Không dính mắc nhưng không thờ ơ

Hỏi: Câu này con xin hỏi Phật Gautama hay một vị chân sư nào khác. Xin thày vui lòng giải thích khác biệt giữa sự không dính mắc, sự vô cảm thờ ơ và trạng thái tâm thức trung hòa? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Phục sinh 2023. Đăng ngày 15/5/2023.

Không dính mắc chỉ là một từ khác cho trạng thái tâm thức trung hòa. Trung hòa có nghĩa là gì? Có nghĩa là không có gì có thể kéo con về bất cứ hướng nào. Con có thể chọn lựa đặt chú ý của mình về một hướng nào đó nhưng không có gì có thể lôi kéo được con. Tại sao không có gì lôi kéo được con? Vì con không có dính mắc. Tại sao con không có dính mắc? Vì con không có một ngã tách biệt, một ngã tiềm thức nào mong cầu một kết quả đặc thù hay tránh né một điều gì trên trái đất. Còn sự thờ ơ, tất nhiên, là khi con thụ động, tâm con thụ động.

Có lẽ chúng ta nên bước lui lại một chút và nhìn xem ta đã nói gì cách đây 2500 năm, Giê-su đã nói gì cách đây 2000 năm và các thày nói gì ngày hôm nay. Đúng thật là khi con nhìn vào, đặc biệt là những lời dạy ta đã trao truyền 2500 năm về trước trong kiếp hiện thân Phật Gautama, thì một số Phật tử đã diễn giải là nếu con đạt được trạng thái không dính mắc đó, cực lạc đó, tam muội đó (samadhi), niết bàn đó (nirvana) cho dù người ta gọi đó là gì, thì nói chung con trở nên vô cảm thờ ơ. Con không quan tâm đến bất cứ gì trên địa cầu. Không có chuyện gì con muốn làm, cho nên con rút ra khỏi xã hội, con ngồi trong tu viện hay hang đá và con thiền quán về Thượng đế bởi vì con không quan tâm bất cứ chuyện gì trong thế gian. Đây là một diễn giải sai lạc về những gì ta đã dạy, những gì Giê-su đã dạy, những gì các thày ngày nay giảng dạy.

Nói chung con có thể nói, con là một sinh thể tâm linh, Hiện diện TA LÀ của con là một sinh thể tâm linh. Hiện diện TA LÀ của con ở cõi thăng thiên, hay đúng hơn, nó không là một chân sư thăng thiên nhưng chắc chắn nó ở cõi tâm linh, cho nên Hiện diện TA LÀ của con có khả năng trải nghiệm cõi tâm linh. Tại sao nó lại muốn gửi một phần của nó – cái Ta Biết – xuống một thế giới hình tướng và đặc biệt một hành tinh như trái đất? Tại sao chứ?

À, Hiện diện TA LÀ không gửi con xuống thế gian để con có một trải nghiệm tâm linh vì nó có thể có trải nghiệm này ở ngay cõi tâm linh rồi, cho nên nó gửi con xuống thế gian để trải nghiệm thế gian. Nhưng làm thế nào con trải nghiệm được thế gian nếu con ngồi trong hang núi Himalaya, thiền quán về Thượng đế và bỏ mặc thế gian? Đó không phải là lý do con tồn tại, lý do con đang ở trong thế gian. Con ở trong thế gian là để có những trải nghiệm, và những trải nghiệm này bao gồm cả những công việc con làm, và chắc chắn con năng hoạt trong thế gian. Nếu Hiện diện TA LÀ không muốn trải nghiệm thế gian thì việc gì nó phải mất công đem một phần của nó vào một xác thân vật lý? Nó đã có thể rút lại phần này và tập trung vào việc tăng triển ở cõi tâm linh, và tất nhiên đây là điều con sẽ làm sau khi con thăng thiên, nhưng dù sao thì con cũng hiểu ý ta muốn nói.

Mục đích con hiện thân trong cõi vật lý là để tham gia vào lý duyên khởi, và thế gian chính là lý duyên khởi này. Con nếm nhiều trải nghiệm, con làm nhiều công việc, con nêu gương cho người khác thấy là mình có khả năng khắc phục sự dính mắc với thế gian, cho nên mình có thể ở trong thế gian mà vẫn an bình. Làm thế nào con ở trong thế gian mà vẫn an bình? Bằng cách vượt qua các dính mắc của mình và bước vào tâm thái trung hòa.

Nhưng trung hòa không có nghĩa là con không làm gì. Con vẫn có thể tham gia vào một hoạt động vỏ ngoài và đồng thời ở trong một tâm thái trung hòa. Chỉ có nghĩa là trải nghiệm của con sẽ khác hơn mà thôi. Kỳ thực con có thể vui hưởng hoạt động đó, bởi vì khi con ở trong một tâm thái dính mắc thì con không thể tận hưởng việc tham gia vào hoạt động vì con luôn luôn chú tâm vào thành quả của hoạt động – cho đến khi con biết rõ thành quả là gì thì con không thể thực sự vui hưởng hoạt động. Đây chính là câu ngạn ngữ quen thuộc khi người ta bảo rằng điểm đến không quan trọng mà là hành trình, kết quả không quan trọng mà là tiến trình.

Khi con bước vào tâm thái trung hòa, con có thể vui hưởng tiến trình sống trong kiếp hiện thân cho dù con có đạt được hay không đạt được thành quả vỏ ngoài. Con không có vai trong tấn tuồng muốn cái này phải xảy ra hay cái kia không được xảy ra, con không ở trong tấn tuồng cuồng đại muốn cái này phải xảy ra hay cái kia không được xảy ra trong thế gian. Nhưng con không thờ ơ vô cảm, con không thụ động, con không chỉ ngồi đó mà không làm gì hết.