Nên nói hay không nên nói?

Hỏi: Đôi khi con cảm thấy như có một sự thôi thúc muốn nói hay muốn hỏi một điều gì đó, và sự thôi thúc này chỉ biến mất sau khi con nói ra. Có thể nào điều đó đến từ Hiện diện TA LÀ của con? Hay có nhiều xác suất hơn là nó đến từ một ngã tách biệt? Làm thế nào con có thể phân biệt nó đến từ đâu?   


Trả lời từ chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Bước tới Quan hệ Thời Hoàng kim. Đăng ngày 11/10/2021.

Con cần nhìn vào cái cảm giác tinh tế hơn ở đằng sau. Đôi khi con có thể nhận diện là gần như có một sự ép buộc muốn nói một điều gì đó. Gần như là con cảm thấy mình bắt buộc phải nói điều này. Thậm chí cũng có thể có một lời giải thích tại sao con phải nói ra điều đó. Trong trường hợp này, nó đến từ một ngã tách biệt.

Khi nó đến từ Hiện diện TA LÀ của con, con không hề có sự cưỡng bách, không hề có lý lẽ hay lập luận. Con có thể học cách nhận diện là khi đó, chỉ có một cảm nhận nội tâm, gần như là một sự an bình, hay bình thản, hay nhận biết nhạy cảm. Và một cái gì đó tự dưng nảy lên, gần như là con nhìn thấy một bọt nước dâng lên từ vùng sâu và hiện ra trên mặt nước, và nó xuất hiện trong tâm ý thức của con. Và con có thể học cách tới được điểm là mỗi khi điều này xảy ra, con tự nhiên phát biểu nó ra. Con không tranh cãi, lập luận, suy nghĩ hay lý luận, “Tôi có nên nói hay không nên nói?” Con chỉ nói nó ra mà thôi. Con chỉ diễn tả, thể hiện nó ra. Chứ nếu con cân nhắc là mình có nên nói hay không, thì con học được là con không nói, vì con biết nó đến từ một ngã tách biệt.    

Chấn thương nhập đời và cách tiếp cận trái đất

Hỏi: Con đã đi trên đường tu tâm linh một thời gian dài, và con hoàn toàn hiểu và chấp nhận khái niệm tự quyết cũng như những ngã tách biệt phản ứng. Nhưng con vẫn cảm thấy hoàn toàn yếu đuối trước những năng lượng và sự hung hãn của người khác. Cho dù con không chấp nhận những lời họ nói và những điều họ làm với con, con vẫn không thể thoát khỏi sự tấn công của họ. Nó giống như thể con đứng trước mặt họ hoàn toàn trần trụi và con không thể chống cự lại sự tấn công, con không thể tự vệ. Mặc dù con có một tâm thức khá phát triển, điều này không giúp ích cho con. Con vẫn cảm thấy nhiều đau đớn trong hầu hết mọi tương tác với thế gian. Con tương tác một cách rất tích cực và cố gắng biểu hiện tâm Ki-tô của mình, con cố tự biểu đạt trong tình thương, ánh sáng và tinh thần cống hiến. Con vẫn không thể thích nghi được với cách người ta hành xử và phản ứng hung hãn, cách người ta chối bỏ con, từ chối tình thương của con. Mặc dù con thông cảm, đó vẫn luôn luôn là một chấn động và một nỗi đau nhói. Xin thày chỉ cho con thấy những gì có thể con chưa thấy, những cái ngã nào có thể đang có mặt, và con có thể làm gì để tự giải thoát khỏi tính nhảy cảm và dễ tổn thương thái quá này.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Chấm dứt Thời đại Ý thức hệ. Đăng ngày 18/6/2021.

Con yêu dấu, những gì con mô tả là trải nghiệm mà hầu hết mọi avatar đến địa cầu đều trải nghiệm. Con đến đây với ý định giúp đỡ người khác. Con làm vậy do lòng yêu thương và ý muốn giải thoát họ. Thế rồi khi con cố bày tỏ hay giải thích cho họ thấy làm cách nào họ có thể tự do, thì hoặc họ làm ngơ, hoặc trong nhiều trường hợp họ chối bỏ con một cách hung hãn, họ muốn mạt sát con, bịt miệng con, chứng minh là con sai, hay thậm chí họ tấn công thể xác của con.

Đây là một trải nghiệm mà tất cả chúng ta đã đến đây như một avatar đều kinh qua, tức là ở một thời điểm, chúng ta phải chạm trán với cú sốc là mặc dù chúng ta ở đây để giúp mọi người nhưng người ta lại không muốn chúng ta trợ giúp, họ chối bỏ và tìm cách bịt miệng chúng ta rất hung hãn. Đối với hầu hết mọi người, đây là kinh nghiệm đã tạo ra cái mà các chân sư gọi là chấn thương nhập đời – chấn thương lớn đầu tiên mà con hứng chịu sau khi đến trái đất. Nó có thể mang những hình thức khác nhau đối với mỗi người, nhưng luôn luôn có sự chấn động khi con đến trong tinh thần thân thiện nhưng lại gặp một phản ứng hung dữ.

Điều con thật sự cần làm là sử dụng các giáo lý và dụng cụ các chân sư đã ban ra để con phát hiện chấn thương nhập đời, không phải theo nghĩa là con chỉ hiểu nó một cách trí thức mà con thực sự trải nghiệm nó. Và con đi thấu suốt tiến trình nhìn ra cái ngã được tạo ra do hệ quả của chấn thương nhập đời, và để cho ngã này chết đi. Và hơn thế, con còn nhìn ra những cái ngã khác cũng được tạo ra để con tự bảo vệ hay tránh né trải nghiệm đó tái diễn.

Đó là những dụng cụ quan trọng. Nhưng con cũng cần làm điều mà sứ giả này đã làm từ khi ông chạm mặt với chấn thương nhập đời nguyên thủy và buông bỏ nó. Ông đã nhận ra lý do khiến ông trải nghiệm chấn thương đó là vì ông đã đến địa cầu với một thái độ nào đó, một số kỳ vọng và một tư duy nào đó. Và đây chính là điều ông cần xem xét và thoát khỏi hầu được giải thoát khỏi địa cầu.

Ta khuyên con nên dùng các dụng cụ, đặc biệt là bài tập hình dung của ta để con đi xuyên qua các lớp vỏ và quay trở lại rạp hát đó nơi con đứng trên sân khấu và nhìn vào những cái ngã tách biệt đó. Nhưng con cũng yêu cầu ta trợ giúp và con quán chiếu trong tâm xem thái độ cơ bản của mình trên địa cầu là gì? “Tôi nghĩ tôi đang ở đây để làm gì, tôi muốn thực hiện những gì, tôi nghĩ những gì cần phải xảy ra trên địa cầu? Đâu là thái độ cơ bản của tôi đối với người khác? Tôi nghĩ họ phải làm gì hay không được làm gì? Tôi nghĩ họ phải hồi đáp tôi như thế nào?”

Sau đó con cần nhìn nhận là một avatar không cứ đang ở đây để đem lại một thay đổi tích cực trên địa cầu, mà một avatar cũng ở đây để học một điều gì đó từ địa cầu. Và điều con cần học từ địa cầu là những gì con chưa học hỏi trên một hành tinh tự nhiên, những gì con chưa nhìn thấy nơi chính mình trên một hành tinh tự nhiên, đặc biệt là liên quan đến quyền tự quyết. Nhiều avatar mang thái độ là mình thật sự tôn trọng quyền tự quyết vì mình không cưỡng ép ai hay không cư xử hung hãn với ai, và do đó con cho rằng mọi người khác cũng không được cư xử hung hãn với con.

Nhưng trên hết, con cần nhìn nhận là trên một hành tinh như địa cầu, điều này không có gì bảo đảm. Thật là chí lý khi Giê-su dạy rằng: “Hãy làm cho người khác những gì con muốn người khác làm cho con.” Nhưng thày không hề nói là nếu con không làm một số chuyện cho người ta thì người ta cũng không làm những chuyện đó cho con. Thày không bao giờ nói như vậy. Và lý do chính là quyền tự quyết – và với mức tâm thức thấp hơn trên địa cầu, không có gì bảo đảm là nếu con không đối xử hung hãn với người khác thì họ cũng sẽ không hung hãn với con. Con cần nhìn nhận điều này.

Và con cần hiểu ra và chấp nhận đây không chỉ là một vấn đề tự quyết, mà là vấn đề tình trạng tâm thức tập thể trên hành tinh này. Nếu con mang kỳ vọng trong con là con không được bị đối xử tệ mạt khi con không hung hãn, thì đây là một kỳ vọng không thực tế. Nó rất thực tế trên một hành tinh tự nhiên nhưng nó không thực tế trên một hành tinh phi tự nhiên.

Con cần xem xét: “Tại sao tôi có niềm tin đó? Nó đến từ đâu? Nó biểu lộ điều gì về thái độ thật sự của tôi liên quan đến tự quyết, tức là tôi không hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết?” Bởi vì nếu con đã hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết thì con đã không mang kỳ vọng là người khác phải đối xử với con như thế nào. Con không thể chờ đợi như vậy nếu con hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết.

Sứ giả này đã kinh qua một tiến trình, một tiến trình lần hồi nhận ra là ông đã không hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết khi ông đến đây. Ông không hung hăng và ông sẽ không cưỡng ép ai cả. Nhưng ông không hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết. Và do đó ông đã có một số kỳ vọng. Và những kỳ vọng này đã khiến ông phản ứng lại một cách nhất định khi ông gặp sự chối bỏ và hung dữ trên địa cầu. Và để thoát khỏi khuôn nếp phản ứng đó, ông đã phải xem xét kỳ vọng cùng thái độ của mình đối với hành tinh, đối với con người, đối với những người sống trong nhị nguyên, đối với sa nhân, và ông phải khảo sát toàn bộ cái tư duy đã đưa ông đến địa cầu, đã khiến ông quyết định bước xuống một hành tinh như thế này.

Và đó là điều tất cả các con – các avatar – cần làm để được tự do khỏi hành tinh này, để vươn lên cao hơn tư duy đã đưa con đến đây. Bởi vì cái tư duy đã đưa con đến đây sẽ không thể đưa con rời khỏi nơi này, mà nó chỉ có thể giữ con lại ở đây cho tới khi con thăng vượt nó, vì đây chính là điều mà con thực sự mong muốn thực hiện khi con đến đây.

Phải, con đã mong muốn có tác động tích cực lên hành tinh này. Nhưng làm thế nào con tác động tích cực lên hành tinh chứ? Không phải bằng cách thay đổi người khác mà thay đổi chính con. Con tác động tích cực lên hành tinh bằng cách khắc phục mọi khuôn nếp trong tâm lý của mình, và khi làm vậy, con kéo cả tập thể đi lên và mở ra cơ hội cho người khác cũng thăng vượt tâm thực của họ.

Sẽ có những người không muốn thăng vượt tâm lý của họ và đó là những người sẽ hung hãn với con. Nhưng con không thể cho phép họ chi phối trải nghiệm của con trên địa cầu. Và do đó con cần tự giải thoát khỏi các khuôn nếp đó hầu con có thể đứng giáp mặt với sự hung hãn của họ, con có thể đứng trần trụi trước mặt họ mà họ vẫn không thể khiến con tê liệt hay làm con đau đớn.

Vị sứ giả này, từ tuổi thơ ấu trong kiếp này và chắc chắn trong những kiếp khác nữa, đã có cùng trải nghiệm đó, tức là ông đã cảm nhận một sự thôi thúc từ bên trong muốn thân thiện với mọi người, muốn sống năng động, bước vào xã hội và đóng góp tích cực. Nhưng gần như tất cả mọi tương tác của ông với người khác đều tạo ra một nỗi đau trong tim ông. Ông đã không vượt qua được tâm trạng này cho đến khi ông bắt đầu nhìn vào những vấn đề vô cùng thâm sâu đã đưa ông tới đây – là thái độ của ông đối với những gì ông nghĩ mình phải hoàn thành, những gì phải xảy ra hay không được xảy ra cho ông trên địa cầu.

Tất cả chúng ta cũng từng có cùng vấn đề đó. Chúng ta phải xem xét nó – cái gì đã đưa chúng ta đến đây và cái gì sẽ cho phép chúng ta thăng vượt nó, sẽ cho phép những cái ngã này chết đi, những niềm tin này chết đi, và giản dị chúng ta sẽ cảm thấy tự do, tự do để rời bỏ địa cầu mặc dù mình đã không thực hiện được gì trên địa cầu, mặc dù mình không hoàn thành được bất kỳ phần nào trong viễn kiến đã khiến mình muốn đến đây, bất kỳ những gì mình nghĩ có khả năng làm được ở đây. Nhưng con vẫn có thể bỏ lại địa cầu đằng sau trong an bình và nói: “Tôi đã quá đủ những trải nghiệm mà tôi có thể có trên hành tinh này rồi.” Đây là một điều khả thi.    

Nhiều người trong các con không xa điểm đó lắm như con nghĩ. Cho dù con có thể cảm thấy nỗi đau, và vẫn cảm thấy niềm tuyệt vọng tại sao nỗi đau không biến đi sau tất cả những gì mình đã làm để tu sửa bản thân, sau tất cả những cố gắng về tâm lý lẫn tâm linh, tại sao mình vẫn cảm thấy nỗi đau. Tại sao nó không ra đi?

Dẫu sao, nhiều người trong các con đã đến gần với điểm xoay chuyển hơn là mình tưởng, thường thường là một sự xoay chuyển tinh tế qua đó con thay đổi cách con nhìn cuộc sống trên địa cầu. Và con ngộ ra là trên một hành tinh phi tự nhiên, không có gì là quan trọng một cách tối hậu. Và nếu không có gì quan trọng tối hậu thì cũng không có gì quy định được con. Và nếu không gì quy định được con thì tại sao lại có bất cứ gì trên địa cầu quy định được cách con trải nghiệm sự hiện diện của mình trên địa cầu?

Và chỉ khi nào con có thể hiện diện trên địa cầu, có thể chạm trán với sự hung hãn của người khác, chạm trán với chính những điều đã cho con chấn thương nhập đời đó mà không phản ứng lại, thì con mới thực sự tự do.

Tất cả các con đều có khả năng làm được điều này. Con hãy tin ta, tất cả các con đều có thể làm được bằng cách sử dụng các dụng cụ, không phải một cách máy móc mà một cách sáng tạo, bằng cách kêu gọi sự trợ giúp của các chân sư, bằng cách sẵn lòng tiếp tục nhìn ngày càng sâu hơn cho tới khi con đạt đến cốt lõi trong cách con nhìn sự có mặt của mình trên một hành tinh như địa cầu. Chỉ khi nào con tự giải thoát khỏi cách con tiếp cận địa cầu thì con mới có thể giã từ địa cầu.

Làm thế nào nói chuyện với tín hữu Cơ đốc

Hỏi; Con đã tìm thấy trong Kinh thánh có nhiều đoạn trái ngược nhau. Có những phiên bản của Kinh thánh hỗ trợ cho những quan điểm giáo lý trái ngược nhau. Đó là lý do tại sao thế giới Cơ đốc bị chia rẽ. Con đã cố hết sức để chỉ cho mọi người thấy Kinh thánh không phải là trọn vẹn lời của Thượng đế, nhưng có người Cơ đốc vẫn như mù loà không thấy được Sự thật.

Hơn thế nữa, họ đã nhiều lần thay đổi lời lẽ của Kinh thánh mỗi khi họ tái xuất bản. Điều này gây ra bối rối khắp thế giới về lời lẽ trong Kinh thánh.

Con muốn tiến về phía trước và con đang vượt qua những nỗi sợ hãi của con. Con có cảm tưởng con đang ở một mức trên đường đạo như khi Giê-su thách thức các lãnh đạo tôn giáo vào thời của thày. Bởi thế mới có câu: “Sự thật là lời biện hộ cho chính nó.” Xin thày Giê-su cho biết quan điểm của thày về sự thể này và lời biện hộ tốt nhất cho con là gì. Con đang tìm kiếm sự thật. Con phải tìm được lời giải đáp cho câu hỏi của con trước khi tiến bước trên con đường đời sống.    


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Con nói chính xác là trong Kinh thánh có những đoạn có vẻ trái ngược nhau, nhất là khi người ta suy diễn theo tâm thức tương đối của thế phàm. Nhưng thế giới Cơ đốc không bị chia rẽ do những mâu thuẫn như vậy trong Kinh thánh đâu. Thế giới Cơ đốc bị chia rẽ là do con người bị mắc kẹt trong một trạng thái tâm thức thấp kém mà ta gọi là tâm thức nhị nguyên, và do đó con người nhìn vào mọi chuyện qua một phin lọc khiến cho thế giới hiện ra tương đối. Khi người ta bị kẹt trong trạng thái tâm thức đó, họ không thể thấy được sự thật của Thượng đế. Họ chỉ thấy một hình ảnh trong tâm mà chính họ đã tạo ra trong tâm họ. Bởi vì mỗi người có những tâm ảnh khác nhau cho nên không thể tránh khỏi có chia rẽ và xung đột.  

Như ta có giải thích ở nơi khác, Kinh thánh không phải là lời nói thuần túy của Thượng đế. Và dù cho đó là lời nói thuần túy của Thượng đế thì nó vẫn tạo ra xung đột giữa mọi người. Giản dị là không thể có cách nào để diễn đạt chân lý của Thượng đế mà con người không thể hiểu lầm và diễn giải sai lạc đi để rồi biến nó thành một sự thật tương đối chỉ xác nhận những điều mà họ muốn tin tưởng.

Cho nên ta phải nói với con là không có gì mà ta nói có thể giúp con thuyết phục những ai đang bị mù quáng bởi những sự diễn giải tương đối của họ về chân lý. Ta có thể nói với con là ngay cả nếu cá nhân ta xuất hiện trước mặt họ trong một khải tượng – một điều mà ta quả thực đã từng làm trước nhiều người suốt 2000 năm qua – đa số họ vẫn sẽ chối bỏ ta, hay thậm chí họ sẽ gọi sự xuất hiện của ta là màn hỏa mù của Ác quỷ.

Có quá nhiều người bị mắc kẹt trong trạng thái tâm thức tương đối của họ, và họ chỉ đơn giản không sẵn lòng nghe thấy hay nhìn thấy chân lý của Thượng đế. Không có gì ta có thể làm được để thay đổi sự thể này, và do đó cũng không có gì mà con có thể làm được. Điều con làm được là nói lên sự thật với tất cả đức tin trong tim con, nhưng sau đó con hãy đừng bị dính mắc vào cách phản ứng của người khác. Con chỉ nói lên sự thật với tất cả khả năng của con. Hãy nói lên sự thật như con hiểu được trong lúc này, và hãy tiếp tục tăng trưởng khả năng hiểu biết của con về sự thật.   

Ta không hề yêu cầu con đi cải đạo người khác, bởi vì thật sự không có cách nào cải đạo bất cứ ai mà chưa mở tâm và mở tim ra cho một sự thật cao hơn những gì họ đang nhìn thấy. Ta chỉ yêu cầu con nỗ lực tìm hiểu và hiện thân sự thật của Ki-tô, rồi sau đó hãy diễn đạt sự thật đó mà không có bất cứ kỳ vọng nào hay bất cứ quan tâm nào về cách phản ứng của người khác. Đó là điều con đã thấy ta làm cách đây 2000 năm, và đó là tất cả những gì có thể làm được. Duy chỉ có Thánh linh mới cải đạo được người ta. Thế nhưng ngay cả Thánh linh cũng không thể cải đạo một người ngược với quyền tự quyết của người đó.

Ta khen ngợi con nỗ lực khắc phục nỗi sợ hãi của con. Con hãy giản dị nói ra sự thật và đừng quan tâm gì cả về sự phản hồi của người khác. Khi con nói ra sự thật mà không có chút chờ đợi nào về cách phản hồi của họ, con sẽ cảm thấy một niềm tự do rất mới. Và sự thật sẽ là lời biện hộ cho chính nó, và nó sẽ biện hộ cho con đối lại tất cả mọi phản ứng tiêu cực của người khác. Ta cũng bảo đảm với con là khi con nhân danh ta nói ra sự thật thì ta cũng đang đứng ngay bên cạnh con đây. Ta là sự thật, cho nên ta ở bất cứ nơi nào sự thật được biểu lộ. Hãy đi vào trong tim con và cảm được sự Hiện diện của ta với con.  

Cư xử thế nào khi có người cố đánh phá niềm tin tâm linh của mình

Hỏi: Thày Giê-su và các chân sư khác có đề cập đến nhu cầu chia sẻ niềm tin của mình với người khác. Nhưng khi con làm vậy, thường khi con phải đối mặt với thái độ rất tiêu cực của người kia khi họ có vẻ cảm thấy bị đe doạ bởi những ý tưởng không phù hợp với niềm tin của họ. Con có thể hiểu được phản ứng đó từ những tín đồ Cơ đốc cực chính thống, nhưng thường khi con cũng gặp phản ứng này từ những người Thời Mới (New Age). Thậm chí con còn gặp cả những người nổi giận, hoặc họ chế nhạo và miệt thị niềm tin của con hay toàn bộ ý tưởng về các chân sư thăng thiên. Vì lý do này, con có một số bạn hữu không còn dám nói gì về niềm tin tâm linh của mình nữa vì không muốn đương đầu với loại năng lượng tiêu cực này. Liệu thày Giê-su có nhận xét gì về lý do tại sao chúng con lại gặp phản ứng như vậy, và chúng con có thể làm gì để khỏi cảm thấy bực bội hay bị ruồng bỏ?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Đây là một vấn đề mà nhiều người tầm đạo chân thành gặp phải. Là một người tâm linh trong thế giới hiện đại tại phương Tây, con không thể nào tránh khỏi những kẻ sẽ thẳng thừng gạt bỏ niềm tin tâm linh của con. Con sẽ gặp sự chống đối từ những người vô thần hay duy vật, từ những tín đồ Cơ đốc chính mạch và thậm chí cả từ những người có vẻ là tâm linh cho rằng đạo sư của họ, học thuyết của họ hay tổ chức của họ mới là chân chính duy nhất.

Ta đã thấy biết bao nhiêu người tầm đạo chân thành, phản ứng lại một cách bực dọc khi họ gặp phải thái độ tiêu cực đối với niềm tin và cách sống của mình. Trong nhiều trường hợp, điều này đã dẫn tới những cuộc tranh luận vô bổ. Rất có thể cả hai bên sau đó đều nổi giận lên và làm tha hóa thêm năng lượng, nhưng họ vẫn không tìm được một điểm chung hay một cách giải quyết nào.

Là một người tầm đạo tâm linh chân thành, con cần nhận ra một sự thật cơ yếu về con đường tâm linh. Mục đích thực sự là để con vươn lên trên tâm thức nhị nguyên, như ta có giải thích trong các bài giảng về tự ngã. Khi con thực sự vươn lên cao hơn những ảo tưởng nhị nguyên của tâm phản Ki-tô, con sẽ đạt tới cái mà đức Phật gọi là giác ngộ, và trong trạng thái này, tâm con sẽ hoàn toàn an bình. Tuy nhiên như đức Phật cũng có dạy, chìa khóa để đạt được an bình nội tâm là vượt qua MỌI sự dính mắc với bất cứ điều gì trên địa cầu.  

Điều ta muốn nói là với tư cách một người tầm đạo tâm linh, con phải luôn luôn tìm xem mình còn dính mắc điều gì hay không. Như ta có nói cách đây 2000 năm: “Trước hết con phải lấy cái xà khỏi mắt con, rồi con mới thấy rõ và lấy hạt bụi khỏi mắt người anh em” (Matthew 7:5).

Cho nên khi con phát hiện bất kỳ dính mắc nào, con cần soi vào gương và khám phá ra cái tin tưởng nhị nguyên đã gây ra dính mắc. Sau đó con mới có thể với tới sự thật của Ki-tô sẽ giải phóng con khỏi ảo tưởng nhị nguyên, là điều mà Phật gọi là Maya. Bất cứ khi nào con nhận ra là con không an bình về một điều gì đó, con cần tìm ra nguyên nhân bên dưới và lấy cái xà ra khỏi mắt con. Nếu con bị bực dọc bởi phản ứng của người khác, điều này có nghĩa là con cần buông bỏ dính mắc đó.  

***

Ở giai đoạn đầu của đường tu tâm linh, con thường rất dễ bị tác động bởi phản ứng tiêu cực của những người đặt vấn đề, chỉ trích niềm tin của con. Điều này cũng dễ hiểu, và lý do sâu xa là vì con chưa trụ neo vững chắc vào các niềm tin tâm linh. Con cảm thấy bất an vì ở một mức độ nào đó, con nhận ra là con còn một số mâu thuẫn trong thế giới quan của mình, con còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, và con chưa thể nhập các giáo lý vào đời sống hàng ngày của mình.

Hệ quả là con vẫn mang một nỗi sợ hãi tiềm ẩn rằng con có thể bị sai, rằng con có thể đang đi theo một giáo lý giả trá, hoặc toàn bộ con đường tu tâm linh có thể chỉ là ảo ảnh. Cho nên con mang sẵn một nhược điểm tiềm tàng đối với những người có thái độ cực kỳ phê phán, và điều đáng buồn là đã có nhiều người bị những kẻ tiêu cực như vậy khiến họ bỏ đường tu.

Thật ra, có hẳn cả một băng đảng những tà thể gọi là Đám Phá rối (the Spoilers) luôn luôn tìm kiếm những người mà chúng có thể kéo ra khỏi đường tu. Những tà thể này thường làm việc qua trung gian những người chưa vượt qua được nghi vấn của mình.  Và những người này trở thành những nhà “phản truyền giáo”, chuyên môn đi bới móc những gì họ xem là khuyết điểm trong niềm tin của người khác. Người nào mà rơi vào cám đỗ này cũng sẽ trở thành công cụ cho tà thể, và họ lại bắt đầu đi ảnh hưởng người khác, và đây là cách mà chúng có thể lan rộng ra như vòng nước trên mặt hồ. Có những tổ chức tâm linh – hoàn toàn chính đáng, và trong một số trường hợp, được các chân sư thăng thiên hỗ trợ – đã bị kéo sập toàn diện bởi những kẻ làm cánh tay nối dài cho Đám Phá rối.

Nhưng những ai sống sót được đợt tấn công tiên khởi đó, cuối cùng sẽ trở nên neo chặt vào bản thân. Khi con dần dần trưởng thành trên đường tu, con sẽ bắt đầu vượt qua những giới hạn của mình và tự nhiên con sẽ chú tâm vào những cách giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến con đối mặt với một tầng cấp khai ngộ cao hơn liên quan đến cách phản ứng của con khi người khác có thái độ tiêu cực đối với nỗ lực trợ giúp trong sáng nhất của con.   

***

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là nhận ra rằng nhiều người chín chắn về mặt tâm linh thường mang một ký ức nội tâm về cách tương tác nơi cõi tâm linh. Đã có một thời kỳ khi một số sinh thể tâm linh đã trở nên tiêu cực, phán xét và hay buộc tội, như được mô tả trong kinh Khải huyền: “Tôi lại nghe có tiếng nói lớn trên trời rằng: Bây giờ sự cứu rỗi và sức mạnh đã đến, cùng với vương quốc Thượng đế chúng ta và quyền năng đấng Ki-tô của ngài, vì kẻ buộc tội anh em chúng ta, kẻ đã ngày đêm buộc tội anh em trước mặt Thượng đế, nay đã bị quăng xuống rồi.” (Revelation 12:10)

Như chúng tôi đã giải thích, cuối cùng thì những sinh thể phán xét đó đã được gửi xuống cõi vật chất, một phần như là những linh thể không hồn, và một phần như những con người đầu thai. Và chúng vẫn cứ tiếp tục lên án mọi người như trước, chỉ khác một điều là bây giờ chúng không còn buộc tội trước mặt Thượng đế đích thực mà trước một thượng đế giả hiệu mà chúng đã tạo ra. Điều quan trọng ở đây là tất cả những ai đã chín chắn tâm linh cần phải vươn lên khỏi nhu cầu phán xét và buộc tội người khác. Và như vậy, họ mới có được một lối tương tác văn minh khi họ không cảm thấy một hệ thống tín ngưỡng hay một tổ chức nào phải vượt trội hơn hay phải là tổ chức đúng đắn duy nhất.    

***

Trên đường tu tâm linh, có một số bước ngoặt. Một bước ngoặt quan trọng là khi con sẵn sàng nhìn xa hơn những tin tưởng hiện tại của mình và xét đến một số ý tưởng mới. Đối với một số người, điều này có nghĩa là họ sẽ rời bỏ tôn giáo mà họ đã lớn lên và tìm kiếm một giáo lý và một tổ chức tâm linh mới. Một số khác sẽ ở lại với tôn giáo của mình nhưng họ sẽ đổi mới cách tiếp cận với tôn giáo đó. Dù bằng cách nào đi nữa thì trong những bước đầu của giai đoạn này, họ sẽ có niềm tin mạnh mẽ rằng phải có một đạo sư/giáo lý/tổ chức đích thực duy nhất mà thôi, và tất cả mọi con đường khác đều sai lầm.

Nằm bên dưới niềm tin này là sự cảm nhận rằng con không thể tự mình cứu rỗi chính mình, cho nên con cần sự giúp đỡ từ ngoài. Nếu con có niềm tin này thì chẳng có gì sai trái (cho dù chính niềm tin đó thì sai lầm), bởi vì đây là một giai đoạn bắt buộc mà ai ai cũng đi qua. Vấn đề là khi con suy nghĩ như thế, con cũng sẽ có một cái nhìn trắng đen về thế giới. Và điều này khiến con cho rằng con hoàn toàn có lý và bất cứ ai không đồng ý với con đều sai lầm – có thể là họ đang a dua với tà lực, hoặc bất cứ cách diễn tả nào khác.

Điều thực sự xảy ra trong giai đoạn này là con không sẵn sàng nhận trách nhiệm toàn diện về đường tu và sự cứu rỗi của con. Cho nên con vẫn phóng chiếu trách nhiệm đó ra cho ai khác. Đó là tại sao con sẽ nghĩ rằng một kỹ thuật tâm linh nào đó sẽ giải quyết mọi vần đề của con như trong phép lạ. Con chưa có khả năng chấp nhận sự thật rằng trước khi hoàn cảnh vỏ ngoài của con thay đổi thì con phải thay đổi hoàn cảnh nội tâm của con trước đã.  

Bước ngoặt kế tiếp trên đường tu sẽ đến khi con đủ trưởng thành để bắt đầu tìm kiếm cái xà trong mắt mình thay vì nhìn thấy, hay phóng chiếu ra, những cái giằm trong mắt người khác. Trước điểm quẹo này thì con vẫn còn học hỏi qua giáo lý vỏ ngoài cùng những trải nghiệm trong đời – nói cách khác, đó là trường đời cay đắng. Trong tư cách là một thày tâm linh, ta chờ đón thời điểm khi một dòng sống trở thành “dạy dỗ được” – khả huấn – nghĩa là dòng sống nay đã sẵn sàng có sự liên hệ nội tâm trực tiếp với vị thày tâm linh. Đây là điểm khi con gia nhập trường học chỉ đạo nội tâm thay vì trường đời vỏ ngoài.

Yếu tố chủ yếu của con đường tâm truyền này là con luôn luôn soi gương và tìm xem có cách nào con cải thiện được chính mình. Con ngừng không tìm kiếm lầm lỗi nơi người khác để làm cái cớ cho mình khỏi phải cải thiện bản thân. Chính sự sẵn lòng tự thay đổi này khiến con trở thành khả huấn, cho nên đây là một đức tính tuyệt vời mà ta hoàn toàn không có ý chê bai.

Tuy nhiên khi trưởng thành tâm linh hơn, con cần nhận ra rằng cái khuynh hướng luôn muốn tự cải tạo có thể đi quá đà, và điều này đặc biệt đúng trong quan hệ với người khác. Là người tầm đạo chân thành, con có xu hướng nghĩ rằng nếu con có bất đồng, xung đột hay thậm chí một sự khác biệt quan điểm với ai khác, thì con là người cần phải tự cải thiện. Điều này chỉ đúng cho tới một điểm nào đó thôi, bởi vì cho tới khi nào con còn dính mắc và chưa bình an, thì đúng là con cần tự cải thiện.

Tuy nhiên, cái mà con cần cải thiện KHÔNG phải là khả năng lý luận thuyết phục người khác, mà là khả năng phân biện xem người đó có khả huấn hay không. Và khi con nhận ra là người đó không khả huấn, con cần buông bỏ mọi ham muốn giáo huấn họ, và con hoàn toàn an bình với sự kiện họ tin chắc tuyệt đốt là con sai lầm, và con cũng tuyệt đối không thể làm gì được để khiến họ thay đổi ý kiến. Con chỉ cần buông chuyện đó ra và bước đi.

***

Ta hoàn toàn hiểu được là nhiều người tầm đạo chín chắn đã trau dồi một lòng chân thành muốn giúp người, và điều này chính là điều đánh gạt họ. Nếu cá nhân con đã vượt lên trên tư duy trắng đen thì con dễ dàng thấy được người kia đang bị kẹt trong lối tư duy này. Con biết tư duy này sẽ chỉ khiến cho người kia bị đau khổ, con biết họ cần thoát ra, và con vô cùng mong muốn họ tăng trưởng càng nhanh càng tốt hầu tránh khỏi mọi đau khổ. Nhưng con cần nhận ra là khi nào họ còn bị kẹt trong tư duy đen trắng thì họ không là người khả huấn. Họ chưa cởi mở ra để nhận được giáo lý tâm linh cao hơn mà con thấy được.  

Ta thông cảm được sự cám dỗ của con. Con thấy rõ sự ngụy biện trong lập luận của người kia. Và con dư sức nghĩ ra môt lập luận hoàn toàn hữu lý mà con cho là sẽ chứng minh những thiếu sót trong niềm tin của họ. Và con nghĩ rằng nếu con đưa ra lập luận này cho họ, ho sẽ phản ứng y như là con sẽ phản ứng. Thế nhưng con cần hiểu là chính vì người đó không ở cùng mức tâm thức như con, cho nên họ sẽ KHÔNG phản ứng lại giống như con!

Lập luận của con sẽ hoàn toàn không có ký gì hết đối với họ khi nào họ chưa vượt lên khỏi tầm mức suy nghĩ trắng đen. Cho nên điều tốt nhất mà con có thể làm là chấp nhận những người như thế cần phải ở lại trong trường đời cay đắng cho tới khi họ bị cay đắng quá nhiều lần đến độ họ phát ớn. Và cuối cùng họ sẽ thốt lên: “Ủa, có ai đang gõ cửa vậy? Có ai đang muốn nói với tôi điều gì và đang gõ cửa kia kìa?”

Con cần phải nhận ra rằng hành tinh này là một lớp học, và lớp học đã được thiết kế khôn ngoan để nhận đủ mọi loại học sinh. Các hoc sinh vỡ lòng đang học trường đời cay đắng, và họ cần ở lại đó cho tới khi họ sẵn sàng lên lớp. Cho nên nếu con là một người tầm đạo đã chín chắn hơn, con nên tránh có những sự tương tác nơi con tìm cách lý luận với trạng thái tâm thức của họ. Thay vào đó, con nên tập trung sự chú ý của con vào những người đã leo lên tới mức khả huấn.  

Để giúp con làm được điều này, ta gửi con câu sau đây để con suy ngẫm: “Vì mục đích đó mà ta đã sinh ra, và vì công cuộc đó mà ta đã giáng thế, đó là để làm chứng cho sự thật. Hễ ai thuộc về sự thật thì hãy nghe giọng ta.” (John 18:37)  

Đây là vai trò của của những ai đại diện cho tâm thức Ki-tô trên địa cầu, và mọi người tầm đạo chân thành đều nên nỗ lực trở thành một người trong số đó. Tuy nhiên, để thực sự đại diện được Ki-tô, con phải cố gắng đạt được sự không dính mắc.

***

Con đạt được sự không dính mắc bằng cách suy ngẫm về luật tự quyết. Thượng đế đã ban cho mọi người quyền tự quyết. Điều này có nghĩa là khi con gặp gỡ một người phán xét, buộc tội con hay niềm tin của con, con hoàn toàn chấp nhận cho người đó có quyền có quan điểm đó cũng như bày tỏ quan điểm đó. Nếu quan điểm của họ phát xuất từ một tư duy đen trắng, rõ ràng là thiên vị hoặc thiếu chính xác, con hoàn toàn chấp nhận là họ có quyền ở mức tâm thức của họ.

Nhưng sau đó con cũng nhận ra là con có quyền tự quyết của con, nghĩa là con có quyền có những niềm tin mà con có, và sống cuộc đời của con mà hoàn toàn không bị những người bất đồng ảnh hưởng. Khi con thực sự chấp nhận quyền tuyệt đối của con để sống theo niềm tin của mình, thì con mới có thể tránh khỏi bị những người bất đồng đe dọa mình. Con cũng tránh khỏi cảm giác mình bị bó buộc phải cứu họ ra khỏi chính họ. Và như thế, con nay có khả năng nói lên sự thật cao nhất mà con thấy được mà đồng thời hoàn toàn không dính mắc vào phản ứng của người kia, thậm chí con còn không có bất kỳ mong muốn họ sẽ phản ứng ra sao.  

Con có thấy được điều ta muốn nói? Có một sự khác biệt vi tế nhưng cơ yếu giữa việc nói lên sự thật với ý định thuyết phục người khác và việc nói lên cùng sự thật đó một cách hoàn toàn không dính mắc. Trong cả hai trường hợp, con có thể nói lên cùng một sự thật, ngay cả dùng cùng những từ ngữ, nhưng ý định của con thì khác hẳn. Và khi ý định của con hoàn toàn tinh khiết, con không vướng mắc vào kết quả. Con chỉ làm hành động chính đáng mà không bám mắc vào quả trái của hành động.  

Ta muốn nói rõ, đây là một mục tiêu để con cố đạt được, cho nên con không nên tự chê trách mình nếu con không đạt được ngay lập tức. Khi con sống trong thế giới vật chất, con rất dễ bị choáng ngợp bởi những áp lực đủ kiểu. Chính ta cũng không luôn luôn bình thản khi ta bước chân trên địa cầu cách đây 2000 năm, và đó là tại sao ta đã nóng giận khi ta lật bàn ghế của bọn đổi tiền, hay khi ta gay gắt một cách không cần thiết với các thày thông giáo và người Pha-ri-si, hay cả khi ta thường hay cáu kỉnh với các môn đồ của ta. Dù sao đi nữa, điều quan trọng cho người tầm đạo trưởng thành là nhận ra tầm quan trọng của sự không dính mắc toàn diện, và cố gắng đạt được sự không dính mắc thay vì nghĩ rằng mình phải cố gắng thuyết phục người khác giỏi hơn.       

***

Ta không muốn người đọc bài này lý luận rằng mình không bao giờ được đáp trả lại những người có tư duy đen trắng. Có nhiều trường hợp mà sự trả lời sẽ hoàn toàn vô ích và chỉ lãng phí thời gian lẫn sức lực của con. Nhưng trong một số trường hợp, việc trả lời sẽ là điều thích đáng hầu con làm chứng cho sự thật cao hơn mà con nhìn thấy. Và khi con vượt lên trên nỗi bực đọc, con sẽ có tự do để trực nhận lúc nào mình cần trả lời và lúc nào mình bước đi.   

Ta cũng muốn nói rõ là con không nên sử dụng tâm trí vỏ ngoài để lượng định xem người kia có khả huấn hay không. Đừng rơi vào cám dỗ đánh giá theo bề ngoài. Chẳng hạn, khi người kia cởi mở với những tư tưởng mới, điều này không có nghĩa là họ đã nhận trọn vẹn trách nhiệm về bản thân họ, hay ngay cả đã hiểu được rằng chìa khóa của sự thay đổi ngoại cảnh chính là sự thay đổi nội cảnh. Có những người cứ nhảy từ đạo sư này tới đạo sư kia, từ giáo lý này sang giáo lý kia, mà vẫn không đạt tới cái nhận biết sẽ biến họ thành người khả huấn. Thậm chí có cả những người đã theo học các chân sư thăng thiên từ hàng thập niên mà vẫn không khả huấn, bởi vì đơn giản họ vẫn chưa sẵn lòng soi mình trong gương. Cho nên, con phải đi xa hơn cái trí vỏ ngoài và bước theo sự hướng dẫn bên trong của con.

***

Ở cấp độ thấp nhất của tư duy đen trắng là những người tin rằng tôn giáo mà họ đã lớn lên là tôn giáo chân chính duy nhất. Nói cách khác, họ đã không chọn gia nhập tôn giáo đó và cũng chưa từng chất vấn xem nó có căn cứ đến đâu. Ở mức này, sẽ có rất ít tăng trưởng vì họ không mở tâm ra cho ý tưởng mới.  

Ở cấp độ kế tiếp là những người đã cởi mở ra với ý tưởng mới. Đây là những người thường rời bỏ tôn giáo của tuổi thơ để đón nhận một tôn giáo mới. Tuy nhiên họ vẫn chưa thoát ra khỏi tư duy đen trắng, và bây giờ họ phải dán nhãn cho tôn giáo cũ là hoàn toàn sai lầm và tôn giáo mới là hoàn toàn đúng đắn. Đây là một bước tiến tiềm năng, bởi vì ít ra họ đã khởi sự chuyển bước. Tuy nhiên, hiểm họa nằm sẵn bên trong là tự ngã sẽ đưa họ vào một con đường quanh co sẽ tốn họ rất nhiều thời gian. Có một cơ chế tâm lý là để rời bỏ một hệ thống tín ngưỡng và chấp nhận một hệ thống mới, người ta phải chấp nhận là cái cũ sai lầm, tức là mình đã bị những ý tưởng sai lầm lừa dối.

Trong hầu hết trường hợp, người ta sẽ tránh né chuyện này ở mức ý thức bằng cách quy tất cả trách nhiệm cho tôn giáo cũ và bảo rằng mình đã bị đánh lừa, thao túng, ép buộc, tẩy não hay bất cứ lý do nào khác. Nhưng ở mức tiềm thức, họ biết rằng nếu họ đã bị đánh lừa một lần rồi thì họ có thể bị đánh lừa một lần nữa. Cho nên mặc dù họ đã có tiến bộ, tư duy đen trắng của họ có nghĩa là họ đã phải mua sự tiến bộ đó với giá cao, là cái giá của sự bất an nội tâm sâu sắc.

Để đối phó với sự bất an này, việc thấy mình đang làm đúng trở thành vô cùng quan trọng. Nói cách khác, họ phải có lý khi họ vạch trần tín ngưỡng cũ, và họ cũng phải có lý khi họ trình bày tín ngưỡng mới là hoàn toàn đúng. Tự ngã sử dụng nỗi bất an này để kiểm soát họ và ngăn cản họ vươn lên mức cao hơn nơi họ nhận trách nhiệm về bản thân và do đó bỏ lại đằng sau lối suy nghĩ đen trắng.    

Như ta đã giải thích trong các bài giảng về tự ngã, phương thức vận hành của tự ngã là nó nâng một ý tưởng nào đó lên địa vị không thể sai lầm, tức là không bao giờ được phép chất vấn. Thế là tự ngã nay thuyết phục những người đó là họ không bao giờ được cho phép mình bị chứng minh là sai lầm, bởi vì nếu họ sai lầm, một điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra. Cho nên họ bước vào một tư duy thường xuyên cảm thấy mình bị đe dọa, và họ không ngừng tìm cách bác bỏ mọi ý tưởng hay quan điểm nào có thể cho thấy là mình sai. Tất nhiên, điều này sẽ khiến họ không thể nhìn nhận lỗi lầm, và nếu không thể nhìn nhận lỗi lầm thì làm thế nào họ sẽ học hỏi và tăng trưởng được đây?

***

Thế là bây giờ họ bước vào một lối tư duy nơi họ dồn mọi nỗ lực tâm trí để chứng minh là mình đúng. Và một khía cạnh của tâm lý này là họ cảm thấy một nhu cầu muốn đi truyền giáo. Vì thật vậy, nếu họ có thể cải đạo cả thế giới vào hệ thống tín ngưỡng của họ thì tự ngã sẽ cảm thấy là nó đúng. Và họ bắt đầu đi cổ võ cho tín ngưỡng của họ một cách hung hăng, nhưng vì họ vẫn suy nghĩ đen trắng cho nên họ không thể chỉ tập trung vào chuyện nói tốt về tín ngưỡng của mình, mà họ cũng phải nói xấu về tín ngưỡng của người khác. Cách lý luận của tự ngã là nếu có thể phá hủy được niềm tin của người khác, thì rồi người đó sẽ phải chấp nhận hệ thống của mình là hệ thống đúng đắn độc nhất.     

Trên cơ bản khi làm như vậy, những người như thế đã tự đặt mình vào một tâm trạng không ngừng xung đột với tất cả những ai không đồng ý với mình. Họ phải bác bỏ tất cả những gì có vẻ đe dọa niềm tin của họ, và họ phải tiêu diệt niềm tin của người khác. Kỳ thực, đây chính là chủ trương của tự ngã cho rằng cứu cánh biện minh cho phương tiện. Mặc dù họ thường biện hộ là họ chỉ đang cố cứu cho người khác khỏi rơi vào địa ngục, nhưng thực tế là họ đã bị tự ngã hoàn toàn khống chế, và thường khi họ cũng bị khống chế bởi những tà thể mà ta gọi là Đám Phá rối. Và như vậy, họ sẵn lòng phá nát tín ngưỡng của người khác hầu bảo tồn tín ngưỡng của mình.      

Thật ra, tự ngã của những người như thế không có chủ ý muốn chứng minh một hệ thống tin tưởng nào là hệ thống đúng đắn duy nhất. Đơn giản, tự ngã chỉ đang cố đánh lạc hướng sự chú ý của họ để họ không phát hiện ra tự ngã và bắt đầu gỡ cái xà khỏi mắt mình. Cũng vậy, các tà thể không hề có ý muốn chứng minh sự vượt trội của bất kỳ hệ thống tin tưởng nào. Chúng chỉ cố lừa gạt người ta nhảy vào những trận chiến tín ngưỡng bất tận, để họ làm tha hóa năng lượng mà các tà thể rất cần hầu sống sót.   

Điều ta muốn nói là với tư cách một người tầm đạo đã chín chắn, con cần nhận ra là nếu con đối thoại với ai đó để cố thuyết phục họ là niềm tin của họ sai lầm, thì con đang đe dọa nền tảng cái nhìn của họ về cuộc sống. Đối với họ, việc không bao giờ bị chứng tỏ là sai chính là một vấn đề sinh tử. Chẳng hạn, nếu con cố sửa sai một điều gì mà họ đã nói – cho dù là họ sai trái rành rành – thì họ sẽ tức khắc bác bỏ mọi điều con nói mà không thực sự suy nghĩ sâu hơn. Họ sẽ đơn giản không đếm xỉa gì tới ý kiến của con, bởi vì họ đã quyết định là những điều con nói không thể nào đúng, và họ sẽ chỉ tìm cách bác bỏ cho bằng được. Tư duy đen trắng sẽ LUÔN LUÔN tìm ra cách bác bỏ bất cứ lập luận nào mà con đưa ra từ một mức tâm thức cao hơn.      

Một khía cạnh khác là khi con đe dọa niềm tin của những người như thế, họ sẽ trả đũa bằng cách tấn công ngược lại. Nếu họ thực sự bị mắc kẹt trong sợ hãi, họ sẽ sẵn sàng tiêu diệt con hầu bảo toàn cái ảo tưởng là họ có lý. Nếu họ ít mắc kẹt hơn trong sợ hãi, họ sẽ tìm cách đánh phá niềm tin hay tín ngưỡng của con một cách chung chung. Con cũng cần nhận ra là rất nhiều người như vậy không có khả năng tự chủ. Cho nên con không đang đối thoại với một người mà con có thể lý luận. Con đang phải đối đãi với tự ngã của một người, hay những tà thể bóng tối đang tác động qua người đó. Đó là lý do tại sao con gặp phải những sự tấn công vô cùng hung hãn và độc địa. Ta không đang cố bênh vực cho những tấn công đó, mà ta đang chỉ ra cho con rằng họ không hoàn toàn tự kiểm soát được chính họ. Do đó, con cần nhận rõ là nếu con bước đến gần một con chó dại, con không nên ngạc nhiên nếu nó cắn con. Và con thực sự không nên trách cứ họ, vì con phải biết là con đang bước vào tình huống như thế nào.     

***

Khi con đối xử với những người có tư duy đen trắng, con cần lưu ý là họ sẽ phóng chiếu trạng thái tâm thức của họ lên con, tức là con không được ngạc nhiên nếu họ buộc tội cho CON là con đang làm chính điều mà họ đang làm. Ta cần nói lên điều này cho con, bởi vì khi con biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, con có thể tránh khỏi bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận vô nghĩa khi con cố bác bỏ những gì không thể bác bỏ được nếu người kia cứ khăng khăng giữ lấy tư duy trắng đen của họ.

Điều này không có nghĩa là đôi khi con không thể giúp cho những người như thế vươn lên trên tâm trạng của họ. Nhưng để làm được điều này, con phải tạo sự bất ngờ bằng cách không làm những gì họ chờ đợi. Những người như vậy sẽ chờ đợi là khi họ kết án con, con sẽ tìm cách bác bỏ lời kết án của họ và kết án ngược lại. Nếu con muốn có chút hy vọng chạm được con người thực của họ đằng sau hàng rào phòng thủ kiên cố, con cần gây cú sốc bằng cách không phản ứng như họ chờ đợi. Đó là một lý do tại sao ta dạy rằng con không nên cưỡng lại cái ác mà nên chìa má kia ra. Có khi cách hồi đáp này sẽ khiến họ bị sốc đến độ họ sẽ suy nghĩ lại cách cư xử cũng như tư duy của họ.

Điều ta muốn nói là nếu một người tầm đạo trưởng thành quyết định đối thoại với những người mang tư duy đen trắng, con nên biết rõ con đang bước vào một tình huống như thế nào. Thường khi, đây là một công việc vô ơn, mà xác suắt thay đổi tích cực thì khá thấp. Cho nên điều xây dựng là con nên xem đó chủ yếu là một cách thử thách xem ý định của con tinh khiết đến đâu, và mức độ không dính mắc của con cao như thế nào. Con hãy xem đó là một kinh nghiệm học hỏi để con tăng trưởng. Còn việc tăng trưởng của người kia thì con hãy để mặc cho quyền tự quyết của họ.

Nói chuyện với người khác nhưng để ý phản ứng của mình

Hỏi: Nếu con có bạn bè cũng bước trên đường tu tâm linh và nếu con nhận ra là họ có một điều gì họ không thể buông bỏ, thì liệu con có trách nhiệm nêu vấn đề ra để họ chú ý? Hay con phải làm việc trên tự ngã của con trước khi đặt vấn đề với họ?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Trách nhiệm của con luôn luôn là soi gương, là nhìn vào bản thân mình trước tiên. Hẳn con cũng biết lời ẩn dụ của ta về những người nhìn thấy trước tiên cái giằm trong mắt người khác mà không nhìn thấy cái đà trong mắt mình. Cho nên khi con là người tầm đạo tâm linh, con nên luôn luôn dõi nhìn những gì xảy ra trong chính mình.

Tuy nhiên khi con bước trên đường tu, sẽ tới một điểm khi con nhìn ra được một số điều trong bản thân mình và do đó con cũng thấy rõ hơn những gì xảy ra trong tâm lý người khác. Cho nên sẽ tới lúc con có trách nhiệm nêu vấn đề cho họ chú ý, hầu họ có cơ hội nhìn thấy những gì mà tự họ không thể thấy được.

Thật sự, những người tầm đạo nếu ở trong một trạng thái tâm thích hợp có thể giúp đỡ lẫn nhau rất nhiều, bởi vì mỗi người đều có những điểm mù, là những điểm mà họ không thể nhìn thấy nhưng lại thật hiển nhiển đối với người khác. Cho nên bằng cách đưa vấn đề đó ra trong tình thương yêu, các con có thể giúp đỡ nhau rất nhiều trên đường tu.

Câu hỏi mấu chốt mà con cần đặt ra cho chính con là liệu con có cảm thấy dính mắc bởi điều con vừa phát hiện nơi người kia hay không. Liệu nó có làm phiền con không? Liệu nó có khiến con bực bội, nóng giận hay không? Liệu con có sợ nó không? Liệu con có cảm thấy bó buộc phải cho người kia nhìn thấy tính xấu của họ, như thể con sẽ bị mất một cái gì đó hay con bị tổn thương hoặc bị chối bỏ nếu họ không nhìn ra? Nếu con có thể nhận diện các loại cảm xúc này trong bản thân con, thì con nên coi như là mình vẫn chưa chữa lành được tâm lý mình hoàn toàn.

Trong trường hợp đó, rất có thể sẽ tốt hơn nếu con không nói gì với người kia, bởi vì chừng nào con còn mang những dính mắc và cảm xúc tiêu cực như vậy thì con có thể chắc chắn là các cảm xúc đó sẽ ngăn cản không cho con thấy rõ những gì đang xảy ra trong tâm lý họ. Nếu vậy, con sẽ cần làm việc trên chính mình – cho đến khi con cảm được sự minh mẫn luôn đi kèm theo sự không dính mắc – rồi sau đó con mới hãy nói chuyện với người kia.

Chúng ta cũng có thể nói được là nếu con có thể nêu lên vấn đề từ nhãn quan của tình thương tinh khiết, thì con rất nên làm chuyện đó. Nhưng nếu con nhận diện những loại cảm xúc khác thì con nên hoãn lại một thời gian, soi vào gương, và tìm xem có thể nào là người kia đang phơi bày ra một điểm gì đó trong tâm lý con hay chăng, và liệu con sẽ được ích lợi chữa lành nó, hầu con được giải thoát khỏi nó và bước đi tiếp trong cuộc sống.

Như ta đã chỉ ra nhiều lần, sự cân bằng và không dính mắc chính là chìa khóa. Nếu con cân bằng, cái nhìn của con sẽ rõ ràng và con không cảm thấy bị bó buộc bởi những cảm xúc vị kỷ. Nếu con không dính mắc, con sẽ có khả năng nói chuyện với người kia mà không bị phiền lòng nếu họ không đồng ý hay không thay đổi. Luôn luôn con hãy nhớ tôn trọng định luật tự quyết của Thượng đế. Trách nhiệm của con CHÍNH LÀ cho người kia cơ hội thay đổi bằng cách nói ra những gì con thấy, chứ KHÔNG PHẢI là chọn lựa dùm họ những gì họ phải làm với điều con vừa nói với họ.

Con hãy nói chuyện với người kia, xong con hãy giữ mình không bị dính mắc vào cách phản hồi của họ. Nếu con phát hiện trong con bất kỳ dính mắc nào liên quan đến phản hồi của họ, thì con hãy sử dụng nó để phát hiện cái đà trong mắt con. Khi con phản ứng lại người khác – ngược với khi con tự do chọn lựa cách mình đáp ứng trước một tình huống – thì phản ứng đó của con luôn luôn là vì ở trong con có điều gì đó mà con cần giải quyết. Cho nên từ nhãn quan này, con không bao giờ mất gì khi con nêu vấn đề ra cho người kia chú ý. Con chỉ mở tâm ra để khám phá vận hành trong con, và con quyết tâm nắm lấy cơ hội học hỏi từ tình huống ngay cả khi người kia không nắm lấy cơ hội.