Đạo Sufi tương tự như khía cạnh thần bí của hầu hết mọi tôn giáo khác

Hỏi: Trong đạo Hồi, Mohammad đã giảng dạy giáo lý công truyền qua kinh Quran. Phải chăng Ali, em họ của Mohammad, đã giảng dạy giáo lý tâm truyền? Và đâu là nguồn gốc của đạo Sufi trong Hồi giáo?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 30/12/2007. Đăng ngày 17/11/2012.

Đạo Sufi có thể so sánh như khía cạnh thần bí của hầu hết mọi tôn giáo khác. Trong bất kỳ tôn giáo nào trên địa cầu quy tụ được một số tín đồ, con sẽ thấy sự kết tinh thành hai phong trào cơ bản. Một phong trào gắn bó hơn với con đường công truyền – tức là lời nói bên ngoài, kinh sách vỏ ngoài, quy tắc và luật lệ vỏ ngoài. Và một phong trào đi theo con đường nội tâm, tâm truyền, thường lấy  nguồn mặc khải trực tiếp từ cõi trên làm nền tảng.    

Khi một dòng sống còn ở mức độ nhận biết tâm linh chưa cao, y thường không có khả năng kinh nghiệm Thượng đế một cách trực tiếp, và do đó y sẽ cần tới con đường công truyền để tiến bước, cho tới khi – thường là sau nhiều kiếp đầu thai – y có được nhiều phân biện nội tâm hơn, nhiều tư tin hơn về khả năng của mình biết được cái gì là chân, cái gì là giả. Và khi đó, y sẽ mở tâm ra cho con đường tâm truyền, nơi y sẽ phải bước theo những thúc giục sáng ngộ từ bên trong, sự hướng dẫn từ bên trong, mà không con tin cậy hay tuân thủ một cách mù quáng một giáo lý hay một vị thày vỏ ngoài nữa.  

Cho nên con đường công truyền có một giá trị nhất định đối với những ai chưa sẵn sàng đi theo con đường tâm truyền, và đó là lý do bản thân ta đã từng giảng dạy ở hai trình độ khác nhau – đối với quần chúng thì ta giảng dạy bằng ngụ ngôn, còn đối với môn đồ thì ta giảng giải mọi điều. Con sẽ thấy cùng mô thức này trong nhiều tôn giáo, kể cả đạo Do thái với giáo lý Kabbalah là con đường thần bí. Cho nên đạo Sufi cũng là một con đường khả thi cho những ai xuất thân từ đạo Hồi nhưng đã tiến bước xa hơn trên đường tu.

Tuy nhiên như với bất kỳ phong trào thần bí nào, con không thể nhìn vào đó một cách đơn giản và bảo rằng mọi chuyện trong phong trào đó đều thuộc về ánh sáng. Bởi vì bản chất của thần bí là tự do phóng khoáng hơn, và thường sẽ có nhiều người đạt được – hoặc tuyên bố là họ đạt được – sự tiếp xúc với tánh linh. Và như vậy, họ sẽ bảo là họ nhận được một hình thức mặc khải nào đó từ một cõi cao hơn. Và thường sẽ có những người nhận được mặc khải chân chính và một số người khác thì không. Vì thế trong một phong trào thần bí, sự phân biện là một yếu tố thiết yếu. Và đó cũng chính là lý do tại sao những ai chưa đủ chín chắn để phân biện thường thường sẽ tránh né các phong trào thần bí, vì trong tiềm thức họ phần nào biết được là họ chưa sẵn sàng.  

Và tất nhiên, vấn đề đặt ra là trong nhiều trường hợp, các dòng sống đó sẽ trở nên gắn bó với tôn giáo vỏ ngoài, và họ có thể bắt đầu tin vào những lời dạy của tôn giáo vỏ ngoài đó, là những lời dạy phát xuất từ lòng sợ hãi. Cho nên thậm chí họ sẽ không dám sử dụng khả năng phân biện của họ. Vì vậy con sẽ thấy nhiều tín đồ Cơ đốc thời nay – mặc dù trong nội tâm họ đủ trưởng thành để đón nhận khía cạnh thần bí của đạo Cơ đốc – nhưng ngoại tâm của họ thì không dám buông tin tưởng rằng họ sẽ được bảo đảm cứu rỗi nếu họ cứ mù quáng đi theo con đường vỏ ngoài. Và họ không dám buông cảm giác an toàn vỏ ngoài đó để chấp nhận giai đoạn xáo trộn mà hầu hết mọi dòng sống đều kinh qua khi họ bỏ lại con đường công truyền và cất bước trên con đường tâm truyền.

Hỏi: Vậy có phải Ali đã đem lại giáo lý tâm truyền của kinh Quran? Bởi vì một số người theo phái Shia tin rằng Ali bình thường sẽ được trao trách vụ tiên tri, và Ali đưa ra giáo lý tâm truyền, còn Mohammad thì đưa ra giáo lý công truyền?

Giê-su: Câu trả lời là có và không, theo nghĩa là ta không hề mong muốn khiến cho một phái của đạo Hồi cảm thấy hơn trội các phái khác. Đúng là Ali đã nhận được một số mặc khải nội tâm, nhưng điều này không có nghĩa là các giáo lý của Ali đều hoàn toàn chính xác. Bởi vì Ali cũng đã phần nào bị tô màu bởi những niềm tin cá nhân lẫn văn hoá của mình – y như Mohammad vậy.   

Cho nên sự thật đáng tiếc là không có một nhánh chính mạch nào của đạo Hồi là hoàn toàn thuần khiết. Có một số môn phái Sufi có một độ thuần khiết cao hơn. Nhưng thành thật mà nói với con, đạo Hồi như một tôn giáo đã không phát huy được tiềm năng cao nhất của mình. Và đối với chúng tôi là chân sư thăng thiên, khi nhìn vào tình trạng tâm thức của các nhánh chính của đạo Hồi, chúng tôi thật khó thấy được làm thế nào tôn giáo này sẽ có thể đổi mới,  

Đạo Hồi đã được trao truyền trong một nỗ lực kết hợp các bộ tộc khác nhau tại Trung Đông, là những bộ tộc đã giao chiến với nhau từ hàng ngàn năm trời. Thế nhưng con chẳng thấy hay sao, người ta đã sử dụng đạo Hồi để tạo thêm chia rẽ với nhau? Bởi vì ta có thể nói với con rằng sẽ tốt hơn nhiều nếu những chia rẽ này không còn nữa và trong thế giới Hồi giáo có một phong trào đoàn kết hơn.

Shia hay Sunni chỉ là những cách phân chia nhân tạo, giả tạo, hoàn toàn không có thực tế nào trong Thượng đế. Và do đó ta không muốn đưa ra cảm giác là có một phái thuần khiết hơn, vượt trội hơn phái kia. Bởi vì nếu họ thực sự hiểu được giáo lý đích thực đằng sau kinh Quran, thì mọi môn phái trong đạo Hồi, mọi tín đồ Hồi giáo, sẽ phải cố vươn lên cao hơn nhiều, cao hơn cả giáo lý nguyên thủy mà Mohammad đã trao cho họ. Và khi đó, con sẽ phải tự hỏi là liệu có ích gì tiếp tục tôn giáo cũ hay không, hay là nên khởi xướng một tôn giáo hoàn toàn mới dựa trên nền tảng cũ.  

Điều này, tất nhiên, cũng là một câu hỏi đặt ra cho đạo Cơ đốc và những tôn giáo lớn khác trên thế giới – nghĩa là liệu các tôn giáo đó đã trở thành xơ cứng do các tin tưởng bám giữ từ bao nhiêu thế kỷ, và có thể đổi mới được hay chăng? Hay là các tôn giáo đó phải được thay thế bởi một tôn giáo hoàn toàn mới?      

Hy vọng của ta, và cũng là một trong các mục tiêu của trang web AskRealJesus, là rốt cuộc, nhiều người tự xem mình là tín đồ Cơ đốc sẽ bắt đầu lắng nghe lời hằng sống của ta, và từ đó sẽ dùng những lời này để thay đổi đạo Cơ đốc. Nhưng ta có thể nói với con là ngay bây giờ, đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liệu đạo Cơ đốc có khả năng đổi mới hay không – hay là nó sẽ chỉ ngày càng thu nhỏ lại cho tới khi nó mất hết sinh khí và được thay thế bởi một hình thái tâm linh mới phù hợp hơn với Thời đại Bảo bình.