Làm thế nào ngừng cãi vặt

Hỏi: Các chân sư thăng thiên có thể vui lòng nói rộng hơn về đề tài cãi vặt giữa các cặp vợ chồng? Đó nhiều phần có là một phàm linh tập thể hay một phàm linh cá nhân? Đâu là những yếu tố chính yếu để thăng vượt thói này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 17/12/2019.

Điều tạo ra hiện tượng cãi vặt là một con quái vật, một con quỷ, một phàm linh tập thể vô cùng mạnh mẽ. Thật ra cãi vặt không chỉ xảy ra giữa các cặp nam nữ mà còn trong nhiều loại quan hệ khác giữa con người. Gần như thể người ta bị rơi vào cái mà chúng ta có thể gọi là một trạng thái thôi miên, qua đó người ta bị thôi miên, như thể cái nhìn của một người về người kia bị khoá cứng. Nhưng có một điều khác cũng bị khóa cứng là cái nhìn của họ về chính họ trong mối tương quan với người kia. Chẳng hạn con có thể có một cặp vợ chồng không ngừng cằn nhằn với nhau, và cả hai người đều có cùng ý nghĩ. Họ nghĩ: “Ồ, chồng tôi hay vợ tôi cứ như vậy đó, cho nên tôi không thể là gì khác hơn đối với anh ấy hay cô ấy.”

Ấy, nếu cả hai đều cùng nghĩ như vậy thì làm thế nào họ sẽ có thể bước ra khỏi tình trạng đó đây? Bởi vì điều mà cả hai đều đang bảo là: “Tôi không thể thay đổi vì người phối ngẫu của tôi không chịu thay đổi.” Đây chính là trạng thái bất lực cùng cực. Khi con cho rằng con không thể thay đổi gì trừ khi một cái gì ở ngoài con thay đổi, thì con đang tỏ ra bất lực một cách tột cùng. Không có gì trong đời con mà con có thể làm chủ được – đấy là điều con đang nói. Và đó là tại sao người ta mở tâm thức của họ ra cho những quái vật hay những con quỷ tập thể kia. Họ kỳ thực bảo rằng: “Tôi không muốn thay đổi chính tôi, tôi không muốn lãnh trách nhiệm thay đổi chính tôi. Do đó tôi muốn con quỷ kia chiếm lĩnh đời tôi để tôi không phải lấy bất kỳ quyết định thay đổi nào.” Đương nhiên, họ không nói vậy một cách ý thức nhưng họ nói vậy trong tiềm thức.

Khi cả hai đều rơi vào trạng thái đó thì mối quan hệ có thể đi tới đâu? Nó không thể đi tới đâu ngoài chuyện càng ngày càng cãi vặt nhiều hơn nữa. Điều con thấy trong một số cặp là sự cằn nhằn trách móc nhau lên tới một mức độ nào đó nhưng nó không tồi tệ hơn. Nó không biến thành một mối xung đột có thể dẫn tới ly dị, mà nó chỉ khiến cho cả hai dừng lại ở mức đó suốt 10, 20, 30, 40, 50 năm trời. Và họ đang làm gì chứ? Họ đang lấy năng lượng của họ đem nuôi béo cho con quỷ cứ ngồi yên đó ngày càng béo phì hơn nữa. Con có muốn xem hình con quỷ giống gì không? Con vào xem các bộ phim Star Wars đầu tiên có nhân vật tên là Jabba the Hutt thì con sẽ có một chút ý niệm về hình dạng của những con quỷ hay quái vật đó. Chúng chỉ mê mải hút hết năng lượng của người ta và càng ngày càng béo hơn, và thực sự chúng còn xấu xí hơn cả những gì được miêu tả trong phim.

Vậy thì họ có thể làm gì để phá vỡ tình trạng này? Buồn thay, khi người ta bị rơi vào tình cảnh đó, thật khó lòng nào mà thoát ra được. Một cách để phá vỡ là họ leo thang xung đột rồi quyết định ly dị nhau. Điều này ít ra sẽ phá vỡ khuôn nếp. Còn cách kia, tất nhiên, là cả hai người có thể quyết định bước theo con đường tâm linh. Hoặc nếu họ đã có biết về con đường tâm linh thì họ có thể nhìn vào hiện tượng cãi vặt này và nói: “Này, liệu chúng ta có muốn tiếp tục như thế này hay không?”

Ở đây có cái bẫy sẽ ngăn cản rất nhiều sự thay đổi trong mối quan hệ, khi cả hai người quyết định: “Tôi không thể thay đổi mối quan hệ trừ khi phối ngẫu của tôi cũng sẵn lòng thay đổi. Vì phối ngẫu của tôi không sẵn lòng thay đổi, cho nên tôi không thể làm gì hết.” Một lần nữa, đây là sự từ chối nhận lãnh trách nhiệm.

Nhưng luôn luôn có cái gì đó mà con có thể làm. Con có thể thay đổi tâm thức của con. Con có thể nhìn nhận là thói cãi vặt đó đến từ một ngã tách biệt. Con có thể sử dụng các dụng cụ của chúng tôi để nhận diện ngã này, để nhìn ra nó là gì, nhìn ra niềm tin nào đang đứng đằng sau nó trong trường hợp cá nhân của con. Nó liên quan đến cách con nhìn chính con cũng như cách con nhìn người khác phái. Cách con nhìn các mối quan hệ. Cách con nhìn chính con trong một mối quan hệ. Khi con nhận diện niềm tin đó, con có thể để cho ngã chết đi. Con không cố thay đổi người phối ngẫu của con. Con không cố thay đổi ngay cả tình huống vỏ ngoài. Con không cố giải quyết một vấn đề. Con chỉ để cho ngã đó chết đi, cái ngã đã khiến con tham gia vào quá trình cãi vã.

Con yêu dấu, có thể nào chỉ có một người cãi nhau hay không? Thế nào là âm thanh của một người cãi nhau chứ? Nó giống như âm thanh của một bàn tay – im phăng phắc. Bởi vì không có gì được gửi trả về. Nếu con không gửi trả về cái gì cho phối ngẫu của con, liệu người ấy có thể tiếp tục cãi vã được không? À, một số người sẽ bảo là có thể chứ, trong một thời gian. Nhưng cuối cùng thì chuyện cãi vặt có vui thú gì không khi người kia không đáp lại?

Nhưng thật không quan trọng chút nào nếu người kia có ngừng cằn nhằn hay không, vì như chúng tôi đã có nói, nếu con thay đổi chính con, nếu con thay đổi trạng thái tâm thức của con, một trong hai chuyện sẽ xảy ra. Hoặc người phối ngẫu của con cũng sẽ thay đổi, hoặc con sẽ thay phối ngẫu.

Trong cả hai trường hợp, nó vẫn tốt hơn là con ở lại trong một quan hệ không đi tới đâu, ít nhất nếu con là một người đang bước chân trên đường tu tâm linh. Bởi vì nếu con thực sự nghiêm túc muốn tinh tấn tối đa trên đường tu và hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình, con không thể cho phép mình ở lại trong một quan hệ không đem lại tăng triển tâm linh. Con không thể ở lại trong một quan hệ bị khóa chặt vào một khuôn nếp nhất định. Con không thể ở lại với một người phối ngẫu không sẵn lòng nhận trách nhiệm bản thân mình, không sẵn lòng tăng trưởng, xem xét tâm lý mình và cải sửa tâm lý đó. Con yêu dấu, con không thể. Con không thể tinh tấn tối đa và hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con nếu con bị khóa chặt trong một mối quan hệ bế tắc. Có thể con sẽ tiếp tục một thời gian nếu con có con cái và không muốn khiến gia đình bị đổ vỡ. Nhưng con không thể làm vậy suốt đời nếu con có ý định tăng triển tối đa.