41 | Con có tỉnh thức?

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama ngày 20/10/2006 qua trung gian Kim Michaels.

Phật TA LÀ. Gautama là tên của thày khi thày bước chân trên địa cầu. Và mặc dù thày vẫn mang tên đó, thày có một cái tên cao hơn mà một ngày thày sẽ tiết lộ cho con khi con sẵn sàng tiếp nhận được do con đã đạt tới sự hòa nhập cao hơn với tên gọi bên trong của con, với bản thể cao hơn mà con là.

Con yêu dấu, sau khi thày nhập Niết bàn và trở lại vũ trụ vật chất để giảng dạy, thày có gặp ba người đàn ông sửng sốt trước ánh hào quang an bình của thày. Họ sửng sốt trước Ngọn lửa Thượng đế tỏa sáng xuyên qua hình tướng vỏ ngoài của thày. Và họ hỏi thày là gì. Liệu thày có phải là một vị thần, một thiên thần, và một số câu hỏi khác nữa. Trong số các con có ai biết câu trả lời của thày hay không? Thày đã nói gì khi họ hỏi “Ông là gì?” [Cử tọa trả lời: “Ta là tỉnh thức!”] Đúng vậy, thày chỉ đơn giản trả lời: “TA LÀ tỉnh thức!” Vậy thì con yêu dấu, các thày, các chân sư thăng thiên, muốn thấy điều gì nơi học trò của mình còn đang đầu thai? [Cử tọa trả lời: “Muốn chúng con là tỉnh thức!”]  

Đúng vậy. Các thày muốn các con tỉnh thức như các thày đã trở nên tỉnh thức. Cho dù các thày đã đạt được nhận biết này sau khi thăng thiên hay trong khi còn hiện thân ở cõi vật lý, con có tiềm năng trở nên tỉnh thức ngay khi con còn ở trên trái đất. Và do đó con có khả năng thoát khỏi trạng thái ảo tưởng, trạng thái mộng du đi qua cuộc đời khi con có cảm tưởng cuộc sống là một chiếc máy chạy bộ và con cứ chạy tới và chạy tới nữa mà chẳng có vẻ tới đâu. Và cuộc sống dường như không có mục đích, không có phương hướng hay ý nghĩa gì sâu hơn. Con hãy nhìn nhân loại và tự hỏi: “Có bao nhiêu người trên hành tinh này đang tỉnh thức cho dù chỉ một chút, để ý thức được họ là nhiều hơn những gì họ đang kinh qua trong đời sống hàng ngày?” Chính nhờ nhận biết này mà họ có thể thưởng thức cuộc sống sâu sắc hơn.   

Khi con tỉnh thức, có cái ngộ cốt yếu con là nhiều hơn những biểu hiện vỏ ngoài đó. Con là nhiều hơn hoàn cảnh vỏ ngoài của con. Con là nhiều hơn cơ thể vật lý của con. Con là nhiều hơn lý trí thấp, nhiều hơn nhân cách vỏ ngoài đã bị thế gian nhào nặn. Con là nhiều hơn thế. Và điều gì xảy ra khi con biết mình là nhiều hơn? Phải, con không hoàn toàn đồng hóa với thế gian này nữa, với con người thế phàm, với nhân cách vỏ ngoài, thậm chí với cả tự ngã. Và khi con không hoàn toàn đồng hóa với nó nữa, tâm con sẽ không còn bị kẹt trong cái hộp tư duy mà tự ngã đã dựng lên. Và như vậy, ít nhất là đôi khi, con có thể bước ra ngoài hộp tư duy đó và nhìn cuộc đời với một tầm nhìn rộng lớn hơn. Con có thể nhìn toàn bộ bức tranh. Con có thể thấy toàn bộ khu rừng thay vì cứ đập đầu vào một gốc cây.

41.1. Chìa khóa của tự do không phải là thăng thiên

Và đó tất nhiên là chìa khóa của tự do. Chìa khoá của tự do không phải là con vĩnh viễn bỏ lại thân xác vật lý này trong tiến trình thăng thiên. Con yêu dấu, con có đang tỉnh thức? Con có nghe điều thày vừa nói không? Chìa khóa của tự do không phải là con bỏ lại vũ trụ vật chất trong tiến trình thăng thiên. Có vẻ như thày đang nói ngược lại giáo lý trước đây của các chân sư thăng thiên vốn chú trọng việc thăng thiên như là mục đích của cuộc sống. Vậy tại sao bây giờ thày lại nói rằng thăng thiên không phải là chìa khóa của tự do? Bởi vì con không thể thăng thiên nếu con không tỉnh thức.  

Trở nên tỉnh thức không phải là một tiến trình máy móc có thể đạt được qua một số quy luật, tín điều hay nghi lễ vỏ ngoài. Đó là một tiến trình sáng tạo chỉ có thể đạt được qua một sự tỉnh thức đã thể nhập, và do đó nó dẫn đến quyết định SỐNG tối hậu – một quyết định không do con chế tạo, không phải do ý chí mà có, mà một quyết định tự phát từ bên trong vì một ngày kia con quyết định là mình sẵn lòng tỉnh thức. Con sẵn lòng vượt ra khỏi trạng thái tâm thức mà con đã cư ngụ cho tới giờ. Con sẵn lòng vươn tới trạng thái nhận biết cao hơn khi một phần chú ý của con, một phần bản thể của con, một phần ý niệm bản sắc của con, luôn luôn đứng ngoài tình huống hiện thời, luôn luôn nhìn về toàn cảnh từ một tầm nhìn rộng hơn. Và do đó, con không bao giờ hoàn toàn nhìn cuộc sống từ bên trong hộp tư duy của tự ngã.

Sự nhận biết này sẽ không đến với con một cách tự động. Không phải là cứ ngồi thiền từng nấy tíếng đồng hồ mỗi ngày suốt từng nấy năm trời. Không phải là vấn đề tuân thủ bất cứ lễ nghi nào. Nói cho cùng, nhận biết này phải đến từ bên trong. Nhưng đây là một nhận biết có thể được trau dồi do con luôn sẵn lòng nhìn vượt khỏi tình huống trước mắt, luôn nhìn vượt khỏi hộp tư duy hiện thời của tự ngã, hầu con không đồng hóa hoàn toàn với cái hộp đó và bị mắc kẹt trong đó.

Sự nhận biết rằng mình hoàn toàn tỉnh thức là điều mà các thày mong muốn nhìn thấy nơi tất cả các con. Lý do là vì các thày đã trở nên tỉnh thức, các thày đã được tự do, và các thày cũng muốn tất cả các con đạt được cùng tự do này, cùng niềm vui, cùng trạng thái an lạc này. Đây là “an lạc vượt khỏi mọi hiểu biết,” vượt khỏi mọi điều kiện vỏ ngoài. Bởi vì nó không tùy thuộc vào bất cứ điều kiện nào trong thế gian. Bởi vì con nhận ra chìa khóa của an lạc là sự kết nối với nguồn cội của an lạc. Và nguồn cội của an lạc không thể tìm thấy trong thế giới vật chất, mà chỉ tìm được trong chính bản thể cao hơn của con mà từ đó ngọn suối của chính sự sống tuôn chảy vào con.

41.2. Niết bàn không phải là tịch diệt

Con yêu dấu, con đã không được sinh tạo hoàn toàn không có mục đích. Cuộc sống không phải là cái máy chạy bộ không dẫn tới đâu. Thày biết rất rõ là một số người theo thày – hay tự nhận là Phật tử – đã tạo ra một thế giới quan mà họ bảo là dựa trên lời dạy của thày, một thế giới quan cho rằng cuộc sống chỉ là một tiến trình sinh ra, nâng cao tâm thức tới mức của Phật, rồi nhập lại, tan biến trở lại vào Niết bàn nơi mình tịch diệt. À, đây là hư cấu của trí tưởng tượng con người, vì Niết bàn không phải là tịch diệt. Đó là một trạng thái sống cao hơn mà hầu hết mọi người trên trái đất không thể thấu rõ, cho nên đối với họ, nhập Niết bàn có vẻ như là tiêu tan, biến mất. Nhưng người nhập Niết bàn chỉ biến mất khỏi tầm mắt của những ai không tỉnh thức, những ai chưa vượt lên khỏi nhị nguyên mà thôi.

Con thấy đó, các giáo lý mà Mẹ Mary và Giê-su đã trao truyền về tự ngã và tâm thức nhị nguyên quả là giáo lý cốt yếu cho Thời đại Bảo bình. Bởi vì loài người đã sẵn sàng nhận ra sự hiện hữu của tự ngã, sẵn sàng hiểu ra bản chất của nhị nguyên – nếu được chỉ dạy nghiêm túc – cũng như cách nhị nguyên ảnh hưởng tư duy của con như thế nào, cách nó khiến con bị đui mù trước thực tại, cách nó trói chặt con vào cái máy chạy bộ khiến con phải không ngừng giao chiến với một thế lực đối nghịch, không bao giờ đạt được mục đích của mình, không bao giờ có thể đột phá và đến được nơi mình muốn đến trong cuộc sống.

Và lý do là vì con đã bị tự ngã và ông hoàng của thế gian lừa gạt, khiến con tin rằng an lạc của con, hạnh phúc của con nằm trong thế gian này. Và như vậy, con được dạy bảo là con phải đeo đuổi hạnh phúc đó và tìm nó trong thế gian. Bởi vì để đạt được hạnh phúc – họ bảo vậy – con phải khắc phục cái thế lực đối nghịch kia, và con đâm đầu vào giao chiến với nó, giao chiến với đối cực nhị nguyên ngược lại. Cuộc chiến này có thể kéo dài mãi mãi cho đến khi con hết thời hạn.

Bởi vì khi con tham gia trận chiến đó, quả thực con đang tạo ra kẻ đối đầu với con. Con tự phân cực mình ra để trở thành một trong hai đối cực nhị nguyên, con bị mất cân bằng, và con đánh mất trung đạo. Trong thế mất cân bằng này, con tạo ra lực chống chọi mỗi cố gắng của con. Vì con phóng chiếu ra một cái nhìn mất cân bằng vào tấm gương vũ trụ, nên tấm gương này không làm gì khác được là phóng chiếu trở lại cho con một tình huống vật chất cũng mất cân bằng như thế.

Cho nên tỉnh thức có nghĩa là con nhận ra cách vận hành của cuộc vật lộn nhị nguyên. Và con quyết định con sẽ nâng cao nhận biết của mình hầu con ý thức những lực nhị nguyên trong chính bản thể mình, những lực đang phân rẽ mình khỏi chính mình, phân rẽ cái ta thấp chống lại cái ta cao của mình. Và cứ như vậy trong sự phân rẽ này, con tạo ra những tình huống đối chọi lại mục đích của con.

Theo một nghĩa nào đó, đây là một ân huệ, vì đây là một cơ chế an toàn được cài sẵn trong vũ trụ vật chất. Giản dị mục đích của cơ chế này là khi con bị mất cân bằng, khi con đi trệch con đường trung đạo, chính sự mất cân bằng của con tạo ra một lực đối nghịch sẽ kéo con ngược trở về cân bằng. Cho nên con càng đi xa vào một cực đoan – càng cố đẩy để đạt được mục đích mà con đã đặt ra cho mình – thì con sẽ càng tạo thêm lực đối kháng sẽ chống lại nỗ lực của mình, tìm cách kéo con về trung điểm.

41.3. Ảo tưởng nhân đôi

Nhưng tất nhiên, con không nhìn thấy như vậy. Con không nhìn thấy là vũ trụ vật chất đang cống hiến cho con một dịch vụ bằng cách cố gắng tái lập cân bằng cho con. Nhưng không, con cho phép tự ngã bảo con rằng vũ trụ đang chống lại quyền lợi của con – là quyền tự do làm bất cứ gì mình muốn bất chấp vũ trụ vật chất, bất chấp định luật cân bằng. Không những con tạo ra sự mất cân bằng đã tạo ra chống đối, giờ đây con lại chống đối ngay cả sự chống đối mà con đã tạo ra. Và con phóng chiếu ra là con đã không tạo ra nó, mà có một thế lực bên ngoài – có thể là ác quỷ hay là người khác – đã tạo ra nó.

Thế là con phải chiến đấu trên hai mặt. Và từ hai mặt trận này, một mặt trận thứ ba sẽ dấy lên, và từ ba mặt trận đó sẽ dấy lên một mặt trận thứ tư. Chẳng bao lâu con bị bao trùm trong các trận chiến nhị nguyên đủ loại, đến độ con không còn chú ý nào sót lại để lùi về và tự hỏi: “Có cách nào hay hơn chăng? Có chăng một cách trung đạo? Có cách nào bước ra khỏi cái máy chạy bộ cứ khiến minh lao vào những trận chiến nhị nguyên, để mình tìm một con đường vượt lên trên tranh đấu?”

Đó là thông điệp chính qua cuộc đời của thày. Đầu tiên khi lớn lên, thày đã sống một cuộc đời thế tục, vật chất, rồi thày nhảy sang đối cực ngược lại, thày sống trong rừng, hành hạ xác thân vật lý vì thày tưởng cơ thể là kẻ thù và thày phải kỷ luật, kiểm soát nó. Sự thật mà đa số Phật tử chưa hiểu rõ là thày đã thực sự ngộ ra rằng cơ thể lẫn thế giới vật chất không phải là kẻ thù của sự phát triển tâm linh. Thày thấy được kẻ thù, và đó chính là thày, là cái ta thấp của thày, là tự ngã, là các dính mắc của thày. Đó là những kỳ vọng của thày rằng cuộc sống phải thế này hay thế khác.

Cho nên điều các thày thực sự muốn thấy nơi học trò của mình trong thời đại hôm nay là các con nhận ra điều đó, các con vượt lên trên cuộc vật lộn nhị nguyên ở ngay bản thân mình. Nhưng các thày không chỉ muốn điều này cho riêng con được lợi ích, không chỉ riêng con được an lạc hay giải thoát, mà vì trong thời đại hôm nay các thày cần có những người sẵn lòng chứng tỏ con đường tâm linh cho người khác được thấy.

Vậy làm thế nào chứng tỏ con đường tâm linh cho người khác? Cách cao nhất không phải là thuyết giảng hay truyền giáo qua những loại giáo lý trí thức vỏ ngoài. Không, cách cao nhất là con hãy là con người mà con là, con hãy tỉnh thức hầu con có thể tỏa rạng ánh sáng mà con là. Điều này không có nghĩa là con cần giữ im lặng, bởi vì thật sự chính thày đây cũng đã giảng dạy. Thày không chỉ đứng nói “TA LÀ tỉnh thức” rồi mặc kệ đó. Nhưng thuở xưa khi thày giảng dạy, thày đã không trình bày theo cách giáo lý được trình bày ngày nay 2500 năm sau, tức là những lời dạy đã được ghi xuống, được dịch tới dịch lui, được phiên âm qua phiên âm lại, và như vậy đã phần nào bị pha loãng, giống như bất kỳ giáo lý nào phải đi qua tâm trí của rất nhiều người vẫn còn vô minh.

41.4. Truyền rải Lời Hằng sống

Không, điều thày truyền rải là Lời Hằng sống được phú cho Ngọn lửa của Thượng đế, được phú cho Bản thể Nội tâm của thày. Thày mong muốn tất cả các con có thể truyền rải Lời Hằng sống này. Và thày không muốn nói là con phải đứng đó trước mặt nhiều người, đọc lên bài truyền đọc của các chân sư. Thày muốn nói là khi con nói chuyện với người khác, dù qua một bài giảng hay một cuộc đối thoại thân mật, con hãy nói ra một cách tự do từ Bản thể Nội tâm của mình. Con hãy để cho ánh sáng của mình tuôn ra, hầu lời nói không phải là chủ yếu, mà lời nói chỉ đơn giản là chén thánh chứa đựng ánh sáng.

Lời nói chuyên chở ánh sáng, đi vào trường năng lượng của người kia, nâng họ lên và chuyển hóa họ. Và đột nhiên họ ngộ ra là có một trạng thái tâm thức khác hơn là tâm thức mộng du xuyên qua cuộc sống, vì họ thấy được trong con một cái gì nhiều hơn. Họ thấy là con tỉnh thức, con hào hứng, con hăng hái, con là con người mà con là, con an bình. Họ cảm thấy được sự an lạc nơi con và họ nói: “Tôi cũng muốn như vậy!” Và con có thể nói với họ: “Bạn cũng có thể có được như vậy. Và nếu bạn cho phép tôi gợi ý, đây là con đường tôi đã đi theo. Con đường của bạn sẽ khác con đường của tôi, nhưng ít ra bạn có một khởi điểm.”

Tất cả các con sẵn lòng học hỏi và thể nhập những giáo lý này đều có tiềm năng đạt đến trạng thái đó, trạng thái tỏa rạng ánh sáng nội tâm, làm gương cho con đường tâm linh, con đường tự thăng vượt, con đường trở nên hơn nữa. Thật sự các chân sư thăng thiên có khả năng nâng cao độ rung của một lực trường, và đó là một trong những lý do các thày đã ban ra những bài truyền đọc là sự biểu lộ của Lời Hằng sống. Nhưng chính con cũng có thể làm được. Chính con cững có thể là cánh cửa mở để nâng cao rung động, gia tốc mọi người, nâng cao tâm thức của họ, hầu họ nhận ra sự sống thực sự là nhiều hơn thế. Và họ nghĩ, nếu anh ấy, nếu chị ấy đã tìm được thì có thể tôi cũng sẽ tìm được.

Vì như các thày có nói trước đây, Giê-su, Gautama, Krishna, Maitreya, Mẹ Mary, Saint Germain, El Morya, các thày không phải là tấm gương tốt nhất cho mọi người đâu, bởi vì họ đã đặt các thày lên bệ cao rồi và họ nghĩ các thày vượt ngoài phạm vi bình thường của con người. Cho nên họ không nghĩ là họ có thể noi theo gương các thày. Vì vậy mà các thày cần đến các con để chứng tỏ con đường tâm linh, hầu họ có thể tự nhận diện qua con, họ thức tỉnh, họ nhận được cảm hứng từ con, và họ được nâng lên chỉ do sự hiện diện của con. Bởi vì đây chính là hiện diện, là Hiện diện TA LÀ. Hiện diện nâng lên, thăng hoa, gia tốc, sinh sôi, để vốn liếng tâm linh của họ được nhân lên và họ trở nên hơn nữa.

Vì vậy con yêu dấu, các chân sư rất cần con làm đối tác cho các thày trong cõi vật chất, làm ngọn lửa tâm linh sinh đôi của các thày, làm cánh cửa mở ở dưới này cho ánh sáng lớn hơn của các thày có thể chiếu xuyên qua. Ánh sáng sẽ nâng cao những ai chưa nhìn ra một cách sống khác hơn là cuộc mộng du qua nguyên một kiếp mà không bao giờ được nếm một giây phút tỉnh thức để thực sự thưởng thức cuộc đời.

41.5. Khắc phục trọng tâm vào chính mình

Tuy nhiên như Mẹ Mary có nói, hầu đạt được trạng thái này, con phải vượt qua sự tập trung vào ngã, cái ngã nhỏ nhoi, cái ngã hẹp hòi, cái ngã đựng trong hộp. Con phải trau dồi một tình yêu lớn hơn. Con phải tìm ra tình yêu lớn nhất của con, tình yêu đã là lý do con đến đây vào thuở ban đầu – là món quà mà con đã muốn trao tặng trái đất. Đó là món quà mà con thật muốn tỏ lộ, và mong muốn của con mãnh liệt – tình yêu đối với món quà này mãnh liệt – đến độ con sẵn lòng đến đây để biểu lộ món quà đó.

Nếu con muốn tỉnh thức, con phải nối kết lại với tình yêu lớn đó và để cho nó lớn thêm, hầu nó trở thành một thỏi nam châm sẽ hút con ra khỏi trạng thái khổ nhọc, mộng du bình thường của con. Và con tỉnh thức bởi vì con yêu mến tỉnh thức, con yêu mến cảm giác có dòng ánh sáng tuôn chảy qua con. Con yêu mến sự hưng phấn nơi người khác khi họ được ánh sáng nâng lên. Con yêu mến cảm giác mình là một phần của các chân sư thăng thiên cũng như nỗ lực nâng cao tâm thức loài người của các thày.

41.6. Cái bẫy của tự ngã biến đường tu thành cuộc chiến

Tất nhiên có nhiều cái bẫy mà tự ngã đã chế tạo để ngăn con nối kết lại với tình yêu lớn của con. Một trong những cái bẫy thuộc loại tinh vi là đặt ra một kỳ vọng thiếu thực tế về con đường tâm linh phải như thế nào, để khiến con đeo đuổi đường tu một cách mất cân bằng, và như thày đã giảng, con tạo ra chính thế lực sẽ chống lại con. Đường tu của con thay vì trở thành một tiến trình càng ngày càng tự do giải thoát, thì nó biến thành một cuộc vật lộn liên tục càng ngày càng gian nan, cho tới khi rốt cuộc con vỡ tan trước áp lực, con đầu hàng và nói: “Tôi sẽ không bao giờ muốn dính dáng tới chuyện này nữa.”

Nếu con thành thật, con sẽ thấy rất nhiều người tâm linh đã trải qua quá trình này – họ bị nỗi căng thẳng bẻ gẫy và họ bỏ cuộc trên đường tu. Hay là họ quyết định đó là mức họ cảm thấy thoải mái, là mức họ muốn ở lại để phục vụ và không muốn lên cao hơn. Một số những người này có một câu nói mà con sẽ nghe thấy rất thường nếu con lắng nghe. Và câu đó là: “Tôi không cần thêm một sứ giả, tôi không cần thêm một đạo sư, tôi không cần thêm một tổ chức tâm linh nào nữa, tôi không muốn nếm mùi chuyện này một lần nữa.”

Con yêu dấu, các chân sư thăng thiên hoàn toàn đồng ý với cảm nhận “không bao giờ nữa” vì các thày không muốn bất cứ ai phải lặp lại chu kỳ biến con đường tâm linh thành một chiến trường như thế. Các thày không muốn thấy bất cứ ai lặp lại sai lầm của mình. Nhưng thày phải nói cho con, đằng sau câu “Tôi không cần thêm một sứ giả, đạo sư, tổ chức hay giáo lý nào nữa”, đằng sau câu đó là điều Mẹ Mary lẫn chính thày đã đề cập, đó là tính vị kỷ, đặt trọng tâm vào bản thân mình.  

Con hãy nghe câu nói: “Tôi không cần”. Tất cả xoay quanh chữ “tôi”. Tất cả là về cái “tôi”. Vì những người này đã trở thành vị kỷ. Và như vậy, mục đích con đường tâm linh của họ, của sự tham gia vào một phong trào tâm linh, không phải để vượt khỏi sự vị kỷ và phụng sự mọi sự sống. Không, mục đích của họ là tôn vinh cái tôi thấp kém, bào chữa cho cái tôi thấp kém, và đạt được gì đó sẽ khiến họ có vẻ cao quý hơn người khác bởi vì họ đã làm tất cả những thứ tâm linh kia rồi.

Nếu con sẵn lòng thành thật, con sẽ thấy tính vị kỷ là kẻ thù thực sự của sự tăng triển tâm linh. Nhưng vẫn không bảo đảm là bằng cách đi theo một giáo lý tâm linh vỏ ngoài – ngay cả một giáo lý chân truyền của chân sư thăng thiên – không có gì bảo đảm là giáo lý vỏ ngoài này sẽ đưa con vượt khỏi tính vị kỷ. Bởi vì điều duy nhất sẽ đưa con vượt khỏi là quyết định con sẽ sẵn lòng vượt lên trên nó, con sẵn lòng tỉnh thức.

41.7. Con có quyền LÀ trên địa cầu

Chắc chắn con sẽ bị một số người chối bỏ. Chắc chắn con sẽ bị người khác lên án. Chắc chắn người ta sẽ bảo là con không được phép làm vậy, con không được phép thương yêu và nhân từ, không được phép bình an, không được phép hạnh phúc, không được phép an lạc. “Ơ kìa, bạn nghĩ bạn là gì trong thế giới này nơi mọi chuyện đều nghiêm trọng và ai ai cũng phải vật lộn không ngừng, mà bạn lại tới đây, tỏa rạng sự an bình đó và tình thương đó và ánh sáng đó? Bạn đang quấy rầy những người đã đồng hóa với cuộc vật lộn nhị nguyên đến độ họ tin là không có cách sống nào khác.” Và như vậy con đã đến và tỏa ra tình yêu này, và họ nhận ra là quả thực họ có một chọn lựa khác, nhưng để có được tình yêu này, họ sẽ phải bỏ hộp tư duy của họ.

Và họ sẽ oán con. Nhưng con yêu dấu, đó là một phần của thử thách. Chính vì con đã để cho người khác khiến con ngừng tỏa rạng ánh sáng mà con đã rời bỏ con đường tự thăng vượt đích thực, con đường trở nên hơn nữa. Và như vậy nhiều các con, những người tâm linh, đang phải đối mặt với cuộc điểm đạo này một lần nữa.

Liệu con sẽ để cho người khác – cho dù là gia đình, là đồng môn cũ của con trong cùng tổ chức tâm linh, hay là thế giới nói chung – liệu con sẽ để họ ngăn con tỏa rạng ánh sáng? Hay cuối cùng con sẽ trở thành vầng thái dương và cho phép ánh sáng của mình tỏa rạng bất chấp thế giới có nghĩ gì hay nói gì? Bởi vì rốt cuộc cho dù thế giới có nói gì đi nữa, con có quyền ở trên trái đất này, và trên trái đất con có quyền LÀ tất cả những gì con là ở Trên, con có quyền để cho ánh sáng chiếu rọi, có quyền làm chứng cho sự thật của con.

Con có nghe thày nói không? Con có quyền LÀ Ki-tô, LÀ Phật, LÀ Ngọn lửa Thượng đế của con. Con có quyền tuyệt đối mà Thượng đế đã ban cho con. Và những ai chống đối con và không muốn con quấy rầy họ, thì họ không có quyền xưng như vậy vì họ đã vi phạm quyền tự quyết của họ và đang tìm cách lôi kéo người khác cũng vi phạm như họ.

Quyền tự quyết không cho họ quyền tiêu diệt người khác. Đây chính là điều mà những kẻ bị kẹt trong tâm thức sa ngã sẽ không nhận ra. Họ tuyệt đối không có quyền giết hại những người làm chứng cho ánh sáng. Họ không có quyền giết hại về mặt tình cảm để khiến những người đó phải tắt ngọn đèn của mình đi, hay cảm thấy tủi hổ đến độ không dám tỏ lộ điều gì vượt ngoài những chuyện tầm thường.    

Con thấy đó, con có quyền LÀ ở đây. Con có quyền khuấy động người khác. Và họ có quyền bị khuấy động để họ bắt buộc phải đối mặt với chọn lựa này: Là hay không Là. Và cho dù họ có phủ nhận chuyện đó – phủ nhận mình Là, cái Là mà họ thấy nơi con – thì kết quả vẫn sẽ đạt được, và một tiến trình vẫn sẽ khởi sự trong cái Là của họ. Và thày phải nói với con, trong nhiều trường hợp khi một dòng sống gặp được một người có ánh sáng tâm linh rồi phủ nhận ánh sáng đó, thì cho tới nhiều kiếp sau họ sẽ không quên được trải nghiệm này. Và trải nghiệm này sẽ quay trở lại, ám ảnh họ cho tới ngày họ sẵn sàng nhìn vào lý do tại sao họ đã giận dữ đến thế. Và quả thực một khi họ nhìn vào, nhiều người đã có thể vươn lên cao hơn và khởi sự bước chân trên con đường tâm linh. Tất cả chỉ vì trong một quá khứ xa hay gần, họ đã gặp được một người cả gan tỏ lộ ánh sáng.

41.8. Con không thể mất gì khi chia sẻ ánh sáng

Con đang gieo hạt giống đó. Có khi hạt giống này phải nằm dưới đất rất lâu trước khi nảy mầm, và có những hạt giống sẽ rơi trên đất cằn, không bao giờ được dịp nảy mầm. Nhưng thày nói với con, khi con để cho ánh sáng của con tỏa rạng thì không có cuộc gặp gỡ nào là vô ích đâu con. Bởi vì ít nhất, dù phản ứng người kia là gì, một khi con biểu lộ ánh sáng với tình thương không dính mắc thì con cũng đã khép lại hình số 8 thành một dòng chảy toàn vẹn. Và ánh sáng của con sẽ được nhân lên, và con sẽ nhận được thêm ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con khiến cho mặt trời trong tim con càng rực rỡ hơn nữa.

Khi con Là cái con là, khi con biểu lộ ánh sáng mà không dính mắc, không áp đặt bất cứ lý luận trí thức nào hay quy tắc hay hạn chế nào, thì con không bao giờ có thể vứt ánh sáng của mình cho heo ăn. Con không bao giờ có thể phí phạm ánh sáng đó. Bởi vì ánh sáng được trao ra với tình thương thuần khiết không thể trở ngược về con với một rung động thấp hơn, dù cho người kia có làm gì, dù họ có làm tha hóa một phần ánh sáng mà con cho họ. Đó là chọn lựa của họ. Đó là nghiệp của họ. Nếu ý định của con trong sáng, con sẽ không tạo nghiệp tiêu cực. Con sẽ tạo nghiệp tích cực và ánh sáng của con sẽ nhân lên gấp bội. Bởi vì quả thực, Thượng đế không phải là một ông chủ bất công, Thượng đế sẽ không trừng phạt con khi con làm việc tốt và những việc tốt lành này được thực hiện một cách vị tha, không dính mắc.

Rồi một ngày con sẽ đạt đến một trạng thái tự do, sẵn lòng là con người mà con là. Con thăng vượt tầng mức nhị nguyên là tầng mức nơi con có thể lầm lỗi, nơi có những hành vi đúng và những hành vi sai. Thay vào đó, con vươn lên tới mức, một mức cao hơn, nơi cái đúng không còn ngược với cái sai. Và như vậy hành động của con không thể nào lầm lẫn bất kể những gì xảy ra bên ngoài. Hành động chia sẻ ánh sáng của con, để cho ánh sáng tỏa rạng, không thể nào lầm lỗi. Bởi vì con đã “liệng bánh của mình nơi mặt nước,” cho nên nó sẽ không quay trở lại như con số không, mà nó sẽ quay trở lại với con nhiều hơn gấp bội. Nó được nhân lên bởi Hiện diện TA LÀ của con cũng như bởi các chân sư thăng thiên mà con là một nối dài.

41.9. Làm thế nào trở nên tỉnh thức

Con yêu dấu, trở nên tỉnh thức không phải là chuyện tìm ra thuốc tiên hay một công thức bí mật. Đó là một tiến trình, và cốt lõi của tiến trình này là tự quán sát, là sẵn lòng nhìn vào chính mình, nhìn vào cái xà trong mắt mình thay vì chú tâm vào cái giằm, cái hạt bụi trong mắt người khác. Bởi vì khi con sẵn lòng tự quan sát mà không dính mắc, không chỉ cố thấy những gì tự ngã muốn con thấy, thì con đã bắt đầu tách mình ra khỏi tự ngã cùng những ảo tưởng của nó.

Sự tách rời này là chìa khóa cho một nhận biết cao hơn, là nhận biết cao hơn về chính mình, qua đó con nhận ra con là nhiều hơn cái ngã nhỏ nhen đang sống trong cái hộp nhỏ xíu, chỉ chú trọng đến bản thân và cho rằng toàn bộ vũ trụ phải ở đó để phục vụ cho nó. Thay vào đó, con nhìn vượt khỏi ngã và bắt đầu nhìn thoáng thấy cái Ta Cao mà con là. Và điều này sẽ kết nối con lại với tình yêu lớn hơn mà con là, tình yêu mà con đã đến trao cho địa cầu.

Và bỗng nhiên, con bắt đầu ngộ ra là mặc dù cuộc sống có những lúc thăng trầm, nhưng đằng sau dáng vẻ bề ngoài luôn có một thực tại thâm sâu. Trong thực tại thâm sâu này, con thấy cuộc sống trên địa cầu là một cơ hội tuyệt diệu, một món quà tuyệt diệu – một cơ hội tuyệt diệu để biểu đạt chính mình, biểu đạt sự sáng tạo của mình, biểu đạt bản thể nội tâm của mình, và đồng thời nâng cao mọi người khác, tái lập thái cực của cả hành tinh cho phù hợp với viễn quan cao nhất của Thượng đế.

Thỉnh thoảng con hãy dành ra một chút thì giờ bước ra ngoài cuộc sống bận rộn hàng ngày để suy ngẫm về cơ hội tuyệt vời được sống trong một cơ thể vật lý trong vũ trụ vật chất này. Hãy nhìn xa hơn tình cảnh hàng ngày của con. Hãy nhìn xa hơn thử thách của mình. Thày cũng biết đôi khi những khó khăn này rất lớn, hay ít ra chúng có vẻ có chút thực tế. Nhưng thỉnh thoảng con hãy nhìn xa hơn và thấy rằng đằng sau mỗi thử thách là một cơ hội để con tự thăng vượt. Và khi con tìm sự tự thăng vượt, con sẽ không còn nghĩ mình là tác nhân phải giải quyết tất cả mọi vấn đề mà con biết tâm vỏ ngoài không thể nào giải quyết. Thay vào đó, con sẽ trầm mình vào dòng chảy, để cho ánh sáng của Hiện diện TA LÀ chảy xuyên qua con, và ánh sáng này sẽ làm tan biến những vấn đề dường như không có cách nào vượt qua với tâm vỏ ngoài.

Và như vậy khi con dành thời gian để thưởng thức cuộc đời, thì cuộc đời sẽ trở nên dễ thưởng thức hơn cho con. Và cuộc đời sẽ không còn là cuộc vật lộn nhị nguyên nơi con phải liên tục giao chiến với các thế lực chống đối. Đời con sẽ trở thành điều mà tất cả các thày đều muốn chứng kiến nơi con, là một vòng xoắn ốc hướng thượng. Nó cho con càng ngày càng nhiều tự do, cho đến khi cuối cùng con sẽ đột phá và đạt được sự không dính mắc toàn vẹn là chìa khóa đích thực của an bình và cực lạc.

41.10. Tiến trình tiết lộ tuần tự

Thày cũng như tất cả các chân sư còn nhiều điều khác nữa để nói. Vì các thày đang ở trong Dòng sông sự Sống, và trong Dòng sông sự Sống thì sự tự thăng vượt quả là bất tận, vô hạn. Vì vậy giáo lý của các thày cũng không ngừng thăng vượt, không ngừng vượt khỏi mọi cách diễn đạt cũ. Con yêu dấu, con thấy đó, giáo lý vỏ ngoài không quan trọng lắm đâu, mà trái lại dòng ánh sáng chảy xuyên qua giáo lý vỏ ngoài mới quan trọng. Con đừng biến giáo lý vỏ ngoài của các thày thành những hình tượng khô chết mà con cứ phải bám lấy do lòng chung thủy đặt không đúng chỗ – vì con tưởng rằng con phải chung thủy với các thày bằng cách bám chặt vào giáo lý vỏ ngoài mà chính các thày đã thăng vượt.

Làm sao con có thể chung thủy với các thày mà cứ bám vào quá khứ? Cách duy nhất để chung thủy với các thày là bước tới cùng với các thày, là tự thăng vượt, là trở nên hơn nữa khi các thày cũng trở nên hơn nữa. Cho dù qua giáo lý vỏ ngoài hay qua cảm hứng mà con nhận được từ một sứ giả vỏ ngoài, hay hoàn toàn qua một tiến trình nội tâm – tức là con nhận được Lời Hằng sống ngay trong tim mình – thì điều quan trọng là con xuôi chảy.

Các chân sư thăng thiên không thể bị nhét vào bất cứ hộp tư duy nào mà tự ngã con người hay bất cứ ai trong thế gian tạo ra. Các thày chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chui vừa những cái hộp đó! Con thử nhìn cuộc đời các thày mà xem. Đạo Phật không phải tự dưng mà xuất hiện. Đạo Phật là nỗ lực của thày nhằm lay chuyển hộp tư duy do Ấn giáo tạo ra vốn giam chặt con người trong một khuôn khổ vỏ ngoài xơ cứng, tước mất quyền tự do Là của họ. Cuộc đời của Giê-su là một nỗ lực nhằm lay chuyển hộp tư duy của đạo Do Thái, lay chuyển người đạo Do Thái ra khỏi những hộp tư duy do chính họ tạo ra dựa theo lời dạy và tấm gương của Abraham lẫn của Moses – mặc dù cả hai vị này đã sẵn lòng vượt khỏi chính hộp tư duy của mình, bỏ lại cái cũ để vươn tới miền đất mới, không phải là một vùng đất vật lý mà là một trạng thái tâm thức.

Có khó lắm không để hiểu rằng tất cả mọi thứ trong một giáo lý tâm linh đều là biểu tượng cho một sự thật cao hơn? Có khó lắm không để nhận ra sự thật này, và từ đó thoát khỏi động lượng, một động lượng ở quy mô hành tinh, cứ chú tâm vào ngôn từ vỏ ngoài thay vì vượt khỏi ngôn từ để chạm được Tánh linh của Sự thật, chạm được Phật Hằng sống, Ki-tô Hằng sống, chứ không phải là Phật chết hay Ki-tô chết đã bị thâu tóm trong ngôn từ, trong các hình ảnh bất di bất dịch?

Con yêu dấu, đó là sự thật cốt lõi mà các thày mong muốn toàn bộ nhân loại hiểu được – ít ra mười phần trăm trên cùng gồm những người tâm linh nhất. Các con cần hiểu là có một thực tại thâm sâu vượt khỏi mọi cách diễn tả vỏ ngoài, có một chân lý tâm linh vượt khỏi mọi cách diễn đạt chân lý. Nếu con muốn thày gợi ý một sứ vụ cho đời con, con hãy chọn sứ vụ này – đem sự thật đó ra ngoài và giúp bất cứ ai con gặp thấy được rằng sự thật là nhiều hơn cách biểu đạt vỏ ngoài. Và cái nhiều hơn này là khi con vươn tới Tánh linh Sự thật, cho đến khi con nhập một với Tánh linh, với cái ta cao hơn của con, và trở thành cánh cửa mở cho Tánh linh chảy xối qua lời nói của con.

Con hãy lấy đó làm mục đích đời mình – trở thành cánh cửa mở cho Tánh linh Sự thật, hay Tánh linh Tình thương, hay Tánh linh Hòa bình, hay Tánh linh Chỉ đạo Thiêng liêng, hay Tánh linh của bất cứ phẩm cách nào của Thượng đế mà tình yêu lớn hơn của con đã phóng con vào vũ trụ vật chất này để mà biểu hiện, để con đem lại món quà sẽ nâng cao mọi người ra khỏi trạng thái không nhận biết – là trạng thái mà Giê-su gọi là chết, tức là chết tâm linh.

Thày cũng biết các con vẫn còn một xác thân vật lý đang bị vấn đề nghiêm trọng với cái ghế ngồi đau lưng, cho nên thày sẽ tự giới hạn và không nói nhiều hơn. Thày chỉ nói giản dị là buổi chiều hôm nay, trên cõi tâm linh không có một sinh thể thăng thiên nào nhìn xuống buổi nói chuyện này mà không cảm thấy một niềm vui to lớn. Bởi vì trong cách phát biểu tự do, cách chia sẻ hòa hợp, các con đã đạt được trạng thái từng có mặt nơi trường bí giáo của Maitreya, là trạng thái kết hợp, là chìa khóa đích thực của học hỏi, của tăng trưởng, của sự vươn cao.

Các thày nhìn xuống buổi họp mặt hôm nay với nỗi hân hoan vui mừng. Và các thày mong đợi những ngày sắp tới. Các thày hy vọng các con sẽ duy trì được Tánh linh này mà nếu con nghĩ sâu hơn, đó chính là tinh thần hồn nhiên của trẻ nhỏ. Nếu tất cả các con có thể trở thành như trẻ nhỏ thì Giê-su sẽ hiện ra và nói chuyện với các con vào ngày chủ nhật này. Bởi vì Giê-su từng nói: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở, vì Nước Trời như thế đó.” Vì vậy con hãy sẵn sàng bước vào sự hồn nhiên của trẻ nhỏ, mở tâm ra cho sự thật cao hơn, cho sự chỉ đạo nội tâm sẽ dẫn dắt cuộc đời cá nhân của con, dẫn dắt công việc phụng sự mà cái ta cao của con mong muốn đem lại cho nhân loại xuyên qua con. Vậy thày chào từ giã và chúc các con ngủ ngon!