Hỏi: Định luật toàn vũ của nghiệp quả là người bạn đồng hành tự nhiên của quyền tự quyết. Chúng ta chịu trách nhiệm về ánh sáng mà mình nhận được. Do đó nếu chúng ta làm tha hóa ánh sáng thì chúng ta phải phục hồi lại phẩm chất của ánh sáng. Đối với đa số chúng ta bị vướng mắc trong tâm thức nhị nguyên, chúng ta thường cho rằng toàn bộ nghiệp chướng của mình đều đến từ những quyết định sai lầm mà mình đã có qua tâm thức nhị nguyên, qua tâm phản Ki-tô. Nhưng chuyện gì xảy ra khi chúng ta chuyển vọt tâm thức và đồng hóa với cái Ta Biết và lần hồi hợp nhất với Hiện diện TA LÀ, phần lớn được tự do khỏi cấu trúc của tự ngã? Vì chúng ta vẫn tiếp tục có quyền tự quyết, chúng ta không thể nói là mình không còn tạo nghiệp nữa. Vậy thì điều gì có thể gây ra nghiệp quả đối với một sinh thể ở những giai đọan cao của quả vị Ki-tô, và điều gì có thể gây ra nghiệp quả đối với một sinh thể thăng thiên?
Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 6/9/2020.
Trước hết, các chân sư đã có dạy là một chân sư thăng thiên không tạo nghiệp giống như con tạo nghiệp trên địa cầu. Là chân sư thăng thiên, chúng tôi có thể bộc lộ một số điều kiện, hoặc khiến mình gắn bó với một hành tinh nào đó, hoặc khiến mình cần chuyển khỏi một hành tinh để không bị gắn bó, tuy nhiên đó không phải là nghiệp.
Khi người ta bảo là mình đang tạo nghiệp, người ta thường muốn nói đến một việc gì đó mà mình làm trong trạng thái tâm thức nhị nguyên, từ một cái ngã tách biệt. Cái đó tạo ra nghiệp và làm tha hóa năng lượng. Nhưng con cần thận trọng và nhận ra quan niệm trong Ấn giáo bảo rằng nghiệp gắn liền với hành động, không phải là lời giải thích đầy đủ. Hành vi nhị nguyên dẫn đến nghiệp. Hành vi bất nhị không dẫn đến nghiệp. Thậm chí hành vi bất nhị cũng không dẫn đến cả nghiệp tốt. Kỳ thực trong cách hiểu cao hơn về nghiệp quả, con có thể nói là sự khác biệt giữa nghiệp tốt và nghiệp xấu hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì bất kỳ nghiệp chướng nào cho dù được tạo ra bởi hành vi nào đi nữa, cũng sẽ buộc con lại với địa cầu và do đó sẽ ngăn cản không cho con thăng thiên.
Điều xảy ra là khi con bắt đầu đi đến quả vị Ki-tô, con có thể có những hành động sẽ không tạo nghiệp như trước kia con đã tạo nghiệp xuyên qua một cái ngã nhị nguyên. Con có thể vẫn còn một số ngã nhị nguyên, và nếu con hành động xuyên qua chúng thì con sẽ vẫn tạo nghiệp. Nhưng khi con không hành động qua một cái ngã nhị nguyên thì con không đang tạo nghiệp.
Con đang hành động, nhưng con không khiến cho năng lượng bị tha hóa bởi lòng sợ hãi. Khi con hành động không sợ hãi, và nếu con nhìn kết quả hành động mà không sợ hãi, thì con không làm tha hóa năng lượng với một rung động thấp kém. Con hoàn toàn có thể hiện thân trên địa cầu mà đã giải thoát khỏi tâm nhị nguyên, đến độ con không còn hành động qua sợ hãi nữa, và con không lượng định hành động của mình trong sợ hãi. Cho nên con không gán cho năng lượng một phẩm chất đến từ rung động thấp kém. Mà ngược lại, con ban cho năng lượng một rung động xuất phát từ tình thương, và như các chân sư đã có đề cập, điều này khiến cho năng lượng được nâng cao trong dòng chảy hình số 8 giữa Hiện diện TA LÀ và phàm nhân của con, và khi nó vươn lên cao, nó sẽ được nhân lên gấp bội rồi gửi trả xuống cho con để con nhận nhiều năng lượng sáng tạo hơn.
Đây là một lời dạy vô cùng tinh tế mà nhiều người sẽ khó lòng hiểu được, và ta có thể thấy trước là nhiều người sẽ diễn giải sai lạc lời dạy này từ quan điểm tâm đường thẳng. Nhưng sự thật là con có khả năng đạt đến một điểm khi những hành động mà con làm sẽ thực sự giúp con trở nên tự do hơn, sáng tạo hơn. Điều này không có nghĩa là những hành động đó nhất thiết phải cao nhất, hay phải là lý tưởng theo một chuẩn mực tâm linh hay một lượng định tâm linh nào đó.
Con có thể có một hành vi đôi khi có vẻ là vị kỷ, nhưng vì con không hành động trong tâm nhị nguyên, vì con không hành động trong sợ hãi, con không làm tha hóa năng lượng. Chẳng hạn, con có thể hành động với mục đích tạo cho mình một trải nghiệm mà mình muốn có trên trái đất. Có vẻ như con đang vị kỷ, nhưng nếu con làm với mục đích thỏa nguyện một mong muốn hầu con có thể buông bỏ mong muốn đó một khi nó được thỏa nguyện, thì có thể nó nằm trong hành trình tăng trưởng tâm linh của con, thậm chí trong sứ vụ thiêng liêng của con.
Ví dụ, việc có con có thể là một mong muốn tâm linh chính đáng. Không cứ là con sẽ tạo nghiệp khi con có con, cho dù là đôi khi con có thể bị cáu kỉnh hay choáng ngợp bởi nhiệm vụ làm cha mẹ. Con cũng có thể muốn theo đuổi một sự nghiệp, một việc làm nào đó. Ngay cả con cũng có thể theo đuổi một số mục tiêu vật chất, vì mong muốn trải nghiệm là một việc chính đáng, để sau đó con có thể cảm thấy chán ngấy và buông bỏ nó.
Con cũng nên biết là các chân sư đã có giảng dạy về một cõi giới nơi một số linh hồn đi đến sau khi thân xác vật lý chết đi, gọi là Devachan, là cõi hoàn thành ước nguyện. Nơi đây, con có cơ hội kinh qua một số mong muốn cho đến khi con chán ngán, và khi đó, con có thể buông nó ra và không còn nhu cầu phải tái đầu thai trong một kiếp sống bị ham muốn đó chi phối. Như con có thể thấy trong cuốn sách của Yogananda, ông có đưa ra ví dụ một kinh nghiệm mà ông trải qua khi thày của ông đã thị hiện một cung điện cho ông vì ông ham muốn cung điện đó. Bằng cách khiến cho cung điện thị hiện – không trong cõi vật lý, nhưng dù sao cũng đủ hiện thực để ông có thể chiêm nghiệm được – ông đã có thể buông được ham muốn đó mà không phải kinh qua trải nghiệm vật lý, một điều đã có thể ngăn ông trở thành bậc thày tâm linh trong kiếp đó.