Thắp nến

Hỏi: Xin thày nhận xét về việc thắp nến ở nơi thờ phượng. Theo lời dạy của một chân sư thăng thiên, có nhiều biểu hiện tâm thức phản Ki-tô trong các nhà thờ. Vậy trong trường hợp này, việc thắp nến có thể hiệu quả không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Phục sinh 2023. Đăng ngày 13/5/2023.

Thắp nến trong nhà thờ có thể hiệu quả trong việc thắp sáng một chỗ tối để con không bị vấp ngã khi con đi trong nhà thờ. Bảo rằng việc thắp nến có thể có bất kỳ tác dụng thần thánh nào, hay có thể làm gì đó cho một vị thánh hay cho Thượng đế, tất nhiên là chuyện hư cấu. Làm sao ta, trong tư cách một chân sư thăng thiên, lại cần đến một ai đó thắp nến cho ta trong bất kỳ nhà thờ nào trên trái đất? Làm sao ta lại có thể có nhu cầu này? Làm sao Mẹ Mary có nhu cầu người ta thắp nến cho thày trong bất kỳ nhà thờ Công giáo nào? Đó là chuyện hư cấu, nhưng một lần nữa, bất cứ gì cũng đều có thể mang lại một hiệu ứng giả dược (placebo).

Đối với những người tin đạo nói chung, thật không quan trọng nếu họ thắp nên hay không. Điều quan trọng hơn nhiều là nếu họ có thể nâng cao tâm thức cùng sự nhận biết của họ, nhưng có thể họ không có khả năng làm được như vậy. Nếu họ tin vào những chuyện vỏ ngoài thế kia – cho dù là nến hay nước thánh hay nghi lễ này nghi lễ nọ – thì điều này cho thấy là họ đang ở một tầng tâm thức chưa sẵn sàng tiếp nhận các giáo lý nội tâm mà ta đã giảng dạy cho đệ tử của ta. Họ vẫn bị vướng kẹt ở một mức cần đến những chuyện ngụ ngôn và những thứ vỏ ngoài, và do đó các chân sư thăng thiên không thể chạm được họ. Các thày thực sự không quan tâm gì đến những điều đó, nhưng tất nhiên khi con đặt câu hỏi như một học trò của chân sư thăng thiên thì thày phải nói: Đó là chuyện hư cấu. Nó không có tác dụng gì hết.

Các thày không bảo là con không nên thắp nến nếu con thích thú làm vậy. Nhưng con đừng bước vào tư duy cho rằng thắp nến sẽ khiến các thày ban cho con một loại hồng ân hay ân sủng nào đó. Nó không liên quan gì đến chuyện này. Các thày muốn con xoay chuyển tâm thức của con, và chính việc xoay chuyển tâm thức sẽ có tác dụng trên đời sống của con.

Ngay cả khi có người uống nước mà họ nghĩ là nước thánh rồi họ được chữa bệnh, không phải là nước đã chữa lành họ đâu. Lý do là vì họ đã xoay chuyển tâm thức, ít ra là nhất thời. Nhiều khi con sẽ thấy là loại chữa lành này không kéo dài và căn bệnh lại tái xuất hiện sau một thời gian. Điều các thày muốn nhìn thấy là một sự nâng cao tâm thức thường tồn, và đây chính là mục đích của tất cả mọi lời dạy của các thày.

Cầu cho người quá cố

Hỏi: Tại Hàn quốc, nhiều người tổ chức cúng lễ để đưa linh hồn người thân và tổ tiên đã khuất về nơi an nghỉ tốt đẹp ở cõi trời. Các buổi lễ này thường do những người tu hành tôn giáo hay tâm linh cử hành, nhưng họ lại đòi những số tiền to lớn để làm lễ. Nhiều người thường hoài nghi không hiểu nghi lễ như vậy có thật đưa người thân của mình lên cõi phúc lành hay không. Cho nên những ai phải bỏ ra quá nhiều tiền làm lễ tất nhiên sẽ bất bình hay nghi ngờ người hành lễ gian lận. Tổn phí to lớn của cúng tế và cách hành xử gian lận của người hành lễ đang gây vấn đề trong xã hội. Liệu chúng con có thể đọc những bài cầu nguyện tràng hạt hay bài cầu thỉnh của các chân sư thăng thiên thay vì bỏ nhiều tiền ra để đưa tổ tiên và thân nhân chúng con về nơi cực lạc?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hàn quốc năm 2017. Đăng ngày 4/9/2019.

Con yêu dấu, ta có thể nói thật rõ ràng ở đây. Người hành lễ đòi càng nhiều tiền thì sự gian lận của họ càng lớn, bởi vì họ chỉ muốn kiếm tiền chứ không có ý giúp gì những vị đã khuất. Một người hành lễ đích thực trong tinh thần tâm linh có thể sẽ tính tiền để duy trì sinh hoạt nghi lễ thay vì phải kiếm sống bằng cách khác, nhưng họ sẽ tính giá phải chăng chứ không cố làm giàu qua việc phụng sự tâm linh.   

Nói vậy rồi thì ta phải nói thêm, nhiều người hành lễ có chủ tâm rất tốt nhưng sự hiệu nghiệm của những buổi lễ này rất thấp. Lý do là vì như chúng tôi đã nói nhiều lần, một buổi lễ chủ yếu trong cõi vật lý không làm sao hữu hiệu bằng một nghi lễ tâm linh. Cho nên con yêu dấu, tất nhiên là con có thể dùng những bài chú và bài thỉnh để cắt những sợi dây, giải thoát tổ tiên và thân nhân mình khỏi mọi điều kiện trong cõi trung giới. Bài chú cho Astrea rất hữu hiệu để giải thoát thân nhân con khỏi các ràng buộc, chẳng hạn, của cõi trung giới.      

Con có thể nhìn vào cuộc đời của thân nhân con và con có thể – càng nhiều càng tốt vì con biết rõ họ – lượng định xem những vấn đề tâm lý mà họ đã có thể gặp phải. Rồi con hãy tìm bài cầu thỉnh nào thích hợp nhất để giải quyết những vần đế này và con đọc cầu thỉnh cho họ. 

Một lần nữa, việc này không thể vi phạm quyền tự quyết của họ, bởi vì họ cần phải thấy được vấn đề ở trong họ hầu thoát ra khỏi vấn đề. Nhưng chắc chắn con vẫn có thể cầu gọi để giúp họ cải sửa vấn đề đó dễ dàng hơn ở bất cứ nơi nào mà họ đã thăng lên sau cái chết của cơ thể vật lý. Dĩ nhiên, nếu họ đã đi xuống một nơi thấp hơn trong cõi trung giới, con có thể tìm cách giải vây họ bằng cách cầu gọi Đại thiên thần Michael và Astrea và Ngọn lửa Tím. Và điều này sẽ tạo cơ hội cho họ nhìn lại khuôn nếp tâm lý của mình một cách hoàn toàn mới mẻ, một điều mà họ chưa từng, hoặc chưa muốn, làm khi còn sống.

Một lần nữa, con không thể gạt bỏ quyền tự quyết của họ nhưng ít ra con có thể cố cho họ một cơ hội để bước vào ánh sáng, đi theo các chân sư thăng thiên để đến nơi cư trú nơi họ có thể học hỏi, hoặc có cơ hội tốt nhất để học hỏi, hầu họ được hiện thân tốt đẹp hơn trong kiếp đầu thai kế tiếp. Chắc chắn là con không bao giờ muốn thân nhân của con bị rơi vào cõi trung giới và bị kẹt ở đó, khiến họ sẽ phải tái đầu thai trong một tình cảnh khó khăn hơn kiếp trước.

Con có thể làm rất nhiều để họ có cơ hội chọn bước theo các chân sư vào cõi cao hơn nơi họ được các chân sư chỉ dạy. Khi con biết nhiều hơn về giáo lý các chân sư, con sẽ hiểu là con không cần tốn tiền trả cho những người hành lễ đó, và dĩ nhiên con hãy cứ tùy tiện nói chuyện với gia đình con về khả năng này nếu gia đình cởi mở.  

Nhưng ta sẽ để cho cá nhân con toàn quyền thẩm định điều này, bởi vì đây thực sự là vấn đề: liệu gia đình con đã chán chê trả tiền cho người hành lễ hay chưa và đã sẵn sàng giúp đỡ thân nhân mình một cách ý nghĩa hơn hay chưa. Con yêu dấu, con có thấy tại sao một tập tục như vậy đã khởi sự hay không? Một phần đó là vì nền văn hóa của các con không nhất thiết chủ trương cúng tế tổ tiên, mà là một nền văn hóa kính trọng tổ tiên cao độ.   

Đối với nhiều người, điều này đã trở thành một gánh nặng, một bổn phận, một ý thức trách nhiệm, chứ không phải vì tình yêu thương. Họ làm vậy vì họ cảm thấy bắt buộc phải làm vậy. Cho nên có một cơ chế tâm lý được tạo ra ở đây: một số người không muốn bỏ thì giờ ra tự làm lấy nhưng họ lại cảm thấy phải làm một cái gì đó, và đối với cộng đồng chung quanh, họ phải đưa ra bộ mặt là đã làm một cái gì. Cho nên sẽ dễ dàng hơn nếu họ có thể trả tiền cho một ai đó cử hành buổi lễ để họ có thể nói: “À nhưng tôi đã trả tiền nhiều như thế đó cho người này để người ta làm lễ cho mẹ tôi”, và do đó họ là một đứa con có hiếu đã làm tròn bổn phận của mình. Và mọi người trong cộng đồng chung quanh sẽ bảo: “Đúng vậy, anh ta là một đứa con có hiếu, anh ta đã làm tròn bổn phận”. Và sau đó thì họ có thể bỏ chuyện này ra khỏi tâm trí và cảm thấy mình đã làm những gì mình phải làm.    

Và đấy là tại sao tập tục này đã khởi đầu. Người ta bỏ tiền ra mua lấy một cảm giác nhẹ nhõm là mình đã làm điều mình phải làm. Hoặc nữa, người ta cũng có thể bỏ tiền ra mua một địa vị nào đó trong cộng đồng, vì họ hiểu ra là nếu họ càng bỏ nhiều tiền để cúng lễ thân nhân thì địa vị của mình trong cộng đồng càng cao hơn. Số tiền bỏ ra chứng tỏ địa vị mình đang có.

Cho nên con thấy trong tập tục này có một tâm lý khá phức tạp. Con có thể bảo gia đình con là việc bỏ tiền ra thật sự không cần thiết, nhưng rất có thể gia đình con sẽ không chấp nhận ý kiến này chính vì cơ chế tâm lý đó. Nếu vậy, con hãy để yên cho gia đình làm theo ý muốn. Còn con, con hãy làm lễ riêng con, và biết rằng mình đã làm tất cả những gì có thể cho thân nhân mình.

Kinh Pháp Hoa và con đường nội tâm dẫn đến quả vị Phật

Hỏi: Kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra) được xem là một trong những quyển kinh quan trọng nhất của Phật giáo Hàn quốc. Kinh nói rằng mỗi người đều có Phật tánh và khả năng trở thành Phật. Con tò mò muốn biết kinh Pháp Hoa có thực là của đức Phật Gautama hay không.


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc năm 2016. Đăng ngày 24/4/2017.

Đúng vậy, con yêu dấu, bản kinh đó là do ta. Tuy vậy, ta cũng muốn nói rõ là đại đa số những người đọc kinh này không tin những gì nói trong đó. Họ không hoàn toàn chấp nhận là họ có Phật tánh nơi họ và do đó họ cũng có thể là Phật. Nếu chúng ta có thể giúp cho mọi người chấp nhận điều này thì chúng ta có thể tiến rất xa. Đạo Phật có thể bước lên một giai đọan mới nơi mọi người có thể bắt đầu nhìn nhận một cách công khai là mình có tiềm năng thực sự biểu hiện Phật tánh. Và tất nhiên, càng có nhiều người thể hiện Phật tánh thì con sẽ càng thấy sự thay đổi trong xã hội và tâm thức tập thể được nâng cao.  

Phải nói là khi ta dùng thuật ngữ Phật tánh vốn có trong mỗi người, con cần hiểu điều này không mâu thuẫn với lời dạy của Giê-su rằng Ki-tô ở trong mỗi người và mỗi người đều có tiềm năng trở thành Ki-tô. Không có đối nghịch gì ở đây. Hai khái niệm này không loại bỏ nhau mà chỉ đơn giản là những lời dạy được đưa ra ở những thời điểm khác nhau cho những văn hóa khác nhau. Tất nhiên là cũng có chút khác biệt về sắc thái mà chúng ta có thể thảo luận, và như ta đã có giảng trước đây, tâm thức Ki-tô là một giai đoạn trên đường đạo khi con vươn ra ngoài để giúp đỡ người khác, và sau đó là giai đọan tâm thức Phật – hay cái mà ở phương Đông thường xem là tâm thức Phật – khi con trụ vững hơn trong nội tâm, và ngay cả con có thể rút khỏi thế gian như con thấy ta đã rút về một đạo tràng để giảng dạy. Trong khi đó thì con thấy Giê-su đã đi ra ngoài xã hội để giúp mọi người nơi họ sinh sống.     

Một lần nữa, đây không phải là những điều gạt bỏ lẫn nhau mà chỉ là hai giai đọan khác nhau, và có những người đã sẵn sàng cất bước trên con đường dẫn đến quả vị Phật. Tuy nhiên cũng có những người khác sinh ra tại phương Đông nhưng chưa thực sự sẵn sàng cất bước trên đường quả vị Phật, bởi vì họ cần đi qua một vài giai đọan trước đã. Họ sẽ cần đi hết con đường quả vị Ki-tô trước khi thực sự sẵn sàng cho con đường quả vị Phật.

Hiển nhiên đây là một trong những vấn đề lớn luôn luôn gặp phải khi giảng đạy giáo lý. Bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng được ban ra cho một trình độ tâm thức đặc thù nào đó. Người nào không ở trình độ đó thì sẽ không thể nắm bắt ý nghĩa bên trong của giáo lý, và đấy là lúc họ sẽ đem giáo lý biến nó thành một tôn giáo vỏ ngoài. Như ta đã có dịp đề cập, ngay cả đạo Phật cũng bị chìm trong nghi lễ và truyền thống bề nổi đến độ người ta cho rằng khi mình tuân thủ đủ các nghi thức như vậy thì mình sẽ tự động tinh tấn.        

Không cứ là không thể tinh tấn được bằng cách đó, nhưng nếu con tuân thủ tất cả mọi giáo lý vỏ ngoài của Phật giáo và cứ tiếp tục mãi như thế, con sẽ không tự động đến được điểm mà con sẵn sàng chấp nhận Phật tánh của con. Tất nhiên điều này cũng tương tự như trong đạo Cơ đốc khi các tín hữu không thấu hiểu con đường bên trong của quả vị Ki-tô cũng đã tạo ra một tôn giào vỏ ngoài. Và một lần nữa như Giê-su đã dạy nhiều lần, nếu con chỉ theo đúng cách hành đạo bề ngoài của Cơ đốc giáo như người ta vẫn làm thời nay, thì con sẽ không đến được điểm sẵn sàng bước vào con đường bên trong.  

Điều vô cùng cần thiết là mọi người phải nhận thức rõ hơn về nhu cầu nhìn xa hơn giáo lý công truyền, nhìn xa hơn nghi lễ vỏ ngoài, và thâm nhập vào thông điệp bên trong của con đường nội tâm. Đây chính là điểm mà thời nay chúng tôi, các chân sư, đang giảng dạy, rằng đường đạo có nhiều cấp độ khác nhau, và ở mỗi cấp độ con cần những giáo lý khác nhau. Cho nên ở phương Đông, có nhiều người lớn lên trong một văn hoá Phật giáo thực sự sẽ được hưởng lợi lạc rất lớn nếu họ học tập các giáo lý mà chúng tôi đang ban ra thời nay về con đường quả vị Ki-tô. Điều này sẽ giúp họ bước đi từng bước trên một con đường tuần tự giúp họ sẵn sàng hơn cho con đường quả vị Phật. 

Mặc dù ta đã cố đưa ra Bát chánh đạo như là một kim chỉ nam cho đời sống bên ngoài, nhưng việc đi theo một hệ thống bên ngoài sẽ không bảo đảm con mở tâm ra với con đường bên trong. Đây phải là một nhận biết ý thức, một quyết định ý thức, rằng con muốn bước đi trên con đường tâm truyền. Đó là tại sao cách tiếp cận cao nhất cho con không phải là nghĩ rằng bởi vì con sinh ra trong một văn hoá Phật giáo mà con sẽ sẵn sàng cho con đường nội tâm chân truyền của Phật.

Tốt hơn là con nên cởi mở và khiêm tốn để không có khoảng cách nào giữa nơi con đang đứng và nơi con nghĩ là Phật đã đứng. Đây là một điều mà con có thể thấy được nơi quá nhiều Phật tử, cũng như nơi quá nhiều tín hữu Cơ đốc, tức là họ thấy một khoảng cách giữa họ và Giê-su giống như con thấy khoảng cách giữa con và tâm thức Phật. Trong tôn giáo vỏ ngoài thì không có cách gì lấp được khoảng cách đó. Con chỉ có thể vượt qua khoảng cách bằng con đường tâm truyền, nhưng con phải nhậy bén thấy được nơi con đang đứng về mặt tâm thức và con cần làm gì để tiến lên bước kế tiếp trên đường tu của con.

Điều đã xảy ra trong quá nhiều tôn giáo và nền văn hóa là người ta đã tước mất con đường bên trong, và như vậy tôn giáo vỏ ngoài đã tạo ra khoảng cách đó. Các sa nhân, dĩ nhiên, làm đủ mọi cách để làm tha hóa cách hành đạo vỏ ngoài hầu người ta không thể lấp được khoảng cách và tìm thấy con đường bên trong. Ngày nay, điều các chân sư cố làm là giúp cho mọi người biết đến con đường bên trong và sự cần thiết phải đi theo con đường này.  

Việc thờ cúng tổ tiên

Hỏi: Tại Hàn quốc, chúng tôi có một nghi lễ thờ cúng để tưởng nhớ tổ tiên đã khuất. Ý kiến của ông về điều này sa sao?


Trả lời của ông Kim Michaels. Đăng ngày 30/3/2017.

Theo tôi, đây là một nghi lễ phần nào thuộc về quá khứ và không thuộc về Thời đại Bảo bình. Nghi lễ này tạo sự ràng buộc với tổ tiên cùng những cách sinh hoạt cũ. Làm thế nào một xã hội thăng vượt được nếu quá ràng buộc vào quá khứ? Theo ý tôi, đìều này sẽ lần hồi phai nhạt đi trong Thời đại Bảo bình. Tôi nghĩ có thể các chân sư sẽ muốn bình luận gì thêm, nhưng nếu bạn nhìn vào vấn đề một cách lô-gíc, bạn có hai hướng suy nghĩ. Hoặc bạn có thể từ bỏ tập quán này và nói: “Chúng ta không thấy cần thiết nữa”. Hoặc bạn có thể tự vấn: “Đâu là tổ tiên đích thực của chúng ta?”  Đó không phải là cha mẹ hay ông bà chúng ta bởi vì trước cha mẹ và ông bà thì có ai? Nếu bạn đi ngược lên mãi, sẽ tới điểm bạn tìm ra đó là các chân sư thăng thiên. Các chân sư là tổ tiên thật sự của chúng ta, chúng ta khởi nguồn từ đó vì chúng ta là những sinh thể tâm linh.

Tôi thiển nghĩ một xã hội sẽ rất, rất khó lòng tăng triển nếu mình quá ràng buộc vào tổ tiên mình. Tôi thiết nghĩ nếu mình cho rằng tổ tiên đang chú tâm nhìn mình, theo dõi và phán đoán từng động thái trong đời mình, thì điều này phần nào không lành mạnh. Tôi cho rằng nó có thể không lành mạnh cho chính linh hồn của tổ tiên, bởi vì nếu bạn có sự ràng buộc tình cảm mạnh mẽ thì cũng giống như bạn đang muốn giữ chân cha mẹ mình ở lại với mình, và điều này sẽ gây trở ngại cho cha mẹ rời bỏ thế gian mà tiến về những chân trời mới.  

Đã có khá nhiều sách viết – tôi không rõ là sách có bán tại Hàn quốc hay không, nhưng bên Mỹ chẳng hạn thì đã có – về những người đã có trải nghiệm cận tử. Liệu ở Hàn quốc có quan niệm này không? Đây là những người đã qua đời về mặt vật lý, tuy nhiên họ vẫn có trải nghiệm và tỉnh lại để kể lại câu chuyện của họ. Họ kể rằng khi thân xác qua đời, mỗi người sẽ vẫn sống tiếp, sẽ bước vào cõi bản sắc rồi thường sẽ có một thời gian để nghỉ ngơi và học hỏi trước khi tái đầu thai trong một kiếp mới. Hầu có thể bước tới và đi vào ánh sáng, bạn phải có khả năng buông bỏ lại kiếp sống đã qua của mình, bỏ lại xác thân vật lý cũng như gia đình và xã hội của mình. Nếu con cháu quá bám giữ và không buông ra cho cha mẹ hay ông bà mình ra đi, thì làm sao linh hồn ra đi được đây?    

Tôi thiết nghĩ nhiều linh hồn sẽ bị vướng lại và đây là điều mà các chân sư thăng thiên gọi là những hồn không xác, là hồn không thể nào bước đi tiếp để mà tái đầu thai. Hồn thường bị kẹt lại trong cõi trung giới hay cõi tình cảm. Nó bị kẹt ở đó và nó có cảm giác tựa như con cháu của nó đang ngăn cản nó bước tới, và vì thế nó cố ảnh hưởng ngược lại trên con cháu. Tình thế trở thành thật phức tạp, thật khó khăn. Điều lành mạnh hơn nhiều là bạn cứ để yên cho linh hồn các vị ấy siêu thoát. Linh hồn sẽ tiếp tục bước tới, và chính bạn cũng tiếp tục bước tới và giải thoát khỏi quá khứ.

Phục sinh là câu chuyện của mỗi người

Hỏi: Thày có điều gì muốn chúng con biết về ngày Phục sinh?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Câu chuyện Phục sinh là một câu chuyện thật phong phú, thâm sâu, và do đó nó có thể hiểu nhiều cách – mỗi cách hiểu đều có giá trị vì nó mở ra một khía cạnh đặc thù về toàn chuyện. Tuy nhiên, có một góc cạnh đặc biệt mà ta muốn trình bày để các con suy ngẫm.

Một trong những thông điệp chính mà ta mong muốn truyền đạt qua trang mạng là ta không bao giờ muốn được nâng lên thành một thần tượng đứng tách biệt khỏi phần còn lại của nhân loại trên hành tinh. Ta không là một kẻ muốn được tâng bốc, thế nhưng nhiều tín đồ Cơ đốc lại cứ nhất định lấy nguyên văn câu chuyện trong Kinh thánh, thậm chí còn thêu dệt thêm để biến ta thành một Thượng đế hay một đấng Cứu thế. Ta không bao giờ muốn có ai xem ta là một đấng phi thường, vượt hẳn người đời, đến độ không ai có thể với tới được ta hoặc bước chân theo ta.

Do đó, thông điệp mà ta muốn mọi người với tâm rộng mở thấu hiểu về câu chuyện Phục sinh là câu chuyện này không phải là về một người. Đây không phải là câu chuyện của riêng ta, mà thực sự là câu chuyện của mỗi người, mỗi dòng sống, nhằm minh họa cho con đường mà mỗi dòng sống có thể đi theo. Ta hiểu là nhiều tín đồ Cơ đốc đã lớn lên với một hình ảnh thần tượng hóa về Giê-su Ki-tô, và họ cảm thấy rất khó khăn thoát khỏi thành kiến tôn thờ này. Vì thế họ cứ khăng khăng cho ta là một đấng độc nhất vô nhị đứng cao hơn mọi người, vượt trội lên trên bất kỳ ai khác đã từng bước chân trên hành tinh này.

Tất nhiên ta là một người độc nhất, và ta cũng đến đây với một sứ vụ tâm linh độc nhất, nhưng phần lớn sứ vụ này là để đem lại một giáo huấn tâm linh rộng khắp về tiềm năng tâm linh của mỗi dòng sống trên địa cầu – bởi vì thực sự mỗi người là một con người độc nhất dưới mắt Thượng đế. Không những ta đã giảng dạy giáo huấn đó qua lời nói, mà trên hết ta đã thể hiện giáo huấn qua chính cuộc đời của ta. Vì vậy, mỗi khía cạnh của đời ta là sự minh họa cho một khía cạnh của giáo lý nội tâm phổ quát mà ta đã đến đây để truyền bá cho địa cầu, và câu chuyện Phục sinh cũng không đi ra ngoài điểm chung này. Nói cách khác, Phục sinh là câu chuyện nói lên con đường mà mỗi dòng sống có thể đi theo để đạt được quả vị Ki-tô, thượng thăng vĩnh viễn vào cõi tâm linh. Câu chuyện Phục sinh biểu tượng cho giai đoạn sau cùng trong cuộc hành trình đó của dòng sống.  

Câu chuyện Phục sinh có thể chia thành ba yếu tố chính. Yếu tố đầu là khi ta bước vào thành Jerusalem nơi ta được dân chúng chào đón nồng nhiệt như một vị vua. Chúng ta có thể ví sự việc này như sự ra đời của mọi đứa trẻ, bởi vì hầu hết trẻ sơ sinh đều được cha mẹ và gia đình của em đón mừng như một người thật đặc biệt – và quả thật mỗi em nhỏ đều là đặc biệt.

Giai đoạn thứ hai của câu chuyện Phục sinh là những gì xảy ra giữa thời điểm ta bước vào Jerusalem cho tới ngày ta phục sinh, biểu tượng cho giai đoạn dòng sống bắt đầu khôn lớn. Con sẽ nhận xét thấy lý do mọi người chào đón ta vào Jerusalem là vì ai nấy đều có một hình ảnh nào đó về ta. Họ có những kỳ vọng nhất định rằng ta là vị vua sẽ giải thoát họ khỏi người La Mã, và họ muốn ta phải đáp ứng được nguyện vọng đó. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau thì nhiều người bắt đầu hiểu ra là ta sẽ không thỏa mãn kỳ vọng này. Con để ý xem họ đã quay mặt tấn công ta nhanh chóng như thế nào khi họ nhận ra là ta sẽ không bị ràng buộc trong những kỳ vọng của họ. Chính những người vừa mới hô to “Hosanna” ở cổng thành nay lại là người la hét “Đóng đinh nó!” tại cái gọi là toà án xử tội ta.

Phần này là câu chuyện mà dòng sống trải qua khi lớn lên, bắt đầu khám phá và biểu hiện cá thể của mình. Sự chọn lựa mà mỗi dòng sống phải đối mặt là liệu mình sẽ chiều theo những kỳ vọng của thế gian, kể cả của cha mẹ, gia đình và xã hội, hay là mình sẽ phát triển và thể hiện sắc thái tâm linh độc đáo của mình và hoàn thành sứ vụ tâm linh của mình.  

Ta không có ý nói là mọi dòng sống đều ở cùng mức trưởng thành tâm linh hay có cùng sứ vụ tâm linh. Nếu con đọc bài giảng của ta về các giai đoạn phát triển tâm linh, con sẽ thấy một số dòng sống sẽ chưa sẵn sàng đi trọn hành trình tâm linh vì họ còn cần chữa lành hay giải quyết một số vấn đề tâm lý. Cho nên nếu họ có sống một cuộc đời không mấy tâm linh, hoặc nếu họ không thách đố các kỳ vọng của xã hội, thì điều này cũng hoàn toàn chấp nhận được.   

Tuy nhiên, đối với các dòng sống già dặn hơn, sẽ tới một điểm khi con phải đối diện với sự chọn lựa là liệu con có chối bỏ cá thể chân thực và sứ vụ tâm linh của mình để chiều theo kỳ vọng của xã hội. Cuộc đời của ta là để minh họa cho điểm trưởng thành mà con đạt đến khi con cần phải chân thật với con người thực của con, cần phải hoàn thành sứ vụ của con cho dù thế giới có phản ứng dữ dội thế nào đi nữa đối với con. Câu chuyện của ta nhằm khơi dậy nơi mỗi người lòng can đảm vượt qua bất kỳ sự khủng bố nào từ thế gian, thậm chí đi tới cùng và chấp nhận cho thế gian giết hại thân xác mình nếu thế gian thật sự muốn thế.   

Rất may mắn là hành tinh nay đã chuyển sang một giai đọan văn minh hơn vậy, và tại nhiều nơi trên thế giới, khó lòng nào con có thể bị người ta giết hại vì con đã thể hiện cá thể tâm linh của con hay đã đeo đuổi sứ mệnh tâm linh của con. Dù sao đi nữa, con vẫn có thể phải nhận chịu nhiều sự trấn áp, như con thấy đã xảy ra trong những phản ứng tiêu cực đối với trang mạng này. Và thật sự, một số những trấn áp đó lại đến từ những người tự xem mình là những tín hữu ngoan đạo của Ki-tô giáo.   

Điểm quan trọng trong câu chuyện Phục sinh không phải là sự kiện ta đã bị ám hại. Điểm quan trọng là ta đã sẵn sàng để cho thế giới giết ta nếu thật sự thế giới muốn như vậy. Điều này được diễn tả qua câu ta nói: Ai tìm cách cứu mạng mình thì sẽ mất mạng, và ai sẵn sàng mất sự sống cho ta sẽ tìm thấy sự sống. Ý nghĩa là nếu con khuất phục trước kỳ vọng của thế gian và chối bỏ cá thể tâm linh của con thì con sẽ đánh mất sự sống trong nghĩa tâm linh. Và ngược lại, nếu con chân thực với cá thể và sứ mạng tâm linh của con, thậm chí con sẵn sàng để cho thế gian tước mất mạng sống vật lý của con, thì dòng sống của con sẽ tìm thấy sự sống vĩnh hằng trong tâm thức Ki-tô.

Thực tế là hầu hết những ai dám thể hiện bản sắc chân thực và theo đuổi sứ vụ tâm linh của mình đều sẽ bị thế gian trấn áp. Thậm chí thế gian có thể đóng đinh họ trên thập tự trong nghĩa tâm linh, nghĩa là không phải đóng đinh trên cây thập tự bằng gỗ mà cây thánh giá tâm linh của kỳ vọng con người. Chẳng hạn, nhiều người bị giới truyền thông đóng đinh tâm linh qua những chiến dịch miệt thị hay đả phá danh dự nhằm đưa ra một hình ảnh dối trá về họ, y như trước kia ta từng bị các thày tu trong nhà thờ bôi nhọ.

Điểm chủ yếu là nếu con sẵn sàng để cho thế gian làm bất cứ điều gì nó muốn với con, nhưng song song con không lúc nào phủ nhận bản sắc tâm linh của mình, thì đó là cơ hội cho con trải nghiệm cuộc điểm đạo tâm linh của phục sinh. Trong trường hợp của ta, đây là một cuộc phục sinh thể xác để minh họa cho tiềm năng phục sinh của mỗi con người vào một tâm thức và một bản sắc cao hơn. Đó là aự minh họa rằng dòng sống có khả năng khắc phục cái chết và giành lại sự sống bất tử. Điều mà hầu hết các tín hữu Cơ đốc không hiểu là để giành sự sống vĩnh cửu, dòng sống phải sẵn sàng để cho ý niệm bản sắc vô thường của mình chết đi trên thánh giá.

Ngay cả khi ta bị treo trên cây thập tự, ta vẫn phải đối diện với thử thách là liệu ta có còn bám giữ bất kỳ một mảnh nhỏ nào của ý niệm bản sắc phàm phu, hay là ta đã sẵn sàng buông bỏ hoàn toàn bản sắc đó cho Thượng đế. Cho dù trong phút chốc ta có cảm thấy bị Thượng đế bỏ rơi, nhưng cuối cùng ta đã đầu phục một cách toàn diện cho Thượng đế. Ngay lúc đó, xác thân vật lý cùng bản sắc phàm phu của ta cũng chết đi, và đó là lúc ta vượt qua cuộc điểm đạo tâm linh và giành được phục sinh của mình.

Hiển nhiên, ta không có ý nói rằng mọi người đều phải sống qua cực hình thân xác bị đóng đinh và phải chết trên cây thập tự để có thể phục sinh. Thế nhưng mỗi dòng sống sẽ phải trải qua kinh nghiệm thể hiện bản sắc tâm linh của mình bất kể những khủng bố mà thế gian có thể ném về phía mình. Nếu dòng sống vẫn chân thực với bản sắc tâm linh của mình và sẵn sàng từ bỏ mọi dấu vết của bản sắc phàm phu – tức là nhị nguyên – thì mình sẽ giành được sự phục sinh. Phục sinh có nghĩa là bây giờ dòng sống đã thăng vượt mọi bản sắc phàm phu, đã kết hợp trọn vẹn với bản sắc mới là trở thành đứa con của Thượng đế. Dòng sống đã vượt qua kỳ thi cuối cùng trên địa cầu và đủ tư cách thăng thiên vào cõi tâm linh. Nói cách khác, dòng sống không còn bị ràng buộc vào vòng sinh tử, không còn phải trở lại đầu thai trên trái đất. Dòng sống có thể vĩnh viễn ở lại cõi tâm linh và tiếp tục cuộc hành trình đến những cõi cao hơn nữa.   

Ta có hy vọng rất lớn là những ai đã sẵn sàng về mặt tâm linh, những ai có tai để nghe, sẽ ôm lấy lời dạy nội tâm này về câu chuyện Phục sinh hầu trong trái tim và tâm trí, họ có thể chứng nghiệm một sự phục sinh của các giáo lý tâm truyền của ta. Nói cách khác, điều đầu tiên mà một người có nhận thức tâm linh cần làm là sẵn sàng sống thực với giáo lý tâm truyền của ta, bất kể mọi loại áp bức mà con có thể nhận được từ thế giới, kể cả từ những người đồng đạo của con đang bám chặt lấy giáo điều chính thống.

Nếu con chịu bỏ lại tất cả mọi thần tượng mà con người đã tạo ra về ta và giáo lý của ta, nếu con chịu để cho các thần tượng này chết đi, nếu con chịu để cho bản sắc phàm phu của con do các thần tượng này nặn ra chết đi, thì còn sẽ được phục sinh vào sự chứng ngộ giáo lý tâm truyền của ta. Ngay lúc đó con sẽ thấy – con sẽ biết bằng cái biết nội tâm vượt khỏi mọi ngờ vực – rằng toàn bộ cuộc đời của ta đã vạch ra cho con một con đường mà con cũng có thể đi theo, cho tới khi chính con cũng sẽ chiến thắng và được thượng thăng vào ánh sáng. Một khi con nhận ra đó là con đường đúng đắn, con sẽ có thể cất bước trên đường nhanh hơn bao giờ hết.  

Ta hy vọng những lời dạy tâm truyền của ta sẽ tới được đủ số người mà nội tâm đã sẵn sàng để thể nhập con đường chân truyền dẫn tới phục sinh và thăng thiên. Đây quả thật là mục đích chủ yếu đằng sau các biến cố nguyên thủy của ngày Phuc sinh, và cũng là một trong các mục tiêu chính ta đã mở ra trang mạng của ta. Ước sao các giáo lý chân truyền của ta được phục sinh trong tim con, ước sao dòng sống của con được phục sinh và bước theo chân ta cho tới khi ta được mừng đón con bước vào vương quốc của Cha chúng ta.    

Ngày lễ Giáng Sinh

Hỏi: Đâu là ý nghĩa THẬT của ngày Giáng sinh? Có phải là ngày sinh trần thế thực sự của thày Giê-su gần hơn với ngày 16 tháng 4 năm 6 trước Công nguyên hay không? Khi chúng con không thần tượng hóa thày như giáo hội chính thống vẫn làm, thì chúng con nên xem mùa này gọi là “mùa Giáng sinh” như thế nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Cảm ơn con đã hỏi câu hỏi này vào đúng ngày hôm nay [15 tháng 12 năm 2003]. Ta đón nhận cơ hội được trả lời về ngày lễ Giáng sinh.

Đầu tiên hãy để ta nhận xét về vấn đề ngày giờ. Ở điểm này, ta không muốn tiết lộ chính xác ngày giờ sinh của ta. Lý do là vì mục đích chính của trang mạng của ta là để giúp mọi người vượt qua sự sùng bái thần tượng về cá nhân ta. Chính sự kiện nhiều người bị ám ảnh đến như vậy bởi ngày giờ sinh là một biểu hiện của sự sùng bái thần tượng này. Nếu ta cho con ngày giờ sinh chính xác, nhiều người sẽ sử dụng thông tin đó để nhìn thấy một đặc tính nào đó khác hẳn mọi người, và họ sẽ nắm lấy đó làm bằng chứng để bảo ta có gì khác thường và do đó có thể biểu thị tâm Ki-tô dễ dàng hơn.

Thực tế là ngày giờ sinh của ta không có một ý nghĩa vũ trụ phổ quát nào hết. Vì ta có tiềm năng trở thành vị Thày tâm linh cho thời đại tiếp theo sau, cho nên ta đã sinh ra vào thời buổi đánh dấu sự chuyển tiếp vào Thời đại Song ngư. Ngày sinh chính xác của ta có một ý nghĩa quan trọng về mặt nghiệp quả cá nhân mà ta phải giải quyết trong kiếp đầu thai cuối cùng trên địa cầu, và đây là sự chuẩn bị tốt nhất cho sứ vụ cá nhân của ta. Do đó, hình dạng các tinh tú trên bầu trời chiêm tinh vào thời điểm đó hoàn toàn không quan trọng đối với các dòng sống khác, bởi vì mỗi người đều có hoàn cảnh riêng của mình phải giải quyết.

Nếu con phóng tâm trở về lối tư duy của nhân loại cách đây 2000 năm, con sẽ nhận thấy nhiều người bị ám ảnh bởi ngày sinh. Không những người Do thái chỉ phân biệt đối xử với những ai không phải là người Do thái, mà còn có sự phân biệt đối xử ngay trong cộng đồng người Do thái dựa trên gốc gác gia đình. Cho nên khi các tác giả Phúc âm khởi sự viết những quyển Phúc âm, họ quyết định là, để câu chuyện kể dễ chấp nhận hơn đối với quần chúng, họ phải nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của hoàn cảnh ra đời của ta.

Nói chung, các học giả đều chấp nhận là các quyển Phúc âm được viết theo một thứ tự nào đó, với Phúc âm Mark (Máccô) là quyển đầu tiên. Con sẽ thấy là Phúc âm Mark hầu như không đề cập đến hoàn cảnh chung quanh ngày ta sinh ra, trong khi Phúc âm John (Gioan) lại coi đó là một biến cố có tầm quan trọng vũ trụ. Giản dị, sự kiện này cho thấy sự chú trọng lớn hơn mà các tác giả Phúc âm kế tiếp nhau đã dành cho ngày sinh của ta, và thậm chí họ đã tô vẽ thêm tới một mức nào đó. Đây là một trong những lý do chính đã gây ra hiện tượng thần tượng hóa chung quanh con người vỏ ngoài của ta, được xây dựng và duy trì suốt 2000 năm qua.

Cho nên nói cho cùng, ngày giờ cùng hoàn cảnh ta sinh ra không có gì là quan trọng đặc biệt. Ta xin nói là ngày mà con đề cập gần với ngày sinh thực sự của ta hơn là ngày 15 tháng 12 cùa năm 0. Nhưng dù sao thì đó cũng không là ngày chính xác.

Kỳ thực, ta sinh ra vào mùa xuân, và những lễ hội chung quanh điểm đông chí – là ngày ngắn nhất trong năm – là một chuyện được thêm vào sau này. Ta không có vấn đề gì khi người ta ăn mừng ngày đản sinh của Ki-tô vào dịp đông chí, vì ta không xem chuyện người ta biết đến hay ăn mừng ngày sinh chính xác của ta là đặc biệt quan trọng. Thật ra, ta còn xem đó là một sự sắp đặt rất thiết thực. Chính trong ngày ngắn nhất, ít ánh sáng nhất trong năm, mà ai nấy cần được nhắc nhở về tiềm năng trở thành Ki-tô của mỗi người. Và tiềm năng này mới cần là trọng tâm trong các lễ hội Giáng sinh.

Đối với những ai sẵn lòng nhìn xa hơn hoàn cảnh chính xác về cuộc đời vỏ ngoài của ta, và nếu họ có thể giải phóng tâm trí họ khỏi cách diễn giài Kính thánh một cách từ chương, thì câu chuyện cuộc đời của ta có thể được nhìn như là biểu tượng cho sự ra đời của Ki-tô trong mỗi dòng sống.

Một lần nữa, sự sùng bái thần tượng vô độ chung quanh sự ra đời của ta đã che khuất mất thực tế. Có quá nhiều người tin rằng khi ta sinh ra, ta đã mang sẵn một quả vị Ki-tô viên mãn, đã có khả năng nhớ rõ nguồn gốc và sứ mệnh thần thánh của mình. Điều này rất xa sự thật. Măc dù dòng sống của ta đã đạt được một thành tựu tâm linh cao trong nội tâm, ta không nhớ gì đặc biệt về chuyện đó khi sinh ra. Ta có trực giác rất bén nhạy, nhưng ta đã phải lần hồi khám phá ra bản sắc tâm linh cũng như sứ vụ tâm linh của mình. Do đó ta có thể cam đoan với con rằng cuộc sống của ta không có gì là khác biệt hay dễ dàng gì hơn hầu hết mọi người khác trên trái đất. Ai ai cũng phải đối mặt với thử thách phát hiện ra bản sắc thật của mình, và quyết định xem là mình sẽ hoàn thành sứ mệnh tâm linh của mình hay không.

Vì vậy, cách đúng đắn để tiếp cận ngày lễ Giáng sinh là xem câu chuyện cuộc đời của ta như là biểu tượng cho những giai đoạn mà mỗi dòng sống phải đi qua khi đứa bé Ki-tô sinh ra trong lòng dòng sống đó, rồi lớn lên cho đến trưởng thành hoàn toàn, và khi đó dòng sống sẽ có khả năng thể hiện quả vị Ki-tô cá nhân của mình trong thế gian.

Ta sinh ra như một đứa bé sơ sinh yếu đuối như mọi người khác. Không một người nào có thể bỗng nhiên đi từ một trạng thái tâm thức vô minh bước ngay vào tâm thức Ki-tô viên mãn. Đối với những người có thiên hướng tâm linh, thời điểm sẽ đến trong đời họ khi tâm thức Ki-tô được sinh ra trong tâm họ. Đây là một kinh nghiệm nội tâm, qua đó dòng sống cảm thấy cuộc sống là nhiều hơn như vậy, thực tại là nhiều hơn như vậy, và bản sắc mình cũng nhiều hơn là tâm thức phàm phu bình thường.

Tâm thức Ki-tô mới sinh ra giống như một đứa sơ sinh mong manh và yếu đuối trên nhiều mặt. Thánh Paul hiểu điều này, và thày có mô tả một số người vẫn là trẻ sơ sinh trong Ki-tô. Lý do là vì ở khởi đầu, ý niệm tâm thức Ki-tô của dòng sống rất mỏng manh. Nó cần được bảo vệ, hỗ trợ, nuôi nấng. Lý tưởng nhất, giai đoạn này nên diễn ra trong một cộng đồng tâm linh nơi những người đã tiến bước xa hơn trên đường tu quả vị Ki-tô có thể hỗ trợ dòng sống. Tiếc thay, trong thế giới ngày nay, cả đạo Cơ đốc chính thống lẫn khoa học duy vật không thể cung ứng sự hỗ trợ và hiểu biết này, và do đó hầu hết mọi dòng sống đều phải gần như tự mình chiến đấu để vượt qua hoang địa của tâm thức loài người. Ta không mấy ưa sự thể này, và ta hy vọng tình trạng này sẽ thay đổi với sự xuất hiện của những cộng đồng tâm linh nơi mọi người có thể hỗ trợ nhau tăng triển trên đường tiến lên quả vị Ki-tô.

Trở về với các lễ hội Giáng sinh, ta không thấy lý do gì phải bãi bõ các lễ hội này. Ta không thấy lý do gì phải dời ngày lễ sang một ngày khác trong năm. Đó là một truyền thống đã ăn sâu vào văn hóa phương Tây, và nó có thể dễ dàng được chuyển hóa thành một trải nghiệm tâm linh rất sâu đậm.

Tuy vậy, ta nghĩ rằng Giáng sinh tại nhiều quốc gia đã trở nên thương mại hóa một cách không cần thiết và quá chú trọng đến thú vui vật chất, từ việc tặng quà cho đến ăn uống quá độ, thậm chí cả uống rượu rồi say chếnh choáng. Tất nhiên điều này không liên quan gì đến sự ra đời của tâm thức Ki-tô trong dòng sống. Thực tế thì ta không thấy chuyện này sẽ thay đổi được trong tương lai gần.

Tuy nhiên, đối với những ai sẵn sàng tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn, ta đề nghị nên phát triển một cách ăn mừng ít chú trọng hơn vào cuộc đời cũng như ngày sinh của ta, mà thực sự nhìn ra đó là một biểu tượng cho sự ra đời của tâm thức Ki-tô trong mỗi con người. Một khi con bắt đầu nhìn đứa bé Ki-tô không chỉ là đứa sơ sinh sẽ lớn lên thành nhân vật Giê-su, thì con đang đi đúng hướng. Khi đó, con sẽ thấy đứa bé Ki-tô đó là sự ra đời hồn nhiên của tâm thức Ki-tô trong mỗi dòng sống.

Như thế con có thể tạo ra một lễ mừng nhằm hỗ trợ cho dòng sống trải nghiệm được sự ra đời của tâm thức Ki-tô nơi chính mình, và con có thể mở rộng lễ mừng đó ra khắp cộng đồng của những người đang hỗ trợ lẫn nhau để bảo vệ và nuôi lớn tâm thức Ki-tô này cho đến khi nó trưởng thành.

Trong thế giới ngày nay, nhiều người đã đạt được một mức tâm Ki-tô rất cao, như ta đã có giải thích ở nơi khác. Do đó đối với họ, việc tâm thức Ki-tô trưởng thành sẽ không mất đến 30 năm mà sẽ ngắn hơn nhiều. Dù sao thì một lễ mừng tập trung vào sự ra đời của Ki-tô trong cá nhân dòng sống cũng sẽ là một nguồn cảm hứng to lớn sẽ giúp cho người đó nhận ra trong ý thức sự chứng đạt Ki-tô của mình. Nhờ thế họ có thể nuôi dưỡng đứa bé Ki-tô trong tâm họ cho đến khi nó trưởng thành và được biểu lộ hoàn toàn, là lúc dòng sống biến nước của tâm nhị nguyên thành rượu của tâm thức Ki-tô. Khi sự biến hóa này diễn ra trong một cá nhân, người đó sẽ không thể quay đầu lại được nữa, cũng như chính ta đã không thể quay đầu lại sau khi ta làm phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới ở Canaan.

Khi đó, dòng sống không còn có thể che được ánh sáng của mình nữa, và dòng sống sẽ bước tiếp để hoàn thành sứ vụ của mình. Điều này sẽ bao gồm cả việc thách đố những sự áp bức trong thế gian, nhưng tất nhiên là thời nay, không ai sẽ cần bị đóng đinh trên thập tự giá để thể hiện quả vị Ki-tô.

Cho nên ta khuyến khích mọi người hãy tiếp tục cử hành thánh lễ Ki-tô vào điểm ít ánh sáng nhất trong năm, nhưng hãy biến nó thành một lễ mừng sự ra đời của tâm thức Ki-tô trong mỗi dòng sống. Khi ta sinh ra cách đây 2000 năm, thánh lễ Ki-tô là sự ra đời của một đứa bé duy nhất mang sứ mệnh thể hiện tâm thức Ki-tô. Ngày nay, thánh lễ Ki-tô đã khoác lấy một ý nghĩa mới.

Sự tái lâm của Ki-tô thực sự có nghĩa là sự ra đời của tâm thức Ki-tô nơi hàng ngàn, hàng triệu con người trên hành tinh này. Khi điều này xảy ra, con sẽ có thể cử hành thánh lễ (mass) Ki-tô đích thực qua đó đông đảo quần chúng (mass) sẽ chiêm nghiệm sự ra đời của đứa bé Ki-tô trong tim mình. Ta có thể cam đoan với con rằng những sinh thể minh triết khắp cõi tâm linh sẽ tụ về để làm chứng cho sự ra đời này, và sẽ đem lại thật nhiều món quà tâm linh hầu thiết lập một ý thức cộng đồng mới giữa những sinh thể ở Trên và con người ở dưới.