Giáo hoàng John Paul đã, hay sắp, được thăng thiên?

Hỏi: Kính thưa Giê-su, Giáo hội Công giáo đang đẩy nhanh tiến trình phong thánh cho cố Giáo hoàng John Paul II. Nhưng trên trang mạng này, hình như thày không xem những việc làm thế gian như vậy có tầm quan trọng trong cõi tâm linh. Liệu John Paul II đã hội đủ điều kiện để thăng thiên, và liệu ông đang là, hay sắp là, một chân sư thăng thiên?    


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Hãy để ta cho con một tầm nhìn để con có thể so sánh. Sau kiếp hiện thân là Moses (Môi-se), Moses đã không thăng thiên ngay. Ông đã phải tái đầu thai để quân bình một số nghiệp quả mà ông đã tạo ra, và ông cũng cần vượt qua khuynh hướng hay phản ứng nóng giận trong một số tình huống. Thánh Paul (sứ đồ Phaolô) đã không thăng thiên ngay sau kiếp đó mà phải tái đầu thai để giải quyết một số vấn đề tâm lý và quân bình nghiệp quả.

Ta nói những điều này để con thấy là nhiều người được xem là lãnh tụ lớn lao, hay những bậc thánh, đã không nhất thiết thăng hoa ngay sau kiếp đầu thai làm nhân vật lịch sử nổi tiếng. Lý do là vì khi con lãnh đạo một tổ chức rộng lớn hay một quốc gia, những quyết định của con ảnh hưởng đến hàng triệu hay hàng tỷ người, và con dễ dàng tạo ra những nghiệp chướng sẽ cần thời gian để quân bình. 

Con cũng dễ dàng bị cuốn hút vào trách vụ của con đến độ con không còn thì giờ hay chú tâm để giải quyết những vấn đề tâm lý của con. Và thật vậy, một số dòng sống lý luận rằng vì họ được giao phó một địa vị quan trọng trong xã hội loài người thì họ không cần phải tu sửa tâm lý của họ. Một số người khác thì gạt các vấn đề tâm lý sang một bên vì sứ mạng thế gian của họ có vẻ quan trọng hơn sứ mạng tổng quát là thực hiện sự thăng thiên.

Trong trường hợp của John Paul II (Gioan Phaolô đệ nhị), quả là sứ vụ thiêng liêng của ông có bao gồm việc lãnh đạo Giáo hội Công giáo và cố gắng trở thành giáo hoàng. Tuy nhiên, sứ vụ thiêng liêng của ông cũng bao gồm việc tiếp tục tiến trình đưa Giáo hội Công giáo vào thế kỷ thứ 21 mà Giáo hoàng John 23 đã khởi đầu.  

Nếu con nghiên cứu cuộc đời của John 23, con sẽ thấy ông có viễn kiến thật rõ ràng rằng cơ cấu lãnh đạo tập quyền của Giáo hội Công giáo đã lỗi thời và cần được cải tổ. Ông cũng biết là có nhiều học thuyết của đạo Công giáo cần được duyệt sửa, không chỉ để phản ánh thời đại mới mà phản ánh sự thật trong giáo lý tâm truyền của ta mà ông thấu hiểu. Con thấy được là John 23 thật sự đã bị các phần tử bảo thủ trong giới lãnh đạo Giáo hội bài bác là người chuộng tân thời. Kỳ thực, ông gần gũi với giáo lý chân truyền của ta – và nhu cầu kiến tạo một giáo hội hiện đại phản ánh những gíáo lý đó – hơn giới lãnh đạo Công giáo bảo thủ rất nhiều.

Ta không có ý nói là ta hay Mẹ Mary đồng ý với tất cả những gì xảy ra trong hội nghị mang tên Cộng đồng Vatican II, nhưng ta nói rằng hội nghị này là một bước đầu cần thiết trong một tiến trình đã có thể dẫn tới việc cải tổ toàn bộ Giáo hội Công giáo và biến Giáo hội thành một tổ chức sống động, bền vững với tiềm năng đóng góp trong chu kỳ tâm linh kế tiếp.

Nếu tiến trình này đã được tiếp tục trong tinh thần của Giáo hoàng John 23 thì đến nay rất nhiều tiến bộ đã có thể đạt được.Con đã không phải chứng kiến số lượng tín hữu suy giảm trầm trọng như đã xảy ra trong những thập niên qua. Đáng lý con cũng đã được thấy một giáo hội có khả năng gấp bội để giải quyết vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, thay vì che đậy và mong rằng vấn đề sẽ biến mất nếu mình cứ ngồi ì làm ngơ.

Ta phải nói là Mẹ Mary đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Giáo hoàng John 23 và các nỗ lực của ông nhằm cải tổ Giáo hội Công giáo. Ta cũng có thể nói thêm là John 23 đã thăng thiên sau kiếp đầu thai đó – không hoàn toàn là do những gì ông đã thực hiện trong kiếp đó, mà do ông đã chứng đạt cao độ trước kiếp đầu thai cuối cùng này. Ông đã thể nhập các giáo lý tâm truyền của ta cũng như Ngọn lửa Hòa bình của Thượng đế nơi chính ông, đến độ nhiều người cảm được sự Hiện diện của Hòa bình bao quanh ông.     

Ta nói với con những điều này để con có một tầm nhìn về John Paul II và triều giáo hoàng của ông. Con sẽ thấy ông là một giáo hoàng vô cùng bảo thủ. Trong cuộc sống riêng tư, ông có những khuynh hướng thần bí, nhưng ông cảm thấy rất khó mà chuyển cảm hứng thần bí thành hành động nhằm hiện đại hóa Giáo hội cho theo đúng giáo lý chân truyền của ta.

Một phần do vụ mưu toan ám hại và phần khác do ông đã lớn lên trong một cộng đồng bảo thủ tại Ba lan, ông quyết định giữ kín những khuynh hướng thần bí này, và ông tự biến mình thành một nhà quản lý tiếp nối chủ trương mà các tấm gương bảo thủ của ông coi là chủ trương chính đáng duy nhất cho Giáo hội. Ông cũng sử dụng nhu cầu chống lại chủ nghĩa cộng sản như là cái cớ để không cải tổ Giáo hội, và như vậy ông đã làm mồi cho cái xu hướng ngàn đời là cho phép một kẻ thù vỏ ngoài đánh lạc hướng mình để không còn chiến đấu kẻ thù bên trong. Điều này vô cùng đáng tiếc, và rõ ràng là không đúng với sứ vụ thiêng liêng mà ông cùng với các vị thày tâm linh của ông đã thảo ra trước khi ông đầu thai. Tuy rằng các hành động của Giáo hoàng đã có tác động vỏ ngoài là đẩy mạnh sự chống đối đối với chủ nghĩa cộng sản, nhưng nguyên nhân thực sự cộng sản đã sụp đổ một phần là do các mâu thuẫn nội tại của chính chủ nghĩa cộng sản, và phần khác là do sự cầu nguyện kiên trì của rất nhiều học trò của Saint Germain.    

Mặc dù John Paul có một đời sống tâm linh tốt đẹp, mặc dù ông hoàn thành được nhiều điều tốt đẹp, nhưng trong kiếp hiện thân đó, ông đã tạo ra nhiều nghiệp quả hơn là ông đã cân bằng. Con thấy không, nghiệp không nhất thiết là những việc con làm mà người đời xem là tốt hay xấu, mà con có thể gây ra nghiệp do sự thiếu sót, tức là con không làm xong một công việc quan trọng mà con có tiềm năng hoàn thành.     

John Paul thực sự đã có tiềm năng lớn lao – lớn lao hơn bất cứ một cá nhân nào khác trong lịch sử cận đại – để chuyển đổi Giáo hội Công giáo thành một tổ chức tâm linh hiện đại, nhưng ông đã không làm được trên hầu hết các phương diện. Điều này tạo ra một cái nghiệp khiến ông phải trở lại thế gian để quân bình. Thêm vào đó, ông tạo ra nghiệp quả nghiêm trọng khi trong tư cách người lãnh đạo tối cao của Giáo hội, ông đã không đối phó với vụ tai tiếng lạm dụng tình dục một cách công khai và quyết liệt.

Vì ông là người độc nhất có quyền hạn chỉ đạo chủ trương của Giáo hội về vấn đề này, nên ông phải gánh chịu một phần lớn nghiệp chướng mà mỗi linh mục tạo ra. Mặc dù cá nhân ông không phạm lỗi lạm dụng nhưng ông đã có thể ngăn chặn, và có thể làm nhiều hơn để ngăn chận những vụ lạm dụng tương lai. Ông cũng đã có thể làm rất nhiều hơn trong cách xử lý vấn đề hầu cải thiện hình ảnh của Giáo hội thay vì phá tan phần lớn uy tín của Giáo hội.   

Do đó John Paul sẽ không trở thành một chân sư thăng thiên cho tới khi ông tái đầu thai và quân bình nghiệp quả. Thêm vào đó, dòng sống của ông mong muốn mãnh liệt được chuộc lỗi và được có cơ hội thứ nhì để cải tổ Giáo hội Công giáo.   

Mặc dù John Paul đã dang tay đón nhận người đạo Do Thái, ông không hoàn thành được tiềm năng của triều giáo hoàng của ông để biến cải Giáo hội Công giáo thành một tổ chức tâm linh phổ quát hơn. Làm như vậy sẽ đòi hỏi phải cải tổ toàn diện các học thuyết Công giáo cũng như cơ cấu lãnh đạo, trao quyền tự quản cho các lãnh đạo Công giáo địa phương để họ có thể thích ứng với điều kiện ở mỗi quốc gia.

Vì vậy mà John Paul đã không thăng thiên được. Ta nói cho con những điều này để con thấy thực tế là con không thể đánh giá mọi người theo cùng một tiêu chuẩn. Mỗi người đều có một sứ vụ độc nhất, và tùy theo sứ vụ của con, nhiều khi một cuộc sống gọi là tốt thiện vẫn chưa đủ. Đó là tại sao ta đã nói, trừ khi đạo đức của con vượt trội đạo đức của các thày thông giáo và người Pha-ri-si thì con không vào được thiên đàng.   

Ta không muốn nói là John Paul là một thày thông giáo, một người Pha-ri-si hay một kẻ đạo đức giả. Ông quả thực là người chính trực trong các vấn đề vỏ ngoài, nhưng ông không có chính trực để luôn luôn trung thực với viễn quan nội tâm cao nhất của ông. Và ông không mở tâm ra để nhớ lại trong ý thức sứ vụ thiêng liêng của mình. Sự mở tâm này là cách duy nhất để bảo đảm kiếp sống này của con đạt được tiềm năng cao nhất.

Ta hiểu là khi một dòng sống bước vào những năng lượng dày đặc của địa cầu, thật là dễ dàng quên đi sứ vụ thiêng liêng của mình. Tuy nhiên, bất kỳ dòng sống nào cũng có thể, bằng cách giữ cho con tim và tâm trí mình mở rộng, tái khám phá sứ vụ thiêng liêng của mình. Vấn đề là khi mình dùng một hệ thống tín ngưỡng vỏ ngoài để nhận lấy những niềm tin đi ngược lại sứ vụ thiêng liêng, mình thường không muốn biết sứ vụ đó là gì. Lý do là nếu mình nhớ lại sứ vụ thì mình sẽ phải thay đổi cuộc sống một cách lớn lao đến nỗi những gì mà tâm vỏ ngoài đã chọn làm sự thật tuyệt đối có thể bị tổn thương. Vì vậy, thường là trong tiềm thức, dòng sống thà là bịt tai không biết, để mình không phải có những thay đổi to lớn mà mình không mong muốn. Đây là trường hợp của John Paul và đó là lý do khiến ông đã không hội đủ điều kiện để thăng thiên.  

Ta biết những tiết lộ này sẽ gây ngạc nhiên, thậm chí buồn phiền, cho một số người, nhưng ta hy vọng là những người còn lại sẽ sử dụng thông tin này để mở rộng hiểu biết về tầm quan trọng to lớn của việc ghi nhớ trong ý thức sứ vụ thiêng liêng của mình, cũng như dồn mọi nỗ lực và khả năng để hoàn thành sứ vụ đó. Không những con sẽ tạo thêm nghiệp quả khi con không hoàn thành sứ vụ, mà con còn tạo cho dòng sống của con một cảm giác tiếc nuối cơ hội đã mất, khiến con rất khó từ bỏ địa cầu.  

Nói cách khác, không hoàn thành được sứ vụ có thể khiến dòng sống của con mong muốn mãnh liệt trở lại địa cầu để sửa lỗi, đến nỗi con không còn muốn thăng thiên. Cho nên ta hy vọng con sẽ sử dụng các dụng cụ tu tập được đăng tải trong Hộp Dụng cụ, kể cả các bài nguyện tràng hạt của Me Mary và bài chú Đại chỉ đạo Thiêng liêng, hầu con có thể tái phát hiện sứ vụ thiêng liêng của mình và hoàn thành đầy đủ.

Con hãy nhớ là con phải hoàn thành sứ vụ cá nhân dành riêng cho con. Cho nên con đừng để ác quỷ dụ dỗ rằng, “Kìa, nếu một người tâm linh như đức Giáo hoàng mà không hội đủ điều kiện để thăng thiên thì tôi có hy vọng gì?” Thật sự không một ai biết được mức chứng đạt của mình, và do đó con luôn luôn phải sống như thể con có cơ hội thăng thiên trong kiếp này. Đừng rơi vào cái bẫy nghĩ rằng con phải làm được điều công ích gì, hay việc vỏ ngoài gì lớn lao để được thăng thiên. Con hãy nhờ lời ta dạy rằng chỉ những ai trở thành trẻ nhỏ mới vào được thiên đường. Hãy tập trung hoàn thành sứ vụ thiêng liêng cá nhân của con. Hãy dùng tấm gương của người khác để tự khích lệ, nhưng đừng dùng ví dụ của người khác để khiến mình nản lòng. Con đường của con là độc nhất, và con chỉ có thể biết được sứ vụ thiêng liêng của con bằng cách đi vào bên trong và liên lạc với cái ta Ki-tô của con.