Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 11/3/2014.
TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto, và thày đến trao cho con chìa khóa để hiểu các khai ngộ ở cấp thứ nhì sau khi con bắt đầu tiến trình khai ngộ trong khóa nhập thất Tia sáng thứ Hai. Cấp đầu là khi con sử dụng minh triết qua Tia thứ Nhất của uy lực, và theo lẽ tự nhiên, cấp thứ nhì là sử dụng minh triết qua Tia thứ Hai của minh triết. Vậy thì đây là một liều minh triết nhân đôi. Khai ngộ con đi qua ở cấp này là con cần học thêm về minh triết có thể được sử dụng và lạm dụng như thế nào.
6.1. Minh triết không phải là một cuộc tranh tài
Thày có nói với con là các thày sắp xếp các học viên vào nhiều nhóm, xong để yên cho họ dùng minh triết để khống chế lẫn nhau cho tới khi chán chê. Ở cấp kế tiếp này, các thày lại xếp mọi người vào từng nhóm, nhưng bây giờ thày đưa ra một vấn đề cụ thể, rồi để họ nghĩ ra những luận cứ ủng hộ hay chống đối vấn đề. Một lần nữa, thật là đáng kinh ngạc khi thấy nhiều học viên háo hức muốn chứng tỏ là mình khôn ngoan, biện luận giỏi giang đến chừng nào. Trên địa cầu, con đã bị lập trình đến độ con tưởng rằng cuộc sống là một cuộc tranh đua. Nếu con khai ngộ trong Tia thứ Hai của minh triết thì nhất định phải có một cuộc tranh đua để xem ai là người minh triết nhất, ai là người có lý lẽ hay nhất, thuyết phục nhất. Thế nhưng tại khóa nhập thất Royal Teton, mục đích của các thày khác hẳn. Các thày không tìm cách dạy đệ tử đưa ra lập luận hay ho nhất địa cầu, mà tìm cách giúp họ thăng vượt chính cái trạng thái tâm thức tin rằng có một lập luận tối hậu.
Con thử nghĩ xem con đã bị lập trình như thế nào bởi các cơ chế của thế gian này, đặc biệt là các cơ quan tôn giáo và giáo dục. Con đã bị lập trình để suy nghĩ rằng phải có một minh triết tối hậu ở đâu đó, một tiêu chuẩn tối hậu qua đó tất cả mọi thứ đều được đo lường. Bất cứ gì không phù hợp với minh triết tối hậu đó phải sai lầm và cần bị phán xét.
Bất cứ ai đồng ý với minh triết sai lầm đó cũng phải bị phán xét y như vậy, thể theo bất kỳ hệ thống tin tưởng nào mà họ đã chọn và chấp nhận. Chẳng hạn, nếu con là một tín hữu đạo Cơ đốc, con sẽ bảo những ai không đồng ý với phiên bản minh triết của con chắc chắn phải là phản Ki-tô. Họ chắc chắn thuộc về ác quỷ, xứng đáng bị đày xuống địa ngục. Thượng đế muốn họ xuống địa ngục. Ít ra Thượng đế muốn họ cút khỏi địa cầu, và rất có thể ngài sẽ cần con giúp một tay để tiêu trừ họ biến khỏi mặt đất.
Đã bao nhiêu lần con thấy khuôn nếp này tái diễn trong lịch sử? Có bao nhiêu nơi trên thế giới ngày nay con thấy người ta tin là mình có một dạng minh triết cao trội hơn, và nó cho phép mình, bắt buộc mình, phải giết hại đồng loại? Có bao nhiêu nơi tại phương Tây, tuy con không thấy nhiều người sẵn lòng giết hại nhau, nhưng con vẫn thấy những kẻ trong giới học thuật sẵn sàng tranh luận và tranh luận và tranh luận, cốt là để hủy hoại về mặt tâm lý những ai không chịu chấp nhận hiểu biết của mình là hơn trội?
6.2. Khai ngộ thứ nhì trên Tia thứ Hai
Điều xảy ra với các nhóm tại khóa nhập thất Royal Teton là các thày để yên cho mọi người tranh cãi cho tới khi họ ngán ngẩm, chán ngấy chuyện cãi nhau. Các thày quan sát từng nhóm. Các thày thấy rõ khi có những cá nhân ngày càng giữ im lặng nhiều hơn. Thay vì năng nổ bày tỏ minh triết của mình, giờ đây họ im lặng. Họ ngồi đó, họ lắng nghe, họ quan sát. Các thày thấy được tâm họ đang bắt đầu mở ra. Họ bắt đầu tự hỏi làm thế nào mà dường như ai nấy không thể nào giải quyết một cuộc thảo luận hay tranh cãi. Làm thế nào mà mặc dù lời biện luận được xây dựng hay ho biết mấy, luôn luôn có cách dựng lên một lời phản biện đối chọi lại? Làm thế nào người ta có thể bám giữ lý lẽ của mình mà không sao nhìn được bất cứ gì khác? Hay có chăng một điều gì vượt khỏi những lý lẽ đó mà người ta cần nhìn thấy?
Và đúng vậy, con yêu dấu, đây là lúc các đệ tử khởi sự mở tâm ra với bước khai ngộ kế tiếp. Ở điểm này, các thày đưa một số học viên ra ngoài. Các thày vẫn để yên cho những ai muốn tiếp tục cứ việc tranh luận mãi trong nhóm, và bây giờ lại có thêm người mới nhập vào, những dòng sống vừa mới đến nhập cuộc tranh luận, và chuyện này cứ tiếp diễn cho đến khi chính họ cũng chán ngấy. Đối với những đệ tử đã bắt đầu mở tâm ra, các thày dẫn họ vào một lớp học đặc biệt có một màn hình lớn để các thày chiếu lên cho họ thấy những gì xảy ra ở tầm mức năng lượng. Các thày có thể cho họ thấy rõ những gì thực sự xảy ra trong năng trường của họ khi họ hăng say tranh luận. Các thày có khả năng minh họa để họ nhìn thấy tận mắt cách ánh sáng tuôn chảy như thế nào từ Hiện diện TA LÀ của họ vào bốn thể phàm. Xong các thày cũng cho thấy các thày có thể phóng ra một xung lực minh triết đặc thù từ cõi thăng thiên vào tâm của một đệ tử nhất định. Qua họa đồ và hình ảnh, các thày cho thấy hình dạng của xung lực, cũng như sự cấu tạo của xung lực gồm những thành phần ví như các dạng kỷ hà lý tưởng mà nhà hiền triết Plato đã có giảng dạy.
Đây là những hình kỷ hà cơ bản, không đến nỗi đơn giản như hình tam giác, hình vuông hay hình tròn, mà phức tạp hơn. Khi con ngắm chúng với thị giác, con có thể thấy được vẻ đẹp, sự hài hòa, sự cân bằng, và con thấy chúng có khả năng tương tác với bất kỳ hình kỷ hà nào khác ở tầm mức thuần khiết mà không phá hủy, không triệt tiêu, và cũng không tạo ra mô hình giao thoa tiêu cực nào. Các thày giờ đây có thể chỉ rõ bằng họa đồ chuyện gì xảy ra khi xung lực minh triết cấu tạo bằng hình kỷ hà thuần khiết đó đi xuống thể bản sắc của một đệ tử. Các thày minh họa chính xác chuyện gì xảy ra khi hình thuần khiết của minh triết bắt đầu tương tác với hình kỷ hà trong thể bản sắc của đệ tử. Tất nhiên, những hình dạng này được định đoạt bởi mức tâm thức của đệ tử. Và vì mức tâm thức này không được cao lắm do bản chất người đệ tử đang được khai ngộ, cho nên hiển nhiên sẽ có một hiện tượng giao thoa được thiết lập giữa các hình kỷ hà trong bản sắc thể của đệ tử với các hình dạng trong xung lực thuần khiết của minh triết.
Điều này có nghĩa là ngay từ trong thể bản sắc, xung lực minh triết nguyên thủy đã bị phần nào chặn nghẽn, phần nào bóp méo. So với thuần khiết ban đầu, con sẽ khó lòng nhận ra được cái đi xuống trí thể của đệ tử. Các thày cho thấy cái đi ra từ bản sắc thể xuống trí thể và bắt đầu tương tác với hình kỷ hà được lưu trữ nơi đây. Một lần nữa, sự tắc nghẽn, giao thoa, bóp méo lại xảy ra. Rồi các thày cho thấy cái đi ra từ trí thể xuống cảm thể, và cũng vậy, xung lực lại bị pha loãng, biến đổi thêm. Khi cuối cùng xung lực đi vào tâm ý thức của con thì nó đã bị pha loãng đến độ gần như không còn dính dáng gì đến xung lực thuần khiết ban đầu nữa.
Khi các học viên lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt điều đó, họ luôn luôn bị sốc. Họ bị sốc là mình không có khả năng vận chuyển một xung lực minh triết thuần khiết qua bốn thể phàm của mình để ít ra tâm ý thức còn bắt được một vài đặc tính của xung lực nguyên thủy. Mục đích của các thày không phải là để gây sốc cho con. Chấn động của con chỉ đơn giản là thực tế không thể trốn chạy rằng tâm con đã bóp méo đến chừng nào những gì được gửi xuống từ Hiện diện TA LÀ và cõi thăng thiên. Ở mức này của đường tu, sự biến dạng thật to lớn, cho nên cú sốc của con cũng to lớn như thế.
Tất nhiên, các thày sẽ giúp đệ tử đương đầu với cảm giác kinh ngạc này, vì các thày muốn nói rõ là điều đó hoàn toàn tự nhiên, và họ không có gì thua kém phần còn lại của nhân loại. Thật ra thì họ vượt trội hơn, vì tâm họ đã mở rộng hơn đa số mọi người trên trái đất. Tâm họ mở rộng hơn để hộp tư duy của họ có thể được thách thức và khuếch trương.
6.3. Vai trò của con làm biến dạng minh triết như thế nào
Mục đích thực sự của bài thực tập nói trên là để con thấy trên địa cầu không có minh triết nào là cao siêu hơn. Đầu tiên, các thày chỉ cho con thấy trong thể bản sắc là con đã khoác lấy một ý niệm bản sắc nào đó. Các thày đã từng nói đến tiến trình đầu thai và so sánh nó với tiến trình bước vào một nhà hát, mặc lên một bộ trang phục cùng với trang điểm để đóng một vai nhất định trong một vở kịch. Đây là điều xảy ra ở mức bản sắc. Đôi khi trong quá khứ, và thường thì trong quá khứ rất xa xôi, con đã nhìn vào các điều kiện đương thời của địa cầu, và mặc dù các điều kiện này thật bất toàn, con cũng đã quyết định khoác lấy một vai trò nhất định, một ý niệm bản sắc nhất định. Vai trò mà con đảm nhận khá phức tạp, nhưng để minh họa cho điều mà thày muốn giải thích ở đây, hãy cho phép thày giản dị hóa phần nào.
Giả dụ như vào thời trung cổ, con quyết định khoác lấy vai trò của một người lính Thập tự chinh Cơ đốc giáo. Cho dù động cơ của con có là gì, con quyết định là con muốn trải nghiệm cuộc đời làm một người lính Thập tự chinh đi sang Đất thánh chiến đấu để giành lại thành Jerusalem khỏi tay người Hồi giáo. Khi con mặc vào bộ trang phục này trong thể bản sắc của con, có một số khía cạnh của vai trò đó đã được ấn định bất di bất dịch, được cho là đương nhiên và không thể đặt lại thành vấn đề. Điều quy định vai trò chiến binh Cơ đốc là con không được chất vấn những giáo điều và nhân sinh quan của Giáo hội Công giáo. Những điều này hoàn toàn không thể đặt lại vấn đề.
Nếu con, với tư cách là cái Ta Biết, đứng ra ngoài vai trò đó, con có thể thấy được là Giáo hội Công giáo chỉ đưa ra một cái nhìn về thực tại trong số nhiều cái nhìn khả dĩ, và cái nhìn đó không phải là minh triết tối hậu: nó có thể được tra vấn bằng nhiều cách. Nhưng khi con bước vào bộ trang phục đóng vai trò chiến binh Cơ đốc, con không thể thấy được điều đó nữa, y hệt như khi con đeo cặp kính màu vàng thì con không thể thấy được màu trời xanh dương. Cặp kính đã thay đổi những gì mắt con nhìn thấy. Và cũng vậy, vai trò mà con khoác vào nơi thể bản sắc cũng thay đổi cách con nhìn cuộc sống. Con không thể thấy khác được.
Tất nhiên trong tư cách là cái Ta Biết, con có khả năng nối kết lại với sự thật rằng con là sự nhận biết thuần khiết, con có thể tạm thời bước ra ngoài vai trò đã chọn và trải nghiệm một thực tại nhiều hơn là những gì con nhìn thấy từ trong vai trò. Nhưng nếu con không làm được vậy thì con sẽ – trong nghĩa đen – trải nghiệm cuộc sống xuyên qua phin lọc nhận thức của vai trò đó. Bất kỳ xung lực nào đến từ cõi thăng thiên qua trung gian Hiện diện TA LÀ cũng sẽ hoàn toàn bị bóp méo bởi những hình kỷ hà đã quy định vai trò. Trước khi bất kỳ xung lực nào từ Hiện diện TA LÀ đến được tâm ý thức của con, nó sẽ bị vai trò đó biến dạng đi, khiến tâm ý thức chỉ trải nghiệm một xung lực sẽ xác nhận và chứng thực thế giới quan mà con thấy xuyên qua phin lọc nhận thức của vai trò.
Một khi đệ tử bắt đầu nhận ra điều này, họ sẽ phần nào dễ thấy hơn sự kiện là không hề có một lập luận tối hậu nào. Họ hiểu ra tại sao họ thường không thể dùng lý lẽ với người khác, tại sao họ không thể thuyết phục người khác là mình đúng và người kia sai. Trở lại với ví dụ cuộc Thập tự chinh, một bên con có các chiến binh Cơ đốc, và bên kia là người Hồi giáo cũng đang chiến đấu một cuộc thập tự chinh để thiết lập tôn giáo mình là vượt trội. Trong cõi tâm linh, không hề có dòng sống nào là dòng sống Cơ đốc, và cũng không có dòng sống nào là dòng sống đạo Hồi. Không có một sinh thể nào ở cõi thăng thiên xem mình là Cơ đốc hay Hồi giáo. Làm tín đồ Cơ đốc hay tín đồ Hồi giáo chỉ là một vai trò được quy định trên trái đất, và vai trò này bắt đầu nơi cõi bản sắc. Con không thực sự là cái đó. Đó là một vai trò mà con đã bước vào, và một khi con bước vào thì con sẽ nhìn thế gian xuyên qua phin lọc nhận thức của vai trò.
6.4. Phin lọc nhận thức loại bỏ thông tin
Con yêu dấu, phin lọc nhận thức làm gì? Giả thử con có một bộ lọc đặt vào vòi nước trong bếp để lọc nước uống. Bộ lọc làm gì? Đúng vậy, nó chặn lọc một số thứ và để cho những thứ khác chảy qua. Đây chính là bản chất và chức năng của bộ lọc. Cũng vậy, khi con bước vào một vai trò trong thể bản sắc, con mang một bộ lọc sẽ chặn lại một số thứ và để cho những thứ khác đi qua. Ở mức này, các thày chỉ cho đệ tử thấy rằng do bản chất của phin lọc nhận thức, nó sẽ lọc ra tất cả những gì đi ngược lại vai trò.
Nếu con đã bước vào vai trò chiến binh Thập tự chinh Cơ đốc, phin lọc nhận thức của con sẽ lọc bỏ đi bất kỳ xung lực nào, hiểu biết nào, minh triết nào, sáng ngộ nào đi ngược lại thế giới quan của đạo Công giáo thời trung cổ. Nếu có ai đang đầu thai đưa ra lập luận, chẳng hạn, rằng đạo Cơ đốc không phải là tôn giáo chân chính duy nhất và đạo Hồi mới chân chính do tiên tri Mohammed đã nhận được thẩm quyền này kia nọ từ Thượng đế, thì con sẽ nghe được lập luận đó bằng tâm ý thức, nhưng khả năng để cứu xét lập luận đó sẽ hoàn toàn bị phin lọc nhận thức của con chi phối. Nếu con đã bước vào vai trò chiến binh Cơ đốc, con sẽ không thể cân nhắc một cách trung lập, khách quan. Con đã khoác vào một phin lọc nhận thức, nhưng nó không ngăn cản con nghe được lập luận, mà nó sẽ lọc bỏ ra mọi ý niệm rằng lập luận đó có thể hữu lý. Thậm chí, con sẽ không thể thấy bất kỳ giá trị nào trong lập luận vì mọi giá trị và tính chất xác thực của lập luận đã bị lọc ra. Con chỉ thấy được những điều sai sót mà thôi. Con chỉ thấy được là nó sai lầm, giả trá.
6.5. Sự vô ích của lập luận
Khi các thày đưa lên màn hình những gì xảy ra ở mức năng lượng khi hai chiến binh Cơ đốc và Hồi giáo đối đầu trong tranh luận, các học viên tương đối dễ dàng thấy được cả hai bên đều tham dự vào một chuyện hoàn toàn vô ích là cố thuyết phục, cải đạo lẫn nhau. Các thày cho thấy người đạo Cơ đốc đưa ra lập luận thuận Cơ đốc như thế nào. Các thày cho thấy ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của người đó bị lọc bỏ như thế nào xuyên qua các hình kỷ hà nằm trong bản sắc thể, và điều này tạo ra một cảm giác xác thực, chính đáng cho cái thế giới quan đã cấu tạo hình kỷ hà ở tầng bản sắc. Rồi các thày cho thấy khi chiến binh Hồi giáo đưa ra lập luận của mình, mặc dù chiến binh Cơ đốc nghe được từng lời nói với tâm ý thức, nhưng xung lực năng lượng đã thực sự bị lọc bỏ ở các tầng tình cảm, lý trí và bản sắc. Và cái đi xuống tâm ý thức là cảm nhận rằng lập luận kia hoàn toàn vô giá trị, bởi vì mọi ý niệm giá trị đã bị loại bỏ bởi phin lọc nhận thức.
Thật không có cách nào một bên có thể thuyết phục bên kia khi cả hai người đều ở mức tâm thức này, khi họ đều không có sự nối kết nào, kinh nghiệm nào về nhận biết thuần khiết. Điều này các đệ tử đều rất dễ thấy. Và vì thế, cũng rất dễ cho họ xét lại đời mình và thấy được họ đã đâm đầu vào những cuộc tranh cãi với người khác thường xuyên như thế nào. Trong nhiều trường hợp, đây không cứ là tranh luận về triết lý để xem hệ thống tư tưởng nào đúng hơn, mà nó có thể là chuyện cãi vã giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ, là khi con tranh luận về những vấn đề quan hệ và đời sống hàng ngày. Một lần nữa, các thày cho thấy chính phin lọc nhận thức khiến con tin rằng con tuyệt đối có lý, và nó cũng lọc bỏ mọi tính chất hữu lý trong lập luận của người kia.
Các thày cho con thấy là thực sự những loại thảo luận và tranh cãi như vậy không mang lại kết quả nào. Con chỉ sử dụng năng lực, thời gian và chú ý một cách vô ích mà thôi. Đó là tranh cãi để mà tranh cãi, và nó xuất phát từ tự ngã muốn có cảm giác an toàn tối hậu là được người khác cho mình là đúng. Tự ngã thèm khát muốn con nhảy vào những tranh luận như thế và cứ tranh luận hoài hoài, bởi vì đó là cách thức mà tự ngã và phàm linh trong tâm thức con được nuôi béo bằng năng lượng từ Hiện diện TA LÀ đã bị bóp méo và hướng vào tranh luận vô bổ.
Đây là một khai ngộ khó khăn đối với đa số đệ tử vì họ thấy rõ bao nhiêu năng lực, thời gian và chú ý đã bị họ phí phạm trong những tranh luận không có hy vọng đem lại thành quả xây dựng nào. Họ luôn luôn cảm thấy hối tiếc, ân hận vì nhận ra là mình chỉ có một lượng thời gian, năng lực và chú ý giới hạn khi mình đầu thai trong cõi vật lý. Cho nên tại sao lại đem dùng vào chuyện phù phiếm?
6.6. Làm thế nào thảo luận có thể đem lại ích lợi
Sau giây phút sự thật và hối tiếc bắt buộc phải xảy ra, các thày cho đệ tử thấy là, thật ra, các lý lẽ đưa ra đã không hoàn toàn vô ích. Việc đầu thai trên địa cầu trong hoàn cảnh hiện tại có nghĩa là con đảm nhận một vai trò, một trang phục nào đó. Con đã hoạch định để đóng vai trò đó cho tới khi con chán ngấy trải nghiệm đó và mong muốn một cái gì hơn. Trong hầu hết trường hợp, những vai trò hiện được quy định trên địa cầu đều có một khía cạnh không thể tránh là khiến con xung đột với người khác. Con cần kinh qua một lượng tranh cãi nào đó trước khi con chán chê rồi bắt đầu tra vấn vai trò của con. Nhìn rộng hơn, các cuộc biện luận đó đã không hoàn toàn lãng phí vì chúng đưa con ngày càng gần hơn tới điểm chán ứ, và khi đó con sẽ mở tâm ra một cách tiếp cận khác. Con sẵn lòng tra vấn cách tiếp cận của mình, tra vấn vai trò của mình, tra vấn phin lọc nhận thức của mình.
Liệu đây có phải là cách duy nhất để nhìn cuộc sống? Liệu việc liên tục tranh cãi với người khác có thực là cách sống duy nhất? Liệu tranh luận có là một chức năng của cách tôi nhìn cuộc sống? Nếu tôi đã chán tranh luận với người khác, có phải cách duy nhất để thoát khỏi trạng thái này là tôi khởi sự nhìn vào chính mình, khởi sự tra vấn cách nhìn đời của mình, phin lọc nhận thức của mình?
6.7. Vai trò của con thu hút người khác cùng các trải nghiệm
Các thày cũng có thể chiếu lên màn ảnh một loại bản đồ, như thày đã từng đề cập, nơi con có thể nhìn vào trái đất, và như một bức ảnh chụp từ vệ tinh về đêm, con thấy những khu vực có nhiều ánh đèn là các thành phố lớn và vùng phụ cận. Các thày có thể cho thấy sự nối kết năng lượng giữa mọi con người, và con thấy là con sẽ thu hút những ai có cùng mức tâm thức như con, cùng vai trò như con.
Nếu con đã đảm nhận một vai trò được ấn định là đối lập với ai đó, chắc chắn con sẽ thu hút những người như vậy trong đời con. Nếu con đã khoác lấy vai trò người chiến binh Cơ đốc, hiển nhiên vai trò này được định ra để chống lại một người đạo Hồi. Vai trò sẽ không thật nghĩa lý gì nếu không có ai làm đối thủ. Rất nhiều những vai trò mà con tạo ra hôm nay phức tạp hơn hẳn, tinh tế hơn hẳn, nhưng ngay trong bản chất, chúng đã chứa sẵn một đối thủ nào đó sẽ chống lại con, để con có dịp tranh luận với họ và cãi qua cãi lại.
Miễn là con còn ham muốn trải nghiệm này thì thật chẳng có gì sai trái cả. Nhưng một khi con đã chán ứ trải nghiệm đó, cách duy nhất để con thoát ra là con bắt đầu chất vấn xem con có thực sự cần đóng vai trò đó mãi hay không, hay con là cái gì nhiều hơn vai trò, và do đó con có thể bắt đầu bước ra khỏi vai trò và nhìn cuộc sống khác hơn.
6.8. Cuộc thập tự chinh để chứng thực tự ngã
Tới đây, đệ tử có thể bước đến một khúc ngoặt quan trọng trên đường tu. Con có thể bắt đầu đặt vấn đề liệu con có thực sự và thực lòng mong muốn tiếp tục cuộc thập tự chinh để chứng thực tự ngã của mình hay không. Trong nhiều trường hợp, cuộc thập tự chinh để chứng thực tự ngã này đã được ngụy trang như lòng vị tha để phục vụ cho một chính nghĩa cao cả nào đó. Trong một số lời dạy khác, các thày đã có nói đến tư duy cuồng đại. Giê-su, bào huynh yêu dấu của thày, đã viết một quyển sách thật thâm sâu về kịch tính của tự ngã, và cách mà tư duy cuồng đại tạo ra bi kịch với người khác như thế nào [Xem quyển Freedom from Ego Dramas]. Các thày có thể cho đệ tử thấy là trong nhiều trường hợp, chính họ có thể sử dụng một giáo lý tâm linh, thậm chí giáo lý của chân sư thăng thiên, trong cuộc thập tự chinh để thuyết phục người khác là giáo lý của mình đúng đắn. Khi con nhìn vào sâu hơn, con sẽ thấy đây chỉ là một cải trang, một ngụy trang của tự ngã muốn chứng thực chính nó.
Ở giai đoạn này, điều cần thiết là cho học viên thấy là họ có thể dùng cả lời dạy của chân sư thăng thiên để tiến hành cuộc thập tự chinh chứng thực tự ngã. Không có một học viên nào ở mức này đã không từng làm chuyện đó, sống qua chuyện đó. Việc con kinh qua giai đọan này là điều hoàn toàn tự nhiên. Khi đệ tử sẵn sàng với mức khai ngộ này, các thày có thể cho thấy là điều này hoàn toàn tự nhiên ở mức hiện thời của con trên đường tu. Khi lần đầu tiên con tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên, việc con trở nên nhiệt tình là chuyện hoàn toàn tự nhiên, phải phép.
Thật vậy, giáo lý của chân sư giải thích nhiều điều không được các tôn giáo chính mạch hay các triết lý duy vật giải thích, và do đó hiểu biết của con đã tăng thêm. Con thấy được nhiều điều mà trước đây con không thấy. Con tìm được nhiều lời giải đáp. Thật là tự nhiên khi ở khởi đầu, con nức lòng đến độ con ước gì ai ai cũng hiểu ra được như con thì có phải địa cầu này sẽ cải tiến biết mấy? Một số vấn nạn sẽ biến mất, và sẽ có hòa bình, thông cảm lớn hơn giữa loài người.
Điều quan trọng là con hiểu được cảm nhận đó của con không hoàn toàn sai đâu. Nếu mọi người trên trái đất mà chấp nhận một lời dạy của chân sư thăng thiên, thì quả là sẽ có sự thông cảm, cộng tác và hòa bình rộng lớn hơn. Chuyện đó không thành vấn đề; tuy nhiên, điều mà các thày muốn chỉ ra cho học viên ở mức này là khi con tham gia vào các cuộc tranh luận mà thày đã minh họa cho con, ngay cả giáo lý của chân sư thăng thiên cũng sẽ không thuyết phục được người khác để họ đi ngược lại phin lọc nhận thức của họ. Giáo lý của chân sư thăng thiên sẽ không hiệu nghiệm hơn giáo lý của Hồi giáo để thuyết phục một chiến binh Cơ đốc, bởi vì giáo lý của chân sư thăng thiên, mặc dù chứa đựng nhiều minh triết và xác thực hơn mọi giáo lý khác hiện có mặt trên địa cầu, vẫn được diễn đạt bằng ngôn từ.
Đây là điểm thày đã đề cập trong bài giảng trước. Ngôn từ chỉ là ngôn từ. Ngôn từ cần được diễn giải, và khi con diễn giải một số lời nói xuyên qua phin lọc nhận thức của con, phin lọc sẽ lọc bỏ đi tính xác thực của bất cứ lời nào đi ngược lại thế giới quan của con – bất kể lời đó đến từ cõi thăng thiên hay từ Kinh thánh, kinh Koran, hay từ một khám phá hay báo cáo khoa học nào. Phin lọc nhận thức sẽ lọc bỏ tính xác thực của bất kỳ lập luận nào đi ngược lại phin lọc cũng như vai trò đã định ra phin lọc.
6.9. Làm thế nào đệ tử vượt qua phin lọc nhận thức
Thật là tuyệt vời cho một vị thày khi các đệ tử cuối cùng hiểu ra được điều này, thực sự nắm bắt được sự thật này! Con có thể thấy họ trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân. Thay vì mang trọng trách phải thay đổi thế giới bằng cách cải hóa mọi người, giờ đây họ có thể bắt đầu buông xả cái ách nặng nề mà các sa nhân cùng thày giả đã đeo lên cổ họ. Nhiều đệ tử tưởng cái ách này là do các chân sư thăng thiên áp đặt. Họ tin là chính các thày đã muốn họ đi khắp nơi để cải hóa mọi người theo lời dạy của chân sư, chính các thày muốn họ đi khắp nơi đấu tranh hầu chứng tỏ rằng các giáo lý và tư tưởng khác đều lầm lẫn. Khi đệ tử cuối cùng hiểu ra và chấp nhận đó không bao giờ là mục tiêu của các thày, thì con thấy họ bỗng nhiên đứng dậy thẳng hơn. Họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Họ nhìn lại đời mình và chợt hiểu: “Ồ, tôi có bao giờ phải làm tất cả những chuyện đó đâu. Không phải là các chân sư muốn tôi kinh qua tất cả những tranh luận và xung đột đó, mà chỉ là tự ngã và các thày giả.”
Đó là lúc họ bắt đầu có cái nhìn khác về các thày. Như thày đã nói trong bài giảng trước, con không nhìn thày như TA LÀ. Khi con nhận ra là thày không là vị thày muốn con đi khắp nơi giao chiến vì quan điểm và dùng giáo lý chân sư để đập phá thành trì kiên cố bao quanh tâm mọi người, thì con mới bắt đầu có mối quan hệ khác hơn với thày. Gần như đây là lần đầu tiên đệ tử có thể nhìn thày với tâm cởi mở. Con có thể thấy có gì đó vừa bật lên trong tâm họ, và họ nghĩ: “Thật cái ông chân sư Lanto này là ai đây?”
Họ nhận ra là cho tới giờ, họ vẫn nhìn thày xuyên qua một phin lọc. Họ vẫn nghĩ rằng bằng cách nào đó, thày đang cố ép họ phải làm gì đó, thày đang muốn họ làm gì đó. Bây giờ họ có thể cởi bỏ cái phin lọc đó ra và nhìn thày trong nhận biết trung hòa hơn. Và tất nhiên, đây chính là giây phút mà thày chờ đợi. Như mọi chân sư thăng thiên khác, thật là điều tự nhiên khi thày muốn chia sẻ Hiện diện của thày. Thày luôn luôn vui mừng, hạnh phúc và biết ơn khi có dịp chia sẻ một biểu thị trọn vẹn hơn của Hiện diện của thày cho một đệ tử hay một nhóm đệ tử.
6.10. Nhập vào kết hợp với vị thày
Làm thế nào con vượt qua khai ngộ của Tia sáng thứ Hai? Không phải bằng cách ngồi nghe thày nói như thể thày là một ông giáo đứng trên bục dạy dỗ con bên dưới. Con sẽ vượt qua khai ngộ của Tia thứ Hai bằng cách nhập vào kết hợp với thày. Con không thể kết hợp với thày khi con còn nghĩ thày đang bắt ép con, rằng con phải làm một số việc vì thày khắt khe. Tại sao con lại muốn kết hợp với một thày giáo như thế? Tại sao con muốn kết hợp với bất kỳ thày giáo nào?
Khi các học viên lần đầu tiên đến khoá nhập thất của thày, họ thực sự không đến với một thái độ khả dĩ có thể học được từ thày. Họ đến với nhu cầu khống chế người khác bằng minh triết. Con có nghĩ là họ chỉ làm chuyện này với các học viên khác thôi? Không đâu, con sẽ ngạc nhiên khi con biết có bao nhiêu học viên đến khóa này với mong muốn lôi kéo thày vào một cuộc tranh luận. Họ có định kiến trước về thày phải như thế nào trong cương vị Thượng sư của Tia thứ Hai, rằng Tia thứ Hai phải như thế nào, minh triết của Tia thứ Hai phải như thế nào, minh triết tối hậu phải như thế nào. Họ thường nhảy vào tranh luận để cố chứng minh những điều đó cho thày – đúng hơn, họ tranh luận một mình, bởi vì thày không tham dự vào chuyện đó. Hoặc thày sẽ giữ im lặng, và điều này sẽ khiến họ bực mình, hoặc thày cố vô hiệu hóa những câu hỏi của họ, sự phóng chiếu của họ, bằng cách đặt ra một câu hỏi.
6.11. Giảng dạy bằng cách đặt câu hỏi
Hẳn con cũng biết nhà hiền triết Hy lạp cổ Socrates nổi tiếng vì ông không thực sự giảng dạy, mà ông chỉ đưa ra câu hỏi nhằm giúp học trò làm sáng tỏ quan điểm và chất vấn định kiến của chính mình. Socrates đã không phát minh ra phương pháp này, vì nó đã được các chân sư của Tia thứ Hai sử dụng từ rất lâu đời, và tất nhiên tất cả các tia sáng khác cũng đã sử dụng, bởi vì luôn luôn có một phin lọc nhận thức cần được chất vấn, phải không con?
Và tất nhiên, các thày cũng có một số đệ tử ở cấp thứ nhì (minh triết và giác ngộ) muốn tranh luận với thày ở một mức nào đó vì họ nghĩ thày đang áp đặt một số hạn chế lên họ, một số điều mà họ phải tuân thủ. Họ háo hức muốn cho thày thấy họ minh triết đến chừng nào, họ giỏi dùng lý lẽ đến chừng nào, họ giỏi bẻ cong một ý tưởng hay một hệ thống tin tưởng đến chừng nào, hầu chứng thực chính họ và tự ngã của họ.
Tất nhiên, điều này khiến thày không thể dạy họ bất cứ điều gì. Họ đang cố dạy dỗ thày, nhưng hiển nhiên là họ chưa thăng thiên, phải không? Thật có ít hy vọng là thày sẽ học được điều gì đó từ họ mà thày chưa trải qua trong quá trình tu tập để hội đủ tư cách thăng thiên. Một học viên cần nhiều thời gian để nhìn ra lập luận chỉ là lập luận, ngôn từ chỉ là ngôn từ, và lời nói không bao giờ đem lại thành quả quyết định. Điều này khiến học viên nhận ra: “Nhưng tôi chỉ đang tranh luận. Tôi đang tranh luận với người khác. Thậm chí tôi tranh luận cả với thày, nhưng nó không bao giờ dẫn tới một kết quả dứt khoát nào cho tôi, vì nó không khiến tôi chuyển dời tâm thức mình lên một mức cao hơn. Tôi không đang nhảy vọt từ mức hiện thời lên mức kế tiếp. Thật ra, tôi càng tranh luận thì sẽ càng khiến cho mức tâm thức hiện tại của mình đặc cứng lại.”
6.12. Các thày thăng thiên không muốn trội hơn
Khi đệ tử nhận ra điều này, có một sự chuyển đổi, và đây là lúc họ bắt đầu nhìn thày một cách mới. Họ hiểu ra: “Chân sư Lanto thật không đang tranh luận với tôi. Thày thật không đang cố thuyết phục tôi bất cứ điều gì. Thày không đòi hỏi tôi phải chứng minh là tự ngã của mình đúng, chứng minh thế giới quan của mình đúng. Thày đang làm gì nhỉ? Thày là loại sinh thể gì nhỉ?” Đó là lúc đệ tử có thể khởi sự vượt ra ngoài cái nhìn truyền thống của địa cầu về ý nghĩa của một vị thày. Họ nghĩ là thày phải đứng đó trên bục cao trong lớp học và dạy dỗ học trò ở bên dưới. Và thày sẽ trao truyền cho họ những kiến thức mà họ sẽ nhận lấy, sẽ ghi nhớ và đọc lại thuộc lòng cho thày – và nhờ vậy họ sẽ được điểm cao.
Thày giáo trên địa cầu làm gì chứ? Phải, đa số thày giáo trên địa cầu trở thành thày giáo vì họ muốn cảm thấy trội hơn học trò. Họ tham gia vào việc giảng dạy để chứng thực tự ngã của mình. Những gì họ dạy cho học trò – những ý tưởng, niềm tin, kiến thức mà họ dạy – cũng là một tiến trình vĩ đại nhằm chứng thực một số hệ tư tưởng nào đó trên địa cầu. Một thày giáo tại chủng viện Công giáo sẽ tìm cách minh chứng thế giới quan Công giáo. Một giáo sư đại học sẽ tìm cách minh chứng thế giới quan duy vật – thường thường là vậy. Đây là chuyện chứng thực tự ngã được đưa lên quy mô toàn cầu, nhưng nó vẫn là nó thôi: sự chứng thực tự ngã. Nếu con loại bỏ đủ số bằng chứng đi ngược lại tự ngã thì con luôn luôn có thể chứng minh là tự ngã của con đúng, phải không?
Đây là điều các đệ tử bắt đầu nhìn ra, và khi họ bắt đầu nhìn ra, họ cũng nhận ra là thày không phải là loại thày đó! Thày không có nhu cầu chứng thực chính mình. Thày không có nhu cầu chứng thực một giáo lý nào đó được biểu đạt bằng ngôn từ. Thày muốn đưa đệ tử lên mức kế tiếp hầu đệ tử không còn tham gia vào tranh luận với mục đích chứng thực tự ngã, vì đệ tử nay đã gắn chặt mình vào việc sử dụng minh triết một cách cao hơn, là cách dựa trên tình thương. Có thể có một tình thương đối với người khác, nhưng cũng có thể có một tình thương đối với minh triết, không phải một cách biểu đạt nào đó bằng ngôn từ, mà một sự phối hợp tinh vi những hình dạng kỷ hà thuần khiết.
Cho tới giờ, các đệ tử chỉ mới nhìn thấy được minh triết biểu đạt bằng lời, nhưng khi họ bắt đầu thấy được mọi tranh luận bằng lời đều vô ích thì một lúc nào đó, ít ra họ sẽ thấy thoáng hiện ra minh triết vượt khỏi mọi lời nói, minh triết của những hình dạng kỷ hà thuần khiết. Khi đệ tử nhìn ra được như vậy, con sẽ thấy mắt họ sáng lên. Ồ, bây giờ, ngay bây giờ, họ vừa chạm được gấu áo của vị thày! Ngay bây giờ họ vừa nhìn thấy rằng chân sư Lanto là nhiều hơn một thày giáo đang phun ra lời nói, lặp lại những lý lẽ và quan điểm định sẵn.
Thày là một vị thày hằng sống. Thày không đầy ắp những từ ngữ. Thày đầy ắp những hình dạng kỷ hà thuần khiết đang dâng lên sùng sục từ vùng sâu kín nhất của Bản thể thày, tựa như dòng suối dâng trào từ nguồn cội trái đất, là dòng nước thanh khiết, dòng nước mang lại sự sống, là nước hằng sống của minh triết! TA LÀ cái đó. TA LÀ chân sư Lanto! Con hãy cố bắt kịp ta.