Lời dạy của Eckhart Tolle về tự ngã

Hỏi: Con muốn biết thày Giê-su nghĩ gì về những lời dạy của Eckhart Tolle. Con cũng hiểu có lẽ thày đã nhận được rất nhiều câu hỏi về vị thày này hay giáo lý kia, nhưng con xin hỏi cụ thể vì trong thông điệp thày Giê-su gửi ra tại Thụy điển, thày có khuyên chúng con học tập những giáo lý khác về tự ngã. Và Eckhart Tolle đã viết hai cuốn sách, “Quyền nâng của Ngay bây giờ” (The Power of Now) và “Một Địa cầu Mới” (A New Earth). Cả hai quyển đều nói rất nhiều về tự ngã và tâm thức nhị nguyên.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Ta xem Eckhart là một vị thày tâm linh đích thực. Ông đang làm những gì mà ông rất nên làm, tức là giảng dạy dựa trên xuất thân, kinh nghiệm và trạng thái tâm thức của ông. Nếu độc giả của trang mạng này cảm thấy có sự nhắc nhở nội tâm muốn tìm hiểu sách của ông thì tất nhiên các con nên đi theo tiếng gọi đó. Tuy nhiên, sẽ không tới mức ta khuyên nhủ mọi người đọc sách của ông, và ta sẽ trình bày tại sao một số người cần tiếp cận sách một cách thận trọng.

Eckhart mô tả khi ông có một sự chứng ngộ tâm linh tự dưng phóng ông vào một trạng thái tâm thức cao hơn. Ông giảng dạy dựa theo kinh nghiệm này, và trên căn bản, ông bỏ qua nhu cầu phải đi theo một con đường tuần tự, có hệ thống. Ông cố gắng đưa độc giả của ông kinh qua một trải nghiệm giống như ông, và ông làm vậy bằng cách chia sẻ những sáng ngộ mà ông đã có sau trải nghiệm đột phá của ông.

Giả thuyết cơ bản là nếu mọi người nhận được những sáng ngộ đúng đắn, họ cũng sẽ có một sự tỉnh ngộ tự phát như ông đã có. Điều này quả là có thể xảy ra, nhưng chỉ với những người đã đạt gần tới mức tâm thức mà Eckhart đã có trước khi ông ngộ. Nhưng đại đa số con người trên hành tinh này chưa ở mức đó, và vì vậy không có khối lượng sáng ngộ nào có thể đánh thức họ một cách “tự phát”.

Hãy cho ta nói rõ là ta không bảo mọi người đừng đọc sách của Eckhart. Đơn giản, ta chỉ nói rằng ta chờ đợi các độc giả của trang mạng này sẽ sử dụng những nội giác mà họ nhận được ở đây khi họ tìm hiểu bất cứ giáo lý tâm linh nào. Và ta chờ đợi mọi người sẽ cố gắng hết sức để lắng nghe lời dạy của ta về nhu cầu giữ sự cân bằng. Nếu con chưa thấy được là ta rất thường giảng về cân bằng thì ta khuyên con nên đọc lại trang mạng này và lưu ý ta thường mô tả cân bằng là điều kiện tiên quyết để thực sự phát triển tâm linh. Ta đặc biệt khuyên con đọc hai bài giảng của ta về tự ngã, có nói đến tư duy trắng đen và tư duy xám.   

Nói vậy rồi, thật không thể chối cãi Eckhart đã ban ra nhiều hiểu biết rất giá trị về tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Các hành giả ở mọi trình độ có thể được lợi ích từ những hiểu biết này, nhưng con cần thực tế và đừng bỏ dở cách phát triển tâm linh có hệ thống, hơn là đuổi theo một chứng ngộ kỳ diệu sẽ thình lình biến con thành một sinh thể giác ngộ. Tốt hơn con nên tiếp tục tu tập cho có phương pháp rồi để mặc cho sự khai ngộ tự dưng xảy đến – tự dưng. Cố gắng chiếm đoạt thiên đàng bằng vũ lực chưa bao giờ đưa ai ra khỏi tầm tay của tự ngã.

Sách “Bắt chước Ki-tô” của Thomas a Kempis

Hỏi: Giê-su yêu dấu, con đang đọc quyển “Bắt chước Ki-tô” (The Imitation of Christ) của Thomas a Kempis và con xin thày vui lòng cho biết quyển sách này có còn xác đáng trong bối cảnh những giáo lý mà thày ban ra hiện nay.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Đây là một quyển sách tuyệt diệu, và thực sự Thomas a Kempis đã là một trong những sứ giả của ta. Trong sách có quá nhiều lời dạy vượt thời gian đến mức nó vẫn xác đáng cao độ ngay cả ngày hôm nay.

Một trong những chủ đề chính của quyển sách là bất cứ ai cũng đều có khả năng hiệp thông trực tiếp với Thượng đế. Đây chính là thông điệp mà ta đang nỗ lực trình bày trên trang mạng của ta. Hiển nhiên đó không phải là điều ngẫu nhiên. Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã cố gắng giúp con người hiểu được cùng thông điệp đó từ hàng ngàn năm rồi. Trong Thời đại Bảo bình, điều quan trọng hơn bao giờ hết là con người cần hiểu thông điệp này, bởi vì con người trong thời đại mới có cơ hội lớn hơn bao giờ hết để hiệp thông trực tiếp với Thượng đế.

Khi con đọc “Bắt chước Ki-tô”, con hãy đừng quên rằng sách đã được viết cách đây sáu thế kỷ. Sách được viết ra vào một thời kỳ chủ yếu Công giáo và được viết cho nền văn hóa đó. Vì vậy trong sách có nhiều điều không thể nói ra được vì sẽ vượt quá xa học thuyết của giáo hội. Vào thời điểm đó, làm như vậy đã có thể khiến cho tác giả bị đàn áp và nhiều người quá sợ hãi sẽ không dám đọc. Thật ra, hồi đó đã có một số người cho rằng quyển sách cấp tiến quá mức. Và ngày nay một số người đạo Cơ đốc vẫn còn nghĩ như vậy.

Và con cũng nên nhớ là sách được viết vào thời gọi là Thời đại Đen tối. Đó là một thời kỳ khi cuộc sống khó khăn hơn nhiều so với hầu hết mọi người đang sống tại phương Tây ngày nay. Vì thế, sách có xu hướng tập trung vào sự khổ đau và những vất vả trong đời sống nhiều hơn là thời nay.

Dù sao đi nữa, quyển sách là một ví dụ cho thấy một người có khả năng nâng cao tâm thức mình và phụng sự trong vai trò sứ giả cho các chân sư thăng thiên. Đó là một nguồn cảm hứng tuyệt vời sẽ giúp cho bất cứ ai hiệp thông với Thượng đế.

“Khóa học về Phép lạ” có đến từ các chân sư?

Hỏi: Cách đây vài năm, con bắt đầu quan tâm đến việc đọc và tìm hiểu quyển Khóa học về Phép lạ (A Course in Miracles), rồi đột nhiên con mất hứng thú và quyết định không theo đuổi lời dạy này nữa. Về sau có một đệ tử của chân sư thăng thiên nói cho con biết là lời dạy đó chỉ chính xác (hay xác thực) được 90%. Vậy trên thực tế, liệu khóa học đó có chứa đựng những lời dạy chân truyền của các chân sư thăng thiên không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Khóa học về Phép lạ (KHPL) quả thực có chứa đựng những ý tưởng chân chính, tương tự như rất nhiều lời dạy tâm linh hay tôn giáo khác. Nhiều người, đặc biệt trong phong trào Thời Mới, đã dùng khóa học này để phát triển một tầm hiểu biết sâu sắc hơn về con đường tâm linh cũng như về các giáo lý tâm truyền đích thực của ta. “Nhờ trái mà con biết được cây”, và KHPL đã có giúp được nhiều người.

Con nói đúng, khóa học không chính xác 100 %, nhưng ta có thể nói với con là không một giáo lý tâm linh nào được tìm thấy trong thế giới vật chất chính xác 100 %.

Môt lời dạy tâm linh luôn luôn được ban ra qua trung gian tâm thức của một người đang đầu thai. Cho nên không thể tránh khỏi lời dạy sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm thức của người giữ vai sứ giả. Trong một số trường hợp như đã giải thích ở nơi khác, ý định cá nhân của sứ giả có thể tô màu lời dạy tâm linh hay thậm chí bẻ cong thông điệp. Tuy nhiên, ngay cả khi sứ giả không mang hậu ý thì nội dung của tâm thức người đó cũng sẽ ảnh hưởng đến lời dạy.

Chẳng hạn khi ta phát biểu qua trung gian ông Kim Michaels, ta phải dùng những từ cùng khái niệm có sẵn trong vốn từ vựng và tâm thức của ông. Ta sẽ rất khó lòng ban ra xuyên qua ông một bài giảng đầy ý nghĩa về một đề tài mà ông không hiểu biết gì. Nói cách khác, sứ giả càng hiểu rõ một đề tài thì lời dạy tâm linh được truyền đạt qua sứ giả sẽ càng sâu sắc và phong phú. Và sứ giả càng không có ý định cá nhân thì lời dạy sẽ càng thuần khiết.

Vị sứ giả đã truyền đạt Khóa học về Phép lạ không phải là một người quan tâm đến tâm linh. Hệ thống tin tưởng của bà dựa trên chủ nghĩa duy vật khoa học. Đây không nhất thiết là một bất lợi vì nó khiến cho khóa học hấp dẫn hơn đối với những người trong cùng tâm thái đó. Tuy nhiên vì sứ giả không có kiến thức vỏ ngoài, hay một tầm hiểu biết nội tâm sâu xa về các khái niệm tâm linh, cho nên bà bị giới hạn trong những gì có thể truyền đạt. Ta không hề nói điều này để chỉ trích vị sứ giả, bởi vì bà thực sự xứng đáng được khen ngợi do đã cống hiến khóa học này, đã sẵn sàng bỏ qua một bên lòng hoài nghi của mình để vẫn đưa ra tài liệu này. Ta chỉ đơn giản nói lên một sự thật hiển nhiên.

Mục đích của bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng là đem lại sự chuyển hóa tâm thức. Nếu sứ giả KHPL đã hoàn toàn đón nhận sự chuyển hóa tâm thức này, thì khóa học đã có thể sâu sắc và thuần khiết hơn. Cho nên điều quan trọng cho những ai học KHPL là nhận ra sự cần thiết phải vượt xa hơn KHPL – như nhiều người quả thực đã làm.

Điều ta muốn nói ở đây là một số ý tưởng trong KHPL không hoàn toàn chính xác hay đầy đủ. Có một số phần thiếu sót có thể gây bối rối nơi các học trò thiếu kinh nghiệm. Thêm vào đó, điều quan trọng là phải nhận ra rằng KHPL tự thân nó không hoàn chỉnh. Đây chỉ là thêm một trường hợp tiết lộ tuần tự, và các học trò KHPL có thể sẽ được lợi lạc nếu họ học hỏi từ những nguồn khác.

Lấy ví dụ một ý tưởng không mấy chính xác khi KHPL nói rằng thế giới vật chất không có thật, rằng nó không do Thượng đế tạo ra vì Thượng đế vượt khỏi thời gian lẫn không gian. Vì vậy theo KHPL, thế giới là sản phẩm của nhận thức, của tự ngã tin rằng mình tách biệt khỏi Thượng đế. Mặc dù có một sự thật trong ý kiến bảo rằng thế giới bị chi phối bởi nhận thức con người, nhưng thật không chính xác khi nói rằng thế giới hoàn toàn do nhận thức của tự ngã tạo ra.

Hành tinh địa cầu đã được bảy sinh thể tâm linh tạo dựng, mà Kinh thánh gọi là các Elohim. Các Elohim đã tạo ra một hành tinh cân bằng hoàn hảo, và khuôn đúc cơ bản của các Elohim đã không hề suy xuyển trong bản chất. Tuy nhiên sau khi loài người rơi vào một trạng thái tâm thức thấp hơn thì con người – qua trung gian quyền năng sáng tạo của tâm – đã tạo ra một lớp phủ bất toàn che lấp phần lớn khuôn đúc nguyên thủy của các Elohim.

Nói cho cùng, lớp phủ này không thực, vì nó không khế hợp với các định luật của Thượng đế cho nên nó không thể bền vững. Nhưng trong tạm thời, nó vẫn thực theo nghĩa là nó được tạo ra từ năng lượng tha hóa. Năng lượng này sẽ không tự dưng biến mất cho dù mọi người đột nhiên đạt được tâm thức Ki-tô. Các điều kiện bất toàn hiện thời đã được dựng lên qua thời gian bởi việc tha hóa năng lượng và vì vậy cũng sẽ cần thời gian lẫn nỗ lực để thay đổi độ rung của năng lượng và trở về trạng thái thuần khiết nguyên thủy.

Nói cách khác, mặc dù điều thiết yếu cho mọi người là thoát khỏi cảm nhận tách biệt khởi lên từ tự ngã, nhưng điều này sẽ không khiến cho thế giới vật lý biến mất, và tự thân nó sẽ không đưa địa cầu trở về trạng thái thuần khiết ban đầu. Thế giới vật lý đã được Thượng đế sinh tạo như phần nối dài của Bản thể ngài. Nó được trù hoạch để trở thành phần nối dài của Vương quốc Thượng đế, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi các cá thể của ngài – chẳng hạn như con người – trở nên hoàn toàn ý thức về vai trò dự trù của mình là đồng sáng tạo cùng với Thượng đế. Nói cách khác, mục đích của sự tăng triển tâm linh không phải để khiến thế gian biến mất mà là nâng cao thế gian – bằng cách nâng cao sự rung động – để nó trở thành một cơ ngơi xứng đáng trong căn nhà của Cha.

Về phần sau trong câu hỏi của con, mục đích thực sự của một lời dạy tâm linh là giúp con thiết lập mối liên lạc với vị thày nội tâm của con, cái Ta Ki-tô của con. Một khi con bắt được liên lạc, con nên cho phép cái Ta Ki-tô hướng dẫn con đến những giáo lý tâm linh khác sẽ giúp con tiến bước. Chừng nào con bước theo sự chỉ đạo nội tâm thì con sẽ tiến bộ tối đa. Chỉ khi nào con cho phép mình dính mắc với một giáo lý vỏ ngoài thì bước tiến của con sẽ chậm lại hay thậm chí dừng lại.

Con mô tả là đầu tiên con đã quan tâm đến KHPL xong con đã mất hứng thú. Câu hỏi cốt yếu ở đây là liệu sự quan tâm sơ khởi của con đến từ nội tâm hay từ một ảnh hưởng bên ngoài, và sự mất hứng thú đó của con đến từ chỉ đạo nội tâm hay từ một ảnh hưởng bên ngoài? Như ta vừa nói, con hãy luôn luôn cố gắng bước theo sự thôi thúc từ bên trong.

Cũng hãy cho phép ta nói rằng việc gán ghép một con số chắc nình nịch để lượng định độ thuần khiết hay độ xác thực của một lời dạy tâm linh là một chuyện rất khó khăn. Nó tùy thuộc phần lớn vào tiêu chuẩn mà con sử dụng để đánh giá lời dạy. Dẫu sao thì một học trò chưa kinh nghiệm sẽ lợi lạc hơn nếu học hỏi một giáo lý có độ thuần khiết và xác thực cao. Lý do là vì người đó chưa phát triển đủ khả năng phân biện để có thể phân biệt giữa một tư tưởng chân chính với một quan điểm đã bị bóp méo hay sai lạc. Cho nên giáo lý càng thuần khiết bao nhiêu thì nó sẽ càng hữu ích bấy nhiêu cho học trò.

Đến khi học trò đã chín chắn hơn và bắt đầu phát triển được khả năng hòa điệu nội tâm, vấn đề giáo lý thuần khiết cũng bớt quan trọng. Giờ đây học trò đã phát triển phần nào sự phân biện nội tâm, cho nên có khả năng học hỏi một lời dạy mà vẫn tách ra được những lời chân lý, rút tỉa ra các ý tưởng chân chính hữu dụng trong khi bỏ lại mọi ý kiến không xác thực.

Sự thật về Chén Thánh – Giê-su bình luận về sách The Da Vinci Code

Câu hỏi của Kim Michaels: Thưa Giê-su, con vừa đọc xong quyển sách The Da Vinci Code (Mt mã Da Vinci) của Dan Brown, và con muốn hỏi thày về Chén Thánh (Holy Grail). Trong sách đưa ra luận thuyết rằng thật ra, Chén Thánh chính là Mary Magdalene, lúc đó đang mang thai đứa con của thày khi thày bị đóng đinh trên thập tự giá. Mary Magdalene sau đó thoát được sang Pháp, nơi bà khởi đầu một dòng dõi hậu bối sau này có nối kết với một số hoàng tộc tại Âu châu. Liệu luận thuyết này có phần thực nào trong đó hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Trước hết, ta rất vui được thấy sách The Da Vinci Code đã được nhiều người chú ý và tìm đọc đến như vậy. Điều này cho thấy rất nhiều người sẵn lòng nhìn xa hơn những học thuyết của đạo Cơ đốc chính thống, và khao khát một hiểu biết cao hơn. Điều này cũng chứng tỏ là phần lớn sự hiểu biết tâm linh, mà trong các thời đại trước chỉ được truyền bí mật cho một số vị điểm đạo ở một cấp nào đó, bây giờ có thể được phổ biến rộng rãi hơn, và thật sự nó có thể trở thành sự hiểu biết chính mạch. Đó là một tin vui, và sự ưa chuộng quyển sách này là một trong số nhiều dấu hiệu cho thấy tâm thức loài người đang có sự chuyển đổi.

Bây giờ đến lượt tin buồn. Không có sự thật nào trong giả thuyết mà quyển sách đã đưa ra. Mary Magdalene không mang thai đứa con của ta khi ta bị đóng đinh. Cô ấy đã không đến Pháp, và do đó đã không khởi sự một dòng dõi được tiếp nối cho tới ngày nay.

Kim Michaels: Vậy có phải thày nói là truyền thuyết Mary Magdalene là Chén Thánh là một tin vịt? Thuyền thuyết đó ra đời như thế nào và tại sao?

Giê-su: Phải, truyền thuyết đó là hư cấu, nhưng nó không chủ ý là chuyện hư cấu. Những người đặt ra và lan truyền giả thuyết đó thật sự tin rằng có một số sự thật trong đó. Con phải hiểu là trong những thế kỷ sau khi ta bị đóng đinh, đã có rất nhiều huyền thoại và truyện kể được lưu truyền về ta. Một số truyện kể này bắt nguồn từ những truyền thống cổ xưa về Ki-tô hay về một Thượng đế hiện thân làm người, và các truyền thống đó thì bắt nguồn từ những tôn giáo ngày nay bị xem là tôn giáo đa thần, tôn giáo ngoại đạo, trong khi kỳ thực đó là những lời dạy tâm linh phổ quát đã hiện hữu trong thế giới cổ đại song song với các tôn giáo chính mạch được biết đến nhiều hơn.

Giáo lý của môn phái Ngộ giáo (Gnostics) cũng chứa đựng một số truyền thuyết, và con sẽ thấy là phái này cũng có một số sách Phúc âm hay học thuyết mà họ bảo là đã nhận được từ nguồn gốc khải huyền thiêng liêng. Ta có thể nói với con là một số sách Phúc âm và giáo lý Ngộ giáo đã được tiếp nhận như là sự tiết lộ tuần tự đích thực đến từ uy lực của Thánh linh. Tuy nhiên, cũng có một số tín đồ Ngộ giáo đã nhận được những lời tiết lộ giả hiệu, y như ngày nay cũng có nhiều kẻ đồng bóng tiếp xúc với các linh thể thấp kém, hay thậm chí những tà thể độc hại, cố tình đánh lừa quần chúng bằng cách lan truyền những ý tưởng sai lầm.

Kim Michaels: Quyển sách cũng nói rằng Chén Thánh biểu tượng cho khiá cạnh nữ thiêng liêng, và thày đã hiện thân để nâng cao giới phụ nữ cũng như nữ tính thiêng liêng lên vị thế xứng đáng trong xã hội. Liệu có chút sự thật nào trong thuyết đó?

Giê-su: Có, quả là có phần nào sự thật trong đó, theo nghĩa là ta đã đến với niềm hy vọng đem lại sự bình đẳng tâm linh giữa hai phái, bằng cách nâng cao phụ nữ lên vai trò xứng đáng của mình. Ta đã có giải thích điều này một cách khá chi tiết trong câu trả lời về Mary Magdalene.

Tuy nhiên, ta đã không hiện thân chỉ để đem lại những thay đổi vỏ ngoài cho xã hội. Ta cũng đã đến để giúp con người hiểu ra cách duy nhất để trở thành một con người trọn vẹn và cân bằng là đạt được quan hệ đúng đắn giữa nam tính và nữ tính của dòng sống. Ta đã giải thích điều này tường tận trong bài giảng về nguyên nhân tâm linh của đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, một lần nữa, ta phải nói với con, Chén Thánh không phải là một người phụ nữ, không phải là Mary Magdalene và cũng không phải là nữ tính thiêng liêng.

Kim Michaels: Còn về Tu viện Scion (Priory of Scion) thì sao? Có thật là có một hội bí mật lưu giữ các tài liệu về đạo Cơ đốc ban sơ và nữ tính thiêng liêng?

Giê-su: Đã có một số hội kín, hay tổ chức bí mật, mọc lên trong thời kỳ Tòa án Dị giáo (Inquisition). Bất cứ khi nào có tình trạng một nhà cầm quyền độc tài trấn áp quyền tự do ngôn luận, thì con sẽ thấy xuất hiện một số hội kín nhằm bảo vệ những ai không chịu tuân theo đường lối cầm quyền.

Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, thuở đó đã bảo trợ một vài hội kín dưới thời Tòa án Dị giáo, kể cả hội Chữ thập Hồng (Rosicrucians), hội Tam Điểm (Freemasons) cùng một số phường hội đã xây cất các nhà thờ lớn tại châu Âu.

Ta không nói ở đây là các hội này vẫn được bảo trợ ngày nay. Con cần hiểu là nếu một hội kín đã được thành lập vào thời Tòa án Dị giáo, thì có ích gì mà tiếp tục hoạt động này ngày hôm nay khi quyền tự do ngôn luận đã có mặt? Vào thời đó, một điều tương đối chính đáng đối với một hội kín là không rải truyền toàn bộ giáo lý tâm linh của mình cho quần chúng, mà chỉ trao một số giáo lý cao cấp cho một số đệ tử quyết tâm hơn trên đường tu tâm linh. Tuy nhiên chúng ta đã bước vào một thời đại khi giáo lý tâm linh có thể, và nên, được truyền đạt rộng rãi cho tất cả những ai sẵn lòng học hỏi.

Một hội kín dành một phần giáo lý cho đệ tử cấp cao là một chuyện, còn một hội kín cứ nhất định giữ kín mãi mãi là một chuyện khác hẳn. Chúng tôi các chân sư thăng thiên có thể đã bảo trợ một số hội kín do tình thế đòi hỏi, nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi ưa gì hội kín. Kỳ thực, chúng tôi thà là không có hội kín bởi vì trong những hội như vậy, sự kín đáo luôn luôn mời mọc sự lạm dụng quyền hành. Thật là quá dễ cho một nhóm ưu tú nhỏ hẹp, là nhóm chóp bu đứng đầu tổ chức bí mật đó, lạm dụng quyền lực của mình. Thật sự, các thành viên của một tổ chức như vậy không có cách chi phản đối giới lãnh đạo lạm dụng, bởi vì mọi chuyện có thể được giấu giếm, viện cớ là tổ chức hay giáo lý phải tiếp tục được giữ bí mật.

Xét về Tu viện Scion như được mô tả trong sách The Da Vinci Code, đâu là ích lợi của một hội kín cứ giữ bí mật giáo lý hay tài liệu môt cách vĩnh viễn? Con có thể hiểu được sự ích lợi của việc giữ bí mật để thoát khỏi sự đàn áp của Giáo hội Công giáo và nhờ vậy lưu giữ được thông tin cho hậu thế. Nhưng nếu thông tin đó cứ giữ hoài hoài vĩnh viễn thì mục đích của hội là để làm gì? Tại sao không chỉ tiêu hủy các tài liệu đó đi thì có phải bí mật đó sẽ không bao giờ lọt được vào tay kẻ xấu? Một trong những vấn đề của một hội kín là nó dễ dàng đánh mất mục đích nguyên thủy của nó và chỉ cốt tồn tại hầu tồn tại. Nói cách khác, mục đích duy trì hội kín trở thành quan trọng hơn là việc bảo tồn những giáo lý tâm linh mà nó tưởng là nó nắm giữ.

Ta đồng ý với lập luận đưa ra trong sách rằng nếu một hội kín đang nắm giữ một giáo lý bí mật về Ki-tô, thì bí mật đó cần được tiết lộ trong thời đại hôm nay, vì giờ đây đã có tự do ngôn luận cũng như những phương tiện truyền thông tốt hơn bao giờ hết. Còn cách nào hay hơn để bảo tồn một giáo lý là đưa nó lên internet nơi mọi người có thể đọc được? Nếu để một giáo lý quý giá trong tay một nhóm nhỏ bé thì luôn luôn có hiểm họa nó sẽ bị đánh mất, y như những gì cốt truyện trong sách mô tả.

Kim Michaels: Thế còn các giáo phái tôn thờ sinh sản cùng những nghi lễ tình dục được mô tả trong sách thì sao? Những loại nghi lễ đó hay những giáo lý đằng sau nghi lễ có giá trị gì hay không?

Giê-su: Có sự mâu thuẫn cốt lõi khi một tổ chức tuyên bố là mình bảo tồn bí mật về Ki-tô mà lại đồng thời cử hành những nghi lễ tình dục không bao giờ xuất phát từ bản thân ta, và cũng chẳng bao giờ liên quan gì đến đạo Cơ đốc. Đây là cùng một loại mâu thuẫn như khi bảo rằng Leonardo da Vinci là người cầm đầu bí mật của một tổ chức thờ phượng nữ tính thiêng liêng, trong khi ông là một người đồng tính.

Đã từng có một số tôn giáo cổ xưa có truyền thống thờ phượng nữ tính thiêng liêng, và trong khuôn khổ sự thờ phượng đó, một số giáo phái đã có những nghi lễ tình dục. Nhưng những loại nghi lễ này không bao giờ nằm trong đạo Cơ đốc, cũng như không bao giờ được ta khoan thứ. Trước khi đạo Cơ đốc ra đời, có những lời dạy phổ quát đã có mặt rồi, trong đó một số có giá trị. Một số lời dạy thờ phượng nữ tính thiêng liêng có giá trị. Tuy nhiên, chuyện cử hành nghi thức tình dục như được mô tả trong sách The Da Vinci Code (hoặc một số biến thể của các nghi thức đó), thì không có giá trị tâm linh nào cả. Tác dụng thật sự của những nghi thức đó là lấy ánh sáng của các tham dự viên, đưa nó qua trung gian những người làm chủ lễ để nuôi béo những con quỷ hay tà thể đứng đằng sau.

Lực tình dục, hay ánh sáng Kundalini theo tên gọi tại phương Đông, là một dạng năng lượng vô cùng mạnh mẽ. Vì vậy các tà lực đã nghĩ ra nhiều phương cách để khiến cho con người dùng sai năng lượng này rồi trao ánh sáng cho tà lực. Một trong những cách thức trắng trợn nhất là kỹ nghệ quảng cáo và giải trí thời nay. Có nhiều hình thức tự xưng là giải trí nhưng chỉ là những loại nghi thức tình dục trá hình không hơn không kém, nhằm đánh cắp lực sống của những ai ham mê chuyện này mà hoàn toàn không biết mình đang bị cưỡng hiếp tâm linh.

Kim Michaels: Một truyền thuyết nữa về Chén Thánh đã sống sót suốt bao nhiêu thế kỷ nói rằng Chén Thánh chính là cái ly mà thày đã dùng trong bữa tối cuối cùng. Người ta cho là cái ly này có quyền năng kỳ diệu đem lại sự sống vĩnh hằng cho bất cứ ai uống vào. Truyền thuyết có gì là thật hay không?

Giê-su: Huyền thọai này cũng khởi đầu trong mấy thế kỷ tiếp theo sau việc ta bị hành quyết, và những người loan truyền nó cũng tin là nó có phần sự thật trong đó. Một lần nữa, đây là kết quả của một trí tưởng tượng quá năng động, không hoàn toàn hiểu được những bí ẩn của Ki-tô, cho nên đã cố tạo ra một hình dạng cụ thể cho những bí ẩn này qua cái Chén của Ki-tô.

Quả thật là ta có dùng một cái ly vào buổi ăn tối cuối cùng. Cái lý đó, mẹ yêu dấu của ta đã mang đến Glastonbury tại Anh quốc và cất giấu ở đó. Bây giờ xin con đừng hỏi là nó được cất giấu ở đâu và làm thế nào mà tìm lại được, bởi vì sự thật là nó không tồn tại nữa.

Tuy nhiên, cái ly đó không có quyền năng phép lạ như người ta gán cho nó. Con chi cần dùng chút lôgíc thì đã có thể phát hiện ra sự thật. Tất cả các môn đệ của ta đã uống từ ly đó trong bữa tối cuối cùng. Vậy tại sao người ta lại nghĩ rằng, nếu “Chén Thánh” đó đã không đem lại sự sống vĩnh hằng cho môn đệ của ta – là những người đã uống từ ly đó tận tay ta – thì làm sao nó có thể đạt được quyền năng kỳ diệu bao nhiêu lâu sau?

Kim Michaels: Vậy nếu Chén Thánh không phải là Mary Magdalene, không phải là nữ tính thiêng liêng, cũng không phải là cái chén cụ thể nào cả, thì đó là cái gì? Có sự thật nào đằng sau truyền thuyết Chén Thánh hay không? Bởi vì nói thật, những truyền thuyết này đã sống rất dai dẳng khiến nhiều người bị ám ảnh phải đi tìm Chén Thánh. Liệu tất cả những người đó chỉ chạy theo bóng ảo ảnh, hay là có một thực tại ẩn giấu mà người ta chưa hiểu ra?

Giê-su: Trong ý tưởng Chén Thánh có một thực tại, một thực tại đã được giữ kín khỏi mắt quần chúng từ nhiều thế kỷ, vì chúng tôi các chân sư thăng thiên thấy rằng con người chưa sẵn sàng nắm bắt được chân lý đó – như được chứng tỏ qua sự kiện biết bao người đã đi theo giáo điều vỏ ngoài của đạo Cơ đốc chính thống thay vì nhìn vào ý nghĩa tâm linh nội tâm của Cơ đốc giáo. Vì vậy chúng tôi đã vui lòng để cho người ta tìm kiếm Chén Thánh như một đồ vật bằng vật chất, một cái Chén của Ki-tô.

Như ta đã giải thích trên trang mạng của ta, và đặc biệt trong bài giảng về các chu kỳ tâm linh, nhân loại ngày nay đã vươn lên một trạng thái tâm thức cao hơn. Cho nên đã đến lúc tiết lộ bí mật thực sự của Chén Thánh, và ta vui lòng làm điều đó ở ngay đây. Con có nhớ chăng là trong sách The Da Vinci Code có nói đến sự kiện là con không tìm thấy Chén Thánh mà Chén Thánh tìm thấy con?

Kim Michaels: Con nghĩ đó là một câu nói vô cùng thâm sâu. Con cũng giật mình là câu đó nghe khá giống một câu rất quen thuộc là, khi đệ tử sẵn sàng thì vị thày xuất hiện.

Giê-su: À ngay đó con có bí mật của Chén Thánh. Kỳ thực, Chén Thánh là cánh cửa mở giữa thiên đàng và địa cầu, giữa cõi tâm linh và cõi vật chất. Cho nên Chén Thánh là yếu tố cho phép một người, một đứa con của loài người, nâng cao tâm thức mình lên đến mức tâm thức của Ki-tô và trở thành một đứa con của Thượng đế.

Về mặt cá nhân, Chén Thánh chính là cái ta Ki-tô của con. Chỉ qua cái ta Ki-tô con mới có thể thị hiện tâm thức Ki-tô, và chỉ qua tâm thức Ki-tô con mới có thể đạt được sự sống vĩnh hằng bằng cách trở thành một sinh thể thăng thiên.

Chén Thánh cũng có thể là một vị thày tâm linh. Một vị thày như thế có thể là một sinh thể thăng thiên, hay một người đang đầu thai tạm thời phụng sự như một vị thày thế chân cho cái ta Ki-tô cho đến khi đệ tử sẵn sàng bắt liên lạc với cái ta Ki-tô của mình. Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng là nhận ra vị thày vỏ ngoài đó không bao giờ được trở thành một thần tượng thay thế vị thày nội tâm là cái ta Ki-tô.

Nếu con cho phép một vị thày vỏ ngoài hay, như nhiều người đã làm, một đồ vật, một hoc thuyết hay một giáo hội vỏ ngoài thay thế vị thày nội tâm, thì con đã đi theo “con đường có vẻ đúng cho con người nhưng thực sự là con đường của sự chết.” Và cái đó trở thành con đường vỏ ngoài mà ta đã mô tả rất tường tận trong các bài giảng của ta.

Con có thể nhận thấy là ta đã giảng day cho số đông quần chúng qua những chuyện ngụ ngôn, và lý do là vì họ chưa sẵn sàng nhận giáo lý nội tâm của ta. Đó chính là những người đã bị cuốn hút vào ý tưởng Chén Thánh là một cái chén, một đồ vật vật lý. Và họ nghĩ, ước gì mình tìm được chén đó thì chỉ cần uống vào là sẽ tự động có sự sống vĩnh hằng và không phải mất công tu tập công phu trên con đường khai ngộ tâm linh. Đó thực sự là giấc mơ được cứu rỗi một cách tự động, bảo đảm – giấc mơ viển vông vĩ đại nhất trên hành tinh này.

Cho dù một số người tìm cách đoạt thiên đường bằng vũ lực, thật là không có con đường tắt. Con sẽ không bao giờ nhập được thiên đàng mà không đi theo con đường nội tâm dẫn đến tâm thức Ki-tô. Nếu con không mặc vào bộ áo cưới, con sẽ không thể ngồi vào bữa tiệc cưới, và con sẽ thấy mình trong bóng tối bên ngoài, chân tay bị trói chặt lại bởi những vết thương tâm lý và tin tưởng sai lầm của con.

Ngay cả quan niệm cho rằng Chén Thánh là một người nữ, và một người nam có thể đạt được kết hợp với Thượng đế qua sự kết hợp tình dục với một người nữ, cũng là giấc mơ cứu rỗi tự động. Tuy nhiên, có một chút sự thật ở đây, theo nghĩa là khi một người đạt được sự cân bằng giữa hai khía cạnh nam và nữ của dòng sống, người đó – dù là nam hay nữ – cũng sẽ bắt đầu thoáng nhìn thấy tâm thức Ki-tô, và điều này sẽ dẫn đến hợp nhất với Thượng đế. Giấc mộng rằng sự hợp nhất với Thượng đế có thể được sản xuất một cách tự động và đảm bảo qua kết hợp tình dục, là lời gian dối đằng sau cách thực hành tình dục Tantra đã đặc biệt phổ biến tại phương Đông. Con hãy lưu ý là ta không hề nói triết lý đánh thức Kundalini là sai trái, hoặc điều này không thể thực hiện qua tình dục, mà ta nói rằng đó không phải là một kết quả tự động của kết hợp tình dục.

Trên hành tinh này luôn luôn đã có những kẻ muốn chiếm đoạt thiên đường bằng vũ lực, muốn sản xuất sự giác ngộ tâm linh mà không chịu làm công việc chữa lành tâm lý của mình cũng như thanh lọc tâm trí lẫn con tim. Đây là những người không sẵn sàng nhận sự thật về Chén Thánh. Đây là những người đã đeo đuổi từ hàng bao thế kỷ một đồ vật vỏ ngoài hay một bí mật huyền bí nào đó sẽ tự động cho họ sự sống vĩnh hằng. Bí mật của sự sống vĩnh hằng là kết hợp với cái ta Ki-tô của con, nhưng sự kết hợp này sẽ không bao giờ là kết quả tự động của những hành vi vỏ ngoài. Kết hợp đó là sự kết hợp thần bí nội tâm mà biết bao triết lý tâm linh chân thực khắp thế giới đã nói tới.

Khi ta ở một mình với các môn đệ, ta thường giảng dạy nhiều điều, kể cả sự kiện mỗi con người đều có một cái ta Ki-tô và đều có khả năng hợp nhất với cái ta Ki-tô đó. Thế nhưng ngay cả các môn đệ của ta cũng không thể nắm được hoàn toàn chân lý đằng sau lời dạy này. Đó là tại sao ta đã ban cho họ một nghi lễ vỏ ngoài gọi là nghi lễ Bẻ bánh của sự Sống để họ tưởng nhớ đến ta. Ý nghĩa nội tâm chân chính của nghi lễ này là Bánh của sự Sống chính là tâm thức Ki-tô toàn vũ đã được bẻ ra cho mỗi người dưới dạng cái ta Ki-tô cá nhân nơi mỗi người.

Khi đó, cái ta Ki-tô cá nhân trở thành cái chén chứa đựng huyết – huyết là biều tượng cho dòng tâm thức của tâm Ki-tô toàn vũ. Khi dòng sống của con hợp nhất với cái ta Ki-tô, con nâng chén lên – là cái chén của toàn bộ tâm trí và toàn bộ dòng sống – và như vậy, dòng tâm thức Ki-tô toàn vũ sẽ bắt đầu tuôn chảy xuyên qua con. Mọi ý tưởng, cảm xúc và hành động của con giờ đây được xây dựng trên tảng đá của Ki-tô, tức tâm thức Ki-tô, thay vì trên bãi sa lầy của tâm thức phàm phu.

Do đó chúng ta có thể nói là khi con thật sự tìm ra Chén Thánh trong kết hợp thần bí với cái ta Ki-tô, con cũng đã trở thành chính Chén Thánh vậy. Con trở thành cái chén của Ki-tô mà qua đó tâm thức Ki-tô toàn vũ có thể giảng dạy và trao ánh sáng cho người khác. Và chúng ta cũng có thể nói, con không thể tìm thấy Chén Thánh, mà con có thể trở thành Chén Thánh. Con trở thành cánh cửa mở giữa thiên đàng và địa cầu như ta đã từng là như vậy khi ta còn hiện thân.

Đó là bí mật đích thực của Chén Thánh mà người ta đã đi tìm suốt 2000 năm qua. Nếu họ để ý đến một trong những lời dạy quan trọng nhất của ta, thì họ đã không đi tìm bên ngoài chính họ. Lời dạy đó là, Nước Trời ở ngay trong con. Nó chứng tỏ cho con thấy Chén Thánh phải tìm kiếm bên trong con, bên trong tâm con, bên trong tâm thức của con.

Ta cũng xin nói là truyền thuyết Chén Thánh cũng đã thật có ích lợi ở chỗ nó đã giúp cho nhiều dòng sống giữ được tập trung vỏ ngoài vào một niềm khao khát bên trong đích thực hầu đạt tâm thức Ki-tô. Cho nên ta không bảo là có gì sai trái khi người ta ao ước Chén Thánh. Vấn đề xảy ra là nhiều người đã chú mục vào một đồ vật bên ngoài thay vì tìm kiếm một cách hiểu thâm sâu hơn.   

Ta cũng biết nhiều người sẽ thấy lời giải thích của ta không được lãng mạn và màu mè bằng truyền thuyết. Nhưng nếu họ chuyển dời tâm thức khỏi trọng tâm vào thế giới vật chất để tập trung vào thế giới nội tâm, thì họ sẽ khám phá ra cuộc hành trình nội tâm cùng với Ki-tô sẽ lãng mạn, hứng thú và thỏa nguyện hơn gấp bội việc đeo đuổi một cái chén.

Ta chính là Chén Thánh.
Hãy bước vào trong tim và tìm ta.
Nếu con tìm ta với tim tinh khiết và tâm cởi mở, con sẽ tìm thấy ta.
Khi đó, chắc chắn ta sẽ cho con sự sống vĩnh hằng.