Đệ tử của chân sư thăng thiên và sự nghèo túng

Hỏi: Mẹ Mary có nói là trong tư cách là đệ tử của chân sư thăng thiên, trọng điểm của chúng con không phải là thế giới vật chất. Hình như về mặt tài chánh, nhiều người trong chúng con phải cóp nhặt và làm đủ mọi cách để sinh sống. Nhưng cho dù cố gắng hết sức, chúng con vẫn rơi vào tình trạng nghèo túng. Vậy chúng con phải làm gì đây?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 17/12/2019.

Một câu hỏi không thể được trả lời chung chung vì nó rất cá nhân. Tất nhiên, nó tùy thuộc vào nơi con sinh sống, xã hội của con là loại xã hội nào, và trong xã hội đó con có những cơ hội như thế nào. Ta biết rõ trên thế giới có nhiều quốc gia có đệ tử của chân sư sinh sống, và do các điều kiện ở các nước đó, việc vươn lên khỏi tình trạng nghèo túng – ít ra để không phải dồn quá nhiều sức vào việc kiếm sống đến độ nó hút hết thời gian và sự chú ý của con – có thể là một điều rất khó khăn.

Vì vậy trong một số trường hợp, có những đệ tử sẽ phải chấp nhận một lối sống không mấy sung túc và tập trung vào sự phát triển tâm linh của mình.

Nhưng trong những trường hợp khác, các đệ tử sẽ được lợi lạc rất nhiều nếu họ đẩy mạnh để đạt được một mức sống cao hơn, và nhờ vậy họ sẽ có nhiều tự do hơn để theo đuổi các mục tiêu tâm linh của mình. Nếu con sống trong một quốc gia tương đối giàu có, hẳn con sẽ phải tìm được những cách cung ứng một mức sống vật chất khả dĩ sẽ không ngăn trở sự tăng trưởng tâm linh của con.

Con cần nhìn nhận là rất, rất nhiều đệ tử tâm linh, không chỉ các đệ tử của chân sư thăng thiên mà nhiều người tâm linh, ngay cả nhiều người sùng đạo, mang một thái độ tiêu cực đối với sự dồi dào vật chất. Họ cảm thấy có lẽ tiền bạc là gốc rễ của mọi chuyện xấu xa, như họ đã được nghe rất nhiều lần. Hoặc họ cảm thấy là trong tư cách một người tâm linh, họ không được làm gì để kiếm tiền. Chính điều này đã giữ chặt nhiều người tâm linh ở một mức sung túc kém hơn là thực sự cần thiết.

Cho nên con cần lượng định cá nhân mình xem, và thật sự trong nhiều trường hợp, con sẽ có khả năng nhìn ra là con mang một cái ngã tách biệt đang cưỡng chống lại sự dồi dào, cưỡng chống lại sung túc vật chất. Nếu con loại bỏ được cái ngã này, nếu con phát hiện được niềm tin đứng đằng sau đó, thì con sẽ tìm ra là con sẽ dễ dàng thị hiện sự sung túc hơn mà không phải tổn hại đến các mục tiêu cùng ý tưởng tâm linh của con.

Có thể rất nhiều khi, con đã lớn lên trong một hoàn cảnh gia đình nào đó, một hoàn cảnh văn hóa hay có lẽ một thành phố nào đó nơi tâm thức tập thể chỉ biết đúng một cách kiếm sống mà thôi, và con mang một thái độ cố hữu đối với việc kiếm tiền. Điều này có thể giới hạn con. Và nếu con có thể thoát ra khỏi cái khuôn đó, thậm chí có lẽ dọn đến một môi trường khác hơn, thì con sẽ có thể vươn lên một mức sung túc cao hơn mà vẫn không xao lãng các mục tiêu tâm linh của mình. Thật sự đây là vấn đề những gì con đã thảo vào Sứ vụ Thiêng liêng cá nhân của con.

Đúng thật là con không được rơi vào cực đoan tập trung quá nhiều sự chú ý cùng năng lực của mình vào chuyện kiếm tiền. Nhưng mặt khác, con cũng không nên quá nghèo túng đến độ việc kiếm sống hút mất hết thời gian cùng năng lượng của con do con quá lo sẽ thiếu thốn những thứ mình cần. Cho nên con cần tìm được sự cân bằng này. Và nếu con khắc phục được những cái ngã đang lôi kéo con mất cân bằng về chuyện tiền bạc, con sẽ nhận thấy là có những cơ hội sẽ mở ra cho con để con thị hiện sự dồi dào vật chất cần thiết, hầu sự dồi dào vật chất sẽ hỗ trợ cho việc phát triển tâm linh cùng sự trải bày của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Và đó phải là mục tiêu của người tâm linh.