Bài giảng của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 31/12/2020.
TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Địa cầu là gì? Địa cầu là gì? Địa cầu, tất nhiên, có thể mô tả bằng nhiều cách, nhưng một cách là coi địa cầu là một cuộc trình diễn như khi con đi xem phim hay xem kịch vậy. Nhiều người thời nay có internet, có truyền hình và phim ảnh, hiếm khi nào đi xem một vở kịch biểu diễn sống, và một số bạn trẻ thì chưa bao giở. Trong số các con nếu đã đi xem kịch nghệ đều biết rằng có những lúc diễn tiến vở kịch thay đổi đột ngột, có biến chuyển bất thần xảy ra trên sân khấu và bỗng nhiên con nghe thấy khắp cử tọa ồ lên một tiếng vì mọi người đều phản ứng đồng loạt với nhau.
Điều này cho con thấy tất cả khán giả đều bị lôi cuốn vào vở kịch đến độ họ quên bẵng mất là chỉ trước đó không lâu, họ đã sửa sọan ở nhà, tắm gội sạch sẽ, cạo râu chải đầu, mặc quần áo, lái xe đến rạp hát, đậu xe bước vào, đưa áo choàng cho người ta giữ, ngồi vào ghế, nhìn quanh xem có ai cũng đang đi xem kịch như mình, và vẫn tiếp tục lo nghĩ đến những công chuyện khác trong ngày. Nhưng khi vở kịch bắt đầu, mặc dù họ biết mọi diễn biến trên sân khấu đều là giả bộ, rằng đó chỉ là một câu chuyện gì đó do một kịch gia nào đó viết ra có thể là hàng trăm năm trước – họ vẫn từ từ bị lôi cuốn vào, rồi họ dồn hết tập trung tâm trí vào buổi trình diễn đến nỗi họ quên mất tất cả mọi chuyện khác. Họ quên hẳn lý do nào đã khiến họ vào đây ngồi, quên hẳn cuộc đời của họ ở ngoài rạp, và bây giờ họ bị cuốn hút vào những gì xảy ra trên sân khấu, và đó là lý do tại sao khi có biến chuyển ly kỳ trong vở kịch, họ đều phản ứng đồng loạt như thể một người.
Con yêu dấu, đó là địa cầu đấy con. Ở khởi thủy, tất cả các con đều biết mình bước vào nơi đâu, tại sao các con bước vào đây để làm gì, các con biết rõ đây chỉ là cái máy giả thực tại, như ta đã từng gọi là như thế. Nếu con nhìn hành tinh hôm nay, con sẽ thấy là hầu hết mọi người, tuyệt đại đa số mọi người, đều giống như những khán giả kia ngồi trong rạp hát, quên hẳn họ đến từ đâu, quên hẳn là có một thế giới khác ở ngoài rạp hát. Họ quên mất là đang có những sự kiện khác đang xảy ra, rằng điều mà họ theo dõi chỉ là một câu chuyện đang biểu hiện ra trên sân khấu. Họ đã bị cuốn hút vào vở kịch, vào buổi trình diễn. Thay vì xem buổi trình diễn là một cái gì có thể giúp họ thăng tiến trong hiểu biết và chuyển vọt tâm thức mình, thì họ xem đó là sự thực, là thế giới thực, và mọi diễn biến trên sân khấu là những sự cố có thực.
Phải, ta biết là khi ta nói như vậy, và dĩ nhiên là ta cố tình nói vậy, nhiều người trong số các con sẽ có phản ứng. Họ sẽ nói, “Thày bảo con là thế gian không có thật, nhưng hàng triệu người đã bị nhiễm vi-rút corona trong năm vừa qua, nhiều người đã chết, không lẽ tất cả đều không thực hay sao?” Dĩ nhiên là không phải vậy! Khi con trong rạp hát, đó là một sân khấu, và trên sân khấu có người ta. Những người này đều thực. Họ có thể đang mặc trang phục trình diễn và hóa trang, nhưng họ là những người thực đang đóng một vở kịch.
Khi ta bảo những người kia đã quên là nó không thực, ta muốn nói họ đã quên là họ không phải là những con người, mà là sinh thể tâm linh. Các con hiện diện ở đây để trải nghiệm một cuộc trình diễn đang được biểu hiện trên địa cầu. Những gì xảy ra trên hành tinh có thể thực từ một góc cạnh nào đó, nhưng con không là một con người, con là một sinh thể tâm linh, con đang ở đây để có một trải nghiệm hầu chuyển đổi tâm thức mình. Tất cả mọi thứ xảy ra trên địa cầu chỉ là chuyện xoay chuyển tâm thức của con.
Khi Shakespeare ngồi vào bàn viết kịch, ông không có ý muốn giải trí người ta đâu. Ý của ông là xoay chuyển tâm thức người xem. Ông không đang tìm cách khiến cho người ta tin là có một Hoàng tử xứ Đan Mạch tên là Hamlet vì ông thừa biết là không bao giờ có người này. Ông chỉ muốn dẫn cử tọa qua một cốt truyện có khả năng chuyển đổi tâm thức của họ, và trái đất này cũng thế, trái đất chỉ là vậy thôi. Ta biết, điều này nghe có vẻ vô cảm khi nhiều người coi năm 2020 vừa qua là một năm đầy khó khăn.
Đương nhiên là năm qua đã vô cùng khó khăn cho nhiều người – các thày đâu có đui mù. Nhưng có điều, cái gì đây sẽ làm giảm bớt nỗi khó khăn của mọi người? Cái gì sẽ giúp cho mọi người đương đầu dễ dàng hơn? Có phải chỉ là chuyện an ủi và nói với họ là năm rồi quả là một năm tồi tệ? Hay là phải cho họ một góc nhìn khác? Vì các thày là chân sư thăng thiên, vai trò của các thày là gì? Vai trò các thày là cho mọi người một góc nhìn khác, đó là lý do duy nhất mà các thày có mặt trên hành tinh này. Các thày có mặt ở đây là để nhắc nhở mọi người rằng mặc dù các con sinh sống trên hành tinh trái đất, mặc dù các con đều có một xác thân vật lý bị tổn thương do những gì đang xảy ra, nhưng các con không thể bị định nghĩa bởi cõi vật chất, bởi xác thân vật lý, bởi ngoại tâm của con. Con là nhiều hơn tất cả những thứ đó.
Điều này thực sự có nghĩa là gì? Thực sự có nghĩa là trong bản chất, con là cái mà ta gọi là tính nhân bản cốt yếu, là tiềm năng cho con vượt lên trên những trải nghiệm vỏ ngoài. Đâu là cốt lõi của tiềm năng này? Là cái phần của tâm con mà ta gọi là cái Ta Biết, hoặc con có thể gọi bằng bất kỳ tên nào con muốn, nhưng trong tâm con có một thành phần cho con cái khả năng, cho con quyền năng dừng lại và nói: “Tất cả những ý tưởng quấy phá đó, hãy ngừng lại.”
- Tôi sẽ lùi ra khỏi tình trạng ngoại cảnh trên địa cầu.
- Tôi sẽ lùi ra khỏi tình cảnh của riêng tôi.
- Tôi sẽ lùi ra khỏi xác thân tôi và mọi điều làm nó tổn thương.
- Tôi sẽ lùi ra khỏi cảm thể của tôi và mọi rối loạn ở đó.
- Tôi sẽ lùi ra khỏi trí thể của tôi và mọi ý tưởng về những điều tôi phải nghĩ, phải hiểu, phải biết.
Tôi sẽ lùi ra khỏi bản sắc thể của tôi và mọi xu hướng tự xem mình là một con người do ngoại cảnh định đoạt.
Tôi sẽ lùi ra cho tới khi tôi chiêm nghiệm – tôi kết nối được với cái phần của chính tôi, Hiện diện TA LÀ của tôi, cái ta tâm linh của tôi, là phần biết rõ và chưa bao giờ quên là nó không do trái đất này định đoạt.
Đây là bản chất nhân bản cốt yếu của con, cái thực chất nhân bản mà qua đó con có thể lùi lại một bước, có thể kết nối, có thể chiêm nghiệm rằng:
- Tôi là nhiều hơn thế này.
- Tôi là nhiều hơn những gì đang xảy ra trên địa cầu.
- Tôi là nhiều hơn những gì đang xảy ra trong xác thân tôi.
- Tôi là nhiều hơn sự rối loạn trong cảm thể của tôi.
- Tôi là nhiều hơn những ý tưởng trong trí thể của tôi.
- Tôi là nhiều hơn ý niệm bản sắc vỏ ngoài hay bản sắc làm người của tôi.
- Ta là.
Và con không cần thêm bất cứ gì sau hai chữ “ta là”. Con có thể chứng nghiệm TA LÀ. Tôi có cái là. Tôi có nhận biết. Tôi có tự nhận biết.
Tự nhận biết có nghĩa là gì? Đối với rất nhiều người, nó có nghĩa là tôi nhận biết rằng tôi hiện hữu trong bản sắc này, rằng tôi có những ý tưởng này đang chạy trong tâm tôi, những cảm xúc mà tôi cảm thấy, thân xác mà tôi đang có, tình huống ngoại cảnh mà tôi đang trải. Đó là sự tự nhận biết của tôi. Tôi là một con người đang đau khổ trên địa cầu, đó là sự tự nhận biết của tôi. Nhưng sự tự nhận biết thực sự, cốt lõi của tự nhận biết, chỉ đơn giản là “ta là”. Tôi ý thức. Tôi nhận biết.
Triết gia René Descartes nổi tiếng với lời nhận định: “Tôi nghĩ, do đó tôi là.” Nhiều người đã hiểu lầm câu này của ông. Ông chỉ muốn nói là ông đã nhìn vào tất cả mọi thứ mà ông có thể đặt vấn đề hay xem là giả trá, thì chỉ có một điều mà ông không thể chối cãi được, đó là ông có sự suy nghĩ. Nhưng thực sự đây không phải là sự suy nghĩ trong ý nghĩa một sinh hoạt của trí thể. Điều ông ngộ ra là điều duy nhất mà ông không thể chối cãi là sự kiện ông đang ý thức, ông đang nhận biết. Đó là điều duy nhất ông không thể chối cãi. Đó cũng là điều duy nhất mà con có thể nối kết để nhận ra rằng con không chỉ là ngoại vật. Khi con lùi về khỏi ngoại cảnh và chiêm nghiệm con là sự nhận thức, sự hiện diện, sự chiêm nghiệm, sự nhận biết, thì con không còn bị lôi cuốn vào vở kịch đang diễn ra trên sân khấu, sân khấu của thế gian. Con không còn tự đồng hóa với nó nữa. Con không còn bị nó định nghĩa là gì.
Thế nào là một con người? Trong cốt lõi, là cái này đây, là ta là, tôi đang nhận biết, tôi đang nhận biết rằng tôi là cái gì đang là. Trong cốt lõi của nhận biết, không cần thêm bất cứ gì khác, ít ra là không cần thêm bất cứ gì khác của điạ cầu bởi vì con không là tất cả những ngoại vật đó trên địa cầu. Tất nhiên hầu hết mọi người đều không nhận thấy như vậy, họ nghĩ họ là ngoại vật. Nhưng tính nhân bản cốt yếu có nghĩa là con có thể đứng riêng ra và chiêm nghiệm mình là nhiều hơn những ngoại vật, rằng chúng không thể định nghĩa được mình là ai. Khi con chiêm nghiệm điều này, đó là chiêm nghiệm thực. Và con biết là vở tuồng đang diễn ra trên sân khấu không thực được như thế.
Nhưng ngay giây phút con bước ra khỏi kinh nghiệm “ta là” đó và bước vào bản sắc vỏ ngoài của con, vào trí thể, cảm thể cùng xác thể của con, thì lập tức những gì con kinh nghiệm qua bốn thể phàm này sẽ có vẻ là thực đối với con. Chính điều này cho con cảm giác thực tế. Mọi lời dạy của các thày muốn hướng con về đâu? Hướng con về sự chứng nghiệm này đây, rằng có một thực tại vượt khỏi cảm giác thực tế mà con có được qua bốn thể phàm. Có một sự cảm nhận thực tại lớn hơn cảm giác thực tế mà con có được qua bốn thể. Do đó con không bị định hình bởi trải nghiệm của con trong bốn thể. Con tự định mình khi con là cái mà con là, khi con kết nối với cảm nhận “ta là”.
Đây là điều đã giúp ta vượt qua thử thách khi đương đầu với quỷ Mara. Hẳn con cũng biết câu chuyện được kể lại trong đạo Phật rằng khi ta sẵn sàng nhập Niết bàn, ta đang ngồi thiền dưới cây bồ đề. Tất cả những con quỷ của Mara diễn hành trước mặt ta để lôi kéo ta nhập vào với chúng. Chúng đang diễn một vở tuồng và muốn ta bị cuốn hút vào đó, muốn ta tin rằng vở tuồng có một thực thể nào đó, có quyền lực nào đó trên ta, có quyền lực nào đó trên thế gian, có quyền lực nào đó trên người khác.
Làm thế nào ta vượt qua được thử thách? Bằng cách nối kết với chứng nghiệm TA LÀ. Khi không có chữ nào đi theo sau hai chữ TA LÀ thì không có gì mà quỷ Mara có thể giao tiếp được. Như Giê-su đã diễn tả: “Không có gì trong ta mà ông hoàng của thế gian có thể nắm lấy.” Cho nên đây là cốt lõi giáo lý của ta. Tất cả mọi điều mà ta đã dạy con chỉ có một mục đích dẫn con đến điểm này mà thôi. Những lời này không chỉ là lý thuyết. Đây không phải là một giáo lý công truyền mà con có thể hiểu được bằng lý trí mà là một điều con phải chiêm nghiệm. Hầu hết các con đã chiêm nghiệm được rồi, một số đã chiêm nghiệm mà không ý thức, nhưng nhiều người trong số các con đã có chiêm nghiệm.
Một khi con đã chiêm nghiệm được thực tại đó, con có thể sử dụng nó, bồi đắp nó, con có thể dùng các dụng cụ tu tập của các thày nhằm giải quyết những chấn thương sâu xa, đi ngược trở về chấn thương đầu tiên, và ngay cả trước đó nữa khi con là avatar giáng thế từ hành tinh khác. Và con có thể đạt tới một điểm khi bất kể chuyện gì xảy ra trên địa cầu, bất kể việc gì con đang làm, con cũng nhận biết liên tục rằng con là nhiều hơn thế, rằng con đang (phần nào) chứng kiến những gì đang diễn ra thay vì phải đứng ngay giữa cơn bão lốc. Hoặc ít nhất, con cũng nhận biết rõ rằng con có thể, bất cứ lúc nào, dời chuyển vào trong sự nhận biết TA LÀ nơi con không còn hoàn toàn tập trung vào cơn bão nữa.
Con người là gì? Ta đã từng nói: “Theo một nghĩa nào đó, con người là sự chú tâm, là sự nhận biết rằng mình chọn cách mình tập trung. Có thể nói, vượt ngoài tất cả mọi thứ đang xảy ra chung quanh, con là sự tỉnh giác, là sự nhận biết. Một số người nhận biết rất hạn hẹp, một số người khác nhận biết rộng rãi hơn. Một số thì rất chú tâm vào chính mình, trong khi một số khác có sự nhận biết toàn cầu hơn. Nhưng bất kể nhận biết hẹp hay rộng, con là sự nhận biết. Chọn lựa căn bản của con, có thể nói là chọn lựa duy nhất mà con có thể có, là chọn đối tượng cho sự chú tâm của con. Nhiều năm trước, Saint Germain có nói: “Anh đó là nô lệ sự chú tâm của anh ta”, và tất nhiên câu này cũng áp dụng cả cho phái nữ.
Cho nên vấn đề là như sau: con đang chú tâm vào điều gì? Một lần nữa trong thời buổi này, ta không có ý bảo con phải chú tâm vào điều gì đó. Đã có những thời trước đây, và ngay cả bây giờ trong số học trò của các chân sư, khi người ta hay nghĩ rằng thế giới này không có gì là tâm linh, và do đó con không được chú tâm vào những chuyện trần thế. Con phải rút sự tập trung ra khỏi những chuyện trần tục và đặt trọng tâm vào những chuyện tinh thần. Rất nhiều người ở mọi thời đã làm điều này, họ đã rút lui khỏi thế giới để sống ẩn dật nơi một tu viện, một cái am Phật giáo, một nhà tu Cơ đốc giáo, hay bất cứ một khung cảnh, môi trường nào được tạo ra để họ triệt thoái khỏi thế gian, và khi họ chú tâm học hỏi kinh sách, cầu nguyện và làm lễ và hát và tụng, thì họ nghĩ, “À, tôi thật là tâm linh vì tôi đang tập trung vào những chuyện này.”
Nhưng con yêu dấu thấy đó, rất nhiều người trong số đó thật ra không khác gì người đời. Người đời có sẵn một ý tưởng nào đó trong đầu về cuộc sống, về họ phải làm gì hay không làm gì, và họ sống theo cái tâm ảnh đó. Những người tâm linh rút khỏi xã hội cũng có một tâm ảnh về cuộc sống mà họ muốn sống, chỉ khác là tâm ảnh của họ không giống người đời. Thành thử một bên, chúng ta có đa số mọi người sống theo một tâm ảnh trần tục, và bên kia một thiểu số sống theo một tâm ảnh mà họ nghĩ là tâm linh. Nhưng con yêu dấu, đó vẫn chỉ là một tâm ảnh và tâm ảnh này sẽ giam giữ họ y như nó giam giữ người trần tục.
Thật không có bao nhiêu người, thời xưa cũng như thời nay, đã đạt được sự tinh tấn khi họ chỉ thay đổi tâm ảnh mà thôi, bởi vì tâm ảnh vẫn còn đó. Nếu con tập trung chú tâm của con đến độ con nghĩ: “Tôi là người thế này, tôi thật là tâm linh vì tôi đang làm tất cả những điều vỏ ngoài này” thì con đang làm gì? Con đang ban thêm sức mạnh cho tâm ảnh. Trong khi đó thì những người sống trong thế gian và tự đồng hóa với thế gian, khi họ trải qua một năm 2020 thật tồi tệ do dịch corona, thì họ làm gì? Họ cũng tăng thêm sức mạnh cho tâm ảnh của họ.
Khi con chú tâm vào điều gì thì con tạo ra một luồng năng lượng xuyên qua bốn thể phàm của con hướng về tâm ảnh đó. Con củng cố tâm ảnh cho nó mạnh hơn, cả trong tâm con lẫn trong tâm tập thể. Con củng cố cấu trúc mà tâm ảnh này đã tạo ra. Con càng củng cố nó thì năng lượng sẽ hình thành một lực từ trường càng mạnh hơn để thu hút sự chú tâm của con. Con càng đặt chú tâm vào một đề tài nào thì càng có nhiều năng lượng xối vào đó. Càng nhiều năng lượng xối vào thì nó càng thu hút chú tâm của con, và tất cả trở thành một vòng xoáy triền miên, tự nó nuôi nó cho ngày càng lớn mạnh.
Đó là lý do tại sao người ta đi xem kịch bị cuốn hút vào vở kịch và tưởng đó là thực. Tâm trí họ bị cuốn hút vào vòng xoáy mà chính họ đã tạo dựng, và song song cũng có sự tạo dựng tập thể đến độ nhiều người không thể gỡ mình ra do họ đã cho phép vòng xoáy cuốn tâm trí họ vào. Cũng vậy với nhiều người tự xem mình là tâm linh, họ đã tạo ra một vòng xoáy tuy có khác hầu hết người trần tục, nhưng vẫn kéo tâm trí họ vào một cách mãnh liệt. Giáo lý của ta chủ ý là gì và luôn luôn vẫn là gì? Giáo lý trong đợt truyền pháp này đã nói rõ ràng và rành mạch những gì? Rằng mục tiêu là để giúp con dời chuyển sự chú tâm của con khỏi tâm ảnh và chiêm nghiệm được “ta là”. “Tôi là nhiều hơn những tâm ảnh vỏ ngoài, nhiều hơn tâm ảnh mà tôi có về chính tôi và bốn thể phàm của tôi. Tôi nhiều hơn thế. Cho nên tôi không có nhu cầu bị lôi cuốn vào những gì đang xảy ra trên thế giới.”
Ta đã có dịp giảng về khái niệm “giữ quân bình tâm linh”. Đã có những lời dạy đề cập đến khái niệm này, về một nhóm người tiến hóa cao độ trên dãy núi Himalaya mà chưa ai được gặp, chưa ai được nghe biết. Một số người đã có nghe về vị thày Babaji chưa thăng thiên, và một số khác nữa. Người ta bảo rằng các vị này cầm giữ quân bình tâm linh cho địa cầu. Giữ quân bình tâm linh nghĩa là gì? Là các vị ấy tập trung chú ý vào “là hơn nữa”. Mình biết mình là “hơn nữa”, và bằng cách duy trì một trạng thái tĩnh lặng toàn hảo, một nội tâm hoàn toàn an bình, mình có thể giữ được sự quân bình vì vẫn hiện thân trong xác thân vật lý. Tuy nhiên, mặc dù ta không muốn giảm bớt công sức phụng sự của những vị đó, điều mà ta mong muốn, và Saint Germain cũng mong muốn cho Thời Hoàng kim, là có thật nhiều người có khả năng giữ được quân bình tâm linh trong khi vẫn tích cực tham gia vào cuộc sống.
Theo một nghĩa nào đó, việc giữ quăn bình sẽ dễ dàng hơn nếu con ngồi trong hang động và không bao giờ bị quấy rầy, bị thử thách. Và lẽ tự nhiên, sẽ khó giữ quân bình hơn nếu con sống một cuộc đời năng động. Nhưng con yêu dấu, điều sẽ thực sự hiệu quả, sẽ thực sự đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain nhanh chóng hơn, là có thật nhiều người sống bình thường trong cuộc sống hàng ngày, làm lụng những công việc mà họ thường làm, mà vẫn nhận biết rằng đây không phải là con người thực của mình. Nói cách khác, con ngồi trong rạp hát, con quan sát vở tuồng trên sân khấu, và thay vì hoàn toàn chú tâm vào sân khấu, con vẫn nhận biết rằng “tôi là nhiều hơn buổi trình diễn này”. Con tỉnh giác rằng mọi người khác trong rạp đều hoàn toàn bị cuốn hút vào vở kịch, nhưng con vẫn giữ được cái phần tỉnh giác nằm ngoài vở kịch. Con trải nghiệm vở kịch như là một vở kịch, chứ không như một cái gì thực, như hầu hết mọi người khác. Đó là cách con giữ sự quân bình tâm linh, là thái cực Omega cho những ai đang giữ thái cực Alpha khi họ rút lui khỏi xã hội.
Đây chính là điều đã thiếu sót từ hàng ngàn năm nay. Đã có những vị sống ẩn dật và giữ được quân bình tâm linh, nhưng chưa có những vị để cầm giữ thái cực Omega của những người có thể sống trong thế gian, ở trong thế gian nhưng lại không thuộc về thế gian. Điều này sẽ đem lại sự khác biệt lớn lao trong thời đại này, là thời đại mà chúng ta đang bước vào khi ngày càng có nhiều người đạt tới mức có thể nhìn thế giới và nói: “Tôi nhiều hơn thế này. Tôi sẽ không cho phép mình bị cuốn hút vào cái đang cuốn hút người khác. Tôi không cần tham dự vào đó, nó sẽ nuốt hết sự chú ý của tôi, và cuối cùng tôi sẽ chỉ vứt thêm năng lượng mình vào để nuôi cho vòng xoáy kéo mình vào thêm.”
Trên thực tế, con có thể đạt tới một điểm khi con biến nó thành một quyết định ý thức. “Tôi sẽ không để cho bất kỳ vòng xoáy tập thể nào lôi kéo bốn thể phàm của tôi”. Nhân tiện, đây cũng là một cách để nâng cao sức khỏe thể chất của con, khi con không để cho các vòng xoáy tập thể ảnh hưởng đến xác thể, hay cảm thể, trí thể, bản sắc thể. Con không bị kéo vào. Cho nên con có khả năng đứng ngoài các khuôn nếp phản ứng mà đa số người ta bị cuốn vào. Con có thể ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Con có thể ngồi dưới gốc cây bồ đề, nhìn bọn ma quỷ của Mara diễn hành trước mắt nhưng con không hề tham dự với chúng. Sau khi con để cho chúng làm trò chán chê, con sẽ đặt tay xuống mặt đất và nói: “Vajra, Vajra, Vajra, nay ta xác nhận quyền làm Ki-tô của ta, quyền làm Phật của ta trên địa cầu.”
Đó là những gì ta mong muốn cho tất cả các con là học trò trực tiếp của các chân sư, để con khỏi bị lôi kéo. Các chân sư hoàn toàn không trách móc gì các con. Các thày hiểu rõ năm qua đã là một năm khó khăn. Các thày biết nhiều vòng xoáy tập thể to khủng khiếp đã được tạo ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Một phần là vì đại dịch corona, phần khác vì nền kinh tế, phần khác nữa vì một số điều kiện chính trị như cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Các thày hoàn toàn không muốn con buồn rầu về cách phản ứng của mình nếu chẳng may con đã bị lôi cuốn vào những vòng xoáy đó – đành chịu thôi. Nhưng con có cơ hội bước lùi lại, nối kết với cái TA LÀ, để con nhận ra rằng con là nhiều hơn thế, và có lẽ để con nhìn vào “điều gì trong bốn thể phàm của tôi đã khiến tôi bị cuốn hút”.
Sau đó nếu con dùng cac dụng cụ tu tập để giải quyết chấn thương, con sẽ thấy là cuối cùng, tất cả đều liên quan đến cái chấn thương nhập đời vũ trụ, và cả những cái ngã tách biệt mà con đã tạo ra sau trải nghiệm nhập đời này. Con sẽ luôn luôn nhận thấy mỗi lần con bị lôi cuốn vào một phản ứng, thì y rằng sẽ có một cái ngã hiện diện, có khi nhiều hơn là một, nhưng tất cả những ngã này đều không thực. Chúng không thực trong ý nghĩa mà ta vừa mô tả. Chúng nằm trong bốn thể phàm của con – không nghi ngờ gì cả. Chúng có một sự hiện hữu nào đó vì chúng được tạo ra từ năng lượng, chúng dựa trên một tin tưởng nào đó của con và do đó đã trở thành như một sinh thể sống trong lòng bốn thể phàm của con, tương tự như một con thú sống trong nhà con vậy. Nhưng chúng không thực trong ý nghĩa là chúng không phải là con, và con không phải là chúng.
Khi con kết nối với nhận biết TA LÀ, Hiện diện TA LÀ, con có thể nhận ra: “À, đây chỉ là một cái ngã, đây không thực là tôi, tôi không là ngã đó. Hoàn toàn không phải là tôi. Chưa bao giờ nó là tôi. Trước kia tôi tưởng nó là tôi. Nhưng bây giờ tôi thấy nó chỉ là một cái ngã. Tôi thấy nó hạn chế tôi. Tôi thấy nó bắt nguồn từ một tin tưởng nào đó mà bây giờ tôi không chấp nhận nữa.” Và điều này đưa con đến một điểm khi con có, không phải một quyết định vỏ ngoài của ngoại tâm, mà một sự giải tỏa tự phát: “À, tôi sẽ để cho mi chết. Mi không phải là tôi. Tôi để cho mi chết đây.” Đây là điều mà ta mong muốn thấy tất cả các con làm được nếu con chưa làm trong năm 2021 này.
Con yêu dấu, điều đó sẽ khiến ta vui mừng làm sao. Và nó cũng sẽ khiến con vui mừng. Nó sẽ đem vui mừng cho mọi người chung quanh con, ít ra là đa số, cho dù là một số người sẽ không bằng lòng khi thấy con không gần gũi như trước, và do đó họ không thể ảnh hưởng con được như trước nữa. Nhưng đành thôi, đành thôi. Con không thể tiến bước trên đường dẫn đến quả vị Ki-tô và quả vị Phật mà không làm phật lòng một số người.
Bây giờ, con yêu dấu, năm 2021 sẽ như thế nào? Nhiều người cho rằng đây sẽ là một năm khó khăn, một phần vì đại dịch sẽ không được giải quyết nhanh chóng như mong muốn. Thành thật mà nói, ta đã mong có thể giải quyết sớm hơn nhưng điều này đòi hỏi nhiều người phải xử sự một cách khác, mà nhiều người thì không chịu thay đổi và đại dịch cứ thế tiếp diễn. Nhưng tất nhiên, thử thách lớn nhất cho năm 2021 là nền kinh tế vì kinh tế đã bị đại dịch làm tổn thương, cho nên đối với rất nhiều người, năm 2021 sẽ là một năm rất khó khăn, không khó khăn bằng 2020 nhưng trên một vài phương diện sẽ khó khăn hơn.
Nhưng tại sao sẽ khó khăn cho mọi người? Bởi vì mọi người tự đồng hóa với vở kịch. Ta vẫn biết là hầu hết không có khả năng tách mình ra khỏi vở kịch, nhưng có một điều ta muốn con ghi nhớ và cầu gọi, là có những người tuy không có nhu cầu biết đến các chân sư và họ cũng chưa từng nghe đến các chân sư, nhưng họ lại cởi mở với ý tưởng đặc biệt này. Ý tưởng đó, ta đã từng giảng dạy cách đây 2500 năm, rằng toàn bộ thế gian là một tổng thể tương kết. Ý tưởng này trong đạo Phật thường có tên là Lý Duyên khởi. Không có sự kiện riêng rẽ nào tự dưng xảy ra mà trái lại mọi sự kiện đều xảy ra do vô số những nguyên nhân, một chuỗi nguyên nhân dài dằng dặc và phức tạp vô cùng – phần nào cũng giống như thuyết hỗn mang mà khoa học đưa ra.
Và như vậy, nhiều người trong đó có những thành phần cấp tiến, sáng tạo nhất, đã trở nên thực sự cởi mở và nhận ra điều này, với tiềm năng dẫn đến nhiều hệ quả tích cực khi người ta bắt đầu xét lại cách nhìn cố hữu của mình về xã hội. Một điều có thể xảy ra là người ta bắt đầu đặt nghi vấn: “Ơ kìa, cái gì đã gây ra đại dịch corona? Phải chăng chỉ vì đúng một con dơi ở Trung quốc đã tiếp xúc với con người? Hay là vì bất kỳ nguyên nhân đơn lẻ nào khác mà người ta có thể nghĩ tới? Liệu chỉ có một nguyên do duy nhất hay là có nhiều nguyên do sâu xa hơn? Phải chăng một số điều kiện trong xã hội, trong cách chúng ta nhìn xã hội, cũng đã góp phần vào toàn cảnh? Phản ứng của chúng ta đối với đại dịch nói lên điều gì về những điều kiện đó, và như vậy chúng ta có thể xem xét, phân tích, học hỏi và thay đổi điều gì? Chúng ta có thể rút tỉa điều gì tích cực từ đại dịch để giúp đưa xã hội về một hướng tốt đẹp hơn?”
Con yêu dấu, hiển nhiên là rất, rất nhiều điều người ta có thể nêu lên, có thể học hỏi từ khủng hoảng này, và ta không có ý liệt kê ra hết bởi vì có quá nhiều và cũng quá rộng lớn. Nhưng có một điều nổi bật ở đây mà ta muốn đặt trọng tâm là kinh tế. Thật là dễ mà nói rằng: “Ồ, kinh tế có xuống dốc thật nhưng chỉ là do đại dịch. Chỉ vì người ta không thể đi du lịch, ra tiệm mua sắm, đi ăn nhà hàng mà dân chúng bị mất việc, và đó là lý do kinh tế phải đi xuống”.
Con yêu dấu, kinh tế không chỉ là kinh tế, kinh tế không là một hiện tượng biệt lập. Kinh tế là một thành phần của lý duyên khởi của toàn thể xã hội, của tâm thức tập thể. Tâm thức tập thể chúng ta đang ở đâu? Nếu con nhìn kinh tế từ một góc độ rộng lớn hơn, con thấy gì? Con sẽ thấy như một số kinh tế gia và ký giả đã thấy được, là kẻ giàu, giới thượng lưu, đã không bớt giàu đi trong cơn đại dịch, trong cơn khủng hoảng.
Mặc dù kinh tế có suy thoái nhưng người giàu đã trở nên giàu có hơn. Đầu tư của họ trị giá nhiều hơn, thị trường chứng khoán tăng vọt. Nhưng những ai đã nghèo hơn? Phải, những người tầm thường. Những người bình thường, những người dân hàng ngày phải gánh chịu hậu quả lớn nhất của đại dịch, do bị nhiễm bệnh, do phải trông nom người bị nhiễm bệnh, do phải ở nhà mà thiếu hụt ngân sách, do mất nguồn lợi thu nhập. Đúng vậy, những người bình thường, dân chúng nói chung.
Con hãy nhìn quanh thế giới. Những nước nào đã bị tác động nặng nhất? Chắc chắn rất nhiều nước nghèo đã bị ảnh hưởng nhiều hơn, nhưng không phải tất cả. Con cũng thấy một nước như Hoa Kỳ có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do đại dịch cao hơn. Vậy con hãy tự hỏi: “Tại sao như thế, tại sao lại thấy những những chuyện như thế?” Con sẽ thấy nguyên do nằm bên dưới tất cả là sự chú tâm vào chính mình, chỉ chăm sóc cho chính mình, chỉ quan tâm đến cái tâm ảnh của mình, làm sao cố giữ tâm ảnh đó cho bằng được.
Con hãy nhìn ở ngay khởi đầu của đại dịch, Trung quốc biết rõ có một loại vi-rút mới đang lan rộng. Nhưng họ giấu giếm thông tin cho ngay cả công dân của họ và đối với thế giới. Có nghĩa là khi người ta biết đến, vi-rút đã lan vượt ra ngoài biên giới của Trung quốc đến độ không thể kiềm chế được nữa. Có thể nào ngăn chặn ngay từ đầu không? “Có, có thể lắm chứ”, nếu giới chức trách Trung quốc kể cả đỉnh cao của lãnh đạo sẵn sàng có những biện pháp cần thiết. Nhưng tại sao họ lại không sẵn sàng có biện pháp cần thiết? Bởi vì họ đang cố, với tất cả sức bình sinh, bám giữ cái tâm ảnh mà họ có về Trung quốc là một quốc gia toàn hảo, một xã hội toàn hảo, một xã hội cộng sản toàn hảo, là xã hội thực sự cộng sản duy nhất còn sót lại? Tại sao vi-rút đã lây lan? Tại vì tâm ảnh của giới lãnh đạo Trung quốc. Hiển nhiên con có thể hỏi thêm: “Tại sao vi-rút lại xuất hiện tại Trung quốc?” Một lần nữa, phần nào là vì lãnh đạo, và phần khác cũng vì người dân Trung quốc, vì cái tâm ảnh mà người dân ôm giữ về một nước Trung quốc vượt trội hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Thế những nước khác thì sao? Họ cũng có một tâm ảnh nào đó về Trung quốc, và họ đã chưa quyết định là họ muốn quan hệ thế nào với Trung quốc, họ muốn làm gì với Trung quốc. Như ta đã có nói, các nước có thể nào thực sự tiếp tục buôn bán với Trung quốc, một nước đàn áp chính dân mình và không tôn trọng lý tưởng dân chủ mà các con mong muốn? Liệu con có thể chấp nhận để cho các tập đoàn ở Tây phương kiếm những số tiền khổng lồ do sản xuất rẻ tiền tại Trung quốc rồi bán lại với lợi nhuận lớn hơn là nếu họ sản xuất tại xứ họ? Liệu con có thể cho phép sự thể này tiếp tục rồi bảo: “Các thày sẽ bỏ qua những vi phạm nhân quyền của Trung quốc, bỏ qua những diễn biến tại Hồng Kông nơi họ đang bóp nghẹt dân chủ. Các thày sẽ không đứng ra hỗ trợ dân chủ vì Trung quốc quá lớn. Các thày thật sự không muốn nhúng tay vào, không muốn có quyết định về Trung quốc”. Không phải đây là lý do vi-rút đã lây lan khắp các nước hay sao? Là vì các nước đã không chịu lấy quyết định họ muốn làm gì với Trung quốc và mối quan hệ với Trung quốc.
Bây giờ con hãy nhìn sang Hoa Kỳ, một trong những nước bị thiệt hại lớn nhất về tỷ lệ nhiễm bệnh COVID-19 cũng như tỷ lệ tử vong. Điều này cho con thấy gì? Nhìn một cách thực tế, con có thể thấy rõ Hoa Kỳ đã đáp ứng kém hơn hẳn những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. So với Âu châu, cho dù ở đó cũng có một số nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng vẫn đỡ hơn Hoa Kỳ. Điều này cho con thấy gì? Đúng vậy, Hoa Kỳ có thể nào tiếp tục là quốc gia giàu mạnh duy nhất trên thế giới không có một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng? Sự thể này có bền vững không? Và Hoa Kỳ xem mình là quốc gia vĩ đại nhất, là xã hội tốt đẹp nhất thế giới, điều này có bền vững không?
Con hãy nhìn vào kinh tế và thấy bao người bị mất việc làm. Có bền vững hay chăng một nên kinh tế nơi người giàu đã giàu hơn rất nhiều và sẽ còn giàu hơn nữa? Người giàu tại Hoa Kỳ đã kiếm tiền giữa cơn khủng hoảng này nhiều hơn là họ có thể kiếm được khi không có khủng hoảng. Con có thể chấp nhận một nền kinh tế mất cân bằng đến độ ngày càng đổ thêm nhiều tiền vào túi người giàu mặc dù các nghiên cứu cho thấy sự thể này đã tiếp diễn suốt bốn thập niên qua? Có bền vững không? Liệu điều này có phần nào giải thích tại sao Hoa Kỳ lại bị đại dich đập nặng đến như vậy? Không phải là nguyên hệ thống đã trở thành quá thiên vị cho người giàu hay sao? Có bền vững không?
Nay con hãy nhìn sang nước Nga, là một nước khác nữa cũng rất quyết tâm duy trì một tâm ảnh nào đó. Hóa ra số người bị chết bởi đại dịch lớn hơn rất nhiều các con số tử vong chính thức. Tại sao như vậy? Bởi vì giới lãnh đạo cho tới Putin ở tột đỉnh đều thèm muốn, thèm muốn giữ lấy tâm ảnh về sự vĩ đại của nước Nga, về khả năng kiểm soát và giải quyết mọi vấn đề. Nhưng họ có làm được không? Có thể nào một lãnh tụ nắm hết quyền hành đảm đương được mọi chuyện? Có phải chăng là một hệ thống tập trung quyền lực không thể thực sự là một xã hội bền vững, đặc biệt trong thời đại này?
Xong hãy trở lại với nước Mỹ và nhìn xem đại dịch đã ảnh hưởng tiến tình bầu cử như thế nào. Tại sao Tổng thống Trump ở giai đoạn đầu của đại dịch lại chọn chiến lược coi nhẹ đại dịch? Đúng vậy, chỉ vì ông muốn duy trì một tâm ảnh về chính ông cùng khả năng cầm quyền của ông. Một khi đã phóng tâm ảnh này ra công chúng, ông không chịu thay đổi nó, nhưng đáng lý ông phải chấp nhận thay đổi khi đại dịch không diễn biến như ông chờ đợi. Điều này có khiến ông thất cử? Đúng vậy, con yêu dấu. Nếu không có đại dịch thì Trump đã tái đắc cử. Nhưng vì cách ông phản ứng trước đại dịch, và vì có nhiều người thấy được điều đó, cho nên ông không thắng cử một lần thứ hai.
Ông đã làm gì sau bầu cử? Ông vẫn cố giữ nguyên cái tâm ảnh rằng ông không thua, rằng ông không là một người thua cuộc, rằng người ta đã đánh cắp chiến thắng của ông. Bầu cử đã gian lận, một sự gian lận to lớn, với những lời tố cáo được lặp đi lặp lại, nhưng không thấy bằng chứng nào được đưa ra trước tòa án. Ông phải cố giữ cái tâm ảnh.
Vậy chúng ta có thể mong mỏi những gì trong năm nay? Chúng ta mong thấy trên thế giới có những người, những chính phủ, những người sáng tạo, những người với tỉnh giác cao độ, sẽ sẵn sàng suy ngẫm xem cơn đại dịch, nền kinh tế, phản ứng của chúng ta trước đại dịch, phản ứng của chúng ta đối với kinh tế, tất cả những thứ đó nói gì về chúng ta? Chúng ta cần thay đổi thế nào, chúng ta đã mất quân bình như thế nào, chúng ta đã trở nên thiếu bền vững như thế nào. Để giúp các con trong tiến trình suy ngẫm này, ta sẽ cho các con một hình tư tưởng cho năm tới đây.
Đây là một hình tư tưởng rất giản dị. Trong năm nay 2021, mặt trời sẽ là một tấm gương phản chiếu. Ta có hỏi ý Helios và Vesta là những chân sư thăng thiên, những sinh thể vũ trụ đứng đầu mặt trời của các con. Các thày đã nghĩ ra một cơ chế vô cùng giản dị có mặt trời làm tấm gương. Khi con tập trung nhìn vào mặt trời, các hình ảnh trong tâm trí con sẽ được phản chiếu lại để con dễ thấy hơn, và con cũng khó lòng bỏ qua hơn. Không chỉ có cá nhân mới dùng được cách này mà cả toàn thể xã hội.
Khi con sử dụng hình tư tưởng này một cách đều đặn, con sẽ khiến cho hiệu quả tăng lên gấp bội. Ta khuyến khích con làm một việc vô cùng đơn giản, không có gì cầu kỳ. Mỗi ngày, con hãy tập trung vào mặt trời – dù là nó có ở trên trời hay không thì hoàn toàn không quan trọng. Nhưng con hãy tập trung vào mặt trời trong tâm con, và nói lên lời xác định này. “Phật Gautama, thày là tấm gương toàn hảo cho địa cầu.” Giản dị, dễ nhớ, và chỉ mất một vài giây. “Phật Gautama, thày là tấm gương toàn hảo cho địa cầu”.
Nếu con muốn, con có thể hình dung ta đang ngồi trong tư thế hoa sen ngay trên mặt trời, nhưng điều này không mấy cần thiết. Chỉ cần con nói lời xác định ngắn ngủi trên. Tập trung vào mặt trời, con không cần nói lớn, nhưng con có thể nếu con muốn. “Phật Gautama, thày là tấm gương toàn hảo cho địa cầu.” Điều này có thể tác động mạnh mẽ, đồng thời với các bài cầu của con vì ta sẽ hướng dẫn con đọc các bài cầu, và tất nhiên, cả xã hội cũng cần suy ngẫm về toàn bộ tình thế hôm nay và những bài học có thể rút tỉa. Ta đã nói gì ở đầu bài giảng, địa cầu là gì? Là một cuộc trình diễn. Mục đích để làm gì? Để chuyển đổi tâm thức con người. Vậy thì kết quả cao nhất của đại dịch corona và cuộc khủng hoảng kinh tế hôm nay là gì? Là nó chuyển đổi tâm thức con người, nó chuyển đổi sự nhận biết của con người, con người bắt đầu nhìn lại chính mình, nhìn vào xã hội mình và nói: “Đây là những điều mà chúng ta có thể thay đổi. Đây là những điều chúng ta cần thay đổi bởi vì nếu không, mọi thứ sẽ tan rã – khi chúng ta đặt trọng tâm vào của cải, cho phép một tầng lớp thượng lưu nhỏ xíu tiếp tục điều khiển xã hội mà chỉ mang lại lợi ích cho họ trong khi người dân phải trả giá.
Sự thể này không còn bền vững được nữa, không thể kéo dài được nữa. Đây là sự nhận thức có thể bắt đầu đột phá trong năm 2021 nhiều hơn là cho đến nay, rằng có nhu cầu, một nhu cầu tuyệt đối và cấp bách, tạo ra những xã hội quân bình hầu lớp thượng lưu không thể bóc lột người dân được nữa. Nhu cầu này cấp bách hơn rất, rất nhiều cuộc khủng hoảng khí hậu, hay đại dịch, hay kinh tế, hay bất cứ khủng hoảng nào khác. Đây là khủng hoảng thực sự, khủng hoảng duy nhất trên địa cầu như đã kéo dài từ hàng bao thế kỷ. Nhưng bây giờ chúng ta mới đến một mức mà ngày càng có nhiều người sẵn sàng nhìn thấy, ngày càng có nhiều xã hội sẵn sàng làm cái gì đó để giải quyết, nhiều hơn là cho tới nay, và mặc dù cũng có nhiều quốc gia dân chủ đã tiến bộ đáng kể để cải biến xã hội cho bớt độc quyền, nhưng Hoa Kỳ không có trong số đó, và Anh quốc cũng không có trong số đó. Cần nhiều tiến bộ hơn, đặc biệt là trên bình diện toàn cầu.
Và điều này kết thúc những nhận xét mà ta mong muốn đưa ra cho các con ở đây. Ta sẽ rút về, niêm phong các con trong sự bình an tuyệt đối của Phật, và nhường lời cho Mẹ Mary trao cho các con thái cực Omega của bài giảng này. TA LÀ Gautama.