Hỏi: Trong một đợt giáo lý trước của chân sư thăng thiên, chủ yếu là Thông thiên học (Theosophy) và Agni Yoga, có khái niệm Manvantara gốc từ Ấn độ giáo. Đó có phải là cùng một thứ với các bầu cõi trong giáo lý mới nhất cuả chân sư?
Theo Wikipedia, Manvantara là một từ Phạn, là từ ghép của manu và antara. Nghĩa đen là khoảng thời gian hay tuổi thọ của một vị Manu. Mỗi chu kỳ Manvantara được tạo ra và cai quản bởi một vị Manu đặc thù, và Manu thì được sinh tạo bởi Brahma, tức là chính đấng Sáng tạo.
Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Hòa Lan năm 2019. Đăng ngày 17/10/2019.
Đấy đấy, con yêu dấu, chúng ta đang gặp phải sự giới hạn của ngôn từ cũng như cách diễn giải mà người ta áp đặt lên ngôn từ. Con sẽ thấy là trong Thông thiên học chẳng hạn, đã có nhiều nối kết hơn giữa Đông và Tây, và vì thế, các chân sư đã mượn một số khái niệm từ các giáo lý và tôn giáo Đông phương để minh họa một số điều không dễ diễn tả trong giáo lý Tây phương vào thời điểm đó. Luôn luôn sẽ có giới hạn khi con cố làm điều này. Mặc dù con có thể bảo là có sự tương đồng giữa khái niệm Mantanvara và khái niệm chu kỳ, cách diễn tả đặc thù này như được hiểu trong Ấn giáo không hẳn ăn khớp với giáo lý mà chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã ban ra về các bầu cõi. Nói rộng ra thì tất nhiên có thể nói, bầu cõi cũng là một hình thức chu kỳ.
Tuy nhiên, con cần hiểu là luôn luôn có một bối cảnh văn hóa nhất định trong mỗi giáo lý được ban ra. Con nhìn xem giáo lý của Ấn giáo được đưa ra ở nơi đâu, xong con nhìn vào văn hóa phương Đông, tư duy của người phương Đông, thì con nhận thấy giáo lý đó được truyền giảng cách đây rất lâu khi tâm thức tập thể ở một trình độ thấp hơn bây giờ. Kiến thức con người cũng ở mức thấp hơn, cho nên những gì có thể được giảng dạy vào thời đó bắt buộc bị giới hạn.
Đó là tại sao – ta có thể nói thế này – có một số điểm tương đồng, nhưng con đừng nên dùng tâm phân tích đường thẳng để so sánh những lời dạy cũ với lời dạy mới, đừng tìm cách đối chiếu xem khái niệm đó trong Ấn giáo có ăn khớp hoàn toàn với khái niệm trong giáo lý hiện thời của chúng tôi hay không. Làm như vậy sẽ không đem lại kết quả đâu. Nếu con thực sự muốn so sánh như vậy, con sẽ cần thấu hiểu hoàn toàn bối cảnh văn hóa và ý nghĩa mà người dân trong nền văn hóa đó gói ghém trong ngôn từ được sử dụng. Tại sao con lại có nhu cầu làm chuyện đó khi con đã lớn lên tại phương Tây vào thời nay?
Giản dị là con hãy sử dụng các khái niệm mà con có ở đây, sử dụng các giáo lý mà chúng tôi ban ra lúc này, và tận dụng nó một cách tối ưu. Nếu con cởi mở với giáo lý mà chúng tôi đang giảng dạy, con cần nhận ra rằng tiết lộ tuần tự là một tiến trình tuần tự, và sẽ có những thời điểm khi chúng tôi phải thoát ra khỏi giáo lý cũ nếu muốn đưa giáo lý lên một mức cao hơn. Giáo lý cũ đó đã được đẩy xa tối đa trong khả năng hạn chế của ngôn từ cũng như của bối cảnh văn hóa. Và chúng tôi phải bắt đầu lại ở một mức cao hơn và không quan tâm đến những gì mình đã giảng dạy trước kia, như khi có người nhìn vào đó và diễn giải, “Đây hình như là một điểm khác biệt hay một điểm mâu thuẫn”.
Chúng tôi không thể đưa ra giáo lý ở mức cao hơn mà không đánh mất một số học trò cứ dùng tâm đường thẳng để tìm điểm mâu thuẫn. Chúng tôi đã quyết định là, giản dị, mình không thể lo lắng về chuyện đó. Con sẽ thấy là trong quá khứ, chúng tôi đã có xu hướng đưa một đợt truyền pháp đến một điểm khi hoặc vị sứ giả, hoặc các đệ tử, không thể thăng vượt được mức tâm thức đó nữa. Và như vậy, chúng tôi đã phải bỏ lại tổ chức đó và khởi sự một tổ chức mới có nhiều tự do hơn để vươn lên cao hơn. Đây là một điều mà chúng tôi vẫn có thể làm ngày hôm nay. Tuy nhiên, vì sứ giả này và rất nhiều đệ tử đã sẵn lòng bước lên cao hơn mấy lần rồi, cho nên chúng tôi đã không cần phải làm vậy.
Chúng tôi đã có thể bước lên một trình độ cao hơn, như vài năm trước đây với giáo lý về bất nhị, hay với giáo lý về cái Ta Biết, rồi giáo lý về phàm linh nội tại, giáo lý về ngã tách biệt cũng như quyển sách “Những cuộc đời của tôi”. Mỗi lần như vậy, sẽ có một số học trò sử dụng tâm đường thẳng để so sánh lời giảng mới với lời giảng cũ. Ho sẽ phát hiện những điều gì đó có vẻ là mâu thuẫn từ góc cạnh của tâm đường thẳng. Thay vì bước vào sâu hơn và nhìn vượt khỏi những mâu thuẫn bề ngoài để đạt được hiểu biết thâm sâu, thì họ lại dùng tâm vỏ ngoài chú mục vào những điểm mà họ xem là xung khắc, và họ phóng vào đó ý tưởng cho rằng những điểm này bắt buộc phải có vấn đề.
Lời khuyên của ta luôn luôn là như sau: Con hãy nhận ra là mặc dù giáo lý của các đợt truyền pháp trước vẫn có thể có giá trị, nhưng đó là kết quả của một tiến trình tiết lộ tuần tự. Cho nên ta sẽ nói với con, những giáo lý mới nhất mà con mở tâm ra để nhận lấy, chính là giáo lý mà con nên ôm lấy và tận dụng.
Con vẫn có thể tìm hiểu các lời dạy cũ bởi vì lời dạy đó vẫn còn chính đáng, tuy nhiên con đừng sử dụng tâm phân tích đường thẳng để tìm kiếm những sự khác biệt hay mâu thuẫn mà con cho là có thật. Thay vào đó, con hãy nhìn vượt khỏi tâm đường thẳng, hãy sử dụng trực giác để vươn tới một cách hiểu cao hơn về các vấn đề. Nếu con làm vậy, con sẽ có khả năng học hỏi nhiều giáo lý cùng một lúc mà vẫn rút tỉa lợi ích từ tất cả các giáo lý đó. Lợi ích này sẽ không đến qua tâm phân tích đường thẳng, mà qua tâm trực giác.