tập những giáo lý của các chân sư về cái Ta Biết. Các chân sư giảng dạy về tỉnh giác thuần khiết, tức là khi con không còn tiêu chuẩn phán xét nào. Cái Ta Biết chiêm nghiệm mọi thứ như nó là – không có bất cứ phán đoán nhị nguyên nào về giá trị. Và như thế cái Ta Biết nhìn qua tâm Ki-tô. Cái Ta Biết có thể nhìn cuộc sống cách như thế – qua tâm thức Ki-tô – hoặc có thể nhìn cuôc sống xuyên qua phin lọc của tự ngã và ngã vỏ ngoài.

Thế nhưng như ta có nói, không một “người” nào có thể thăng trở lại thiên đàng trừ khi “người” đó đã đi xuống từ thiên đàng, có nghĩa là cái Ta Biết không thể thăng thiên cho tới khi nó trở về trạng thái tỉnh giác thuần khiết mà nó đã đi xuống ở khởi đầu.

Bất kỳ đối thủ nào cũng là sản phẩm của trạng thái tâm con

Hỏi: Con có một câu hỏi rất quan trọng. Khi nhìn ngược về lịch sử, chúng ta thấy nhiều lần con người bị tấn công dữ dội do niềm tin của mình. Chẳng hạn hàng ngàn hay hàng triệu người đã bị thiêu sống. Nước Đức của Hitler có hàng triệu người bị giết hại. Và cả trại tập trung nữa. Và bây giờ có thể trong thế giới văn minh hơn, chúng ta có bác sĩ tâm thần? Bác sĩ tâm thần có phải là mối đe doạ cho chúng ta không?

Con gặp một tình huống vô cùng khó chịu khi con nói chuyện về những phép lạ mà con chiêm nghiệm khi sử dụng các giáo lý, kỹ thuật của thày cùng các chân sư khác. Có một người ghét con đến độ họ bảo con bị bệnh tâm thần và người ta phải nhốt con vào bệnh viện tâm thần… và con bắt đầu nghĩ có lẽ sắp tới lúc mình phải gặp bác sĩ tâm thần. Có lẽ chúng con là học trò tâm linh phải sẵn sàng trước tình thế này?

Và đây là câu hỏi quan trọng: Liệu bác sĩ tâm thần có phải là mối đe doạ cho chúng ta? Việc họ nhốt người ta vào bệnh viện tâm thần do niềm tin tâm linh vào phép lạ có hợp lý không? Đối với nhiều người, việc đó thật kỳ lạ, thậm chí đáng tởm. Và chúng ta phải đối phó thế nào với đe dọa đó, nếu đó là một đe dọa?

Vậy làm thế nào để hét to cho mọi người nghe được khi chúng ta bị đe dọa như vậy? Làm thế nào chúng con nói lớn về Nước Trời như thày? Thượng đế có phải là người bảo vệ an toàn cho chúng con? Hay có lẽ đó là rủi rỏ và cái giá mà chúng con phải chịu vì Nước Trời và cứu rỗi? Chắc hẳn là có nhiều rủi ro và đe dọa như vậy? Và làm thế nào vượt qua sợ hãi? Xin thày giải thích. 


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/8/2010.

Chúng ta hãy nhìn vấn đề này ở mức độ cá nhân và mức độ xã hội, trước hết là cá nhân. Nếu con, với tư cách một người tâm linh, muốn các bác sĩ tâm thần là mối đe dọa cho con, thì theo Luật Tự quyết, con hoàn toàn có quyền có trải nghiệm đó. Bất kỳ hình tư tưởng nào mà con phóng ra tấm gương vũ trụ cuối cùng sẽ được phản chiếu trở về con dưới hình thức những hoàn cảnh vật chất.

Như chúng tôi, các chân sư, đã đề cập nhiều lần và từ nhiều khía cạnh khác nhau, một số hành giả tầm đạo vẫn bị mắc kẹt, hoặc it nhất bị phần nào mù quáng, trong tư duy cuồng đại. Trong khung tư duy này, con cố tình – nhưng tâm ý thức của con không hề hay biết – tìm kiếm một đối thủ, một kẻ thù mà con có thể chỉ định làm mối đe dọa, để con có cái cớ mà không nhận lấy hoàn toàn trách nhiệm về trạng thái tâm con. Chẳng hạn, con có thể trong tiềm thức tin rằng con không thể bình an hoặc biểu đạt được tâm Ki-tô của con bởi vì một số điều kiện ngoại cảnh không hội đủ. Những điều kiện này không hội đủ là vì có một đối thủ đang chống lại những điều kiện “toàn hảo” sẽ cho con sự an bình hay tâm Ki-tô mà con đang thiếu. Và như vậy, con có cái cớ để tập trung vào việc giao chiến với đối thủ đó thay vì thể hiện tâm Ki-tô của con – là điều mà đáng lý con phải làm bất kể mọi điều kiện ngoại cảnh, vì TẤT CẢ mọi điều kiện vật chất đều chống lại sự biểu hiện tâm Ki-tô.     

Kỳ thực, đối thủ đó không hề có, nhưng vì thế gian đang bị tác động quá nặng bởi tư duy nhị nguyên, nên con luôn luôn có thể tìm thấy một ai đó có vẻ là đối thủ của con. Lý do là vì chính con là người đã tạo ra hình tư tưởng về một đối thủ nguyên mẫu. Và bởi vì con không chịu nhận trách nhiệm về tình trạng tâm con, con tự thuyết phục là thật sự có một đối thủ đang sẵn sàng nhảy bổ vào con bất cứ lúc nào, không liên quan gì tới trạng thái trong tâm con.  

Khi con phóng chiếu hình tư tưởng này vào xã hội nơi con sinh sống, thế nào cũng có một ai đó có vẻ như xác nhận hình tư tưởng của con là đúng – và như vậy con chỉ định người đó, hay nhóm người đó, là đối thủ cá nhân của con. Con càng “đánh nhau” với đối thủ bao nhiêu thì hình như đối thủ càng đánh lại bấy nhiêu (và trong một số trường hợp, đối thủ sẽ đánh lại thật do chính họ cũng có người bị kẹt trong tư duy nhị nguyên). Như vậy, mọi hành động của đối thủ dường như xác nhận hình tư tưởng là người đó thực sự là đối thủ của con.

Cuộc vật lộn này sẽ kéo dài bao lâu? Đúng vậy, do phần vật lộn của con thực sự diễn ra trong tâm con, cho nên nó sẽ phải tiếp diễn cho tới khi con quyết định con đã chán ngấy trải nghiệm đó và con quyết định xét lại những hình tư tưởng mà con phóng ra. Như ta có trình bày trong một câu trả lời khác, một số người đã biến chính quyền của họ thành đối thủ, và cuộc vật lộn này sẽ không bao giờ đem lại Thời Hoàng kim.

Không một vị thày tâm linh nào sẽ có thể thuyết phục được con là cuộc giao chiến của con chỉ xảy ra trong tâm con cho tới khi con sẵn lòng xem xét cách con nhận thức cuộc sống, là cách con nhìn cuộc sống xuyên qua cái tư duy nhị nguyên cho rằng phải có một đối thủ. Việc xem xét này có thể khiến con nhận ra là nhận thức về cuộc sống không phải là một sinh hoạt thụ động, qua đó con đứng nhìn ngoại cảnh như một cái gì hiện hữu độc lập với tâm con. Kỳ thực, đó là một sinh hoạt tích cực qua đó con phóng chiếu hình tư tưởng vào tấm gương vũ trụ, và tấm gương này chỉ phản chiếu lại dưới một hình thức trông như ngoại cảnh. Điều này đã được cơ học lượng tử chứng minh – cho những ai sẵn sàng “nhìn” vượt khỏi nhận thức của mình.

Tất nhiên, như được giải thích ở nơi khác, nhận thức được sinh ra từ một trạng thái nào đó của tâm, và một khi cái Ta Biết tự đồng hóa với trạng thái này, nó sẽ “nhìn” xuyên qua phin lọc của tự ngã. Còn tự ngã thì không bao giờ có khả năng chất vấn trạng thái đã sinh ra nó. Và như vậy, tự ngã sẽ không bao giờ thăng vượt được tâm thức mong muốn một đối thủ. Điều này có nghĩa, lối thoát duy nhất là cái Ta Biết phải tự nhận diện nó là tỉnh giác thuần khiết, không những đứng vượt ngoài nhận thức của tự ngã, mà vượt ngoài cả trạng thái nơi tự ngã khởi lên.  

Nếu con nghiên cứu trạng web này kỹ lưỡng, con sẽ thấy ta đã nhiều lần cảnh báo các hành giả tầm đạo là phải cố gắng cân bằng, tránh cực đoan. Nếu con nghe theo lời khuyên này, các bác sĩ tâm thần sẽ không trở thành mối đe dọa cho con đâu, và con sẽ không có nguy cơ bị “nhốt trong bệnh viện tâm thần”. Lý do thật giản dị. Một bác sĩ tâm thần làm đúng theo khoa mình sẽ không đánh giá tín ngưỡng tâm linh hay tôn giáo của con, bởi vì bác sĩ tâm thần được huấn luyện để coi mọi tin tưởng là sản phẩm của tâm (điều này không sai, như ta vừa giải thích, đối với một người chưa đạt được tâm thức Ki-tô).

Cho nên, dù con hay những người quanh con có thể xem niềm tin tâm linh của con là kỳ lạ, một nhà chuyên nghiệp về tâm thần sẽ không nhìn vào những niềm tin đó mà sẽ tập trung vào cách cư xử của con. Chỉ khi nào có mối liên hệ rõ ràng giữa niềm tin và cách cư xử mất quân bình hay cực đoan, thì niềm tin của con mới được xét đến. Và ngay cả khi đó, bác sĩ tâm thần cũng sẽ không có vấn đề gì với niềm tin của con mà sẽ chỉ xem xét nó hầu hạn chế cách cư xử mất quân bình.

Tất nhiên ở đây, ta chỉ nói tới các bác sĩ tâm thần đúng đắn với nghề nghiệp, và đối với họ, mọi tín ngưỡng đều là sản phẩm của tâm, thậm chí cả tín ngưỡng cho rằng không có Thượng đế cũng là sản phẩm của tâm. Đương nhiên, sẽ có một số bác sĩ tâm thần không giữ được khoảng cách nghề nghiệp đó khi họ tin rằng niềm tin vào chủ nghĩa duy vật không phải là một niềm tin mà là thực tại. Và những kẻ duy vật “ngoan đạo” này có thể trở thành cuồng tín không khác gì những tín đồ “ngoan đạo” trong tôn giáo.

Nhưng điều ta muốn nói ở đây là khuyên mọi hành giả tầm đạo nên cố gắng cân bằng, và điều này thực sự có nghĩa là thăng vượt tư duy nhị nguyên cũng như cuộc tranh đấu cuồng đại. Nếu con cho phép con giữ mãi tư duy cuồng đại thì ở buổi bình minh của Thời đại Bảo bình, con sẽ bị tâm thức tập thể đang tăng mạnh “bắt buộc” tư duy cuồng đại đó ngày càng trở nên cực đoan thì mới duy trì được, với kết quả là hành vi của con sẽ mất quân bình hơn nữa, thu hút sự chú ý của các nhà tư vấn, tâm lý, tâm thần, thậm chí cả nhân viên pháp luật.      

Rồi nếu con phản ứng lại tình thế đó trong tư duy cuồng đại, con sẽ chỉ định những nhà chuyên nghiệp đó – là những người nói chung chỉ cố làm phận sự của mình – là những đối thủ mới của con, và con sẽ lại dùng các niềm tin cuồng đại để biện minh cho những hành vi cực đoan hơn. Điều này hẳn sẽ đưa con vào một cơn xoắn ốc tiêu cực có thể đem con vào trại tâm thần hay nhà tù (trong những trường hợp cùng cực, nó có thể dẫn đến tự vận mà người ta gọi là “tự vận do cảnh sát phụ lực”). Ta mong là những học trò chân chính của trang web này sẽ tránh khỏi cơn xoáy lốc đó. Tất nhiên, ta cúi đầu trước Luật Tự quyết cũng như sự kiện con cần trải nghiệm mọi chuyện con muốn hầu vượt qua tư duy cuồng đại. Một số người thực sự phải đưa tư duy này cho đến cùng cực trước khi ngộ ra là họ không còn muốn vật lộn với một đối thủ nào nữa, và khi đó, họ sẽ quyết định từ bò cái tư duy đã tạo ra đối thủ (và do đó đã “bắt buộc” tấm gương vũ trụ phải gửi về họ một đối thủ bằng xương băng thịt).  

Ta cũng thấy được là một số người có thể chỉ vào cuộc đời của ta, hoặc tiền kiếp của một số chân sư khác, và bảo rằng đã là Ki-tô thì phải có lập trường không khoan nhượng. Nhưng giữ vững lập trường cho sự thật KHÔNG đồng nghĩa với hành vi mất quân bình hay cực đoan. Quả là đã có rất nhiều người đã giữ lập trường cương quyết rồi bị bức hại, nhưng nếu con nhìn kỹ hơn, con sẽ thấy họ không giữ vững một lập trường phát xuất từ tâm trạng mất quân bình. Tương tự, con cũng tìm thấy nhiều người tin chắc là mình ùng hộ những nguyên lý cao cả, nhưng kỳ thực họ bị sai khiến bởi nhu cầu của tự ngã muốn chiến đấu hoặc muốn tâng mình lên cao hơn mọi người.     

Nói cách khác, hành động bên ngoài nhằm giữ vững lập trường có thể mang động cơ là tâm Ki-tô hay tâm vị kỷ. Và chỉ những ai cố giữ quân bình mới có thể tránh rơi vào cái bẫy mà tự ngã đã cài đặt, là “giữ vững lập trường” cho hình tư tưởng của mình thay vì cho sự thật cao cả. Đâu là sự khác biệt? Một điểm sẽ giúp con lượng định là sự sẵn lòng tha thứ những ai đã hành hạ mình. Người bị tự ngã sai khiến sẽ nhảy vào đấu tranh nhị nguyên, sẽ quy trách nhiệm và đổ lỗi cho bên ngoài, và do đó sẽ không sẵn lòng tha thứ (thật vậy, chính mong muốn quy trách nhiệm của tự ngã đã khiến người đó giữ vững lập trường). Ngược lại, người thực sự đến từ tâm Ki-tô sẽ sẵn sàng tha thứ, như trong câu ta đã nói: “Thưa Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết họ làm gì”. Con cũng có thể nghiên cứu cuộc đời của Thomas More đã hoàn toàn tha thứ nhà vua ích kỷ đã kết án ông tử hình.    

Ngày nay chúng ta đang đi vào một thời đại khi con người ngày càng có thể giữ vững lập trường của mình mà không rơi vào lối cư xử quá khích. Nói cách khác, cho dù người ta, hay thậm chí cả xã hội rộng lớn, có thể xem quan điểm của con là cực đoan, cách cư xử của con không bắt buộc phải cực đoan. Đúng hơn, thời nay con sẽ có tác động lớn lao hơn nếu con giữ vững lập trường một cách quân bình, và con dạy dỗ một cách tiếp cận tâm linh quân bình – thay vì một cách có thể bị xem là cuồng tín. Lịch sử đã chứng kiến quá nhiều người cuồng tín theo đạo. Điều cần thiết trong thời đại Bảo bình là có những con người có khả năng làm sáng tỏ các nguyên lý tâm linh để quần chúng có thể hiểu và liên hệ được – do nó vang dội và đánh thức một cái gì đó trong lòng quần chúng.