Hỏi: Thày Giê-su, xin thày định nghĩa thế nào là chủ nghĩa duy vật. Làm thế nào chúng con có thể tránh được nó và giữ cho mình không bị dính mắc vào vật chất? Chúng con sống trong một đất nước với nhiều thứ tươi đẹp, và nếu con muốn một ngôi nhà đẹp đẽ mà không bị dính mắc thì liệu điều này có chấp nhận được không? Hoặc con có thể muốn bất cứ gì khác mà không bị dính mắc một cách nào đó? Có phải là chúng con không được ham muốn gì cả ngoại trừ Thượng đế? Đây có phải là cuộc chiến giữa tự ngã với Thượng đế? Chuyện này khiến con bối rối.
Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.
Không dính mắc là một khái niệm không thể hiểu được bằng trí năng của người phàm. Đó là một khái niệm không đường thẳng vượt khỏi trí thức đường thẳng cũng như tâm nhị nguyên.
Một người tầm đạo sẽ được rất nhiều lợi lạc nếu ngộ ra là có nhiều khái niệm tâm linh không thể nào diễn đạt bằng lời nói. Lý do là vì ngôn từ là một phương tiện đường thẳng có thể dễ dàng được suy diễn, hay bị diễn giải lầm lạc, bởi tâm nhị nguyên. Cho nên để nắm bắt trọn vẹn – có nghĩa là thể nhập – một khái niệm, con cần sử dụng giáo lý vỏ ngoài duy như là một bàn đạp để đạt đến một trải nghiệm nội tâm, trực nhận, về chân lý.
Ý nghĩa của sự thật nói trên là khi chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đưa ra một lời dạy tâm linh, chẳng hạn những lời dạy của ta cách đây 2000 năm, ý định của chúng tôi không bao giờ là ban ra một lời chân lý bất khả sai lầm. Chúng tôi dư biết là không có một lời dạy nào được diễn tả qua ngôn từ có thể là chân lý viên mãn. Đơn giản, chân lý không thể được biểu đạt bằng ngôn từ. Chân lý chỉ có thể được trải nghiệm và thể nhập. Có thể nói là con không thể biết hay hiểu được chân lý, mà con chỉ có thể trở thành chân lý. Đó là tại sao ta đã dạy: “Giê-su nói với người đó: Ta là con đường, sự thật và sự sống. Không một ai đến được cùng Cha mà không bởi ta.” (John 14:6)
Câu nói trên là ví dụ điển hình về điều ta vừa trình bày. Quá nhiều tín hữu đạo Cơ đốc – bị mắc kẹt trong tâm nhị nguyên – đã diễn giải câu đó nghĩa là con người vỏ ngoài của Giê-su Ki-tô, hay đạo Cơ đốc, là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi. Ý nghĩa thực là tâm thức Ki-tô – vượt khỏi tâm đường thẳng nhị nguyên – mới là cách duy nhất để biết Thượng đế cùng sự thật của Thượng đế. Và con chỉ có thể biết được sự thật bằng cách hợp nhất, trở thành, tâm Ki-tô đó. Và không một ai dù là nam hay nữ cũng không thể đến được với Cha ngoại trừ qua sự hợp nhất với cái ta Ki-tô của người đó.
Bằng cách trở thành một với cái ta Ki-tô, con sẽ lần hồi trở nên không dính mắc đối với mọi thứ của thế gian. Điều này sẽ không xảy ra nếu con cố tình kìm nén ham muốn của mình đối với những vật của thế giới này, mà nó sẽ xảy ra bởi vì cái ta Ki-tô của con sẽ giúp con ngộ được rằng sự sống là nhiều hơn vui thú vật chất. Khi đó, con sẽ bắt đầu ham muốn những thứ của tánh linh nhiều hơn những thứ của thế gian.
Đó là một tiến trình lần hồi. Con hấp thụ một mảnh nhỏ của chân lý, xong con cho phép nó nâng cao tâm thức của con. Đó là vì sao ta đã dạy: “Nước thiên đàng giống như chất men mà người đàn bà kia trộn vào trong ba đấu bột, cho đến khi bột nở dậy cả lên.” (Matthew 13:33)
Con cũng biết là khi con cho men vào bột, men cần thời gian để làm việc. Nếu con cứ không ngừng lấy bột nhào đi nhào lại thì con sẽ ngăn trở men làm việc. Cho nên con cần để bột sang một bên cho nó nghỉ. Cũng vậy, con lấy một mảnh chân lý tâm linh, xong con cho phép nó dần dần nâng cao tâm thức của con.
Tiếc thay, quá nhiều người – đặc biệt trong thời đại hôm nay chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì – sử dụng trí năng của mình để tìm cách ép buộc tiến trình đó. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người ta tìm cầu những loại hiện tượng hay trải nghiệm tột đỉnh. Những người như thế rốt cuộc thường chỉ có được một trải nghiệm giả hiệu đem lại cho họ một cách hiểu sai lầm về khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Thế nhưng họ cứ tưởng là do những trải nghiệm mà họ đã có, sự hiểu biết của họ chính là chân lý tuyệt đối. Đấy là vì sao ta đã dạy: “Nước thiên đàng không được hãm ép, và những kẻ hãm ép cố chiếm thiên đàng bằng vũ lực.” (Matthew 11:12)
Ý của ta là con không thể cưỡng ép một cách hiểu trí thức lên sự không dính mắc – con không thể bắt ép mình cho không dính mắc. Con cần suy ngẫm điều này và dần dần thể nhập sự thật sâu xa đằng sau khái niệm không dính mắc. Con cần trở thành chính sự thật đó thì khi đó con sẽ không dính mắc.
Khi điều này xảy ra, con sẽ tự nhiên tìm được một thế cân bằng sẽ cho phép con vui hưởng những thứ của thế gian này mà không bị dính mắc với chúng. Nói cách khác, lý tưởng là con có khả năng thưởng thức và vui hưởng trọn vẹn sự tươi đẹp của thế giới này. Con nghĩ tại sao ta đã nói câu này: “Ta đã đến để các con được sự sống, và các con được sự sống dồi dào hơn nữa.” (John 10:10)
Thượng đế không hề mong muốn thấy người tâm linh phải từ bỏ mọi khía cạnh của thế giới vật chất. Cho nên con đường từ bỏ – mà quá nhiều hội thánh Cơ đốc cùng các tôn giáo khác đã đi theo – không phải là con đường hay nhất. Kỳ thực, khi con từ bỏ mọi thứ của thế gian thì con cũng không tránh được sự chối bỏ một số khía cạnh trong thiết kế của Thượng đế, chối bỏ một số món quà mà Ngài đã dành cho những người con trai và con gái của Ngài. Chừng nào sự chối bỏ món quà của Thượng đế còn tiếp diễn thì vương quốc của Ngài sẽ không thể nào thị hiện trên trái đất.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con đường từ bỏ là hoàn toàn sai lầm, mà đó là một cách ứng phó đối với một cuộc khủng hoảng – cụ thể là có quá nhiều người đã trở nên dính chặt với đồ vật thế gian đến độ họ đã tự đồng hóa làm sinh thể vật chất thay vì là những sinh thể tâm linh. Họ nghĩ là họ không thể nào sống được mà không có đồ vật của thế gian, hay họ nghĩ họ không thể nào trọn vẹn được nếu họ không mang một khía cạnh nào đó của đời sống thế gian. Chính thái độ này ngăn chặn họ bước vào vương quốc Thượng đế bởi vì: “Và khi người Pha-ri-si hỏi Giê-su là vương quốc Thượng đế bao giờ sẽ đến, thì Giê-su trả lời: Vương quốc Thượng đế không đến khi con quan sát và thốt lên, Kìa ở đây! Kìa ở đó! Vì con nhìn này, vương quốc Thượng đế ở ngay trong con.” (Luke, 17:20-21)
Nói cách khác, con không thể thực sự chiếm đoạt nước thiên đàng bằng vũ lực, cho dù nhiều người tưởng họ có thể làm vậy. Quá nhiều người mộ đạo tin rằng bằng cách tuân thủ các quy tắc vỏ ngoài và vững tin vào học thuyết của tôn giáo mình – bằng cách tuân thủ luật lệ của thế gian – họ sẽ có thể tự động tìm đường xông lên thiên đàng. Không phải vậy đâu con. Nước thiên đàng là một trạng thái tâm thức. Chìa khóa để đạt được trạng thái tâm thức này là trở nên không dính mắc với mọi thứ trong thế gian. Trở nên không dính mắc là một tiến trình có mấy giai đoạn, và ở đây chúng ta có thể đề cập đến một vài giai đoạn chính yếu, măc dù chúng ta có thể định ra nhiều giai đoạn hơn nữa:
- Con nhận ra sự sống là nhiều hơn thế giới vật chất.
- Con quyết định là con muốn một tầm hiểu về khía cạnh tâm linh của cuộc sống nhiều hơn là một số thú vui vật chất, cho nên con sẵn lòng gạt sang một bên một số đeo đuổi thế gian để có thể dành thời gian cùng sự chú ý cho việc đạt hiểu biết tâm linh.
- Con nhận ra chìa khóa của phát triển tâm linh là thể nhập chân lý và hòa nhập vào thành phần cao hơn của bản thể con, mà ta gọi là cái ta Ki-tô của con.
- Con nhận ra là một số sinh hoạt trong thế gian kéo con xa khỏi việc hòa nhập với cái ta Ki-tô của con. Rồi con quyết định từ bỏ các sinh hoạt như vậy mà không cảm thấy có gì mất mát. Cái ta Ki-tô cho con một cái gì sáng giá và thỏa nguyện hơn so với các thú vui thế phàm.
- Con nhận ra là rất nhiều thứ trong thế gian chính là sự biểu đạt của viễn quan Thượng đế. Đó là những món quà của Ngài. Cho nên việc vui hưởng các món quà đó – mà không trở nên dính mắc với chúng – không khiến con xao lãng quả vị Ki-tô của mình. Giờ đây con có thể thưởng thức món quà của Thượng đế mà không nghĩ rằng con không thể sống được nếu thiếu chúng.
Khi con kinh qua tiến trình nói trên, tiến trình lần hồi trở nên không dính mắc với mọi thứ của thế gian, con bắt đầu ngộ ra Thượng đế là nguồn cội của mọi điều tốt đẹp. Cho nên để sinh sống và vui hưởng, con không còn hướng mắt nhìn về những nguồn cung ứng, những yếu tố thế phàm nữa. Con hướng nhìn về Thượng đế cho mọi chuyện, và khi con làm vậy với một đức tin trọn vẹn hoàn toàn không dính mắc, Thượng đế sẽ toại nguyện mọi nhu cầu của con một cách đích thực. Ta đã từng diễn tả ý này trong câu sau đây: “Nhưng trên hết, hãy tìm kiếm vương quốc của Thượng đế cùng sự công chính của Ngài, thì mọi thứ đó sẽ được bồi thêm cho con.” (Matthew 6:33)
Điều quan trọng đối với người tầm đạo tâm linh là nhận ra rằng trước khi dòng sống của con bước vào kiếp đầu thai, con đã lập ra một kế hoạch cho đời mình để đem lại sự tăng triển tâm linh tối đa. Nói cách khác, dòng sống của con muốn tăng triển tối đa và nó đã xin Thượng đế giúp nó đạt được tăng triển này. Ngay lúc này, có thể tâm vỏ ngoài của con đã quên mất sự kiện đó và đã xây dựng một lòng ham muốn mãnh liệt đối với một số vật trong thế gian. Con có thể nghĩ là con không thể sống mà thiếu chúng, con có thể nghĩ là con sẽ không trọn vẹn nếu con không có chúng, hay con không thể tinh tấn tâm linh mà không có chúng. Thậm chí con còn có thể nghĩ – và đây là ảo tưởng lớn nhất trong số đó – rằng con không thể biểu hiện được quả vị Ki-tô của mình mà không có những thứ vỏ ngoài đó.
Cho nên nếu Thượng đế ban cho con những thứ đó thì điều này sẽ chỉ tăng cường niềm tin của con vào sự bất toàn, thiếu trọn vẹn của mình mà thôi – nó đối lập trực tiếp với sự tăng triển của con.
Cốt lõi của quả vị Ki-tô chính là khi con ngộ ra là con không cần bất cứ gì của thế gian này, bất cứ gì bên ngoài cái ta của con (cái ta Ki-tô) để có thể thị hiện quả vị Ki-tô.
Con có thấy chăng điều ta muốn nói? Nếu con chưa nhìn ra, con hãy dành thời gian để suy ngẫm về lời dạy mà ta vừa trao cho con. Tinh túy của lời dạy này là điều ta đã giảng dạy cho ông Kim khi ông được đào tạo để trở thành vị sứ giả của ta. Ta có nói với ông: “Nếu con nghĩ con cần đến cái gì đó, thì con không thể có cái đó!” Ý nghĩa là chừng nào con cho rằng mình chưa trọn vẹn – rằng mình không thể là Ki-tô – nếu con còn thiếu một cái gì đó của thế gian, thì Thượng đế sẽ không thể cho con cái đó. Làm như vậy sẽ vi phạm những chọn lựa sâu thẳm của dòng sống của con là mong muốn tăng trưởng tâm linh tối đa.
Tuy nhiên, Thượng đế cũng không muốn thấy con sống một cuộc đời thiếu thốn. Ngài muốn con có một đời sống dồi dào: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi, vì Cha của các người đã bằng lòng cho các người nước thiên đàng.” (Luke 12:32)
Cho nên ngay lúc con đạt đến sự không dính mắc cuối cùng đối với mọi thứ của thế gian và nhận ra Thượng đế là nguồn cội của mọi điều tốt đẹp, thì tức thì Ngài có thể và sẽ cho con sự sống dồi dào.
Liên quan đến việc định nghĩa chủ nghĩa duy vật, có mấy giai đoạn như sau tượng trưng cho những độ chối bỏ Thượng đế ngày càng bớt đi:
- Một số người cho rằng ngoài thế giới vật chất không có gì khác cả. Thượng đế không hiện hữu và trong con người của họ không có thành phần nào vượt khỏi thế giới vật chất. Chỉ những gì có thể được phát hiện bằng giác quan vật lý hay dụng cụ khoa học mới có thật. Đây là loại chối bỏ Thượng đế của nhiều nhà duy vật khoa học.
- Những người nhận ra rằng sự sống là nhiều hơn thế giới vật chất, nhưng họ không nối kết được sự sống đó với chính họ. Họ xem Thượng đế vượt quá tầm của họ. Họ nghĩ họ tách biệt khỏi Thượng đế và chỉ được cứu vớt bởi ai đó bên ngoài bản thân họ. Đây là sự chối bỏ Thượng đế của nhiều tín đồ chính thống trong bất kỳ tôn giáo nào, kể cả đạo Cơ đốc. Họ nhìn nhận là Thượng đế có hiện hữu nhưng họ chối bỏ là Thượng đế hiện hữu ngay nơi họ.
- Những người đã bắt đầu nhận ra là mọi thứ đều được tạo ra từ năng lượng của Thượng đế, nhưng họ vẫn thấy một sự tách biệt giữa thế giới vật chất và Thượng đế. Cho nên họ nghĩ là Ngài không thể làm được một số chuyện – chẳng hạn chữa lành bệnh tật – hay cho họ những thứ của thế giới vật chất. Họ nghĩ là họ phải lệ thuộc vào thế giới vật chất để sống còn và vui hưởng. Sự chối bỏ này là của nhiều người tâm linh chưa hoàn toàn thể nhập được lời dạy tâm linh chân truyền. Do đó họ chưa chứng được sự không dính mắc đích thực.
Con nói đúng, tiến trình đạt tới sự không dính mắc là một tiến trình khắc phục tự ngã. Tuy nhiên, đó không phải là một cuộc chiến giữa tự ngã với Thượng đế, vì Thượng đế không có đối nghịch. Đó là một cuộc chiến giữa dòng sống với tự ngã, và vấn đề đặt ra là liệu dòng sống có cho phép nó bị tự ngã kiểm soát, hay nó thấy nó là một vị đồng sáng tạo cùng với Hiện diện TA LÀ của nó. Con hãy nhớ rằng tự ngã được tạo ra trong sự tách biệt với Thượng đế, cho nên tự ngã là “người” duy vật tối hậu. Khi con đạt được sự không dính mắc hoàn toàn, tự ngã của con sẽ chết đi. Vì vậy có thể nói rằng nguồn gốc của mọi chủ nghĩa duy vật chính là tự ngã, cùng với các thế lực – ông hoàng của thế gian này – sử dụng tự ngã để kiểm soát dòng sống của con.
Một điểm chót. Khi con nhận ra Thượng đế là nguồn cội của mọi điều tốt đẹp, con cũng nhận ra khái niệm thiếu thốn và khan hiếm là một ảo tưởng. Thượng đế không có giới hạn, và trong Ngài không hề có thiếu thốn. Đây chính là ý nghĩa thực sự của sự sống dồi dào. Khi con suy ngẫm nguyên nhân của dính mắc, con sẽ thấy là nó khởi lên từ ảo tưởng thiếu thốn – con tin rằng nguồn cung cấp không thể vô hạn, cho nên con cố bám giữ những gì con có. Một khi con thăng vượt ảo tưởng này, con sẽ nhận ra là nguồn cung cấp của mọi thứ tốt đẹp đều vô hạn, và do đó con có thể bắt đầu cho người khác những gì con có một cách tự do – con cho không – vì con biết là Thượng đế sẽ nhân lên những gì con hiến tặng. “Các con đã được lãnh không thì hãy cho không” (Matthew 10:8).
Và khi trên địa cầu có một số lượng tới hạn (critical mass) những người bắt đầu cho ra thay vì bám giữ những gì mình có, thì con sẽ thấy sự sống dồi dào thị hiện trên trái đất.