Bài giảng của Chân sư MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 30/11/2018 nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia. Bài này trích từ cuốn sách “Làm hoà với sự hiện diện của mình trên địa cầu” (Making peace with being on Earth).
TA LÀ chân sư thăng thiên MORE. Thật là vui mừng cho ta đến đây để gửi con phần tiếp theo của bài giảng hồi năm ngoái của ta về đề tài vô cùng quan trọng và sâu sắc này là chấn thương nhập đời và làm thế nào vượt qua chấn thương đó. Con có thể xem lại những gì Phật Gautama đã nói trong phần vấn đáp vừa rồi về thời gian. Thày nói là nếu con không thể đi trở ngược thời gian để thay đổi những sự việc xảy ra trong quá khứ, nếu con không có một cỗ máy vượt thời gian, thì con không thể tự giải thoát khỏi quá khứ. Như thày Gautama nói, Mẹ Mary quả thực đã cho con một cỗ máy vượt thời gian trong bài thực tập về cách thức trở về với kinh nghiệm chấn thương nhập đời [xin tham khảo sách “Chữa lành chấn thương tâm linh”]
Ta muốn cho con thêm một cỗ máy vượt thời gian. Con yêu dấu, con thấy đó, các sa nhân muốn con nghĩ rằng quá khứ được khắc cứng trong đá và không thể thay đổi. Một khi con đã phạm phải một lỗi lầm trên địa cầu thì con sẽ không bao giờ thoát được khỏi nó. Vậy con hãy tưởng tượng con đang đứng trước một bức tường đá thật lớn. Nếu con đã thăm viếng Vạn lý Trường thành bên Trung quốc hay Kim tự tháp Ai cập, hay Bức tường Than khóc ở Jerusalem hoặc bất kỳ thành vách nào ở đây nơi thành phố Tallinn và bất kỳ thành phố xưa cổ nào trên thế giới, thì thật ra con không cần tưởng tượng. Con biết rõ cảm giác đứng trước một bức tường đá khổng lồ. Làm thế nào con có thể đập vỡ vách tường đó xuống với hai bàn tay trần? Phải, con không thể làm được, và tại sao vậy? Một phần là vì đá rất cứng, và phần khác là vì những viên đá được dán chặt lại với nhau.
Trước tiên con hãy tưởng tượng con có thể gỡ vữa ra, là cái xi-măng giữ viên đá dính chặt với nhau. Tất nhiên nếu viên đá dính không chặt, công việc phá bỏ bức tường sẽ dễ hơn một bực. Thế nhưng cũng không dễ lắm, tùy thuộc vào kích thước những viên đá. Điều gì sẽ xảy ra nếu con có thể đập nhỏ đá ra thành vụn tựa như cát vậy? Và giả như con có một cái máy phóng ra một loại tia sáng có khả năng biến đá thành vụn nhỏ như cát thì điều gì sẽ xảy ra?
Thật vậy, đó chính là quyền năng mà chúng tôi, các chân sư, đã trao cho con qua các bài chú và bài thỉnh. Tất nhiên con không thể dùng bài chú để đập tường đá thành vụn, mặc dù trên lý thuyết nếu có đủ số đông đứng trước tường đá thì việc này cũng khả dĩ. Nhưng dù sao đi nữa, chúng tôi không hề có ý định gửi học trò chúng tôi đi khắp thế giới mà đập đổ tường đá rồi bị bỏ tù về tội phá hoại di tích lịch sử. Điều chúng tôi quan tâm là đập đổ những bức tường kiên cố trong tâm con đang giam hãm và buộc chặt con vào một khuôn nếp phản ứng đối với các sinh thể sa ngã.
Đương nhiên, con có những bài chú và bài thỉnh mà như chúng tôi đã nói nhiều lần, con có thể sử dụng để làm cho năng lượng tan rã, và khi năng lượng giảm bớt, con sẽ dễ dàng hơn thoát khỏi khuôn nếp. Tuy nhiên như chúng tôi cũng đã dặn nhiều lần, con cần phải trải qua một kinh nghiệm ý thức, một quyết định ý thức, trước khi con thực sự tự do. Đó không phải là một tiến trình máy móc.
Nhận biết tiến trình thấy
Đây là điều ta muốn đề nghị với con. Con cần khởi sự – mới đầu chỉ cần từ từ – con cần khởi sự huấn luyện tâm con cho nó hình dung, tưởng tưởng và cuối cùng thấy rõ và chiêm nghiệm một điều mà cho tới giờ con chỉ biết trong trí thức, tức là toàn bộ thế giới vật chất được xây dựng bằng năng lượng. Bây giờ con hãy tưởng tượng là con biết trong quá khứ con đã trải qua một tình huống vô cùng đau đớn và con đang mang cái chấn thương nhập đời đó trong con. Tình huống đó được cấu tạo bằng chất gì? Như Phật Gautama có nói, thời gian đã trôi qua và tình huống vật lý không còn hiện diện nữa, nó đã bị thời gian xóa sạch. Hay có thể nói, nó đã bị thời gian sơn lên một lớp sơn – cái cọ khổng lồ của thời gian đã biến mọi sự thành sự thể của hiện tại. Và Gautama bảo: Hiện tại quả thật có thể bị quá khứ ảnh hưởng, tuy nhiên quá khứ không còn ở đó như một thực tại vật lý nữa. Nó chỉ ở đó như một vết in hay một hình ảnh trong tâm con, trong ba thể cao hơn của con, và trong một nghĩa nào đó cũng trong thể xác vật lý của con.
Câu hỏi bây giờ là làm thế nào thoát khỏi vết in đó? Điều con cần suy ngẫm trước hết là làm thế nào bộ não vật lý, đôi mắt vật lý của con (đặc biệt là bộ não) và ngoại tâm của con nhìn và nhận thức tình huống – đúng hơn, nhận thức mọi chuyện. Ngay bây giờ con đang ngồi ở đây, con đang nhìn bức tường sau lưng vị sứ giả, là một bức tường khá vững chắc, và cái gì con thấy thật sự là một hình ảnh. Chúng tôi đã có giảng là mắt con không thực sự nhìn thấy một bức tường mà chỉ đơn giản nhận được những xung động gửi vào trong mắt, đập vào võng mạc (retina) dưới dạng những tia sáng. Mắt con không thực sự thấy mà chỉ phản ứng lại tia sáng. Phản ứng này trong mắt được chuyển thành một tín hiệu, y như tín hiệu số trong máy tính. Tín hiệu này được gửi đến cái mà con gọi là vỏ thị giác (visual cortex) trong não.
Bây giờ bộ não có tác dụng giúp con tạo ý nghĩa cho thế giới vật lý. Dụng cụ chủ yếu giúp con tạo ý nghĩa cho thế giới vật lý là bộ não khi nó áp đặt một số hình ảnh lên trên những tín hiệu đến từ mắt. Mắt con không nhìn thấy. Trong một nghĩa nào đó, có thể nói là não cũng không nhìn thấy. Não chỉ đơn giản lấy tín hiệu từ mắt rồi sắp xếp lại thành một hình ảnh ăn khớp với những gì não đã chứa sẵn trong kho dữ liệu của nó. Như được chứng minh trong vô số hiện tượng ảo thị (optical illusions) mà con đã được thấy, não không thực sự thấy cái gì ở trước mặt con. Nó tìm kiếm một mô thức ăn khớp với một cái gì đã nằm sẵn trong kho dữ liệu của nó. Nó không nhìn vào chính xác những tín hiệu đến từ mắt mà tìm kiếm một mô thức mà nó có thể nhận ra. Một khi nó có đủ xung động để tạo thành một mô thức quen thuộc, thì nó sẽ ngừng phản ứng, ngừng nhìn vào xung động từ mắt, và bây giờ nó chồng cái mô hình nó cất giữ đè lên trên cái mà con đang nhìn, và nó nói: “À, đây là cái đó.”
Hiển nhiên, điều này đã tiếp diễn trên địa cầu suốt hàng triệu năm qua. Khi con đầu thai trong kiếp này, bộ não của con không khởi đầu từ con số không, nó không phải tự đào tạo từ đầu và xây đắp từng hình ảnh của cái này hay cái kia. Nó bị buộc chặt vào động lượng tâm thức tập thể nói trên, cho nên nó đã mang sẵn một số chương trình nội tại: À, đây là cái cây, đây là hòn đá, đây là biển cả, đây là bầu trời, vân vân và vân vân. Con có sẵn một kho dữ liệu những mô hình mà không những con đã nhìn thấy trước rồi mà cả tâm thức tập thể cũng đã nhìn thấy trước. Cho nên con đã quen nhìn mọi thứ dưới dạng hình ảnh và con dán nhãn lên mọi thứ. Con thường dán nhãn qua ngôn từ, và điều này lại bồi thêm một lớp phức tạp mới trong khi vỏ não thị giác chỉ nhận ra hình dạng mà thôi. Vỏ não thị giác có thể nhìn vào hình thù, màu sắc và nét lồi lõm của bức tường, nhưng não có một chức năng khác để chuyển dịch thị giác đó thành lời nói, và nó nói: “Đây là bức tường”. Có thêm một lớp được đắp lên trên hình ảnh, và như vậy loài người đã mang theo một động lượng rất lâu đời đặt ngôn từ lên mọi thứ.
Con bị kẹt trong nhận thức như thế nào
Trong Thánh kinh có kể rằng Thượng đế ban cho Adam quyền năng đặt tên cho từng loài động vật trên địa cầu. Một số người tin rằng nếu con biết tên của vật thì con có quyền năng trên vật đó. Thực tế sâu sắc hơn là một khi con đặt tên cho một vật, con đã thực sự tự giới hạn mình vì con đã củng cố cho hộp tư duy của con. Con nghĩ rằng vật đó sẽ giống như cái mà con đã dán nhãn, và nó sẽ luôn luôn như vậy. Con không có khả năng nhìn xa hơn sự lập trình đó – it ra là hầu hết mọi người. Và do đó con nghĩ: “Cái đó là như thế này”. Con đã buộc con vào động lượng tập thể, và con cũng xây dựng động lượng của con trong suốt bao nhiêu tiền kiếp.
Hồi nãy ta có nhắc tới một thời điểm hay một tình huống khi con đã trải qua một kinh nghiệm vô cùng đau đớn, và như cuốn sách “Những cuộc đời của tôi” (My Lives) có cho một ví dụ nơi nhân vật trong truyện phải nếm mùi một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thì con đã được lập trình, bộ não của con đã được lập trình hầu nó đặt chồng một hình ảnh và ngôn từ lên trên kinh nghiệm đó, và nó nói: “Kinh nghiệm đó như thế đó”. Và câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào con có thể thực sự giải thoát khỏi một tình huống của quá khứ? Cho đến khi nào con còn giữ trong não, ngay cả trong ba thể cao hơn của con, cái vết in của tình huống đó cùng những hình ảnh hay những ngôn từ mà con đã liên kết với tình huống, cho đến khi nào mà những thứ đó còn ở đó thì con sẽ không thể thoát khỏi tình huống từ quá khứ.
Ta nói với con là con nên khởi sự tập tành lại chính con. Con có thể rèn luyện tâm con để nó phản lệnh bộ não. Sẽ thật hữu ích nếu con thử nhìn lại rất nhiều những ảo thị từng được đăng tải. Ảo thị điển hình là một hình vẽ mà con có thể nhận ra là một cô gái trẻ đẹp hoặc một bà cụ da dẻ nhăn nheo tùy theo con chú mục như thế nào. Có những ảo thị với đủ loại màu sắc, hình thù vân vân và vân vân. Nếu con chưa bao giờ nhìn ảo thị thì con nên thử nhìn để nó giúp con hiểu ra là con thực sự không thể tin vào giác quan của mình. Con không thể tin vào bộ não vì trong đó có sự lập trình khiến con nhìn thấy đồ vật không đúng như nó thực là.
Con có thể tiến thêm một bước và tưởng tượng con đang ngồi trong một rạp chiếu phim. Con nhìn thấy hình ảnh trên màn hình, và bởi vì rạp chiếu bóng tối om cho nên rất có thể con sẽ hoàn toàn mải mê với bộ phim, đến độ con có cảm giác con đang sống trọn cốt truyện đang được trình chiếu trên màn hình. Chắc chắn con bị cuốn hút vào đó đến nỗi con quên hết mọi chuyện. Con có khả năng tự rèn luyện để nhận ra rằng những hình ảnh đang được chiếu lên màn hình không những không thể hiện một thực tại vật lý nào (bởi vì con dư biết là chúng chỉ là những tấm hình trên một cuộn phim đặt trong máy chiếu) mà hơn thế nữa, con có thể tập nhìn thấy chúng như là những mô hình gồm có vô số những chấm nhỏ đủ màu được chiếu lên màn ảnh. Con có thể đạt đến mức khi con tập cho mắt con nhìn lệch tiêu cự cho hơi mất nét, và thay vì con thấy rõ từng người hay từng vật, thì con chỉ nhìn thấy những trường tia sáng đủ màu đang được chiếu lên màn ảnh. Khi con tập như thế một thời gian, con sẽ lần hồi đạt đến mức con áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày. Con có thể rèn luyện để thấy bức tường này sau lưng vị sứ giả không thực là bức tường. Đó chỉ là một số tia sáng tạo thành một số mô thức nào đó.
Hồi con còn nhỏ, thế nào cũng có người bảo con thử dùng cái kính lúp để nhìn kỹ một tấm ảnh in trên tờ báo. Và con có thể thấy được những gì có vẻ là những hình thù thực sự chỉ là những cái chấm đen được sắp xếp theo những mật độ khác nhau. Màu đen càng đậm thì những cái chấm đó càng xít lại gần nhau. Màu đen càng lạt thì chấm đứng càng xa nhau. Tất cả chỉ là những cái chấm đen đã đánh lừa bộ não của con nhìn ra hình thù. Cho nên con có thể tự huấn luyện để tập trung vào những cái chấm thay vì vào hình ảnh. Rồi con áp dụng vào mọi tình huống trong đời, nhưng ngay lúc này thì việc áp dụng vào những tình huống đặc thù trong đời chưa quan trọng lắm.
Đập vỡ hình ảnh quá khứ thành mảnh nhỏ
Điều ta mong muốn con khởi sự làm là nhìn vào những tình cảnh trong quá khứ của con. Có thể là con cảm được chấn thương nhập đời và con cảm thấy nó chưa được giải quyết. Cũng có thể con đã gặp một tình huống nào khác, ngay cả một tình huống trong kiếp này, khi con cảm thấy một điều gì đau đớn đã xảy ra. Con thử xét xem là khi con nghĩ lại tình huống đó, hình ảnh mà bộ não của con đưa lên, hay hình ảnh mà ba thể cao hơn của con đưa lên, là gì? Hình ảnh đó là gì? Con có thể nói từ một góc cạnh đường thẳng nào đó, rằng nếu con còn ký ức, nếu con còn một hình ảnh từ quá khứ, thì con sẽ không bao giờ thoát được khỏi hình ảnh đó, bởi vì những gì đã xảy ra thì đã xảy ra và con không thể thay đổi được. Con không thể làm gì được để thay đổi nó.
Nhưng tất nhiên, đấy là điều mà các sa nhân muốn con tin chứ không phải là sự thật. Con có khả năng tập tành để đưa những hình ảnh đó lên tầm nhìn nội tâm của con. Xong con có thể tập nhìn thấy chúng, không phải như là những hình thù và những hình ảnh mà con có, mà chỉ đơn giản là những mô thức tia sáng, hay những khuôn mẫu hạt nguyên tử, hạt electron và hạt hạ nguyên tử – hay bất cứ cách nào mà con có thể hình dung. Con đập vỡ hình ảnh ra thành những mảnh nhỏ bằng bất cứ cách hình dung nào. Như ta nói ở trên, nếu con đứng trước một bức tường đá, con có thể đập vỡ các viên đá cho vụn ra thành hạt cát hầu con có thể đem đá đi dễ dàng hơn. Đây là điều mà con tập tành để giải quyết những hình ảnh từ quá khứ vẫn ám ảnh con, hoặc những hình ảnh mà con đã kềm nén xuống nhưng mỗi lần con chạm vào chấn thương nhập đời thì con lại khơi nó dậy.
Con có thể tu tập để nhận ra một cách ý thức rằng: “Hình ảnh này chỉ là một hình ảnh mà bộ não và các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của tôi đã chồng lên đó.” Thực tế là nó không còn là một tình huống vật lý nữa. Nó chỉ là một hình ảnh. Hình ảnh này được cấu tạo bởi những hạt ánh sáng điện từ nhỏ xíu, là những cái chấm. Hình ảnh được tạo bằng chấm. Thậm chí con có thể ngắm một bức tranh của trường phái Ấn tượng, và nếu con đứng ở xa, con sẽ không thể nhìn thấy những cái chấm mà hoạ sĩ đã sử dụng để vẽ tranh. Khi con lại gần và gần hơn nữa, con bắt đầu nhìn thấy chấm, và khi con xích lại gần sát thì tất cả những gì con thấy được chỉ là những cái chấm, bởi vì con không thể thấy hình ảnh nữa. Vậy thì ta yêu cầu con hãy tự rèn luyện, và một lần nữa, điều này cũng liên quan đến chuyện con bước vào nỗi đau. Nhưng bây giờ con không bước vào nỗi đau nữa mà đó chỉ là một hình ảnh thị giác mà con có trong tâm con.
Con hãy bước tới hình ảnh gần hơn và gần hơn nữa cho tới khi con chỉ còn nhìn thấy những cái chấm. Rồi con nhận ra rằng chính những cái chấm này là thực tại sâu xa hơn. Hình ảnh chỉ là cái gì được đặt chồng lên bởi bộ não và bởi các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Còn những cái chấm kia mới là thực tại. Và con cũng nhận ra là chấm luôn chuyển động, chúng linh hoạt, chúng không ngừng rung động, và chúng sẽ dễ dàng trình diễn bất cứ hình ảnh nào khác y như chúng đã diễn xuất hình ảnh mà con hiện có. Hơn thế nữa, những cái chấm đó có thể thực sự thoát khỏi cái khuôn đúc đã được áp đặt lên chúng, hầu chúng có thể trở về với trạng thái nguyên thủy, là trạng thái tự do nơi chúng hoàn toàn trung dung và không hiển thị bất cứ hình ảnh nào.
Con có thể hình dung hình ảnh đó dần dần tan ra thành từng mảnh nhỏ, và những mảnh này bắt đầu rung và chuyển động. Chúng chạy tứ phía, khiến cho hình thù trên hình ảnh bị phân hủy và chỉ còn lại một màu đồng nhất. Con có thể thấy chúng biến thành giống như nước trong đại dương, hay cát trong sa mạc, hay không khí trong bầu trời xanh. Chúng trở thành vô hình thù, vô hình tướng. Hình ảnh được giải thể và con để yên cho nó ra đi. Giống như con đang lấy một quyết định, và ở một điểm con sẽ lấy một quyết định, và con nói: “Tôi đề cho hình ảnh này chết. Tôi để cho nó tan biến. Giản dị là tôi đã quên nó rồi.”