Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 6 tháng 5 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn Quốc.
TA LÀ Phật, tên ta là Gautama. Thày muốn nhân cơ hội này trình bày một số đề tài có vẻ không nói tới Hàn Quốc. Tuy không nói gì về Hàn Quốc, thày vẫn nói điều gì đó về Hàn Quốc cho những ai có thể hiểu được.
Nếu con tìm hiểu bài giảng tuyệt vời của Giê-su về Con đường Quả vị Ki-tô, con sẽ thấy, con yêu dấu, là có một số giai đoạn trên con đường này. Đặc biệt là khi con tới gần và vượt qua tầng 96, con sẽ phải đối mặt một số thách đố, con phải đối phó với chúng để có thể tiến lên cao hơn tới tầng 144. Chúng ta có thể xem những thách thức này giống như một số nghịch lý, một số bí ẩn, mà con phải giải quyết trước khi con có thể vươn cao lên tới một tầng cao hơn của đường tu. Có một số bí ẩn như thế, nhưng thày sẽ không đi vào tất cả mà chỉ bình luận một số.
10.1 Thấy mâu thuẫn hay nhìn vượt quá chúng
Bây giờ, con thấy chăng con yêu dấu, khi các thày là chân sư thăng thiên tiếp cận với nhân loại chưa thăng thiên để trao truyền một giáo lý, các thày đối mặt một khó khăn đặc thù mà ít người đang hiện thân hiểu được. Sự thực là khi con là một chân sư thăng thiên, con đã thăng vượt tâm đường thẳng, nhị nguyên và phân tích. Do đó, con có một sự nhận biết quả cầu hơn; con không nhìn mọi sự qua phin lọc của hai cực, của cực đoan, của phê phán giá trị và một thang giá trị. Con không có cái tâm đường thẳng so sánh lời này với lời kia và có thể nó thấy có mâu thuẫn vì hai câu có vẻ như không nói cùng một chuyện.
Lẽ dĩ nhiên các thày biết là trên thực tế những người chưa thăng thiên ở trong trạng thái tâm dễ nhìn thấy mâu thuẫn vì họ tìm cách giải thích mọi chuyện với tâm đường thẳng. Họ nghĩ phải hiểu lời này theo nghĩa đen, phải hiểu lời kia theo nghĩa đen; và khi con lấy nghĩa đen của hai lời nói thì chúng có vẻ mâu thuẫn. Giờ đây con yêu dấu, có nhiều học viên tâm linh đã bắt đầu học hỏi giáo lý tâm linh hay cũng như vậy, học hỏi giáo lý của các tôn giáo, và họ thấy, theo nhận thức của họ, là có những mâu thuẫn. Nhiều người trong thế giới Tây phương đã dùng những điều có vẻ mâu thuẫn trong kinh sách tôn giáo để lý luận theo khoa học hay chủ nghĩa duy vật là mọi tôn giáo đều là chuyện giả dựng và không nói lên điều gì thực sự hợp lý.
Lẽ dĩ nhiên đây là hậu quả cùng cực khi sử dụng tâm đường thẳng. Ngay cả nhiều người mộ đạo hay tâm linh cũng tìm thấy mâu thuẫn, thường là giữa hai giáo lý tâm linh khác nhau. Điều này khiến họ nghĩ là họ phải suy luận rằng một trong hai cái là đúng và cái kia là sai. Còn có cả những người bắt đầu thấy mâu thuẫn ở trong một giáo lý tâm linh và điều này làm họ hoang mang, và ngay cả bỏ con đường tu. Mục đích của thày ở đây là đưa ra một số nhận xét có thể giúp con vượt quá giai đoạn này, vì quả thực đây là một giai đoạn trên đường tu. Có thể nói là con đã vươn lên trên tâm đường thẳng nhưng con chưa đột phá một cách ý thức và chưa giải thoát tâm ý thức của mình khỏi lối suy nghĩ đường thẳng. Con chưa thấy được một cách ý thức những giới hạn của lối suy nghĩ đường thẳng và do đó con vẫn bị xáo trộn bởi những điều trông có vẻ mâu thuẫn kia.
Nhìn một cách rất tổng quát, con yêu dấu, thì thày có thể nói với con rằng, lẽ dĩ nhiên, có thể có một số trường hợp có một số lời dạy mâu thuẫn. Các thày, khi trao truyền giáo lý qua một sứ giả chưa thăng thiên, không thể bảo đảm là không có một số sai sót len lỏi vào và có thể có một ít mâu thuẫn ở chỗ này chỗ kia. Khi con tới một mức chín chắn hơn trên con đường tu, thì con sẽ không để một sai sót hay một mâu thuẫn khiến con bác bỏ phần còn lại vẫn có giá trị của giáo lý. Tuy thế, trong đại đa số trường hợp, điều có vẻ là mâu thuẫn chỉ có vẻ mâu thuẫn vì nó được nhìn qua phin lọc của tâm đường thẳng. Khi con thấy một mâu thuẫn, phản ứng xây dựng hơn là con nói: “Tôi cần nâng tâm thức mình lên để tôi có thể có một cái nhìn cao hơn về vấn đề. Chắc phải có điều gì đó tôi chưa thấy, chưa hiểu. Khi tôi thấy nó rồi, nó sẽ giải quyết điều mà hiện giờ trông có vẻ mâu thuẫn.” Sau đó, con mở tâm ra đón nhận sự hướng dẫn trực tiếp và trực giác từ các chân sư thăng thiên, từ Hiện diện TA LÀ của con, từ cái Ta Ki-tô của con để giải tỏa bí ẩn. Hoặc con học hỏi thêm giáo lý vì con nhận ra rằng có thể có những phần giáo lý khác có thể giúp con giải tỏa bí ẩn.
10.2. Hiểu lầm về không dính mắc
Một ví dụ mà nhiều người coi là mâu thuẫn là sứ vụ của chính Phật. 2500 năm trước đây, thày giảng là mục tiêu giáo lý của thày là cho các con một con đường tu giúp các con vượt lên trên trạng thái tâm thức bình thường bằng cách đạt được sự hoàn toàn không dính mắc. Tuy thế, con yêu dấu, nếu cá nhân thày đã đạt được sự hoàn toàn không dính mắc, thì tại sao thày lại bỏ công đi giáo hóa?
Nói cách khác, nhiều người hiểu khái niệm không dính mắc có nghĩa là không quan tâm tới chuyện gì xảy ra trên trái đất. Hó lý luận rằng nếu Phật thật sự không dính mắc, thì Phật không quan tâm đến chuyện xảy ra cho người khác và nếu thế thì đâu cần bỏ công đi vào thế gian và giảng dạy một giáo lý có thể giúp họ thoát khổ? Tại sao Phật không chỉ giản dị không dính mắc và tiến lên các tầng cao hơn, và để con người khám phá những điều mà Phật đã khám phá và nhờ vậy tự giải thoát nếu có thể. Nếu họ không tự giải thoát được, thì Phật cứ để họ tiếp tục đi theo bánh xe của luân hồi và đau khổ cho tới khi họ chán ngán và tự thức tỉnh.
Con thấy chăng, con yêu dấu, không dính mắc không đồng nghĩa với không quan tâm. Tuy nhiên nó không phải là sự quan tâm của người phàm. Nó không dựa trên sợ hãi. Nó không muốn ép buộc người khác hay áp lực thế gian phải thay đổi. Không dính mắc không có nghĩa là con chọn không làm gì hết. Nó có nghĩa là con có thể chọn làm gì đó để giúp người khác, hay con có thể chọn làm chuyện khác. Nếu con chọn giúp người khác, thì con không hành động như người phàm phu muốn thấy một kết quả đặc thù. Thực ra, con không giảng dạy để đạt một mục tiêu đặc thù nào cả, con không tìm cách đạt một kết quả đặc thù từ sự giảng dạy của con. Con giảng dạy vì con muốn chia sẻ điều con đã khám phá, con muốn chia sẻ cái con là. Do đó, con không tìm cách ép buộc người khác; con cống hiến họ một trạng thái tâm thức khác với trạng thái tâm thức đang thịnh hành trên trái đất.
Một số người có thể coi sự phân biệt ở trên quá vi tế, hay có thể còn vô lý nữa. Thày công nhận điều này. Thày không thể giúp con giải tỏa những nghịch lý này nếu con chưa tới trình độ sẵn sàng làm điều mà thày vừa mô tả và nâng cao tâm thức của mình. Nếu con lúc nào cũng phóng chiếu là vấn đề “ở ngoài kia”, vấn đề ở trong giáo lý hay ở vị thày, thì con không thể giải tỏa các nghịch lý này. Lúc ấy con phải đi vào Trường đời Cay đắng và nhận đủ lượng cay đắng cho tới khi con sẵn sàng nói: “Có thể tôi mới là người phải thay đổi, có thể sự ngăn trở nằm ngay trong tâm thức của tôi thay vì là lỗi của vị thày, của giáo lý, của người khác hay của thế gian?”
10.3. Thấy được hạn chế của tâm đường thẳng
Một số các con biết câu truyện về cuộc đời của thày là sau khi thày đắc quả vị Phật, sau khi thày nhập Niết bàn và dự tính ra khỏi Niết bàn để đi giáo hóa, thì thày phải đối mặt sự chống đối của toàn bộ lực của thế gian này, nói rằng chuyện đi giáo hóa của thày thật vô ích. Trạng thái tâm thức mà thày đạt được quá khác, trong nền tảng, trạng thái tâm thức của mọi người, nên họ không thể hiểu giáo lý của thày. Nói cách khác, sự giáo hóa của thày sẽ không đem lại thay đổi nào.
Câu trả lời của thày là: “Sẽ có một số người hiểu.” Trong 2500 năm qua, một số đã hiểu nhưng chỉ có một số ít. Tuy nhiên, chúng ta đang ở một thời điểm mà nhiều người hơn đã sẵn sàng hiểu và đây là lý do vì sao bây giờ thày xuất hiện như một chân sư thăng thiên, như một trong nhiều chân sư thăng thiên khác và cố gắng trao truyền cho các con một giáo lý thích ứng với thời hiện đại.
Một lần nữa, trước khi thày quyết định làm việc này, thày phải đối mặt với lực đó và nó không phải là một sinh thể có ý thức. Lý do giản dị là, khi thày, như một chân sư thăng thiên, muốn xét xem thày làm được gì cho nhân loại chưa thăng thiên, thì thày cần hòa điệu với trình độ tâm thức hiện thời của nhân loại. Lúc đó, thày phải đối diện với sự khác biệt giữa tâm thức đại chúng và tâm thức của chính thày và có lúc thày cảm thấy như không thể nào bắc được nhịp cầu qua khoảng cách đó. Do đó, thày phải đối phó với sự việc này, thày phải tìm một cách giải quyết trong tâm mình. Thày nhìn xem con người đang ở đâu trong tâm thức và thày tìm cách giúp họ vượt lên trên mức đó và hòa điệu với một khía cạnh nào đó của Hiện diện của thày, Bản thể của thày.
Bài truyền đọc này là một biểu hiện của việc làm này, các bài truyền đọc khác của thày và của tất cả các chân sư thăng thiên cũng vậy. Điều thày muốn làm ở đây là giúp con thấy được các hạn chế của tâm đường thẳng vì tâm đường thẳng, duy lý, phân tích quả thực chiếm ưu thế trong thế giới ngày nay nhiều hơn 2500 năm trước đây.
10.4. Khi giác ngộ ngăn cản giác ngộ
Thày muốn cho con một ví dụ khác. Một khái niệm mà thày trao truyền cho thế gian hồi đó là bát chánh đạo có thể đưa con tới một trạng thái tâm thức cao mà thày gọi là giác ngộ. Thời đó, thày cố gắng giảng cho mọi người làm sao đạt được giác ngộ, và tránh đừng để khái niệm giác ngộ ngăn chận sự giác ngộ của mình. Rất ít người đã hiểu được điều này và đặc biệt là trong thời hiện đại này cũng rất ít người hiểu được, chính là vì ảnh hưởng của tâm đường thẳng.
Con thấy chăng, con yêu dấu, các thày đã trao truyền cho các con khái niệm con đường tâm linh. Các thày đã nói về 144 tầng tâm thức, nói là con có thể bắt đầu một cách ý thức con đường tu ở tầng 48 và con có thể phác họa hành trình của mình để tiến lên đến tầng 96. Con có thể đi theo một số bước hợp lý giúp con dần dần nâng cao tâm thức theo một tiến trình đường thẳng. Các thày cũng có nói là con có thể đi quá tầng 96 và một lần nữa con đi qua một số bước cho tới khi con tới tầng 144. Cách này lẽ dĩ nhiên là một tiến trình đường thẳng, nhưng con đường tâm linh hay tiến trình đạt giác ngộ không nhất thiết phải mô tả theo cách đường thẳng. Ta có thể mô tả nó theo cách quả cầu. Điều giản dị là những gì các thày trao truyền trong thời đại này thích ứng với sự kiện là các con suy nghĩ theo lối đường thẳng. Lẽ dĩ nhiên các thày đã thích nghi giáo lý, thiết kế chúng theo một cách để giúp các con dần dần thoát khỏi sự mù lòa của tâm đường thẳng và vượt lên trên nó bằng cách dám đi theo trực giác, vì trực giác không theo đường thẳng.
Thày vẫn muốn đưa ra ở đây một số ý về khái niệm giác ngộ. Để có thể hiểu nó trọn vẹn, chúng ta cần bước lui về một chút. Thày cố trao truyền giáo lý này 2500 năm trước, nhưng trao truyền nó vào thời ấy quả thực khó khăn hơn. Con có thể nói điều trớ trêu là nó khó khăn hơn vì con người thời đó không suy nghĩ theo đường thẳng giống như con người thời nay.
Con yêu dấu, không phải là thời trước tốt hơn, hay người thời trước đón nhận giáo lý tâm linh hơn người thời nay. Thày cũng không muốn nói ở đây là sự phát triển của tâm đường thẳng đã là một thoái hóa. Nó chỉ là một thoái hóa khi nó được dùng một cách cùng cực. Sự phát triển của tâm đường thẳng trong dạng cao của nó quả thực được thiết kế bởi các chân sư thăng thiên. Nó là một bước tiến hợp lý sau lối suy nghĩ thần thoại, thần thông của con người trước thời hiện đại. Chính là vì con có tâm đường thẳng hơn mà các thày có thể trao truyền một cách nhìn mới về giác ngộ và tại sao khái niệm của con về giác ngộ có thể ngăn chận sự giác ngộ của con.
10.5. Những hạn chế của sự hiểu biết
Các con có, trong tư duy hiện đại, khái niệm về sự hiểu biết (understanding) một điều gì. Con có ý niệm là có một mức hiểu biết thấp khi con chưa có đủ kiến thức và tầm nhìn thấu suốt (insight). Sau đó, con có thể đi theo một tiến trình thu thập càng ngày càng nhiều hiểu biết và tầm nhìn thấu suốt cho tới khi con thấy được điều mà trước đó con không thấy được khi con chưa có đủ kiến thức cao. Điều này giúp các thày dễ trình bày hơn một con đường tu hợp lý, theo đó các thày có thể khiến hành giả trụ vào lòng mong muốn tiến triển của họ. Các thày có thể trao truyền cho họ một tiến trình rất tuần tự, đi từng bước để tăng triển kiến thức và sự hiểu biết của họ về khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Tuy thế con cũng có thể hiểu được ở đây, ngay cả với tâm đường thẳng, là hiểu biết có nhiều tầng mức. Điều này dễ nhìn thấy.
Một vài trăm năm trước đây, ngay cả các nhà khoa học cũng chỉ có một hiểu biết giản dị và sơ khai về vũ trụ vật chất so với ngày nay. Ngày hôm nay, họ có một hiểu biết tinh xảo hơn, chi tiết hơn, sâu sắc hơn. Ở đây có sự tiến bộ, nhưng con có thể chuyển đổi cách hiểu của tâm đường thẳng và thấy rằng tăng triển kiến thức không phải chỉ bằng một cách hay chỉ ở trong một hệ thống.
Con yêu dấu, ta có để đưa ra ví dụ giản dị của khái niệm nguyên tử. Tất cả vật chất được tạo ra từ nguyên tử và ngay cả nguyên tử cũng được tạo ra từ những phần nhỏ hơn, gọi là hạt cơ bản. Thày vừa trình bày kiến thức này cho con bằng ngôn từ rất giản dị nhưng các nhà khoa học đã mất mấy thế kỷ để khai triển kiến thức này. Ngay đây, thày vừa trình bày kiến thức này cho con bằng một ngôn ngữ là Anh ngữ, nhưng con cũng có thể trình bày kiến thức này bằng tiếng Hàn, tiếng Tàu hay tiếng Pháp hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Đó là cùng kiến thức đó nhưng được phát biểu với những từ ngữ khác.
Con cũng có thể thấy với tâm đường thẳng là khoa học nói chung tìm cách mô tả sự vận hành của vũ trụ vật chất, nhưng không phải chỉ có một ngành khoa học. Thí dụ, con có ngành vật lý học và con ngành hóa học. Khi con dùng cái nhìn của vật lý học về cách vận hành của vật chất, thì con mô tả cách vận hành này theo một cách. Khi con dùng cái nhìn của hóa học, thì con lại mô tả một cách khác.
Không phải là hai cách nhìn loại trừ nhau hay không tương hợp. Chúng là những cách khác nhau để mô tả cùng một hiện tượng. Sau đó, con có thể nhìn rộng hơn và thấy điều mà con gọi là sự sống trên trái đất hơn khía cạnh vật chất vật lý. Cũng có cái mà con gọi là sự sống sinh học được mô tả bởi khoa sinh vật học. Sinh vật học không tương phản với vật lý học hay hóa học. Nó có thể xem xét những hiện tượng hơi khác một chút nhưng điểm chính là nó mô tả sự sống một cách khác. Rồi con có thể tiến xa hơn nữa và thấy là có nhiều khoa vật lý đã tìm cách diễn tả những khám phá của họ bằng ngôn ngữ toán học. Bây giờ thì con thấy có ngôn ngữ thường ngày mà con người sử dụng để giao tiếp trong đời sống hàng ngày của họ, và có ngôn ngữ toán học mà các nhà khoa học dùng để mô tả một số hiện tượng vượt quá những gì con người chạm trán trong đời sống bình thường.
Thực sự con không thể nói là ngôn ngữ toán học tương phản với ngôn ngữ hàng ngày. Đây là hai cách khác nhau để mô tả, trong nhiều trường hợp, cùng một hiện tượng. Lẽ dĩ nhiên, toán học có thể mô tả một số hiện tượng hay mô tả chúng chính xác hơn ngôn ngữ hàng ngày. Mặt khác, con yêu dấu, ngôn ngữ hàng ngày rất hữu ích cho nhiều ứng dụng thực tế. Một ví dụ ngớ ngẩn, con yêu dấu, là con hãy thử vào một tiệm McDonald’s và gọi mua một cái bánh thịt hambua (hamburger) bằng cách dùng một công thức toán và ai biết con sẽ nhận được món hàng gì. Con thấy ở đây là với tâm đường thẳng mà con người có ngày nay, con có thể thấy được là những ngành khác nhau của khoa học là những cách song song để mô tả cùng một hiện tượng.
Con cũng có cả khái niệm, đã được một số người khai triển dựa trên những khám phá của khoa học, là có những thực tại song song, những vũ trụ song song, những chiều kích song song có thể hiện hữu lồng trong nhau. Con bây giờ có ngành vật lý học tiến bộ nhất gọi là học thuyết dây (string theory), nói về những sợi dây li ti rung động hiện hữu trong 11 chiều kích. Con bắt đầu thấy là ngay cả tâm đường thẳng cũng có thể dùng để mở rộng sự hiểu biết của con người về các khái niệm tâm linh khi con nhận ra là một giáo lý tâm linh (không nhất thiết là một tôn giáo giáo điều nhưng là một giáo lý tâm linh toàn vũ hơn) chỉ giản dị là một ngôn ngữ. Nó không chỉ là một ngôn ngữ với ngôn từ mà là một ngôn ngữ với khái niệm. Khi khoa học mô tả một hiện tượng như một sợi dây rung động và khi một giáo lý tâm linh mô tả nó như một sinh thể cơ bản, thì đây không phải là hai lối mô tả tương phản nhau mà là những lối mô tả song song của cùng một hiện tượng. Có thể khoa học không chấp nhận điều này nhưng những ai cởi mở với giáo lý tâm linh có thể thấy là có nhiều cách mô tả cùng một hiện tượng. Một số cách khiến con chú tâm vào một số khía cạnh của hiện tượng và những cách khác khiến con chú tâm đến những khía cạnh khác.
10.6. Giác ngộ không phải là một khái niệm
Thày đã bắt dầu bài giảng dài dòng này bằng cách nói rằng thày sẽ giải thích vì sao trao truyền khái niệm về giác ngộ có thể ngăn chận sự giác ngộ của con. Bây giờ chúng ta cần dùng các nhận xét của thày để đi tới được điểm nhận ra rằng khi khoa vật lý học mô tả vật chất một cách và khoa hóa học mô tả một cách khác và giáo lý tâm linh mô tả một cách thứ ba, thì cả ba lối giảng dạy này, con yêu dấu, có cùng chung một điểm là chúng cho con một khái niệm mà tâm con có thể dùng để tạo ra một hình ảnh nội tâm về hiện tượng. Con không thể nào thấy được hạt nguyên tử với mắt vật lý cho nên khi con đọc lời mô tả hạt nguyên tử của vật lý học, lời mô tả này không cho con một trải nghiệm trực tiếp về hạt nguyên tử. Nó giúp con tạo ra một hình tư tưởng về hạt nguyên tử. Bây giờ, hình tư tưởng này có thể hữu dụng vì nó cho con cảm giác là con hiểu hiện tượng. Nó cũng có thể hữu dụng trên mặt thực tiễn vì nó có thể cho phép con làm một số việc trong đời sống hàng ngày.
Tại sao thế giới hiện đại đã tạo ra được một nếp sống vật lý thoải mái tiện nghi hơn khiến con người ngày nay làm được một số điều thường nhật mà con người một ngàn năm trước không thể mơ tưởng được? Đó là vì khi tâm đường thẳng phát triển và khi tư duy khoa học đem lại cho con người một sự hiểu biết nào đó về thế giới, thì con đã có thể giải quyết những vấn đề mà con người năm trăm năm hay một ngàn năm trước không giải quyết được với sự hiểu biết của họ lúc đó. Điều này đã hữu dụng vì con người đã làm được một số chuyện trong thế giới thực tiễn và nhờ vậy họ đã tạo được một mức sống cao hơn cho đại đa số.
Đó chính là lý do vì sao Saint Germain đã bảo trợ rất nhiều công nghệ dựa trên kiến thức khoa học. Nó đã giúp con người tạo được một nếp sống thoải mái tiện nghi hơn để tâm họ được tự do theo đuổi phần tâm linh của đời sống thay vì toàn bộ năng lực bị cuốn hút trong chuyện kiếm sống. Con yêu dấu, đây rõ ràng là một sứ tiến bộ nhưng mọi chuyện trong vũ trụ vật chất đều có cái giá phải trả (ít ra là khi rất đông người còn bị mắc bẫy trong ý niệm tách biệt, trong tâm thức nhị nguyên). Như người ta thường nói, cái gì cũng có mặt trái. Mặt trái là con người quá dính mắc vào khái niệm khoa học nên không thấy được là khái niệm mô tả hiện tượng không phải là hiện tượng. Đây là một giới hạn rất quan trọng. Nhiều người trong thế giới hiện đại đã đánh mất ý niệm (mà ít nhất một ít người có thời trước) rằng tâm có những khả năng vượt quá khía cạnh đường thẳng và phân tích của tâm. Các thày đã giảng là tâm thức luôn luôn đi trước sự biểu hiện vật lý. Mỗi hiện tượng vật lý hiện hữu trong thế giới vật chất đều có một khuôn đúc tâm thức hiện hữu trong các cõi bản sắc, lý trí và tình cảm. Tâm vỏ ngoài của con, giác quan vật lý của con, phần của tâm dính chặt vào giác quan vật lý chỉ kinh nghiệm được hiện tượng vật chất, mà không trải nghiệm được tâm thức đằng sau nó.
Có những khía cạnh khác của tâm có tiềm năng trải nghiệm tâm thức đằng sau bất cứ hiện tượng vật lý nào. Khi con trải nghiệm tâm thức đó, con có được một trải nghiệm trực tiếp về toàn bộ hiện tượng. Nhưng con yêu dấu, điều này không có nghĩa là con không cần hiểu biết đường thẳng nữa. Để có thể sống trong đời sống thường nhật thực tiễn, con cần hiểu biết đường thẳng. Như một đệ tử tâm linh, con cần nhận ra là khi các thày, những chân sư thăng thiên, trao truyền một khái niệm về một hiện tượng tâm linh nào đó, thì tâm đường thẳng của con sẽ tức khắc tạo ra một hình tư tưởng trong nội tâm về hiện tượng đó.
Đây là điều mà Giê-su mô tả một cách khác trong bài truyền đọc của thày về quả vị Ki-tô khi thày nói là khi con ở tầng tâm thức 48, con hình thành một khái niệm về quả vị Ki-tô nhưng nó không thể nào là quả vị Ki-tô trọn vẹn. Do đó, con không thể nào vươn lên các tầng cao hơn của quả vị Ki-tô nếu con không sẵn sàng vượt lên trên khái niệm hiện nay của con về quả vị Ki-tô và trải nghiệm một thực tế cao hơn. Thày Giê-su cũng nói là khi con đi quá tầng 96, con không còn quan tâm dùng tâm đường thẳng để hiểu nữa mà chú tâm hơn vào việc trải nghiệm. Tiến trình giác ngộ cũng đúng như vậy.
Khi thày trao truyền khái niệm giác ngộ, thày cố gắng diễn tả điều này và biết là có ít người hiểu được. Con thấy chăng, con yêu dấu, khái niệm giác ngộ chỉ là thế: nó chỉ là một khái niệm. Đối với tất cả những người ở trạng thái tâm thức thấp, thì nó chỉ có thể là một khái niệm. Họ hình thành một hình tư tưởng về giác ngộ, họ muốn thành lập một số tiêu chuẩn vỏ ngoài. Họ muốn thiết lập một con đường tu máy móc nói rằng: “Nếu tôi đi theo những bước này và làm hết mọi chuyện y như mô tả, thì rốt cuộc tôi phải tự động được giác ngộ. Khi tôi giác ngộ, khi một người giác ngộ, người đó có đặc tính này và đặc tính kia. Người đó cư xử như thế này, không cư xử như thế kia, người đó nói như thế này, không nói như thế kia.” Tâm đường thẳng muốn làm như vậy.
Con yêu dấu, như vậy thì tâm đường thẳng không hữu dụng trên con đường tu chăng? Lẽ dĩ nhiên không đúng. Như Giê-su cũng đã mô tả, ở một điểm nào đó con cần đi theo một con đường tu rất đường thẳng, rất hợp lý. Tâm đường thẳng có thể rất, rất là hữu ích vì nó giúp con người nhận ra rằng cuộc sống có một khía cạnh tâm linh, và họ thấy một con đường tu đường thẳng có một số giai đoạn, một số sáng ngộ càng ngày càng cao hơn, giúp cho họ dần dần nâng cao tâm thức. Con đường tu đường thẳng quả thực nâng cao tâm thức của con, nhưng một con đường tu đường thẳng đi lên từng bước chỉ có thể đưa con tới một mức nào đó. Nó có thể dẫn con quá tầng 96 nhưng con yêu dấu, con hãy cẩn thận lắng nghe.
Các thày có nói là có 144 tầng tâm thức do đó, điều hợp lý là khi con tới tầng tâm thức 139, thì con cần bước thêm một bước để lên tầng 140. Sau đó con bước thêm bước nữa và con ở tầng 141 và cứ tiếp tục như thế. Con thấy chăng, con yêu dấu, tính chất đường thẳng chặt chẽ mà con thấy ở giữa tầng 48 và 96 càng ngày càng bớt quan trọng khi con đi quá tầng 96.
Có thể nói là khái niệm con đường tu bớt quan trọng đối với con. Con không còn chăm chú lượng định: “Tôi đang ở tầng nào đây? Tôi phải trải qua sáng ngộ nào để lên tầng kế tiếp, người ở tầng đó có những đặc tính gì?” Con giản dị không còn quan tâm con đang ở đâu bởi vì bây giờ, thay vì chú tâm vào từng bước đơn lẻ, con chú tâm vào tiến trình. Ta có thể nói là, thay vì chú tâm vào hình ảnh tĩnh của dòng sông, thì con chú tâm vào sự chuyển động của dòng sông, vào chính tiến trình.
Điều thày muốn nói là khi con còn mang trong tâm khái niệm về một con đường tu sẽ dẫn con từng bước một tới niết bàn hay giác ngộ, thì con sẽ không bao giờ đạt mục đích này. Thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn khi thày nói là để đạt giác ngộ, con phải đi theo một con đường tu tuần tự nhưng khi con còn khái niệm của con đường tu đó, thì con không thể đạt giác ngộ. Con yêu dấu, lý do là vì giác ngộ không phải là một hiện tượng đường thẳng, nó không phải là một hiện tượng vật lý, nó còn không phải là một trạng thái tâm thức. Không thể nói là khi con ở tầng 143 con chưa giác ngộ, nhưng tới tầng 144 thì con đã giác ngộ. Thật ra có một tầng thấp hơn ở một tầng nào đó trên tầng 96, thì con đạt một trạng thái có thể gọi là giác ngộ vì lúc này con hiểu được là điều quan trọng duy nhất là con giải thoát tâm mình khỏi mọi khái niệm dựa trên các điều kiện của thế gian. Đó cũng là lúc con nhận ra rằng khái niệm về giác ngộ của con chỉ là thế: chỉ là một khái niệm, không phải là một trải nghiệm. Do đó, con có thể xoay chuyển tâm để thay vì cố gắng hoàn thành các tiêu chuẩn được định ra bởi khái niệm giác ngộ của con, thì con thoát khỏi hình ảnh, thoát khỏi khái niệm. Do đó, con trải nghiệm điều thày gọi là giác ngộ, là một cách nhìn khác khi tâm của con không đồng hóa với chính khái niệm của nó về hiện tượng vật chất.
Có một số hiện tượng trong thế giới vật chất không chỉ do tâm của con tạo ra. Như các thày có nói trước đây, mọi hiện tượng vật chất được tạo ra bởi một tâm, lúc khởi đầu bởi tâm của các Elohim. Từ khi nhân loại bắt đầu đầu thai trên hành tinh, thì nhân loại đã đồng sáng tạo một số hiện tượng hiện hữu ngày nay. Khi con còn ở các tầng tâm thức thấp, thì con không trải nghiệm thế giới vật chất như nó là, con trải nghiệm nó qua các khái niệm của tâm, các khái niệm mà con đã tạo ra trong tâm mình. Tâm của con, tâm cá nhân của con không tạo ra các hiện tượng vật chất, nhưng nó đã tạo ra các hình tư tưởng của con, các khái niệm của con về các hiện tượng này; chúng là gì, chúng vận hành ra sao, con làm gì được với chúng, con không làm gì được với chúng.
Nói cách khác, tâm của con quy định cách con nhìn khả năng hạn chế tâm con của thế giới vật chất. Con hiểu chăng, con yêu dấu? Có một số hiện tượng vật chất, nhưng điều hạn chế con không phải là hiện tượng vật chất mà là các hình ảnh, các khái niệm trong tâm con. Con đường đạt được điều mà các thày gọi là tâm làm chủ vật chất là giải thoát tâm con khỏi khái niệm, do tâm tạo ra, đã giới hạn sự trải nghiệm vật chất trực tiếp của con.
Trạng thái giác ngộ không phải là một trạng thái toàn hảo. Nó còn không phải là trạng thái cuối cùng. Con có thể có trạng thái mà thày, như là Phật, đã gọi là giác ngộ mà vẫn chưa ở tầng 144, vẫn còn phải đi qua những tầng giác ngộ nữa trước khi thăng thiên. Có thể nói là tầng giác ngộ thấp nhất là khi con ngừng đồng hóa mình với những hình ảnh và khái niệm mà chính tâm con đã tạo ra. Con nhận ra rằng mọi thứ con có trong tâm con liên quan tới thế giới vật chất (và cũng vậy, đại đa số những thứ con có trong tâm con liên quan tới thế giới tâm linh) chỉ là những khái niệm do tâm tạo ra. Bằng cách không dính mắc vào các khái niệm này, không dính mắc vào các hình ảnh này, không đồng hóa mình với các hình ảnh này, con có thể giải thoát tâm con khỏi những hạn chế do các hình ảnh này quy định.
10.7. Tâm làm chủ vật chất
Nhiều người trong các con đã chấp nhận những hình ảnh rất vi tế là tâm con không thể thay đổi vật chất. Ngày nào con còn tin vào, còn đồng hóa mình với, còn dính mắc vào các hình ảnh này, thì tâm con không thể nào thay đổi vật chất. Khi con giải thoát tâm con khỏi các hình ảnh này, thì tâm con có thể bắt đầu thay đổi vật chất. Khi ấy, tâm con bắt đầu nhận ra là các hiện tượng vật lý là biểu hiện của các khuôn đúc của tâm thức ở ba tầng cao. Tâm con quả thực có khả năng ảnh hưởng các khuôn đúc tâm thức này.
Như vậy, tâm con không bị mắc kẹt trong hiện tượng và không bị mắc kẹt trong những hình ảnh của con về hiện tượng. Điều này khế hợp với điều thày nói lúc bắt đầu vì con có thể nhìn vào những sự mâu thuẫn hay có vẻ mâu thuẫn ngay trong những giáo lý mà các thày đã trao truyền trong hai ngày hội nghị này. Ví dụ, con có tất các bài truyền đọc của các chân sư chỉ cho con thấy đây là một vấn đề cá biệt nào đó trong xã hội mà con cần đọc lên trong các bài thỉnh, để cầu thỉnh ánh sáng của các chân sư thăng thiên và như thế các chân sư có thể can thiệp và đem lại thay đổi trong xã hội. Mặt khác, con có bài truyền đọc của thày trong hội nghị vừa qua nói rằng con hãy chú tâm vào hiện tại và trân quý hiện tại, đừng lúc nào cũng quan tâm đến quá khứ và vị lai. Con có thể nói: “Ủa, phải chăng là có một sự mâu thuẫn ở đây?” Con thấy chăng, con yêu dấu, muốn giải tỏa điều có vẻ nghịch lý này, thì con cần nhận ra sự khác biệt giữa cái nhìn dựa trên sợ hãi và nhị nguyên của con người và cái nhìn dựa trên tình thương và bất nhị của các chân sư thăng thiên.
Thật đúng, con yêu dấu, là các chân sư thăng thiên muốn thấy một sự thay đổi đường thẳng và tuần tự sẽ cải thiện điều kiện sống của con người trên trái đất. Tuy nhiên điều này không xung khắc với tâm thức của Phật. Thày rời niết bàn để giáo hóa con người vì thày cũng mong muốn thấy một sự cải thiện đường thẳng và tuần tự trong điều kiện sống trên trái đất. Điều khác biệt là các thày không dính mắc vào những thay đổi đặc thù ở một thời điểm đặc thù. Các thày, như đã nói trước đây, không chú tâm vào một thay đổi đặc thù vì mục đích toàn bộ của các thày là nâng cao tâm thức của các người anh chị em chưa thăng thiên, để các con có thể bắt đầu ý thức hơn về tiến trình đồng-sáng tạo.
Con thấy chăng, con yêu dấu, thày không bảo con đừng quan tâm đến những gì xảy ra trong tương lai. Thày không bảo con lờ đi chuyện quá khứ. Con cần ý thức những gì đã xảy ra trong quá khứ để hiểu những cơ chế đã tạo ra một số vấn đề, và các vấn đề này đã tạo ra một số giới hạn trong xã hội. Con cần nhận ra tâm thức bên dưới để con có thể giải thoát mình khỏi nó và giúp người khác tự giải thoát khỏi nó.
Khi thày bảo các con hãy chú tâm hơn vào hiện tại, thì thày không nói là con phải ép buộc tâm con lờ quá khứ, lờ vị lai. Thày bảo các con khắc phục những vết thương mà con có trong quá khứ để khắc phục sự dính mắc của con vào quá khứ, để quá khứ không thể lôi kéo con vào những khuôn nếp phản ứng quả thực sẽ ngăn chận con 1) thưởng thức giây phút hiện tại và 2) được tự do lấy một quyết định sẽ thay đổi hướng đi của cuộc đời mình trong tương lai.
Thày cũng bảo con giải tỏa tâm lý của mình để không bị vướng kẹt trong khuôn nếp lúc nào cũng tìm cách trốn chạy giây phút hiện tại, để đi vào một tương lai tưởng tượng nào đó nơi đó con nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Nói cách khác, thày bảo con đừng cố gắng hướng tới tương lai mà trốn chạy việc giải quyết các vấn đề tâm lý của mình, đó chính là lý do vì sao rất nhiều người bị mắc kẹt trong những mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp hơn. Thày bảo con hãy thực sự giải thoát mình khỏi sự trốn chạy vào mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp hơn, và thay vào đó, con chú tâm vào chuyện giải tỏa tâm lý của mình để con có thể chú tâm vào hiện tại. Chỉ trong hiện tại con mới lấy được những quyết định ý thức thực sự giúp con, cho con quyền lực để đồng-sáng tạo một tương lai tốt hơn.
10.8. Đạt được tự do tâm trí khỏi quá khứ
Nếu con xem bài giảng cuối của thày, thì con thấy là thày đưa ra ví dụ là khi con mắc kẹt trong một khuôn nếp phản ứng, thì con có cảm tưởng là cuộc đời của con chỉ có một hướng đi. Rất nhiều người bị mắc kẹt trong những khuôn nếp khiến họ cảm thấy bị hoàn cảnh bên ngoài giam chặt trong một cái hộp, và họ chỉ còn một chọn lựa duy nhất trong hoàn cảnh hiện tại của họ. Chọn lựa của họ sẽ có một hậu quả không thể tránh, và nó đem tới một hoàn cảnh khác cho họ một lần nữa cảm tưởng chỉ có một chọn lựa mà thôi. Điều này tạo ra một hậu quả khác và đây là điều được gọi là Biển Luân hồi hay bánh xe trầm luân bởi vì con lúc nào cũng có cảm tưởng là chỉ làm được một điều. Con không có chọn lựa nào khác, con không có tự do chọn lựa. Bất cứ con làm gì cũng đều tạo ra hậu quả là cuộc đời của con thêm căng thẳng, thêm đau khổ và cho con cảm tưởng mình bị giam chặt hơn nữa trong cái hộp. Đây là lý do vì sao, như một số các nữ chân sư đã nói, nhiều người trong văn hóa Á châu (do sự quy định rõ ràng về vai trò của người nam và người nữ) cảm thấy là khi đám cưới xong và niềm vui hưng phấn lúc đầu đã tan, thì họ cảm thấy cuộc đời bị khóa lại như bánh xe lăn trên con đường rày và họ chỉ có một chọn lựa duy nhất là lăn trên con đường rày. Cảm giác này khiến họ căng thẳng và đau khổ nhưng họ không nhìn ra lối thoát. Trong bài giảng cuối, thày không nói là con chú tâm vào hiện tại như một cách để chạy trốn, nhưng con cần giải quyết những khuôn nếp của quá khứ và thăng vượt lòng mong ngóng một tương lai tốt đẹp hơn, để con được tự do trong tâm lý và thấy rằng không bao giờ có hoàn cảnh nào mà con chỉ có một chọn lựa. Lúc nào con cũng có chọn lựa nhìn vào các khuôn nếp phản ứng của mình và thay đổi cách con phản ứng với hoàn cảnh. Một khi con thay đổi phản ứng của mình, khắc phục sự dính mắc, thì con sẽ có thể thấy được là ít nhất con có hai chọn lựa. Có thể là con không có chọn lựa vô hạn nhưng con có được thêm một chọn lựa khác ngoài chọn lựa mà trước kia con xem là duy nhất. Khi con chọn chọn lựa mới này, thì con vẫn tạo ra hậu quả nhưng chúng sẽ không nghiêm trọng hay giới hạn con như trước đó.
Điều này có nghĩa là trong hoàn cảnh mới của con, con lại có thể xem xét phản ứng của mình. Khi con khắc phục một khuôn nếp phản ứng, thì con sẽ thấy mình có ba chọn lựa trong hoàn cảnh mới. Khi con chọn chọn lựa cao nhất trong số đó, thì con sẽ đưa mình vào một hoàn cảnh trong đó con có thêm chọn lựa với hậu quả bớt nghiêm trọng hơn. Đó là cách con dần dần đạt được tự do và lúc ấy, như thày đã nói trong bài giảng trước, con thấy mình đang đứng giữa một cánh đồng mở rộng và con có thể chọn bất cứ hướng đi nào.
10.9. Mọi chuyện đều là dáng vẻ
Điều này, con yêu dấu, là mức tự do tâm trí mà con đạt được trên tầng 96. Nó vẫn chưa phải là giác ngộ, tuy rằng khi con đạt được mức tự do tâm trí này, thì chuyển đổi lên trạng trái giác ngộ dễ hơn hẳn. Khi con đạt được tự do trong tâm, thì điều gì tạo nên tự do đó? Đó là vì con ngưng đồng hóa mình với những hình tư tưởng mà chính tâm con đã tạo ra cho rằng thế giới như thế này và thế giới hạn chế con ra sao. Nó giúp con dễ chuyển hóa tâm để tới điểm nhận ra (như thày đã cố gắng giải thích rất nhiều năm về trước) rằng mọi chuyện trên thế gian chỉ là một hiện tượng. Nó là một dáng vẻ (appearance), nó không phải là thực tại bị đóng cứng trong đá hay trong nguyên tử.
Mọi sự đều là sản phẩm của một khuôn đúc trong tâm thức. Đó là điều thày cố giải thích rất nhiều năm về trước nhưng cảm thấy khó giải thích vì con người lúc đó còn chưa có khái niệm về tâm thức hay về các thực tại song song hay về các ngôn ngữ khác nhau mà thày đã giảng trong bài này. Khi con nhận ra rằng mọi chuyện đều là hiện tượng, đều là một dáng vẻ có thể thay đổi được (khi con hòa điệu vào tâm thức đằng sau hiện tượng và làm việc để thay đổi các khuôn đúc trong cõi tình cảm, lý trí và bản sắc), thì con sẽ đạt được một cái nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống. Con cũng có thể đạt được một cái nhìn hoàn toàn mới về những gì các thày đã giảng.
Con yêu dấu, các thày đã nói gì với con lần trước? Saint Germain đã nói gì về khuynh hướng nhìn cuộc đời rất nghiêm nghị trong văn hóa Á châu? Saint Germain có nói là con sẽ không tạo ra Thời đại Hoàng kim bằng cách làm việc cực nhọc hơn mà bằng cách chơi nhiều hơn. Đồng-sáng tạo là một hành động vui chơi, không phải là một hành động xem cuộc đời nghiêm nghị đến độ con muốn kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc đời.
10.10. Thái độ quá nghiêm nghị đối với giáo lý
Trong những tổ chức chân sư thăng thiên trước đây, các thày thấy học viên có khuynh hướng rõ ràng dùng giáo lý để bỗng nhiên nhìn cuộc đời, con đường tâm linh và chính họ một cách rất nghiêm nghị. Họ bỗng nhiên nhận ra là có một tiềm năng tạo ra một thời đại tốt đẹp hơn nhiều trên thế giới. Trong một tổ chức trước đây (khi họ vẫn còn bị mắc kẹt trong suy nghĩ nhị nguyên), thì họ nghĩ rằng mục tiêu của một đệ tử chân sư thăng thiên là ngăn ngừa một tai họa lớn lao nào đó, tỷ dụ như chiến tranh nguyên tử. Họ rất chú tâm vào sự nghiêm trọng của tai họa này và chỉ có họ mới ngăn ngừa được nó. Do đó họ phải xem trách vụ này như một việc cực kỳ nghiêm trọng và họ phải đọc chú suốt ngày và phải cư xử đúng theo một bộ quy luật rất nghiêm ngặt.
Con yêu dấu, khuynh hướng này đi xa tới điểm họ mất hết niềm vui trong cuộc đời và con có thể chắc chắn là họ hạnh phúc và yêu đời hơn rất nhiều trước khi họ đi theo học giáo lý các chân sư thăng thiên. Nhiều người trong họ có người thân thấy được điều này và cố gắng nói cho họ biết, nhưng họ còn không chịu lắng nghe vì họ coi “việc cứu thế gian cho Saint Germain” là chuyện cực kỳ nghiêm trọng.
Con yêu dấu, lẽ dĩ nhiên, các thày không muốn thấy các con lặp lại những khuôn nếp này và đó là lý do vì sao các thày cố cho các con một viễn quan cao hơn (có thể là con phải đọc giữa các dòng chữ, nhưng thày đã cố gắng nói khá thẳng trong bài giảng này). Điều thày muốn con thấy là con có thể chuyển đổi tâm để nhận ra rằng, lẽ đương nhiên, các thày chân sư thăng thiên muốn con đọc cầu thỉnh, các thày muốn con nâng cao tâm thức của mình và các thày quả thực thấy con là chìa khóa để cải thiện đời sống trong xã hội. Con có thể đọc bài thỉnh để cho các thày thẩm quyền gỡ đi một số các lực tà ác và năng lực đen tối, sẽ giúp người khác thức tỉnh và đón nhận các ý mới này.
Các con quả thực quan trọng đối với các thày, nhưng con yêu dấu, chính vì các con quan trọng đối với các thày, nên các thày không muốn các con bị đè nặng hay bị căng thẳng về chuyện này. Các thày muốn các con chuyển đổi tâm mình để nhận rằng đây không phải là một trách nhiệm hay một bổn phận mà các thày đặt lên con. Đây là một phần của Sứ vụ thiêng liêng mà con đã chọn trước khi đầu thai, và các thày không muốn con xem việc này nghiêm trọng đến độ chẳng còn chỗ cho chút niềm vui nào. Các thày muốn con xem đây là một hành động vui chơi. Chuyển đổi không khó lắm đâu, dù là nó cần một tiến trình, một phần là vì con cần đối phó với tư duy tập thể trong phần thế giới nơi con sống, là nơi mà mọi người xem mọi thứ đều cực kỳ nghiêm trọng.
Các thày muốn con nhận ra ở đây, con yêu dấu, là con có thể thực hiện sự chuyển đổi này bằng cách không dính mắc vào việc tạo nên kết quả đặc thù trong xã hội của con. Dĩ nhiên, các thày đã phác họa một số mục tiêu mà các thày muốn thấy được thay đổi tại Hàn Quốc. Lẽ dĩ nhiên, các thày có muốn thế. Ai lại không muốn thấy những mục tiêu này, những tiến bộ này được thực hiện? Các thày không dính mắc vào việc muốn những tiến bộ này được thành hình theo một cách đặc thù nào đó, ở một thời điểm đặc thù nào đó, qua những người đặc thù nào đó. Các thày lúc nào cũng tôn trọng quyền tự quyết. Nói cách khác, các thày không muốn áp đặt điều này lên người dân Hàn Quốc. Như các thày đã nói rất nhiều lần, các thày muốn giải thoát họ để họ có thể tự nhiên bừng tỉnh và bỗng nhiên thấy rằng hiển nhiên đấy là bước kế tiếp và đấy là điều họ thực sự mong muốn.
Sự chuyển đổi mà các thày muốn con làm trong tâm là nhận ra vai trò của con là thỉnh cầu để cho phép các thày nhập cuộc và làm công việc của các thày. Khi con thỉnh cầu xong, con không cần dính mắc vào những gì xảy ra trong xã hội, vào những gì người khác làm. Con để họ tự do bởi vì các thày để họ tự do. Các thày không tìm cách ép buộc ai hết. Các thày cũng giải thoát con và muốn con tự giải thoát mình và nhận ra rằng công việc con làm không phải là một gánh nặng khiến con căng thẳng và ngăn chận con làm tròn những bổn phận hàng ngày trong đời sống hay cản trở con vui hưởng cuộc sống hàng ngày của mình.
Các thày kêu gọi con luôn luôn tìm sự vui hưởng trong phụng sự và đời sống hàng ngày. Đây thật sự là bát chánh đạo mà thày cố giảng cho mọi người cách đây 2500 năm nhưng nhiều người không hiểu vì đối với họ giác ngộ hay con đường tu trở thành một bổn phận khác, một mục tiêu đeo đuổi khác. Nó trở thành một nguồn căng thẳng bởi vì họ cảm thấy họ không đủ khả năng làm tròn công việc, hoặc họ cảm thấy họ rất xa mục đích, hoặc họ cảm thấy họ phải cố gắng thêm rất nhiều, hoặc họ cảm thấy vì họ đã cố gắng rất nhiều rồi nên họ rõ ràng cao hơn mọi người khác và họ trở nên kiêu mạn.
10.11. Cái bẫy trên mỗi giai đoạn của đường tu
Điều thày nói với con ở đây có thể được diễn tả một cách rất giản dị, đó là con đường tâm linh có những giai đoạn và các tà lực không muốn con tiến từ giai đoạn này lên giai đoạn tới. Ở mỗi giai đoạn, họ đã đặt ra cho con một cái bẫy. Họ muốn con rơi vào bẫy này và đứng yên ở tầng đó. Do đó, các thày giản dị cho con khái niệm là con đường tâm linh có thể xem như một trò chơi. Ở mỗi giai đoạn, con biết là tà lực có giăng một cái bẫy. Con chỉ cần tỉnh giác và để ý tìm cái bẫy bằng cách nhìn vào các phản ứng của mình, nhìn vào phản ứng của những người tâm linh khác và nói: “Ồ, bây giờ tôi thấy cái bẫy đây và tôi sẽ không đặt chân mình vào đó.”
Khi con nhận ra điều này, con nhận ra là con cũng chẳng cần nhìn tà lực với thái độ nghiêm trọng, bởi vì con có thể thấy được cái bẫy của họ, nhưng họ thì không thấy. Họ bị mắc kẹt trong trí tưởng tượng giới hạn của chính họ. Con không bị mắc kẹt trong trí tưởng tượng giới hạn và khi con có giáo lý của các thày và áp dụng chúng, thì tránh bẫy không khó lắm. Cho nên, con có thể tới điểm con đường tu không là nguồn căng thẳng; nó là nguồn vui thú. Con đi trên đường tu một cách vui thú và nếu con làm một lỗi, thì có sao đâu, con yêu dấu? Con đã học hỏi từ lỗi lầm này, và sau đó con giản dị tiến tới từ điểm đó. Con nhận ra rằng quả thực, như các thày đã nói trước đây, là con không thể làm một chọn lựa khiến con bị mắc kẹt đời đời. Bất cứ chọn lựa nào cũng có thể tháo gỡ được bằng cách lấy một chọn lựa sáng suốt hơn, một chọn lựa tỉnh thức hơn.
10.12. Giác ngộ không phải là một mục tiêu
Điều thày muốn nói để kết thúc là giác ngộ không phải là một giai đoạn trên con đường của 144 tầng tâm thức. Giác ngộ không phải là mục tiêu tối hậu của bát chánh đạo. Giác ngộ không phải là một mục tiêu, nó không phải là một khái niệm, nó không phải là một hình tư tưởng. Nó là một trải nghiệm không bị mắc kẹt vào các hình tư tưởng. Cách duy nhất đạt được giác ngộ là đi ra khỏi các hình tư tưởng và cho phép mình trải nghiệm. Con trải nghiệm giác ngộ ở đâu? Không phải trong quá khứ, không phải trong tương lai, mà chỉ ở trong hiện tại. Con có thể trải nghiệm giác ngộ trong bất cứ hiện tại nào có thể hiện ra cho con. Con hãy giữ trong tâm những khái niệm này cho tới khi có một giây phút hiện tại khi nó bỗng nhiên trở nên hiển nhiên với con và con nói: “Bây giờ thì tôi ở đó rồi!” Con còn không nói: “Bây giờ thì tôi thấy nó” bởi vì con đang không thấy nó như một khái niệm cách xa con. Con trải nghiệm nó như một thực tại mới của con.
Con yêu dấu, một lần nữa đây là một bài giảng dài có thể thách thức khả năng ngồi trên ghế cứng của thân thể con. Nó có thể thách thức khả năng của cảm thể con muốn né tránh không phản ứng lại một điều nào đó mà thày nói. Nó có thể thách thức khả năng của trí thể con bắt nó tiếp tục chú tâm vào những khái niệm phức tạp mà thày đưa ra. Nó có thể thách thức bản sắc thể của con khiến con tự hỏi: “Ấy, dựa trên những điều Phật nói, tôi là ai đây? Tôi là loại sinh thể nào đây?” Lẽ dĩ nhiên, con yêu dấu, đây là thách đố tối hậu bởi vì bất kỳ ý niệm bản sắc nào con có trong thế gian này chỉ là một hình tư tưởng. Nó không có thực tại tối hậu và con không đem nó theo con vào trạng thái thăng thiên được. Con chưa cần buông bỏ ý niệm bản sắc của con bây giờ, con buông bỏ nó từng phần một. Con chỉ buông bỏ lần cuối cùng khía cạnh cuối cùng của bản sắc thế gian của con khi con sẵn sàng thăng thiên. Nếu không như thế, thì cái gì giữ con lại trong thân thể? Cái gì giữ con chú tâm vào việc phụng sự đời sống – là một phần rất lớn của con đường tu của con?
Con đừng tin, con yêu dấu, là đường tu chỉ có chuyện nâng cao tầng tâm thức của mình và loại bỏ cái ta vỏ ngoài. Con chọn đi vào thế giới này vì con muốn có một số kinh nghiệm và con muốn đồng-sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Con muốn đóng góp vào sự tiến triển đi lên của thế giới này.
Con yêu dấu, không đúng là việc con phụng sự đời sống, cách con biểu hiện đời sống, việc con vui hưởng đời sống, việc con trải nghiệm đời sống, đi ngược lại tiến triển tâm linh. Đó là lý do vì sao nhiều năm trước đây thày nói giác ngộ giống như tâm thức không giác ngộ. Khi con giải thoát mình khỏi khái niệm tạo nên tâm thức không giác ngộ và giải thoát mình khỏi khái niệm giác ngộ, thì lúc đó con nhận ra là thế gian không phải là kẻ thù của tiến triển tâm linh; nó là cỗ xe dẫn con tiến triển tâm linh. Con đường quả vị Phật của con không bị ngăn trở khi con đi vào một trạng thái tâm thức thấp vì đây là một phần của trải nghiệm mà con cần có trong thế gian này. Nó cho con nền móng để biết những điều kiện nào con muốn thay đổi trong khi con tham gia vào tiến trình đồng-sáng tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Cho nên, con thấy là khi con đạt tới một giai đoạn nào đó, con không hối tiếc bất cứ điều gì con đã làm hay đã trải qua. Con không có cảm giác có sự phân chia giữa điều tâm linh và không tâm linh và ngay cả phản-tâm linh. Bỗng nhiên con bắt đầu nhận ra không có hiện tượng nào trên thế gian có thể chống lại sự phát triển của con, chống lại đường tu của con. Ngay cả tà lực, dù chúng có hiện hữu tạm thời, khi con thấy chúng như chúng là, chúng không chống lại sự phát triển của con. Chúng không có quyền lực trên tâm con khi con giải thoát mình khỏi sự phân biệt giữa “các cặp” – là cái tên mà thày dùng cách đây 2500 năm, nhưng ngày nay thì các thày gọi là hai cực nhị nguyên. Chúng không có thực tại, chúng không có quyền lực và do đó con có thể nhìn hiện tượng thế gian mà không thấy chúng qua phin lọc của những đối cực nhị nguyên này và những phán xét giá trị của chúng. Con thấy rằng mỗi khía cạnh của cuộc sống, mỗi khía cạnh của thế gian, là phương tiện cho con phát triển, cho con biểu đạt chính mình, cho tiến trình và khả năng đồng-sáng tạo của con.
Con yêu dấu, có thể con từng nghe nói khái niệm rằng “đối với Phật, không có thời gian” và có thể con nhận ra rằng thày có thể tiếp tục nói như thế này vô hạn định, vì thày rất vui mừng khi trao truyền cho con những khái niệm này. Thày cũng nhận ra rằng con chưa tới điểm thấy không có thời gian. Thày ghi nhớ điều này nên thày sẽ chấm dứt dòng tâm thức được biểu hiện qua từ ngữ ở đây và một lần nữa biểu lộ sự biết ơn của thày và của các thày đối với sự họp mặt tuyệt vời giữa các thày Ở Trên và các con Ở dưới. TA LÀ Phật, tên ta là Gautama.