Lạm dụng tình dục trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng

Hỏi: Các chân sư thăng thiên đã giải thích cho chúng con cơ chế năng lượng của ấu dâm cùng những hành vi che giấu trong Giáo hội Công giáo. Việc sa nhân xâm hại tình dục không phải là chuyện lầm lỗi vì sa nhân rất lành nghề trong các kỹ thuật bòn rút năng lượng. Nhưng điều khiến con hoang mang là những vụ lạm dụng tình dục đã xảy ra với một số vị sư hàng đầu của Phật giáo Tây Tạng và những vụ này đã được che đậy trong nội bộ hay có khi bị truyền thông phơi bày.

Đã có rất nhiều bản tin về hành vi xâm phạm tình dục các nữ đệ tử bởi những nhà sư rất được kính trọng. Liệu việc tà dâm sẽ chẳng cản trở sự phát triển tâm linh cùng việc thăng thiên của các vị đó hay sao? Liệu chúng con có nên xem việc lạm dụng tình dục của các nhà sư Tây Tạng là hệ quả của một truyền thống tôn giáo trọng nam một cách độc đoán chăng? Hay chúng con nên giả sử là trong số các vị Rinpoche của Tây Tạng có thể có sa nhân? Con không nghĩ là một người đã đạt được một mức tâm thức cao cần đến chuyện đánh cắp năng lượng qua việc xâm hại tình dục, cho nên con hoàn toàn không hiểu nổi tại sao họ lại cư xử như vậy trong việc thể hiện tình dục của họ.


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Hội nghị Hàn quốc 2023. Đăng ngày 7/7/2023.

Vấn đề thực sự trong tất cả những trường hợp đó là cho dù con có theo một truyền thống tâm linh nào – có thể là truyền thống đạo Phật, truyền thống đạo Cơ đốc, truyền thống đạo Ấn – con sẽ thiết lập một loại tổ chức nào đó, một giáo hội nào đó, một truyền thống tu viện nào đó. Con thiết lập một cấu trúc thứ bậc nhất định và luôn luôn sẽ có sự phóng chiếu là những ai đã đạt được một vị trí cao hơn trong tổ chức vỏ ngoài cũng phải đạt đến một mức tâm thức cao hơn. Đây là cạm bẫy tàn hại cho tất cả mọi người tâm linh trong mọi truyền thống tâm linh. Có lẽ sự lầm lẫn này là một cách phản ứng có thể thông cảm được – ít ra là thông cảm được trong quá khứ, nhưng không thể thông cảm hay bào chữa được trong thời đại hôm nay.

Thực tế là bất cứ khi nào con tạo ra một tổ chức có cấu trúc thứ bậc nơi người càng ở trên cao càng có nhiều quyền hành, thì tổ chức này sẽ thu hút những ai mong muốn quyền lực, hay địa vị, hay uy tín. Nhưng có thật khó lắm hay chăng để nhìn ra là những ai chạy theo quyền lực, địa vị và uy tín không thể là người có tâm thức cao? Bởi vì tại sao một người có tâm thức cao, một trạng thái tâm thức tâm linh, lại muốn quyền lực, địa vị và danh vọng trên trái đất chứ? Thật không khó lắm để con xoay chuyển và nhìn ra là không một truyền thống hay tổ chức tâm linh nào có thể thoát khỏi cơ chế này. Con tạo ra một số địa vị và các địa vị này sẽ hấp dẫn những ai muốn hưởng một điều gì đó từ địa vị. Và những người này có thể là sa nhân, nhưng họ cũng có thể là những người chưa sa ngã bị ảnh hưởng bởi tâm thức sa ngã, thậm chí bị chi phối bởi lời gian dối cho rằng nếu họ đạt được một chức vụ trong tổ chức tâm linh chân chính độc nhất này thì nhất định họ sẽ phải được nhận vào thiên đàng.

Quả thật là trong truyền thống Tây Tạng và các truyền thống Phật giáo khác có những sa nhân đã đạt đến các chức vụ cao cấp, và do đó họ đã lạm dụng những người thấp hơn họ, như sa nhân vẫn thường làm. Có một số người đã đạt được các chức vụ đó và mở ra cho các thế lực bóng tối từ cõi cảm xúc, và các thế lực này đã khiến họ xâm hại tình dục người khác để các sinh thể ở cõi cảm xúc có thế rút lấy năng lượng từ họ.

Hiển nhiên là con hoàn toàn chính xác khi con nói một người với trình độ tâm linh cao hơn sẽ không cần lấy năng lượng từ người khác, cho dù là qua sinh hoạt tình dục hay qua việc người khác kính trọng, thờ phượng hay đưa họ lên làm thần tượng. Cho nên khi con thấy người nào cần những thứ này thì con biết họ không ở trong một trạng thái tâm thức cao. Nhưng một lần nữa, vấn đề là các tổ chức tâm linh phóng chiếu ra là những ai ở các chức vụ lãnh đạo nhất định phải là người có tâm thức cao – và sự thật thường thường không là như vậy, bởi vì trong một truyền thống tâm linh hay một giáo hội được thành lập lâu đời với một guồng máy tổ chức to lớn, những ai bị thu hút vào các chức vụ lãnh đạo chính là những kẻ mong muốn một cái gì đó của thế gian mà họ nghĩ chức vụ sẽ cung cấp cho họ.

Đơn giản là con cần điều chỉnh lại cái nhìn của con. Nếu con biết Giáo hội Công giáo đã bị nạn ấu dâm và xâm hại tình dục lũng đoạn, tại sao con lại nghĩ là Phật giáo Tây Tạng hay bất kỳ truyềng thống tâm linh nào khác sẽ không bị lũng đoạn như vậy? Điều này cho thấy là con có một xu hướng thần tượng hóa nào đó đối với một truyền thống tâm linh đặc thù, vì một cách nào đó, con nghĩ là mặc dù truyền thống này do người phàm điều hành, nhưng những người phàm này sẽ không làm giống như những người phàm kia. Nhưng niềm tin này không thực tế đâu con.

Ta hoàn toàn không dung túng hay bào chữa sự lạm dụng tình dục cho dù trong một truyền thống Phật giáo hay bất kỳ truyền thống nào khác. Đương nhiên những người làm vậy sẽ tạo nghiệp cho chính họ, và sẽ không có cách nào họ thăng thiên được sau kiếp này hay có lẽ sau nhiều kiếp, hay có thể là không bao giờ.

Nhưng câu hỏi cũng cần được đặt ra trong bối cảnh này là liệu trong thế giới hiện đại có cần tiếp tục truyền thống độc thân cho những người tâm linh trong một tổ chức tâm linh không? Rõ ràng nạn ấu dâm và xâm phạm tình dục trong Giáo hội Công giáo liên hệ chặt chẽ với sự đòi hỏi là các linh mục phải sống độc thân, nhưng điều này cũng không khác gì bất kỳ truyền thống tâm linh nào khác nơi sự độc thân cũng là một yêu cầu. Nhưng liệu nó có còn cần thiết hay không? Trong quá khứ đã có lý do để đòi hỏi như vậy, nhưng liệu có cần thiết hay không trong thời đại hôm nay? Ta không cho con một câu trả lời dứt khoát là có hay không, mà ta chỉ nói rằng nếu con thực sự mong muốn khắc phục nạn lạm dụng tình dục thì con cần giải quyết vấn đề này. Việc sống độc thân có cần thiết trong thời hiện đại hay không, và nó có cần thiết hay không trong một truyền thống tâm linh?

Điều gì là cần thiết trong một truyền thống tâm linh? Đó là sự điều ngự các ham muốn tình dục. Nhưng mục tiêu này có nhất thiết đạt được một cách tự động qua việc phủ nhận các ham muốn tình dục? Hay thật ra mục tiêu sẽ đạt được hiệu quả hơn qua sinh hoạt tình dục trách nhiệm? Không có câu trả lời rõ rệt là có hay không cho những câu hỏi trên, nhưng đây là những câu hỏi cần được đặt ra để có thể khắc phục vấn đề.

Và tất nhiên, ta biết rất rõ là trong nhiều truyền thống đạo Phật sẽ có nhiều sự chống đối không muốn nhìn vào điểm này. Nhưng nếu thế thì vấn đề xâm phạm tình dục sẽ chỉ càng ngày càng trở nên tệ hơn để buộc mọi người phải xem xét vấn đề.

Bị dính mắc vào cách người đời thực hành giáo lý tâm linh

Hỏi: Liệu chân sư thăng thiên Phật Gautama có cảm thấy đau buồn khi thấy một số nước như Myanmar và Sri Lanka tuyên bố đi theo đức Phật cùng giáo lý của Phật, nhưng họ lại cho phép sự cưỡng hiếp hàng loạt những phụ nữ Hồi giáo Rohingya hay sự tiêu diệt hàng loạt những người Ấn giáo Tamil? Hay sự áp chế các nhà truyền giáo Cơ đốc tại Bhutan, thậm chí cả kỹ nghệ du lịch tình dục trụy lạc đang phồn thịnh tại Thái Lan? Liệu ngày nay có quốc gia nào nơi đạo Phật chiếm đa số còn sống trọn với các lý tưởng của Phật hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và Quả vị Ki-tô. Đăng ngày 26/6/2022.

Khi con đã đạt đến trạng thái tâm thức Phật thì con không còn trải nghiệm sự đau buồn theo cách định nghĩa của con người. Và một khi con đã trao truyền một lời dạy tâm linh trên địa cầu thì con biết, ít ra là sau khi con thăng thiên, con biết là một khi giáo lý tâm linh đã được ban ra trong cõi vật lý thì con không thể kiểm soát được mọi người sẽ sử dụng quyền tự quyết của họ như thế nào để diễn giải hay thực hành giáo lý. Giê-su cũng đã kinh qua trải nghiệm đó y như những bậc khác đã thăng thiên. Con buông nó ra, con để cho chính lời dạy của con ra đi. Con chỉ đơn giản để cho nó ra đi và con nói: “Lời dạy đã ở cõi vật lý. Cơ hội đã được trao ra. Dù người ta có làm gì với nó thì đó là quyền tự quyết của họ.”

Hiển nhiên ta có thể nhìn vào những nước tuyên bố theo đạo Phật và ta thấy được là họ không làm trọn các lý tưởng của Phật. Hiển nhiên Giê-su cũng có thể nhìn vào những nước tuyên bố theo đạo Cơ đốc nhưng không sống trọn theo lý tưởng Cơ đốc. Nhưng đây là điều mà con phải buông bỏ khi con là chân sư thăng thiên, bởi vì nếu không thì con không thể thăng thiên. Nếu con bị dính mắc vào cách người đời thực hành giáo lý mà con đã ban truyền trong kiếp chót của con như thế nào, thì con sẽ phải tái đầu thai để cố kiểm soát cách thực hành đó, hay ít ra cố lèo lái, hướng dẫn mọi người đạt được một cách hiểu cao hơn. Và như vậy thì con không thể thăng thiên.

Đây chính là một điểm mà con trong tư cách là một người tâm linh cần lưu ý. Như Giê-su có nói, có những người đã quyết định cách đây 2000 năm là họ sẽ ở lại trong hiện thân suốt 2000 năm tiếp theo để giúp cho đạo Cơ đốc có được tầm ảnh hưởng tối ưu. Khi ta thăng thiên thành Phật, cũng có những vị đã phát nguyện làm y như vậy. Đối với những vị đó, điều thật quan trọng là họ nên suy nghĩ lại và nói: “Liệu tôi có dính mắc nào với cách người đời sử dụng giáo lý tâm linh?” Bởi vì nếu con có dính mắc thì làm sao con sẽ thăng thiên được? Nếu Sứ vụ Thiêng liêng của con định ra là con sẽ thăng thiên trong kiếp này, thì con cần phát hiện ra dính mắc đó và để cho nó ra đi. Bởi vì nếu không, con sẽ không muốn thăng thiên, con sẽ muốn trở lại trong một kiếp đầu thai khác cho đến khi con cảm thấy là mình đã hoàn thành công việc của mình. Nhưng đến bao giờ con mới cảm thấy được là con đã hoàn tất công việc đem lại tiềm năng cao nhất cho đạo Cơ đốc hay đạo Phật? Có thể còn rất lâu nữa.

Bây giờ nói đến các nước. Thật sự không có nước nào mà đa số người dân ở đó có được hiểu biết cao hơn về giáo lý đạo Phật hay đang thực hành đạo Phật một cách cao hơn. Tuy vậy, có một số nước rõ ràng là yên bình hơn một số nước khác, cho nên ít ra các nước này cũng có được một trình độ thể nhập giáo lý tốt. Ta không muốn nói rõ nhưng có một vài nước như vậy. Nhưng ta không nhìn họ như là những quốc gia – liệu có quốc gia nào thể nhập được đạo Phật hay chăng? Mà ta nhìn vào con người. Ta nhìn vào những cá nhân. Ta nhìn vào một số trào lưu đã thể nhập được đạo Phật nhiều hơn.

Làm thế nào cho tâm im lặng

Hỏi: Con có một câu hỏi cho các chân sư. Có cách nào hiệu quả để vượt qua thói quen không ngừng suy nghĩ, có khi nói nhảm cưỡng chế trong tâm? Con hiểu là con cần chấp nhận ngã tách biệt đó là không quan trọng, và con cần chấp nhận chính con như con đang là. Nhưng làm cách nào con có thể kéo sự chú ý của con ra khỏi đó một cách hiệu quả hơn, bởi vì nó đang lấy đi năng lượng của con?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và Quả vị Ki-tô. Đăng ngày 20/6/2022.

Có nhiều yếu tố gây ra thói quen lảm nhảm trong tâm mà nhiều người trong đạo Phật gọi là “tâm khỉ”. Nó không ngừng suy nghĩ, không ngừng nói chuyện, không ngừng phân tích, không ngừng tham gia vào chuyện này chuyện nọ hầu lôi kéo sự chú ý của con vào tiến trình không bao giờ ngưng nghỉ đó. Chắc chắn một trong các yếu tố có thể là sự phóng chiếu của những thế lực trong cõi trung giới hay cõi lý trí, là những thế lực chỉ đơn giản cố khiến cho con bị mất thăng bằng để chúng đoạt năng lượng của con. Cúng có thể là sự phóng chiếu từ tâm thức tập thể. Đối với vấn đề này, con cần dùng những bài chú, bài thỉnh của chân sư để kêu gọi Đại thiên thần Michael bảo vệ và niêm phong hào quang của con, và Elohim Astrea cắt đứt và giải thoát con khỏi các tà lực đó.

Hiển nhiên con cũng sẽ cần dùng các dụng cụ của chân sư để chữa lành nhiều loại ngã tách biệt hay nhiều khuôn nếp phản ứng khác nhau – chẳng hạn như khi con thấy nhiều người gặp phải xung đột hay bất đồng với ai đó, thì nó khiến cho tâm họ cứ mãi lặp đi lặp lại tình huống đó, họ không ngừng phân tích rồi bị cuốn hút vào đó. Họ không thể nào ngừng suy nghĩ về chuyện đó, và trong tâm họ mong muốn sửa đổi một tình huống mà họ không thể thay đổi ở mức vật lý. Con cần nhận ra là sự thể này khởi lên từ một số ngã tách biệt nhất định do con bị dính mắc vào tình huống, vào kết quả của tình huống, hoặc con có một cái ngã không sẵn lòng tha thứ cho người kia. Một lần nữa, bằng cách tha thứ cho người đó, con sẽ tìm được tự do. Vậy con có muốn được tự do hay không? Có rất nhiều những cái ngã tách biệt như vậy tạo ra những câu chuyện lảm nhảm liên tục trong tâm.

Nói cho cùng, không có cách nào khác hơn là con cần nhìn thấy chúng, cần giải quyết chúng và đơn giản để cho chúng ra đi. Và khi đó, những chuyện mà tâm con thường lôi kéo chú ý con vào, bỗng nhiên có vẻ như không còn gì quan trọng nữa đối với con. Con có khả năng nhìn chúng và nói: “À vậy sao? Có gì quan trọng đâu?”

Nhưng cho dù con giải quyết được thật nhiều ngã như vậy, con vẫn cần nhìn nhận là con đang sống trên một hành tinh rất dày đặc, rất hỗn tạp, với một tâm thức tập thể và biết bao nhiêu loại năng lượng vô cùng hỗn tạp. Có thể là khó tránh chuyện tâm con cứ nhặt nhạnh những thứ đó. Và như các chân sư thường giải thích, không phải con chỉ có một cái ngã tách biệt đâu, mà con có một cái ngã tách biệt to lớn hơn – nếu có thể nói như vậy – với nhiệm vụ chủ yếu là khiến cho tâm con làm việc. Đơn giản, ngã này sẽ không ngừng suy nghĩ, lượng định, phân tích.

Sứ giả này nhiều năm trước đây đã nhận ra là mình có một cái ngã cứ muốn giải quyết đủ mọi loại vấn đề. Và khi không có vấn đề nào để giải quyết thì nó sẽ chế ra vấn đề. Cho nên có thể con sẽ khó tránh việc tâm con cứ muốn hoạt động, cứ muốn suy nghĩ về chuyện này chuyện nọ. Có những thiền gia Phật giáo đã bỏ ra hàng chục năm trời trong thiền quán và thiền định mà vẫn cảm thấy rất khó làm yên tâm mình. Thậm chí một số còn bảo rằng việc làm cho tâm im lặng không quan trọng lắm miễn là mình vẫn tập trung vào một cái gì vượt khỏi tâm – là cái mà chúng ta có thể gọi là Hiện diện TA LÀ, hay cõi tâm linh, hay sự phát triển tâm linh.

Nhưng ta sẽ cho con một phương cách thiết thực sẽ có thể giúp được con. Nếu con quan sát tâm, điều con sẽ để ý thấy là có một ý nghĩ đi vào tâm con. Có một khoảnh khắc khi con có thể quyết định: “Tôi có nên đi theo ý nghĩ này hay không, tôi có nên nghĩ cái ý nghĩ này hay không?” Hầu hết mọi người không để ý đến sự kiện này. Nhưng khi con đặt chú ý của con vào đó, sẽ tới một điểm khi con nhận biết có một khoảnh khắc thời gian khi một ý nghĩ đến với con – có thể là từ ngoài hay từ ngay trong tâm con – nhưng cái Ta Biết, sự nhận biết thuần khiết của con có một khoảng thời gian rất ngắn để nó quyết định: “Liệu tôi sẽ bước theo cái này hay tôi sẽ không bước theo?”     

Thay vì quyết định “Tôi sẽ không bước theo cái này”, điều con làm là con chỉ nhận biết ý nghĩ đó – cho dù nó đã bắt đầu và đã tiếp diễn một chập rồi – xong con nói trong tâm: “Tôi buông bỏ. Tôi buông bỏ ý nghĩ này.” [trong tiếng Anh, surrender có mấy nghĩa: buông bỏ, hàng phục, trả lại]  

Trên căn bản, con đang ra hiệu là chuyện đó không quan trọng đối với con, rằng con sẽ không giao tiếp, không tương tác với nó, rằng con sẽ không đặt chú ý hay trao năng lượng của con cho nó. Con chỉ đơn giản buông nó ra, con để cho nó ra đi. Nó không quan trọng. Nó không có ý nghĩa. Nếu con cứ tiếp tục làm như vậy thì con sẽ đạt được một số thành quả.      

Bất cứ khi nào một ý tưởng xuất hiện thì con có thể làm như vậy, ngay cả khi con nằm trên giường buổi tối và đang cố chìm vào giấc ngủ. Con chỉ liên tục tự nhủ: “Tôi buông bỏ, tôi buông bỏ, tôi buông bỏ.” Có thể là sau một lúc vẫn có một ý tưởng bỗng nhiên thu hút sự chú ý của con và nó tiếp diễn một chập. Nhưng khi con nhận biết nó ở đó thì con lại nói: “Tôi buông bỏ, tôi buông bỏ.”

Ta không bảo là phương cách này sẽ hiệu quả đối với những người chưa làm những điều kia mà ta khuyên ở trên. Nhưng chắc chắn nó có thể hiệu nghiệm đối với những ai đã đạt được một độ trong sáng hơn, tinh khiết hơn nơi bốn thể phàm của mình.

Phật Gautama, giác ngộ và các tầng của tự ngã

Hỏi: Đức Phật kính quý, trong hội thảo trên mạng vừa qua, một trong các chân sư nói rằng khi con người còn có thân xác thì chưa thể thăng thiên được. Vị chân sư cũng nhấn mạnh với chúng con là đừng nên tin bất cứ ai tuyên bố là họ đã thăng thiên. Khi một người còn xác thân vật lý thì người đó vẫn còn tự ngã. Con hiểu lời dạy đó như sau: một người không thể nào đạt được toàn giác hay thăng thiên cho tới khi người đó chết và rời bỏ xác thân vật lý. Tuy thế, trong kinh điển Phật giáo đức Phật đã xác nhận thày đã đạt được toàn giác – anatta, vô ngã – ở tầng thiền cuối cùng là tầng thiền thứ tư, và đây chính là lúc đức Phật đạt được tuệ giác tối hậu. Xin thày vui lòng giảng cho con tại sao đức Phật có thể đạt được giác ngộ khi vẫn còn trong một xác thân vật lý? Và nếu điều này đúng với đức Phật, thì chúng con nên hiểu thế nào giáo lý của các chân sư thăng thiên nói rằng con người vẫn còn tự ngã khi vẫn còn xác thân vật lý?


Trả lời của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels. Câu trả lời này được trao truyền trong hội nghị qua mạng năm 2021 – Là Cánh Cửa Mở cho Hành tinh Trái Đất. Đăng ngày 28/10/2021.

Con đang phải đối phó ở đây với vấn đề từ ngữ và cách mọi người dùng từ ngữ và giải thích từ ngữ. Tại hội nghị này, các thày có nói tới sự kiện là sau khi thày thăng thiên như là một vị Phật, những tín đồ của thày bắt đầu tạo ra một tinh thần sùng bái thày. Một số các vị này muốn đưa ra hình ảnh thày là vị đạo sư tâm linh tối hậu chưa từng xuất hiện trên hành tinh này và do đó, ngay từ khi chào đời thày đã là người khác thường và vân vân. Đúng thật là thày đã nói là thày đạt được một tầng nào đó và thày khắc phục được ngã phàm (not-self) và đạt được tuệ giác tối hậu.

Tuy nhiên, đấy là tuệ giác tối hậu mà thày thấy được ở điểm đó. Con cần nhận ra ở đây là khi con tới những tầng cao của con đường tâm linh, con bắt đầu có một số trải nghiệm tâm linh. Nhiều người từ những quá trình khác nhau đã có trải nghiệm tâm linh, ngay cả những người không tỏ lộ rõ ràng bên ngoài họ là người tâm linh. Và khi con có một trải nghiệm tâm linh con cảm thấy nó rất rất là thực đối với con. Và điều này có nghĩa là khi con trở về thân xác vật lý và tâm vỏ ngoài, con rất dễ lý giải cảm nhận thực này là trải nghiệm tối hậu. Đây chắc phải là giác ngộ tối hậu, tuệ giác tối hậu mà con người có thể đạt được. Nhưng ý nghĩa sâu xa giản dị là đây là điều con thấy được ở tầng đó. 

Như các thày đã giải thích trong hội nghị này, thày chưa đạt tầng giác ngộ tối hậu. Sau này thày Padmasambhava đã xuất hiện như một vị chân sư thăng thiên với tầng giác ngộ cao hơn. Và trên cõi thăng thiên có nhiều tầng giác ngộ cao hơn nữa lên suốt tới mức của đấng Sáng tạo.

Bây giờ, có thể có sự hiểu lầm chung quanh ý của con gán cho các từ “tự ngã” (ego) hay “ngã phàm” (not-self). Các thày đã trao cho các con giáo lý là lúc nào cũng còn một yếu tố nào đó của tự ngã (ego) mà các thày gọi là tự ngã hay ngã tách biệt (separate self) cho tới khi con thăng thiên, vì nếu không như thế thì con không thể giữ được thân thể vật lý. Khi thày trở lại từ Niết bàn và ở trong xác thân vật lý và sống tới tuổi 81, và được người đời cho là đã giác ngộ, thì thày vẫn còn đủ tự ngã đó để thày có thể giữ được thân vật lý. Tuy nhiên tự ngã mà thày có khi thày là Phật không phải là cái mà người ngày nay gọi là tự ngã. Tự ngã thời nay là khía cạnh ích kỷ của tâm lý khiến cho con người ích kỷ.

Như thày đã giảng trong bài truyền đọc, thày đã đạt được hợp nhất, thày đã khắc phục được tách biệt, và do đó thày đã khắc phục được ngã phàm. Có thể nói, dựa trên định nghĩa của nhiều người, thày đã không còn tự ngã nữa. Nhưng các thày đã trao truyền cho các con một giáo lý rộng hơn dạy rằng có tự ngã tách biệt tương ứng với mỗi tầng của 144 tầng tâm thức. Mỗi tự ngã dựa trên một ảo tưởng và con chỉ vứt bỏ cái ngã cuối cùng, ảo tưởng cuối cùng khi con sẵn sàng thăng thiên. Điều này đã áp dụng cho thày, cho Giê-su và cho tất cả những người khác đã thăng thiên từ trái đất.

Cho nên con cần cẩn thận đừng quá dính mắc vào từ ngữ và sự diễn giải từ ngữ. Và con cũng nên cẩn thận nhìn lên trên tinh thần sùng bái, bởi vì những giáo lý các thày hiện trao truyền cho các con không dựa trên sùng bái, các thày không phục vụ những người có cái nhìn sùng bái. Trên cơ bản, có thể nói là khi con đạt được khai ngộ ở tầng 96 –  đó là lúc, như các thày đã giảng, con vượt lên trên sự chú tâm vào cái ngã, con không còn tu tập để nâng mình lên như một ngã tách biệt, nhưng con làm việc để nâng cao toàn thể –  thì ở điểm đó, có thể nói là con không còn tự ngã, dựa theo định nghĩa phổ thông nhất về tự ngã trong nhân gian.

Tuy nhiên, tại sao con vẫn chưa thăng thiên ở tầng đó? Bởi vì con vẫn còn muốn trải nghiệm điều gì đó, con muốn hiểu điều gì đó, con muốn giải quyết điều gì đó, và khi làm vậy, con giúp nâng cao tập thể, con tạo ra động lượng trong tập thể khiến mọi người tăng triển dễ dàng hơn.

Trong tổ chức Summit Lighthouse (Ngọn Hải Đăng trên Đỉnh), có giáo lý nói rằng con có thể thăng thiên khi quân bình được 51% nghiệp quả của mình. Các thày đã nhiều lần giải thích là giáo lý này giới hạn, bởi vì con không thể thực sự thăng thiên cho tới khi con hoàn toàn giải quyết tâm lý mình. Nhưng giáo lý này muốn nói rằng con không cần phải trở lại đầu thai nhưng con có thể giải quyết phần còn lại của tâm lý, của nghiệp quả trên cõi bản sắc và thăng thiên từ cõi này. Nói cách khác, con không thăng thiên thẳng sau khi rời bỏ thân vật lý như thày hay Giê-su đã chứng minh, tuy rằng Giê- su có trở lại trong một xác thân vật lý và sống tới tuổi 81.

Có thể nói là khi con tới tầng 97, con đã trút bỏ tự ngã, hiểu theo định nghĩa phổ thông là tự ngã ích kỷ, nhưng con vẫn còn những ngã tách biệt. Đó là lý do tại sao con vẫn còn phải giải quyết thêm một số chuyện, và điều này cho phép con giữ lại thân vật lý, và cũng cho phép con ở lại trên trái đất và con vẫn thấy rằng chuyện sống trên trái đất là quan trọng, con vẫn còn việc phải làm ở đây, con vẫn còn chuyện tốt cần làm ở đây, điều này hoàn toàn chính đáng, vì con có thể kéo tập thể lên. Nếu con thăng thiên ngay ở tầng 97, con cũng sẽ kéo tâm thức tập thể lên, nhưng con sẽ không đi qua từng bước giải quyết tâm lý ở mức cao nhất trong thân vật lý và do đó con không phụng sự được ở mức tối đa có thể làm được trên trái đất.

Dùng trí năng để hiểu các khái niệm tâm linh xưa

Hỏi: Con xin được hỏi thày Gautama. Khi thày hiện thân trên trái đất, thày đã dạy các đệ tử về Niết bàn và các bậc A la hán. Các lời dạy thuở đó đưa ra khái niệm thế nào? Và có thật là thày đã dạy Vipassana và sự tĩnh lặng như một pháp tu của đạo Phật dẫn đến Niết bàn hay chăng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Là cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu. Đăng ngày 27/10/2021.

Đúng là ta đã dạy nhiều giáo lý khác nhau. Một số đã trở thành Vipassana hay các giáo lý tâm linh khác hay các phép tu của Phật giáo. Tất nhiên ta cũng đã dạy về các khái niệm Niết bàn, giác ngộ cùng những khái niệm khác. Điều quan trọng con cần hiểu ở đây là câu hỏi con vừa đặt ra được hỏi từ tầng cấp lý trí. Con đang tìm cách dùng trí năng để cố hiểu người ta trải nghiệm các khái niệm đó như thế nào 2500 năm về trước.

Trước hết, điều này không thể làm được vì tâm thức tập thể trên địa cầu đã được nâng cao trong suốt 2500 năm đó. Không có cách nào con có thể thực sự nắm bắt mà dựa trên trải nghiệm con đang có ngày hôm nay, con không thể nắm bắt bằng trí thức cách con người thời đó nhìn các khái niệm này như thế nào.

Nhưng hơn nữa vào thời đó, con người không hiểu khái niệm một cách trí thức. Họ trải nghiệm. Con cũng có tiềm năng trải nghiệm như vậy, nhưng điều này hầu như không thể vì tâm thức tập thể đã tiến bước rồi. Con không thể thực sự lĩnh hội cách người ta nhìn cuộc đời như thế nào vào thời đó.

Nhưng con muốn trải nghiệm chuyện đó để làm gì chứ? Thực tế là con người vào thời đó rất ít trí thức như bây giờ. Điều này không nhất thiết là một điều tích cực nhưng nó cũng có một vài khía cạnh tích cực, theo nghĩa họ là những sinh thể sống bằng trải nghiệm, cho nên họ có thể trải nghiệm một giáo lý hay một pháp tu dễ dàng hơn, họ không mang vào lớp phủ của lý trí – một lớp phủ mà quá nhiều người trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại phương Tây, khoác vào.

Thật sự điều quan trọng cho con trong thời đại này là con không nên cố gắng dùng trí năng để hiểu các lời dạy, cho dù đó là lời dạy của đạo Phật mà ta đã ban ra thuở đó hay là lời dạy của các chân sư thăng thiên ngày hôm nay. Mà con tìm cách trải nghiệm thực tại sâu xa đằng sau lời dạy.

Điều này không có nghĩa là con không sử dụng tâm suy luận để xây dựng một hiểu biết nào đó về đường tu tâm linh cũng như về vũ trụ, nhưng nếu đó là tất cả những gì con rút tỉa được từ lời dạy thì con đã không hoàn thành được tiềm năng đầy đủ của lời dạy.

Thiền tỉnh giác thuần khiết so với hòa điệu với chân sư

Hỏi: Liệu các chân sư thăng thiên có xem thiền quán, đặc biệt là thiền tỉnh giác thuần khiết, có là một dụng cụ hữu hiệu để hoà điệu với Hiện diện TA LÀ và các chân sư hay không? Liệu môt hành giả chưa quen với giáo lý của chân sư và cũng chưa quen với thiền quán, khởi sự học thiền như một phương tiện hòa điệu? Liệu một hành giả đã có kinh nghiệm thiền quán sử dụng thiền quán như một phương tiện hòa điệu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2021 – Chấm dứt Thời đại Ý thức hệ. Đăng ngày 20/6/2021.

Có rất nhiều hình thức thiền quán khác nhau. Có một số pháp thiền nhằm mục đích cho con một sự tỉnh thức mà con có thể gọi là trần truồng, hay tỉnh thức thuần khiết. Con đi vào một trạng thái của tâm mà chúng tôi đã có mô tả là cái Ta Biết bước ra ngoài phin lọc nhận thức bình thường của nó và chỉ trải nghiệm chính nó là sự tỉnh thức thuần khiết. Đây là một phương tiện hữu ích cho hầu hết mọi người. Có một số người không nên sử dụng vì họ chưa sẵn sàng, nhưng đối với nhiều người, đó có thể là một dụng cụ hữu ích.    

Khi nói vậy, ta không muốn nói là mọi học trò của chân sư đều phải tu tập cách này. Tuy nhiên theo như dụng ý của câu hỏi được đề ra, ta không cho là cách thiền này thích hợp cho sự hòa điệu. Mục đích của cách thiền này là để giúp con kinh nghiệm được sự tỉnh giác thanh tịnh, tỉnh giác trần truồng, tỉnh giác không có ý tưởng, không có bất kỳ cấu trúc nào. Điều này hữu ích ở chỗ con nhận ra là có một trạng thái khác hơn là trạng thái nhận biết bình thường của mình chứa đầy những ý tưởng, cảm xúc và cấu trúc. 

Nhưng để hòa điệu với chân sư thăng thiên, con không cần tỉnh giác thuần khiết, tỉnh giác trống không, mà con cần hòa điệu với rung động của chân sư. Và để làm vậy, ta khuyên con nên dùng các bài chú, bài thỉnh, đặc biệt là những người mới tu.

Con thường nhận thấy là nhiều người mới học giáo lý cần trải qua một giai đoạn để họ thiết lập sự bảo vệ tâm linh, biến đổi các năng lượng thiếu hài hòa trong bốn thể phàm của họ, và họ cầu thỉnh Astrea để cắt đứt mọi sợi dây ràng buộc với tâm thức tập thể hay các sinh thể thấp kém. Trong giai đoạn đó, việc hòa điệu có thể khó khăn, và việc chiêm nghiệm tỉnh giác thanh tịnh cũng có thể khó khăn. 

Nhưng nếu con vượt qua được giai đoạn này, con vẫn có thể sử dụng các bài thỉnh và bài chú. Chỉ thỉnh thoảng, con hãy tĩnh lặng. Con hãy ngồi đó và giữ cho tâm trí mình mở rộng, trung dung. Điều này không có nghĩa là con không có bất cứ ý tưởng nào, và chắc chắn con không cần phải cố sức kìm nén tư tưởng lại, mà con chỉ làm thế nào ở trong một trạng thái mở rộng, trung dung nhất. Sau khi con đọc xong bài chú, sau khi con nghe xong một bài truyền đọc, con chỉ cần dành ra một vài phút để ngồi đó và hòa điệu với sự hiện diện của chân sư. 

Tất nhiên, con cũng có thể dành hẳn ra một tuần cửu nhật để cầu nguyện. Chúng tôi có tuần cửu nhật cho vị Đại Chỉ đạo Thiêng liêng, và con đọc chú cho vị ấy mỗi ngày chín lần, và sau khi đọc chú, con có một quyển sổ để con ghi chép lại bất cứ ý tưởng nào hiện ra trong con mà không phê phán hay phân tích. Con cũng có thể làm điều tương tự với bất cứ vị chân sư nào có bài chú. Nếu con thích hơn, con thể làm điều đó sau khi nghe một bài truyền đọc, con thực tập với một cây bút với một quyển sổ tay, và con ghi xuống bất cứ ý nghĩ nào đến với con, không phán xét và không phân tích.

Phật Thiền định là để bạn thiền quán

Hỏi: Trong bài thỉnh Đông Tây về việc tìm lại những mảnh hồn thất lạc và trong phần thỉnh Ratnasambhava, có đề cập đến Viên ngọc Toại ý tuyệt vời của các thày. Xin các thày vui lòng giải thích đó là gì? 


Trả lời của ông Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Gia tăng Phân biện Ki-tô. Đăng ngày 11/1/2021.

Thật sự tôi cảm nhận là các thày không muốn giải thích điều này vì các Phật Thiền định, ít nhất trong một số phong trào Phật giáo, được xem là những vị Phật để thiền quán. Nói cách khác, bạn cần thiền quán về các vị Phật này, và mặc dù chúng ta xem Phật Thiền định là chân sư thăng thiên – lả những sinh thể thăng thiên cụ thể – các thày không muốn cho chúng ta một cái gì cụ thể mà tâm đường thẳng có thể sử dụng để phân loại, hiểu biết hay lý giải.

Điều quan trọng về Phật Thiền định là bạn nên dùng các thày trong chức năng của các thày. Chúng ta có thể thiền quán về các thày, chúng ta có thể đọc những bài thỉnh nhắc đến các thày, và trong quyển sách “Hoàn thành Tiềm năng Tâm linh cao nhất” có nhiều bài thỉnh như vậy. Bạn cũng có thể nhìn vào các phẩm chất mà các vị Phật này biểu tượng cùng những mặt tha hóa khi chúng ta làm tha hóa các phẩm chất đó. Bạn có thể thiền quán và thỉnh cầu sáng ngộ trực tiếp từ các Phật Thiền định. Nhưng bạn phải vượt qua tâm đường thẳng và bỏ nó qua bên. Và đó là tại sao các thày không muốn trao truyền một lời dạy mà tâm đường thẳng có thể chụp lấy, vì làm như vậy kỳ thực có thể chặn nghẽn sự hòa điệu trực giác của bạn.  

Phật tánh là gì?

Hỏi: Phật tánh là gì?


Trả lời của Chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hòa Lan năm 2019. Đăng ngày 16/10/2019.

Phật tánh mà có thể diễn tả được bằng lời nói chỉ là một khái niệm. Con có câu mở đầu tuyệt vời của Đạo Đức Kinh rằng Đạo mà nói được thành lời không phải là Đạo thật. Phật tánh cũng tương tự như thế. Như các con vừa thảo luận và chúng tôi cũng có đề cập trước đó, giác ngộ là một khái niệm. Con người sống trong vô minh và họ đau khổ. Chúng tôi phải chỉ ra cho họ thấy là có một con đường để thoát khỏi khổ đau. Chúng tôi phải cho họ một mục đích và bảo rằng: “Đây là điều mà các con có khả năng đạt được khi các con vượt qua vô minh.”  Nhưng như chúng tôi đã nói, giác ngộ chỉ là một khái niệm. Và nếu con sử dụng tâm nhị nguyên để hình thành một ý tưởng trau chuốt về bản chất của giác ngộ, con sẽ đẩy giác ngộ đi ra thật xa, bởi vì giác ngộ là khi con ngừng nhìn cuộc sống qua tâm nhị nguyên.

Phật tánh là gì? Đó là một khái niệm mà ta đã diễn đạt bằng lời. Mục đích khi ta diễn đạt như vậy thực sự là, trước hết, để nói rằng tất cả mọi người đều có tiềm năng vươn lên khỏi vô minh. Vào thuở xa xưa khi ta giảng dạy, các sinh thể sa ngã chưa bày ra khái niệm về tội lỗi nguyên thủy, cho nên lúc ấy chưa có khái niệm là con người được sinh tạo như một sinh thể khiếm khuyết phải cần đến một Đấng Cứu thế từ ngoài. Khi ta nói là mọi người đều có Phật tánh ở bên trong, điều ấy có nghĩa là bất kể trình độ tâm thức của con trên địa cầu, con cũng có tiềm năng nối kết lại với Phật tánh và như vậy vượt lên khỏi vô minh.

Nhưng hơn thế nữa, muc đích cũng là để chứng tỏ rằng mọi người đều có Phật tánh trong mình. Chính khi con nối kết lại với Phật tánh của con trên bình diện cá nhân, con mới có thể thực sự nối kết với người khác. Và cách duy nhất để phát triển Tăng đoàn của Phật là phải có những cá nhân đã tái nối kết với Phật tánh trong mình. Một khi con đã thấy Phật tánh trong mình thì con cũng thấy được Phật tánh bên trong người khác, và khi có nhiều người nối kết được với Phật tánh, họ sẽ nối kết lại với nhau ở một mức cao hơn, đạt được sự hợp nhất trọn vẹn hơn. Đó là cách hình thành Tăng đoàn thực sự của Phật, chứ không chỉ là một cộng đồng vật lý của những người sống chung với nhau, học tập cùng những giáo lý và đọc cùng những bài kinh kệ. 

Trên hết, đó là một sự nối kết trong tâm thức. Và tất nhiên, trong một ý nghĩa rộng hơn nữa, tất cả mọi thứ đều là Phật tánh. Toàn bộ vũ trụ vật chất này nẩy sinh ra từ Phật tánh, và điều này một lần nữa sẽ giúp con vượt lên trên ý thức tách biệt, vượt lên trên cảm nhận con tách biệt khỏi vũ trụ vật chất.

Nếu con cảm thấy con tách biệt khỏi vũ trụ vật chất, con sẽ rất dễ dàng rơi vào cái bẫy như thời trẻ của ta khi ta thử nghiệm với tu tập khổ hạnh. Cái bẫy đó là xem cõi vật lý, vũ trụ vật chất, là kẻ thù của phát triển tâm linh, xác thân con là kẻ thù của sự thăng tiến và do đó con phải hành nó bằng đủ mọi cách tu tập cực đoan nhất. Nhiều người tâm linh cũng đã bước vào ngõ cụt này khi họ cưỡng chống lại cuộc sống trong cõi vật lý trong khi họ sống ngay giữa cõi vật lý. Và họ nghĩ rằng bằng cách kháng cự lại cõi vật chất, họ sẽ lên được cõi tâm linh – vào được Niết bàn và giác ngộ.     

Nhưng con không thể giác ngộ bằng cách cưỡng chống, bởi vì làm vậy sẽ chỉ giữ con ở lại trong vòng nhị nguyên, ở lại trong vô minh. Như trong kinh Pháp cú có nói, nó sẽ giữ con lại trong những cặp nhị đối. Khi con nhận ra là vũ trụ vật lý cũng chính là Phật tánh, con sẽ ngừng chống cự, con sẽ ôm lấy sự sống và ôm lấy cơ hội hiện thân trong một xác thân vật lý. Chỉ khi nào con ôm lấy vận hội đó, rằng con có một xác thân vật lý trên địa cầu, thì con mới đạt được tự do để rời khỏi địa cầu, bởi vì khi nào con chưa ôm lấy được hoàn toàn thì con sẽ không thể thực sự đi đâu khác.    

Sự đổi mới của đạo Phật

Hỏi: Các chân sư thăng thiên đã giải thích rất nhiều về các vấn đề tổng quát của Cơ đốc giáo. Con xin các thày cho biết quan điểm về những vấn đề tổng quát của xã hội Phật giáo trên toàn thế giới và xã hội Phật giáo Hàn quốc. Các xã hội này cần phương hướng thế nào để tiến về phía trước?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hàn quốc năm 2019. Đăng ngày 14/10/2019.

Như Mẹ Mary vừa bày tỏ, kiến thức và gốc gác văn hóa của vị sứ giả có thể là một hạn chế bởi vì sứ giả này không quen thuộc với xã hội Phật giáo tại Hàn quốc hay với Phật giáo nói chung, ít nhất là các khía cạnh về tổ chức. Ông nắm vững giáo lý của đức Phật nhưng không hiểu biết nhiều về phần tổ chức.

Nhưng thật là rõ ràng Phật giáo đã tiếp tục là một tôn giáo thuần khiết hơn Cơ đốc giáo chẳng hạn. Trong Phật giáo không đến nỗi có những lớp che phủ giáo lý như trong Cơ đốc giáo. Điều này một phần là vì những giáo lý mà ta giảng dạy không dễ dàng bị bóp méo. Và phần khác là vì tư duy của người Á đông không đến nỗi “đường thẳng” như tư duy người phương Tây. Vì thế mà tâm người Á đông cởi mở hơn đối với các lời dạy về bất nhị, họ thấy được các thái cực dễ dàng hơn là tâm người phương Tây nói chung.

Cho nên nếu con nhìn một người trung bình đã lớn lên trong một nền văn hóa Phật giáo tại Á châu, không nhất thiết có nhiều điều có thể thay đổi. Ta không nghĩ là Phật giáo đã hoàn toàn đi trật đường rầy như Cơ đốc giáo rõ ràng đã đi chệch hướng. Vì vậy các xã hội Phật giáo tại Á châu, kể cả Hàn quốc, vẫn đang đưa ra những lời dạy khả dĩ có giá trị đối với một người trung bình.  

Nhưng mặt khác cũng phải nói là khi con có một vị thày đã đạt một mức tâm thức nào đó, tức là vượt khỏi nhị nguyên, thì vị thày này sẽ vô cùng khó khăn đưa ra những lời dạy về nhị nguyên và bất nhị mà một người chìm trong nhị nguyên có thể nắm bắt được. Điều này có nghĩa là cho dù người đó không có ý định xấu xa và không bị sa nhân ảnh hưởng, thì tâm nhị nguyên vẫn trải một lớp phủ nào đó lên trên giáo lý.   

Vì vậy từ góc nhìn này, điều không thể tránh được là Phật giáo đã trở thành một tôn giáo với một cách diễn giải nhị nguyên phủ chồng lên trên giáo lý bất nhị. Điều này đã mang hệ quả mà con cũng thấy trong Cơ đốc giáo, là rất, rất nhiều người xem Phật giáo là một con đường công truyền, vỏ ngoài. Nếu theo con đường này thì chỉ cần tuân thủ một số giáo huấn, thực hành một số tu tập, một số nghi lễ, và tất cả trở nên gần như máy móc. Hiện có quá, quá nhiều người cũng có cùng thái độ như tại phương Tây khi con thấy những tín đồ Cơ đốc nghĩ rằng nếu mình tin vào giáo lý vỏ ngoài, nếu mình tu tập tôn giáo vỏ ngoài, nếu mình làm đúng theo nghi thức, thì một ngày nào đó trong tương lai, có thể là sau kiếp này, mình sẽ thấy một sự chuyển đổi và mình sẽ chứng ngộ.   

Tất nhiên đây không phải là những gì ta giảng dạy thuở trước. Ta giảng dạy một con đường nội tâm đòi hỏi con phải chuyền vọt trạng thái tâm thức của con. Liệu một người trung bình tại hầu hết các nước Á châu có sẵn sàng đi theo con đường nội tâm này hay chưa? Chưa đâu, nhưng chắc chắn là có nhiều người đã sẵn sàng. Cho nên sự thay đổi có tiềm năng xảy ra là các xã hội Phật giáo sẽ nhận ra được sự khác biệt giữa con đường công truyền vỏ ngoài với con đường tâm truyền nội tâm, và trong thời đại hôm nay, ngày càng sẽ có nhiều người sẵn sàng cất bước trên con đường nội tâm này. Do đó, các xã hội này có thể nỗ lực nhiều hơn để đặt trọng tâm vào con đường tâm truyền hầu giúp được nhiều người hơn.

Một số xã hội Phật giáo có nhận thức về đường nội tâm, nhưng song song lại cảm nhận một người trung bình không làm sao theo được, và do đó con đường này không được giảng dạy cho quần chúng mà chỉ trong một số tu viện nơi người ta cho rằng chỉ các tăng ni mới sẵn sàng đi theo vì họ đã cống hiến cả đời mình cho việc tu hành. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, cách hiểu như vậy không chính xác. Như ta đã trình bày, một người trung bình có thể chưa sẵn sàng nhưng chắc chắn nhiều người khác thì thật đã sẵn sàng. Có rất, rất nhiều người sẵn sàng hơn là các vị có ý xuất gia nơi tu viện, bởi vì như ta có nói trong thời đại hôm nay, sống tâm linh không thực sự là sống trong tu viện mà là sống bình thường mỗi ngày và tham gia tích cực vào xã hội, ít ra là cho đa số.     

Lẽ tự nhiên, ta mong muốn thấy các xã hội Phật giáo nhận ra được điều này: nếu đức Phật và sự chứng đạt giác ngộ còn có chút ý nghĩa nào, thì điều đó phải là ta vẫn còn hiện diện như một đấng giác ngộ, như một Chân sư Thăng thiên, và ngày hôm nay ta vẫn hoàn toàn sẵn sàng cũng như hoàn toàn có khả năng đưa ra những lời giảng dạy trực tiếp cho những ai sẵn lòng nhận lấy. Thực sự rất có thể có những người đã lớn lên trong truyền thống Phật giáo, đã thấm nhuần truyền thống này, sẽ trở thành những vị sứ giả cho ta, không nhất thiết là phải truyền đọc bài giảng của ta như ở đây tuy rằng điều đó cũng có thể xảy ra, mà trong ý nghĩa họ có thể nhận được sự hướng dẫn trực tiếp của ta và như vậy đưa đạo Phật lên một tầm cao mới.     

Con sẽ thấy là giáo lý mà các chân sư đưa ra hôm nay được dựa trên nguyên tắc tiết lộ tuần tự. Tình hình thật giản dị. Để cho một vị thày đang đầu thai trong thế gian đạt được một mức tâm thức nào đó không phải là điều dễ dàng, đơn giản, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Con thấy là từ khi ta hiện thân trong xác thịt, đã có một số vị thày đạt được tâm thức cao và đưa ra được một số giáo lý có thể xem là tiết lộ tuần tự. Long Thọ là một ví dụ như thế và chắc chắn có nhiều ví dụ khác nữa. Cho nên trong một nghĩa nào đó, con có thể thấy sự ích lợi nếu các xã hội Phật giáo nhận ra được những thay đổi lớn lao trong xã hội từ khi ta hiện thân vật lý, cũng như sự cần thiết phải tinh chỉnh và mở rộng thông điệp, sự cần thiết phải tiến xa hơn nữa, phải không ngừng tiết lộ thêm những điều mới một cách tuần tự.    

Con hãy nhìn vào dòng chuyển động của tâm thức. Khi một giáo lý được đưa ra ở một thời điểm nào đó và có tiềm năng giúp con người thăng vượt tâm thức mình, nếu có người nhận lấy và thực hành giáo lý thì tâm thức tập thể sẽ được nâng lên. Không thể nào có giáo lý đưa ra ở một thời điểm mà lại vẫn tiếp tục hữu ích y như vậy mãi mãi trong tương lai. Nếu giáo lý mà ta giảng dạy cách đây 2500 năm mang lại kết quả thì tâm thức tập thể đã được nâng lên, có nghĩa là sẽ cần giáo lý ở một mức cao hơn. Những gì ta có thể giảng dạy 2500 năm trước không phải là chân lý tuyệt đối có thể đứng yên mãi trong mọi thời đại, mà đó là giáo lý phù hợp với tâm thức tập thể của con người vào thời buổi đó, ở địa phương đó. Cho nên dù là một bậc thày giác ngộ thì cũng không thể nào đưa ra một giáo lý tuyệt đối được.      

Một vị thày giác ngộ không dạy giáo lý mà vị đó cần, mà trái lại dạy giáo lý mà con người cần. Vị thày biết rõ trình độ tâm thức của những người theo học mình và những gì mình có thể đem ra giảng dạy vào thời điểm đó. Vị thày biết rõ họ không thể nắm bắt một giáo lý cao hơn cho dù mình có thể trao cho họ giáo lý cao hơn.

Và vì vậy, đây sẽ là một sự thay đổi thật quý báu khi mà các Phật tử cũng các vị lãnh đạo Phật giáo nhận ra được là quả thực có sự cần thiết phải đổi mới đạo Phật. Ngoài ra cũng có nhu cầu vượt ra khỏi con đường công truyền, con đường máy móc chỉ lặp đi lặp lại một số nghi thức. Như con có thể thấy qua ví dụ cùng cực là bánh xe cầu nguyện Phật giáo: người ta cho rằng bằng cách quay một chiếc bánh xe, họ có thể thăng tiến tâm linh và làm cho nghiệp quả của họ tiêu sạch. Đó không phải là những điều ta giảng dạy cách đây 2500 năm, ít ra là những gì ta còn nhớ, và ta nhớ khá rõ.  

Kỹ thuật thiền Vipassana

Hỏi: 2600 năm trước đây, đức Phật Gautama đã phát minh kỹ thuật thiền Vipassana. Không hiểu các chân sư có nhận xét gì về kỹ thuật này trong thế giới Tây phương hiện đại hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Albuquerque, Hoa kỳ, năm 2018. Đăng ngày 1/10/2019.

Con yêu dấu, ta đã không phát minh mà đã nhận được từ một cõi cao hơn, từ các chân sư thăng thiên. Thuở đó chưa có khái niệm chân sư thăng thiên, và các chân sư cũng chưa nhận thấy đến lúc tiết lộ được khái niệm đó. Cho nên lẽ tự nhiên, các Phật tử cho rằng ta đã nghĩ ra, đã phát minh ra kỹ thuật này.

Về mặt nó có thích hợp với thế giới Tây phương hiện đại hay không, thì đối với một số người, nó sẽ thích đáng bởi vì họ là những người mà trong tiền kiếp đã có dùng nó rồi theo truyền thống đạo Phật. Tuy nhiên các chân sư đã lượng định là trong thế giới Tây phương hiện đại, nếu người tu tập sử dụng một kỹ thuật phát tỏa ra ngoài – như các bài thỉnh, bài chú – thì sẽ xây dựng hơn. Làm như vậy sẽ phù hợp hơn với tư duy người phương Tây đặt trọng tâm nhiều hơn vào thành quả, vào việc thực hiện một công việc.

Ví dụ, nhiều người phương Tây không có nhiều sự chú tâm hướng nội, không thiên về thiền định nhiều lắm, không kiên trì ngồi thiền được lâu lắm, và họ cần cảm thấy là mình đang tích cực làm một công việc nào đó. Nhưng một lần nữa, nếu ở mức độ cá nhân có ai cảm thấy đây là một kỹ thuật hữu ích cho mình, chắc chắn họ có thể sử dụng được. Tuy nhiên xét về tầm ảnh hưởng to lớn trên thế giới Tây phương, thì ta không lượng định chuyện đó có thể xảy ra thời nay. Có những dụng cụ khác mà các chân sư ban ra thời nay phù hợp hơn với thế giới Tây phương.

Lẽ tự nhiên, con cần nhận thức, như tất cả các con cũng đều đã biết, là chúng ta cần có một tiến trình tiết lộ tuần tự, nghĩa là nói chung trên một hành tinh thay đổi nhanh chóng như địa cầu, một lời dạy được đưa ra cách đây 2600 năm không nên được xem là có giá trị muôn đời. Điều này không có nghĩa là không có một số ý tưởng phổ quát có thể áp dụng được ở mọi thời đại. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là những ý tưởng được biểu đạt ngày hôm nay bởi các chân sư thăng thiên cũng là cùng những ý tưởng đã được biểu đạt trong nhiều thời đại trước, nhưng sự biểu đạt luôn luôn phải phù hợp với bối cảnh khác nhau hầu có thể thích đáng và áp dụng được cho những người sống trong thời đại đó.

Tại sao các chân sư không dạy thiền dưới dạng truyền thống

Hỏi: Tại sao các chân sư thăng thiên không giảng dạy nhiều hơn về thiền quán và kỹ thuật thiền quán? Hình như các thày hiện không dạy về thiền quán, nhưng không phải thiền quán là phương tiện chủ yếu để đạt được Hợp nhất với Thượng đế hay sao? Hay là chúng con bước vào Hợp nhất với Thượng đế một cách tự nhiên bằng cách chữa lành tâm lý, nâng cao tâm thức, giải thoát khỏi tự ngã, v.v…? Liệu kỹ thuật hình dung (visualisation) hay tiến trình hòa điệu (attunement) cũng có thể được xem là thiền quán?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Kazakhstan năm 2018. Đăng ngày 12/9/2019.

Câu hỏi này ngụ ý một cách nhìn đặc thù về thiền quán, nhưng thiền quán trong nghĩa rộng nhất của nó cũng có thể được mô tả bằng một từ đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đó là tỉnh thức. Làm thế nào con đọc được một bài thỉnh hiệu quả nhất? Bằng cách con tỉnh thức trong nguyên tiến trình – tất cả đều có thể là một hình thức thiền quán. Thiền quán không nhất thiết có nghĩa là con ngồi đó tĩnh lặng và tập trung vào một câu thần chú hay một kỹ thuật nào khác. Cách đó là cái nhìn cố hữu trong đạo Phật và đạo Ấn truyền thống, nhưng nhìn như vậy quá hạn hẹp.  

Chúng tôi, các chân sư, không dạy thiền quán trong hình thức đó bởi vì đối với nhiều người sống trong thế giới ngày nay, họ rất nên có một cuộc sống năng động và vì vậy họ cần tu tập qua hình thức những bài thỉnh và bài chú. Tiến trình phóng ra ngoài hiệu quả hơn cho con người sống trong thời đại hôm nay với lối sống bận rộn hơn trước. Tuy nhiên cũng cần nói thêm, tất nhiên, là thiền quán không phải là phương tiện chủ yếu để đạt được hợp nhất với Thượng đế và chưa bao giờ từng là như vậy. Phương tiện chủ yếu là sự nâng cao nhận biết, và điều này chỉ đến được từ sự giải tỏa tâm lý. Thời xưa, con người đã có thể thực hiện được điều này, nhưng ngày nay hiển nhiên con có cơ hội lớn hơn bao giờ hết để giải tỏa tâm lý của mình, không những với những kiến thức và lời dạy tổng quát về tâm lý học, mà cả với những giáo lý mà các chân sư đã trao cho con về ngã gốc và các loại ngã tách biệt khác.  

Sự hợp nhất với Thượng đế sẽ không tự động thực hiện được qua sự giải hóa mọi cái ngã, nhưng một khi con giải hóa được chúng, đặc biệt khi con không còn cá nhân hóa con đường của con – như thày More vừa giảng dạy – thì cái Ta Biết của con sẽ được giải thoát để nó nhận diện nó là một sinh thể vô hình tướng. Chỉ khi nào là một sinh thể vô hình tướng thì con mới đạt được hợp nhất với Thượng đế. Đã có một quan niệm sai lầm rất lâu đời và rất phổ biến trong số những người tâm linh rằng con có thể khoác cái bản sắc mà con đang có bây giờ khi con cất bước trên đường đạo, rồi con sẽ hoàn thiện nó để bản sắc này hợp nhất với Thượng đế. Điều này đơn giản là không thể xảy ra, chưa bao giờ từng xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra.    

Cách đích thực duy nhất để hợp nhất với Thượng đế – mà cũng chính là sự hợp nhất với Hiện diện TA LÀ của con – là làm tan biến một cách lần hồi và có hệ thống mọi cái ngã mà con đã tạo ra trong bốn thể phàm của con, hầu cái Ta Biết không còn bị kéo vào mà tự đồng hóa với chúng nữa. Khi đó, cái Ta Biết sẽ tìm được chỗ đứng chính đáng của nó ở ngay điểm gặp gỡ của hình số 8 nối kết Hiện diện TA LÀ của con với bốn thể phàm của con.

Và như vậy con sẽ là cánh cửa mở, không hơn không kém, và đó là trạng thái hợp nhất với Thượng đế. Điều này sẽ không tự động xảy ra bởi vì cái Ta Biết cần có một sự chọn lựa, nó cần lấy quyết định tự đặt mình vào điểm đó, nhưng nó sẽ không thể làm được cho tới khi mọi cái ngã đã tan biến.

Đạo Phật và tiến trình tiết lộ tuần tự

Hỏi: Khoảng một ngàn năm trước đây, một trong những giáo lý cao siêu nhất của Phật giáo Tây tạng, Kali Chakra Tantra, từng được một vị thày thuyết giảng. Tuy nhiên vì một số lý do, văn bản gốc đã bị thất lạc. Liệu chúng ta có thể hy vọng rằng trong một tương lai gần, Chân sư Yêu dấu sẽ đưa ra một giáo lý hoàn chỉnh hơn để những người theo Phật giáo Tây tạng nói riêng và các Phật tử nói chung có thể tiếp cận được hay không?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Kazakhstan năm 2018. Đăng ngày 12/9/2019.

Tiếc thay, con yêu dấu, khả năng của ta để cải cách Phật giáo Tây tạng cũng hạn chế như khả năng của Giê-su cải cách đạo Cơ đốc vậy. Điều tương tự cũng xảy ra với các tông phái chính mạch khác của đạo Phật. Các tông phái này không thực sự đón nhận ý tưởng rằng ngày nay ta có thể là một chân sư thăng thiên trong số nhiều chân sư thăng thiên khác. Tất nhiên là các chân sư sẽ tiếp tục đưa ra những giáo lý mới. Qua vị sứ giả này và qua các đợt truyền pháp trước, ta đã giảng dạy một số giáo lý tiên tiến hơn tất cả những gì có thể được giảng dạy hàng ngàn năm trước.

Con thấy không, trong hầu hết mọi phong trào tôn giáo luôn luôn có khuynh hướng nhìn về quá khứ và tôn vinh quá khứ như thể những gì được giảng dạy thuở trước phần nào cao hơn, thuần khiết hơn những giáo lý được trình bày thời nay. Nhưng với thực tế của tiến trình tiết lộ tuần tự, con cần nhìn nhận là khi tâm thức tập thể bước lên cao hơn thì giáo lý có thể được giảng dạy ngày hôm nay cũng phải cao hơn những gì có thể được giảng dạy 1000 năm hay 2000 năm hay 2500 năm về trước. Là một học trò của chân sư thăng thiên, con không có lý do gì tìm về quá khứ và tôn vinh các giáo lý quá khứ.

Kinh Pháp Hoa và con đường nội tâm dẫn đến quả vị Phật

Hỏi: Kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra) được xem là một trong những quyển kinh quan trọng nhất của Phật giáo Hàn quốc. Kinh nói rằng mỗi người đều có Phật tánh và khả năng trở thành Phật. Con tò mò muốn biết kinh Pháp Hoa có thực là của đức Phật Gautama hay không.


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc năm 2016. Đăng ngày 24/4/2017.

Đúng vậy, con yêu dấu, bản kinh đó là do ta. Tuy vậy, ta cũng muốn nói rõ là đại đa số những người đọc kinh này không tin những gì nói trong đó. Họ không hoàn toàn chấp nhận là họ có Phật tánh nơi họ và do đó họ cũng có thể là Phật. Nếu chúng ta có thể giúp cho mọi người chấp nhận điều này thì chúng ta có thể tiến rất xa. Đạo Phật có thể bước lên một giai đọan mới nơi mọi người có thể bắt đầu nhìn nhận một cách công khai là mình có tiềm năng thực sự biểu hiện Phật tánh. Và tất nhiên, càng có nhiều người thể hiện Phật tánh thì con sẽ càng thấy sự thay đổi trong xã hội và tâm thức tập thể được nâng cao.  

Phải nói là khi ta dùng thuật ngữ Phật tánh vốn có trong mỗi người, con cần hiểu điều này không mâu thuẫn với lời dạy của Giê-su rằng Ki-tô ở trong mỗi người và mỗi người đều có tiềm năng trở thành Ki-tô. Không có đối nghịch gì ở đây. Hai khái niệm này không loại bỏ nhau mà chỉ đơn giản là những lời dạy được đưa ra ở những thời điểm khác nhau cho những văn hóa khác nhau. Tất nhiên là cũng có chút khác biệt về sắc thái mà chúng ta có thể thảo luận, và như ta đã có giảng trước đây, tâm thức Ki-tô là một giai đoạn trên đường đạo khi con vươn ra ngoài để giúp đỡ người khác, và sau đó là giai đọan tâm thức Phật – hay cái mà ở phương Đông thường xem là tâm thức Phật – khi con trụ vững hơn trong nội tâm, và ngay cả con có thể rút khỏi thế gian như con thấy ta đã rút về một đạo tràng để giảng dạy. Trong khi đó thì con thấy Giê-su đã đi ra ngoài xã hội để giúp mọi người nơi họ sinh sống.     

Một lần nữa, đây không phải là những điều gạt bỏ lẫn nhau mà chỉ là hai giai đọan khác nhau, và có những người đã sẵn sàng cất bước trên con đường dẫn đến quả vị Phật. Tuy nhiên cũng có những người khác sinh ra tại phương Đông nhưng chưa thực sự sẵn sàng cất bước trên đường quả vị Phật, bởi vì họ cần đi qua một vài giai đọan trước đã. Họ sẽ cần đi hết con đường quả vị Ki-tô trước khi thực sự sẵn sàng cho con đường quả vị Phật.

Hiển nhiên đây là một trong những vấn đề lớn luôn luôn gặp phải khi giảng đạy giáo lý. Bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng được ban ra cho một trình độ tâm thức đặc thù nào đó. Người nào không ở trình độ đó thì sẽ không thể nắm bắt ý nghĩa bên trong của giáo lý, và đấy là lúc họ sẽ đem giáo lý biến nó thành một tôn giáo vỏ ngoài. Như ta đã có dịp đề cập, ngay cả đạo Phật cũng bị chìm trong nghi lễ và truyền thống bề nổi đến độ người ta cho rằng khi mình tuân thủ đủ các nghi thức như vậy thì mình sẽ tự động tinh tấn.        

Không cứ là không thể tinh tấn được bằng cách đó, nhưng nếu con tuân thủ tất cả mọi giáo lý vỏ ngoài của Phật giáo và cứ tiếp tục mãi như thế, con sẽ không tự động đến được điểm mà con sẵn sàng chấp nhận Phật tánh của con. Tất nhiên điều này cũng tương tự như trong đạo Cơ đốc khi các tín hữu không thấu hiểu con đường bên trong của quả vị Ki-tô cũng đã tạo ra một tôn giào vỏ ngoài. Và một lần nữa như Giê-su đã dạy nhiều lần, nếu con chỉ theo đúng cách hành đạo bề ngoài của Cơ đốc giáo như người ta vẫn làm thời nay, thì con sẽ không đến được điểm sẵn sàng bước vào con đường bên trong.  

Điều vô cùng cần thiết là mọi người phải nhận thức rõ hơn về nhu cầu nhìn xa hơn giáo lý công truyền, nhìn xa hơn nghi lễ vỏ ngoài, và thâm nhập vào thông điệp bên trong của con đường nội tâm. Đây chính là điểm mà thời nay chúng tôi, các chân sư, đang giảng dạy, rằng đường đạo có nhiều cấp độ khác nhau, và ở mỗi cấp độ con cần những giáo lý khác nhau. Cho nên ở phương Đông, có nhiều người lớn lên trong một văn hoá Phật giáo thực sự sẽ được hưởng lợi lạc rất lớn nếu họ học tập các giáo lý mà chúng tôi đang ban ra thời nay về con đường quả vị Ki-tô. Điều này sẽ giúp họ bước đi từng bước trên một con đường tuần tự giúp họ sẵn sàng hơn cho con đường quả vị Phật. 

Mặc dù ta đã cố đưa ra Bát chánh đạo như là một kim chỉ nam cho đời sống bên ngoài, nhưng việc đi theo một hệ thống bên ngoài sẽ không bảo đảm con mở tâm ra với con đường bên trong. Đây phải là một nhận biết ý thức, một quyết định ý thức, rằng con muốn bước đi trên con đường tâm truyền. Đó là tại sao cách tiếp cận cao nhất cho con không phải là nghĩ rằng bởi vì con sinh ra trong một văn hoá Phật giáo mà con sẽ sẵn sàng cho con đường nội tâm chân truyền của Phật.

Tốt hơn là con nên cởi mở và khiêm tốn để không có khoảng cách nào giữa nơi con đang đứng và nơi con nghĩ là Phật đã đứng. Đây là một điều mà con có thể thấy được nơi quá nhiều Phật tử, cũng như nơi quá nhiều tín hữu Cơ đốc, tức là họ thấy một khoảng cách giữa họ và Giê-su giống như con thấy khoảng cách giữa con và tâm thức Phật. Trong tôn giáo vỏ ngoài thì không có cách gì lấp được khoảng cách đó. Con chỉ có thể vượt qua khoảng cách bằng con đường tâm truyền, nhưng con phải nhậy bén thấy được nơi con đang đứng về mặt tâm thức và con cần làm gì để tiến lên bước kế tiếp trên đường tu của con.

Điều đã xảy ra trong quá nhiều tôn giáo và nền văn hóa là người ta đã tước mất con đường bên trong, và như vậy tôn giáo vỏ ngoài đã tạo ra khoảng cách đó. Các sa nhân, dĩ nhiên, làm đủ mọi cách để làm tha hóa cách hành đạo vỏ ngoài hầu người ta không thể lấp được khoảng cách và tìm thấy con đường bên trong. Ngày nay, điều các chân sư cố làm là giúp cho mọi người biết đến con đường bên trong và sự cần thiết phải đi theo con đường này.  

Ki-tô và Phật

Hỏi: Con biết là Giê-su hiện thân cho nguyên lý Ki-tô và con cũng biết là thày mong muốn mọi người nối kết với đấng Ki-tô trong chính mình. Con xin hỏi có phải thày đang nói là chúng con không thể tìm Phật? Theo những gì con hiểu, cả Ki-tô lẫn Phật đều thuộc về tia sáng thứ hai của Tình thương và Trí tuệ. Tình thương do Ki-tô biểu tượng và Trí tuệ do Phật biểu tượng.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Không có mâu thuẫn hay sự cạnh trạnh nào giữa hai con đường quả vị Ki-tô và quả vị Phật. Tuy nhiên, những dòng sống khác nhau sẽ cần những phương tiện, những cỗ xe khác nhau, và do đó một tôn giáo duy nhất không thích hợp cho mọi người. 

Con đường của Phật thường thích hợp hơn cho người phương Đông, còn đường của Ki-tô thích hợp hơn cho người phương Tây. Có thể nói là tâm thức Ki-tô chỉ đơn giản là những giai đoạn giác ngộ tiên khởi hơn, và vì vậy, quả vị Phật là một dạng tâm thức cao hơn quả vị Ki-tô, hay một giai đoạn cao hơn quả vị Ki-tô.

Khi con đạt đến tâm Ki-tô, con nhận ra rằng con là một với nguồn cội của con (Thượng đế) và qua đó con có được tánh phân biện giữa những gì thuộc về Thượng đế và những gì không thuộc về Thượng đế. Con nhìn thấy rõ ràng là rất nhiều biểu hiện trong thế gian đi ngược lại quy luật của Thượng đế cũng như ý định của ngài cho vũ trụ này. Cho nên con nhìn thấy tính không thực của tất cả mọi điều phản-Ki-tô, và nhiệm vụ của con là giải phóng các dòng sống khỏi ảo tưởng của phản-Ki-tô.

Khi con đạt đến quả vị Phật, con nhận ra rằng tất cả đều là Phật tánh, có nghĩa là tất cả đều được tạo bằng bản chất của Thượng đế. Những biểu hiện của thế gian này chỉ đơn giản là ảo ảnh, là Maya. Chúng có thể hiện ra như là tách biệt, hay đối lập lại Thượng đế, nhưng chúng chỉ đơn giản là bản chất cuả Thượng đế đã khoác lấy một lớp ngụy trang tạm thời, thoáng vụt qua. Cho nên con xác nhận thực tại của Thượng đế đằng sau mọi dáng vẻ bề ngoài.

Cả đức Phật lẫn ta đều là những vị thày tâm linh và chúng tôi thuộc cùng một êkíp. Đức Phật đã được các chân sư thăng thiên phái xuống để truyền dạy các pháp về quả vị Phật, nhưng tiếc thay, không mấy người có khả năng nắm được giáo lý của thày. Vì vậy mà ta đã được phái xuống để bắc một nhịp cầu hầu giúp con người bước sang bến giác ngộ. Đối với hầu hết mọi người, việc hiện thân các giáo lý của Ki-tô sẽ dễ hơn giáo lý của Phật, với điều kiện là họ hiều được giáo lý đích thực của Ki-tô chứ không phải cái phiên bản đã bị pha loãng, chứa đầy xương người chết, do đạo Cơ đốc chính thống cống hiến.

Tại sao gọi là trung đạo?

Hỏi: Chúng con biết rằng lời dạy của đức Phật về trung đạo không phải là trung điểm nằm giữa hai đối cực nhi nguyên. Con thắc mắc không hiểu tại sao lại gọi là trung đạo?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Chúng tôi, các chân sư, có giải thích nhiều lần là khi giảng dạy, chúng tôi không tìm cách đưa ra lời dạy cao nhất có thể được. Lý do là vì chúng tôi không giảng dạy trong khuôn khổ cái cao nhất, bởi vì tất nhiên, đó là một khái niệm nhị nguyên có cao, có thấp và có sự so sánh. Điều chúng tôi đưa ra là một lời dạy thích hợp với những người mà chúng tôi cố chạm được. Và chúng tôi phải thích ứng lời dạy cho hợp với văn hóa của họ, với hệ thống tín ngưỡng của họ, với trạng thái tâm thức của họ.

Cho nên vào thời khi ta truyền giảng các giáo lý của đạo Phật, tình thế chung là xã hội Ấn giáo đã trở nên xơ cứng do bao nhiêu lớp xây dựng ngụy tạo của người Bà la môn được đúc lại thành một con đường vỏ ngoài đầy nghi thức. Nhưng song song, Ấn độ cũng có một truyền thống lâu đời các vị khổ hạnh rút lui khỏi xã hội, tu tập hành xác với đủ mọi cách thức tra tấn xác thân cực đoan, gần như là để trừng phạt cơ thể đã giam cầm tâm trí mình bên trong.    

Và như vậy mục đích của ta là thu hẹp khoảng cách, vì nhiều người tâm linh thời bấy giờ cho rằng họ phải lựa chọn đi theo hoặc cực đoan này hoặc cực đoan kia. Và như chính ta đã ngộ ra, cả hai cực đoan đều không dẫn tới giác ngộ. Nhưng giác ngộ phải tìm được ở đâu đó, không phải ở giữa, mà trong một hướng nhìn mới.  

Cho nên vào thời điểm đó, khái niệm trung đạo, nhất là trong văn hóa phương Đông, không mang cùng ý nghĩa mà con thấy thời nay tại phương Tây. Tâm trí người Tây phương suy nghĩ theo lối đường thẳng hơn, và vì thế họ nghĩ tưởng trung đạo là trung điểm, là điểm ở giữa hai đối cực. Nhưng đối với tâm người Đông phương, nhất là vào thời buổi đó, trung đạo mang một khái niệm khác, một sắc thái khác về một cái gì đó vượt ra ngoài, vượt khỏi mọi cái nhìn cũ.

Khái niệm “tánh không” và “vô ngã” trong đạo Phật

Hỏi: Xin thày giải thích ý nghĩa thực sự của các khái niệm trong Phật giáo về “tánh không” và “vô ngã”. Đó có thật là những điều đức Phật Gautama đã dạy?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Cả hai khái niệm mà con nói đến đã được khai triển sau khi đức Phật Gautama nhập diệt. Vì vậy không hoàn toàn chính xác là đức Phật đã giảng dạy những khái niệm này như được tìm thấy hiện nay trong rất nhiều giáo lý của đạo Phật. Tuy nhiên, đức Phật có giảng dạy những khái niệm tương tự như tánh không và vô ngã.

Như ta có trình bày suốt trang mạng này, vấn đề thực sự trên hành tinh địa cầu là con người đã đi xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn. Con người bị rơi xuống tâm thức này vì đã ăn phải trái cấm, là biểu tượng cho một trạng thái tâm thức nơi tất cả đều có vẻ tương đối. Điển hình là khái niệm thiện và ác, có nghĩa là thiện và ác tương đối với nhau. Ở cốt lõi tâm thức này là cảm nhận tách biệt khỏi cội nguồn của mình, cảm nhận tách biệt khỏi Thượng đế.

Chính cảm nhận tách biệt khỏi cội nguồn tâm linh của mình là nguyên nhân thực sự của mọi khổ đau. Khi dòng sống bắt đầu mất liên lạc với cái ta tâm linh, hay Hiện diện TA LÀ, nó đã phải dựng lên một loại ngã mới, một giả ngã, để lấp đầy khoảng trống vừa được tạo ra. Giả ngã này, thường được gọi là tự ngã hay tâm nhị nguyên, là nguyên nhân của mọi khổ đau mà dòng sống kinh nghiệm. Cũng chính cái ngã này đã làm nẩy sinh rất nhiều ý nghĩ và cảm xúc mâu thuẫn, phiền não, dẫn đến đau khổ cho dòng sống.  

Mục đích của đường tu tâm linh là vượt qua giả ngã hầu dòng sống có thể tự do hợp nhất với cái ta tâm linh. Và đây là ý nghĩa thực sự của khái niệm vô ngã. Khi dòng sống đạt được trạng thái tâm thức này, nó đã vượt qua và bỏ lại cái giả ngã đã khiến nó cảm thấy tách rời khỏi cội nguồn tâm linh của nó.  

Trong trạng thái tâm thức cao hơn này, dòng sống nhận ra là nó được cấu tạo bằng chất liệu cơ bản của Thượng đế, hoặc như đức Phật sẽ nói, tất cả đều là Phật tánh. Dòng sống nhận ra sự vô nghĩa khi nghĩ rằng mình có thể có sự hiện hữu, hay một ý thức bản ngã tách biệt khỏi nguồn cội tâm linh.    

Khi đó, dòng sống không còn ý thức bản sắc như bị tách rời khỏi nguồn cội, và đây là trạng thái vô ngã. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dòng sống đã mất hết mọi ý thức cá thể (individuality) hay bản sắc (identity). Cá thể đích thực của dòng sống được trụ neo nơi cái ta tâm linh, và cá thể đích thực này sẽ không mất đi khi giả ngã được từ bỏ. Kỳ thực, chỉ sau khi dòng sống đã vượt qua tự ngã phàm nhân thì nó mới có thể bắt đầu biểu hiện được cá thể đích thực của nó.

Ngoài ra còn có một khái niệm cao hơn nữa về vô ngã, là khi dòng sống cá biệt sẽ cuối cùng đạt tới hợp nhất với Thượng đế, một sự hợp nhất cao độ đến nỗi dòng sống chọn trở về tâm thức mà đạo Phật gọi là Niết bàn (Nirvana), mà ta gọi là cái Tất Cả. Dòng sống cá biệt lúc đó sẽ tự nguyên buông bỏ cả cá thể của mình để trở về trạng thái Là thuần khiết mà từ đó nó đã tuôn ra. Tuy nhiên, đây là một khái niệm không mấy hữu ích đối với hầu hết mọi người đang đầu thai trên địa cầu vì họ còn rất xa mới có được lựa chọn hợp nhất với Tất Cả.  

Khái niệm về tánh không cũng có thể được hiểu ở những mức độ khác nhau. Cao hơn cả, tánh không có nghĩa là trạng thái Là thuần khiết, cái Tất Cả, cái không thị hiện nơi không còn bất cứ hình tướng hay biểu hiện nào.

Ở tầm mức cá nhân, tánh không có nghĩa là trạng thái tâm thức khi mình đã vượt qua tự ngã phàm nhân. Bằng cách vượt qua tự ngã, dòng sống chiêm nghiệm mọi ý tưởng và cảm xúc phiền não nẩy ra từ tự ngã đều trở nên im lặng.  Như vậy, dòng sống chứng nghiệm một trạng thái tự do, giải thoát khỏi tiếng ồn của trí thể và cảm thể, một trạng thái trống rỗng không còn tiếng ồn của tự ngã.

Một lần nữa, đây không có nghĩa là dòng sống đã mất hết mọi cá thể, mọi nhận biết hay thậm chí cả những ý tưởng và cảm xúc. Chỉ đơn giản có nghĩa là dòng sống không còn những ý tưởng và cảm xúc mâu thuẫn dẫn đến khổ đau. Dòng sống nay được tự do chiêm nghiệm những ý tưởng và cảm xúc đích thực nẩy lên từ cá thể mà Thượng đế đã ban cho mình, dẫn đến sự an lạc tối hậu khi mình biểu hiện chính mình, tức là biểu hiện cái ta đích thực.

Ta cũng đã giảng dạy về trạng thái tâm thức này khi ta nói về Nước Trời ở trong con, và khi ta bảo mọi người đừng phán xét. Trong tâm nhị nguyên, con luôn nghĩ là con cần phán xét và dán nhãn mọi thứ theo tiêu chuẩn tương đối của con. Tất nhiên, tự ngã sẽ cả quyết rằng tiêu chuẩn này là một chân lý tuyệt đối, và đây chính là ảo tưởng nằm ở ngay trung tâm tự ngã. Nó khiến cho tâm con luôn luôn phán đoán, là trạng thái ồn ào nội tâm mà đức Phật gọi là cốt lõi của đau khổ. Tánh không thì ngược lại.

Con nên học tập những giáo lý của các chân sư về cái Ta Biết. Các chân sư giảng dạy về tỉnh giác thuần khiết, tức là khi con không còn tiêu chuẩn phán xét nào. Cái Ta Biết chiêm nghiệm mọi thứ như nó là – không có bất cứ phán đoán nhị nguyên nào về giá trị. Và như thế cái Ta Biết nhìn qua tâm Ki-tô. Cái Ta Biết có thể nhìn cuộc sống cách như thế – qua tâm thức Ki-tô – hoặc có thể nhìn cuôc sống xuyên qua phin lọc của tự ngã và ngã vỏ ngoài.

Thế nhưng như ta có nói, không một “người” nào có thể thăng trở lại thiên đàng trừ khi “người” đó đã đi xuống từ thiên đàng, có nghĩa là cái Ta Biết không thể thăng thiên cho tới khi nó trở về trạng thái tỉnh giác thuần khiết mà nó đã đi xuống ở khởi đầu.

Phật giáo Tây Tạng nói không có hồn, chỉ có tâm

Hỏi: Thày Giê-su yêu dấu, Phật giáo Tây Tạng nói là không có hồn (soul) mà chỉ có tâm (mind). Cho nên con không hiểu. Có hồn nghĩa là gì?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Để bắc chiếc cầu băng qua hàng rào ngôn ngữ giữa các tôn giáo hay các truyền thống tâm linh khác nhau, con cần rất nhiều tế nhị và tâm không dính mắc. Điều được một tôn giáo mô tả bằng một từ có thể chính là điều mà một tôn giáo khác sẽ mô tả bằng một từ khác. Cho nên thật sự, con có thể nói rằng tất cả đều là tâm, vì hồn phát xuất từ đâu chứ? À, nó phát xuất từ tâm. Nó phát xuất từ cái tâm rộng lớn hơn của con, cái Ta Biết, và nó được tạo ra sau khi cái Ta Biết bắt đầu thử nghiệm với tâm thức nhị nguyên. Cho nên con có thể nói rằng hồn được tạo ra từ tâm của con.

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể bảo là Phật giáo Tây Tạng nói chính xác, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là các truyền thống tâm linh khác khi nói về hồn đều nói sai. Các truyền thống đó chỉ sử dụng một từ khác cho cùng một thứ. Bởi vì thật sự ngay cả trong đạo Phật, cũng phải có một cỗ xe cho tâm đi xuống cơ thể vật lý và tương tác với cơ thể vật lý.

Maitreya có phải là đấng cứu tinh đích thực?

Hỏi: Có đúng chăng đức Maitreya [Phật Di Lặc] là vị cứu tinh sắp tới sẽ xuất hiện trong một biểu hiện không thể phủ nhận và sẽ đưa địa cầu cùng nhân loại vào một thời đại hoàng kim? Có đúng chăng đức Maitreya đã hiện thân trong cõi vật lý?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 23/11/2010. Đăng ngày 15/11/2012.

Nếu con đọc các bài giảng của ta về con đường chân chính của Ki-tô, con sẽ thấy là chúng tôi các chân sư thăng thiên có mục đích đánh thức tất cả mọi người về nguồn gốc và tiềm năng thần thánh của mình bằng cách giúp con người khắc phục ảo tưởng tách biệt, ảo tưởng của phản-Ki-tô. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không đến “cứu nhân loại” và cũng sẽ không xuất hiện trong một biểu hiện ngoạn mục mà không ai có thể chối cãi. Làm như vậy sẽ chỉ củng cố thêm cho ảo tưởng tách biệt, và điều này sẽ đi ngược lại sứ vụ thực sự của chúng tôi.

Nếu muốn hành tinh này được nâng lên để bước vào một Thời đại Hoàng kim, thì điều này sẽ không xảy ra do một thế lực bên ngoài – cho dù đó là chính ta, là Maitreya hay là một UFO (vật thể bay không xác định) nào đó sẽ ra tay làm mọi chuyện dùm cho loài người. Mà điều đó sẽ xảy ra do có một túc số tới hạn (critical mass) những con người trên hành tinh này phát hiện và nhận diện chính tiềm năng Ki-tô của mình. Thượng đế sẽ không giải cứu địa cầu qua trung gian của ta, mà Thượng đế sẽ giải cứu thế giới qua trung gian chính con cùng rất nhiều người giống như con – nếu các con trở thành những cánh cửa mở.

Cho nên lập luận cho rằng Maitreya sẽ hiện ra trong một biểu hiện thật ngoạn mục và sẽ giải quyết mọi vấn đề của nhân loại, là hoàn toàn không phù hợp với các chân sư thăng thiên cũng như với thời đại Bảo bình. Đó là một biểu hiện của tâm thức tha hóa thời Song ngư và từ lâu nay đã lỗi thời rồi. Đây là cùng cái tâm thức của các sinh thể sa ngã khi chúng tâng bốc ta lên thành một ngoại lệ để khiến mọi người không thể nào nắm bắt được thông điệp đích thực của ta rằng ai ai cũng đều có một tiềm năng Ki-tô.

Tương tự, lời cả quyết rằng Maitreya đã hiện thân vật lý cũng không phù hợp với lời dạy của đạo Phật về đức Phật tương lai. Maitreya sẽ không hiện thân như một người độc nhất. Maitreya sẽ có thể “hiện thân” qua nhiều người, là những người đã trở thành cánh cửa mở cho thày cùng ánh sáng và sự thật của thày. Tuy nhiên, điều này sẽ không hoàn toàn là một sự hiện thân, không hơn gì khi bảo rằng Thượng đế đã hiện thân qua chính bản thân ta khi ta đầu thai là một con người. Nói cách khác, sự viên mãn của một sinh thể thăng thiên sẽ không hiện thân qua một cá nhân hay ngay cả một nhóm người.