Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/12/2012.
TA là Đại thượng sư. Trong bài giảng này, chúng ta lại xem xét câu hỏi: “Thánh linh (Holy Spirit) là gì?” Chúng ta xem xét chủ đề và tìm giải đáp một cách tuần tự để các con hiểu rõ hơn chủ đề rất quan trọng này.
Chúng ta hãy trở lại khái niệm 144 tầng tâm thức và sự kiện một người đồng-sáng tạo mới sẽ bắt đầu ở tầng thứ 48. Sau đó, nếu vị ấy quyết định nâng tâm thức mình lên và đi theo con Đường Bảy bức Màn, con Đường của Bảy Tia sáng, thì vị ấy sẽ tuần tự theo bảy tia sáng tiến dần tới tầng 96.
7.1 Phàm linh và bảy tia sáng
Như thày đã giảng, mọi việc con làm đều làm với năng lượng. Mọi việc con làm đều làm bằng tâm thức. Khía cạnh năng lượng là cái mà các thày đã gọi là ánh sáng Mẫu-Vật. Con hình thành một khuôn đúc trong tâm của con, và sau đó con cho phép dòng tâm thức của con chảy xuyên qua khuôn đúc và như vậy con phóng chiếu khuôn đúc này lên trên ánh sáng Mẫu-Vật, sau đó ánh sáng sẽ khoác lên hình tướng.
Bất cứ mọi thứ có tâm thức chảy xuyên qua nó đều được tâm thức khiến trở nên sinh động. Điều con thực sự đang làm là sáng tạo một phàm linh. Các thày đã có mấy bài giảng về đề tài này rồi. Các thày đã giảng là một người đồng-sáng tạo mới thường mang cái mà các thày gọi là một vai tuồng đã được định sẵn để làm nền tảng bắt đầu nỗ lực sáng tạo của mình. Tuy nhiên, khi con tiếp tục đồng-sáng tạo xuyên qua vai tuồng này, con dần dần bắt đầu tạo ra một phàm linh. Phàm linh này không có tự nhận biết như con, nhưng nó vẫn là một linh thể. Nó là một sinh thể có một ý niệm nhận biết nào đó, một loại bản năng sinh tồn, và do đó tự trong nó có ham muốn tăng triển.
Điều xảy ra là khi con tiến lên qua ba tia sáng đầu thì con giản dị chỉ thử nghiệm khả năng sáng tạo của mình. Ở Tia sáng thứ Nhất, con có niềm vui thử nghiệm. Ở Tia sáng thứ Nhì, con có ý muốn thẩm định kết quả mà con tạo ra có đúng như điều con mong muốn hay không. Ở Tia sáng thứ Ba, con có tình thương, tình thương này có thể đơn thuần là lòng yêu thích sáng tạo nhưng rốt cuộc sẽ trở nên lòng yêu thích sáng tạo cho một mục đích cao hơn.
Từ đó con tiến tới điểm gia tốc ở Tia sáng thứ Tư và bắt đầu thẩm định những gì con đã đồng-sáng tạo dựa trên một tiêu chuẩn bên ngoài con. Vì con đang cố gắng hoàn thành một mục đích cao hơn, một điều gì có ảnh hưởng tích cực trên sự sống bên ngoài phạm vi của cái ta. Tiến trình này tiếp tục ở các Tia sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, đưa con tới tầng tâm thức thứ 95-96. Đây là chỗ con đối diện một khai ngộ: con có muốn nhảy một bước vĩ đại – một bước tiến nhảy vọt – hay là con muốn tiếp tục củng cố những gì con đã tạo ra trước đó.
7.2 Con không phải là phàm linh con đã tạo ra
Nhưng con đã tạo ra cái gì? Con đã tạo ra một cái ngã vỏ ngoài, và đó là một phàm linh. Nhưng một điểm cực kỳ quan trọng trong quan niệm cái Ta Biết là, tuy chính cái Ta Biết đã tạo ra phàm linh vỏ ngoài, nhưng cái Ta Biết không phải là phàm linh đó. Cái Ta Biết không trở thành phàm linh và không bị thay đổi bởi phàm linh. Cái Ta Biết được tạo ra như cánh cửa mở và nó vẫn luôn luôn là cánh cửa mở, không hơn không kém.
Thử thách của con lúc đó – khi con đã hoàn thành các khai ngộ của bảy tia sáng – giản dị là: con có chấp nhận để phàm linh mà con đã tạo ra chết đi, để con có thể tái sinh với một ý niệm bản ngã cao hơn? Đó là điều mà Giê-su đã hàm ý một cách ẩn dụ khi thày nói với Nicodemus là chỉ có người xuống từ Thiên đường mới có thể trở lên Thiên đường. Người xuống từ Thiên đường là cái Ta Biết. Chỉ có cái Ta Biết mới có thể thăng thiên trở về cõi tâm linh.
Phàm linh mà con đã tạo ra, mà nhiều người gọi là linh hồn (soul), không thể thăng thiên. Con yêu dấu, nó không thể thăng thiên. Cái có thể thăng thiên là những kinh nghiệm tích cực mà con đã có được xuyên qua phàm linh này và các kinh nghiệm trở nên một phần của căn thể (causal body) của con (xem quyển Uy lực của cái ta). Nhưng chính phàm linh thì không thể thăng thiên; con phải cho nó chết đi thì cái Ta Biết mới lên được một mức cao hơn, vượt quá tầng 96 để hướng tới tầng 144.
Điều cần xảy ra ở tầng 96 là con phải cho phép phàm linh mà con đã tạo ra chết đi, nhờ vậy mà con có thể – như Giê-su đã nói – tái sinh, tái sinh từ nước. Khi con tái sinh từ nước, con mang vào một cái ngã mới, cái ngã này dĩ nhiên không hoàn toàn khác biệt cái ngã cũ. Nhưng nó rõ ràng là một cái ngã mới và con có ý thức nó là một cái ngã mới.
Sau đó con bắt đầu phát triển về hướng tầng 144. Lúc đó, con lại tạo nên một cái ngã, một phàm linh. Khi con tới tầng 144, giống như Giê-su đã chứng minh trên thập tự giá, con bị tê liệt, con bị đóng đinh, và con nhận ra là con đã bị đóng đinh bởi chính tạo vật của mình. Do đó, khi con đang treo lơ lửng trên cây thập tự, thì con nhận ra là không có ai sẽ tới và cứu con khỏi chính tạo vật của mình và giải thoát con khỏi phàm linh mà con đã tạo ra. Chính con là người phải dứt bỏ hồn ma và để cho phàm linh này chết thêm lần nữa, nhờ vậy con được tái sinh, tái sinh từ lửa trong nghi thức của Ngọn lửa Thăng thiên gia tốc bản thể con bằng cách phá tan khuôn đúc của phàm linh đã dẫn con tới điểm đó.
7.3 Thánh linh được tạo ra như thế nào
Khi thày mô tả tiến trình mà con trải qua như một người đồng-sáng tạo trên trái đất, thì con thấy đây cũng là tiến trình đã lặp đi lặp lại trong các bầu cõi trước. Giống như con, các sinh thể có tự nhận biết bắt đầu với một ý niệm tự nhận biết nhỏ như cái chấm. Sau đó họ dần dần mở rộng ý niệm tự nhận biết đó ra bằng cách tạo ra một phàm linh. Phàm linh này không nhất thiết là một phàm linh đen tối hay tà ác; nó có thể là một phàm linh đẹp và sáng được tạo ra từ động lực tích cực do các dòng sống đó đã xây dựng được. Tuy thế nó vẫn là một phàm linh mà con phải để cho chết đi hầu cái Ta Biết có thể vươn lên cao hơn và tiến gần hơn tới sự hợp nhất tối hậu với đấng sáng tạo ra nó, với cội nguồn của nó. Trong trường hợp của con là người đang sống trong cõi vật chất, cội nguồn này là Hiện diện TA LÀ của con.
Tất cả các sinh thể trong tất cả các bầu cõi trước đều đã đi qua tiến trình này: bắt đầu bằng cách tạo ra một phàm linh từ bảy tia sáng, rồi cho phép nó chết đi, tái sinh, rồi bắt đầu làm việc với các tia sáng cao hơn – mà các thày trước đây đã gọi là các tia sáng bí mật – cho tới khi tạo nên một phàm linh khác. Sau đó, cho phép phàm linh này chết đi và tái sinh từ lửa của Ngọn lửa Thăng thiên. Cuối cùng là gia tốc thành những dòng sống bất tử trong cõi tâm linh, là cõi thăng thiên, thay vì cõi chưa thăng thiên. Toàn bộ tiến trình này là một phần của tiến trình tạo nên Thánh linh (Holy Spirit).
Ngay khi con đang tạo ra phàm linh trước khi thăng thiên, thì con đã đóng góp vào sự tăng triển của bầu cõi của con. Con đem xuống ánh sáng vào bầu cõi. Lúc đầu, cho tới tầng thứ 96, con đem xuống ánh sáng của bảy tia sáng, và sau đó là ánh sáng của các tia sáng cao hơn. Con đang đóng góp vào việc xây dựng và nâng cao bầu cõi của con, xây dựng động lực thăng thiên của bầu cõi của con. Cái thực sự làm cho tánh linh thiêng liêng, cái đóng góp vào Thánh linh, là khi con thấy một cách có ý thức phàm linh con đã tạo ra và con ý thức chọn lựa cho nó chết đi để con được tái sinh.
Đó là lúc con đóng góp vào Thánh linh (Holy Spirit), vào Tánh linh Duy nhất (One Spirit), vì khi con để phàm linh cũ chết đi, con đã bước gần hơn tới cái duy nhất. Đóng góp cuối cùng của con vào Thánh linh là lúc con cho phép hồn ma cuối cùng chết đi và con gia tốc vào Ngọn lửa Thăng thiên. Tuy nhiên, mỗi lần con rút cái Ta Biết ra khỏi một phàm linh, nhìn thấy phàm linh từ bên ngoài – thấy nó không phải là cái ta thực của mình – và cho phép nó chết đi một cách ý thức, thì con đóng góp vào động lực hướng thượng qua đó các Đốm sáng Tánh linh tách biệt, là các phần cá biệt của đấng Sáng tạo, bước một bước gần hơn tới sự hợp nhất với đấng Sáng tạo. Và con bắt đầu thấy đó chính là Thánh linh.
7.4 Con có động lực bẩm sinh muốn Hơn nữa
Đấng Sáng tạo quyết định tạo ra những phần nối dài riêng biệt của Bản thể của ngài, gửi chúng xuống với một ý niệm bản ngã nhỏ như cái chấm, khác xa ý niệm cái Ta toàn khắp, quả cầu, không theo đường thẳng, của đấng Sáng tạo. Đấng Sáng tạo biết là các Đốm sáng Tánh linh này có thể bị lạc trong chính những tạo vật của chúng. Chúng có thể tự đồng hóa với tạo vật của chúng và như vậy ở trong đó mãi mãi nếu không có một cơ chế nào khiến chúng luôn luôn tăng trưởng, luôn luôn tìm cách trở về nguồn. Mục đích của sự sáng tạo chính là để các Đốm sáng Tánh linh này đi ra và sau đó trở về nguồn. Không phải là trở về thành hư vô mà trở về Hơn khi chúng đi ra. Và đây là cách khiến sự sáng tạo mở rộng và cách khiến Thượng đế được khuếch đại.
Ý muốn trở nên Hơn nữa, ý muốn mở rộng hơn, đã có sẵn trong dòng sống của con. Đó chính là ý muốn đã thúc đẩy đấng Sáng tạo sáng tạo lúc khởi thủy, tạo ra một thế giới hình tướng, tạo ra những đốm sáng cá biệt của Bản thể của ngài, để chúng trở thành Hơn nữa trong tiến trình đi ra và trở về nguồn, nhưng trở về Hơn khi đi ra.
Bên trong con có động lực muốn trở nên Hơn nữa và đó là lý do vì sao con đồng-sáng tạo. Đó là lý do vì sao con hình thành một hình ảnh và thấm đẫm nó với tâm thức, thấm đẫm nó với Tánh linh. Đó cũng là lý do vì sao bất cứ phàm linh nào con tạo ra đều có động lực muốn trở nên Hơn nữa, muốn mở rộng, muốn tăng trưởng và muốn thêm cường độ.
Điều này trở nên quan trọng khi con nhìn lại tiến trình qua đó quyền tự quyết tự trải bày. Con bây giờ bắt đầu nhận ra là khi con bắt đầu ở tầng tâm thức thứ 48 và quyết định đi lên, thì con quả thực đã tạo ra một phàm linh có ý muốn mở rộng và tăng trưởng.
Nhưng con cũng nên ghi nhận một điểm quan trọng. Khi con theo tiến trình khai ngộ với bảy vị Thượng sư, thì khả năng cơ yếu mà con học được là gì? Đó là khả năng rút ánh sáng của bảy tia sáng từ bên trong con – hay đúng hơn là từ Hiện diện TA LÀ của con – qua cánh cửa mở của cái Ta Biết và đem tới cái ngã vỏ ngoài, là phàm linh mà con đang sáng tạo. Khi con tạo ra phàm linh giữa tầng 48 và 96 thì phàm linh biết là nó có thể lấy được ánh sáng, nó có thể lấy được động lực giúp nó tăng triển, từ bên trong nó. Đây là một tiến trình sáng tạo, vì con không cần lấy bất cứ gì từ các dòng sống khác hay từ thế giới vật chất để thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của mình. Con biết là con có thể lấy ánh sáng từ bên trong, qua động lực mà con tạo ra khi con dùng bảy tia sáng.
7.5 Để phàm linh chết đi một cách ý thức
Khi con tiến dần về hướng tầng 96 thì phàm linh mà con tạo ra đó càng ngày càng trở nên hùng mạnh trong việc sử dụng bảy tia sáng. Nếu con theo đúng các chỉ dẫn của các vị Thượng sư thì con càng ngày càng không dính mắc vào phàm linh mà con tạo ra, con biết rằng nó chỉ là một cỗ xe, biết rằng nó là một đày tớ mà con tạo ra và con – tức là cái Ta Biết – là người chỉ huy.
Con không cho phép phàm linh này mang một tự ngã riêng của nó. Con dần dần tới điểm, khi con tới gần tầng 96, con càng ngày càng nhận ra rằng mỗi lần con bước lên một tầng tâm thức cao hơn, con làm được việc này bằng cách cho phàm linh cũ chết đi và con tái sinh với một phàm linh mới cao hơn phàm linh cũ vì nó được tái sinh từ nước.
Khi con tới tầng 96 thì con đã quen thuộc với tiến trình cho cái cũ chết đi mà không nắm giữ nó vì con biết rằng con sẽ được tái sinh Hơn thế nữa. Do đó, ở tầng 96 con có thể khá dễ dàng buông bỏ hoàn toàn động lực mà con có với bảy tia sáng, và con nhận ra rằng con muốn cái gì cao hơn, chính là các tia sáng bí mật. Các tia sáng cao không nhằm mục đích sáng tạo hình tướng vật chất, nhưng có mục đích sáng tạo cái gì vượt lên trên hình tướng vật chất và như thế góp phần vào việc nâng cao tâm thức tập thể, thay vì tạo ra những biểu hiện vật lý thấy được qua giác quan. Điều đáng tiếc là có thể có dòng sống không nhận ra tiến trình cho cái cũ chết đi, và vẫn chú tâm vào việc nới rộng và khuếch đại phàm linh khiến nó càng ngày càng tạo thêm biểu hiện vật lý. Dòng sống đó không thấy một cách ý thức là nó phải để cho cái cũ chết đi.
Do đó, khi dòng sống đó tới tầng 96 và phải đối diện nhu cầu cho cái cũ chết đi thì nó bị một cú sốc và có thể lấy quyết định không để cho cái cũ chết đi. Nó không chịu dứt bỏ hồn ma đó, nó muốn giữ nó lại. Nó muốn dùng động lực đã gặt hái được để chứng minh khả năng tâm làm chủ vật chất và tạo ra những hiện tượng làm choáng mắt những người mới tu. Do đó, một dòng sống có thể trở nên dính mắc vào phàm linh và quyết định không chịu buông bỏ nó, và điều này khiến dòng sống đó sa ngã.
7.6 Chuyện gì xảy ra khi sinh thể sa ngã
Khi con sa ngã ở tầng 96 thì con sa xuống mức thấp nhất, nhưng không có nghĩa là con không có động lực. Con thực sự có rất nhiều động lực trong việc sử dụng bảy tia sáng, nhưng nay con đã tha hóa động lực đó và dùng nó với mục đích hoàn toàn vị kỷ vì con không dùng nó để tăng triển từ bên trong. Con tìm cách nắm giữ những gì con có, và do đó đột nhiên con cảm thấy bị đe dọa. Lúc đó, con nghĩ con phải dùng quyền năng của mình để chế ngự môi trường, chế ngự các dòng sống khác, chế ngự ngay cả Mẹ Thiên nhiên. Lúc đó, con trở nên người mà Giê-su đề cập tới khi thày nói: “Nếu ánh sáng trong vị đó là bóng tối, thì bóng tối này lớn biết bao.”
Đột nhiên, ánh sáng mà con gặt hái được trên con Đường Bảy Tia Sáng đã trở thành bóng tối và con không còn đi trên con đường tự thăng vượt nữa. Con đi trên con đường tà đạo tìm cách tạo hiện tượng vỏ ngoài và nắm giữ các hiện tượng đó. Do đó, ánh sáng mà con gặt hái được trở thành bóng tối, và con lúc đó trở thành một thày phù thủy tà đạo sử dụng năng khiếu, động lực của mình với mục đích hoàn toàn vị kỷ. Do đó con bị cắt đứt khỏi dòng chảy của Tánh linh, là dòng chảy của tinh thần tự thăng vượt, là Thánh linh.
Điều này có nghĩa là lúc đó con không còn nhận được ánh sáng từ bảy tia sáng. Vậy con phải làm gì? Hoặc con phải chịu quy luật thứ hai của nhiệt động học (thermodynamics) và dần dần trở về điểm số không, nơi không có năng lượng để làm bất cứ việc gì. Hoặc con phải đi theo con đường của các thày phù thủy tà đạo, ăn cắp ánh sáng từ cõi vật chất. Có nghĩa là ăn cắp ánh sáng từ những dòng sống khác, từ những ai vẫn còn nhận được ánh sáng từ bên trong họ.
Lẽ dĩ nhiên con cũng có thể sa ngã ở bất cứ tầng nào giữa tầng 48 và tầng 96. Do đó có nhiều sinh thể có động lực khác nhau cho ngã tách biệt của họ. Điều con cần hiểu là khi con xuống dưới tầng nhận biết thứ 48, bất kể ở tầng nào, thì phàm linh mà con đã tạo ra cho tới điểm đó bây giờ trở thành một phàm linh không còn thấy được là nó có thể nhận năng lượng từ bên trong chính nó.
Phàm linh đó ngay tức khắc trở ngược thành, hoặc bị chuyển hóa thành, một phàm linh biết nó phải lấy ánh sáng từ bên ngoài nó. Tuy thế nó vẫn còn động lực cơ bản của mọi sự sống, động lực có thể nói là của chính tâm thức, là động lực muốn gia tăng, động lực muốn Hơn nữa.
7.7 Vì sao phàm linh trở nên hung hãn
Bây giờ thì ta có một phàm linh có động lực muốn trở nên Hơn nữa, nhưng không thể trở nên Hơn nữa bằng cách lấy năng lượng từ bảy tia sáng từ bên trong nó. Vậy phàm linh này phải làm gì? Nó phải tìm cách trở nên Hơn nữa bằng cách lấy năng lượng ở tầng nó đang sống trong cõi vật chất. Bây giờ nó trở thành một phàm linh có bản chất hung hãn phải lấy, và sẽ lấy, ánh sáng từ các phàm linh khác.
Đó là lý do vì sao lúc đó ta có một phàm linh không thể sống và để yên cho người khác sống. Tự nó không có sự sống, sự sống của Tánh linh. Nó đã trở thành loại người mà Giê-su đã đề cập khi thày nói tới những người đã chết theo nghĩa tâm linh: “Hãy để cho người chết chôn người chết của họ”.
Đó là những người không còn đi trên con đường tự thăng vượt từ bên trong, nhưng đang đi theo con đường tà đạo muốn lấy từ bên ngoài. Và lẽ dĩ nhiên, họ phải lấy ánh sáng bằng lừa đảo hay bằng vũ lực. Đó là lý do vì sao ta có, như các thày đã nói trước đây, hai loại sa nhân:
1. Sa nhân dùng vũ lực trắng trợn để lấy ánh sáng từ người khác.
2. Sa nhân dùng lừa đảo để khiến người khác tự nguyện dâng cho họ năng lượng của mình.
Bây giờ thì các con hiểu được giáo lý cơ bản là Thánh linh chính là Tánh linh của sự tự thăng vượt bằng cách lấy năng lượng từ cõi tâm linh và nhân lên vốn liếng đó, do đó không cần lấy gì từ tầng mình đang sống, và chỉ cống hiến năng lượng cho tầng đó. Ta cũng có linh thể chết, linh thể không có sự sống. Linh thể chết muốn lấy năng lượng từ tầng nó đang sống, vì nó không thể lấy được từ bên trong nó; nó cũng không thể lấy được từ cõi cao hơn vì nó không còn là cánh cửa mở.
Do đó, chỉ có một Thánh linh duy nhất luôn luôn tiến gần hơn tới cái một. Trong khi đó thì có rất nhiều phàm linh tách biệt, thực sự là linh thể chết càng ngày càng tách xa khỏi cái một khi chúng càng lấy thêm quyền năng về chúng. Mỗi lần chúng lấy từ một người, chúng tách xa hơn sự hợp nhất với người đó. Vì làm sao con có thể dùng vũ lực hay lừa đảo để lấy từ người khác mà lại tiến gần hơn tới hợp nhất với người đó? Điều này giản dị là không thể có được. Các con đã bắt đầu thấy điều này chưa?
Bài giảng này là nền tảng cho những gì thày sẽ giảng trong các bài tới. Thày để con suy ngẫm bài giảng này vì nó có thể khiến nhiều người sững sờ, trong đó có những người đã lớn lên trong khung cảnh các tôn giáo truyền thống, và ngay cả những người quen thuộc với nhiều triết lý tâm linh hay thuộc khuynh hướng được gọi là Thời đại Mới; và ngay cả nhiều người có biết tới giáo lý chân sư thăng thiên. Thày để con suy ngẫm bài giảng này, và thày sẽ trở lại với bài giảng tới khi thời gian sẵn sàng.