Nếu loài người là những Thượng đế chưa thành thì tại sao chúng ta lại có thể rơi xuống một mức tâm thức có những biểu hiện quá xa rời Thượng đế đến thế? Lý do là vì Đấng Sáng tạo không hề tạo ra chúng ta là những người máy bắt buộc phải làm theo ý ngài và tuân theo luật của ngài. Bạn có quyền tự quyết, và quyền này sẽ không đầy đủ nếu bạn không có quyền bất tuân quy luật Thượng đế.
Tuy nhiên, có quyền tự quyết không có nghĩa là bạn bắt buộc phải đi ngược lại quy luật Thượng đế, hoặc bạn sẽ chỉ thực sự tự do khi bạn làm vậy. Để minh họa, hãy so sánh những chọn lựa trong đời với chuyện lái xe. Người ta xây đường xá để bạn có thể di chuyển nhanh chóng từ nơi này tới nơi khác, và luật lưu thông là để giúp bạn đi lại an toàn. Bạn có thể dùng đường lộ để đi bất cứ nơi đâu, và nếu bạn bỏ đường lộ chạy xe xuống ruộng, rất có thể bạn sẽ phá hư thiên nhiên hoặc bị sa vào bùn. Do bất chấp luật lệ giao thông, bạn có thể gây ra tai nạn, thương tích cho bạn và cho người khác. Cho nên thật là phi lý nếu bảo rằng đường xá và luật giao thông hạn chế khả năng đi lại của bạn. Không kém phi lý là bảo rằng quy luật Thượng đế hạn chế quyền tự quyết của bạn cùng khả năng sáng tạo của bạn.
Quy luật của Thượng đế không phải là chiếc áo bó, buộc chặt tay chân. Tuân theo luật Thượng đế không có nghĩa bạn chỉ có một chọn lựa duy nhất hay bạn mất quyền tự quyết. Tiếc thay, một số tôn giáo đưa ra hình ảnh một Thượng đế nóng giận, phán xét ở trên trời, sẵn sàng kết tội và đày bạn xuống địa ngục nếu chẳng may bạn phạm luật của ngài. Điều này đã khiến nhiều người có xu hướng bác bỏ luật Thượng đế, hay ít ra bác bỏ tôn giáo. Trên thực tế, luật Thượng đế cho phép bạn biểu đạt khả năng sáng tạo của mình một cách vô hạn. Đúng hơn, quy luật này được thiết lập để giúp bạn tự do biểu đạt sáng tạo nhưng không hủy hoại chính mình, hủy hoại người khác hay cả hành tinh nơi bạn sinh sống.
Hãy thử nhìn vấn đề từ góc độ Đấng Sáng tạo. Khi ban quyền tự quyết cho các sinh thể đồng sáng tạo, Thượng đế đã chấp nhận một rủi ro tính toán. Rất có thể một người nào đó sẽ tự hủy hoại, hoặc nhiều người tập họp lại thành những phe nhóm hủy hoại lẫn nhau, và như thế nhân loại có tiềm năng tự hủy dịêt hoặc hủy diệt hành tinh. Nếu điều này không may xảy đến thì hẳn mục đích ban đầu để nâng cao tâm thức những sinh thể đồng sáng tạo coi như bằng thừa. Cho nên Thượng đế phải có cách giảm thiểu rủi ro.
Một cách là thiết lập một số quy luật để dẫn dắt người đồng sáng tạo trong cách dùng khả năng sáng tạo của mình. Và một cách khác là ưu ái trông coi họ khi họ cất bước trên hành trình làm người, để họ dễ dàng học hỏi từ những bài học thử nghiệm của họ.
Một quy luật tâm linh căn bản là mọi thứ đều được tạo bằng một chất duy nhất, là Ánh sáng Mẫu-Vật. Muốn tạo ra bất cứ gì trong thế giới vật chất, bạn phải có một lượng Ánh sáng Mẫu-Vật rung động trong dải tần số của cõi vật chất. Cách tự nhiên để có ánh sáng đó là tiếp nhận trực tiếp từ Hiện diện Tà Là của bạn. Khi bạn lần đầu tiên bước vào cõi vật chất, bạn được ban cho một lượng ánh sáng làm vốn khởi đầu. Nếu bạn biết dùng khôn khéo, bạn sẽ được ban cho nhiều hơn, và nhờ đó khả năng sáng tạo của bạn gia tăng. Và dòng ánh sáng từ Hiện diện Ta Là cũng tăng theo, và đời sống của bạn sẽ đi lên trong một vòng xoáy, nâng cao mãi khả năng tự nhận biết cùng sự dồi dào vật chất.
Như đã có đề cập, Giê-su đã dùng ngụ ngôn về ba người đầy tớ để minh họa cho quy luật nói trên (Matthew 25:14). Phúc âm kể lại, có một ông chủ kia trước khi đi xa, giao phó một số của cải (ta-lăng, có nghĩa là vàng bạc, và cũng nghĩa là tài năng) cho ba người đầy tớ. Khi ông trở về, ông hỏi mỗi người đã sử dụng các ta-lăng đó như thế nào. Hai người đầy tớ đã sinh sôi thêm ta-lăng thì được ông tưởng thưởng nhiều hơn, còn người thứ ba đem chôn ta-lăng dưới đất thì không những đã không sinh sôi gì thêm mà còn bị lấy lại. Tuy có vẻ khắc nghiệt thật nhưng quy luật này hoàn toàn khách quan.
Mục đích của cuộc sống là tăng trưởng, nghĩa là mọi thứ phải nhân lên. Nếu bạn sinh sôi thêm ánh sáng cùng khả năng sáng tạo thì bạn cũng nâng chính mình lên đồng bộ với mọi sự sống. Còn nếu không sinh sôi những gì được ban cho, tức là nếu bạn xử sự ích kỷ, thì bạn sẽ suy giảm chính mình cũng như mọi sự sống. Và như vậy, dòng ánh sáng từ Hiện diện Ta Là của bạn cũng sẽ giảm theo và cuộc sống bạn bị cuốn vào một vòng xoáy đi xuống. Khả năng tạo vật chất dồi dào sẽ bị sút kém và khả năng tự nhận biết sẽ co cụm lại thành tâm trạng chỉ biết có mình. Tất cả với hậu quả là bạn cảm nhận cuộc sống là đau khổ và bạn là nạn nhân oan ức của một Thượng đế nóng giận đang trừng phạt bạn.
Kỳ thực, Thượng đế không bao giờ trừng phạt một ai. Thượng đế chỉ lập ra một số quy luật khách quan áp dụng cho mọi người. Nếu bạn nhảy ra khỏi một chiếc máy bay mà không mang dù, quy luật khách quan của trọng lực sẽ kéo bạn xuống đất và bạn sẽ toi mạng. Đó không phải là trừng phạt của Thượng đế mà chỉ là hậu quả máy móc của một chọn lựa vô minh của bạn.