Các đạo sư nổi tiếng và tâm thức tập thể

Hỏi: Tại Hàn quốc có một số vị đạo sư độc lập nổi tiếng. Họ chỉ giảng dạy giáo lý tối thượng của họ về giác ngộ – tội lỗi – cho những ai quan tâm đến cách giải thích ngắn gọn của họ về tội lỗi mà không nhắc gì đến các chân sư thăng thiên, các sa nhân hay cả sự tái đầu thai của linh hồn con người. Là học trò của chân sư thăng thiên, đâu là quan điểm hay nhất và mối quan hệ tốt nhất với họ trong thời hoàng kim? Liệu chúng con xem họ là thày giả hay đạo sư chưa chứng đạt hay gì khác? Con mong được nghe ý kiến của thày Saint Germain về vấn đề này.


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Là Cửa mở cho Hành tinh Địa cầu. Đăng ngày 27/10/2021.

Ta không thể cho con một câu trả lời tổng quát vì vấn đề này rất cá nhân: Đâu là vai trò của con, điều gì được thảo vào Sứ vụ Thiêng liêng của con? Điều ta có thể nói một cách chung chung là bất kỳ vị đạo sư nào có được một số tín đồ hay một tiếng tăm nào đó tại một quốc gia là vì vị đó đã tìm ra cách thu hút một điều gì trong tâm thức tập thể. Nói cách khác, một số người tại nước đó cần đến trải nghiệm đặc thù đó để có thể học hỏi bài học của họ, và may ra họ sẽ phát triển được khả năng phân biện sẽ dẫn đến một dạng đạo sư cao hơn.

Có rất nhiều người – và con sẽ tìm thấy họ không những tại Hàn quốc mà khắp mọi nơi – xem sự phát triển tâm linh như một phương cách để cất mình lên cao. Nói cách khác, họ chỉ tập trung vào chính họ, họ tự nhấc mình lên một mức tâm thức cao hơn hầu họ có thể hoặc cảm thấy mình trội hơn mọi người, hoặc họ đứng ra đằng trước và chứng tỏ tính ưu việt của mình hầu ai nấy phải kính trọng, hay thậm chí đi theo hay tôn thờ mình.

Có một nhóm người bị hấp dẫn bởi loại đạo sư này, là các đạo sư với những lời tuyên bố trau chuốt về trình độ tâm thức của mình hay mức hiểu biết cao cấp của mình. Đơn giản là các tín đồ đó cần đến trải nghiệm đó trong một thời gian trước khi may ra họ sẽ chán chê để vươn lên một mức phân biện cao hơn và nhận ra loại đạo sư nào có khả năng đưa họ lên một trạng thái tâm thức cao hơn, hay loại đạo sư sẽ giữ họ kẹt lại trong ngõ cụt tâm linh nơi họ có thể cảm thấy mình cao trội nhưng không thật sự tinh tấn.     

Là một học trò của chân sư thăng thiên, con có thể hỏi: “À cái đó là gì đối với con?” Hầu hết các con có thể an toàn mà bỏ qua những loại đạo sư này. Nhưng nếu con có liên hệ với những người đi theo một đạo sư như vậy hoặc nếu chính con đã từng đi theo, thì có thể việc tìm cách giúp họ nhìn thấy nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nhưng trong đa số trường hợp, con sẽ không giúp được gì bằng cách chạm trán với loại đạo sư đó, mà trái lại con có thể giúp cá nhân từng người bước lên một tầm hiểu cao hơn về loại thày tâm linh mà họ thật muốn. Và con có thể giúp họ nhìn ra là nếu có ai tìm cách thổi phồng tư cách, sự chứng đạt hay sự cao trội của mình, thì người đó đã không thực sự đạt đến một tầng tâm thức cao lắm.

Bởi vì khi con đạt đến các tầng cao hơn trên đường tu tâm linh, con buông bỏ ngã tách biệt và con không tìm cách nhấc mình lên cao. Con tìm cách nâng người khác lên cao. Con tìm cách nâng toàn thể lên cao. Con tìm cách giúp đỡ người khác.

Một lần nữa, đây là một vấn đề cá nhân, tùy cá nhân con cảm thấy thế nào. Nhưng ta khuyến khích con không nên dùng tâm vỏ ngoài để tự ép mình phải làm gì, mà chỉ đơn giản tập trung vào việc nâng cao tâm thức của mình, rồi để yên cho trực giác thúc giục con từ bên trong. Nó có thể sẽ gợi ý con nên làm gì và làm cách nào.

Giáo lý của chân sư thăng thiên và các đạo sư Ấn độ

Hỏi: Con là người Ấn độ, và con rất lấy làm lạ con là người Ấn độ duy nhất mà con quen biết đang theo học giáo lý của chân sư thăng thiên. Đất nước này có 1,3 tỷ dân và đã sinh sản ra rất, rất nhiều người trưởng thành về mặt tâm linh. Điều gì đang khiến cho nước con tụt hậu tâm linh đến như vậy? Và đâu là cách tiếp cận tốt nhất để đánh thức dân tộc con dậy? Con biết chân sư MORE đã từng nói là chính các đạo sư đã từ chối thừa nhận các chân sư thăng thiên, chẳng hạn những vị như Satguru, Sri Sri Ravi Shankar và phong trảo của Brahma Kumaris đều có rất đông người đi theo. Nhưng thực sự họ đã giúp cho tín đồ của họ được bao nhiêu? Con muốn biết suy nghĩ của các thày về điều này.


Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Chọn lựa Tương lai cho Hoa Kỳ. Đăng ngày 16/10/2020.

Trong quá khứ, các chân sư đã cố gắng với tay tới học trò tại Ấn độ qua phong trào Thông thiên học, nhưng kết quả đạt được khá giới hạn. Qua các đợt truyền pháp gần đây hơn là Phong trào I Am, Summit Lighthouse và đợt truyền pháp hiện thời, các thày lại đạt được kết quả ít hơn nữa khi cố mở ra với học trò tại Ấn độ. Tất nhiên, nguyên nhân phần nào là do Ấn độ có một truyền thống tâm linh vô cùng phong phú, phong phú hơn hầu hết mọi quốc gia phương Tây. Ở đây có một truyền thống đi tìm đạo sư. Tại Ấn độ vẫn còn một số đạo sư cá nhân chân chính, cho nên những ai cởi mở với đường tu tâm linh có thể tìm thấy những giáo lý này trong chính nền văn hóa của mình.

Ta cũng xin nói là tất nhiên, có một hàng ngũ những thày giả tà đạo tại Ấn độ, họ không chỉ tìm cách gạt gẫm người tầm đạo từ phương Tây mà ngay cả người Ấn nữa. Rõ ràng là trong tâm thức tập thể tại Ấn, có một sự tắc nghẽn chống lại việc thừa nhận các chân sư thăng thiên. Điều này không chỉ xảy ra tại Ấn mà con thấy nó xảy ra tại hầu hết mọi quốc gia. Ở hầu hết các nước chịu ảnh hưởng đạo Cơ đốc, đạo Cơ đốc đã tạo ra một sự tắc nghẽn chống lại việc chấp nhận chân sư thăng thiên, và ở Ấn độ cũng không khác gì. Tất nhiên, một phần là do truyền thống Ấn độ giáo không công nhận bất cứ gì vượt ra khỏi người Bà la môn cùng các vị thần của đạo Ấn, nhưng thôi…

Đây không phải là một vấn đề khiến cho chúng tôi quan tâm quá mức. Chúng tôi rất vui mừng có những học trò tại Ấn độ đang học hỏi giáo lý, nhưng thực sự chúng tôi không đang nỗ lực lôi cuốn một số đông đệ tử theo học đợt truyền pháp này tại Ấn độ.

Rõ ràng nếu con nhìn vào Ấn độ như một quốc gia, con sẽ thấy một số đạo sư đã trở nên danh tiếng hơn và quy tụ người theo học ngày càng đông đảo hơn. Nói chung, ta có thể nói là khi một đạo sư có rất nhiều người đi theo, thường đó là vì giáo lý của đạo sư không vượt lên trên một mức nào đó. Chính vì vậy mới có nhiều người cảm thấy tương hợp mà theo học. Một cách nào đó, vị đạo sư đã trao cho quần chúng những gì mà quần chúng mong muốn. Đạo sư cống hiến cho họ một con đường tiện lợi rất dễ theo, nhưng là một con đường không thực sự đòi hỏi họ phải nhìn vào chính bản thân mình, phải chữa lành tâm lý mình và nâng cao tâm thức.      

Bây giờ, nếu con nhìn rộng ra thế giới chứ không riêng gì Ấn độ, có một câu hỏi mà nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã từng tự hỏi: “Nếu đúng là loài người đang nâng cao tâm thức và sự tăng trưởng tâm thức này là do các chân sư thăng thiên đang làm vị thày phổ quát cho cả nhân loại, thì tại sao người ta không ngày càng công nhận các chân sư thăng thiên nhiều hơn?” Chẳng hạn, nếu một đạo sư đã đạt đến một mức tâm thức rất cao, tại sao vị ấy lại không nhìn nhận chân sư thăng thiên? Tại sao Paramahansa Yogananda đã không viết nhiều hơn về các chân sư thăng thiên trong cuốn sách của mình, ngoại trừ một vài đoạn nói bóng gió mà con có thể tìm thấy?   

Giải đáp cho câu hỏi này là không chỉ có một giải đáp duy nhất. Mỗi đạo sư chân chính đều có một nhóm người nhất định mà vị ấy đã trù định sẽ hướng dẫn. Tùy theo mức tâm thức của nhóm này, rất có thể là họ chưa sẵn sàng chấp nhận chân sư thăng thiên. Có nghĩa là nhiệm vụ của đạo sư không phải là khiến cho họ chấp nhận chân sư thăng thiên, mà là nâng cao mức hiện thời của họ lên tới một mức tâm thức mà từ đó họ có thể tiến xa hơn. Không cứ là mọi đạo sư chân chính đều sẽ có ngày công nhận chân sư thăng thiên, bởi vì không phải ai ai cũng sẵn sàng cho chuyện đó.    

Nhưng hiển nhiên còn có vấn đề hàng ngũ tà đạo, các đạo sư giả, không những tại Ấn độ mà khắp mọi nơi khác, và những kẻ này thì sẽ không công nhận chân sư thăng thiên, vì dĩ nhiên, chúng tôi là những vị thày có khả năng giải phóng người tầm đạo khỏi sự chi phối của đạo sư giả.

Con hãy nhìn vào địa cầu thì con có thể thấy được là các đạo sư chân chính cần nâng cao tâm thức của đệ tử, và nếu đệ tử cứ tiếp tục nâng cao tâm thức, thì cuối cùng hầu hết sẽ tìm thấy các chân sư và giáo lý của chân sư. Nhưng tuy vậy, con không thể nói là tất cả mọi người tâm linh trên địa cầu sẽ cần phải tìm thấy chân sư thăng thiên. Có những đường tu khác. Và điều quan trọng là luôn luôn có những người thực chứng được mỗi đường tu chân chính đó để cho rất nhiều người còn ở mức tâm thức chưa cao có thể tìm ra một con đường hấp dẫn đối với họ.       

Như ta đã nói, không phải ai ai cũng sẵn sàng đi theo đường tu mà chúng tôi cống hiến. Nhưng điều cũng cần nói là tất nhiên có nhiều đạo sư giả, và các đạo sư giả này sẽ dẫn con người đi lạc lối bằng rất nhiều cách, và họ sẽ cài đặt những nút tắc nghẽn trong tâm con người khiến cho con người không thể vượt quá một mức nào đó trên đường đạo. Có những đạo sư giả sẽ khiến đệ tử tiến tới một mức nào đó nhưng rồi bị kẹt lại, và sẽ rất khó khăn vượt qua được mức đó.   

Đối với những đệ tử đã đi theo đạo sư giả, họ sẽ thấy rất, rất khó lòng tìm lại được con đường chân chính nếu họ không sử dụng giáo lý của chân sư thăng thiên. Đó là vì chúng tôi là những vị thày duy nhất có mức tâm thức và kinh nghiệm cần thiết để giúp học trò khắc phục sự tắc nghẽn khởi sinh từ việc đi theo đạo sư giả. Hiển nhiên, rất nhiều đệ tử trong số này sẽ được lợi ích nếu họ xem đến giáo lý của chúng tôi. Nhưng tiếc thay, điều này đòi hỏi họ phải cởi mở hơn rất nhiều, phải sẵn lòng hơn rất nhiều, để nhìn xa hơn các giáo lý trước đây của họ. Đó là vì đạo sư giả thường có những phương thức vô cùng tinh vi để cài đặt tắc nghẽn trong tâm họ, và điều này sẽ ngăn cản họ nhận ra chân sư thăng thiên.

Nhà thơ Rumi có đã thăng thiên?

Hỏi: Nhà thơ của phái Sufi, Jalal ad-Din Rumi, có đã thăng thiên và đạt đến hợp nhất với Thượng đế hay chưa? Ông có viết một bài về cái Một và tình yêu Thượng đế.


Trả lời của chân sư thăng thiên Kuthumi qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc, năm 2016. Đăng ngày 22/4/2017.

Nhà thơ Rumi đã không thăng thiên nhưng không phải vì ông không có khả năng thăng thiên, mà vì ông đã chọn tái đầu thai.

Có một số lý do phức tạp, nhưng trên hết, ông đã tăng triển tới mức ông có khả năng cầm giữ một sự cân bằng tâm linh cho địa cầu, và do đó ông đã quyết định duy trì một xác thân vật lý.

Ông chọn không là một người được công chúng biết đến, mà ông sống ẩn danh, hay sống ẩn dật, để ông có thể cầm giữ một sự cân bằng tâm linh trong khi thế giới bên ngoài hoàn toàn không biết đến ông. 

Lệ thuộc vào một vị thày tâm linh

Hỏi: Con nghe có người đồng bóng kia bảo rằng học trò tâm linh không nên bước vào một quan hệ thày/đệ tử bởi vì đệ tử sẽ bị lệ thuộc vào thày. Xin thày cho biết ý kiến?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Về vấn đề con không nên bước vào một mối quan hệ thày/đệ tử, ý tưởng đó cũng có phần giá trị bởi vì một số học trò có thể trở nên lệ thuộc vào vị thày, và ngược lại. Trong cõi vật lý, bất cứ gì cũng là con dao hai lưỡi. Như Thánh kinh được trao cho con người để làm phương tiện phát triển tâm linh, thế nhưng hàng triệu người lại bám chặt vào một cách diễn giải nhất định khiến cho sự phát triển của họ bị chậm lại hay bị thui chột. Điều không thể tránh khỏi trong cuộc đời là ngay cả các dụng cụ mà các chân sư thăng thiên ban cho con làm phương tiện giải thoát, cũng có tiềm năng trở thành một ngõ cụt nơi con bị kẹt lại ở một mức nào đó thay vì tiến bước kế tiếp trên đường tu.

Nhiều học trò trở thành lệ thuộc vào vị đạo sư của mình. Điều này không bao giờ đem lại kết quả. Tuy nhiên, nếu đệ tử có được một đạo sư chân chính, đạo sư đó sẽ luôn luôn tìm cách giúp đệ tử vượt khỏi mối lệ thuộc. Cho nên ta không đồng ý với lời nhận định chung chung rằng con không bao giờ nên bước vào một quan hệ thày/đệ tử. Sự kiện một dụng cụ có thể bị lạm dụng không có nghĩa là con phải vứt bò dụng cụ đó.

Con hãy tưởng tượng có chiếc máy bay trực thăng bay đến để cấp cứu con. Chiếc trực thăng đã đáp xuống mái một toà cao ốc ở gần đó. Tuy nhiên để lên được mái nhà, con phải leo hết cái cầu thang. Mặc dù đúng là con không được lệ thuộc vào cầu thang, nhưng cũng đúng không kém là nếu con không leo cầu thang thì con sẽ không thể lên được mái nhà và được cấp cứu. Quan hệ đạo sư/đệ tử quả thực là một cách khả thi để đạt được phát triển tâm linh nhanh chóng, và rất nhiều người sẽ khó lòng đạt được mức tinh tấn đó nếu họ không có một vị thày bên ngoài hay một vị thày nội tâm.        

Chìa khoá cho vấn đề lệ thuộc là cần nhận ra rằng vị thày bên ngoài chỉ đơn giản là một phương tiện sẽ giúp con thiết lập mối liên hệ ý thức với vị thày bên trong, tức cái ta Ki-tô của con.

Đốn ngộ và tiệm ngộ

Hỏi: Một số vị thày tâm linh, đặc biệt trong số những vị dạy về bất nhị (non-duality), dường như bác bỏ hay thậm chí xem thường nhu cầu bước theo một con đường tu. Các vị đó dựa trên sự kiện là họ đã có chứng ngộ tự phát (spontaneous awakening) hay đốn ngộ, và một số dạy rằng đây là cách duy nhất và không có gì chúng con có thể làm để ngộ đạt. Một số cũng nói là việc duy nhất chúng con cần làm là sống trong giây phút hiện tại. Xin thày chia sẻ cảm nghĩ của thày vì thày thường hay nhắc đến một con đường tu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Nhận xét đầu tiên của ta là không có giáo lý tâm linh nào có thể thích hợp với mọi người. Bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng bắt buộc phải được điều chỉnh để phù hợp với một tầng tâm thức nào đó. Khi con thấy các tầng tâm thức trên địa cầu này trải rộng trên một phạm vi rộng lớn như thế nào, thì thật không thể đưa ra một giáo lý thích hợp cho tất cả mọi người. Khi một vị thày tâm linh làm việc với các chân sư thăng thiên, vị ấy thường có thể đưa ra một giáo lý vượt quá kinh nghiệm riêng của mình. Nhưng khi một vị thày đứng riêng một mình thì giáo lý hầu như sẽ luôn luôn dựa trên kinh nghiệm cá nhân của vị ấy.

Việc này không có gì sai trái, nhưng con phải nhìn nhận là một giáo lý như vậy sẽ hiệu quả đối với những ai ở gần mức tâm thức của thày chứ không hiệu quả đối với người khác. Để ta lấy một ví dụ. Một vị thày có thể đã trải qua một bước đột phá tâm linh tự phát đưa ông lên một trạng thái tâm thức cao hơn. Thế rồi ông giảng dạy dựa trên trải nghiệm này, và nói chung ông bỏ qua nhu cầu phải đi theo một con đường tu tuần tự có hệ thống. Ông cố đưa đệ tử đi vào một trải nghiệm tương tự như trải nghiệm của chính ông, và ông làm vậy bằng cách chia sẻ các sáng ngộ mà ông đã nhận được sau khi đột phá.

Giả định nằm sâu bên dưới là nếu đệ tử nhận được sáng ngộ đúng đắn thì đệ tử cũng sẽ có được đốn ngộ giống như ông đã trải nghiệm. Đúng là điều này có thể xảy ra, nhưng chỉ với những ai đã gần đạt đến mức tâm thức mà ông đã có trước khi ngộ. Thế nhưng tuyệt đại đa số mọi người trên hành tinh này thì chưa đạt đến mức đó, cho nên không có một khối lượng sáng ngộ nào sẽ có thể đánh thức họ dậy một cách “tự phát” được. 

Nhiều vị thày tâm linh đã có một đột phá tự phát và tìm cách truyền đạt nó cho người khác. Một số vị như Krishnamurti chẳng hạn đã đi xa đến mức phủ nhận cả sự cần thiết của một con đường tâm linh lẫn của một vị thày tâm linh, cho dù là thày đang hiện thân hay đã thăng thiên. Tuy nhiên đối với những ai chưa đến gần được trình độ tâm thức của thày, kết quả cũng giống như thể con cầm một viên kẹo ngọt trước mặt một đứa bé trong khi con lại lái xe đi mất.

Hầu hết mọi người sẽ cần đi theo một đường tu tuần tự, có hệ thống, trước khi họ vươn đến một tầng tâm thức nơi họ có thể đột phá. Và điều này đòi hỏi một nỗ lực chuyên cần, bao gồm cả một số kỹ thuật tâm linh như các bài thỉnh, bài nguyện. Nếu họ cứ tin rằng tất cả những gì họ cần là một sáng ngộ đem lại cho họ một đột phá huyền diệu, thì điều này có thể làm chậm đáng kể bước tiến của họ. Con hãy tưởng tượng con đang bị lạc giữa rừng rậm. Bỗng nhiên ở trên cao con nghe thấy có tiếng máy bay trực thăng và có giọng ai đó vọng xuống: “Bạn hãy lên đây thì bạn sẽ thấy được lối ra khỏi khu rừng!” Nhưng nếu trên trực thăng không ném xuống một cái thang để con leo lên từng bước một thì làm thế nào con sẽ lên được tới mức đó?

Ý ta muốn nói là nhiều người gọi trải nghiệm của họ là đốn ngộ nhưng thật ra họ đã theo một con đường tu tuần tự, tiệm ngộ, trong những kiếp trước. Bây giờ họ có thể không còn nhớ, nhưng ở một thời điểm họ đã từng làm công việc này. Cho nên ta khuyên các đệ tử đừng bỏ các dụng cụ tâm linh, đừng bỏ đọc thỉnh đọc chú chẳng hạn.

Nhưng ở đây có một sự phân biện tinh tế mà con cần làm. Theo một nghĩa nào đó, thật là không sai khi bảo rằng con không thể LÀM gì để đạt đến giác ngộ. Bước đột phá chót của con phải xảy ra và sẽ xảy ra một cách tự phát qua một hồng ân được ban phát từ trên. Con không thể ép buộc nó xảy ra cho dù con có làm gì. Đây là tại sao ta thường hay nói đường tu không phải là một con đường vỏ ngoài máy móc và không có sự cứu rỗi nào là tự động hay bảo đảm.

Có thể nói là không có gì con có thể LÀM để đạt giác ngộ, vì điều ngăn cản con giác ngộ chính là cái tâm thức phải LÀM gì đó thay vì chỉ LÀ mà thôi. Tuy nhiên, điều ngăn cản con LÀ lại là sự phối hợp những niềm tin sai lạc với những năng lượng tha hóa được tích tụ trong bốn thể phàm của con. Nếu bỗng chốc có ai lột mất tất cả các niềm tin sai lạc này thì con sẽ phát điên, vì con sẽ không còn biết mình là ai nữa. Đó là vì sao cách duy nhất để tăng triển là bước theo một con đường tuần tự qua đó con biến hóa các năng lượng tha hóa và nhìn thấu các niềm tin bất toàn.

Và khi con làm sạch tâm con cho không còn các năng lượng và niềm tin này nữa, con sẽ giảm bớt từ lực đang cuốn hút con vào cái làm và cái nghĩ. Và điều này sẽ đưa con đến gần hơn với trạng thái mà Thiền gia gọi là “sơ tâm” – và ta thì gọi là trở thành giống như trẻ nhỏ. Thật không khó lắm để thấy được là hầu hết ai ai cũng đều bị vướng kẹt trong những vòng xoáy bất tận của hành động và phản ứng. Tâm thức tập thể này hình thành một cái gì giống như một thỏi nam châm khổng lồ. Con hãy tưởng tượng con đang đi ngang qua một thỏi nam châm to lớn mà trong túi lại có nhiều cục sắt. Nam châm sẽ hút lấy sắt và con sẽ bị cuốn hút theo. Tuy nhiên nếu con tuần tự vứt bỏ những cục sắt này đi thì lực hút kia sẽ giảm dần cho đến khi con có thể bước sát thỏi nam châm mà nó vẫn không thể nắm được gì ở con.

Cho nên có thể nói giác ngộ là trạng thái tự nhiên của tâm. Vấn đề xảy ra là tâm đã bị kẹt vào một mô thức làm và nghĩ, và mô thức này khiến nó luôn luôn bị bận rộn đeo đuổi một mục tiêu mà nó chưa nắm được. Cho nên nếu giác ngộ cũng trở thành một mục tiêu khác mà con cố đạt được bằng cách làm và nghĩ, thì đúng vậy, chính nỗ lực này sẽ kéo con xa khỏi giác ngộ. Tuy nhiên, điều kéo con vào cái làm và cái nghĩ chính là các niềm tin cùng các năng lượng kia. Nếu con vứt bỏ chúng đi, con sẽ dần dần đến gần hơn trạng thái tự nhiên. Và khi tâm đủ sạch không còn nhiều chướng ngại nữa, nó sẽ trở về trạng thái tự nhiên của nó một cách tự phát, không cần chút nỗ lực nào.

Và như vậy con sẽ có một bước đột phá tự phát có vẻ giống như đốn ngộ vậy, và theo một nghĩa nào đó, đó là đốn ngộ. Nhưng nếu con đã không đi theo con đường tiệm ngộ để làm sạch tâm con thì có bao giờ con có được cái ngộ này?

Một số vị thày nói rằng đa số người phương Tây suy nghĩ quá nhiều về quá khứ và tương lai. Tự ngã dùng quá khứ và tương lai để khuynh loát con người, nhưng tự ngã không thể hoạt động trong giây phút hiện tại, cho nên các vị thày khuyên đệ tử tập trung nhiều hơn vào hiện tại. Cách tiếp cận này không có gì sai vì quá nhiều người vẫn mang xu hướng chú tâm quá nhiều vào quá khứ lẫn tương lai. Đây là tại sao ta đã từng nói: “Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày nấy.” (Matthew 6:34)

Ta đồng ý là tự ngã cảm thấy rất khó hoạt động trong giây phút hiện tại, và nếu con thực sự tỉnh thức trong hiện tại vĩnh cửu thì tự ngã sẽ không có chút ảnh hưởng nào trên con. Tuy nhiên, khi bảo đệ tử nên tập trung vào hiện tại thì điều này sẽ chỉ hữu ích cho những ai đã đạt đến một tầng tâm thức nào đó. Con cần một trình độ trưởng thành tâm linh cao để thực sự LÀ trong hiện tại, và cho đến khi con đạt đến mức này thì con sẽ không có khả năng LÀ.

Cho nên khi một đệ tử được dạy là họ phải ở trong hiện tại, kỳ thực họ không thể nào trải nghiệm cái LÀ trong hiện tại. Thay vào đó, họ sẽ hình thành một khái niệm trong lý trí về thế nào là ở trong hiện tại – dựa trên sự hướng dẫn của vị thày thay vì dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ. Và ở đây tự ngã sẽ dư sức khuynh đảo bất kỳ khái niệm tư tưởng nào mà con người tạo ra. Điều này sẽ dễ dàng dẫn một số người bước vào một cách tiếp cận mất quân bình về cái là trong hiện tại. Thật ra khái niệm LÀ trong hiện tại không mới mẻ gì, vì đức Phật đã đầu tiên dạy về khái niệm này, rồi suốt bao nhiêu thế kỷ nhiều người đã đi theo một cách tiếp cận mất quân bình khiến họ rơi vào một trong hai cực đoan:

  • Một số người suy luận, LÀ trong hiện tại có nghĩa là họ có thể làm ngơ quá khứ. Bằng cách đốn ngộ, họ sẽ khắc phục được quá khứ mà không phải đương đầu với nghiệp quả hay các vết thương tâm lý. Cho nên họ bắt đầu tìm kiếm một sáng ngộ thần diệu sẽ làm mọi chuyện giùm họ. Một lần nữa, một sự đột phá có thể xảy ra nếu trong kiếp trước họ đã khắc phục nghiệp chướng cùng các vết thương của họ, nhưng đối với hầu hết mọi người thì không như vậy. Cho nên đối với đa số, việc làm ngơ quá khứ sẽ khiến cho bước tiến của họ bị chậm lại. Họ có thể tiến nhanh hơn rất nhiều nếu họ dùng tất cả các phương tiện có sẵn để giải quyết tâm lý của họ, khắc phục các niềm tin nhị nguyên và thanh tẩy mọi năng lượng tha hóa – tức là nghiệp – từ những kiếp trước.
  • Một số người suy luận là họ có thể ngừng suy nghĩ về tương lai, kể cả việc hoạch định cuộc đời của họ. Một số còn đi xa tới mức cho rằng Thượng đế sẽ chăm lo mọi chuyện một cách mầu nhiệm, và điều này đã khiến một vài người tầm đạo chân thành tự vận qua sự buông xuôi. Đây chính là cái chiêu mà ác quỷ đã sử dụng để cám dỗ ta sau khi ta trở về từ đồng vắng: “Và y nói rằng: Nếu ngươi là Con của Thượng đế thì hãy gieo mình xuống đi. Vì có lời chép rằng: Ngài sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ cho ngươi, để các thiên sứ nâng ngươi lên trong tay, kẻo chân ngươi khỏi vấp phải đá. Giê-su bảo y: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng cám dỗ đức Chúa là Thượng đế của ngươi.” (Matthew 4:6-7)     

Ý ta muốn nói là con nên có một cách tiếp cận cân bằng cho mọi chuyện trong đời. Con hãy biết là tự ngã sẽ luôn luôn tìm cách đẩy con vào cực đoan dù là bên này hay bên kia.

Một điểm chót mà ta muốn trình bày là một số vị thày đưa ra lời dạy về tâm có thể dễ dàng bị người ta ngộ nhận, rằng tâm là kẻ thù của đường tăng triển tâm linh. Quả là không sai khi nói rằng một tâm trí năng động quá mức, đặc biệt một trí thông minh đã nẩy nở sành điệu, có thể là một trở ngại cho sự phát triển tâm linh, vì tâm linh vốn là một tiến trình trực giác nhiều hơn là trí năng. Tuy nhiên, nếu con tin chính tâm con là một kẻ thù thì cách tiếp cận này không xây dựng, vì nó sẽ chỉ khiến con trở thành một căn nhà phân rẽ với chính nó.

Cách nhìn đúng đắn là tâm giống như một căn nhà có đầy tớ phục vụ. Nó chỉ trở thành một kẻ thù nếu chủ nhà không chịu chủ động trong nhà mình. Chủ nhà này chính là con – cụ thể là cái Ta Biết – có nghĩa là con đã hoạch định mình sẽ điều phục phàm ngã của mình bằng cách nhận lấy trách nhiệm trở thành Ki-tô. Khi con tìm được con đường Trung đạo của Ki-tô, con sẽ không để cho tâm con sai khiến con, nhưng đồng thời con cũng không sai khiến tâm con đến độ dập tắt mọi tiềm năng sáng tạo. Thật vậy, nhiều người tâm linh đã sử dụng kỷ luật nghiêm ngặt để kiểm soát tâm mình đến độ họ quên mất là họ đã không đến trái đất để ngồi trong một hang đá thiền quán về Thượng đế, mà để là một người đồng sáng tạo hầu đem lại vương quốc của Thượng đế đến hành tinh này.

Tâm con có tiềm năng trở thành một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ của con, và điều này biến tâm con thành một phần nối dài của tâm Thượng đế. Mọi thứ đều được tạo ra từ tâm thức Thượng đế, có nghĩa là mọi thứ đều được cấu tạo từ tâm của Thượng đế. Cho nên khi tâm con đảm nhận vai trò đích thực của nó như một cá thể của tâm Thượng đế – thay vì như một tâm tách biệt khỏi nguồn cội của nó – thì tâm con cũng trở thành một cỗ xe để thực hiện những gì con đã đến đây để thực hiện, tức là ngự trị trên trái đất.

Ta cũng muốn nói rõ ở đây là ta không bảo con không nên đọc các giáo lý nói trên. Ta chỉ đơn giản xin nói là ta chờ đợi những ai đến thăm trang mạng này sử dụng những sáng ngộ mà họ nhận được ở đây khi họ tìm hiểu, học hỏi bất kỳ loại giáo lý tâm linh nào. Và ta chờ đợi mọi người sẽ gắng hết sức lắng nghe lời dạy của ta về nhu cầu phải quân bình. Nếu con chưa nhận ra là ta thường hay nói về quân bình thì ta khuyên con nên đọc trang mạng này một lần nữa và ghi nhận bao nhiêu lần ta đã nhắc đến quân bình như là yêu cầu quan trọng nhất trong sự phát triển tâm linh chân chính. Ta đặc biệt khuyên con nên đọc hai bài giảng của ta về tự ngã cùng tư duy đen trắng và tư duy xám.

Nếu điều này đã rõ, thật không ai chối cãi là một số vị thày đã trao truyền nhiều sáng ngộ có giá trị về tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Hành giả ở mọi tầng tâm thức đều có thể được lợi lạc từ những sáng ngộ đó, nhưng con cần thực tế và đừng bỏ rơi con đường tăng triển tâm linh tuần tự để chạy theo một sáng ngộ thần diệu nào đó sẽ bỗng chốc biến con thành một sinh thể giác ngộ. Điều tốt hơn hẳn là con nên tiếp tục tu tập có phương pháp, rồi để yên cho cái ngộ tự phát xảy ra – một cách tự nhiên. Việc tìm cách chiếm đoạt thiên đường bằng vũ lực chưa bao giờ đưa bất cứ ai ra khỏi tầm tay của tự ngã.

Maitreya có phải là đấng cứu tinh đích thực?

Hỏi: Có đúng chăng đức Maitreya [Phật Di Lặc] là vị cứu tinh sắp tới sẽ xuất hiện trong một biểu hiện không thể phủ nhận và sẽ đưa địa cầu cùng nhân loại vào một thời đại hoàng kim? Có đúng chăng đức Maitreya đã hiện thân trong cõi vật lý?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 23/11/2010. Đăng ngày 15/11/2012.

Nếu con đọc các bài giảng của ta về con đường chân chính của Ki-tô, con sẽ thấy là chúng tôi các chân sư thăng thiên có mục đích đánh thức tất cả mọi người về nguồn gốc và tiềm năng thần thánh của mình bằng cách giúp con người khắc phục ảo tưởng tách biệt, ảo tưởng của phản-Ki-tô. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không đến “cứu nhân loại” và cũng sẽ không xuất hiện trong một biểu hiện ngoạn mục mà không ai có thể chối cãi. Làm như vậy sẽ chỉ củng cố thêm cho ảo tưởng tách biệt, và điều này sẽ đi ngược lại sứ vụ thực sự của chúng tôi.

Nếu muốn hành tinh này được nâng lên để bước vào một Thời đại Hoàng kim, thì điều này sẽ không xảy ra do một thế lực bên ngoài – cho dù đó là chính ta, là Maitreya hay là một UFO (vật thể bay không xác định) nào đó sẽ ra tay làm mọi chuyện dùm cho loài người. Mà điều đó sẽ xảy ra do có một túc số tới hạn (critical mass) những con người trên hành tinh này phát hiện và nhận diện chính tiềm năng Ki-tô của mình. Thượng đế sẽ không giải cứu địa cầu qua trung gian của ta, mà Thượng đế sẽ giải cứu thế giới qua trung gian chính con cùng rất nhiều người giống như con – nếu các con trở thành những cánh cửa mở.

Cho nên lập luận cho rằng Maitreya sẽ hiện ra trong một biểu hiện thật ngoạn mục và sẽ giải quyết mọi vấn đề của nhân loại, là hoàn toàn không phù hợp với các chân sư thăng thiên cũng như với thời đại Bảo bình. Đó là một biểu hiện của tâm thức tha hóa thời Song ngư và từ lâu nay đã lỗi thời rồi. Đây là cùng cái tâm thức của các sinh thể sa ngã khi chúng tâng bốc ta lên thành một ngoại lệ để khiến mọi người không thể nào nắm bắt được thông điệp đích thực của ta rằng ai ai cũng đều có một tiềm năng Ki-tô.

Tương tự, lời cả quyết rằng Maitreya đã hiện thân vật lý cũng không phù hợp với lời dạy của đạo Phật về đức Phật tương lai. Maitreya sẽ không hiện thân như một người độc nhất. Maitreya sẽ có thể “hiện thân” qua nhiều người, là những người đã trở thành cánh cửa mở cho thày cùng ánh sáng và sự thật của thày. Tuy nhiên, điều này sẽ không hoàn toàn là một sự hiện thân, không hơn gì khi bảo rằng Thượng đế đã hiện thân qua chính bản thân ta khi ta đầu thai là một con người. Nói cách khác, sự viên mãn của một sinh thể thăng thiên sẽ không hiện thân qua một cá nhân hay ngay cả một nhóm người.