Hỏi: Trong quyển sách “Những kiếp của tôi” (My Lives), nhân vật chính kể rằng khi ông ta tham khảo các cố vấn tâm linh của ông về quyết định sẽ đến hành tinh địa cầu, sự suy nghĩ của ông phần nào không minh mẫn và điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình quyết định. Phần nào ông đã hình thành một mặc cảm rằng mình là cứu tinh. Con chỉ thắc mắc không biết tiến trình của Giê-su là thế nào khi thày tham khảo các cố vấn của thày để lấy quyết định tới địa cầu? Lúc đó thày có minh mẫn hơn nhân vật trong sách hay không, hay là thày cũng bị bối rối khi phải cân nhắc việc đầu thai lần đầu tiên trên địa cầu? Ngoài ra, liệu Giê-su có tính viết một cuốn sách kể lại hành trình cư ngụ trên trái đất cùng những biến cố chính trong suốt các kiếp sống mà thày đã sống qua kể từ khi thày hiện thân lần đầu tiên cho tới khi thày thăng thiên?
Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels trong một hội nghị tại Hòa Lan năm 2018. Đăng ngày 11/9/2019.
Điều ta muốn con rút tỉa từ cuốn sách “Những kiếp của tôi” và cũng là điều ta muốn nói ở đây, đó là: Hành tinh địa cầu là một phương tiện giáo dục. Có nghĩa là tất cả mọi người đã hiện thân vào cõi vật lý đã có nhu cầu học hỏi một điều gì đó qua sự kiện họ đến đây. Những chuyện kể về nhân vật chính trong sách không chỉ là câu chuyện về một dòng sống, mà là một tập hợp những suy nghĩ trăn trở của nhiều avatar về những động lực đã thúc đẩy họ đến địa cầu. Con cũng hiểu là một avatar không bắt buộc phải đến địa cầu bởi bất kỳ một nguyên do nghiệp chướng nào, mà đã chọn lựa đến đầu thai ở đây. Tất cả chúng ta, kể cả chính ta, là avatar đến đây đã mang một động lực mà chúng ta coi là hoàn toàn nhân từ, mà thật vậy trong một nghĩa nào đó, động lực đó hoàn toàn nhân từ.
Tuy nhiên chúng ta cũng có một cái nhìn có phần thiếu cân bằng, chúng ta có một số khía cạnh của mặc cảm cứu tinh. Đây là điều mà mỗi chúng ta cần phải học hỏi như nhân vật trong sách mô tả, là ông ta nhận ra rằng ông phải buông bỏ mặc cảm đó và hiểu rằng ông không đến đây để thay đổi một ai. Tất cả chúng ta phải kinh qua tiến trình này để rốt cuộc nhìn trái đất với tất cả những khuyết điểm, tất cả những khổ đau của nó để ngộ ra là mình sẽ hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết. Con nhận ra là con không ở đây để thay đổi bất cứ ai, con chỉ ở đây để thay đổi chính con mà thôi. Tất nhiên, con cũng nhận ra là khi con ở đây và làm tất cả những chuyện này, khi con thay đổi chính mình, thì con cũng làm gương cho người khác noi theo nếu họ muốn.
Con phải đạt tới một điểm khi mà để thăng thiên, con phải làm hòa với quyền tự quyết, với khái niệm tự quyết, với cách quyền tự quyết được phép tương tác và diễn ra trên một hành tinh như địa cầu. Con có khả năng nhìn thẳng vào tất cả sự đau khổ mà không bước vào một phản ứng động cảm, và con nhìn xa hơn những nỗi đau khổ để thấy rằng đó là cách duy nhất mà quyền tự quyết có thể diễn ra. Vì khi con người xuống thấp hơn một mức tâm thức nào đó, họ sẽ phải trình diễn tâm thức đó cho tới khi họ chán ngấy. Không những chỉ chán ngấy sự đau khổ (điều này nhiều người chán ngấy rất nhanh) mà họ chán ngấy cả cái tâm thức đã đem lại đau khổ.
Vậy con đạt đến một điểm khi con thực sự làm hòa với địa cầu như địa cầu đang là, và con thực sự cảm nhận được cho dù con đã đến địa cầu để đem lại thay đổi tích cực, bây giờ con có thể rời địa cầu cho dù con chưa đem lại được thay đổi đó.
Đây là một tiến trình mà tất cả chúng ta đều phải kinh qua. Trong một nghĩa nào đó, con có thể nói rằng tất cả chúng ta đều có một phiên bản riêng về mặc cảm cứu tinh, bởi vì nếu không thì chúng ta đã không tình nguyện đầu thai ở đây. Cho nên tất cả chúng ta phải học cách vượt qua, và nhìn thấy điều gì đã thúc đẩy mỗi chúng ta đi đến phán đoán là trên địa cầu có những điều không ổn cần thay đổi.
Một lần nữa, đây là một vấn đề tế nhị vì hiển nhiên trên địa cầu có rất nhiều khổ đau. Đương nhiên nhiều người bị cuốn trôi vào trong đó và đã không chọn lựa bước vào đó một cách ý thức – họ đã chọn lựa một cách vô thức. Dù sao thì quyền tự quyết vẫn là quyền tự quyết. Cho nên mặc dù chúng ta có thể đến đây và thắp lên một ngọn đèn trong bóng tối, nhưng chúng ta không thể thao túng người khác để họ phải chấp nhận ngọn đèn của chúng ta vì lợi ích của họ.
Về việc viết một cuốn sách kể ra chi tiết mọi kiếp đầu thai của ta, ta không có ý định này ngay bây giờ, một phần là vì tất nhiên ta đã sống qua rất nhiều kiếp và kể lại hết sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm được trong một cuốn sách. Phần khác là vì ta không muốn đặt quá nhiều trọng tâm vào bản thân mình ngoài những điều đã làm. Thật sự mục đích của cuốn sách “Những kiếp của tôi” là để làm xẹp bớt sự sùng bái thần tượng chung quanh con người của ta mà các giáo hội Cơ đốc giáo và ngay cả nhiều người trong các cộng đồng Thời mới vẫn có. Chúng tôi muốn đưa ra cho mọi người một lời dạy để giúp họ ngưng sùng bái chứ không sùng bái nhiều hơn.