Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 6 năm 2017. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Phật Gautama. Thày tới đây để trao truyền cho các con một bài giảng sẽ bổ túc bài giảng của Sanat Kumara với một số khía cạnh. Nhiều người tâm linh khắp thế giới, nhiều tín đồ tôn giáo khắp thế giới, nhiều học trò chân sư thăng thiên khắp thế giới đã tạo ra một loại cơ cấu trong tâm lý kiềm giữ họ trên đường tu.
18.1. Không tránh được chuyện phản ứng với trái đất
Các thày đã nói nhiều lần là khi con xuống đầu thai trên một hành tinh giống như trái đất, không tránh được chuyện con sẽ bị lôi cuốn vào một khuôn nếp phản ứng. Con yêu dấu, cũng không tránh được chuyện con sẽ có những cảm xúc khi con gặp một số hoàn cảnh mà con không né tránh được trên trái đất, như bạo lực, chiến tranh và nhiều hình thái khác của đấu tranh và hà hiếp.
Giản dị là con hầu như không thể tránh nổi giận hay oán trách những gì con trải nghiệm trên hành tinh này. Con có thể có nhận biết rất vi tế, rất trực nhận, mà con thường không hình thành ra lời, một nhận biết cuộc sống phải như thế nào. Điều này dựa trên ý niệm của con về cuộc sống trên một hành tinh tự nhiên. Trên một hành tinh tự nhiên, nổi giận và oán trách là những cảm xúc không tự nhiên. Trên một hành tinh không tự nhiên như trái đất, nói một cách khá thẳng thắn thì nổi giận và oán trách là “tự nhiên.” Làm sao con có thể hiện thân trên một hành tinh như thế này mà không cảm thấy phần nào nổi giận hay oán trách những chuyện đang xảy ra ở đây?
Tuy nhiên, dựa trên ý niệm vi tế của một số trong các con đã tới đây với sứ vụ giải cứu (ý niệm là cuộc sống phải như thế nào trên một hành tinh tự nhiên), con thường có ý niệm là con không được nổi giận hay oán trách. Các sa nhân đã khôn khéo củng cố ý niệm này trong nhiều phong trào tôn giáo và tâm linh. Nhiều người tâm linh, kể cả nhiều đệ tử chân sư thăng thiên, có ý niệm là một người tâm linh, một đệ tử chân sư thăng thiên không bao giờ được nổi giận hay oán trách. Con yêu dấu, quyết định chấp nhận với tâm lý trí của mình ý tưởng là người đệ tử chân sư thăng thiên không được nổi giận sẽ không giải quyết được nỗi giận đã có trong thể tình cảm của con và đã tồn đọng ở đó trong nhiều kiếp sống.
Do đó thày tới đây để trao cho con một dụng cụ và một số giáo lý giúp con giải quyết vấn đề này. Trước tiên, con cần nhận ra con tới đây, con yêu dấu, để trầm mình vào tâm thức của trái đất này. Nếu chính con không trầm mình thì làm sao con làm gương cho những người đã sống sẵn trên hành tinh này, làm sao con có thể kéo họ lên khỏi tâm thức tập thể? Con thấy chăng, con yêu dấu, là những dòng sống đã ở đây lâu hơn con nhiều coi nóng giận và oán trách là điều quá tự nhiên và không thể tránh đến độ họ không thấy được trạng thái nào khác? Để con có thể phụng sự như một tấm gương, con cần phải đi vào một khuôn nếp phản ứng, con cần phải cảm thấy nóng giận và oán trách và sau đó con cần vượt lên trên chúng. Lúc ấy, con phụng sự như một tấm gương. Con không thể giúp những người này nếu con không trải nghiệm những gì họ trải nghiệm.
18.2. Kéo tâm thức tập thể lên cao
Giờ đây, con yêu dấu, các thày đã nói nhiều, nhiều lần về chuyện kéo tâm thức tập thể lên cao hơn. Làm sao con làm được điều này? Ấy, con chỉ làm được nếu con là một phần của tâm thức tập thể. Điều này hoàn toàn hợp lý phải không? Trừ khi con đi vào và trầm mình trong tâm thức tập thể, phản ứng như mọi người trên trái đất phản ứng, con không tạo được mối dây thắt chặt mình với tâm thức tập thể để có thể kéo nó lên cao một khi con bắt đầu giai đoạn tỉnh thức và bắt đầu nâng mình lên khỏi tầng tập thể.
Nếu con chưa bao giờ nối kết với tâm thức tập thể, nếu con chưa bao giờ là một phần của nó, con sẽ chỉ là người khách lạ trên trái đất. Có thể là con đã tới đây, có thể là con tránh không đi vào khuôn nếp phản ứng, có thể con mãi mãi giữ mình thanh khiết, và có thể là con nâng tâm thức của con lên tới tầng thăng thiên, nhưng làm sao cuộc sống của con thành một tấm gương được, làm sao cuộc sống của con có thể nâng tâm thức tập thể lên được?
Con thấy chăng, đây chính là điều họ đã làm đối với Giê-su và một phần lớn đối với thày, họ đã mô tả hai thày là những người rất đặc biệt ngay từ khi sinh ra, đến độ hai thày không bao giờ thật sự là một phần của tâm thức tập thể. Như thế, họ đã tìm cách bác bỏ việc hai thày là tấm gương, nhưng họ còn tìm cách lan truyền ảo tưởng là hai thày không thể nào kéo tâm thức tập thể lên cao vì hai thày chưa bao giờ là một phần của nó. Ấy, hai thày thực sự là một phần của tâm thức tập thể, con yêu dấu. Hai thày đã đi vào nhị nguyên, hai thày đã phản ứng, hai thày đã ở trong một trạng thái tâm thức thấp trong nhiều kiếp sống. Sau đó, hai thày tỉnh thức chính mình và hai thày nâng mình lên các tầng cao hơn và đó là lý do tại sao hai thày đã có thể kéo tâm thức tập thể lên cao.
18.3. Dòng chảy năng lượng trong bốn thể phàm của con
Bây giờ, có thể nói điều bí mật mà thày muốn trao cho con ở đây là một số các con (đặc biệt là khi con đạt tới các tầng cao hơn và con hòa điệu được nhiều hơn, có nhiều trải nghiệm trực giác hơn) có một ý niệm (và có thể là con chưa bao giờ hình thành nó ra lời nhưng nhiều người trong các con vẫn có ý niệm đó) là trên một hành tinh tự nhiên có dòng chảy tự nhiên của năng lượng xuyên qua bốn thể phàm của con. Nói cách khác, năng lượng từ Hiện diện TA LÀ của con tuôn vào thể bản sắc, rồi vào thể lý trí, rồi vào thể tình cảm và sau đó đi tới thể vật lý.
Con yêu dấu, trên một hành tinh tự nhiên con không bao giờ trải nghiệm dòng chảy ngược lại, con không bao giờ trải nghiệm có điều gì đó ảnh hưởng con ở tầng vật lý từ đó tạo ra một đáp ứng hay phản ứng nơi thể tình cảm, rồi phản ứng này ảnh hưởng tư tưởng của con và ngay cả ý niệm bản sắc của con. Nhiều người trong các con có ý niệm là con phải có dòng chảy từ trên xuống dưới và điều này có nghĩa là con phải làm chủ bốn thể phàm của mình. Thể bản sắc phải làm chủ thể lý trí, thể lý trí phải làm chủ thể tình cảm và thể tình cảm phải làm chủ hành động của con.
Lẽ dĩ nhiên, khi con tới trái đất, sa nhân đã rất thiện nghệ trong chuyện bắt con phải chịu chấn thương nguyên thủy đó, cú sốc nguyên thủy đó, khốc liệt đến độ, gây sốc đến độ con không sao tránh khỏi chuyện có phản ứng cảm xúc. Phản ứng cảm xúc mạnh đến độ nó đi lên thể lý trí, ảnh hưởng những niềm tin của con về cuộc sống trên hành tinh này. Thậm chí nó đi vào thể bản sắc của con và ảnh hưởng tầm nhìn của con về quan hệ giữa con với hành tinh này, điều gì con có thể làm và không thể làm trên hành tinh này, điều gì con được phép làm và không được phép làm trên hành tinh này. Điều con trải nghiệm sau chấn thương nguyên thủy là một dòng chảy ngược chiều qua bốn thể phàm của con. Tầng vật lý bắt đầu ảnh hưởng cảm xúc của con, cảm xúc ảnh hưởng suy nghĩ của con, suy nghĩ ảnh hưởng ý niệm bản sắc của con – thay vì theo hướng ngược lại.
18.4. Đè nén nỗi giận
Khi con tìm thấy con đường tâm linh, con yêu dấu, con thường tới điểm mà (dựa trên những giáo lý vỏ ngoài hay trực giác của con hay cả hai thứ gom lại) con có cảm nhận là con phải làm chủ bốn thể phàm của con. Do đó, con phải có thể quyết định: “Một đệ tử chân sư thăng thiên lý tưởng là một người không bao giờ nổi giận và do đó tôi không bao giờ được nổi giận.” Sau đó, khi con thấy thể tình cảm của con phản ứng không đúng ý con, con không biết phải làm gì. Rất nhiều tín đồ tôn giáo, hay người tâm linh và đệ tử chân sư thăng thiên, đã tạo ra một lập trình trong thể lý trí được thiết kế để đè nén những cảm xúc mà họ dán nhãn là “không muốn có.”
Bây giờ thì con có, như chúng ta đã đề cập tới trước đây, một lập trình phản ứng nào đó trong thể tình cảm khiến con phản ứng với sự giận dữ trong một số tình huống. Nhưng vì con quá sức muốn là một đệ tử chân sư thăng thiên tốt, con không dám nhìn nhận điều đang xảy ra. Ngay lập tức, con tìm cách khởi động lập trình trong thể lý trí, ngay cả đôi khi một lập trình trong thể bản sắc, để đè nén cảm xúc nóng giận. Điều này có nghĩa là có một số người làm vậy giỏi đến độ họ còn không nhận ra được một cách ý thức là họ cảm thấy nóng giận khi nó xảy ra.
Lẽ dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là nỗi giận không hiện hữu trong thể tình cảm. Có nhiều người (và con có thể tìm thấy những người đó trong tất cả các phong trào tôn giáo, tất cả các phong trào tâm linh và trong tất cả các phong trào chân sư thăng thiên) trên bề mặt trông có vẻ hoàn toàn tự chủ và rất hài hòa. Họ thường nói với giọng điềm đạm, chậm rãi, có thể là một cách hơi kẻ cả như họ đang nói với trẻ con. Con có thể cảm thấy được (nếu con hòa điệu với họ) là bên dưới họ có sự căng thẳng. Trong trường hợp một số những người này, nếu con thấy được hào quang của họ, con sẽ thấy giống như một núi lửa đang phun ra trong thể tình cảm của họ và chất macma nóng bỏng là năng lượng giận dữ của họ lúc nào cũng chực tuôn tràn ra khỏi bờ của miệng núi lửa.
Một cách nào đó, họ kiềm giữ được cơn giận trong hầu hết tình huống, nhưng trong một số hoàn cảnh họ không kiềm giữ được và cơn giận có thể trào ra và họ có thể biểu lộ cơn giận đó với những người mà họ xem là dưới họ theo thứ bậc mà họ đã thiết lập. Hoặc là họ có thể tới điểm họ cảm thấy quá giận vị đạo sư, vì vị đạo sư bỏ họ đi (như đã xảy ra trong một tổ chức trước mà con biết) nên họ công khai biểu lộ cơn giận.
Bây giờ thày muốn con nhận ra (vì con đang trở thành người đệ tử chân sư thăng thiên trưởng thành hơn) là con không khắc phục được nỗi giận bằng cách đè nén nó. Con không khắc phục được bất cứ điều gì bằng cách đè nén nó. Con cần nhận ra có một thời điểm (một lần nữa một giai đoạn trên đường tu) khi đè nén nỗi giận là điều xây dựng vì nó ngăn cản con không liên tục rơi vào các khuôn nếp phản ứng cứ càng ngày càng tạo thêm năng lượng giận dữ, hay càng ngày càng củng cố thêm khuôn nếp cho phép mình phản ứng một cách giận dữ.
Trong một thời gian, đè nén cơn giận với một lập trình trong thể lý trí của con là điều cần thiết và xây dựng. Nhưng cũng sẽ tới một điểm mà nó không còn xây dựng nữa. Nếu con không thay đổi, con sẽ đi vào chỗ bế tắc vì con không thể giải thoát mình khỏi năng lượng tình cảm. Con đang kéo lê nó theo con. Ngày nào con còn giận dữ, thì con không thể đi vào tâm trạng mà các thày đã đề cập: chấp nhận con ở đây, bình an với chuyện con ở đây, cảm thấy thoải mái là con ở đây.
18.5. Một bài tập để vượt lên trên nỗi giận
Con cần tới điểm nhận ra con đã đầu thai trên một hành tinh cực kỳ khó khăn. Nó rất không tự nhiên, nhưng chính vì nó quá sức không tự nhiên, nên điều “tự nhiên” là con cảm thấy một nỗi giận và oán trách nào đó về chuyện con ở đây, chuyện con phải trải nghiệm những gì con đã trải nghiệm và không từ bỏ được nơi này khi con đã cảm thấy quá chán ngán. Như Sanat Kumara đã nói, con phải chịu quy luật ở đây và con phải bước trên con đường tu ở đây.
Thày cần con làm bài tập nhỏ này nếu con muốn vượt qua trở ngại này. Thày cần con nhận ra là con cần khám phá xem con có còn chất chứa nỗi giận hay oán trách nào trong thể tình cảm của con không. Để biết được điều này, thày đề nghị con làm bài tập sau đây.
Con đi tới chỗ nào con biết không ai nghe được con. Nếu không phải là trong nhà của con thì con cứ đi nơi khác: vào trong thiên nhiên, hay lái xe đi tới chỗ nào đó nếu con có xe. Con hãy tìm một chỗ mà không ai nghe được con, dù con hét to tới đâu chăng nữa. Sau đó, thày muốn con hòa điệu vào tâm mình và tưởng tượng con đang nhìn hành tinh này từ ngoài không gian. Sau đó, thày muốn con cho phép tâm mình đi vào một trong những biểu hiện xốn xang nhất mà con thấy được trên hành tinh này. Điều gì làm cho con xốn xang nhất, làm cho con thật sự cảm thấy nó không được có mặt ở đây? Sau đó, thày muốn con nhận ra là vì con có cảm xúc mạnh mẽ về vấn đề này, nên rất có thể con đã trải nghiệm nó trong nhiều kiếp sống và con không thể tránh cảm thấy giận dữ.
Bây giờ thày muốn con tưởng tượng con đang nói chuyện thẳng với sa nhân hay những người hiện thân đã thị hiện vấn đề này. Sau đó thày muốn con cảm thấy được tự do nói bất cứ điều gì con muốn nói với họ và nói với họ bất cứ cảm xúc nào mà con có: giận dữ, oán trách, sợ hãi – bất cứ cảm xúc nào hiện lên trong con khi con nghĩ tới vấn đề này. Thày không quan tâm là con hét to bao nhiêu, thày không quan tâm con cần biểu lộ bao nhiêu ý tưởng và tình cảm. Thày cho con tự do để biểu lộ chúng vì thày muốn con hòa điệu vào cái gì đang ẩn náu trong thể tình cảm của con. Thày không nhất thiết bảo con làm điều này trong suốt mấy giờ đồng hồ. Đây không phải là liệu pháp gào thét ban sơ (primal scream therapy), nhưng mục đích là để con chạm vào điều mà con chưa thấy ra hay chưa thấy rõ trong thể tình cảm của con.
Một khi con đã nhìn nhận nỗi giận này, thì con cũng cần nhìn nhận là con đã tiến lên một tầng nào đó trên con đường tâm linh. Do đó, con có thể chuyển đổi tâm thức và thấy đây là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên, con yêu dấu. Không có gì sai trái với nó, không có gì không tâm linh về nó. Không ai trong chúng ta có thể hiện thân trên trái đất mà không phản ứng một cách giận dữ, thày cũng thế – không phải ở trong kiếp cuối cùng của thày như là Phật, nhưng chắc chắn thày có nổi giận trong các kiếp trước đó. Con hãy nhìn Giê-su biểu lộ sự giận dữ đối với những người đổi tiền.
Con nhận ra là con đã tiến lên một tầng cao hơn trên con đường tu. Do đó, con không cần lên án mình vì con nổi giận hay vì bất cứ cảm xúc nào khác. Con chỉ cần nhận ra con có cảm xúc đó và bây giờ đã tới lúc con vượt lên trên nó.
Con có thể dùng những dụng cụ mà các thày đã trao cho các con, các bài chú để cầu thỉnh ánh sáng, con có thể dùng các bài thỉnh các thày đã trao cho các con. Trước tiên hết, thày muốn con đọc các bài chú bảo vệ mình, đọc bài thỉnh nào con cảm thấy muốn đọc, và khi con về nhà thì con hãy tìm một nơi con có thể ngồi yên lặng và con hãy dành thời gian yên tĩnh cho mình. Sau đó, một lần nữa con hãy tiếp xúc với nỗi giận của con và làm một điều mà nhiều người trong các con chưa từng làm trước đây.
Con thấy chăng, nhiều người tâm linh dựng lên một bộ mặt họ phải như thế nào ở bên ngoài. Do đó, họ không thấy được những gì ẩn náu dưới cái biết bề mặt. Một số người còn nghĩ rằng các chân sư thăng thiên không thấy nó, nhưng lẽ dĩ nhiên, đây là một niềm tin khá ngây ngô. Con cần tới điểm nhận ra rằng các thày đã thấy những gì ẩn náu trong tiềm thức của con. Con không cần hổ thẹn khi chính con nhìn thấy nó vì con nghĩ rằng nếu con thấy nó, thì bỗng nhiên các thày thấy nó và sau đó các thày sẽ lên án con.
Đối với các thày, bí mật đã lộ ra rồi. Con không thể giấu các thày bất cứ điều gì, con yêu dấu. Như Saint Germain đã nói về xã hội giám sát, con hãy tới điểm mà con giản dị chấp nhận: “Tôi không có nhu cầu che giấu bất cứ điều gì với các chân sư thăng thiên và do đó tôi không có nhu cầu che giấu bất cứ điều gì với chính mình. Vì tôi biết các chân sư sẽ không lên án tôi, nên tôi không cần lên án chính mình. Cho nên bây giờ tôi có thể bước một bước mà hầu hết mọi người sợ không dám làm, đó là tôi nối kết với nỗi giận, và thay vì không muốn nhìn nó, trốn chạy xa khỏi nó, che lấp nó đi, thì tôi có thể nhìn nhận nó có mặt và tôi có thể đi thẳng vào trong nó.”
18.6. Đối mặt với nỗi giận của con
Con từng nghe câu nói là cách duy nhất để khắc phục nỗi sợ là đối mặt với nỗi sợ. Con không thể làm điều này ở các tầng thấp trên đường tu vì con có thể chìm đắm trong cơn giận, con có thể bị choáng ngợp bởi nó vì con có thể còn đồng hóa mình quá nhiều với nó. Các con nào ở tầng cao hơn, sẵn sàng đón nhận lời dạy này, thì các con có thể làm được.
Con có thể bước vào cơn giận và trải nghiệm đứng giữa vũng nước xoáy của cơn giận. Sau đó, con có thể nối kết một cách ý thức với điều mà các thày gọi là nhân tính cơ bản của con. Nó thật sự là sự liên tục của bản thể con, là phần của bản thể của con vượt lên trên mọi thứ trên trái đất và không thể bị quy định bởi bất cứ điều gì trên trái đất. Nhân tính cơ bản này đã giúp cho một số người trong các trại tập trung duy trì phần nào ý niệm nhân bản của họ giúp họ tồn tại về mặt tâm lý và ngay cả có một cuộc sống tích cực sau đó. Con có thể nhận ra là bên trên nỗi giận là nhân tính cơ bản của con. Nó không bị thay đổi bởi nỗi giận và do đó con có thể nhìn vào cơn giận và nhận ra: “Đây không phải là tôi. Nó còn không phải là nỗi giận của tôi, nó là phản ứng của tự ngã của tôi.” Một lần nữa, phản ứng của con là chuyện tự nhiên, nhưng bây giờ con thấy là con đã tiến lên một ý niệm bản sắc cao hơn trong đó con không cần phản ứng như vậy nữa. Con thật sự có thể “buông bỏ” nó.
18.7. Thiết lập dòng chảy năng lượng tự nhiên
Con yêu dấu, thày đã nói là trên hành tinh trái đất, dòng chảy năng lượng có thể đi ngược chiều qua bốn thể phàm. Sa nhân có thể ép con vào những tình huống vật chất tạo phản ứng tình cảm đi ngược lên tầng bản sắc. Những phản ứng này đã không ảnh hưởng cái Ta Biết của con. Khi con nối kết với nhân tính cơ bản, với nhận biết thuần khiết, với ý niệm bản sắc như cái chấm, thì con có thể giải hóa nó. Một khi con giải hóa nó, thì sự xâm nhập của sa nhân vào bốn thể phàm của con bị tan biến.
Họ không còn có thể ép con phản ứng ở tầng vật lý từ đó đi ngược lên ba thể cao. Con vẫn có thể gặp những cảnh huống hay vẫn có thể phải đối đầu với một số điều kiện ảnh hưởng người khác, nhưng con có thể né tránh dòng chảy năng lượng đi ngược lên (khi con chứng kiến chuyện xảy ra trên trái đất hay trải nghiệm nó), dòng chảy này đi lên thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Thay vào đó, con có thể tái lập dòng chảy tự nhiên qua đó con làm chủ thể bản sắc, con làm chủ thể lý trí, con làm chủ thể tình cảm.
Bất kể điều gì xảy ra ở tầng vật lý, con có thể quyết định một cách ý thức sẽ phản ứng ra sao. Đây là quả vị Phật, đây cũng là những tầng cao của quả vị Ki-tô. Ở các tầng thấp của quả vị Ki-tô, con chưa làm được chuyện này. Khi con lên cao hơn, con cần tới điểm con sẵn sàng nhìn nhận những cảm xúc con có và con sẵn sàng xem xét với tâm trung hòa bất cứ cảm xúc nào trong thể tình cảm. Sau đó con cần khắc phục chúng và bỏ chúng lại đằng sau vì chỉ lúc đó con mới tránh không bị dòng năng lượng chảy ngược. Con có thể tái lập lại dòng chảy năng lượng tự nhiên cho phép con chọn một cách ý thức phản ứng của mình trước bất cứ điều kiện hay hoàn cảnh vật lý nào.
Điều này có nghĩa là con có thể một cách ý thức chọn phản ứng với tình thương, ngay cả trong những hoàn cảnh mà hầu hết mọi người khác phản ứng với sợ hãi. Đây là cách con hoàn thành mục tiêu cao nhất của con khi con xuống đây, đây là cách con làm gương, đây là cách con kéo tâm thức tập thể lên. Dù con đã kéo mình lên khỏi tâm thức tập thể, con vẫn còn một cảm nhận nào đó, một ký ức nào đó, một sự kết nối nào đó với nó. Đây không phải là loại kết nối áp đảo con mà là loại kết nối cho phép con kéo tâm thức tập thể lên. Có thể nói, con là sợi thớ trong tấm thảm và khi con kéo mình lên, con kéo toàn thể tấm thảm lên theo.
Con yêu dấu, đây là tầm nhìn cao của việc áp dụng giáo lý của Sanat Kumara và của các thày khác để con tới được điểm con biết tại sao con ở đây và con biết con đang hoàn thành lý do vì sao con ở đây. Con bình an với chuyện con ở đây, con chấp nhận con đang đầu thai trên hành tinh này ở thời điểm này. Do đó, con cảm thấy thoải mái với chính mình nhưng hơn thế nữa, con cảm điều mà Phật cảm về Phật. Cảm nhận này vượt lên trên ngôn từ, vượt lên trên an bình, vượt lên trên sự tốt lành, vượt lên trên tình thương. Đây là một cảm nhận không cần mô tả thành lời, nhưng con có thể có cảm nhận này. Khi con có nó, con sẽ hiểu tại sao nó vượt lên trên ngôn từ.
Con yêu dấu, thày cũng gửi lòng biết ơn tới rất đông các con đã tới dự hội nghị này và sẵn sàng nâng cao tâm thức mình. Do đó, thày như là một vị Phật mà thày là, được hân hạnh và hân hoan niêm tất cả các con, từng cá nhân các con một, và thày niêm hội nghị này trong trái tim và sự an bình của Phật mà thày là. TA LÀ Gautama.