Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 10/4/2023, nhân Webinar Phuc sinh 2023 – Đem đạo Cơ đốc và chính con xuống khỏi thập tự giá.
TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Phật có liên quan gì đến thập tự giá và việc đem một ai đó xuống khỏi thập tự giá? À, con không thật tin rằng trước khi Giê-su xuất hiện trên trái đất thì con người đã bị đóng đinh trong tâm họ rồi sao? Các biểu tượng mà các thày đã giải thích trong hội nghị này về ý nghĩa sâu xa hơn của thập tự giá tất nhiên cũng áp dụng cho Giê-su. Các biểu tượng này đã áp dụng kể từ khi con người trên địa cầu bước vào nhị nguyên.
Gautama bước xuống từ thập tự giá
Khi thuở đó ta chuẩn bị sứ vụ của ta trong tư cách là Phật, sứ vụ giáo huấn của ta, nhiều lần ta đã phải gỡ mình xuống khỏi thập tự giá. Ta đã lớn lên trong một môi trường vô cùng bảo bọc nơi cung điện. Ta đã sống trong một số điều kiện vỏ ngoài thật đặc thù, không bao giờ gặp người nào bệnh tật, và ta được hưởng mọi giàu sang cùng thú vui vật chất mà ta có thể mong muốn. Ta đã bị đóng đinh bởi lối sống rất trần tục, thoải mái, sung sướng đó. Ta đã phải gỡ mình xuống khỏi thập tự giá mấy lần trước khi ta thực sự sẵn sàng rời bỏ cung điện này, đi vào rừng để sống như một người khổ hạnh, thiền định, nhịn đói cho đến gần chết. Và khi ta ngồi đó thiền định, tất nhiên là ta xem xét tâm mình và khắc phục được một số ảo tưởng, có nghĩa là một lần nữa ta lại đem mình xuống khỏi một thập tự giá khác, vì như ta đã giải thích, con có thể nói là với mỗi tầng tâm thức trong số 144 tầng, có một ảo tưởng khiến con bị trói chặt vào thập tự giá.
Ta đã đạt tới mức có thể gỡ mình xuống khỏi một thập tự giá vĩ đại, một ảo tưởng vĩ đại, khi ta ngộ ra là lối sống khổ hạnh thật quá cực đoan và vì thế không phải là con đường tối thượng. Đó là khi ta chứng được Trung đạo, nhưng ngay cả khi đó, ta vẫn phải kinh qua một quá trình đã không được thực sự ghi lại trong kinh sách Phật giáo là ta phải hội đủ tư cách để có thể bắt đầu sứ vụ hoằng pháp, và một lần nữa ta lại gỡ mình xuống khỏi một loạt thập tự giá nữa. Nhưng rồi khi ta bắt đầu sứ vụ giảng dạy thì các Phật tử, đại đa số Phật tử, cứ muốn nghĩ là khi đó chắc chắn ta đã là một sinh thể toàn hảo. Nhiều Phật tử muốn nghĩ rằng ta còn toàn hảo ngay từ đầu cơ, nghĩa là ta đã không phải đi qua nguyên một tiến trình. Nhưng điều họ nghĩ thật không có căn cứ nếu họ nhìn kỹ câu chuyện cuộc đời của ta.
Ngay cả sau khi khởi sự giảng dạy, ta vẫn còn những ảo tưởng phải khắc phục, vì lý do giản dị là nếu ta đã vượt qua mọi ảo tưởng thì ta đã không thể cầm giữ một thân thể vật lý. Ta vẫn phải nhìn ra nhiều điều trong bản thân mình, vẫn phải khắc phục những cái ngã tách biệt, vẫn phải gỡ mình xuống khỏi những thập tự giá đó. Điều ta muốn nói giản dị ở đây là ta đã đi qua tiến trình bước xuống khỏi thập tự giá, và vì thế ta đủ tư cách để nói chuyện về đề tài này.
Đồng sáng tạo trong một trạng thái hợp nhất
Các thày có thể trình bày một cách nhìn nào khác về thập tự giá hay không? À như các thày khác có nói, có bốn tầng vật chất, bốn cánh hay bốn đầu trên thập tự giá, bốn điểm của thập tự giá, và vì vậy con bị đóng đinh trong vật chất. Nhưng vật chất là gì? Có thể nói vật chất là hình tướng. Con sống trong một thế giới hình tướng. Con sống trong một thế giới hình tướng không do cá nhân con tạo ra.
Các thày đã giải thích là khi con đi xuống hiện thân lần đầu tiên ở một cõi chưa thăng thiên, con là một người đồng sáng tạo. Con tự xem mình là một sinh thể nối kết, và con thấy mình đang ở trong một môi trường đã được tạo dựng bởi những sinh thể ở một tầng tâm thức cao hơn con. Con đang sử dụng sự nối kết của con để đồng sáng tạo và con cũng biết là con không đang sáng tạo qua uy lực của riêng minh. Cho nên trong hoàn cảnh này khi con chưa bước vào nhị nguyên, con không bị đóng đinh vào vật chất vì con biết con là nhiều hơn hình tướng. Thậm chí con là nhiều hơn cái ngã mà con đã khoác vào trong bầu cõi chưa thăng thiên này.
Ngay khi con đầu thai lần đầu, con đã có bốn thể phàm. Con có một bản sắc thể, một trí thể, một cảm thể và một cơ thể vật lý, và để bắt đầu đồng sáng tạo, con tạo ra một số cấu trúc trong những thể cảm xúc, lý trí và bản sắc đó. Điều này xảy ra khi từ mức Hiện diện TA LÀ của con, con bước xuống qua tầng 144, tầng 143, rồi xuống mãi đến tầng 48 trong bầu cõi của con. Theo một cách nào đó, con khoác vào tất cả những ảo tưởng này, nhưng vì con vẫn xem mình là một sinh thể nối kết cho nên con không bị đóng đinh trong tâm con, và nhờ thế khi con tạo ra một tình huống vật lý nào đó, con không đồng hóa với tạo vật của mình. Cho nên con không bị đồng hóa với tạo vật vật chất mà con đã tạo dựng và con không xem mình đồng nhất với xác thân vật lý của con.
Ảo tưởng vật chất là quan trọng
Chỉ khi con xuống dưới tầng 48 đó và bước vào cõi tách biệt thì con mới bị đóng đinh. Nhưng ta chẳng vừa nói là với mỗi tầng tâm thức, kể cả ở trên tầng 48, đều có một ảo tưởng mà con phải khắc phục và do đó, theo một nghĩa nào đó, con bị đóng đinh vào ảo tưởng này hay sao? Bây giờ có phải ta đang nói ngược lại? Không, vì ta không nói về cùng một hoàn cảnh. Khi con giáng thế lần đầu, con không đi xuống một hành tinh có nhị nguyên. Ngay cả các cư dân nguyên thủy của trái đất cũng đã đầu thai lần đầu khi chưa một ai trên trái đất đã bước vào nhị nguyên. Nhưng khi con đầu thai trên một hành tinh như trái đất nơi tâm thức bị thấm đẫm nhị nguyên, thì con mới có thể nói là con bị đóng đinh vào từng ảo tưởng, và chỉ khi nào con lên đến tầng 144 thì thực sự mới nói được là con đã khắc phục trọn vẹn cái cảm nhận rằng vật chất là quan trọng.
Con không chỉ bị vướng kẹt, hay bị đóng đinh, hay bị ám ảnh về mặt thể xác, cảm xúc hay lý trí, mà con mang cảm nhận các điều kiện vật chất là quan trọng. Không nhất thiết là con đồng hóa với chúng, vì khi con bắt đầu lên cao hơn tầng 96 thì con ngừng không đồng hóa với vật chất nữa nhưng con vẫn nghĩ là trên địa cầu có gì đó quan trọng, có gì đó mà con muốn thấy thay đổi, và trên một hành tinh dày đặc như trái đất thì con duy trì cảm nhận này cho tới chót. Như con thấy thày Giê-su treo thân trên cây thập tự mà vẫn còn chút mong muốn làm gì đó trên trái đất, mong muốn tiếp tục sứ vụ của mình, cho nên thày mới muốn Thượng đế đến cứu thày khỏi thập tự giá để thày có thể tiếp tục sứ vụ của mình. Thày vẫn còn cái cảm nhận là vật chất quan trọng, có gì đó quan trọng trong vật chất.
Mặc dù điều này không được ghi lại trong kinh sách, con cũng có thể nhìn vào sứ vụ giáo huấn của ta. Ta không còn đồng hóa với cơ thể, không còn đồng hóa với vật chất, nhưng ta vẫn còn cảm nhận là trong vật chất có điều gì quan trọng, và đó chính là tại sao ta đã ở lại địa cầu và đã giảng dạy. Ta cảm thấy ta có thể đem lại một cái gì khác biệt. Ta không bảo chuyện này là sai, mà ta chỉ muốn giải thích cho con hiểu là trên một hành tinh dày đặc như trái đất, chỉ khi nào con thăng thiên thì con mới thật sự khắc phục ảo tưởng cuối cùng khiến các điều kiện của thế giới vật chất có vẻ quan trọng.
Sự (không) sẵn lòng buông bỏ hình tướng con đã tạo dựng
Này con, khi con nhìn bức tranh tổng thể và nhìn xa hơn trái đất, con có thể nói là Đấng sáng tạo thế giới hình tướng của con đã tạo ra bầu cõi đầu tiên từ chính bản thể ngài, tạo ra các sinh thể tự nhận biết từ chính bản thể ngài, rồi gửi họ vào bầu cõi để hoạt động trong tư cách làm người đồng sáng tạo với mục đích họ sẽ dần dần tăng triển tâm thức. Bầu cõi thứ nhất thăng thiên, bầu cõi thứ nhì được tạo dựng, nó cũng thăng thiên. Rồi bầu cõi thứ ba rồi thứ tư, và mỗi bầu cõi sau dày đặc hơn bầu cõi trước một chút, cho tới một điểm ở bầu cõi thứ tư khi một số sinh thể từ chối không thăng thiên với bầu cõi của họ, cho nên họ bị rơi xuống, họ sa xuống bầu cõi thứ năm, vân vân. Điều có thể nói về ba bầu cõi đầu là những người đồng sáng tạo nâng bầu cõi họ thăng thiên đã không bao giờ trở nên đồng hóa với hình tướng, có nghĩa là gì? Có nghĩa là, chẳng hạn, cho dù nền văn hóa mà họ tạo dựng trên một hành tinh có tinh xảo tuyệt diệu đến chừng nào thì họ vẫn không bao giờ đồng hóa với hình tướng họ đã tạo dựng.
Chúng ta không chỉ đang nói tới chuyện đồng hóa với thân xác vật lý mà thôi, chúng ta nói đến những sinh thể đã sống trong bầu cõi này suốt một thời gian dài đằng đẵng, đã làm người đồng sáng tạo từ thuở họ mới khởi lên một ý niệm bản ngã vô cùng giới hạn và khả năng đồng sáng tạo cũng vô cùng giới hạn, nhưng lần hồi sau một thời gian rất dài họ đã khuếch trương khả năng đồng sáng tạo này đến mức họ có thể tạo dựng những hình tướng, những hành tinh, những nền văn hóa trên hành tinh vô cùng tinh xảo. Nhưng mặc dù các hình tướng này cực kỳ tinh xảo công phu, họ đã không bao giờ đồng hoá với chúng. Không bao giờ họ bị lạc lối trong hình tướng mà họ tạo ra.
Nhưng bây giờ đến bầu cõi thứ tư, cũng có một số sinh thể đã bỏ ra một thời gian rất dài để khuếch trương khả năng đồng sáng tạo của mình, nhưng khi đến lúc bầu cõi thăng thiên thì họ không sẵn lòng bỏ lại tạo vật của họ. Trong khi các sinh thể từng thăng thiên trong các bầu cõi trước đã đạt tới điểm sẵn lòng buông bỏ những hình tướng tinh xảo mà họ đã tạo ra, thì các sinh thể này ở bầu cõi thứ tư không sẵn sàng bỏ lại. Họ chiêm ngưỡng tạo vật của họ, họ mê say tạo vật của họ, và trong cái tâm đã tạo nên tất cả tạo vật tinh xảo đó, họ không sẵn lòng bỏ nó lại. Nói cách khác, họ đã trở nên đồng hóa với hình tướng họ tạo dựng.
Tất nhiên giáo lý mà các thày đã trao cho con về cái Ta Biết nói rằng cái Ta Biết không bao giờ có thể trở thành hình tướng do nó tạo ra. Nó có thể sáng tạo những hình tướng rất công phu khi nó khuếch trương khả năng đồng sáng tạo, nhưng nó không thể trở thành hình tướng. Tại sao vậy? Con đồng sáng tạo như thế nào chứ? Con đồng sáng tạo bằng cách tạo ra một cái ngã trong cõi bản sắc, lý trí, cảm xúc và vật lý, và con đồng sáng tạo xuyên qua ngã này. Ở đây chúng ta không nói về một cái ngã tách biệt. Tuy con tự xem mình là một sinh thể kết nối nhưng con vẫn tạo ra một cái ngã, và điều tài tình ở đây là cái Ta Biết không thay đổi trong nguyên tiến trình nó đi qua. Nó không thay đổi! Chỉ có cái ngã là ngày càng trở nên tinh xảo hơn mà thôi.
Khi bầu cõi của con sẵn sàng thăng thiên, con phải buông bỏ ngã này. Con phải buông bỏ hồn ma. Và đây chính là điều các sinh thể sa ngã không muốn làm vì họ quá mê say với nó, họ quá đồng hóa với ngã do họ tạo ra, họ quá đồng hóa với hình tướng đến nỗi – theo cách diễn tả của Ki-tô hoàn vũ – họ không chịu để mất đời sống của họ vì ta. Họ không chịu đánh mất đời sống của họ để đi theo Ki-tô và bước vào một trạng thái cao hơn của sự sống là sự sống vĩnh hằng. Họ đã được phép kinh qua trải nghiệm mà họ muốn, nhưng hiển nhiên, họ không thể duy trì tạo vật của họ ở bầu cõi thứ tư, cho nên họ đã – cùng với ngã tách biệt mà họ đã tạo dựng – rơi xuống bầu cõi thứ năm. Và ở đây, họ đã có thể sử dụng cái ngã tinh xảo này để khởi sự tạo ra gì đó trong bầu cõi thứ năm, và tất nhiên tạo vật này tiến bộ hơn tất cả mọi thứ các dân cư mới trong bầu cõi này có thể đồng sáng tạo.
Tâm thức sa ngã ảnh hưởng giáo lý tâm linh như thế nào
Những điều trên liên quan thế nào với con là người đang hiện thân trong bầu cõi thứ bảy trên một hành tinh dày đặc chưa thăng thiên có tên là trái đất? À, đó là thế này: toàn bộ mục đích của thế giới hình tướng chỉ đơn giản là cung cấp một môi trường cho các sinh thể tự nhận biết đồng sáng tạo để họ có thể mở rộng khả năng đồng sáng tạo, mở rộng tâm thức của họ. Nhưng trong một bầu cõi chưa thăng thiên, sự mở rộng tâm thức này không xảy ra trong bốn thể phàm, nó cũng không xảy ra ở mức cái Ta Biết, mà nó xảy ra ở mức Hiện diện TA LÀ và căn thể. Và điều này nhằm mục đích là ngay cả nếu con chọn sa ngã, nếu con chọn bị lạc lối trong tạo vật của con, thì Hiện diện TA LÀ vẫn không thể bị đánh mất, và do đó các trải nghiệm của con như một người đồng sáng tạo không bao giờ bị đánh mất.
Có nghĩa là gì? Có nghĩa là như một đệ tử bước chân trên con đường tâm linh, con đường quả vị Ki-tô, con đường quả vị Phật, con đường dẫn đến thăng thiên, con cần nhận ra là mọi khía cạnh của cuộc sống trên địa cầu đã bị tâm thức sa ngã chi phối, kể cả mọi khía cạnh của tôn giáo lẫn tâm linh. Bất kể lời cả quyết của bất kỳ tôn giáo nào, bất kỳ triết lý tâm linh hay tổ chức tâm linh nào, thì mọi giáo lý tâm linh đều đã bị ảnh hưởng bởi tâm thức sa ngã, theo nghĩa là nếu giáo lý không thích nghi với tâm thức sa ngã một cách nào đó, thì quần chúng sẽ không thể nắm bắt được giáo lý, bởi vì tâm thức sa ngã đã tràn lan quá đỗi, đã trở nên quá thuyết phục khắp địa cầu.
Ngay cả giáo lý của các chân sư thăng thiên cũng phải thích nghi với tâm thức sa ngã, vì nếu không, không ai sẽ có thể nắm bắt được. Đấy là vì sao các thày mới nói đến phương pháp bán hàng của các nhân viên bán xe cũ gọi là “dụ mua hàng hấp dẫn để hướng sang hàng cao cấp”, và các con cần dùng giáo lý này để bước lên một tầng cao hơn nơi con có thể nhận được những giáo lý không bị tâm thức sa ngã ảnh hưởng.
Một cách mà các tôn giáo, chẳng hạn, bị tâm thức sa ngã chi phối là quan niệm cho rằng con có một linh hồn do Thượng đế tạo ra có khả năng bước vào vương quốc thiên đàng. Nhưng như các thày đã giải thích, hồn chỉ vỏn vẹn là những cái ngã hay ngã tách biệt trong bốn thể phàm của con – và cuối cùng cũng gồm cả tự ngã – và tất cả những thứ này sẽ không bao giờ vào được thiên đàng. Hồn không thể hội đủ tư cách để thăng thiên. Chỉ có “người đã đi xuống từ thiên đàng mới có thể lên trở lại thiên đàng” – tức là cái Ta Biết. Đây là một lời dạy có thể làm xốn xang tuyệt đại đa số mọi người trên địa cầu nếu họ có thể thực sự nắm bắt được. Đây là một lời dạy gây xao động và nó đã bị một số đệ tử của các đợt truyền pháp trước bác bỏ. Nhưng lời dạy kia, ý tưởng kia, đến từ đâu? Đâu là gốc gác của ý tưởng cho rằng có một cái gì rõ ràng nằm trong cõi này, nằm trong một cơ thể vật lý nhưng là nhiều hơn một cơ thể vật lý, và cái đó có thể được hoàn thiện một cách nào đó, hay trở nên tinh xảo đến độ nó có thể đi lên thiên đàng hay bước vào cõi tâm linh? Ý tưởng đó đến từ đâu?
Hoàn thiện ngã hay buông bỏ ngã
À, nó đến từ sa nhân bởi vì giấc mơ của sa nhân, ít ra của một số sa nhân từ khi họ sa ngã, là họ có thể cứ tiếp tục xây đắp cái ngã mà họ đã tạo ra nơi bầu cõi khi họ sa ngã, và họ có thể cứ tiếp tục tô điểm cho nó ngày càng tinh xảo hơn cho đến một ngày kia Thượng đế sẽ phải cho nó vào thiên đàng – hay đúng hơn, các chân sư thăng thiên sẽ phải cho nó vào thiên đàng. Đây là giấc mơ cơ bản của ít nhất một số sinh thể sa ngã.
Một số sa nhân khác bị mắc kẹt trong giấc mơ muốn chứng minh là Thượng đế sai lầm, và một trong những cách này là chứng mình Thượng đế đã sai lầm khi ban quyền tự quyết cho mọi người. Nhưng nhiều sa nhân bị kẹt trong giấc mơ là họ có thể tạo ra một cái ngã tinh xảo đến mức nó sẽ nhận được sự sống vĩnh hằng. Nói cách khác, sa nhân sẽ có thể duy trì ngã đó thay vì bị rơi xuống các bầu cõi dày đặc hơn để cuối cùng phải đối mặt với cái chết thứ nhì, nghĩa là họ có thể tránh cái chết thứ nhì bằng cách trở nên tinh xảo đến độ ngã cũng hội đủ điều kiện thăng thiên. Và đây chính là điểm ẩn núp đằng sau tuyệt đại đa số các giáo lý tôn giáo lẫn tâm linh trên hành tinh, và cũng là một điểm rất khó giải thích cho mọi người khi chúng ta còn trong Thời đại Song ngư.
Đối với các đợt truyền pháp của chân sư thăng thiên khởi sự trong Thời đại Song ngư, thật khó giải thích điều đó cho mọi người. Đã có những sự gợi ý nhưng có rất ít người đã nắm được. Một số ít đã nắm được, và một số sẽ hiểu được. Nhưng trong Thời đại Bảo bình, có khả năng rất nhiều người hơn sẽ đạt tới mức nhận thức được. Những người này sẽ tới mức nhận ra là để thăng thiên, con cần phải để cho hồn ma cuối cùng chết đi. Con cần từ bỏ hồn ma cuối, cái yếu tố chót cùng này của ngã tách biệt vì nó sẽ không bao giờ hội đủ tư cách. Nó sẽ không bao giở đủ tư cách để được cứu rỗi, để bước vào thiên đàng, hay niết bàn hay thăng thiên. Cho dù con có gọi cái vượt khỏi bốn tầng vật chất đó là gì, thì cái ngã được tạo ra trong thế giới hình tướng không thể đủ tư cách. Nó không thể bước vào. Đây là chứng ngộ cơ yếu trước khi con hội đủ tư cách thăng thiên.
Điều này không có nghĩa là trước thời hiện đại chưa từng có ai thăng thiên. Tất nhiên là đã có Giê-su, có chính ta, có Mẹ Mary và nhiều người khác nữa. Họ đến từ nhiều truyền thống tôn giáo hay tâm linh, nhiều truyền thống thần bí khác nhau, và họ đã hội đủ tư cách thăng thiên. Nhưng tất cả đều đã làm được vậy bằng cách đạt đến nhận thức rằng đây không phải là chuyện hoàn thiện cái ngã của mình, mà là buông nó ra, thăng vượt nó, để cho nó chết, cho dù cách nhìn hay cách diễn tả của họ là gì. Tất cả đều đã đạt đến chứng ngộ này và điều này cũng đã được truyền dạy qua những lời dạy tôn giáo và tâm linh khác nhau. Con có thể tìm thấy một số dấu vết còn sót lại của lời dạy này. Ngay cả trong tôn giáo hay giáo lý đạo Phật, con cũng có thể tìm thấy nếu con cố tìm. Con có thể tìm thấy một số lời dạy về Biển Luân hồi là cùng một thứ với Niết bàn, và con tới mức ngộ ra là cả hai không có gì khác biệt. Có những lời dạy khác nữa mà rất it người đã nắm bắt được nhưng một số thì đã hiểu.
Việc các thày đang làm hiện nay trong đợt truyền pháp này là giải thích rõ ràng hơn trước kia, để giúp mọi người dễ dàng nắm bắt hơn rồi khởi sự áp dụng. Hiển nhiên như con có thể nói, đây là sự thách đố cùng cực đối với sa nhân, cơn ác mộng tột độ đối với sa nhân, vì nó thách đố trực tiếp giấc mơ của họ về sự bất tử của ngã tách biệt, sự thường hằng của hình tướng, giấc mơ cho rằng một cái gì được tạo ra trong thế giới hình tướng có khả năng đạt đến thường hằng mà không đi qua tiến trình thăng thiên.
Mục đích của bầu cõi chưa thăng thiên
Và con cũng có thể hỏi giống như một số người đã tự hỏi suốt các thời đại: Tại sao mọi chuyện lại như vậy? Chúng ta có bầu cõi chưa thăng thiên để làm gì? Có hàng tỷ và hàng tỳ và hàng tỷ con người đồng sáng tạo, tất cả đều đang sáng tạo – hoặc một mình, hoặc cùng nhau khi họ nâng cao tâm thức – họ tạo ra những nền văn mình công phu tinh xảo đó trên những hành tinh tuyệt đẹp đó. Rồi sau biết bao thời gian dài đằng đẵng, tất cả những thứ đó họ sẽ phải buông bỏ, họ sẽ phải bỏ lại để chính họ có thể thăng thiên và toàn bầu cõi của họ cũng thăng thiên. Và trong tiến trình thăng thiên này, tất cả những thứ mà họ đã tạo ra sẽ tiêu tan, sẽ bị cuốn mất, sẽ bị xóa bỏ, cho dù con có muốn mô tả như thế nào. Đây là một tiến trình tịch diệt.
Tại sao lại như vậy? Tại sao không có chuyện là trên một số hành tinh, họ có thể tạo ra một cái gì tinh xảo đến độ nó có thể thăng thiên khi bầu cõi thăng thiên? À, các thày đã cho con lời giải thích rồi đó: Quyền tự quyết là cách mọi người tăng triển, mọi sinh thể tăng triển, và quyền tự quyết phải được phép trải bày ra, cho nên luôn luôn có khả năng là có người sẽ từ chối thăng vượt một điều gì đó, muốn bám giữ cái đó, và để tránh cho cái đó trở thành thường hằng thì bầu cõi phải thăng thiên. Nhưng con vẫn có thể nói: “Vâng, chúng con hiểu được là có những hành tinh có người không chịu buông bỏ và vì vậy sẽ sa ngã, thì các hành tinh này có thể bị phân hủy. Nhưng tại sao mọi hành tinh phải bị phân hủy?”
À, bởi vì để thực sự thăng thiên, con phải chứng tỏ sự không dính mắc vào hình tướng, không dính mắc vào cái ngã mà xuyên qua đó con đã tạo ra hình tướng. Và con chỉ làm được vậy bằng cách buông bỏ nó và tin tưởng rằng những trải nghiệm được thu hoạch trong nguyên hành trình của con qua bầu cõi chưa thăng thiên được bảo tồn trong Hiện diện TA LÀ và căn thể của con, và như vậy chúng không bị mất.
Có nghĩa là gì? Có nghĩa là sau khi một bầu cõi thăng thiên, tất cả mọi trải nghiệm được thu thập trong căn thể của tất cả mọi sinh thể thăng thiên vẫn còn đó. Và sau khi bầu cõi thăng thiên, năng lượng được thanh lọc, có nghĩa là nó không còn dày đặc như ở bầu cõi chưa thăng thiên, và giờ đây việc sáng tạo trong bầu cõi thăng thiên sẽ dễ dàng hơn hẳn. Điều này có nghĩa là tất cả các Hiện diện TA Là đã trở thành chân sư thăng thiên giờ đây có sự chọn lựa. Họ sẽ sáng tạo những gì trong bầu cõi thăng thiên? Họ sẽ đồng sáng tạo những gì trong bầu cõi thăng thiên? Giờ đây họ hoàn toàn tự do quyết định những gì họ sẽ sáng tạo và như thế nào.
Nhưng con thấy không, trước điểm thăng thiên thì con mang cái ngã mà xuyên qua đó con đã sáng tạo một vật gì và nghĩ nó tốt đẹp, tinh xảo. Nhưng con vẫn mang ngã đó. Có nghĩa gì? Có nghĩa là mặc dù con đang khiến cho tạo vật ngày càng tinh xảo hơn, con vẫn làm vậy xuyên qua ngã, qua các thông số của ngã đó. Tạo vật do con đang đồng sáng tạo tùy thuộc và được quy định bởi tạo vật con đã đồng sáng tạo trước đó. Nhưng giờ đây khi con đã thăng thiên và bỏ lại ngã đó, con hoàn toàn tự do đồng sáng tạo bất cứ gì trong bầu cõi thăng thiên. Con có thể rất nhanh chóng tạo lại một cái gì tương tự như cái con đã tạo ra trong bầu cõi chưa thăng thiên nếu đây là điều con quyết định làm. Nhưng trên thực tế, tuyệt đại đa số các sinh thể thăng thiên sẽ muốn sáng tạo một cái gì khác hơn vì giờ đây họ có viễn quan rộng lớn hơn trước rất nhiều.
Tiến trình mở rộng ý niệm bản ngã
Con thấy đó, tất cả đều là một phần của nguyên tiến trình mở rộng ý niệm bản ngã khi một người đồng sáng tạo bắt đầu với một ý niệm bản ngã vô cùng giới hạn rồi lần hồi khuếch trương cho đến khi cuối cùng nó đạt được mức tâm thức trọn vẹn của Đấng Sáng tạo. Nhưng làm thế nào con khuếch trương ý niệm bản ngã? À, qua một tiến trình lần hồi mở rộng ngã, xong con trải qua một số xoay chuyển cách mạng trong ý niệm bản ngã – và một xoay chuyển cách mạng như vậy là khi bầu cõi nơi con đã khởi sự đồng sáng tạo thăng thiên.
Con cũng có những xoay chuyển khác. Lấy ví dụ con thăng thiên trong bầu cõi hiện thời. Trước tiên, con có thể mở rộng ý niệm bản ngã của con trong bầu cõi thứ bảy cho dù bầu cõi này chưa thăng thiên. Nhưng một khi con đã làm vậy – con đã mở rộng đến mức tối đa của con – thì con có thể thăng thiên lên bầu cõi thứ sáu. Rồi ở đó con lại mở rộng thêm nữa và con cứ tiếp tục làm vậy cho đến khi con đạt đến tâm thức của Đấng Sáng tạo. Mỗi bước thăng thiên lên bầu cõi kế tiếp như vậy là một cuộc xoay chuyển cách mạng, và cho dù con đã bước vào các bầu cõi thăng thiên, con vẫn phải từ bỏ ý niệm bản ngã mà con đã mang trong bầu cõi trước.
Đạo Phật là một triết lý thực tiễn
Như con thấy, đây là một tiến trình rất phức tạp. Và tại sao nó lại phức tạp đến vậy? Bởi vì tâm thức của Đấng Sáng tạo vượt khỏi một cách gần như vô hạn những gì con có thể nắm bắt trên địa cầu. Vậy tại sao ta lại đề cập đến chuyện này làm gì? À, con sẽ thấy là 2500 năm trước đây, ta đã có một cách tiếp cận khác hẳn cách tiếp cận mà các thày, các chân sư thăng thiên, đang có ngày nay. Vào thời đó hiển nhiên có nhiều tôn giáo, kể cả đạo Ấn, nói về thế giới thượng thiên cùng các cõi thánh thần và điều này điều nọ. Các giáo lý này đi ngược trở về kinh cổ Veda được ban truyền 10 ngàn năm về trước vào thời tâm thức loài người thấp hơn bây giờ – mặc dù ngày nay vẫn còn những người theo đạo Ấn nghĩ đó là giáo lý cao nhất có thể được ban ra trên địa cầu.
Vậy tình thế như thế nào vào thời ta hiện thân là Phật? Con có những người Bà-la-môn của Ấn giáo, họ hoàn toàn giống như lời mô tả mà Giê-su vừa đưa ra hồi nãy về các thày thông giáo và người Pha-ri-si của Do Thái giáo. Họ đã lấy những lời mà họ xem là chuẩn mực đích thực của kinh Veda, rồi họ đã diễn giải một cách trí thức và càng ngày càng xây dựng những cách diễn giải, những hình tư tưởng tinh xảo hơn mà họ cứ nghĩ là chân lý tuyệt đối.
Và những ai tin họ – các tín đồ Ấn giáo vào thời đó, những người dân bình thường, tuyệt đại đa số dân chúng – không thể thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của những người Bà-la-môn này. Họ không thể nhìn xuyên thấu để nhìn ra đó chỉ là hình tư tưởng, chỉ là ảo tưởng. Họ không có sự nhận biết, khả năng tri thức hay kiến thức về thế giới để nhìn xuyên thấu. Và đó là vì sao ta đã có một cách tiếp cận thật thực tiễn và ta nói: “Đạo Phật không phải là một tôn giáo như đạo Ấn. Đạo Phật không là một tôn giáo nhằm cung cấp kiến thức về các vị thần và cõi thần thánh, vì hầu hết mọi người không thể nắm bắt cõi thần thánh là gì, cho nên họ sẽ bị vướng kẹt trong các học thuyết và cách diễn giải vỏ ngoài đó. Thay vào đó, chúng ta hãy thiết lập một triết lý thực dụng nhằm đưa con người từ nơi họ đang đứng, nâng cao tâm thức của họ, ít nhất giúp họ khắc phục một số ảo tưởng của Maya. Rồi một khi họ đã nâng cao tâm thức thì họ sẽ có khả năng nắm bắt nhiều hơn. Họ sẽ phát triển khả năng trực giác và có thể biết được từ bên trong cái gì là thực, cái gì không thực.”
Nói cách khác, điều ta đã tránh không làm trong kiếp đầu thai làm Phật là tạo ra một tôn giáo khác nữa tự xưng là cao trội hơn tôn giáo của người Bà-la-môn, vì điều này sẽ khóa chặt ta vào một cuộc chiến với người Bà-la-môn và họ sẽ tấn công ta và hành xử với ta y như họ đã cố hành xử với Giê-su. Đây là một lượng định dựa theo các chân sư thăng thiên đang hướng dẫn địa cầu vào thời đó, nhận định rằng đây là điều con người sẵn sàng làm được, ít ra ở vùng này của thế giới.
Thêm tiết lộ tuần tự
Điều xảy ra trong vòng 500 năm giữa thời của Phật và thời của Giê-su là tâm thức tập thể đã có tiến bộ. Và sự tiến bộ này phần lớn là do nhiều người đã đón nhận đạo Phật, đã chân thành nỗ lực cải hóa tâm thái của mình, nỗ lực khắc phục các ảo tưởng của Maya bằng cách bước chân trên Bát chánh đạo, là con đường ta vừa giải thích trong một bài trước nhằm giúp đỡ con người vượt qua các ảo tưởng. Đến thời của Giê-su, các chân sư thăng thiên đã xác định là các thày có thể dùng một cách tiếp cận khác xuyên qua Giê-su. Giê-su sẽ giảng dạy về Thượng đế, về cõi tâm linh và tiến trình thăng thiên, vì giờ đây đã có nhiều người hơn sẵn sàng chấp nhận tiềm năng thăng thiên một cách ý thức.
Tất nhiên các thày cũng biết là có những hạn chế do tâm thức tập thể dựng lên. Quả là có một tiềm năng rất thực tế là đạo Cơ đốc có thể trở thành cái mà nó đã trở thành sau này, một tôn giáo do sa nhân kiểm soát. Nhưng dẫu sao, đó là một cách tiếp cận mới mẻ khi Giê-su trình bày công khai về đấng Cha, nhưng như con thấy, tương đối Giê-su cũng đã đưa ra ít chi tiết về cõi tâm linh và mọi thứ ở đó. Kỳ thực, Giê-su đã nói về cõi tâm linh ít hơn là kinh Cựu ước, ít hơn rất nhiều những người Bà-la-môn của Ấn giáo. Theo một nghĩa nào đó, Giê-su cũng đã lấy một cách tiếp cận thực dụng.
Rồi những gì xảy ra kể từ thời Giê-su đến nay là, tất nhiên và trên hết do thành quả của lời dạy của Giê-su lẫn của Phật, tâm thức tập thể đã được nâng lên cao hơn. Nhưng rồi sau đó Saint Germain lại quyết định ban truyền phương pháp khoa học, và điều này lại nâng tâm thức lên cao hơn nữa. Nó khiến cho thế giới quan của con người được mở lớn. Nó cho con người một tầm hiểu biết về một số khái niệm tổng quát mà bây giờ các thày đã sử dụng trong khoảng thế kỷ vừa qua để ban truyền thêm nhiều tiết lộ tuần tự qua trung gian một số tổ chức và vị sứ giả khác nhau.
Bây giờ chúng ta đang ở một điểm khi các thày lại cảm thấy tự do hơn giảng dạy về các điều kiện trong cõi tâm linh, nhưng các con sẽ thấy là trọng điểm của các thày vẫn tập trung vào việc cho con thấy làm thế nào con có thể thăng vượt tâm thức của mình. Theo một nghĩa nào đó, các thày đang làm cùng công việc mà các thày đã làm qua tôn giáo hay triết lý của Phật, là trình bày cho mọi người cách nâng cao tâm thức hầu họ có thể biết được từ bên trong cái gì là thực và cái gì không thực, hầu họ không cần lệ thuộc vào một thẩm quyền bên ngoài, thậm chí một giáo lý vỏ ngoài của chân sư thăng thiên, mà ngược lại họ biết được từ bên trong nội tâm. Và tất nhiên, đây là cách duy nhất con có thể tự giải thoát khỏi các ảo tưởng của Maya, các lời dối trá của sa nhân.
Đọc rung động là cách tối hậu để thoát khỏi thập tự giá
Nhiều người trong số những Bà-la-môn Ấn giáo kia là sa nhân. Họ có một khả năng đặc biệt làm rối trí và gần như thôi miên những ai chưa thiết lập được mối liên lạc nội tâm với tâm Ki-tô. Nhưng khi con bắt đầu nối được mối liên lạc nội tâm này, con sẽ có thể nhìn xuyên thấu các ảo ảnh của sa nhân. Con có thể làm điều này phần nào qua tâm vỏ ngoài khi con đánh giá là họ không nhất quán, họ không hợp lý, họ không tương hợp với những giáo lý khác mà con xem là đáng tin cậy. Nhưng nói cho cùng, con sẽ bắt đầu làm được điều này giản dị bằng cách đọc sự rung động. Con có thể đạt tới điểm đọc được rung động, con đọc một lời dạy nào đó và chỉ trong vòng một vài câu, con cảm nhận được là rung động không đến từ tâm Ki-tô. Và tất nhiên, đây chính là điểm mà các thày đã cố đưa tất cả các con đến, qua các lời dạy và các dụng cụ về việc khắc phục các ngã, vì chính những cái ngã này ngăn cản con thiết lập sự nối kết với tâm Ki-tô, ngăn cản con sử dụng tâm Ki-tô làm khung tham chiếu để đọc được rung động của bất cứ gì trong thế giới hình tướng.
Theo một nghĩa nào đó, đây là cách tối hậu để thoát khỏi thập tự giá: con đọc rung động. Con có thể gọi đó là nhận thức ngoại cảm, là khả năng thấu thị – con muốn gọi là gì cũng được – nhưng khả năng này không gắn liền với giác quan vật lý. Nói cách khác, nhiều người tâm linh mơ ước có thể nhìn thấy hào quang bằng cách mở con mắt thứ ba, nhưng đây vẫn chỉ là sự nối dài của nhãn quan. Nhưng đọc được rung động thì vượt khỏi năm giác quan. Con có thể gọi là giác quan thứ sáu hay thứ bảy hay bất kỳ tên gọi nào khác, nhưng đó là khả năng đọc rung động.
Tại sao người ta có thể đọc được rung động? À, ta đã nói gì cách đây 2500 năm? Tất cả mọi thứ đều là Phật tánh. Điều gì đã được nói về tâm thức Ki-tô? Đó là Ngôi Lời, là Logos, là Đứa con Một, và nếu không có Lời thì không có tạo vật nào được tạo thành. Tất cả trong thế giới hình tướng đều khởi lên từ tâm thức Ki-tô, từ Phật tánh, bất kể tên gọi là gì, và tất cả đều có một rung động nào đó. Tâm thức Ki-tô, Phật tánh, không bao giờ xuống dưới một độ rung nào đó trong dạng thuần khiết của nó khi nó nối kết. Nhưng vì quyền tự quyết phải được phép trải bày, cho nên con có thể hạ thấp độ rung của năng lượng hầu tạo ra ảo tưởng tách biệt cùng ảo tưởng con tách rời khỏi nguồn cội của con. Như các thày có nói, ngay cả độ rung của vật chất trên trái đất đã bị hạ thấp dưới mức ban đầu, và đó là tại sao đã có vẻ hợp lý là con sống trong một thế giới tách biệt, và ngay cả nếu có Thượng đế thì Thượng đế này sẽ có vẻ ở tuốt trên kia nơi thiên đàng.
Phật tánh và các ảo tưởng của Maya
Có một sự khác biệt rõ rệt về rung động giữa những gì là tâm thức thuần khiết của Ki-tô, Phật tánh thuần khiết, và những gì tuy vẫn là Phật tánh nhưng đã bị ảo ảnh của Maya che mờ, khi tâm thức Ki-tô bị che lấp bởi các ảo tưởng của phản-Ki-tô. Nhưng tất nhiên, nó chỉ bị che lấp khi con nhìn hình tướng xuyên qua các ngã tách biệt đã tạo ra hình tướng. Khi đó, con không thể thấy được là mặc dù nó rung động thấp hơn tâm thức Ki-tô thuần khiết, nó vẫn chính là tâm thức Ki-tô. Kỳ thực, đó là một ảo tưởng được tạo dựng từ các rung động thấp hơn. Nó không bao giờ có thể thường hằng, nó không thể trở thành thường hằng, nó không thể nhận được sự sống vĩnh cửu, và do đó, khi con bắt đầu cảm nhận rung động, con có thể lập tức cảm nhận được đâu là rung động thấp và đâu là rung động của Ki-tô hay của Phật tánh.
Và đây là cách tối hậu để tránh khỏi bị lừa bởi sa nhân, bởi ảo tưởng cuả Maya, bởi quỷ dữ của Mara, và đây là cách tối hậu để thoát khỏi thập tự giá. Vì chừng nào con không thấy được là một số rung động không phải là bản tánh thuần khiết mà chỉ là những ảo ảnh tạm thời, thì con sẽ nghĩ những hiện hình đó rất có thể thường tồn và chúng có quyền năng trên con, thậm chí chúng còn quy định được con. Con có thể đồng hóa với chúng, ngay cả con có thể say mê những gì chính con hay một ai khác, một sa nhân, đã tạo ra dưới dạng một cấu trúc tinh xảo. Và nó có vẻ thật tinh xảo từ một tầm nhìn nào đó, nhưng nó không thể trở nên thường tồn vì sự sống vĩnh cửu chỉ có thể đạt được qua Ki-tô, qua sự hợp nhất với Phật tánh, sự khắc phục mọi ảo tưởng rằng con có thể tách rời khỏi Phật tánh, sự khắc phục mọi ảo tưởng rằng hình tướng – bất kỳ hình tướng nào – có thể tách rời khỏi Phật tánh và là gì khác hơn Phật tánh.
Đây là ảo tưởng cơ bản mà các thày đã trình bày qua tâm thức nhị nguyên. Ảo tưởng cơ bản là kìa có Phật tánh, có Ki-tô, và kìa có một cái gì khác hơn. Cái này không phải là Phật tánh, cái này khác với Phật tánh, tách biệt khỏi Phật tánh. Đây là ảo tưởng cơ bản của nhị nguyên rằng thế giới có thể được phân chia làm hai, nhưng sự phân đôi này không thể là thực. Phật tánh không thể bị phân chia. Chỉ trong ảo ảnh của Maya con mới có thể tạo ra dáng vẻ có hai. Cho nên ý tưởng bảo rằng có một thượng đế và có một ác quỷ chỉ là một ảo tưởng, và thượng đế mà con nhìn thấy từ trạng thái tâm thức này không phải là Thượng đế chân thực, không phải là Thượng đế vô hình tướng. Các thày gọi là vô hình tướng vì các thày không thể đặt ra ngôn từ nào cho tâm thức Thượng đế. Thượng đế hoàn toàn vượt khỏi các hình tướng mà con có thể thấy từ một bầu cõi chưa thăng thiên.
Cho con người động lực bước trên đường tu
Thế giới không là hai, nó không bị phân chia, nó là một. Nó luôn luôn là một. Nhưng điều gì có thể thúc đẩy một sinh thể bị kẹt trong ảo tưởng của Maya muốn nỗ lực khắc phục ảo tưởng của Maya? Tại sao ta như đức Phật lại nói về niết bàn? Vì ta phải cống hiến một động cơ cho con người cất bước trên con đường khắc phục tất cả những cái ngã dựa trên ảo tưởng của họ. Hiển nhiên những người này đang đau khổ và họ muốn thoát khổ đau. Nhưng khi con bị kẹt trong tâm thức tạo ra đau khổ, con không thể nhìn ra cách thoát khỏi khổ đau. Con cứ nghĩ là có lẽ con có thể phá hủy các điều kiện gây ra khổ đau. Có lẽ con có thể tạo ra những điều kiện tốt đẹp hơn từ tâm thức tách biệt. Nhưng điều này không thể làm được.
Con không thể thoát khỏi khổ đau nhờ tâm thức tách biệt, nhưng con cũng không thể thực sự nắm bắt thế nào là ở ngoài tâm thức tách biệt. Cho nên các thày trong tư cách là thày tâm linh, phải cho con người một động lực nào đó để họ cất bước trên con đường thoát khỏi tách biệt mà họ có thể nắm được, một động lực hấp dẫn đối với họ khi họ vẫn còn trong tách biệt. Đó là vì sao ta đã đưa ra Diệu đế thứ nhất. Cuộc đời là đau khổ, nhưng cũng có một con đường thoát khổ, và đó là Bát chánh đạo. Nhưng cái gì sẽ thúc đẩy con đây? Phải, ta có thể thúc đẩy con lánh xa khỏi đau khổ, nhưng con sẽ bước vào cái gì? Con sẽ hỏi và có những người đã từng hỏi: “Khi con bước trên Bát chánh đạo, mục tiêu chót cùng là gì? Phần thưởng ở điểm đến sẽ là gì?”
À, đấy chính là vì sao ta đã hình thành khái niệm niết bàn như một giải pháp thay thế cho đau khổ, cho Biển Luân hồi. Không phải là ta có khái niệm này trong tâm, nhưng khi người ta nghe nói về khái niệm này thì họ làm gì? Họ liền phóng chiếu một hình tư tưởng lên niết bàn dựa trên ảo tưởng tách biệt, thế là họ nghĩ mục đích con đường Bát chánh đạo là để đạt tới cái hình ảnh nhị nguyên đó về niết bàn. Đấy là tại sao mới có một lời dạy trong kinh sách đạo Phật nói rằng sẽ tới một điểm con nhận ra là niết bàn và luân hồi chỉ là cùng một thứ trên cơ bản, hay cả hai là cùng một chất liệu vì cả hai đều đi ra từ ảo tưởng tách biệt. Và vì vậy, cả hai đều cần bị tiêu diệt trước khi con tự do, trước khi con giải thoát. Và đây là điểm dối trá của nhiều tôn giáo trên trái đất, kể cả Cơ đốc giáo, Do thái giáo và truyền thống Do thái-Cơ đốc.
Như các thày đã nói, một lần nữa khi con bước vào nhị nguyên, con bắt đầu tạo ra một thượng đế trong hình ảnh của ngã tách biệt và giống như ngã tách biệt, thậm chí giống như sa nhân. Con sử dụng các điều kiện của hình tướng trong một bầu cõi chưa thăng thiên trên một hành tinh chưa thăng thiên để phóng chiếu ra cõi tâm linh là thế nào, cho nên con không thể biết được cõi tâm linh là thế nào. Các thày, các chân sư thăng thiên ở cõi tâm linh, sẽ không bao giờ có thể cho con một lời dạy về một số điều kiện trên cõi tâm linh. Nhưng các thày hoàn toàn không có ý định cho con một tầm nhìn toàn diện vì các thày biết nó không thể được nắm bắt, và thật chẳng ích lợi gì nếu con biết cõi tâm linh như thế nào. Bởi vì, như các thày cũng đã giải thích, con sẽ làm gì khi con bước vào tâm tách biệt đường thẳng? Con tự xem mình là một chủ thể đang tìm hiểu một khách thể từ xa. Và đối với cõi tâm linh, con cũng sẽ làm y như vậy. Khi con ở trong một bầu cõi chưa thăng thiên, khi con chưa thăng thiên, con tìm hiểu cõi tâm linh như một đối tượng tách biệt.
Điều này có thể cần thiết cho con để con có được một cái hiểu nào đó về cơ học của tiến trình thăng thiên, và đó là vì sao các thày trao cho con lời dạy này. Nhưng con phải nhìn nhận là cho dù con nghĩ cái hiểu của con về cõi tâm linh tinh xảo đến đâu đi nữa, thì con không đang ở cõi tâm linh và cái hiểu này sẽ không đưa con lên đó. Con sẽ chỉ lên đó bằng cách buông bò hình tư tưởng đó, những cái ngã tách biệt đó. Rồi khi con ở đó, con sẽ trải nghiệm được cõi tâm linh, ít ra từ mức tâm thức vào lúc con thăng thiên. Con không trải nghiệm một cách trọn vẹn vì như ta nói, có nhiều tầng cấp trải dài cho đến Đấng Sáng tạo.
Một lần nữa, ta đã nói quá nhiều, ta đã cho con thật nhiều điều để con suy ngẫm, nhưng ta biết một số các con sẽ hiểu được, một số sẽ sẵn lòng suy ngẫm, sử dụng lời dạy mà các thày đã trao truyền để con đem mình xuống khỏi thập tự giá của cái hiểu cũ của con về con đường tâm linh. Không một cách mô tả vỏ ngoài nào về đường tu có thể đưa con vào trạng thái thăng thiên. Chỉ bằng cách thăng vượt mọi sự mô tả vỏ ngoài mà con có thể thăng thiên.
Và như vậy, ta sẽ niêm hội nghị này. Các thày biết ơn con đã tham dự, đã sẵn lòng tiếp nhận những lời dạy này và phóng chiếu ra qua hào quang cùng luân xa của con vào tâm thức tập thể, đã sẵn lòng thỉnh gọi qua những bài thỉnh đã có ảnh hưởng sâu xa, trong thời buổi đặc thù này khi quá nhiều tín hữu Cơ đốc giáo chú tâm vào Ki-tô bị đóng đinh thay vì Ki-tô phục sinh.
Với lòng biết ơn sâu xa, ta niêm con trong sự an bình vô biên, vô điều kiện, không thể tả xiết của Phật.