Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 8/1/2016.
Thày là chân sư thăng thiên Serapis Bey. Bây giờ chúng ta đã đến tầng thứ bảy nơi con gặp sự phối hợp của Tia thứ Tư với Tia thứ Bảy của Tự do. Theo một nghĩa nào đó, Tia thứ Bảy của Tự do vừa dễ vừa khó nhất – dễ, theo nghĩa nó không đòi hỏi gì nơi con. Nhưng nó cũng khó, theo nghĩa là nó đòi hỏi con ngừng đặt ra những đòi hỏi trên chính con.
Khi đệ tử lần đầu tiên tiếp xúc với các chân sư thăng thiên, họ thường mang ý tưởng là các thày hạn chế tự do của họ, theo nghĩa là các thày đặt đòi hỏi lên họ. Sau đó, họ có thể nảy sinh ý tưởng là sa nhân hay các tà lực hạn chế tự do của họ. Kỳ thực, chỉ có một chuyện hạn chế tự do của con thôi, đó là những gì con tự gây cho con trong chính tâm con. Chính trong tâm mà con bị giam hãm, và tâm là nơi con cần biểu hiện tự do của mình.
Tuy nhiên, tự do vừa là một cái gì con biểu hiện, vừa là một cái gì con không thể biểu hiện, theo nghĩa mà thày đã cố giúp con nhìn ra, tức là vấn đề trên hành tinh địa cầu là sa nhân đã xui khiến con người sử dụng vũ lực. Do đó, con không thể khắc phục vũ lực bằng thêm vũ lực.
Chắc chắn Tia thứ Bảy là một tia sáng mang một năng lượng đặc thù. Con có thể, và tất nhiên, con nên thỉnh cầu năng lượng của Tia thứ Bảy. Nhưng con không nên tự đặt mình vào một tâm thái nghĩ rằng con phải sử dụng năng lượng của Tia thứ Bảy để đánh bại những gì đi ngược lại tự do của con. Tất nhiên con sẽ cần thỉnh cầu năng lượng của Tia thứ Bảy để biến hóa những tha hóa của Tia thứ Bảy. Điều giới hạn tự do của con là, ở một mức độ nào đó, năng lượng của mỗi tia trong số bảy tia đã bị tha hóa qua lòng sợ hãi. Con cần tiêu hủy những năng lượng này bằng cách thỉnh cầu năng lượng của từng tia một.
Tuy nhiên, điều thực sự giới hạn tự do của con tất nhiên là năng lượng, là những tin tưởng và những ý tưởng trong tâm con. Những cái này thì con không thể đánh bại qua Tia thứ Bảy. Con chỉ có thể nhìn ra tính không thực của chúng, và con chỉ việc bước xa khỏi chúng.
16.1. Những tấn tuồng tiêu hao cuộc sống con người
Khi con nhìn vào hành tinh địa cầu, con sẽ thấy tuyệt đại đa số con người bị cuốn hút – bị bao trùm hoàn toàn, bị tiêu hao hoàn toàn – bởi những tấn tuồng đủ loại. Con thấy quá nhiều nhóm người đã giao tranh với nhau suốt bao nhiêu thế hệ, có lẽ hàng ngàn năm rồi. Họ hoàn toàn tin chắc vở tuồng mà họ đang sống có thực chất nào đó, rằng họ đang tranh đấu cho đại nghĩa của Thượng đế, rằng những kẻ mà họ chiến đấu đang chống lại sự nghiệp của ngài. Con có thể thấy điều này ở vùng Trung đông giữa người đạo Do thái, đạo Cơ đốc và đạo Hồi. Con cũng có thể thấy điều này ở rất nhiều nơi khác trên thế giới. Rõ ràng là khi con bị cuốn hút vào một tấn tuồng như vậy, con rất coi trọng bản thân mình và con cũng coi chính nghĩa của con là vô cùng hệ trọng. Nếu con coi mọi khía cạnh của cuộc sống, mọi chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống, hệ trọng đến như vậy thì con không thể tự do. Con say đắm với chính bản thân con, nếu có thể nói như thế. Con thử suy ngẫm xem câu thành ngữ quen thuộc về những kẻ mê mệt với chính mình. Họ có quá nhiều mâu thuẫn và xung đột nội tâm đến độ toàn bộ năng lượng và chú ý của họ bị tiêu hao. Đấy, điều thày muốn chỉ ra cho con là một chuyện xảy ra rất thường khi con tìm thấy giáo lý chân sư thăng thiên, là con dùng giáo lý này để cố thắng lợi trong một số cuộc đấu tranh mà con thấy xảy ra trên thế giới.
Trong nhiều trường hợp, tự ngã của đệ tử khiến họ tạo thêm một tấn tuồng, là khi con sử dụng đường tu tâm linh – thường khi cả các tà lực hay thậm chí những người con gặp trên đường tu – để tạo ra một tấn tuồng mới. Chính con, tất nhiên, không xem đó là một tấn tuồng. Nhưng tất cả những ai trên thế giới bị tiêu hao trong tấn tuồng đều không xem đó là một tấn tuồng; họ xem đó là thực tại. Và cũng vậy, con xem cuộc chiến của mình là thực tại khi con giao tranh với tà lực, hay khi con có bất đồng nào đó với những đệ tử khác mà con gặp trên đường tu, có thể là trong một tổ chức tâm linh.
Mánh lới của tự ngã, mánh lới của sa nhân, là khiến con nghĩ có một vấn đề chính đáng mà con cần giải quyết, cho nên con không thể tự do cho tới khi vấn đề được giải quyết. Tất nhiên, vấn đề đòi hỏi một số thay đổi phải xảy ra trên thế giới. Trong đa số trường hợp, điều này có nghĩa là người khác phải thay đổi để con có thể giải quyết vấn đề và được tự do.
Như thày đã có nói, con sẽ không bao giờ tự do được nếu con nghĩ tự do của con tùy thuộc vào những chọn lựa tự quyết của người khác. Tuy nhiên, con có thể tự do bằng cách nhận ra là tự do của con chỉ tùy thuộc vào những chọn lựa tự quyết của chính mình. Và ngay bây giờ, con có quyền năng để tự giải phóng khỏi mọi tin tưởng cùng cơ chế nội tại khiến con cho rằng con phải phản ứng lại người khác, con phải làm gì đó trong thế gian. Con không bao giờ có thể tự do nếu con coi đường tu là hệ trọng đến thế, nếu con hoàn toàn say đắm với đường tu cá nhân của mình, say đắm đánh nhau như con đang đánh nhau. Ngay cả đánh nhau với tự ngã cũng có thể trở thành một tấn tuồng, và tất nhiên, con không thể khắc phục tự ngã bằng cách sử dụng tự ngã. Con sẽ không khắc phục được tự ngã qua một tấn tuồng do tự ngã bày ra, và đây là nguy cơ khi trao truyền bất kỳ loại giáo lý tâm linh nào.
16.2. Giấc mơ một trạng thái tối hậu
Như thày đã tạo linh hứng cho sứ giả này ngộ ra gần đây, trên thế giới có những người tuyên bố là mình giác ngộ. Nếu con bảo là con giác ngộ thì theo một nghĩa nào đó, con bảo là con đã đạt được một trạng thái tối hậu nào đó, ít ra trong tâm trí hầu hết mọi người. Con có thể lôi kéo một số tín đồ không sẵn lòng nhận trách nhiệm về bản thân họ và do đó họ tìm kiếm một đạo sư với một trạng thái tâm thức tuyệt đối nào đó. Và đạo sư với đệ tử có thể tạo ra một vòng xoáy ốc tự nó cứ tăng thêm sức mạnh.
Vấn đề là nếu con nghĩ con đã đạt tới một trạng thái tối hậu trên trái đất thì con sẽ không thể tiến xa hơn, có nghĩa là con sẽ phủ nhận khía cạnh của tự ngã mà con vẫn còn mang theo. Thày cũng biết, một số người sẽ nói là nếu con đã giác ngộ thì con không còn tự ngã. Điều này cũng đúng, tuy nhiên khi đó thì con không còn hiện thân trên trái đất nữa, bởi vì con không thể tiếp tục hiện thân nếu con còn sót lại một khía cạnh nào đó của tự ngã. Khía cạnh này có thể vô cùng yếu ớt và có thể con đã đạt một mức tâm thức rất cao. Nhưng nếu con nghĩ là không còn gì vượt khỏi trạng thái tâm thức của mình, thì con chỉ nghĩ vậy được bằng cách phủ nhận yếu tố của tự ngã vẫn còn sót lại. Và như thế con không thể buông bỏ tự ngã đó và được tự do thăng thiên.
16.3. Sáng tạo là thuốc giải độc cho sự kiểm soát
Thăng thiên là một tiến trình đòi hỏi con hoàn toàn tự do. Tiến trình tự điều ngự cũng là một tiến trình đòi hỏi con đạt tới một mức độ tự do rất cao – không theo cùng một cách như khi con thăng thiên, mà theo cách là con tự do biểu đạt khả năng sáng tạo của mình. Tự do có nghĩa là gì, sáng tạo có nghĩa là gì? Có nghĩa là con hiểu ra những gì sa nhân đã làm để đóng chặt sự sáng tạo và khiến con hạn chế sáng tạo của mình.
Con cũng hiểu chứ, con yêu dấu, là sa nhân đang cố kiểm soát mọi chuyện trên địa cầu? Làm thế nào chúng kiểm soát được chứ? Chúng phải đóng chặt khả năng sáng tạo, vì bản chất của sáng tạo là gì? Sáng tạo không thể đoán trước được, nó tự phát. Nó nảy ra một cái gì mới, có thể mới đến độ không một ai có thể tưởng tượng nổi.
Sa nhân cực kỳ sợ hãi sự sáng tạo của con. Chúng cũng biết là trong thế gian không có gì có thể hạn chế được sáng tạo. Toàn bộ bản chất của sáng tạo là nó thăng vượt mọi ranh giới. Không có ranh giới nào có thể thực sự giới hạn sáng tạo của con, ngoại trừ những ranh giới tạo ra trong chính tâm con khiến con không dám biểu lộ nó ra.
Cách thức chủ yếu mà sa nhân sử dụng để làm thui chột sáng tạo của con người là dựng lên ý tưởng bảo rằng có một chuẩn mực làm thước đo cho mọi thứ. Chuẩn mực chỉ có hai đối cực. Hoặc là tốt đẹp, hoàn chỉnh, chấp nhận được, hoặc là sai lầm, tồi tệ, không thể chấp nhận được. Sự đánh giá này, sự xét đoán này, không dính dáng gì đến sáng tạo. Chúng ta có thể nói, đó chính là phản đề của sáng tạo.
Khi ban đầu con đến hành tinh này, con đến đây để biểu hiện ánh sáng của con, khả năng sáng tạo và cá thể của con. Sa nhân đã cố hết sức khiến con cảm thấy mình bị chối bỏ, rằng ánh sáng của con có gì đó không ổn. Sáng tạo của con không đủ tốt, và chính con không đủ tốt.
Điều này đã khiến biết bao người nhảy vào cuộc chạy đuổi mà thày đã có đề cập, là đuổi theo sự toàn hảo và cố gắng thỏa mãn chuẩn mực cho rằng nếu mình đủ tốt thì mình sẽ được chấp thuận. Con hiểu chứ, con yêu dấu, là nếu trong tâm con có một cơ chế tìm cách so sánh cách biểu đạt của con với một tiêu chuẩn vỏ ngoài trước khi con dám biểu đạt, thì ngay đó, con đã đóng chặt sáng tạo của con rồi.
Sáng tạo là ngẫu hứng! Con đã quá quen đánh giá mọi chuyện với tâm đường thẳng, tâm phân tích. Sa nhân đã dấy lên nơi hầu hết mọi người ý tưởng vô cùng tinh vi rằng tất cả mọi thứ phải được phân tích. Tất cả phải được lượng định bằng bộ óc phân tích, là bộ óc so sánh tất cả mọi thứ với một tiêu chuẩn. Hầu hết mọi người không ý thức được tiêu chuẩn mà mình đang sử dụng. Có khi họ ý thức có một tiêu chuẩn do xã hội áp đặt. Chắc chắn các hệ thống giáo dục trên thế giới đều nhắm tới việc khiến con chấp nhận là có một tiêu chuẩn, và sự sáng tạo của con cần được đối chiếu với tiêu chuẩn đó. Ngay cả các cơ sở giáo dục nhằm dạy dỗ một số hình thức biểu diễn sáng tạo, cho dù là nghệ thuật hay một bộ môn nào khác, vẫn củng cố cho ý tưởng rằng sáng tạo phải được so sánh với một tiêu chuẩn.
16.4. Sáng tạo không màng tiêu chuẩn
Sáng tạo là vượt ra ngoài tiêu chuẩn. Làm thế nào tất cả mọi sự trên địa cầu tiến hóa, phát triển lên môt mức cao hơn? Chỉ bằng cách vượt ra ngoài, vượt lên trên mức hiện hành. Con chẳng thấy là có một tiến trình sáng tạo đã nằm sẵn trong tự nhiên? Đây là cái thày gọi là những định luật cơ bản của tự nhiên bảo đảm sự phát triển không ngừng, thăng vượt không ngừng. Sa nhân đã dựng lên các định luật phụ thuộc của tự nhiên trong nỗ lực làm thui chột sự thăng vượt này. Chúng muốn ngăn chặn sự phát triển, ngưng đồng hồ, giữ nguyên mọi sự ở một mức mà từ đó không thể vượt lên cao hơn. Chúng muốn làm vậy vì chúng muốn kiểm soát, bởi vì chúng không thể kiểm soát mà không tiên liệu, và con không thể tiên liệu điều gì nếu điều đó cứ đi lên theo một xoắn ốc hướng thượng thay vì chạy lòng vòng một chỗ. Sa nhân biết là chúng không thể chặn đứng được chuyển động – ít ra chúng hiểu được chuyện này – cho nên chúng cố khiến cho chuyển động phải chạy lòng vòng thay vì vươn lên theo một vòng xoáy hướng thượng.
Có chuyển động và có những chu kỳ. Nếu cứ quay lòng vòng thì ít ra chúng có thể tiên liệu. Chúng biết chuyện gì sắp sửa xảy đến giống như khi con nhìn sự tuần hoàn của mùa màng, khi nào là mùa gieo và khi nào là mùa gặt, bởi vì nó luôn luôn như vậy cho dù con không thể tiên đoán chính xác từng giây từng phút.
Do tiến trình sáng tạo cố hữu đó mà sa nhân đã chưa bao giờ thành công. Trong quá khứ, chúng đã tạo dựng những nền văn minh bị khóa chặt trong một khuôn nếp nhất định suốt một thời gian rất dài . Chúng cũng đã tạo ra một số nền văn minh bị khóa chặt trong khuôn nếp đến độ phải đi vào một vòng xoáy hướng hạ, và do đó phải suy tàn hay thậm chí sụp đổ.
Đây là điều thày đã nói tới, là sức mạnh nằm tiềm ẩn trong đấng Mẹ, mà đôi khi các thày gọi là định luật thứ hai của nhiệt động học. Một hệ thống khép kín bắt buộc phải tự hủy diệt để tiến trình đi lên được phục hồi. Tại sao một hệ thống lại được phép trở thành khép kín chứ? Là do quyền tự quyết, là bởi vì con được phép trải nghiệm tạm thời việc tạo dựng một xã hội bất biến mà con nghĩ sẽ không bao giờ biến mất, sẽ sống mãi mãi, hay ít ra sẽ kéo dài hàng ngàn năm như nhiều kẻ đã từng mơ ước.
Sa nhân muốn tạo dựng một xã hội nơi không một ai dám biểu hiện sáng tạo, sự sáng tạo đích thực. Thay vào đó, chúng nghĩ sáng tạo có nghĩa là hoạt động trong những khuôn khổ mà nhà lãnh đạo của xã hội đó – tức sa nhân – đã quy định. Hiển nhiên, điều các Thượng sư muốn dẫn con đi qua là một tiến trình nơi con giải phóng ý định của mình, trí tưởng tượng của mình, khả năng sáng tạo của mình – qua đó con cả gan biểu đạt – là sự sáng tạo đích thực đến từ Hiện diện TA LÀ của con chứ không phải loại sáng tạo do thế gian quy định.
16.5. Hiện diện TA LÀ nhìn cuộc sống như thế nào
Hiện diện TA LÀ của con nhìn cuộc sống khác hẳn cách nhìn của tâm vỏ ngoài. Thày nói điều này không phải để chê trách con, vì khi con đang đầu thai thì con không làm gì khác được. Nhưng con vẫn có thể bắt đầu hé nhìn thấy được, và chắc chắn bắt đầu hiểu ra được là Hiện diện TA LÀ có cái nhìn khác hơn. Do đó, Hiện diện TA LÀ có một mục đích khác.
Hiện diện TA LÀ muốn con – khi con là một đệ tử tâm linh và con chủ tâm bước đi trên con đường hướng thượng, con đường tâm linh – nó muốn con thăng vượt bản thân hầu con đạt tới điểm thăng thiên càng nhanh càng tốt. Nó cũng muốn con hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con trong kiếp sống này. Điều này sẽ đòi hỏi những gì? Nó sẽ không đòi hỏi con quy phục các tiêu chuẩn trong xã hội, trong gia đình hay nơi làm việc của con. Nó sẽ đòi hỏi con cả gan làm điều gì đó khác biệt.
Con hãy nhìn xem bao nhiêu đệ tử tâm linh đã sống một cuộc đời không thuần lý, không thực tế hay vượt ra ngoài những gì mà cha mẹ hoặc xã hội đã muốn họ sống theo. Con nhìn xem bao nhiêu lần họ đã thay đổi việc làm, bao nhiêu lần họ đã nghỉ việc để tham dự một khóa nhập thất, đã thay đổi người phối ngẫu, đã làm chuyện này hay chuyện nọ. Có thể chính con cũng đã từng làm những chuyện tưởng chừng như thiếu hợp lý nhưng lại là điều thúc bách con. Con nhận thấy là con có quá nhiều trải nghiệm phải nhét vào một kiếp sống và do đó con không thể làm mãi cùng một công việc, hay nhất thiết phải có cùng một người bạn đời cho nguyên một kiếp. Con có nhu cầu di chuyển khắp nơi chốn và nhìn đời từ nhiều góc độ khác nhau, hầu giải quyết trong tâm con những vấn đề đang ngăn trở bước đường thăng thiên hay tăng triển của con.
Thật không cần thiết nhìn lại đời mình với một thái độ phán xét, lo lắng về những lỗi lầm mình đã vấp phải. Con yêu dấu, nếu con mong muốn nhìn lại đời mình và đánh giá xem mình đã phạm những lầm lỗi nào, thì dĩ nhiên, đó là quyền của con. Nhưng khi đó, thày phải nói: “Thày là Serapis, Thượng sư của Tia thứ Tư, không thể giúp con làm việc đó.” Có nhiều đệ tử đến nhập thất của thày với mong muốn đó. Họ muốn thày ngồi xuống kiểm điểm đời họ cùng với họ, bảo cho họ biết là họ đã lầm lỗi chỗ nào, đã làm sái chỗ nào và đáng lẽ đã phải làm gì cho tốt hơn. Thày phải nói với họ là thày không thể giúp họ trong chuyện này. Một số nổi giận, một số thất vọng, một số bỏ đi. Điều thày nói với con là như sau: “Thày không thể giúp con xác định là con đã lầm lỗi chỗ nào. Điều thày có thể làm là giúp con nhìn vào đời mình và nhận ra mọi sự mình làm đều là một thử nghiệm.”
Trong thử nghiệm không có chuyện lầm lỗi, con yêu dấu. Con có thể có một mục tiêu khi con thử nghiệm và con có thể nói: “Mục tiêu của tôi đã không thành hình.” Chẳng hạn, khi Thomas Edison muốn phát minh bóng đèn, ông đã thử nghiệm rất nhiều vật liệu mà không thành công. Đó phải chăng là lầm lỗi? Liệu ông đã tự trách mình là ông đã sử dụng một vật liệu “lầm lỗi” hay không? Không, ông chỉ tiếp tục thử nghiệm cho tới khi ông tìm ra vật liệu thích hợp, và đây chính là cách mà thày có thể giúp con nhìn đời con.
Thày cũng có thể giúp con đi xa hơn nữa và nhìn ra trong nhiều trường hợp là con đã làm một việc gì đó trong đời với một ý định có ý thức là nó phải diễn ra như thế nào. Rồi khi ý định ý thức không hoàn thành, con thất vọng hay đau đớn, hay con bắt đầu tự trách thân là mình đã làm bậy, đã mắc phải lỗi lầm khủng khiếp. Điều thày có thể giúp con là lui lại một bước và nhìn ra Hiện diện TA LÀ của con không nhìn vào sự kiện đó theo cách con nhìn.
16.6. Một mục đích cao hơn các ý định có ý thức
Con thấy đó, con yêu dấu, điều không thể tránh được trên một hành tinh như địa cầu là con hình thành một số ý định có ý thức không phù hợp với Sứ vụ Thiêng liêng hay tiềm năng phát triển cao nhất của con. Điều này không có nghĩa là chuyện đó sai lầm, mà có nghĩa là mục đích làm chuyện đó thật sự không nhằm thực hiện mục tiêu mà con có trong ý thức.
Từ nhãn quan của Hiện diện TA LÀ, mục đích để làm một chuyện gì đó là để con cứ làm thêm mãi cho tới khi con thấy đủ và con nhận ra: “Tôi không muốn làm chuyện này thêm nữa.” Và con bắt đầu nghĩ: “Liệu vấn đề có phải là ý định của tôi, chứ không phải là chuyện đạt hay không đạt kết quả vỏ ngoài?” Điều thày có thể giúp con nhìn thấy là trong nhiều trường hợp khi con bị thất vọng trong đời hay làm điều gì con cho là lầm lỗi, vấn đề thực sự là con cần bước lui lại và nói: “Nhưng vì lý do gì tôi đã nỗ lực làm chuyện đó? Tại sao tôi lại có mục tiêu đó? Tại sao tôi nghĩ đó là cách sống duy nhất? Tại sao tôi nghĩ tôi phải nhập vào cuộc chơi mà xã hội đã lập trình để tôi phải chơi?”
Có những người chỉ có thể học hỏi qua Trường đời Cay đắng. Có một số chuyện mà tất cả chúng ta chỉ có thể học được bằng cách – nếu có thể nói như vậy – dấn thân vào Trường đời Cay đắng. Cũng không sai khi nói rằng chúng ta có một vị thày tâm linh và chúng ta ở trong một môi trường bảo bọc nơi mình luôn luôn tiếp xúc với một vị thày tâm linh có thể giúp mình lượng định mọi thứ. Nhưng trong tiến trình cũng có yếu tố là chúng ta đơn giản cần xông ra ngoài và tự mình trải nghiệm. Chúng ta cần – thẳng thắn mà nói – đập đầu vào tường đá thật nhiều lần cho tới khi mình hiểu ra là việc đập đầu vào tường sẽ không phá vỡ được bức tường. Và do đó chúng ta cần tái lượng định những việc mình làm cũng như tại sao mình làm. Đây chỉ là một phần của tiến trình tăng trưởng trong thế giới vật chất, đặc biệt là, tất nhiên, trong điều kiện hiện hành với các định luật phụ thuộc của tự nhiên.
16.7. Tại sao các sinh thể tách biệt không thể tự do
Con yêu dấu, thày đã đề cập đến các định luật phụ thuộc của tự nhiên mà không xác định rõ là gì. Vậy hãy để thày cho con một chút ấn tượng về cách chúng vận hành. Nếu con ở trong một môi trường thuần khiết nơi các định luật phụ thuộc của tự nhiên không hiện hành, con sẽ thấy là trong một môi trường như vậy (mà các thày gọi là Vườn Eden hoặc Trường Bí giáo của Maitreya) con được tự do biểu đạt sự sáng tạo của con. Không có nghĩa là con sẽ luôn luôn tạo ra một kết quả y hệt như con dự định hay thực sự mong muốn trong một thời gian.
Điều xảy ra trong một môi trường thuần khiết là bất cứ gì con tạo dựng đều có thể được tháo gỡ tức khắc. Lý do điều này có thể xảy ra là vì con nhận được sự phản hồi tức khắc của bất cứ gì con tạo ra, con có sự biểu hiện tức thì của những gì con sáng tạo. Nếu con gửi ra một ý định mà ngày nay con sẽ gọi là một ý định hung dữ với người khác, nó sẽ trở ngược lại con ngay lập tức. Trong một môi trường như vậy, con không thể có một số loại trải nghiệm vì sự phản hồi sẽ tức thì và con lập tức cảm thấy đau đớn. Con không thể đi vào tách biệt trong một môi trường như vậy và cư xử như một sinh thể độc lập có thể làm bất cứ gì mình muốn mà không đếm xỉa gì tới hậu quả cho tổng thể.
Trong một môi trường thuần khiết, con có thể làm bất cứ gì mình muốn nhưng con cũng sẽ tức khắc trải nghiệm nó ảnh hưởng như thế nào trên tổng thể vì nó phản hồi trở về con. Cách duy nhất để tránh né hiện tượng này là một môi trường trong đó có yếu tố trì hoãn, là khi con không nhận được phản hồi tức thì của những gì con gửi ra, có nghĩa là con có thể, trong một thời gian, mang ảo tưởng trong tâm rằng mình là một sinh thể tách biệt có thể trốn tránh một số hậu quả.
Toàn bộ cái nhìn của sa nhân về cuộc sống là mong muốn trải nghiệm việc trốn tránh hậu quả. Chúng có thể tách ra khỏi Thượng đế, chúng có thể tạo thế giới riêng biệt của chúng, chúng có thể ấn định luật lệ. Tất cả chúng ta đều có nhu cầu trải nghiệm điều này ít nhiều, chúng ta đều cần trải nghiệm sự tách biệt này trong một thời gian.
Con cũng hiểu là khi con bước vào tách biệt, con không tự do; con không thể tự do. Theo định nghĩa, không thể nào có chuyện vừa là một sinh thể tách biệt mà lại vừa tự do, bởi vì tách biệt chỉ có thể xảy ra bằng cách quy định một số hạn chế và lằn ranh, và những cái này thì sẽ giới hạn con.
Mới đầu, có thể con sẽ không kinh nghiệm thấy như vậy. Con còn có thể nghĩ là bằng cách nổi loạn chống lại Thượng đế, như sa nhân quả quyết, con sẽ đạt được tự do. Con sẽ thấy là trên hành tinh này có một số lời dạy bảo rằng khi con tuân thủ ý muốn của Thượng đế, con sẽ mặc vào bộ áo tù bó tay bó chân, và chỉ khi nào con chống lại ngài thì con mới giành được tự do. Đây chính là lời dạy của một số giáo lý và tư tưởng đạo Sa-tăng.
Đó là cảm giác lúc ban đầu bởi vì yếu tố trì hoãn khiến con không tức khắc nhận được phản hồi của những gì con gửi ra. Nhưng yếu tố trì hoãn không thể kéo dài mãi mãi, và sẽ tới thời điểm con bắt đầu cảm thấy mất tự do.
Con hãy cho thày hỏi câu này, con yêu dấu, như một bài tập về lôgic và trí thức. Một đằng sa nhân sẽ bảo là con chỉ tự do khi con nổi loạn chống lại Thượng đế. Đằng khác, chúng lại định nghĩa Thượng đế là kẻ thù đang hạn chế con. Tại sao chúng lại cần định nghĩa Thượng đế như vậy chứ? Tại sao chúng không chỉ việc bước xa khỏi ngài và nói: “Thượng đế không can hệ gì đến chúng ta, chúng ta cứ việc làm bất cứ gì mình muốn.” Đó là vì khi con bước vào nhị nguyên, con không thể làm bất cứ gì con muốn. Con phải có một đối thủ. Sa nhân đã biến Thượng đế thành đối thủ của chúng, hoặc chúng biến nhau thành đối thủ, hoặc những sinh thể khác, những con người khác thành đối thủ. Con phải có cái gì đó để mà chống đối, vì nếu không thì con không thể giữ vững ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt. Sự kiện con có cái gì đó để chống đối sẽ tước mất tự do của con. Không thể nào khác được. Để tìm lại tự do và biểu hiện sáng tạo của mình, con cần gỡ bỏ các cơ chế, các tin tưởng này về những gì con nghĩ con phải làm trong cuộc sống.
16.8. Định nghĩa các định luật phụ thuộc của tự nhiên
Trở về với các định luật phụ thuộc của tự nhiên, Luật Tự quyết cho phép con bước vào không gian tách biệt đó và định ra một số quy luật trong đó. Điều sa nhân đã làm là định ra một số quy luật khiến cho vật chất trở nên dày đặc hơn. Vật chất trong vũ trụ nơi con sinh sống dày đặc hơn ở nguyên thủy. Thày không bảo là khắp nơi trong vũ trụ vật chất đều dày đặc hơn, nhưng chắc chắn trên hành tinh địa cầu, vật chất dày đặc hơn hành tinh nguyên thủy do các Elohim sinh tạo.
Điều này mang một số hệ quả, trước tiên là nó che giấu sự hiện hữu của một cõi tâm linh – con không thể nhìn thấy với giác quan vật lý và tâm vỏ ngoài của con. Nó cũng che lấp ý tưởng là mọi sự việc đều quay trở ngược về con. Con tưởng là con có thể dựng lên một bức tường nào đó bằng vật chất sẽ bảo vệ con khỏi sự phản hồi, mà các thày gọi là nghiệp quả. Sa nhân đã cố làm chuyện này, và con có thể trì hoãn nhưng con không thể trì hoãn mãi mãi.
Sẽ tới một thời điểm khi nghiệp quả quay trở ngược về con và con không làm sao khác được. Khi dựng lên các định luật phụ thuộc và khiến cho mọi vật dày đặc hơn, con cũng khiến cho mọi chuyện đều khó thay đổi hơn. Khi rõ ràng mọi chuyện không diễn ra như con nghĩ và con không thể mãi mãi trốn tránh nghiệp quả, thì việc gỡ mình ra khỏi tình trạng này trở nên vô cùng khó khăn.
Kết quả là điều này tạo ra một môi trường học hỏi cực kỳ khắc nghiệt so với môi trường ban đầu nơi Vườn Eden với Maitreya. Trong môi trường thuần khiết nguyên thủy, con có thể sáng tạo một điều gì đó mà con không đặc biệt ưa thích và sẽ không mấy dễ chịu khi nó quay trở ngược về con, nhưng con có khả năng gỡ bỏ, hoàn nguyên nó tức khắc. Trong môi trường hiện tại, yếu tố trì hoãn khiến cho những gì con gửi đi không tức khắc quay trở về, nhưng khi nó quay trở về với con thì việc hoàn nguyên sẽ khó khăn bội phần.
Do vật chất dày đặc hơn, con cũng gặp tình trạng là vật chất cực kỳ thiếu khoan nhượng. Con có thể tạo ra những hệ quả sẽ ập đến tức khắc và ảnh hưởng con một thời gian rất đài. Như con cũng biết, khi con bước ra khỏi một toà nhà thật cao, con sẽ bị rơi xuống mà không làm gì khác được. Có rất nhiều chọn lựa trong đời sống mà con có thể gây ra hậu quả vô cùng khó chịu ngay lập tức, hay con phải chịu một hệ quả sẽ kéo dài suốt phần đời còn lại từ một chọn lựa duy nhất. Sự thể này không hiện hữu trong môi trường học hỏi nguyên thủy.
Con có thấy là thế giới nơi con lớn lên đã khiến con bị điều kiện hóa để nghĩ rằng quan tâm chủ yếu của con trong đời là phải tránh né những hậu quả ngặt nghèo và khó chịu của hành động của mình? Con thấy chăng là nếu trọng tâm của con là tránh phạm lỗi lầm, tránh làm điều sai trái, tránh tạo ra một hậu quả thật khó chịu, thì có phải con đang không thực sự sáng tạo? Sáng tạo không là một phản ứng đối với hay chống lại các điều kiện trên địa cầu. Sáng tạo không phải là liên hệ với thế giới vật chất cùng các điều kiện hiện hữu. Mà sáng tạo là khi con liên hệ với Hiện diện TA LÀ của con và cho phép cá thể cùng sự sáng tạo của Hiện diện được biểu đạt xuyên qua con trong thế giới vật chất.
Con thấy đây không phải là chuyện tìm cách tránh né vĩnh viễn những hậu quả tiêu cực, mà là trở nên sáng tạo để hoặc con thăng vượt, hoặc con thay đổi những điều kiện đang tạo ra các hậu quả tiêu cực đó. Đây chính là cách thế giới tiến bộ.
16.9. Một định nghĩa mới về thiên tài
Có những người đã hòa điệu được với dòng chảy sáng tạo này. Con có thể thấy một số người được gọi là thiên tài vì họ đã nảy ra một sáng kiến mà không ai nghĩ tới. Nhiều người chỉ có khả năng làm được điều này đúng một lần trong đời mình hay một vài lần. Họ chỉ có thể làm được trong một lãnh vực nhất định, nhưng nhiều khi họ không thể chuyển được điều này vào đời sống riêng của họ. Con sẽ thấy rất nhiều người được gọi là thiên tài đó, như Einstein chẳng hạn, cũng là người lập dị với những thành công hạn chế – nếu có thể nói như vậy – trong cuộc sống riêng tư. Có một sự phân cách giữa lãnh vực nghiên cứu mà họ đã chọn với cuộc sống hàng ngày của họ.
À con yêu dấu, các thày thà nhìn thấy các con là thiên tài trong đời sống hàng ngày, cho dù các thày cũng mong được thấy con là thiên tài trong một lãnh vực nơi con mang tiềm năng biểu đạt những điều mới lạ. Mục đích của khóa tu tự điều ngự là để con trở thành thiên tài trong đời sống hàng ngày bằng cách là người sáng tạo, là người học cách sử dụng khả năng sáng tạo tâm linh, thần thánh mà con vốn có sẵn, để tạo ra đời sống cùng những trải nghiệm đời sống mà con mong muốn trong kiếp này, hầu trợ giúp sự tăng triển của con.
Có thể mục tiêu của con không phải là thăng thiên trong kiếp này, nhưng chắc chắn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con có ghi việc thực hiện tiến bộ đáng kể về hướng thăng thiên. Nhiều người trong số các con có đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng mục tiêu hội đủ tư cách để thăng thiên ở cuối kiếp này. Đôi khi mục tiêu này đòi hỏi con làm một số việc mà dưới nhãn quan của người đời trong môi trường của con có vẻ là rất phi lý, vô trách nhiệm và kỳ lạ.
16.10. Tự ngã là vùng đệm giữa con và thế gian
Đó chính là sự sáng tạo, theo nghĩa là nó thăng vượt những ranh giới mà con mang trong tâm thức, những giới hạn đang kềm hãm con lại. Sáng tạo là gì đối với con? À, thày không thể nói được, con yêu dấu. Thày không thể nói được vì con không thể biết được sáng tạo là gì với tâm vỏ ngoài.
Con có hiểu thày đang nói gì chăng? Sa nhân đã làm gì? Chúng đã tạo ra một cơ chế trong tâm con đứng giữa con và thế giới. Tự ngã là gì chứ, con yêu dấu? Đó là một phản ứng đối với việc thế giới chối bỏ con. Cho nên con đã cố tạo ra một cơ chế để bảo vệ con khỏi thế giới vật chất cùng những điều kiện ở đây. Đó là một vùng đệm giữa con và thế giới. Một phần của nó là con đánh giá mọi việc trước khi con hành động. Con lo ngại những hậu quả tiềm ẩn.
“Liệu chuyện này sẽ khiến tôi chết liền tức khắc? Liệu nó sẽ biến tôi thành một kẻ tàn tật phải ngồi xe lăn trọn đời?” Rồi đến những lượng định vi tế hơn như “Liệu người ta sẽ nghĩ gì về tôi, nói gì về tôi? Tiêu chuẩn của xã hội là tôi phải cư xử hay không được cư xử thế nào?” Con đã quen đánh giá mọi chuyện trước khi con biểu lộ ra, nhưng đó không phải là sáng tạo. Sáng tạo là khi con nối kết – cái Ta Biết nối kết – bằng trực giác với Hiện diện TA LÀ của con. Con không lượng định bằng tâm vỏ ngoài xem Hiện diện sẽ làm gì xuyên qua con để ngăn chặn con, nếu Hiện diện muốn làm điều gì mà con không đồng ý hoặc sẽ khiến con xấu hổ.
16.11. Để cho Hiện diện làm việc xuyên qua con
Qua tâm vỏ ngoài, con sẽ không biết được Hiện diện muốn làm gì. Con hiểu điểm này chứ? Ngay lúc con nối kết trực giác với Hiện diện TA LÀ rồi bước vào tâm phân tích, ngay lúc đó con đã tắt đi luồng sáng tạo. Hiện diện TA LÀ phải lui về, tôn trọng quyền tự quyết của con, và đơn giản nó sẽ không biểu đạt qua con.
Khi con lượng định với tâm vỏ ngoài, con tắt đi luồng sáng tạo từ Hiện diện. Cách duy nhất để biết được Hiện diện sắp làm gì xuyên qua con là trải nghiệm sự việc khi nó đang diễn ra. Con không thể biết trước rồi sau đó – nếu con chấp thuận – để cho Hiện diện biểu đạt. Con cần để cho Hiện diện biểu đạt những gì nó muốn biểu đạt và con trải nghiệm nó khi nó đang biểu đạt.
Nếu con không sẵn sàng làm như vậy, nếu con không sẵn sàng ngẫu hứng, thì con không thực sự sáng tạo. Không thể nào khác được. Con không thể né tránh chuyện này. Vì thế chúng ta có thể gọi đó là một quy luật. Con không thể vừa nối kết với Hiện diện, vừa lượng định xem Hiện diện phải biểu đạt ra sao. Con không thể nối kết với Hiện diện qua tâm phân tích.
Con có thể, tất nhiên, nhận ra là Hiện diện của con sẽ không làm gì để khiến con mất mạng chẳng hạn, và nó sẽ không muốn biểu lộ xuyên qua con một điều gì sẽ khóa con chặt hơn nữa vào một trạng thái giới hạn. Hiện diện muốn giải thoát con khỏi mọi giới hạn.
Quá nhiều người sợ hãi sự sáng tạo của mình vì họ cũng vậy đã dần dần tin rằng cách duy nhất để tránh khỏi hậu quả tệ hại là kiểm soát mọi chuyện. Họ nghĩ tự ngã có lý khi nó muốn kiểm soát và biến mọi thứ thành những chuyện có thể tiên liệu trước. Con đâm ra sợ hãi những gì tự phát, không thể đoán trước.
Tại sao Giê-su lại bảo rằng trừ khi con trở thành một trẻ nhỏ, con không thể bước vào Nước Trời? Đó là vì Nước Trời là một trạng thái tâm thức, là tâm thức Ki-tô. Tâm thức Ki-tô là khi con nối kết với Hiện diện TA LÀ của con và Hiện diện có thể tự biểu đạt xuyên qua con. Như Giê-su cũng nói, “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì, mà là Cha – có nghĩa là Hiện diện TA LÀ – ở trong ta.” Đây chính là quả vị Ki-tô.
16.12. Sự sáng tạo phải được biểu lộ
Quả vị Ki-tô có thể ở trên tầng 96 một chút, nhưng tự điều ngự có nghĩa là con mở khóa sáng tạo của mình và cho phép nó tuôn chảy xuyên qua con. Điều này, con cần bắt đầu thực hiện trước khi con có thể chuyển từ khóa nhập thất của thày sang khóa nhập thất của Hilarion ở Tia thứ Năm. Thày đã nói là Tia thứ Tư là một loại tiêu điểm giữa ba tia sáng đầu và ba tia sáng chót. Ba tia sáng chót là nơi con cần khởi sự biểu đạt sáng tạo của con.
Không chỉ là chuyện học hỏi ngày càng nhiều hơn khi con kinh qua khóa tu này. Trong ba tia đầu, con đã đi qua đại loại một tiến triển bình thường, và thày đang ở đây để dẫn con đến điểm sẵn sàng bước vào ba tia chót. Ớ đó sẽ không là chuyện học hỏi mà là chuyện biểu đạt. Không phải là chuyện ngồi trong tháp ngà học tập một điều gì đó về bản thân mình, mà là thực sự biểu hiện sự sáng tạo của bảy tia sáng và sử dụng sáng tạo này để thay đổi đời mình cũng như kinh nghiệm sống của mình. Làm thế nào con sẽ mở khóa khả năng sáng tạo? Ở mức cõi ê-the tại khóa nhập thất của thày, cả hai thày đều đang dạy con như thày dạy con bây giờ. Các thày gợi ý cho con, thách thức cách nhìn của con về thế giới, nhưng các thày cũng dẫn con qua một số bài tập nhằm giúp con mở khóa khả năng sáng tạo đó và cả gan bày tỏ một cách tự nhiên, tự phát. Tất nhiên, con có thể tự giúp mình rất nhiều bằng cách cũng làm vậy ở mức ý thức.
Cuộc sống của con sẽ không thay đổi cho tới khi con đem những gì con học được tại khóa nhập thất xuyên qua các thể bản sắc, lý trí, cảm xúc và cuối cùng xuống đến thể vật lý. Thày khuyến khích con hãy tham gia vào những loại sinh hoạt tự phát, không gò bó. Thày để cho con chọn lựa vì có rất nhiều loại hoạt động như vậy – có thể là hội họa, nhảy múa, âm nhạc, hay bất cứ gì con thích.
16.13. Một chương trình mở khóa sáng tạo
Tuy nhiên, điều thày muốn gợi ý là con hãy lên khuôn một chương trình hàng ngày để học tập bài giảng này cũng như đọc bài thỉnh kèm theo. Con hãy dành ra một chút thời gian sau đó để ngồi yên lặng. Con hãy có một quyển sổ ghi và một cây bút, sau đó con dành ra một thời gian để hòa điệu với Hiện diện TA LÀ của con. Khi thày nói hòa điệu, thày không muốn nói là con làm vậy với tâm phân tích. Thày không muốn nói là con ngồi đó và tạo ra một nghi thức trong tâm, và con nghĩ ngợi về cách hòa điệu với Hiện diện của con. Điều thày yêu cầu con làm là, càng nhiều càng tốt, để cho tâm yên tĩnh, im lặng, rồi con hòa điệu. Sau đó, con hãy viết xuống bất cứ gì khởi lên trong con mà không đánh giá gì hết.
Có thể những gì đến với con là điều gì đó được biểu lộ từ tâm tiềm thức. Có thể có một số điều mà con cần nhìn thấy trong tâm tiềm thức và do đó nó khởi lên cho con chú ý. Có thể có những điều đang ngăn chặn không cho con hòa điệu với Hiện diện TA LÀ. Khi con đọc những dòng đó, con có thể lượng định. Con có thể sử dụng những điều khởi lên khi con đọc bài thỉnh cho chương này hoặc con đọc những bài thỉnh, bài chú khác nếu thích hợp. Chẳng hạn, nếu con cảm thấy một nỗi sợ nào đó, con có thể kêu gọi Đại thiên thần Michael. Nếu con có ràng buộc với một điều gì đen tối, một điều gì khó chịu, con có thể kêu gọi Elohim Astrea để thày cắt đứt dây buộc và cởi trói cho con. Cho mỗi vị chân sư, cho mỗi vấn đề mà con có thể gặp, đều có những bài thỉnh, bài chú thích hợp (Xem chansuthangthien.org).
Cũng có thể có một điều gì đó đến với con mà con chưa hề dám nghĩ tới. Có thể có một điều gì về cách thay đổi hoàn cảnh vỏ ngoài của mình mà con không dám nghĩ tới trong tâm ý thức. Vậy con cần ngồi xuống và lượng định. Liệu con sẽ thực hiện thay đổi này hay không? Thày không đang nói là con nhất thiết phải thực hiện mọi sự thay đổi khởi lên trong con. Rất có thể là con cần nhìn thấy một điều gì đó hầu con có thể quyết định một cách ý thức là mình thay đổi hay không.
Một lần nữa, con cần nhớ là con đã làm một số chuyện với mục đích nhìn ra là mình không muốn làm những chuyện đó nữa. Một điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với những điều đến với con từ bên trong. Có nhiều học trò tâm linh nghĩ rằng bất cứ gì đến từ bên trong đều phải đến từ Hiện diện TA LÀ hay từ chân sư thăng thiên, nhưng không phải luôn luôn như vậy. Nó có thể đến từ một khía cạnh của tự ngã, có thể nó đã khởi lên là vì con cần tới điểm nhìn thấy một cách ý thức rằng đó không phải là một chỉ đạo cao hơn, đến từ một nguồn cao hơn. Do đó, bằng cách ý thức nhận ra điều này, con có thể phơi bày một khía cạnh của tự ngã, rồi con có thể gia tăng mức hòa điệu với Hiện diện TA LÀ và nhận được sự hướng dẫn đích thực từ trên. Thày vừa nói là nếu con nghĩ là con đã giác ngộ, sẽ có một số khía cạnh của tự ngã mà con phải phủ nhận, cho nên con sẽ kẹt lại ở đó. Cũng có một số học trò tâm linh bị kẹt lại vì họ tưởng mình đã nhận được sự hướng dẫn từ một nguồn thiêng liêng hay một linh hứng cao hơn nào đó, nhưng nguồn này không cao hơn theo nghĩa nó đến từ Hiện diện TA LÀ. Có thể nó đến từ một số sinh thể trong cõi trí hay cõi bản sắc. Có thể nó đến từ chính thể bản sắc hay thể lý trí của con, nhưng nó không đến từ Hiện diện và các chân sư. Cũng đôi khi có những học trò nhận được sự chỉ đạo dai dẳng mà họ cho là chính đáng, và mục đích là khiến con đạt tới điểm con nhận ra đó cũng không phải là cao nhất, mà có cái cao hơn.
16.14. Tại sao đường tu có vẻ phức tạp
Đúng vậy, con yêu dấu, chuyện này rắc rối, chuyện này phức tạp. Con có biết tại sao nó lại có vẻ phức tạp như thế? Thày đã nói gì ở đầu bài? Tự do là sự tự do khỏi các cơ chế trong chính tâm con. Đó là nơi con giành được tự do: trong chính tâm con. Con chẳng hiểu hay sao là khi con nhìn từ bên trong tâm mình, thật là khó nhìn thấy những cơ chế mà mình đã tạo dựng? Tại sao vậy? Bởi vì con đã tạo ra những cơ chế đó để cho mình ảo tưởng mình là một sinh thể tách biệt.
Nếu con thấy được là con thật sự không là một sinh thể tách biệt – rằng đó chỉ là một ảo tưởng – thì nó sẽ không còn cho con cảm nhận đó là thực tại nữa. Hẳn con đã ngồi trong một rạp hát ngắm cảnh trí trên sân khấu, rồi có thể con đã có dịp bước ra đằng sau cảnh trí và nhận ra đó là một ấn tượng chỉ có tác dụng khi con ngồi nhìn từ dưới rạp hát. Khi con bước ra đằng sau, con thấy ngay tất cả đều là giả. Đó, trong tâm con cũng xảy ra giống như vậy. Khi con ngồi trong rạp và nhìn lên sân khấu, tất cả đều có vẻ hiện thực. Nếu con ra sau sân khấu thì hiển nhiên tất cả đều là giả. Khi con ngồi trong tâm con, mọi chuyện có vẻ thật rắc rối, thật khó thấy, thật phức tạp. Và con nghĩ: “Ồ, làm thế nào tôi sẽ thoát ra được đây? Làm thế nào tôi sẽ nhìn xuyên thấu được đây?”
Con yêu dấu, thày hoàn toàn hiểu được cảm giác này vì chính thày cũng đã cảm thấy như vậy trước khi thăng thiên, và thày có thể nhớ lại chuyện đó như thế nào trước khi mình thăng thiên. Nhưng thày cũng biết là khi con tiến lên từng bước một, con sẽ làm cho tấm màn ngày càng mỏng hơn, và sẽ có những lúc khi mây mù hé mở ra và con bắt được một tia sáng từ mặt trời là Hiện diện TA LÀ của con.
16.15. Kết luận
Thày đã dẫn con đi qua bảy bước trong cuốn sách này. Nếu con đi theo một cách chuyên cần, con sẽ tiến bước, và một ngày con sẽ sẵn sàng bước theo các khai ngộ dưới bào huynh yêu dấu của thày là Hilarion. Và Hilarion sẽ dạy con cách thực hành câu ngạn ngữ cổ xưa: “Thày thuốc, hãy chữa lành chính mình!”
Thật là một niềm vui lớn được dẫn dắt con nơi khóa nhập thất của thày, được trao cho con những bài truyền đọc có khả năng kích thích tâm vỏ ngoài của con. Thày biết ơn đã có cơ hội đem nội dung những bài giảng này vào cõi vật lý nơi mọi người có thể đọc được và do đó có cơ hội quyết định: “Liệu tôi sẽ chỉ đọc qua mà thôi, hay là tôi sẽ làm những bài thực tập? Liệu tôi sẽ làm một cách máy móc hay tôi sẽ bắt đầu làm một cách sáng tạo? Liệu tôi sẽ làm như một bài tập vỏ ngoài hay tôi sẽ thực sự hòa điệu với Hiện diện của Serapis Bey?”
Theo một nghĩa nào đó, toàn bộ mục đích của bảy tầng khai ngộ này là để giúp con hòa điệu trong ý thức với Hiện diện mà TA LÀ. Nếu con có thể trải nghiệm Hiện diện của thày trong tâm vỏ ngoài của con, nó sẽ neo chặt bước tăng triển mà con đã kinh qua ở tầng ê-the vào cuộc sống vật lý và tâm vỏ ngoài của con, ở một mức mà con không thể tưởng tượng nổi khi con chưa trải nghiệm Hiện diện của thày.
Do đó, thày hy vọng là sẽ đến một điểm mây mù sẽ hé mở ra và con sẽ nhìn thấy thày như TA LÀ. Vì thày là chân sư thăng thiên Serapis Bey, Thượng sư của Tia sáng thứ Tư và:
TA LÀ tự do trong sự… thuần… khiết.