Giáo lý nền tảng về quan hệ khi người bạn đời chống đối niềm tin tâm linh của bạn

Hỏi: Con cầu xin thày giúp con. Hoặc nếu chân sư hay Kim có thể trả lời thì con sẽ vô cùng biết ơn. Con là một người làm vợ và làm mẹ với mấy đứa con nhỏ, con đã đi trên hành trình tâm linh từ nhiều năm nay. Đã có một thời con tin đạo Cơ đốc Phúc âm (evangelical Christianity) là câu trả lời cho con. Con được “cứu rỗi”, gặp chồng con ở đó, kết hôn và sinh con. Con vẫn yêu chồng con tha thiết và con không có ý muốn sống xa anh ấy. Tuy nhiên, sự thức tỉnh nội tâm đã dẫn con đến giáo lý này, và con biết sâu trong tim mình đây là chân lý. Con không đang cố thuyết phục chồng con về lẽ thật trong những lời dạy này vì anh ấy là một tín đồ Cơ đốc đã “tái sinh”, một người đàn ông tốt, nhưng anh ấy không thực sự cởi mở và sẵn sàng chấp nhận bất kỳ loại giáo lý nào không ăn khớp với kinh điển trong sách. Con cố sống trọn với tình thương vô điều kiện và lời dạy chân thực của Giê-su trong khi con bước đi trên đường tu riêng của con dẫn đến tâm Ki-tô.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa chúng con đang gây ra cãi vã trầm trọng mỗi ngày. Chồng con nay đã hiểu là con không còn là người tin đạo theo đúng Kinh thánh nữa. Con hoàn toàn không muốn nói dối hay giữ bí mật nào đối với anh ấy – nhưng càng ngày con càng bị anh ấy tra khảo về niềm tin của con y như ở trạm công an vậy. Con tuyệt vọng, con không thể sống như thế này. Con sẽ không từ bỏ Chân lý để mong được chấp thuận và yêu thương, nhưng con yêu chồng và yêu con của con tha thiết, và con khiếp sợ là con sẽ mất cả chồng lẫn con, hoặc chồng con của con sẽ mất con, nhất là nếu gia đình chồng, một gia đình theo đạo Tin lành cực chính thống, cũng hùa theo anh ấy mà tra khảo con.

Hiện con không còn gia đình phía bên con nữa. Con lớn lên trong Giáo hội Lã mã và từ rất lâu con đã rời khỏi cách thờ phượng thần tượng đó, cho nên con đã mất đi sự hỗ trợ và tình thương của gia đình con. Con cảm thấy mình giống như Peter đi bộ trên mặt nước và chìm nghỉm. Con sợ hãi và cô đơn, rất nhiều ý nghĩ đen tối đang xâm nhập tâm con mà không phải là từ Thượng đế. Con không biết phải làm gì và phản ứng thế nào, nói làm sao. Con đã tìm xem thày Giê-su từng phản ứng như thế nào trước những lời buộc tội như khi thày phải đứng trước mặt Pilate, nhưng con thật sự không biết phải cư xử thế nào trong tình huống ngặt ngèo như thế này. Xin, xin thày giúp con. Làm thế nào con yêu được chồng con, làm thế nào sống an bình và biểu lộ an bình của Thượng đế giữa tình trạng này? Con phải làm gì đây?

Hiện giờ con kiệt quệ đến nỗi ngay cả chuyện thiền định và tìm kiếm câu trả lời trong tâm thức Ki-tô của con, con cũng không làm nổi.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 17/9/2010.

Trước tiên, con cần phải có quyết định chắc chắn là con sẽ không bao giờ lấy một quyết định có thể thay đổi đời mình trong khi con đang ở trong một tâm trạng rối loạn. Một khi con quyết định như thế rồi, con sẽ cảm thấy cường độ rối loạn của mình giảm xuống phần nào.

Việc tiếp theo mà con cần làm là nhìn nhận rằng trong bất kỳ tình huống nào mà con cảm thấy tê liệt và mất hết phương hướng nội tâm, cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ có một điều gì đó trong tình huống đó mà con không sẵn lòng nhìn vào.

Khi nào còn có điều gì mà con không sẵn lòng nhìn vào, thì con không thể nhận được sự chỉ đạo nội tâm rõ ràng. Có nghĩa là mức rối loạn của con sẽ chỉ gia tăng, cho đến khi nó dẫn đến môt cuộc khủng hoảng hay sụp đổ nào đó. Do đó, con cần nhìn ra đây là một vòng xoắn ốc đi xuống, và để phá vỡ vòng đi xuống này, con cần làm một điều gì đó mà con chưa làm cho tới nay.

Làm sao con phá vỡ được? Bằng cách lấy quyết định ý thức là con sẵn sàng nhìn vào mọi khía cạnh của tình huống. Cho nên, thay vì cưỡng lại sự chỉ đạo nội tâm, giờ đây con sẽ mở tâm trí và trái tim ra để nhận chỉ đạo nội tâm. Và khi đó, cái ta Ki-tô và các vị thày hướng dẫn con sẽ có căn bản để làm việc, thay vì trong lúc này phải tôn trọng quyền tự quyết của con và lui ra.

Làm thế nào con có thể tìm ra điều gì mà con chưa sẵn lòng nhìn vào? Trong mọi tình huống, hiển nhiên và trước nhất, con cần nhìn vào các nỗi sợ hãi của mình. Mọi sợ hãi là sợ hãi cái chưa biết, và cái chưa biết là cái mà con chưa sẵn lòng nhìn vào. Nếu con đã nhìn vào nó và đã tìm kiếm sự chỉ đạo Ki-tô, thì nó đã là cái biết rồi, và con đã giải quyết được nỗi sợ hãi của con.

Như luôn luôn, ta sẽ sử dụng câu hỏi đặc thù của con để đưa ra một lời dạy có thể hữu ích cho nhiều người, cho nên một vài điều ta nói ở đây sẽ không áp dụng trực tiếp cho người đặt câu hỏi. Tuy nhiên có một điều sẽ áp dụng được, đó là khi lá thư của con chứng tỏ rõ ràng con đang bị tê liệt vì con đang có hai nỗi sợ trái ngược nhau: Con sợ làm hại đến đường tu quả vị Ki-tô của con, và con sợ quan hệ của mình sẽ chấm dứt. Cho nên, hai nỗi sợ phối hợp lại có nghĩa là không có cách nào để con vừa bước trên đường tu mà vừa tiếp tục mối quan hệ.

Lý do con có nỗi sợ hãi đó là vì con tin rằng câu trả lời tùy thuộc vào thái độ cùng quyết định của chồng con. Vì thế con đã tự cho phép mình tin rằng kết cục của tình trạng này nằm ngoài tầm tay con, và không có gì mà con chọn làm sẽ thay đổi được tình thế. Thế nhưng ta muốn mọi người hiểu là con KHÔNG BAO GIỜ ở trong một tình thế mà con không có chọn lựa.

LUÔN LUÔN có điều gì đó mà con có thể làm, và đó là giành lấy quyền kiểm soát hoàn toàn trên cách phản ứng của mình đối với tình huống. Một khi con kiểm soát được phản ứng của con, con sẽ thấy là các nỗi sợ của con không còn nữa, và cách con tiếp cận tình huống sẽ hoàn toàn thay đổi. Và bằng cách tự giải phóng mình để tìm ra một cách đáp ứng tình huống cao hơn, rất có thể – không chắc chắn nhưng rất có thể – là con cũng sẽ giải phóng chồng con để anh ấy tìm ra một cách đáp ứng cao hơn. Con ở trong một quan hệ và trong quan hệ luôn luôn có hai người. Cho nên cách phản ứng của chồng con không chỉ là sản phẩm của tâm lý anh ấy, mà cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi phản ứng của con, và phản ứng này đến từ tâm lý con.

Điều kế tiếp con cần làm là xem xét nghiêm túc cách con nhìn đường tu cá nhân của mình. Liệu con có, giống như nhiều người khác, nhìn nó như là một con đường vỏ ngoài, qua đó con mở mang kiến thức rồi chấp nhận và tin tưởng một số ý tưởng, chẳng hạn như những giáo lý được tìm thấy trên trang mạng này. Hay liệu con, như ta đã mô tả suốt trang mạng này, bắt đầu nhìn ra cốt lõi đích thực của đường tu cá nhân là một tiến trình xảy ra bên trong con. Nói cách khác, con có thấy một phần cơ yếu của con đường quả vị Ki-tô là đạt được kiểm soát toàn diện trên cách phản ứng của mình trước những điều kiện của thế gian? Đây là thông điệp nền tảng mà các chân sư thăng thiên đã giảng dạy từ thời đức Phật.

Thể hiện quả vị Ki-tô có nghĩa là gì? Có nghĩa là ông hoàng của thế gian không nắm được gì nơi con, vì cho dù y có ném gì vào con, y cũng không thể buộc con có một phản ứng thấp kém hơn tình thương. Tình thương là phương thuốc sẽ tống khứ mọi sợ hãi. Khi con có thể đáp ứng bằng tình thương, con giải phóng cho người bạn đời lẫn chính con tìm ra một cách đáp ứng cao hơn – nếu người kia chọn làm như vậy.

Con có thấy điều ta đang nói không? Một mối quan hệ là một trong những cách hiệu quả nhất để dạy con người kiểm soát phản ứng của mình. Cho nên khi con quan hệ với một người chống đối niềm tin tâm linh của mình, điều này không nhất thiết là một trở ngại trên con đường quả vị Ki-tô của con. Nó có thể – nếu con chọn cách tiếp cận như vậy – là một cơ hội tuyệt diệu để kiểm soát phản ứng của mình và tự dạy mình phản ứng lại mọi tình huống với tình thương. Nói cách khác, con hoàn toàn có khả năng ở lại trong một quan hệ mà vẫn bước đi tiếp trên con đường quả vị Ki-tô. Có thể con còn tinh tấn nhanh chóng hơn trong một quan hệ khó khăn thay vì dễ dàng.

Lý do ta nói điều này là để cho con niềm hy vọng là quả thực con có thể tiếp tục mối quan hệ mà vẫn theo đuổi quả vị Ki-tô. Điều đó sẽ giảm bớt nỗi sợ hãi của con, hầu con có thể xem xét sợ hãi này kỹ lưỡng hơn. Thực tế là nếu con sợ quan hệ sẽ chấm dứt, chính sợ hãi đó có thể khiến con làm tổn hại đến đường tu của con, qua đó ta muốn nói là việc mình cam chịu do mình sợ hãi KHÔNG giống như việc nắm lấy kiểm soát phản ứng. Nhiều người đã cho phép nỗi sợ hãi khiến mình khuất phục, và có người còn nghĩ rằng bởi vì thái độ này không hung hãn cho nên nó giống như một đức tính Ki-tô, nó tâm linh và yêu thương. Nó không phải là cả hai.       .

Cho nên con cần đạt tới một điểm khi con không khuất phục do sợ hãi, và cách duy nhất để làm điều này là nhìn vào nỗi sợ hãi. Vậy thì chúng ta hãy thử xem xét nỗi sợ hãi là mối quan hệ có thể chấm dứt.

Thực tế – một thực tế phũ phàng nhưng không thể tránh được – là hầu hết những người bước đi trên đường tâm linh sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng quan hệ. Điều này đặc biệt đúng cho những mối quan hệ đã khởi đầu trước khi con tìm thấy đường tu hoặc trước khi con tiến một bước dài. Lý do là vì khi con tiến một bước dài, người bạn đời của con sẽ cảm được điều đó. Và nếu người đó không sẵn sàng cùng tiến bước với con thì nó sẽ hiện ra như là mối đe dọa. Khi đó sẽ có nguy cơ là người đó lo sợ đánh mất con, khiến họ tìm cách hạn chế các hoạt động tâm linh của con.

Có nhiều người tầm đạo đã trải qua kinh nghiệm này, và nhiều người cũng đã cho phép nó chấm dứt quan hệ của mình. Tuy nhiên trong tuyệt đại đa số trường hợp, việc chấm dứt như vậy hoặc là không cần thiết, hoặc là quá vội vàng. Hãy cho ta giải thích.

Là một người tầm đạo, điều hoàn toàn hợp lý là con có thể kết thúc một mối quan hệ để nhảy một bước tiến thật dài, hay do hệ quả của một bước tiến thật dài. Ta từng cư xử như vậy khi ta đang thuyết giảng trước đám đông thì mẹ và anh chị em của ta đã bước vào bảo ta nên ngừng lại và xử sự như người bình thường. Ta đã trả lời, những ai lắng nghe và làm y theo lời của Thượng đế là gia đình thực sự của ta. Điều này phần nào cũng sẽ đúng cho bất kỳ người tầm đạo nào – vì sẽ có những thời điểm trên hành trình tâm linh khi con cần bước tới và bỏ lại đằng sau một số người.

Tuy nhiên – và đây là chữ TUY NHIÊN thật lớn – điểm này không bao giờ được sử dụng như một cái cớ để tháo chạy một tình thế khó khăn. Sự thật là nhiều người tầm đạo đã dùng gương của ta để bào chữa cho việc mình kết thúc một mối quan hệ. Họ muốn bước ra khỏi mối quan hệ nhưng lại không sẵn sàng thừa nhận chuyện đó, cho nên khi người bạn đời bắt đầu phản đối hoạt động tâm linh của họ (thường là những hoạt động không cân bằng), thì điều này trở thành một cái cớ thuận tiện để chấm dứt mối quan hệ. Thật là quá dễ đổ lỗi việc đổ vỡ cho người kia đã không chịu chấp nhận các hoạt động tâm linh của mình. Hiển nhiên, đây chỉ đơn giản là ngón bịp bợm cố hữu của tự ngã quy trách nhiệm cho một ai khác, và điều này sẽ không đem lại tinh tấn tâm linh cho dù con có tìm cách biện minh đến đâu.

Nếu con muốn rời khỏi một mối quan hệ, tất nhiên là con có quyền chọn lựa như vậy, nhưng con hãy công nhận đó là chọn lựa của con và đừng quy trách nhiệm cho ai khác.

Vậy con có thấy điều ta muốn nói? Một đằng, con cần giữ trong tâm khả năng là mối quan hệ có thể sẽ kết thúc, nhưng đằng khác con cũng cần tránh quyết định với tâm vỏ ngoài và khiến cho quan hệ chấm dứt quá vội vàng. Làm thế nào tìm ra thế cân bằng đây? Trước hết, con hãy quyết định là con sẽ không có quyết định nào để chấm dứt quan hệ, và sau đó con hãy quyết định là con sẽ ngừng đặt trọng tâm vào việc thay đổi người bạn đời của con, và thay vào đó, con sẽ tập trung tất cả sự chú ý của mình vào việc điều ngự cách phản ứng của chính mình trong quan hệ.

Điểm con muốn hướng tới là đối với con, dù mối quan hệ có tiếp tục hay chấm dứt cũng không quan trọng gì nữa. Bởi vì con đã hoàn toàn làm chủ được phản ứng của mình, cho nên con tìm được sự an bình và hạnh phúc nội tâm một cách độc lập khỏi người kia.

Một khi con tìm được an bình nội tâm này và học được cách chỉ đáp ứng bằng tình thương, rất có thể người bạn đời của con cũng sẽ thay đổi và cuộc khủng hoảng sẽ đi qua. Tuy nhiên, vì tất cả mọi chuyện đều phụ thuộc vào quyền tự quyết, cho nên người kia vẫn có thể không muốn thay đổi. Như vậy, chính người đó sẽ có thể chấm dứt quan hệ, hoặc mối quan hệ sẽ giải thể một cách có vẻ tự nhiên. Điều ta muốn nói ở đây là con hãy đặt trọng tâm vào cách phản ứng của mình và tránh lấy quyết định với tâm vỏ ngoài. Con nỗ lực tìm an bình nội tâm và mặc cho mọi chuyện tự nó trải bày ra.

Điều này có nghĩa là cho dù quan hệ có kết thúc, con sẽ vẫn an bình. Và để đạt tới điểm đó, có thể con sẽ cần nhìn vào nỗi sợ hãi của mình và vượt xuyên qua nó. Cách hay nhất là con hãy tự hỏi, “Điều gì là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho tôi?” Xong con hãy để cho kịch bản đó trình diễn trong tâm con cũng như cách con sẽ đối phó về mặt lý trí lẫn xúc cảm. Bằng cách cho phép con sống qua nỗi sợ hãi, cuối cùng con sẽ đi xuyên qua nó và nhận ra là kịch bản tồi tệ nhất vẫn không đến nỗi đáng sợ như con tưởng. Quả thật, con có khả năng sống sót qua cơn sợ, thậm chí con sẽ vẫn tiến bước nếu nó xảy ra.

Trở về với trường hợp mô tả trong thư, điều cũng cần thiết là xem xét một yếu tố khác nữa mà nhiều người có thể không sẵn lòng nhìn nhận. Thực tế phũ phàng là đạo Cơ đốc cực chính thống (fundamentalist Christianity) hoàn toàn xa cách với thực tại của Ki-tô. Ít phong trào tôn giáo nào trên hành tinh mà lại phán xét một cách hung hãn đến như vậy, có nghĩa là nhiều tín đồ cực chính thống đã mở tâm mình ra cho quỷ địa ngục xâm nhập vào. Những con quỷ này hoạt động ráo riết thông qua nhiều tín đồ cực chính thống, thậm chí cả nhiều nhà thuyết giáo, và thực sự họ bị sử dụng làm công cụ để khuấy động xung đột. Do đó, một điều cần thiết và chính đáng là con sử dụng các bài thỉnh và bài chú mà chúng tôi đã đăng tải trên trang dụng cụ để cầu thỉnh cho chồng con được giải vây khỏi những con quỷ này và được bảo vệ.

Một lần nữa, điều quan trọng là con làm những việc trên mà không sợ hãi, và con có khả năng khắc phục nỗi sợ bằng cách con nhận ra là những con quỷ đó không có quyền năng gì trên con một khi con làm chủ được phản ứng của mình. Tuy nhiên cho tới khi đó, điều quan trọng là con cũng cầu gọi sự bảo vệ và sự cắt đứt những sợi dây buộc trói con, buộc trói con cái, chồng và gia đình của con. Con cũng có thể kêu gọi ta đến phán xét những thế lực đã lạm dụng danh ta hầu biện minh cho những hành vi không Ki-tô. Con hãy sử dụng bài thỉnh Đại thiên thần Michael và bài thỉnh cho kẻ tố cáo người anh em. Nhưng con cũng hãy dùng những bài thỉnh nhẹ nhàng hơn như bài thông sạch con tim, và bài về tình thương vô điều kiện.

Bây giờ đến bước chót. Một khi con đã cầu thỉnh sự bảo vệ và con đã đạt được một khả năng kiểm soát nào đó trên phản ứng của mình, con sẽ cần nói chuyện với chồng con. Tuy nhiên, con cần lưu ý là chuyện này sẽ không khả thi hay sẽ không xây dựng cho tới khi con kiểm soát được phần nào phản ứng của con. Vì nếu không, rất có thể nó sẽ biến thành một cuộc đối đầu khiến cho khủng hoảng chỉ càng leo thang.

Vậy khi tình thế có vẻ mang tính xây dựng, con hãy nói chuyện với chồng con về hai điều. Trước hết, hãy thử hỏi anh ấy xem liệu anh có nghĩ là cách hành xử của anh đối với con phù hợp với lý tưởng của Ki-tô hay không. Liệu anh có thực sự chìa má kia ra, hay anh lại là người cứ đánh con tới tấp trên một má trong khi con chìa má kia? Con hãy cho anh thấy là con không tìm cách thay đổi niềm tin của anh, nhưng anh lại không làm vậy đối với con.

Có thể anh sẽ trả lời là bởi vì con sẽ bị xuống địa ngục do không có đức tin, cho nên anh ấy đang làm y như Giê-su muốn anh làm. Con thử hỏi anh ấy xem liệu anh nghĩ Giê-su có tôn trọng quyền tự quyết của con người hay không? Liệu anh thực sự tin là Ki-tô muốn anh coi thường quyền tự quyết của con? Thử hỏi anh xem anh sẽ cảm thấy thế nào nếu có ai đó hung hãn bắt anh phải chối bỏ niềm tin Cơ đốc giáo của anh? Liệu anh sẽ coi đó là một việc phải? Nếu không thì liệu anh có thấy là nếu anh không muốn ai buộc anh phải thay đổi niềm tin, thì anh cũng nên làm cho người khác những gì anh muốn người khác làm cho anh. Và khi anh tấn công niềm tin của con hung hãn, anh không đang tuân thủ điều răn của ta.

Con cũng hãy hỏi, liệu Ki-tô có muốn anh trù rủa vợ anh, hay là Ki-tô muốn anh tìm ra cách sống chung hòa bình cho dù không cùng chung tín ngưỡng? Con có thể nhắc anh là ta đã dạy mọi tín đồ Cơ đốc hãy thương yêu nhau như ta thương yêu họ, và ta thương yêu mọi người bất kể tôn giáo, và đó là tại sao ta đã dang rộng vòng tay với người Samaritan, người La mã, những người thu thuế và đủ loại người tội lỗi.

Điểm tiếp theo mà con đề cập là tình cảm của anh ấy đối với con. Trước hết, con hãy nói rõ tình cảm của con đối với anh, như con đã mô tả trong thư. Rồi con xin anh thành thật nói cho con biết tình cảm của anh đối với con như thế nào. Hồi đó có thể là hai con đã không bao giờ kết hôn nếu cả hai không được “cứu rỗi”, nhưng bây giờ thì tình cảm của anh ra sao? Liệu anh có yêu con người của con, hay anh yêu con với điều kiện con được “cứu rỗi”? Liệu anh có thể tách rời con người của con và tư cách tín đồ của con? Liệu anh còn yêu con như con thực là, và liệu tình yêu của anh có đủ sâu đậm để cho phép con đi theo một con đường sống mà anh không hiểu? Liệu anh có yêu con đủ để cho con tự do đi theo con đường nội tâm của con, y như con cũng yêu anh đủ để cho anh đi theo con đường của anh?

Nếu anh trả lời là anh yêu con vì con người của con, thì kết luận hiển nhiên là cả hai cần cố gắng tìm ra cách sống với nhau trong tình yêu và tôn trọng, thay vì cứ liên tục cãi vã và đổ lỗi cho nhau. Nếu anh thành thật nói rằng anh không còn yêu con nữa vì con không được “cứu rỗi”, thì hiển nhiên hai con cần nói chuyện xem mối quan hệ này còn ý nghĩa gì nữa không.

Ta cũng hiểu là một cuộc đối thoại mang tính quyết định như vậy có thể khiến con lo lắng, căng thẳng. Đó là tại sao ta đã khuyên con hãy cố gắng điều ngự phản ứng của mình, hầu con có thể nói chuyện với chồng con mà vẫn hoàn toàn an bình cho dù kết cục có như thế nào. Con hãy tìm trước tiên vương quốc của Thượng đế và sự công chính của ngài – có nghĩa là an bình nội tâm và làm chủ phản ứng – và tất cả mọi thứ khác sẽ được bồi thêm cho con.