Hỏi: Con đã đi trên đường tâm linh từ nhiều chục năm and mặc dầu con biết con đã có tiến bộ về tâm thức, đôi khi con có cảm giác con vẫn chưa đạt được tiềm năng của mình bởi vì con chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm chứng ngộ như Paul trên đường tới Damascus. Con hình dung là rất nhiều vị thày tâm linh đã có kinh nghiệm này trong đời sống của họ. Liệu đây chỉ là một cái “ngã” đến từ một sự lập trình tập thể khiến cho con kỳ vọng một số trải nghiệm tâm linh hão huyền và phi lý, chẳng hạn như nhìn thấy chân sư hiện ra trước mặt con bất cứ lúc nào?
Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2021 – Chấm dứt Thời đại Ý thức hệ. Đăng ngày 18/6/2021.
Những gì con gặp trên đường tu tâm linh là chuyện rất cá nhân, mỗi người mỗi khác. Và có một điều rất, rất quan trọng là con không được có sự phán đoán về giá trị của kinh nghiệm con trải qua, không được tạo ra hay gợi ra một tiêu chuẩn tương đối nào và bảo rằng, đã là một đệ tử tâm linh cao cấp thì con phải có một trải nghiệm nào đó.
Hiện có nguyên một nền văn hóa gọi là Thời mới với nhiều tổ chức tâm linh và thậm chí cả tôn giáo, cho rằng con phải có những trải nghiệm ly kỳ, tột đỉnh. Có nguyên cả một nhóm rất đông trong phong trào Thời mới bị kẹt trong cuộc tìm kiếm bất tận những loại trải nghiệm tột đỉnh như thế.
Nhưng khi con nhìn vào khái niệm kinh nghiệm tột đỉnh, con nhận ra là ngay trong định nghĩa, đó là kinh nghiệm cao nhất, không có gì cao hơn. Thế nhưng một số người không những muốn lặp lại kinh nghiệm tột đỉnh mà họ còn muốn có kinh nghiệm tột đỉnh cao hơn nữa. Và họ bắt đầu lập ra một bảng xếp hạng các kinh nghiệm tột đỉnh – cái này tột đỉnh hơn cái kia. Và điều này, tất nhiên, thật phản tác dụng cho sự phát triển tâm linh.
Nó kéo con vào một vòng tư duy ganh đua sẽ thực sự không thể đem lại tăng trưởng tâm linh cho con, bởi vì tăng trưởng tâm linh là gì? Là buông bỏ tự ngã, chứ không phải củng cố tự ngã. Và tự ngã thật là thích thú khi nó có thể sử dụng một kinh nghiệm tâm linh để bảo rằng: “Chắc hẳn tôi là một người tâm linh cao độ vì tôi đang có tất cả những kinh nghiệm này.”
Con phải vô cùng thận trọng về điểm này. Con phải nhận ra một điều rất, rất quan trọng ở đây. Mục đích của con đường tâm linh không phải là để có những trải nghiệm ly kỳ, tột đỉnh, mà để con thoát khỏi một số tin tưởng và khuôn nếp phản ứng, có thể gọi là những cái “ngã tách biệt” nếu con muốn, nơi bốn thể phàm của con.
Vậy thì cá nhân con cần gì để được tự do? Đối với một số người, họ cần môt kinh nghiệm nào đó và vì thế họ có kinh nghiệm này. Nhưng đối với rất nhiều người khác, họ có khả năng tiến bước một cách đều đặn, chậm rãi, tuần tự, và họ sẽ lần hồi buông bỏ được ảo tưởng của họ. Những người như thế không cần trải nghiệm vũ bão nào cả.
Con cũng cần nhìn nhận là đã có những người từng trải qua những kinh nghiệm cải đạo đáng kinh ngạc như trên đường tới Damascus, và con có thể tự hỏi, có thật là Paul đã có một kinh nghiệm tâm linh? Hay đó là một kinh nghiệm cải đạo khi ông bỗng nhiên nhìn ra là mình đã đi lầm đường và từng làm những điều phản tác dụng?
Con có thể tự hỏi: “Tại sao Paul lại có kinh nghiệm như thế?” Nếu con nhìn vào tình hình thực tế, con sẽ thấy ông đã từng đàn áp tín hữu Ki-tô, ông đã từng chống đối đạo Ki-tô. Nhưng trong sứ vụ thiêng liêng của Paul thì lại có phần định ra là ông phải trở thành một nhà truyền giáo phúc âm Ki-tô. Cho tới thời điểm đó, ông đã kháng cự lại sứ vụ thiêng liêng này của ông, và sự kháng cự ngày càng mãnh liệt hơn cho tới khi bỗng nhiên ông không thể chịu đựng được nữa. Một cái gì đó bị gãy trong ông và ông buông xuôi ngừng kháng cự. Có một sự khác biệt to lớn giữa tâm trạng chống cự trước đó với cảm giác tự do khi ông buông hết. Và một cách nào đó ông đã kinh nghiệm điều này.
Và con có thể thấy được, kinh nghiệm của ông có vẻ dữ dội là do sự tương phản giữa hai trạng thái cưỡng lại và buông bỏ. Chính độ mãnh liệt của kháng cự đã tạo ra tương phản. Nhưng rất nhiều người trong số các con không có vấn đề kháng cự như vậy đối với sự phát triển tâm linh, và đó là vì sao con tăng trưởng một cách vững bền hơn. Con không có tương phản.
Con cũng phải nhìn nhận là ở những giai đọan đầu của đường tu tâm linh, không phải là hiếm có khi hành giả trải qua một kinh nghiệm tột đỉnh, một kinh nghiệm mãnh liệt, vì vẫn có tương phản giữa trạng thái tâm thức cũ của họ và trạng thái tâm thức cao hơn mà họ đang bước vào. Nhưng một khi con tiến xa hơn trên đường đạo, khi con tiến về hướng tầng tâm thức 144 và đã vượt qua tầng 96, con không còn cảm giác tương phản nào nữa bởi vì con đã đạt được tâm thức cao hơn rồi. Bây giờ khi tất cả chỉ là tiệm tiến thì làm sao còn tương phản được nữa?
Ở tầng tâm thức 48, khi con khắc phục được sự kháng cự và con kinh nghiệm được, thoáng nhìn thấy được tầng 49, thì con cảm thấy tương phản rất lớn. Nhưng từ tầng thứ 102 lên 103, sự khác biệt sẽ ít hơn và không còn dữ dội nữa. Ngoài ra còn có sự kiện là ở những tầng tâm thức thấp hơn, một số hành giả cần có một kinh nghiệm không thể chối cãi mà tâm vỏ ngoài của họ không thể phủ nhận, không thể làm ngơ, không thể giải thích được. Một kinh nghiệm như vậy rất cần thiết cho những người đó trong hoàn cảnh của họ.
Nhưng những hành giả đã chín chắn hơn trên đường tu thì không cần những loại kinh nghiệm như vậy. Khi con bước lên cao hơn, tương phản sẽ ngày càng ít đi, và đó là điều khá thông thường. Những bài học ngoạn mục, những trải nghiệm tột độ sẽ ngày càng thưa đi. Con thực sự đạt đến một điểm khi con bắt đầu sống trong tâm thức mà ta gọi là “Nước Trời” và Phật gọi là cực lạc. Khi đó tâm thức con quân bình, trung hòa và con không còn tương phản to lớn nữa.