Hỏi: Cắt tóc hay nhuộm tóc có phải là tội lỗi không? Hay nhổ lông trên cơ thể (như người Sikh dạy như vậy)? Còn các thủ thuật thẩm mỹ thì sao? Con nghe nói là mọi điều gì liên quan đến ngoại hình đều là nghiệp quả. Có thật vậy không? Một số giáo lý nói rằng màu đen là tà ác và nó sẽ buộc con vào cõi trung giới, vậy liệu những người tóc đen có tà ác không? Con nghĩ tóc đen là màu tóc đẹp nhất. Có nghĩa chăng là con có liên hệ gì với sa nhân trong quá khứ?
Khi con 25 tuổi, con nhuộm tóc màu vàng tự nhiên thành màu đen, bà nội con hoảng loạn luôn, bà nói con nhuộm tóc đen là có tội vì Thượng đế đã sinh con ra là cô gái tóc vàng đẹp đẽ. Hồi đó con nghĩ bà con điên rồ và có nhiều thành kiến, nhưng bây giờ thì con không chắc nữa. Có vẻ như người ta ưa thích tóc vàng hơn rất nhiều, không hiểu có lý do tâm linh nào hay không? Màu nhạt có đặc tính tâm linh tốt hơn (chẳng hạn màu nhạt có tần số rung động cao hơn, v.v…), có nghĩa chăng là da, tóc và mắt màu nhạt có tần số cao hơn màu đậm? Liệu con có thể nhuộm tóc nếu tóc con màu bạc, như tóc con đang bạc đây? Con sắp sửa nhuộm tóc lại, nhưng con không muốn làm tha hóa năng lượng nhiều hơn những gì con đã tha hóa.
Liệu hút mỡ có là một tội lỗi nếu cơ thể con hoàn toàn thiếu cân đối, dù con béo hay gầy (con gầy)? Hoặc nếu con sửa mũi vì mũi hếch hay quá xấu xí? Hoặc ghép vú nếu vú quá nhỏ hoặc đã bị cắt vú? Con không nói tới những thứ kiểu Heidi Montag viển vông, nhưng nếu thực sự cần thiết thì có được không? Hay con phải sống với cơ thể con có cho dù nó xấu xí đến chừng nào?
Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 17/11/2010.
Để hiểu đầy đủ câu trả lời của ta, ta khuyên con nên học bài giảng của ta về “Con đường của Ki-tô so với con đường phản Ki-tô”. Trong bài giảng đó, ta có nói rõ là toàn bộ ý tưởng tội lỗi là do các sinh thể sa ngã tạo ra hầu kiểm soát nhân loại.
Thế nào là dụng ý tâm lý của khái niệm tội lỗi và phán xét? Đó là để khiến con chú tâm vào một cái chuẩn vỏ ngoài thay vì con chú tâm vào việc thiết lập hay mở rộng sự kết nối với Hiện diện TA LÀ của con. Những người thày giả muốn con tưởng là con cần một khung chuẩn vỏ ngoài do họ định ra trong thế gian này. Nhưng các vị thày chân chính thì muốn chính con đạt được khung chuẩn nội tâm để con biết được từ Hiện diện của con điều gì là điều mình nên làm tùy theo từng tình huống. Các thày giả muốn con quyết định làm hay không làm dựa theo cái dàn tiêu chuẩn vỏ ngoài bất di bất dịch của họ. Còn các vị thày chân chính thì không có chuẩn tuyệt đối hay toàn vũ nào, mà chỉ muốn mỗi người đi theo những hướng dẫn nội tâm mà mình nhận được từ Hiện diện TA LÀ hay vị thày tâm linh của mình.
Lý do các thày giả đã thành công để khiến con người chấp nhận ý tưởng tội lỗi là vì nó cho con một công thức có vẻ quá giản tiện để lấy quyết định. Một khi con chấp nhận là giáo hội của con đã có sẵn một cái chuẩn và một giáo lý bất khả sai lầm, thì con sẽ không còn nhu cầu tham khảo Hiện diện TA LÀ của con mỗi khi con quyết định nữa. Vì vậy nếu ta đã trả lời câu hỏi của con và bảo là những việc làm đó của con không phải là tội lỗi, thì có người sẽ lý giải ngay là ta bảo con có thể làm bất cứ gì con muốn. Tuy nhiên, câu trả lời của ta sẽ tinh tế và sâu sắc hơn, dành cho những ai sẵn lòng sử dụng khả năng trực giác của mình.
Bây giờ con hãy nhìn xem một tác dụng tâm lý còn vi tế hơn nữa của ý tưởng tội lỗi. Nó khiến con trở nên vô cùng chú tâm, vô cùng quan tâm đến những gì con làm ngoài đời. Nó khiến con chú tâm vào cách hành xử của con thay vì vào trạng thái tâm thức của con. Điều ta muốn giải thích trong bài giảng là không phải hành vì của con sẽ định đoạt con lên được thiên đàng hay không, mà là tâm thức con.
Hiển nhiên, hành vi là sản phẩm của trạng thái tâm thức. Tuy nhiên con có thể cố tình kềm chế một số hành vi mà không thay đổi tâm thức. Chẳng hạn, một số người đã tập được cách kềm chế những hành vi bạo lực nhưng họ vẫn cảm thấy giận dữ đối với người khác. Và nhiều hành giả tầm đạo đã tập được cách luôn luôn ăn nói nhỏ nhẹ, tử tế, trong khi họ vẫn chưa giải quyết được tình cảm trong tâm tiềm thức của họ. Tất cả những cách thức đó sẽ không giúp con đạt tới tâm thức thăng thiên.
Việc nỗ lực thăng thiên bằng việc làm, hay không làm, chỉ là hệ quả của con đường cứu rỗi giả trá. Các thày giả sẽ muốn con tin rằng nếu con làm những gì họ định nghĩa là đúng, và không làm những gì họ định nghĩa là sai, thì Thượng đế sẽ bắt buộc phải nhận con vào thiên đường. Đây là ảo tưởng cho rằng nếu con có thể đánh lừa được mọi người trên địa cầu thì con cũng sẽ đánh lừa được Thượng đế. Tất nhiên, không gì xa hơn sự thật. Không gì có thể bị che giấu khỏi những vị đại diện của Thượng đế bởi vì không gì có thể bị che giấu khỏi tâm Ki-tô. Thượng đế sẽ không đem con vào vương quốc của ngài. Con phải nâng trạng thái tâm thức của con cho tới khi con đạt được chính cái trạng thái tâm thức LÀ Nước Trời.
Con có thấy điều ta nói? Những việc làm của con sẽ không đưa con vào thiên đường, cũng như nó sẽ không ngăn con vào thiên đường. Yếu tố quyết định là trạng thái tâm thức của con, là lý do sâu xa tại sao con làm hay không làm một việc nào đó. Cho nên kết luận là những việc làm con vừa mô tả không phải là tội lỗi. Dù con có làm hay không làm cũng không quan trọng gì cả, chỉ có trạng thái tâm thức của con mới là quan trọng.
Cho nên lý tưởng nhất, con nên lấy quyết định dựa theo sự hướng dẫn nội tâm mà con nhận được từ Hiện diện TA LÀ của con. Tuy nhiên trong khi chờ đợi con có được hướng dẫn rõ ràng hơn, ta sẽ trao cho con một cái “chuẩn” để con lượng định cách cư xử của con. “Chuẩn” này có mấy yếu tố:
- Con có quyền tự quyết, nhưng mọi người khác cũng vậy. Nếu con vi phạm quyền tự quyết của người khác, rõ ràng con đã bước qua một lằn ranh. Tuy nhiên, nếu con làm điều gì chỉ ảnh hưởng đến bản thân con, đó thật sự là chọn lựa của con. Cho nên con có một phạm vi rất rộng để con chọn lựa theo ý con. Tuy nhiên để tinh tấn tối đa, con cần nhìn vào những chọn lựa đó và xét xem nó thể hiện tinh trạng tâm thức nào của con ở bên dưới. Tại sao con lại cảm thấy mình phải chọn lựa như vậy, và đâu là những lý lẽ mà con sử dụng để biện minh cho chọn lựa đó?
- Như ta trình bày trong bài giảng, nhiệm vụ quan trọng nhất của con là con cất bước trên một con đường sẽ giúp con lần hồi tháo gỡ sự đồng hóa của con với vai trò con đang đóng. Nói cách khác, nếu con tiến bước trên Đạo của Ki-tô, con sẽ chiêm nghiệm thấy con ngày càng ít quan tâm hơn – ít vướng mắc hơn – với những điều kiện của thế giới vật chất. Con sẽ không cho phép những điều kiện này đánh cắp sự chú tâm của con, kéo con ra khỏi sự tiếp cận nội tâm với Hiện diện của con. Như vậy, trọng tâm chủ yếu của con sẽ chuyển từ việc xem sự vật bên ngoài tự thân là quan trọng, sang việc xem ngoại cảnh chỉ là một phương tiện mà thôi. Nói cách khác, con hãy lượng định xem việc đó sẽ tăng hay giảm sự căng thẳng hay sự quân bình trong đời con. Khi con làm hay không làm, nó có khiến con bớt bám mắc, hay thêm bám mắc, vào thế gian? Liệu hoạt động đó có lấy đi sự an bình nội tâm của con hay không?
- Khi con đã thiết lập liên lạc với Hiện diện, nhiệm vụ của con là trở thành cánh cửa mở để Hiện diện tự biểu hiện trong thế gian, và con làm tròn sứ vụ thiêng liêng của con. Cho nên khi con làm việc gì, đó là để con hoàn thành sứ vụ thiêng liêng chứ không phải vì sợ hãi hay kiêu kỳ đã thúc đẩy con làm. Nghĩa là con không quyết định với cái óc phân tích vỏ ngoài. Con sử dụng khả năng trực giác và các quyết định của con chỉ dựa trên cái biết nội tâm bên trong, chứ không phải các lập luận của lý trí hay nặng phần tình cảm. Nếu con phải bước vào những tranh luận ngoài đời hay trong nội tâm hầu biện hộ cho hành vi của con thì con hãy đừng bước vào.
- Một điều nữa là con hãy luôn luôn tìm sự quân bình trong đời con. Điểm này có liên hệ với những điểm trên, nhưng nó mang một khía cạnh đặc biệt. Làm thế nào con đạt được quân bình? Bằng cách con có tầm nhìn từ bên ngoài cái hộp tư duy của con, bên ngoài ngay cả hộp tư duy tập thể của nhân loại. Về mặt này, sẽ rất hữu ích nếu con suy ngẫm sự kiện Thượng đế không nhìn cuộc đời theo cách con người. Một trong những tác động tâm lý tinh vi nhất của đường tu giả trá là nó khiến cho con cảm thấy mình vô cùng quan trọng, thậm chí quan trọng cả đối với Thượng đế. Con tưởng rằng Thượng đế vô cùng quan tâm đến con cùng từng điều nhỏ nhặt mà con làm. Cho nên con cần suy ngẫm xem Thượng đế có thật quan tâm đến chuyện nhuộm tóc hay trang điểm của con hay không. Việc “cứu vớt” vũ trụ có thật tùy thuộc vào tóc con màu đen hay màu vàng?
Khi con bắt đầu suy ngẫm các yếu tố này, con sẽ bắt đầu nhận thấy góc nhìn của mình chuyển hướng. Con sẽ cảm thấy sự căng thẳng từ từ tan biến và con bắt đầu có những quyết định thoái mái – cân bằng – hơn, thay vì cứ tưởng là những chuyện mình làm có tầm quan trọng to lớn cho vận mạng của mình hay vận mạng vũ trụ. Với những suy nghĩ đó, bây giờ ta sẽ nhận xét về các đề tài con vừa đề cập.
“Cắt hay nhuộm tóc, nhổ lông trên người, dùng trang điểm.”
Miễn là con giữ được quân bình trong chuyện này, bất cứ gì con làm cũng sẽ không cản trở phát triển tâm linh của con. Nếu con làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp và cảm thấy con cần ở đó để hoàn thành sứ vụ thiêng liêng, con có thể – nếu con cho là thích hợp – hòa mình vào khung cảnh qua cách trang điểm hay quần áo màu đen. Nhưng con hãy làm vậy mà không quan tâm đến nó. Nếu con thích cắt tóc hay nhuộm tóc, con cứ việc làm mà đừng quan tâm gì cả. Nhiều phụ nữ cảm thấy mình sạch sẽ và tinh khiết hơn khi nhổ lông trên người. Một lần nữa, đó không phải là vấn đề mà con cần quan tâm. Nếu con làm được một cách thanh thản thì con cứ việc làm. Còn nếu con căng thẳng thì con hãy nhìn lại tâm lý mình và tìm xem lý do sự căng thẳng là gì.
“Các thủ thuật thẩm mỹ như hút mỡ, sửa mũi hay ghép ngực”.
Đây là một số thủ thuật y tế có rủi ro vật lý hay có thể gây ra biến chứng lâu dài. Vì vậy con cần lượng định rủi ro cẩn thận trước khi quyết định, và con nên cẩn trọng hơn bình thường. Hút mỡ là một thủ thuật mạnh bạo, và nếu con có thể ăn kiêng thì sẽ tốt hơn rất nhiều mà lại đạt được kết quả lâu bền hơn. Cách tốt nhất để giảm cân luôn là giảm lượng ăn và lượng calo nạp vào cơ thể. Đại đa số phụ nữ không nên – nếu họ thực hành những gì ta vừa nói ở trên – cảm thấy nhu cầu ghép ngực. Tuy nhiên, có những trường hợp ghép ngực có thể giảm thiểu sự căng thẳng trong đời sống hầu giúp con không còn chú ý vào cơ thể vật lý của mình nữa. Đối với các thủ thuật khác cũng vậy.
Điểm mấu chốt là nếu con cảm thấy căng thẳng hay bó buộc phải làm điều gì đó thì con cần phải xem xét tâm lý mình. Tại sao mình lại quá quan tâm tới ngoại hình của mình đến thế? Mình sợ điều gì sẽ xảy ra nếu ngoại hình không đạt được tiêu chuẩn nào đó?
Ta thừa hiểu nhiều người đã từng bị trêu chọc, bài bác, chế giễu tàn nhẫn vì ngoại hình của mình từ khi còn nhỏ. Ta cũng hiểu là điều đó có thể gây ra tổn thương tình cảm và lòng thiếu tự tin. Tuy nhiên, con cũng có thể xem đó là một cơ hội để khám phá những vướng mắc của mình và vĩnh viễn vượt lên trên. Con hãy tự hỏi tại sao con lại chọn đầu thai trong một tình cảnh phải chịu đựng điều đó? Con đã mong muốn học hỏi điều gì từ tình cảnh này? Có thể chăng là để con chứng tỏ cho người khác là con có khả năng vươn lên trên và sống một cuộc đời yên bình, thỏa nguyện? Hay để con chứng tỏ là con vẫn có thể là một con người yêu thương, tốt đẹp, cho dù con phải chịu đựng sự đối xử không đẹp của người khác? Nếu vậy thì con hãy bắt đầu vươn lên ngay bây giờ đi!
Có thể con không thể thay đổi ngoại hình của con hay cách phản ứng của người khác, tuy nhiên con đường điều ngự tâm linh của con sẽ khởi đầu khi con nhận ra rằng không một điều kiện nào trong thế giới vật chất có thể có quyền năng trên Tánh linh của con. Do đó, không một điều kiện nào có thể ngăn cản con tự thay đổi để con không còn bị các điều kiện vật chất đó quấy rầy con nữa.
Bây giờ ta sẽ trả lời một số những câu hỏi khác của con.
“Con nghe nói là mọi điều gì liên quan đến ngoại hình đều là nghiệp quả.”
Mọi điều liên quan đến ngoại hình của con đều là kết quả của một trạng thái tâm thức nào đó. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đó không phải là tâm thức của riêng con mà tâm thức tập thể của nhóm người nơi con đầu thai. Trong một số trường hợp, con đầu thai trong một nhóm đặc thù là vì con chia sẻ cùng trạng thái tâm thức với nhóm đó. Tuy nhiên cũng có những trường hợp khác khi một người tình nguyện khoác lấy một tâm thức đặc thù để chứng tỏ cho các thành viên của nhóm là họ cũng có khả năng vượt lên trên tâm thức đó.
Sự dày đặc cũng như xu hướng bệnh tật của cơ thể vật lý con người là kết quả của tâm thức nhân loại đã bị hạ xuống thấp hơn hẳn mức tâm thức của địa cầu vào thời sinh tạo. Sự hiện diện của tất cả những người tâm linh là minh chứng hùng hôn là con người có khả năng nâng cao tâm thức mình vượt lên trên mẫu số chung thấp nhất. Vì vậy, con hãy đừng cho phép mình nghĩ rằng một số đường nét ngoại hình là chỉ dấu cho thấy con đã làm điều gì sai quấy trong quá khứ. Thay vào đó, con hãy xem xét tâm thức mình và thăng vượt mức hiện tại của mình.
“Một số giáo lý nói rằng màu đen là tà ác và nó sẽ buộc con vào cõi trung giới”
Màu đen không xấu ác. Sau khi loài người sa ngã, màu đen đã bị gắn liền với cái mà ta gọi trong bài giảng của ta là “tà ác”, hay các sinh thể sa ngã. Tự thân nó, màu đen không có gì tà ác. Khi Đấng Sáng tạo ở ban đầu tạo ra khoảng trống thì trong đó không có ánh sáng, và vì vậy nó không có màu – gọi là tối đen. Khi con nhìn lên trời vào một đêm đầy sao, khoảng không trung trống trơn đó màu đen, nhưng đâu có nghĩa không trung tà ác.
Tuy nhiên, đúng là nếu con bao quanh mình với toàn những vật màu đen, con sẽ khiến tâm thức con đồng điệu dễ dàng hơn với các tà lực nơi cõi trung giới. Ngay cả các tâm lý gia cũng đã chỉ ra rằng những người bao quanh với màu đen có rủi ro mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con không bao giờ được mặc quần áo đen, chỉ có điều ta không khuyên con mặc độc là màu đen. Nhưng khi con nâng cao tâm thức và thể hiện tính không dính mắc, con có thể mặc đồ đen mà không mở cửa con ra cho cõi trung giới. Một lần nữa, không có luật lệ vỏ ngoài nào có thể áp dụng trong mọi trường hợp được.
“Con nghĩ tóc đen là màu tóc đẹp nhất. Có nghĩa chăng là con có liên hệ gì với sa nhân trong quá khứ?”
Con đang cố diễn giải quá đáng. Sở thích cá nhân của con thường là sản phẩm của những đặc điểm di truyền và ảnh hưởng văn hóa. Có rất nhiều nền văn hoá mà màu đen không bị xem là tà ác, thậm chí có cả những nền văn hóa nơi người ta mặc đồ trắng khi để tang và màu đen khi ăn mừng. Rất có thể nó không liên quan gì tới tiền kiếp của con, hay nó có thể bắt nguồn từ một số ảnh hưởng văn hóa trong những tiền kiếp đó. Hiện diện TA LÀ của con hoàn toàn không có sở thích gì đối với màu này hay màu kia. Thật là không quan trọng con ưa thích màu nào, miễn là con không bị dính mắc với màu đó.
“… liệu những người tóc đen có tà ác không? Màu nhạt có đặc tính tâm linh tốt hơn (chẳng hạn màu nhạt có tần số rung động cao hơn, v.v…), có nghĩa chăng là da, tóc và mắt màu nhạt có tần số cao hơn màu đậm?
Con người không chỉ là cơ thể vật lý, mà là linh hồn hay dòng sống. Chắc chắn là các dòng sống đầu thai từng nhóm, nhưng thật không đúng khi bảo rằng tất cả những ai mang da đen hay tóc đen đều tà ác, hoặc có tiến hoá tâm linh thấp kém. Trong mỗi nhóm đều có những dòng sống với tâm thức cao lẫn thấp, kể cả những nhóm tóc vàng da trắng. Không phải mọi người tóc vàng đều tốt đẹp, và không phải mọi người tóc vàng đều ngu dốt.
Đúng là trong cõi ether (cõi bản sắc) và cõi tâm linh, các màu sắc đều trong suốt hơn và do đó có màu nhạt hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả sự khác biệt về độ dày đặc của “chất liệu” trên các cõi đó khiến cho ánh sáng có thể rọi xuyên qua mọi hình thể. Trong khi đó nơi cõi vật lý, một vật màu xanh có thể mờ đục y như một vật màu đen. Như ta có trình bày trong bài giảng, vũ trụ vật chất được tạo ra với một mức độ dày đặc nhất định, và điều này không có gì là tà ác.
Điều ta muốn nói là màu sắc chỉ đơn giản là một đặc tính vật lý, và tự thân nó, màu sắc không tốt cũng không xấu. Chỉ có tâm thức sa ngã mới đem bực thang giá trị ra để xét đoán màu sắc và từ đó mới dán nhãn màu này là ác, màu kia là thiện. Adolph Hitler rõ ràng đã đẩy vấn đề này tới sự cùng cực và chúng ta đều biết rõ hậu quả do cái nhìn mất quân bình này của ông ta. Vì vậy, ta mạnh mẽ khuyên nhủ các hành giả tâm linh hãy vượt lên trên mọi phán xét giá trị về màu da hay màu tóc. Hơn thế nữa, ta khuyến cáo con hãy vượt lên trên mọi xu hướng đánh giá cả người khác lẫn chính con. Đây chính là điều ta đã cố giảng dạy 2000 năm trước đây qua câu: “Không phải cái gì đi vào cửa miệng khiến cho người ta dơ dáy, mà cái đi ra từ cửa miệng mới khiến người ta dơ dáy” (Matthew 15:11). Trạng thái tâm thức quan trọng hơn những việc làm của con.
“Hay con phải sống với cơ thể con có cho dù nó xấu xí đến chừng nào?”
Đây là một câu hỏi thú vị. Trong Thời đại Hoàng kim, càng ngày sẽ càng có nhiều người đạt được nhận biết rằng tâm có quyền năng trên vật. Điều này sẽ tạo khả năng cho con người thay đổi ngoại hình của mình qua quyền năng của tâm mà thôi – ít nhất là trong một số giới hạn nào đó.
Sự chuyển đổi tâm thức đem lại Thời đại Hoàng kim chính là khi con người nhận ra là mình không bắt buộc phải sống với những gì mình đang có, kể cả những gì mà con đang thấy trên toàn thể hành tinh. Vì vậy Thời Hoàng kim sẽ chỉ thị hiện nếu có đủ túc số những con người sống với tâm thức: “Chúng tôi không bắt buộc phải sống trong tình trạng hiện tại, và chúng tôi có quyền hạn lẫn quyền năng để thay đổi.”
Sự chuyển đổi tâm thức này đã khởi sự, mặc dù cho đến nay chủ yếu được thực hiện qua công nghệ. Tuy vậy, nó đã kích hoạt một chuyển đổi trong tâm thức tập thể, mở ra trong tâm trí mọi người tiềm năng thực hiện những sự thay đổi mà chỉ một thế hệ trước đây còn bị coi là quá sức loài người. Một khi con người bắt đầu nhận thức được là quyền năng của tâm thức còn lớn hơn cả công nghệ thì con sẽ thấy những thay đổi nhanh chóng.
Về mặt này, ngay cả các thủ thuật thẩm mỹ cũng đã có tác dụng hữu ích, như môn thể dục thể hình chẳng hạn. Ta không bảo là học trò của chân sư phải mua tạ về tập tành, phải bắt đầu ăn thịt sống hay thoa dầu lên thân thể sạch nhẵn không lông. Ta chỉ nói rằng bất cứ một hoạt động nào thách thức niềm tin cho rằng không có gì có thể thay đổi, đều có tác dụng – mặc dù đôi khi một cách kỳ lạ – giúp cho tâm thức tập thể mở ra với những tiềm năng của Thời đại Hoàng kim.
Vì vậy, không con ạ, con không bắt buộc phải sống với những gì con có. Tuy nhiên, những gì con làm để thay đổi cái con có luôn luôn phải tuân theo những ý tưởng mà ta vừa chia sẻ với con vừa rồi. Và như mọi khi, ta khuyên con nên khởi sự bằng cách thay đổi chính tâm con trước khi cố thay đổi bất cứ gì khác. Không dính mắc là một đức tính mà con nên trau dồi.