Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 1/1/2015.
TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Tại sao mọi người trên thế giới đón mừng năm mới nhiệt tình như vậy? Họ nhiệt tình vì sâu trong tâm khảm là niềm tin, thậm chí là hiểu biết, rằng họ có thể có một khởi đầu mới.
Chu kỳ nghiệp quả trong năm
Đây là tại sao việc đón chào một chu kỳ đều đặn thật là hay ho. Hầu hết mọi người đểu trải nghiệm là khi một năm trôi qua, có một sự nặng nề nào đó, một cảm nhận uể oải nào đó. Lý do là vì các vị Chủ tể Nghiệp quả (Lords of Karma) cho phép nghiệp quả đã tới hạn của hành tinh đi xuống bốn cõi của vũ trụ vật chất một cách đồng bộ với bốn tam cá nguyệt.
Như hầu hết các con đều biết, nghiệp quả đi xuống cõi bản sắc trong ba tháng đầu, cõi lý trí trong ba tháng tiếp theo, cõi cảm xúc trong ba tháng tiếp theo nữa, và cuối cùng xuống cõi vật lý trong ba tháng chót. Đến khi mọi người đã kinh qua đủ ba tháng nghiệp quả đi xuống cõi vật lý thì họ đều mệt mỏi. Họ cảm thấy gánh nặng, cảm thấy căng thẳng, và họ mong mỏi một khởi đầu mới.
Và đúng vậy mỗi năm, họ có một khởi đầu mới, vì họ trở lại đầu để phần nghiệp quả của năm sau bắt đầu lại đi xuống cõi ê-the. Đa số người ta không cảm nhận được điều này vì tâm thức chưa đủ cao để nhận biết tầng bản sắc trong chính tâm mình.
Nhưng đây không chỉ là chuyện nghiệp quả đi xuống mà thôi. Các thày, các chân sư thăng thiên, không muốn cho bất cứ ai có cảm giác là sự sống trên địa cầu, hay ngay cả việc cân bằng nghiệp quả, chỉ là một vòng tròn y hệt cứ lặp đi lặp lại một cách bất tận. Đây là một cách hiểu sai không những về lời dạy của Phật mà ta từng giảng dạy, mà cũng hiểu sai các giáo lý của đạo Ấn cùng các hệ thống tư tưởng khác tại phương Đông.
Luân hồi không chỉ là một chu kỳ thật dài mà qua đó, trên cơ bản, con quay trở lại ngay đúng điểm khởi đầu. Đây là một cách diễn giải có thể thông cảm được vì thuở xưa con người chỉ nắm được tới mức đó. Con người thời xưa quan sát bầu trời và nhận thấy một mô thức cứ lặp lại trong cách chuyển động của các vì sao và tất nhiên của cả mặt trăng lẫn hành tinh này. Như khoa học đã cho con thấy, vũ trụ không chuyển động theo hình tròn. Vũ trụ ngày càng giãn nở, thậm chí giãn nở ngày càng nhanh hơn, và do đó sự chuyển động không theo hình tròn mà hình xoắn ốc.
Sự diễn tiến của các năm trong một kiếp người cũng là một đường xoắn ốc, hay ít ra nó có tiềm năng trở thành một đường xoắn ốc hướng thượng. Điều này xảy đến khi con tận dụng cơ hội của năm tháng để cho nghiệp quả đi xuống qua cả bốn cõi thay vì ập xuống cõi vật lý cùng một lúc. Tất nhiên, hầu hết mọi người không nhận thức được ân sủng to lớn này. Họ không để ý đến nghiệp quả cho tới khi nó bắt đầu đi xuống cõi vật lý và trở nên khó làm ngơ. Nhiều người vẫn không hiểu đó là nghiệp quả, nhưng ít nhất họ sẽ cảm được sự nặng nề uể oải. Có thể họ sẽ quy cho chiều dài của ngày bị ngắn lại, nhưng dù sao thì họ cũng cảm thấy được.
Chuyển hóa nghiệp quả và bắt đầu Năm Mới
Là người có nhận biết tâm linh, con có một cơ hội tuyệt vời để sử dụng các bài chú, bài thỉnh, để chuyển hóa nghiệp quả trên ba cõi cao trước khi nó trở thành vật lý. Bằng cách đó, con có thể bước vào ba tháng chót – phần tư cuối cùng của một năm – mà không phải chịu bất kỳ nghiệp quả cá nhân nào đi xuống cõi vật lý. Có thể con vẫn cảm thấy một phần nào đó của nghiệp quả thế giới, thậm chí con có thể gánh nghiệp giùm người khác hay giùm thế giới, nhưng ít nhất con không phải chạm trán với nghiệp quả cá nhân của con. Ngay cả phần nghiệp mà con đã gánh lấy vào năm đó để cân bằng cho người khác, con cũng có thể cân bằng được trước khi nó trở thành vật lý.
Tại sao người ta đốt pháo và bắn pháo bông đủ loại vào ngày đầu năm? Tại sao người ta cần những tiếng nổ thật lớn? Tại sao người ta cần những chớp sáng chỉ lưu lại trên trời một vài giây ngắn ngủi? Mỗi điều như vậy có một chức năng khác nhau. Khi truyền thống đốt pháo khởi đầu, người ta tin rằng tiếng nổ lớn sẽ xua đuổi tà ma và niềm tin này không hoàn toàn là mê tín dị đoan.
Có những dạng tà lực, ngay cả những hồn không xác, bị hoảng sợ và trốn chạy trước tiếng động lớn. Tất nhiên chúng có thể quay trở lại sau vài ngày nhưng chúng thường sợ hãi bỏ đi một thời gian. Hiển nhiên những loài quỷ hung dữ hơn sẽ không sợ tiếng động lớn, cho nên phương cách này chỉ hiệu nghiệm giới hạn tuy rằng nó vẫn có thể đem lại một không khí lạc quan mà người ta cảm nhận được sau ngày đầu năm.
Niềm lạc quan này cũng khởi lên do ý nghĩa tượng trưng của pháo bông. Pháo bông chỉ thoáng hiện ra ngắn ngủi với dáng vẻ gần như siêu phàm, nhưng nó mang một số ý nghĩa. Ở bề mặt, nó biểu tượng cho một niềm lạc quan được người ta cảm nhận là chỉ lướt thoáng qua. Họ thấy chớp sáng lóe lên trên bầu trời, tinh thần của họ bỗng phấn chấn, họ trầm trồ kêu lên “ồ”, “à”, và họ cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn ánh sáng. Nhưng nó chỉ kéo dài được một chập. Đối với đa số con người, trải nghiệm mục kích ánh sáng không đem lại tác động nào dài hơn trải nghiệm thị giác, nhưng xa hơn còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn. Bất kỳ hiện tượng nào thoáng hiện ra – cho dù do con người hay do thiên nhiên – đều có thể biểu tượng cho cách chuyển động của một cơ hội nâng cao tâm thức.
Nghiệp quả là một dòng chảy năng lượng
Mỗi năm khi nghiệp lực bắt đầu đi xuống, nghiệp quả không phải là một hình thức trừng phạt như nhiều người vẫn tưởng. Kỳ thực đó là một cơ hội, vì nghiệp hình thành một dòng chảy năng lượng. Nó chảy nhanh và luôn luôn chuyển động, và đối với tâm ý thức nó có thể khó nắm bắt. Con có thể cảm nhận nó hiện thoáng qua giống như khi con xem pháo bông trên trời, nhưng ngay khi con chú tâm vào đó thì nó đã biến mất.
Nếu con có thể nắm bắt được nó, con sẽ có thể lướt sóng theo nó, cưỡi trên dòng chảy và di chuyển cùng với nó suốt năm. Con yêu dấu, con thấy đó, từ rất lâu đã có một xu hướng – một lần nữa, đến từ các tôn giáo phương Đông – muốn mô tả nghiệp chướng như một cái gì xảy ra cho con. Nếu nó không phải là một hình phạt thì nó vẫn là một cái gì áp đặt lên con, nó bắt buộc con phải đối phó với nó. Nó là một cái gì khó chịu mà con muốn né tránh, một cái gì mà con cần quan tâm, cần cân bằng. Con cần vượt qua nó để có thể bước đi tiếp – và đây là cách hiểu của nhiều người tâm linh.
Ta muốn cho con một cái nhìn khác về nghiệp quả. Nghiệp quả là một dòng chảy. Nó có động lượng, nó có năng lượng và nó có phương hướng. Nó là một dòng chảy mà con đã tạo ra trong quá khứ. Giáo lý truyền thống về nghiệp quả bảo rằng trong quá khứ con đã làm một điều gì – hay con đã nghĩ hay đã cảm một điều gì – và cái đó đã gửi ra một xung lực năng lượng và bây giờ nó được gửi trả về con. Nếu nghiệp đó là cái mà hầu hết mọi người gọi là “nghiệp xấu” thì nó sẽ là một gánh nặng mà con cần cân bằng một cách nào đó.
Nghiệp quả là một cơ hội
Nhiều người nghĩ cách duy nhất để cân bằng “nghiệp xấu” là phải trải qua một sự kiện bất hạnh nào đó, có thể là cùng sự kiện mà con đã gây ra cho người khác khi con tạo nghiệp. Thậm chí một số đệ tử của chân sư thăng thiên cảm nhận nghiệp quả như một gánh nặng mà họ cần chuyển hóa bằng cách đọc thỉnh, đọc chú. Đó là cái gì con muốn tránh né, muốn làm cho xong chuyện càng sớm càng tốt. Nhưng trên thực tế, nghiệp quả chỉ là một hình phạt hay một gánh nặng khi con kháng cự lại nó. Thay vì làm vậy, con hãy xoay chuyển nhãn quan của mình về nghiệp quả và nhìn ra đó là một cơ hội.
Nghiệp là một năng lượng. Con biết rất rõ là nếu con nằm trên một chiếc thuyền mong manh giữa đại dương và có một ngọn sóng rất lớn ập xuống, và nếu thuyền con nằm ngược sóng hay không được xây hẳn hoi, thì thuyền có thể bị sóng đánh lật úp. Con cũng biết, có thể không qua kinh nghiệm bản thân nhưng ít ra qua quan sát, là nếu con có một tấm ván lướt sóng và con biết cách cưỡi sóng, thì không những làn sóng sẽ chở con đi xa mà lướt sóng còn đem lại cho con một cảm giác thích thú vô cùng. Thậm chí đối với một số người, nó có thể trở thành một trải nghiệm tâm linh, vì trong bản chất, lướt sóng cũng hiện thoáng qua giống như pháo bông trên trời.
Những chu kỳ đó của thiên nhiên, những chu kỳ tâm linh, ngay cả những chu kỳ nghiệp quả, không thoáng hiện ra. Chúng chỉ thoáng hiện khi con không bám chặt lấy chúng, không kháng cự lại hay tìm cách né tránh. Khi con quay đầu, khi con xoay tầm nhìn, khi con quyết định là mình sẽ sẵn lòng nhìn chúng và xem chúng như một cơ hội, thì con sẽ thấy nghiệp phản hồi hình thành một ngọn sóng vĩ đại có sức mạnh lẫn động lượng. Nếu con cưỡi ngọn sóng, không những nó sẽ chở con đi mà nó còn cho con niềm vui thú cân bằng nghiệp chướng.
Nghiệp quả không phải là một hình phạt mà là một cơ hội. Con có thể biến nó thành hình phạt – đó là cái quyền mà Luật Tự quyết đã trao cho con. Nhưng tự thân nó không phải là hình phạt. Như mọi thứ khác trong vũ trụ vật chất, nó là cái mà con muốn nó là. Nếu con biến nó thành hình phạt bằng cách kháng cự lại nó thì nó sẽ là hình phạt cho con. Vũ trụ là một tấm gương như các thày đã có nói nhiều lần. Nếu con muốn trải nghiệm sự trừng phạt do hành vi quá khứ và nghiệp quả thì con sẽ có trải nghiệm đó. Nếu con muốn một trải nghiệm tích cực là học cách cưỡi các chu kỳ và xoay chuyển động lượng cho nó thuận lợi cho mình, thì đó cũng sẽ là trải nghiệm của con, thậm chí còn là thực tại của con.
Khả năng thay đổi luôn luôn hiện hữu
Thực tại là gì? Thực tại không là gì khác hơn sự nhận thức, ít ra khi con vẫn đầu thai trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Khi con thăng thiên rồi thì con không còn nhận thức nữa. Con trải nghiệm trực tiếp, và khi đó trải nghiệm của con chính là thực tại.
Đúng hơn, chúng ta có thể nói là ngay cả các chân sư thăng thiên cũng có thể, tất nhiên, có một nền tảng nhận thức nào đó. Chẳng hạn, các Thượng sư của các tia sáng đều tập trung vào tia sáng đặc thù của mình và các thày nhìn mọi thứ từ góc độ đó. Điều này khiến các thày pha màu nhận thức của mình, nhưng không phải là cùng loại pha màu khi con chưa thăng thiên.
Khi con là một chân sư thăng thiên đã chứng tâm Phật, con dễ dàng nhìn vượt khỏi sự pha màu đó trên tia sáng và con nhận thức – đúng hơn, con trải nghiệm – không qua một phin lọc nào. Nếu con là một Thượng sư đã chứng đạt tâm Phật như một vài Thượng sư của con đã chứng đạt, thì con có thể nhìn một tình huống từ nhãn quan tia sáng của mình, nhưng điều này không có nghĩa là con không thể bước ra ngoài khi nào con muốn.
Vậy tại sao rất nhiều người đưa ra một lời quyết tâm, một lời tự hứa vào ngày đầu năm? Là do cảm nhận sâu xa đó trong nội tâm bảo họ rằng sự thay đổi có thể xảy ra, rằng họ có thể cưỡi một ngọn sóng mới, một chu kỳ mới. Đó cũng là mong muốn một cái gì mới. Niềm tin sâu thẳm bên trong rằng tiến bộ luôn luôn là một điều khả dĩ, cũng như mong muốn biến nó thành hiện thực, chính là cốt lõi của mọi tiến bộ con người, trong lãnh vực cá nhân lẫn tập thể.
Nếu trong tư cách một người đang đầu thai, con đánh mất niềm tin về khả năng có một chu kỳ mới hay mong muốn trải nghiệm một chu kỳ mới, thì con nên yêu cầu được thuyên chuyển đến một hành tinh khác. Nếu trong tư cách một chân sư thăng thiên, con đánh mất niềm tin rằng địa cầu có thể thay đổi bất kể cách hành xử của loài người có là gì, thì con cũng nên yêu cầu chuyển sang một hành tinh khác. Chắc chắn đã có những chân sư thăng thiên tới mức cảm thấy mình đã dành ra quá đủ chú ý cùng năng lượng cho địa cầu này.
Ngay cả một chân sư thăng thiên cũng có thể có ý muốn nhìn thấy nhiều thành quả hơn cho nỗ lực của mình. Và về điểm này, phải nói địa cầu là một hành tinh thách đố. Con biết rõ khi con đầu thai trên địa cầu rằng hành tinh này thách đố đến chừng nào, nhưng ta có thể cam đoan với con là ngay cả đối với các chân sư thăng thiên đang làm việc với địa cầu, đây là một hành tinh thách đố. Nếu con đã đạt đến mức chứng đạt của Phật thì chuyện này không xảy ra, nhưng trước khi con đạt đến mức đó thì một chân sư thăng thiên có thể gặp khó khăn giữ được niềm hy vọng, lòng nhiệt thành để tạo thay đổi khi con thấy nhân loại cứ lặp đi lặp lại cùng những khuôn nếp cũ. Con nhìn thấy con người khởi đầu với những ý định tốt đẹp nhất – như nhiều người thường làm vào mỗi ngày đầu năm khi họ đưa ra một lời tự hứa mới – thế rồi con thấy rất nhanh chóng họ lại bị lôi kéo trở lại khuôn nếp cũ.
Động lực của lời tự hứa đầu năm
Tại sao người ta đưa ra lời tự hứa? Bởi vì họ mong muốn thay đổi, nhưng cũng bởi vì họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn do những yếu tố mà ta vừa trình bày ở trên. Các năng lượng đã chuyển đổi. Tự thân lễ ăn mừng Năm Mới có khả năng đập vỡ hay xua đuổi phần nào một số tà thể đang đè nặng lên họ và bỗng nhiên họ có niềm tin: “Lần này tôi sẽ làm được, tôi sẽ thành công! Năm nay tôi sẽ nhất quyết giữ lời tự hứa đầu năm!” Khi nghiệp quả bắt đầu đi xuống và họ quay về với sinh hoạt hàng ngày, khi một số tà lực hay hồn không xác cũng trở lại trong họ, thì họ bị kéo ngay về những khuôn nếp cũ. Y như thể họ đã quên mất là mình đã tự hứa những điều gì trong ngày đầu năm, y như thể không có chuyện gì xảy ra.
Khi con là chân sư thăng thiên, con có thể thấy diễn tiến này trong nhiều hoàn cảnh đời sống. Con thấy được là con người đã nhận được một hồng ân, nhận được một lời kiên định, một hướng đi. Người ta đã được tạm miễn nghiệp quả, và trong một thời gian ngắn, họ đã có mong muốn thay đổi, có ý định thay đổi cũng như niềm lạc quan là mình có thể thay đổi. Thế rồi họ lại tuột trở về nếp cũ. Thậm chí các thày còn thấy điều này xảy ra với những người có nhận thức về sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên.
Biết bao lần các thày đã nhìn họ tìm thấy giáo lý, hoặc họ tham dự một buổi sinh hoạt, rồi họ đọc chú, đọc thỉnh nhiều vô kể. Họ nỗ lực, ho nâng cao tâm thức, và trong nhiều trường hợp điều này khiến các thày quyết định gác lại một số nghiệp quả để tạo cơ hội cho họ. Thế rồi sau một thời gian, họ lại trở về khuôn nếp cũ và quên mất.
Có thể là con đã tiến lên được chút đỉnh, nhưng thay vì tiếp tục theo trớn đi lên, con lại chấp nhận mức con mới đạt được là một thế quân bình mới. Các thày đã thấy rất nhiều học trò của chân sư thăng thiên trong đủ loại phong trào mà các thày đã đỡ đầu, các thày thấy họ khám phá giáo lý, khám phá tổ chức, khám phá uy lực của việc thỉnh cầu ánh sáng, và họ đã sử dụng tất cả những thứ đó hết sức nhiệt tình có khi hàng năm trời. Nhưng sau một thời gian, con bắt đầu đánh mất lòng tha thiết, đánh mất nhiệt tâm, đánh mất niềm vui.
Khi con là chân sư thăng thiên chứng kiến sự thể này cứ lặp lại hoài hoài, con có thể tới mức – không hẳn là cái mà trên địa cầu gọi là chán nản hay thất vọng – con có thể tới mức cảm thấy mình cần trải nghiệm một hành tinh khác với năng lượng thanh thoát hơn nơi con người có thể duy trì dễ dàng hơn vòng xoắn ốc hướng thượng.
Tận dụng cơ hội của mình
Điều này xảy ra đặc biệt cho những vị mới thăng thiên cách đây không lâu. Con đã nỗ lực phi thường để hội đủ tư cách thăng thiên và bây giờ sau khi thăng thiên con cảm thấy mình đầy nghị lực để trợ giúp loài người. Con nghĩ là nếu phải chi họ biết đến giáo lý, biết đến các bài chú bài thỉnh, phải chi họ được tạm gác một phần nghiệp quả, thì chắc hẳn họ cũng sẽ đầy nghị lực muốn thăng thiên như một thời con đã từng như vậy.
Nhưng khi con thấy họ không thực sự đáp ứng, họ không nắm lấy và tận dụng cơ hội được mở ra, thì có thể con sẽ bắt đầu cảm thấy một hình thức gần như nóng lòng. Con mong muốn người ta sử dụng cơ hội to lớn mà con thấy rõ họ được ban cho. Thật là hoàn toàn dễ hiểu nếu một vị tân chân sư thăng thiên cảm thấy như vậy.
Ta có thể cam đoan với con là một trong những quyển sách quan trọng nhất từng được các chân sư thăng thiên ban ra là quyển của thày Guru Ma, “Don’t drink your own Kool-Aid” [Đừng uống Kool-Aid của bạn, dịch nghĩa: Đừng chạy theo và hy sinh cho một lý tưởng ngớ ngẩn]. Sách này có nhiều diện, nhiều tầng, và nó là một cơ hội to lớn. Guru Ma đã đổ hết trái tim, tâm trí cùng bản thể của thày vào đó từ cõi thăng thiên. Thày tóm gọn toàn bộ nỗ lực của thày suốt bao nhiêu năm và cả bao nhiêu kiếp đã dẫn thày đến thăng thiên. Thật không dễ dàng cho thày khi phải chứng kiến biết bao đệ tử cũ của mình hoàn toàn phớt lờ cuốn sách hay đã bỏ nó xuống mà không chịu đọc, tin chắc rằng họ có thể biết rõ là sách không có giá trị.
Hãy sẵn lòng nhận lấy truyền pháp tuần tự
Ta đã nói gì khi ta còn hiện thân? “Đừng chấp nhận bất cứ điều gì không hợp lý. Đừng bác bỏ bất cứ điều gì là không hợp lý nếu chưa xem xét kỹ lưỡng.” Xu hướng bác bỏ mà không xem xét kỹ lưỡng nói trên là một trong những giới hạn lớn nhất mà các thày phải đối mặt trên địa cầu.
Thậm chí đó cũng là giới hạn lớn nhất mà các thày phải đối mặt với những người tự xem là học trò của chân sư thăng thiên nhưng lại không sẵn lòng nhận ra rằng – y như nghiệp quả là một cơ hội – việc truyền pháp tuần tự của các thày cũng là một cơ hội. Có thể các thày vẫn dạy lại một số điều đã dạy trong quá khứ, nhưng ngày nay có một số điều các thày không dạy giống như quá khứ.
Nếu con bước vào một tư duy nhất định thì con có thể xem những lời dạy của quá khứ là chuẩn mực tối thượng. Xong con có thể bảo, bất cứ gì đi xa hơn hay có vẻ đi ngược lại những lời dạy đó bắt buộc phải sai lầm. Nếu con làm vậy, con sẽ tự đặt mình ra ngoài dòng xoắn ốc hướng thượng của các đợt truyền pháp của các thày, bởi vì sự truyền pháp này liên tục và tuần tự.
Làm thế nào các thày truyền pháp tuần tự chứ? Bằng cách giảng dạy những điều vượt xa hơn những gì được giảng dạy trong quá khứ. Có nghĩa là đôi khi các thày sẽ thách thức những gì đã được giảng dạy trước đây để lay chuyển mọi người bước ra khỏi khuôn nếp cũ. Cũng có nghĩa là thỉnh thoảng các thày phải nói những điều gần như mâu thuẫn với những gì đã nói trước đây. Nếu con đã lấy giáo lý của quá khử và biến nó thành một cái hộp khép kín, làm thế nào các thày có thể kéo con ra khỏi hộp mà không gây cho con một chút chấn động? Nếu con bám chặt vào chiếc hộp cũ đến độ con gạt bỏ lời dạy mới mà không chịu xem xét kỹ lưỡng, thì làm sao các thày chạm được con ngày hôm nay?
Con sẽ biết ta như ta đang là hôm nay
Là chân sư thăng thiên, các thày là một với Dòng sông sự Sống không ngừng tuôn chảy. Chính dòng sông này hình thành vòng xoắn ốc hướng thượng của toàn bộ vũ trụ cùng tất cả mọi bầu cõi ở cao hơn nữa. Các thày làm thế nào? Bằng cách thăng vượt ý niệm cái ta một cách liên tục. Không có cách nào khác. Điều này có nghĩa rằng ta là Gautama, là đức Phật, vị chân sư thăng thiên đã từng giảng dạy qua một số đợt truyền pháp trước. Ta là cùng vị thày, nhưng ta không là cùng cái ta của 10, 20 hay 2500 năm về trước. Trong suốt 20 năm hay 2500 năm qua, ta đã tự thăng vượt hằng hà sa số lần rồi.
Nếu con muốn biết ta, con cần biết ta như ta đang là hôm nay. Con không thể biết ta như ta là hôm nay qua một lời dạy được ban ra trong quá khứ. Đó là tại sao biết bao người tự xem mình là Phật tử đã dùng những lời dạy mà ta đã ban ra 2500 năm về trước để, kỳ thực, tạo ra một rào cản giữa họ và ta.
Họ không muốn biết ta như một chân sư thăng thiên. Họ chỉ muốn biết ta như là hình ảnh đức Phật mà môn phái đạo Phật của họ đã tạo dựng. Họ không muốn biết ta như một vị thày hằng sống. Họ muốn thờ phượng một thần tượng, và họ muốn cảm thấy là qua sự thờ phượng thần tượng này từ xa, một ngày kia họ sẽ đạt được giác ngộ hay chứng được Niết bàn.
Làm thế nào một ai đó có thể khiến con giác ngộ bằng cách làm gì đó cho con hay làm giùm con điều gì? Giác ngộ là một tiến trình nội tâm. Đó là một sự xoay chuyển ý niệm cái ta khi con ngừng không khoác vào hình tư tưởng, khi con cả gan nhìn vào chính con mà không qua phin lọc, và con trải nghiệm Hiện diện TA LÀ của con như nó thực là, như con thực là.
Làm thế nào con biết được đức Phật? Bằng cách thăng vượt xu hướng nhìn ta xuyên qua một phin lọc, bằng cách sẵn sàng trải nghiệm ta như ta là. Con có thể lấy một lời dạy mà ta đã ban ra 25 năm hay 2500 năm về trước, và nếu con có thể dùng lời dạy đó để hòa điệu với ta xong vượt xa hơn lời dạy để trải nghiệm hiện diện của ta, thì lời dạy đó quả thật có thể giúp con biết ta.
Nhưng nếu con biến lời dạy thành một cái hộp khép kín, thành một thần tượng, thành một hình tư tưởng, thành một phin lọc nhận thức, thì lời dạy đó sẽ chỉ đẩy con ra xa hơn trải nghiệm trực tiếp. Lời dạy đó sẽ trao cho tự ngã của con tất cả những lý do mà nó cần và nó muốn để bác bỏ trải nghiệm này. Ta thật sự mong muốn tất cả những ai xem mình là Phật tử hãy mở tâm ra để lắng nghe những gì ta vừa nói rồi hành động. Ta rất hiểu tại sao nhiều người không thể làm được điều này bởi vì họ chưa sẵn sàng biết ta như ta là, hay họ chưa sẵn sàng nhận biết Phật tánh nơi chính họ. Ta hy vọng là những ai tự xem mình là học trò của chân sư thăng thiên cũng sẽ cởi mở để biết được ta như ta là. Nếu con biết ta như ta là hôm nay, tại sao con lại không xuôi chảy với lời dạy mà ta ban truyền hôm nay?
Muốn tánh linh phải tuân theo vật chất
Khi con còn đang hiện thân, thật là quá dễ bị trơn trượt – từng bước nhỏ một và gần như không thể nào nhận ra – vào cái tâm thức vô cùng vi tế mà Giê-su đã chỉ ra khi thày thốt lên: “Bước ra sau ta, Satan!” Đây là tâm thức muốn tánh linh phải tuân theo vật chất.
Làm thế nào con sẽ thăng vượt được tâm thức hiện thời của con? Con không thể tự kéo mình lên cao bằng cách kéo sợi dây giày ở chân mình. Con không thể giải quyết một vấn đề với cùng trạng thái tâm thức đã tạo ra vấn đề. Con không thể thăng vượt một trạng thái tâm thức bằng cách sử dụng chính nó. Đó là tại sao con người cần đến các chân sư thăng thiên.
Nếu con không nhận được một động lực từ tánh linh, con sẽ không thể vượt lên khỏi trạng thái cũ của bản ngã. Động lực thôi thúc này từ tánh linh phải vượt ra ngoài và thách thức trạng thái tâm thức hiện tại – vì nếu không, nó sẽ không thể đưa con ra khỏi tâm thức hiện tại. Có lô-gíc không con?
Nếu con đòi hỏi động lực từ tánh linh phải thuận theo những hình tư tưởng đang quy định trạng thái tâm thức hiện thời của con, thì làm thế nào tánh linh sẽ giúp con đây? Làm thế nào các thày giúp con thăng vượt trạng thái hiện thời của con nếu con muốn các thày ép mình vào những hình tư tưởng mà con có đang quy định các thày là ai và phải nói gì?
Ta cũng biết là các chân sư đã đề cập đến chuyện này trước đây trong những bối cảnh khác. Ta chắc chắn là ta hay một chân sư khác sẽ nhắc lại một lần nữa. Mỗi lần các thày nói lên điều đó thì lại có thêm một số ít người hiểu ra. Mỗi lần các thày nói lên thì những ai nhận được nhưng lại gạt bỏ ngoài tai hay từ chối làm theo, sẽ tạo ra một nghiệp lực quay ngược về họ, và hoặc nó sẽ tạo thêm gánh nặng cho họ, hoặc nó sẽ trao cho họ một cơ hội để lướt sóng. Ngay cả khi nó gia tăng gánh nặng thì nó cũng sẽ làm xáo trộn thế cân bằng của họ, buộc họ phải thay đổi do không thể chịu đựng được nữa.
Các chu kỳ không chạy vòng tròn
Con biết chăng là ngọn sóng trên đại dương chuyển động theo hình tròn? Nếu con nhìn mặt cắt của ngọn sóng, con thấy gần như thể nước chuyển động theo vòng tròn. Người ta có thể bị cuốn vào một vòng tròn như vậy. Con bị nước sóng cuộn tròn lên con cho tới khi con chết đuối vì không thể ngoi lên.
Vậy làm thế nào một làn sóng có thể di chuyển băng qua đại dương? Là vì có một động lượng đẩy chuyển động tròn đó đi tới. Các thày mong muốn nhìn thấy tất cả học trò của mình cưỡi trên lưng chuyển động tròn thay vì bị mắc kẹt trong chuyển động và không tiến tới. Con yêu dấu, con có hiểu điều ta muốn nói?
Rất nhiều người tâm linh và người mộ đạo trên địa cầu hiểu rằng có những chu kỳ, nhưng họ xem chu kỳ là sự chuyển động hình tròn, theo đó họ chuyển quanh vòng tròn suốt năm để trở về đúng ngay điểm khởi đầu. Và cũng vậy, họ chuyển quanh vòng tròn đầu thai trong nhiều kiếp người để trở về điểm hư vô hay vô ngã. Nhưng đây không phải là cách sự sống tiến tới. Trong tiến trình tự nhiên, không có chuyển động nào vòng tròn cứ dẫm chân tại chỗ.
Một chuyển động vòng tròn đưa về điểm khởi đầu chỉ có thể hiện hữu trong một hệ thống bị ảnh hưởng bởi quyền tự quyết. Đa số con người sống trong hệ thống đó đã biến tâm mình thành những hệ thống khép kín, khiến họ tiếp tục trải nghiệm cùng một chuyện hết kiếp này sang kiếp khác với cường độ ngày càng gia tăng, cho đến khi cuối cùng họ chán ngán và muốn tiến bước cao hơn.
Tại sao người ta lại lạc quan vào ngày đầu năm? Vì người ta hy vọng là năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ, rằng một cái gì mới sẽ xảy đến. Nhưng làm sao có cái gì mới xảy đến nếu con cứ lặp lại cùng những khuôn nếp như năm cũ? Nếu vậy sự chuyển động sẽ chỉ chạy theo vòng tròn và con sẽ quay về ngay điểm khởi đầu. Cái mới chỉ có thể xảy đến nếu con đứng dậy, vươn mình lên, giữ thế thăng bằng trên tấm ván lướt sóng và con ra tay cưỡi sóng. Điều này chẳng hoàn toàn hợp lý hay sao?
Các thử thách sắp đến trong năm 2015
Con thấy đó con yêu dấu, từ tầm nhìn của ta là Phật, điều đó hoàn toàn hợp lý. Ta cũng biết là tất nhiên, con không nhìn ra, con không nhận thức lời ta nói như ta nhận thức. Con nhận thức lời ta qua phin lọc của tâm luôn tìm ra cớ để không thay đổi.
Con có muốn một cách định nghĩa thật giản dị cho tự ngã? Tự ngã là khía cạnh của tâm luôn luôn tìm ra một lý do để con không phải thay đổi.
Ta sẽ không bàn gì về năm đã qua vì nó đã trôi qua. Không gì có thể thay đổi được năm 2014. Nó là như thế đó. Nhưng ta sẽ nói một vài lời về năm 2015. Như con có thể nhớ, bắt đầu từ ngày 1/1/2013, hành tinh này đã bước vào một chu kỳ qua đó mỗi năm sẽ đem lại cho hành tinh một khai ngộ trên một tia sáng trong số bảy tia. Năm 2013 đã là Tia thứ Nhất. Năm ngoái là Tia thứ Hai, và 2015 sẽ là Tia thứ Ba của Tình thương.
Vậy trong năm tới, đâu sẽ là cuộc khai ngộ mà bản thân con lẫn hành tinh sẽ đối mặt? Có hai cách để nhìn vấn đề này. Con có một cơ hội để cưỡi ngọn sóng tình thương sẽ cuộn tròn khắp hành tinh trong ba cõi cao. Nhưng con cũng có cơ hội để không cưỡi theo sóng, và nếu vậy thì con sẽ phải đương đầu với sự tha hóa của tình thương. Tất nhiên là có nhiều cách để tình thương bị tha hóa, nhưng cách chủ yếu là qua lòng sợ hãi.
Con có hai cách con tiếp cận năm 2015. Hoặc con cưỡi ngọn sóng của tình thương, hoặc con bị làn sóng tàn bạo của sợ hãi cuốn trôi. Ta có thể cam đoan với con năm 2015 sẽ là một năm thử thách, không hẳn là qua những biến cố sẽ xảy ra trong cõi vật lý, mà qua lòng sợ hãi phát xuất từ những rủi ro mà người ta cảm nhận về một số biến cố. Con thấy gì trong năm 2014? Con thấy dịch bệnh Ebola. Năm 2015 có khả năng chứng kiến một nỗi lo sợ còn lớn hơn nữa, không chỉ là Ebola mà một số bệnh tật có thể lây lan dễ dàng. Con lưu ý là ta không bảo các bệnh dịch này sẽ nhất thiết lan truyền trong cõi vật lý, nhưng nỗi sợ hãi thì sẽ có mặt.
Con thấy gì trong năm 2014? Chiến tranh và xung đột gia tăng, từ vùng Trung đông cho đến châu Phi, tình hình tại Ukraine và sự căng thẳng leo thang giữa Nga và các quốc gia mà Nga gọi là phương Tây. Những căng thẳng này sẽ có khả năng leo thang trong năm 2015. Tuy ta không nói là rủi ro chiến tranh trong cõi vật lý sẽ cao hơn năm ngoái, nhưng nỗi sợ chiến tranh, sợ xung đột sẽ lớn hơn.
Và hiển nhiên có vấn đề kinh tế. Năm ngoái, kinh tế không đến nỗi là mối quan tâm, nhưng sang năm 2015, đó sẽ là một quan tâm lớn hơn. Một lần nữa, ta không bảo là có rủi ro rất cao xảy ra vấn nạn kinh tế trong cõi vật lý, nhưng những lo lắng về nền kinh tế sẽ nhiều hơn.
Hãy dùng năng lượng của tình thương để vượt trên sợ hãi
Điều ta yêu cầu con làm với tư cách là học trò của chân sư thăng thiên là con ý thức được khả năng cưỡi ngọn sóng tình thương thay vì đâm đầu vào vòng xoáy của sợ hãi, vào vòng tròn của sợ hãi. Hãy dùng những bài thỉnh và bài chú của con để duy trì năng lượng vượt lên trên tầng cấp sợ hãi. Các thày rất vui mừng khi nhiều người đã yêu cầu làm theo chỉ dẫn của Mẹ Mary và tham dự buổi canh thức đều đặn khi khắp nơi trên thế giới các con đọc chú cùng với nhau vào cùng ngày, có thể là cùng giờ hay cùng một lúc tùy theo múi giờ của con.
Hẳn công việc này sẽ có thể tránh được nhiều tai họa trong cõi vật lý, nhưng trước hết nó có thể giúp con giữ mình ở cao hơn tầng cấp sợ hãi. Nếu con muốn tác động tối đa đến hành tinh như các thày mong muốn, con sẽ cần giữ mình cao hơn sợ hãi trong năm sắp tới. Các thày đã ban ra giáo lý về tình thương cùng với các bài thỉnh, bài chú để thỉnh cầu tình thương. Tất nhiên, các thày sẽ cho phát hành một quyển sách mới với giáo lý lẫn bài thỉnh, nhưng sách này thì vượt thời gian cho nên con không cần chờ sách trước khi con bắt đầu thỉnh cầu tình thương cùng các năng lượng dựa trên tình thương.
Hình tư tưởng cho năm 2015
Hình tư tưởng cho năm 2015 sắp tới sẽ là gì? Tình thương thường đi đôi với màu hồng, nhưng tình thương trong dạng cao độ nhất là màu ngọc đỏ (ruby) mà như con biết, đó là màu của tia laser. Hình tư tưởng mà ta ban cho con cho năm tới là một hình Phật ở rất cao trên trái đất – mà con có thể hình dung ở trên không trung hay trong cõi ê-the. Đây là một hình Phật làm bằng một chất trong suốt, không phải là thủy tinh nhưng trông giống như thủy tinh. Chất này màu ngọc đỏ. Có một chân sư thăng thiên tên gọi là đức Phật của Tia Ngoc đỏ; tuy nhiên đây không phải là vị chân sư sẽ cầm giữ cân bằng tâm linh cho hình tư tưởng này. Ta sẽ là vị chân sư khoác vào khía cạnh Tia Ngọc đỏ của Phật và cầm giữ hành tinh này trong tâm quân bình của ta cho năm tới.
Ta sẽ ở trên đây – tức là bất kỳ nơi nào con thấy ta – trong tư cách đức Phật ngọc đỏ đó. Ta không ngồi nhắm mắt; mắt ta mở. Con có thể hình dung ta có đôi mắt mở như người thường, hay con hình dung ta với một con mắt ở giữa lông mày, và con mắt thứ ba này là con mắt đang nhìn.
Qua khả năng viển quan, ta có thể hướng một Tia Ngọc đỏ với năng lượng tình thương mãnh liệt vào bất kỳ điều kiện nào trên địa cầu. Do Định luật Tự quyết, ta không thể tự mình làm điều này. Ta cần những con người đang đầu thai hòa điệu với khía cạnh Tia Ngọc đỏ của ta. Con hãy tự hình dung mình là đức Phật Tia Ngọc đỏ ở cõi vật lý, và đức Phật này hợp nhất, hay ít ra nối kết với ta trong tư cách là đức Phật Tia Ngọc đỏ ở cõi ê-the.
Sau đó con tập trung trước nhất vào việc thiết lập một sự nối kết hay hợp nhất với ta, xong con hướng tia ánh sáng laser Ngọc đỏ đó từ viễn quan của ta vào một điều kiện nào đó trên địa cầu. Con không cần biến chuyện này thành một nghi thức phức tạp nhưng ta cần con lâu lâu ý thức được. Con có thể dành ra một vài phút sau khi đọc thỉnh hay đọc chú để hòa điệu, để hình dung ta, hình dung chính con, rồi nhìn thấy ta là như thế nào, qua quyền năng và cây cầu của chú ý đang dẫn đường cho ánh sáng Tia Ngọc đỏ.
Con cần lưu ý là con không hướng ánh sáng. Con chỉ thiết lập cây cầu mà qua đó ánh sáng có thể chảy vào cõi vật lý. Điều này có nghĩa là việc duy nhất mà ta cần ở con là sự chú ý. Ta không cần quan điểm của con, cảm xúc của con, những nỗi sợ của con hay ý nghĩ của con về những gì cần hay không cần thay đổi trong hoàn cảnh hiện thời. Con càng trung hòa bao nhiêu thì càng nhiều ánh sáng sẽ chảy xuyên qua con bấy nhiêu.
Con hãy cố hiểu rằng chìa khóa của quả vị Ki-tô là không dính mắc. Con hãy hết sức không dính mắc vào hoàn cảnh mà con đang tập trung chú ý của con – cũng như tập trung chú ý của ta. Ta trung hòa đối với mọi sự xảy ra trên địa cầu.
Có lẽ “trung hòa” không phải là từ thích hợp nhất. Có lẽ “không dính mắc” cũng không phải là từ hay nhất. Có lẽ không có từ nào có thể diễn tả được tâm của Phật vì Phật vượt mọi từ ngữ, nhưng ta phải dùng ngôn ngữ để tâm con nắm bắt điều ta muốn nói. Vậy con hãy trung hòa tối đa, không dính mắc tối đa, phổ quát tối đa về tình huống trước mặt. Để yên cho ánh sáng làm công việc của nó mà không tìm cách hướng dẫn nó! Con chỉ vỏn vẹn đặt chú ý của con vào tình huống và cho phép ta hướng dẫn ánh sáng qua trung gian cây cầu là sự chú ý của con.
Lướt sóng
Đó là cách con có thể đóng góp to lớn song song với những bài chú, bài thỉnh của con. Như Mẹ Mary có nói, chắc chắn có khả năng quy tụ được 500 người đọc bài nguyện và bài chú cùng một lượt với nhau, nhưng liệu điều này có thực hiện được trong thực tế, liệu sẽ có đủ người nắm lấy ngọn đuốc và bỏ công ra làm hay không thì phải chờ xem. Nhưng chắc chắn điều hợp lý là chúng ta khởi sự tiến trình, xong hy vọng là các con sẽ có thể duy trì, xây dựng đủ động lượng và thu hút được ngày càng nhiều người hơn tham gia đưa vòng ốc xoắn đi lên.
Ta mong ta đã cho con món ăn tinh thần ở đây, không những cho năm 2015 mà cho cả những năm và thập niên sau đó. Nó có thể đem lại cho con sự khác biệt to lớn. Con có thể bắt đầu cưỡi sóng của nghiệp quả đang phản hồi thay vì đâm đầu vào ngọn sóng hết lần này sau lần khác.
Đương nhiên, nếu con muốn đâm đầu vào sóng thì ta sẽ không phản đối ý muốn trải nghiệm đó của con. Ta chỉ muốn con biết rằng lướt sóng là một chuyện hoàn toàn khả thi. Nếu con muốn trải nghiệm lướt sóng, cả ta lẫn các chân sư khác sẽ đều sẵn lòng giúp con một tay để con tự kéo mình đứng lên tấm ván – tấm ván của giáo lý các thày – và con học cách giữ thăng bằng dễ dàng hơn.
Như ta đã cố giải thích, quá nhiều lần các thày đã chứng kiến học trò tìm được giáo lý, rồi sử dụng giáo lý một cách cực đoan khiến họ bị mất thăng bằng. Cho dù có thể con chưa lướt sóng bao giờ nhưng con dư biết là nếu con không giữ được thăng bằng trên ván thì con sẽ té nhào xuống sóng nước. Các thày mong muốn thấy học trò của mình cưỡi sóng chứ không té sóng. Nếu con cũng mong muốn như vậy, ta nghĩ ta với con có thể làm việc với nhau trong năm tới và cả sau đó.
Ban thêm giáo lý
Với lời này, ta cảm ơn các con đã chú ý, đã sẵn lòng học tập và thực hành giáo lý, sẵn lòng hỗ trợ công việc phổ biến giáo lý, hỗ trợ sứ giả này trong việc đem giáo lý vào cõi vật lý. Con có thể nhìn vào các trang web được thành hình xuyên qua tâm của đúng một người, con có thể nhìn sách đã phát hành và con có thể ngạc nhiên tự hỏi: “Liệu các chân sư còn thêm bao nhiêu giáo lý nữa để ban truyền?”
Chính sứ giả này cũng đã từng ngạc nhiên, nhưng giờ đây ông đã vượt quá sự ngạc nhiên khi ông nhận ra là các thày còn muốn ban truyền nhiều hơn rất nhiều. Thậm chí ông không muốn biết sẽ còn thêm bao nhiêu nữa, vì ông sẽ bị choáng ngợp khi nghĩ đến thì giờ và công sức mình cần phải dành ra. Ta sẽ không nói cho con biết còn bao nhiêu nữa, mà ta sẽ chỉ nói với con là các thày mong muốn đem vào cõi vật lý thật nhiều giáo lý hơn nữa.
Các thày không có nhiều người mang tâm có thể làm chén thánh để nhận và truyền đạt giáo lý này. Các con hãy trao cho tâm này cơ hội để nó sử dụng những khả năng mà nó đã được đào tạo – và cũng sẵn lòng thực hiện. Quả thật, nếu không đưa ra giáo lý thì làm thế nào có được sự thay đổi? Và cũng thế, nếu giáo lý không được chấp nhận và áp dụng thì cũng chẳng có được sự thay đổi.
Mỗi người trong số các con đều cần thiết y như sứ giả này cần thiết. Tuy con không nên đặt bất cứ ai lên bệ cao, nhưng con hãy đón nhận mọi người như những cá nhân độc đáo – quan trọng một cách độc đáo – mà các con là. Đôi khi con cũng cần nhìn nhận là mình đã có đem lại một chút giá trị, mình đã có nỗ lực, mình đã có tinh tiến. Nhìn nhận như vậy sẽ giúp con giữ được cái trớn đi lên, giúp con tìm lại sự nhiệt thành mà có thể con đã đánh mất chút đỉnh giữa sự chuyển động vòng tròn của đời sống hàng ngày.
Ta có thể cam đoan với con là các thày, những người đã thăng thiên khỏi địa cầu, đều biết rõ nếp sống hàng ngày có thể nặng nề chừng nào trên một hành tinh có năng lượng dày đặc như thế này. Bước đi trên con đường tâm linh trên địa cầu không phải là một chuyện dễ. Hội đủ tư cách để thăng thiên khỏi địa cầu cũng không dễ. Nhưng như ta đã chứng minh, việc đó hoàn toàn khả thi. Và như các thày luôn nói: “Điều gì một người làm được thì mọi người cũng đều làm được.”
Không cần nói gì thêm, ta chúc các con một Năm Mới vui tươi. Gautama TA LÀ!