Hỏi: Các chân sư thăng thiên có thể nào nói nhiều hơn một chút về hiệu ứng giả dược (placebo), và hiệu ứng này thâm nhập qua bốn thể phàm như thế nào?
Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Washington D.C. (Hoa Kỳ) năm 2019. Đăng ngày 6/12/2019.
Toàn bộ quan niệm hiệu ứng giả dược thật ra là một điều rất đáng tiếc. Nó do sa nhân giàn dựng. Nó được mô tả như là một hiệu ứng phụ, một chuyện gì bất thường không có tác dụng nào – hay không được có tác dụng nào – trong lãnh vực y tế. Nhưng thực tế thì khác. Cái mà người ta gọi là hiệu ứng giả dược thật ra là tác nhân chữa bệnh chủ yếu, nó chính là hệ thống chữa bệnh của bốn thể phàm con người.
Con có thể nhìn thấy thực tế này một cách rất đơn giản qua sự kiện nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế công nhận rằng hầu hết mọi bệnh đều là bệnh tâm lý mang triệu chứng vật lý (psychosomatic) hay là bệnh có một thành phần tâm lý. Và con cần nhận ra đây chỉ đơn giản là một sự bất nhất nhận thức (cognitive dissonance) khi ngành y khoa quá tập trung vào việc tìm kiếm những cách chữa trị vật chất cho một chứng bệnh tâm lý.
Làm thế nào con có thể một mặt thừa nhận rằng hầu hết mọi bệnh đều là tâm lý, trong khi mặt khác con lại nghĩ rằng một bệnh tâm lý chỉ có cách trị liệu vật chất mà thôi, rằng con có thể trị liệu mà không cần giải quyết tâm lý? Đây là sự bất nhất nhận thức, và trong các thập niên sắp tới, người ta sẽ nhìn ra đó là một trong những lối mòn quanh co nhất mà nhân loại đã bước lầm vào, đặc biệt trong lãnh vực điều trị. Hiệu ứng giả dược, như người ta gọi như vậy, cần được nghiên cứu và tìm hiểu, và người ta cần nhìn nhận rằng tâm con người, bốn thể phàm của con người, có khả năng tự chữa lành.
Và khi một người uống một viên thuốc rồi cảm thấy thuốc có tác động vật lý, thì điều thực sự xảy ra hoàn toàn ngược lại. Chính phương pháp trị liệu vật lý mới là giả dược vì nó đã kích hoạt ý tưởng trong tâm nghĩ rằng: “Tôi sẽ lành bệnh do tôi đã uống viên thuốc này.” Cho nên chuyện xảy ra hoàn toàn ngược lại: yếu tố trị bệnh là niềm tin rằng con sẽ được trị bệnh.
(Tất nhiên là có một số ngoại lệ như khi con bị té gẫy xương thì xương cần được chỉnh lại – ít ra ở mức tâm thức tập thể hiện tại.)
Sẽ tới một thời điểm trong thời đại hoàng kim khi bất kỳ bệnh tật nào cũng sẽ có thể được chữa lành qua những cách khác, những phương cách tâm lý hay rung động. Nhưng cốt lõi của vấn đề là tất cả đều xoay quanh quyền tự quyết. Cho nên câu hỏi đặt ra là: Cái gì sẽ đánh lừa tâm con người tin rằng nó có thể được chữa lành và sự chữa lành đó xảy ra qua trung gian một phương thức nào đó? Do đó nếu con định nghĩa hiệu ứng giả dược là một cách để đánh lừa tâm trí chấp nhận nó được chữa lành, thì con phải nói rằng ngành y khoa đối chứng* cũng là một giả dược. Phép chữa đó chỉ đánh lừa tâm con người tin và chấp nhận rằng nó có thể được chữa lành. Rồi sau đó điều này sẽ tác động lên cơ thể vật lý vì cơ thể vật lý là sự phóng chiếu của những gì xảy ra trong ba thể cao hơn.
* Y khoa đối chứng: allopathic medicine, tức ngành y khoa quy ước dùng dược phẩm có tác dụng đối nghịch với các triệu chứng.