Khác biệt giữa nỗi giận nhân thế và sự thịnh nộ thần thánh

Hỏi: Có lời ghi chép cho thấy là ngay cả thày, Giê-su, cũng đã từng nổi giận. Nếu thày, một vị chân sư thăng thiên, mà cũng biểu lộ giận dữ thì làm sao có thể chờ đợi là chúng con sẽ không nổi giận? Liệu thày có suy nghĩ hay sáng ngộ gì để chúng con suy ngẫm hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Trong một câu trả lời khác, ta đã có chia sẻ một số suy nghĩ về cách giải quyết nỗi giận nhân thế.

Khi con vượt lên khỏi nỗi giận nhân thế, con sẽ không nhất thiết luôn luôn ăn nói nhỏ nhẹ trong mọi hoàn cảnh. Trên hành tinh này có biết bao chuyện xảy ra hiển nhiển là không ăn khớp với định luật tình thương vô điều kiện của Thượng đế. Cho nên việc thách thức các hành vi sai trái của con người là một điều hoàn toàn thích hợp, kể cả việc biểu lộ những cảm xúc mạnh mẽ mà hầu hết mọi người sẽ coi là sự tức giận. Tuy nhiên khi con bắt đầu đạt tới một mức quả vị Ki-tô nào đó, con có khả năng phát biểu một cách nghiêm nghị và thẳng thắn mà không bị rơi vào độ rung động thấp kém của nỗi giận nhân thế. Con không đang bày tỏ một số cảm xúc mãnh liệt nhằm chê trách, đổ lỗi cho người khác, mà con bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ để khiến cho người kia bị chấn động, bị lay chuyển ra khỏi trạng thái tâm thức cố hữu của họ. Mục đích là để họ có thể thấy được hành vi của họ là không phù hợp với các định luật của Thượng đế và do đó sẽ chỉ có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho họ mà thôi.

Ta cũng biết là chừng nào một người còn bị mắc kẹt trong rung động thấp kém của tâm nhị nguyên thì người đó sẽ không thể hiểu nổi điểm khác biệt này. Thế nhưng có sự khác biệt rất rõ rệt giữa độ rung của nỗi giận nhân thế và độ rung của cái mà chúng ta có thể gọi là sự thịnh nộ thần thánh (holy wrath). Làm thế nào con phân biệt được thịnh nộ thần thánh với nỗi giận nhân thế? Thịnh nộ thần thánh có thể vô cùng quyền oai, nhưng nó sẽ tức khắc biến mất một khi nó đã hoàn thành mục đích, và nó sẽ không ảnh hưởng vĩnh viễn đến cách nhìn hay tình cảm của con đối với người kia. Trong khi đó, nỗi giận nhân thế sẽ vương vấn ở lại với con một thời gian sau khi nó được biểu lộ, tựa nhưng một ngọn lửa cứ cháy âm ỉ thật lâu trước khi tàn lụi. Nó sẽ tô màu các ý nghĩ và cảm xúc của con đối với người kia trong suốt đời con, hay ít ra cho tới khi con hoàn toàn tha thứ cho người đó. 

Thịnh nộ thần thánh thực sự là một biểu lộ của tình thương vô điều kiện của Thượng đế; nó không phải là loại tình yêu ủy mị, mềm mỏng mà hầu hết mọi người thường nghĩ. Tình thương vô điều kiện sẽ không để yên cho con đứng mãi trong một ý niệm bản sắc giới hạn. Cho nên nếu con cứ khăng khăng ôm giữ các giới hạn đó, thì một người đã đạt được một mức quả vị Ki-tô nào đó sẽ có thể trở thành một cánh cửa mở để cho tình thương vô điều kiện tỏ lộ. Tình thương vô điều kiện này có thể diễn đạt một cách rất nghiêm nghị hầu gây sốc khiến con phải bước ra khỏi trạng thái tâm thức hiện thời của con, và ở cùng cực, trạng thái tâm thức này sẽ dẫn con đến sự tự hủy diệt. Đương nhiên tình thương vô điều kiện sẽ không muốn con tự hủy dịêt, cho nên nó sẵn lòng bày tỏ một cách vô cùng thẳng thắn để con hiểu rõ là con đang đứng ở bở bên kia của quy luật Thượng đế.

Điều ta cũng muốn nói là trong một vài dịp đã được thuật lại trong kinh thánh, cá nhân ta đã từng trở thành công cụ cho tình thương vô điều kiện đó của Thượng đế. Những dịp đó thường bị hiểu lầm là nỗi giận nhân thế, và suốt nhiều thế kỷ, nhiều người đã lấy chuyện đó làm cái cớ để họ bộc lộ sự nóng giận phàm phu của họ. Điều này thật đáng tiếc, vì nó ngăn cản họ giải quyết căn nguyên của sự nóng giận phàm phu để mà vươn lên một mức tâm thức cao hơn.

Ta cũng nhìn nhận là có những lúc ta đã biểu lộ một nỗi giận nhân thế, và có một ví dụ là khi ta nguyền rủa cây sung, như ta đã từng giải thích. Con thấy đó, ngược hẳn với các niềm tin sùng bái thần tượng của bao tín đồ Cơ đốc giáo, ta đã không hề là một con người toàn hảo, và trước khi lên thập tự giá, ta cũng chưa giải quyết xong mọi khía cạnh tâm lý của mình. Ta đã có thể đạt tới điểm đó nếu ta có thêm chút thời gian, nhưng do các biến cố dồn dập xảy đến, ta đã chưa giải quyết xong mọi khía cạnh của các vết thương lẫn các điểm tắc nghẽn trong tâm lý trước khi bị đóng đinh.

Tuy nhiên, con hãy cảnh giác xu hướng của các thày giả muốn con nghĩ rằng nếu con là người tâm linh thì con phải toàn hảo theo một chuẩn mực mà không ai có thể định nghĩa rõ ràng là gì. Sứ vụ của ta cách đây 2000 năm thật không dễ dàng. Ta đã sống qua những thời buổi khó khăn, ta đã cảm xúc, và ta đã biểu lộ những cảm xúc của con người nhân thế. Tương tự như vậy, sứ vụ của các con ngày nay cũng không dễ dàng, cho nên nếu có lúc con có cảm xúc nhân phàm thì điều này cũng là bình thường, tự nhiên.

Nhưng một khi hoàn cảnh trôi qua thì ta buông bỏ các cảm xúc đó. Nói cách khác, trên con đường dẫn tới quả vị Ki-tô, có thể con sẽ vẫn còn một số cảm xúc nhân thế. Chỉ dấu của một người đang tiến lên quả vị Ki-tô không phải là người đó toàn hảo, người đó không bao giờ cảm thấy hay không bao giờ biểu lộ cảm xúc nhân thế. Mà chỉ dấu là người đó có khả năng buông bỏ cảm xúc nhanh chóng để bước đi tiếp trong sứ vụ của mình. Con không cho phép cảm xúc của mình điều khiển cuộc đời mình, mà con để yên cho cảm xúc xuôi chảy tự nhiên, rồi sau đó con quay trở lại với bước đường của con.