Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/3/2014.
TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto. Thày được biết đến như là Ngài Lanto, và thật vậy, thày là Ngài hay Thượng sư của Tia sáng thứ Hai của Minh triết Thượng đế. Tuy nhiên, thày không muốn sử dụng tên “Ngài” vì nó đã bị lạm dụng bởi cả các phong trào thế tục lẫn một số phong trào tôn giáo trên địa cầu. Thày không phải là một vị chúa tể đứng trên đầu con. Thày không nhìn con như chính con nhìn con. Thày không nhìn chính mình như con nhìn thày.
Thày đã là một chân sư thăng thiên trong một thời gian rất dài nếu đo theo thời gian trái đất mặc dù trong thời gian vũ trụ thì chưa đầy một chớp mắt. Thày tự xem mình chỉ mới bước vào cõi tâm linh, cho dù nếu đo theo thời gian của trái đất thì đó là một thời gian rất dài. Do đó, thày đã thăng tới mức tâm thức Phật, và ở mức này, thày thấy được thực tại mà thày Gautama đã giảng dạy rằng tất cả đều là Phật tánh.
Thày thấy Phật tánh nơi chính mình, và khi thấy Phật tánh nơi chính mình, thày cũng thấy Phật tánh nơi con, cho dù con chưa thấy được. Cho nên mục đích của thày, mục đích duy nhất của thày, là đánh thức con đến mức con cũng thấy được Phật tánh nơi con, Phật tánh nơi tất cả mọi thứ bao quanh con, và cả Phật tánh nơi thày, hầu con biết được rằng thực sự chúng ta là bình đẳng, như mọi sinh thể tự nhận biết đều bình đẳng trong thực tại của ánh sáng Minh triết Thượng đế.
4.1. Minh triết tối hậu
Thế nào là minh triết tối hậu? Con hãy nhìn xem từ bao thời đại, loài người đã cố đạt được minh triết, nhưng minh triết tối hậu là thấy mọi sự sống là một, thấy tất cả đều là Phật tánh, và vì thế, sự khác biệt trong hình tướng không có nghĩa là khác biệt về giá trị. Thế thì giá trị là một khái niệm hoàn toàn giả tạo được tạo nên bởi tâm, một cái tâm đã tách ra khỏi thực tại của minh triết, đã tạo ra ảo tưởng rằng nó tách biệt khỏi Phật tánh, rằng Phật tánh không ở nơi nó ở, rằng có một chỗ ở riêng biệt mà tâm tách biệt đã tạo ra và đóng chặt Phật tánh ra ngoài.
Tới một lúc trên con đường phát triển tâm linh của con, con sẽ thấy được sự nực cười của lời tuyên bố rằng có thể có cái gì tách riêng khỏi Phật tánh. Con sẽ thấy Phật tánh là tất cả và ở trong tất cả, và nếu không có Phật tánh thì không có tạo vật nào được tạo ra. Không gì có thể đứng riêng khỏi cái ở mọi nơi, cái vô điều kiện, cái thâm nhập tất cả. Tuy nhiên, thày hoàn toàn hiểu được là khi con đến khóa nhập thất của thày trên hành trình từ tầng tâm thức thứ 48 đến 96, con chưa thể thấy được điều này. Con chưa kinh nghiệm được Phật tánh, và tại sao chứ? Bởi vì con vẫn còn nhìn cuộc sống qua phin lọc nhận thức tương ứng với mức tâm thức hiện thời của con, và điều này tất nhiên cũng bình thường thôi.
4.2. Gỡ bỏ các phin lọc nhận thức của phản minh triết
Là một vị thày, vai trò của thày là giúp con đâm thủng tấm màn của phản minh triết, tấm màn do tâm tách biệt tạo ra, là tâm nhị nguyên, tâm của rắn, tâm sa ngã – hay bất cứ tên gọi nào mà con muốn gọi. Tất nhiên, các thày là chân sư thăng thiên chỉ dùng những từ đó vì các thày biết khi con còn sống trên địa cầu và nhìn mọi vật qua tâm đường thẳng, con cần một cái tên. Nhãn hiệu kỳ thực phát xuất từ tâm tách biệt. Còn các thày thì không cần đến nhãn hiệu, vì các thày kinh nghiệm thực tại của Phật tánh, là nhất tâm.
Các thày tức khắc có thể cảm thấy được khi có gì tách biệt khỏi tâm đó. Đối với các thày, tất cả những gì tách biệt, trong một nghĩa nào đó, đều giống như bóng tối vậy. Nó hoàn toàn không thực; nó hoàn toàn là một điều mà con cần vượt qua. Đối với các thày, không có chuyện đặt ra những ánh sắc đậm nhạt, những sự định giá cho rằng loại bóng tối này tốt hơn loại bóng tối kia. Cả hai đều không thực. Vì là ảo tưởng cho nên cả hai cần được bỏ lại.
Đó là vai trò của các thày. Để giữ vai trò đó, các thày cần phải đi vào, nhìn vào con, nhìn vào tâm trạng của con, nhìn vào phin lọc nhận thức đặc thù của con, nhìn vào các tin tưởng cốt lõi cấu tạo phin lọc nhận thức của con, rồi các thày cần xem đến cách giải quyết các tin tưởng đó. Khi con đạt đến một tầng tâm thức nào đó, con nhìn cuộc sống xuyên qua một phin lọc nhận thức, nhưng con có cho phép thày bàn sâu hơn không? Thày muốn gợi ý với con là khi con leo từ tầng tâm thức thứ 48 đến 96, ở mỗi bước mà con leo, con sẽ lột bỏ một phin lọc nhận thức cụ thể, một lớp vỏ cụ thể của phin lọc đó.
Khi con ở tầng 48, con nhìn cuộc sống qua những phin lọc nhận thức của tầng 48. Mỗi phin lọc trong số 48 phin lọc đó tượng trưng cho một bậc trên cái thang xoắn ốc của khai ngộ dẫn con từ tầng tâm thức thứ 48 đến 96. Thày không nói là khi con ở tầng 96, con sẽ không còn phin lọc nhận thức nào nữa, vì con sẽ khởi sự một tầng cấp mới nữa, một lớp vỏ nữa, khi con đi muốt 48 phin lọc nhận thức giữa tầng 96 và 144.
Sẽ rất hữu ích cho con nếu con biết – và chắc chắn con sẽ học được điều này khi con đến khóa nhập thất của thày – rằng vai trò, tiến trình mà con đi qua chính là sự lột bỏ từng phin lọc nhận thức một. Điều này sẽ giúp con hiểu, khi con ở một tầng tâm thức nào đó, rằng con không thể lập tức lột bỏ tất cả mọi phin lọc nhận thức mà con đang nhìn xuyên qua. Có thể là con còn 40 cái phin lọc mà con đang nhìn qua. Con không thể lột bỏ cả 40 cái đó cùng một lúc. Nếu điều này xảy ra, con sẽ mất đi ý niệm bản sắc của con, con sẽ mất hết phương hướng, con sẽ mất cảm giác liên tục, con sẽ mất ý niệm bản ngã của mình. Con không thể nào lập tức chuyển vọt từ một ý niệm bản ngã vô cùng phàm phu lên ý niệm về cái ta của cá thể trụ neo nơi Hiện diện TA LÀ của con. Điều này không thể làm được; con cần bước từng bước một, lột bỏ từng phin lọc nhận thức một.
Điều này tạo cho con một tinh thần kiên nhẫn, như thày Giê-su có nói: “Trong kiên nhẫn, con giữ được linh hồn mình.” Khi một đệ tử mới đến khóa nhập thất của thày để khởi sự tiến trình thăng thiên dưới sự hướng dẫn của Tia sáng thứ Hai, đệ tử đó thường phần nào thiếu kiên nhẫn. Đây là chuyện tự nhiên thôi, vì con vừa mới vượt qua các khai ngộ, bảy lớp khai ngộ, dưới sự chỉ đạo của chân sư MORE yêu dấu của thày cũng như của tia sáng thứ nhất của Uy lực và Ý chí Thượng đế. Con cần trau dồi một ý chí, một sự quyết tâm nào đó, con cần có một uy lực nào đó thì mới vượt qua được những khai ngộ đó. Điều này tự nhiên và cũng đúng đắn thôi, nhưng một trong những sáng ngộ quan trọng nhất mà con học được về đường tu tâm linh là con đường này có nhiều giai đoạn. Điều gì giúp con vượt qua một giai đoạn nào đó sẽ không giúp con vượt qua giai đoạn kế tiếp.
4.3. Thử thách tại khóa nhập thất Tia sáng thứ Hai
Thày có nhiều đệ tử đến với khóa Nhập thất tại Royal Teton nghĩ rằng họ có thể dùng uy lực đó để vượt qua các khai ngộ của Tia thứ Hai. Họ đã lấy trớn từ Tia thứ Nhất và họ nghĩ họ đã nắm vững uy lực đó. Họ tưởng sẽ chỉ là chuyện sử dụng quyền năng của mình, nghị lực của mình, động lượng của mình, quyết tâm của mình, rồi xông vào học hỏi và học hỏi cho đến khi mình tìm thấy quyển sách bí mật, sáng ngộ bí mật, minh triết bí mật, sẽ phóng mình lên điều ngự Tia thứ Hai. Hỡi con yêu dấu, đây quả là một thách đố cho thày. Theo một nghĩa nào đó, đúng là các thày mong muốn loại học trò như thế, háo hức học hỏi, háo hức cầu tiến, thế nhưng chính sự háo hức này sẽ khiến họ rất khó lòng tinh tiến hơn, đặc biệt trong Tia thứ Hai của Minh triết Thượng đế.
Thách đố lớn mà các thày phải đối mặt trong tư cách là chân sư thăng thiên chính là sự kiện các thày đã thăng thiên. Các thày đã gỡ bỏ mọi phin lọc nhận thức của con người trên địa cầu. Các thày đã vươn lên một giai đoạn tâm thức cao hơn. Các thày phải đối diện với một thách thức vô cùng tế nhị khi giúp các con đi qua cùng tiến trình đó để vươn lên mức tâm thức của các thày.
Thách thức là các thày không thể cho con một cái nhìn chính xác về sự khác biệt giữa trạng thái tâm thức của con và trạng thái tâm thức thăng thiên. Giản dị là con không thể hiểu thấu được tâm thức thăng thiên như thế nào khi con còn nhìn cuộc sống qua vô số phin lọc nhận thức của con. Các thày không thể cho con một cái nhìn chính xác về sự khác biệt đó, về khoảng cách đó, giữa hai trạng thái tâm thức thăng thiên và chưa thăng thiên. Nếu các thày truyền đạt được điều này cho con thì con sẽ nản lòng thôi. Con sẽ nghĩ chuyện đó gần như vô vọng bởi vì khoảng cách to lớn đến độ dường như con không thể bù lấp nổi.
Tất nhiên chuyện đó không bất khả thi đâu, nhưng khi con đi từ mức tâm thức phàm phu thấp kém lên đến trạng thái tâm thức thăng thiên, thì quả thực đó là một sự chuyển hóa khó tin hoàn toàn. Để minh họa cho con một cách đường thẳng, con hãy tưởng tượng có hai người bị đui mù từ khi lọt lòng mẹ. Đột nhiên, một người được ban cho khả năng thị giác và nhờ vậy thấy được thế giới y như con đang thấy. Hãy tưởng tượng người đó phải mô tả thế giới mình vừa khám phá cho người kia hiểu được.
Hãy tưởng tượng con phải tả chân thế giới mà con đang nhìn cho một người mù bẩm sinh chưa bao giờ thấy được thế giới con đang thấy, một thế giới mà con coi là hoàn toàn đương nhiên. Cũng vậy, khoảng cách giữa hai trạng thái tâm thức thăng thiên và chưa thăng thiên cũng to lớn đến độ không một lời nào có thể diễn tả sự khác biệt để người chưa thăng thiên có thể hiểu được.
4.4. Các chân sư thăng thiên giao tiếp như thế nào
Ngay lúc này, con đang nghe hay đang đọc những lời phát xuất từ thày nơi cõi thăng thiên. Con có thể cho rằng thày đang đứng đây ở một cõi cao hơn, hoặc có thể thày đang ngồi ở cõi cao này và đang thốt ra những lời nói mà sứ giả tiếp nhận được rồi biểu đạt qua giọng nói trong cõi vật lý. Nhưng không phải vậy đâu con. Thày không đang ngồi đây thốt ra lời nói, bởi vì ở cõi thăng thiên, các thày không giao tiếp qua lời nói. Các thày giao tiếp một cách khác hẳn đến độ con không làm sao mường tượng được với tâm chưa thăng thiên. Có thể nói là các thày giao tiếp qua tư tưởng, nhưng nói vậy cũng không chính xác bởi vì tư tưởng của con khác hẳn với cách các thày suy nghĩ.
Cách giao tiếp của các thày toàn diện và bao trọn tất cả. Các thày không chỉ giao tiếp qua tư tưởng mà qua cả tình cảm, cảm thọ, trải nghiệm. Trong lúc này khi thày trao cho con bài truyền đọc này, quả thực là thày đang thị hiện sự Hiện diện của thày tại một địa điểm cụ thể của cõi tâm linh thấp và cõi ê-the cao. Thày đang tập trung tinh túy của thày, tinh túy của tâm thày, nơi một “địa điểm” – theo danh từ mà con thường dùng. Thày đang biểu lộ một xung lực có thể được hướng về bốn tầng cõi của vũ trụ vật chất, là các tầng bản sắc, lý trí, cảm xúc và vật lý. Rồi thày hướng xung lực này vào bốn tầng trong tâm của sứ giả, và xung lực sẽ lần lượt đi xuống các tầng bản sắc, lý trí và cảm xúc của sứ giả, cho tới khi nó xuống đến tầng tâm ý thức nơi nó được biểu đạt qua những lời nói mà con nghe hay đọc được. Xung lực được phú cho một lớp lời nói nơi bốn tầng của thế giới vật chất, bởi vì cái mà thày gửi ra không phải là lời nói mà là một phương thức giao tiếp toàn diện.
4.5. Hãy với lấy cái tinh túy sâu xa đằng sau lời nói
Con đã quá quen thuộc, con đã bị lập trình, đến độ con chờ đợi sự giao tiếp sẽ diễn ra dưới hình thức lời nói. Thử thách lớn nhất cho thày là thày phải nói bằng lời mà con có thể nghe thấy hay đọc được, bởi vì nếu không thì con sẽ không thể nắm bắt bất cứ xung lực nào từ mức tâm thức của thày. Điều mà thày mong muốn truyền đạt cho con thật ra không phải là lời nói, hay cái ý nghĩa mà tâm đường thẳng gán cho lời nói đó. Điều mà thày cố truyền đạt cho con là một sự chiêm nghiệm, một cái nhìn hé thoáng, về sự giao tiếp toàn diện mà thày đang phóng ra từ mức tâm thức của thày đến mức tâm thức của con.
Chính sự trải nghiệm nội tâm, thần bí, toàn diện này sẽ biến đổi tâm thức của con; không phải lời nói và cũng không phải ý nghĩa. Con có thể nghĩ, thật là vô nghĩa khi thày dùng lời nói để bảo con không nên chú ý đến lời nói, thế nhưng thày không đang bảo con không nên chú ý đến lời nói hay ý nghĩa. Thày muốn nói là con không được chỉ dành sự chú ý của con cho lời nói và ý nghĩa của lời nói. Con cần dành một phần sự chú ý của con để vượt xa hơn lời nói, hầu con có thể chiêm nghiệm được, cho dù chỉ trong một thoáng, bản chất toàn diện và bao trọn tất cả của sự giao tiếp của thày.
Mục đích chính của loạt sách này là trao cho con những dụng cụ để con nắm bắt được, trong ngoại tâm của con, một số đặc tính tối thiểu của một tia sáng nào đó, hầu con có thể hoà điệu với tia sáng đó, và khi tâm con rời thân xác trong giấc ngủ, con có khả năng du hành đến khóa nhập thất của các thày nơi cõi ê-the. Con cần hiểu rằng khi con rời thân xác – và xin con lưu ý, thày đang không dùng từ “con” một cách đặc thù – con cũng đem theo con những phin lọc nhận thức của con. Điều này có nghĩa là khi con gia nhập lớp học trên cõi ê-the, con chờ đợi sẽ gặp một số điều mà con vẫn quen thuộc trên địa cầu.
Con có bắt đầu hiểu được thử thách mà thày phải đối mặt? Nhiệm vụ của thày là giúp con vượt ra ngoài phin lọc nhận thức của con, nhưng khi con đến nhập học thì con lại đến với phin lọc nhận thức, và con kỳ vọng là ở một mức độ nào đó, thày sẽ xác thực nhận thức của con về cuộc sống. Khi con đạt tới một tầng tâm thức nào đó, chẳng hạn tầng 58, các thày không thể đập vỡ tất cả mọi phin lọc của con. Ở mức đó, nhiệm vụ của thày không phải là đập vỡ tất cả mọi phin lọc, mà chỉ là cố giúp con vượt qua cái phin lọc tương ứng với nấc tâm thức đó hầu con có thể bước lên nấc kế tiếp.
Khi con đến với khóa nhập thất, các thày sẵn sàng giúp con gỡ bỏ phin lọc tương ứng với mức tâm thức hiện thời của con, nhưng đây là câu hỏi chủ yếu: “Thế con có sẵn sàng buông bỏ phin lọc đó hay không?” Đây là câu hỏi tối quan trọng, và thày đưa nó ra ngay lớp học đầu tiên bởi vì nó sẽ định đoạt khả năng con bước vào nhập thất tại Royal Teton và khởi sự học tập dưới sự hướng dẫn của thày.
4.6. Minh triết không phải là một vũ khí
Trong số các học viên, có một tỷ lệ nào đó bị mắc kẹt trong một vùng đất hoang. Họ đã qua được các khai ngộ của Tia thứ Nhất nhưng họ lại quá nhiệt tình trong việc áp dụng quyền năng đến nỗi họ không thể chuyển tiếp sang các khai ngộ của Tia thứ Hai. Họ lao vào, và họ gồng mình để cố vượt qua minh triết, vượt qua khai ngộ của Tia thứ Hai. Họ giống như rất nhiều sinh viên nhập đại học khắp thế giới, cứ tưởng rằng nếu mình chỉ lo học, chất đầy và lập trình tâm mình với tất cả hiểu biết đó – kiến thức đó, khả năng ghi nhớ và học thuộc lòng đó – thì mình sẽ thi đậu. Nhưng đây không phải là cách vận hành của khóa nhập thất Tia thứ Hai.
Minh triết Thượng đế không phải là sự khôn ngoan nhân thế. Nếu con đến với khai ngộ Minh triết Thiêng liêng mà lại phóng chiếu hình ảnh của hiểu biết phàm phu, thì con sẽ không thể thực sự tham gia vào cuộc khai ngộ. Đó là tại sao bước đầu tiên mà thày dẫn con đi qua là giúp con gỡ bỏ cái phin lọc nhận thức vô cùng phổ biến trong thế gian cho rằng minh triết có thể được sử dụng làm vũ khí.
Tiếc thay, có khá nhiều học viên đã củng cố cho phin lọc nhận thức này khi họ đi qua các khai ngộ của Tia thứ Nhất. Chân sư MORE biết rõ vấn đề này. Thày MORE cố gắng hết sức để giúp đệ tử đừng tăng cường phin lọc lạm dụng minh triết đó, nhưng thày ấy không có nhiều chọn lựa, bởi vì ở tầng 48 hay 52, con chưa sẵn sàng gỡ bỏ phin lọc nhận thức này. Con sẽ chưa sẵn sàng cho tới khi con đến với Tia thứ Hai và mức khai ngộ đầu tiên của Tia thứ Hai.
Chân sư MORE không thể thực sự dẫn con qua cuộc khai ngộ này. Thày MORE dư biết con mang phin lọc đó, và thày chỉ có thể cố giúp con tránh tăng cường nó mà thôi, nhưng một số đệ tử lại không nghe theo. Họ sử dụng uy lực, sử dụng động lượng mà họ đã đạt được trong khai ngộ của Tia thứ Nhất để củng cố phin lọc đó. Và bây giờ khi họ đến với khóa nhập thất của thày đây, thì họ chờ đợi là họ sẽ tìm thấy một số điều minh triết, họ sẽ học tập thật siêng năng đến độ họ trở nên tốt đẹp hơn, giỏi giang hơn, thông minh hơn, hiểu biết hơn các đệ tử khác.
Họ hành xử y như con thấy rất nhiều người hành xử trên thế giới. Họ hành xử như con thấy các nhà trí thức hành xử mọi lúc, khi họ biến cuộc thảo luận thành một loại tranh tài để xem ai là người khôn ngoan, thông minh nhất, ai là người có khả năng ứng đáp tài tình nhất. Nhất định phải có một phe đối lập, nhất định phải có điều gì đúng và điều gì sai. Và những ai biết được cái đúng thì phải khống chế những kẻ không có hiểu biết đó, khống chế những kẻ không có cùng cái nhìn về cuộc sống và do đó bắt buộc phải sai lầm, phải giả trá, phải thuộc về ác quỷ. Những kẻ này bắt buộc phải là kẻ lừa dối, có chủ ý đánh lừa, khuynh loát người khác, và chúng ta phải khống chế họ bằng minh triết của chúng ta.
4.7. Lời nói là dụng cụ để thăng vượt
Đó là những gì con có thể thấy xảy ra trong thế gian. Đó là một cách phản ứng rất phổ biến, có đúng không con? Có thể là con đã nhận ra chính con, hoặc ít ra một số người trong giới tâm linh đã tham gia vào trò khống chế người khác như vậy? Trong số các con, có bao nhiêu người tin rằng sự hiểu biết tâm linh của mình – cho dù nó đến từ các chân sư thăng thiên hay từ những giáo lý hay vị thày khác – cao siêu hơn mọi người khác? Một lần nữa, đây là một thách đố mà các thày phải đối diện.
Thày không đang nói là minh triết mà các thày trao cho con không thực, không đúng, không có giá trị, tuy nhiên đây không phải là minh triết tối hậu, bởi vì minh triết tối hậu vượt khỏi mọi ngôn từ. Nó toàn diện, nó bao trọn tất cả, nó là một sự chiêm nghiệm. Điều mà thày trao cho con, điều mà các thày trao cho con qua các giáo huấn này, chỉ là ngôn từ, và khi ngôn từ được diễn dịch, bản chất toàn diện, bao trọn tất cả của nó bị phần nào đánh mất. Điều này không có nghĩa là lời nói không đáng giá gì cả, nhưng lời nói chỉ là dụng cụ để con thăng vượt. Khi con lấy một lời diễn đạt, cho dù là từ Kinh thánh hay từ một bài truyền đọc của chân sư thăng thiên, rồi con biến nó thành một chân lý tuyệt đối, thì con đã đánh mất minh triết, Minh triết Thiêng liêng. Con đã thu được sự hiểu biết nhân thế, hiểu biết phàm phu, nhưng thật sự nó khó lòng thay thế được hiểu biết đích thực. Đây là điều mà con cần bắt đầu nhận ra ở mức khai ngộ đầu tiên tại khóa nhập thất Royal Teton.
4.8. Khai ngộ thứ nhất tại Nhập thất Royal Teton
Các thày nhận các học viên, sắp xếp vào từng nhóm, xong yêu cầu học viên thảo luận về một đề tài nào đó. Lúc đầu, các thày chỉ yêu cầu họ thảo luận dựa theo những gì họ đã biết sẵn. Một câu hỏi được đặt ra, ví dụ: “Làm thế nào con người có thể biết được một điều gì? Làm thế nào con biết được điều con biết là thực, là đúng, là hữu lý?” Đây là câu hỏi mà các nhà hiền triết đã từng tranh luận từ hàng bao thế kỷ. Sẽ hữu ích cho con nếu con đã có nghiên cứu đôi chút về triết học và tìm hiểu xem các triết gia nói gì về đề tài này, bởi vì đây chính là việc con sẽ làm ở cấp đầu của khóa nhập thất.
Sau khi các học viên đã thảo luận sơ khởi dựa trên hiểu biết sẵn có, thày yêu cầu họ vào thư viện của thày để tìm xem các triết gia trên thế giới đã cố giải quyết vấn đề này như thế nào. Sau đó thày yêu cầu mỗi người hãy chọn ra một triết gia, rồi họ lại tụ lại để thảo luận chung quanh ý tưởng của các triết gia đó. Xong thày yêu cầu học viên cứ tiếp tục thảo luận. Thày không đưa ra hướng dẫn hay trợ giúp nào. Và tất nhiên, các học viên lao vào công việc này một cách vô cùng sốt sắng, và sốt sắng nhất là những người đã mang theo động lượng của uy lực để chuyển vào minh triết.
Các học viên này chọn ra một triết gia mà họ tin là có cái nhìn đúng đắn, là nắm được chân lý duy nhất, rồi họ liên tục đưa ra luận cứ dựa theo chân lý của triết gia này, như thể sự thật của vị ấy thực sự là cách nhìn cao nhất về vấn đề này, như thể đó thực sự là sự thật tuyệt đối vậy. Họ tranh luận với nhau, nhưng các học viên khác cũng cho rằng triết gia của mình mới nắm chân lý cao nhất cho nên họ cũng ngồi lại, và cứ vậy dần dần có một số phe nhóm hình thành. Trong nhiều trường hợp, các học viên khởi sự với nhiều quan điểm khác nhau, nhưng dần dà một số quan điểm bị loại bỏ, và cuối cùng chỉ còn lại hai phe chính đối đầu với nhau.
Con sẽ thấy khi con nghiên cứu triết học, hầu như trong mọi vấn đề đều có hai trường phái tư tưởng chính yếu. Một là Cha, một là Mẹ; một là sự tha hóa của Cha và một là sự tha hóa của Mẹ; lực lan ra và lực co lại. Các thày cứ để yên cho họ tranh cãi cho thỏa thích, và thày có thể nói với con là thật may mắn làm sao khi các thày, những vị thày hướng dẫn tại khóa Nhập thất Royal Teton, đã đạt được tâm Phật.
Thật là đáng kinh ngạc khi chứng kiến các học viên ngồi đó tranh cãi với nhau lâu đến như vậy trước khi họ hiểu ra là có lẽ đã đến lúc họ phải tìm một cách tiếp cận nào khác hơn cho vấn đề, bởi vì không có phe nào có khả năng thuyết phục được phe kia là mình đúng. Nếu có học viên nào bắt đầu thấy chính tranh luận là vấn đề, chính tư duy dẫn tới tranh luận là vấn đề, thì học viên đó đã sẵn sàng tiến sang bước kế tiếp.
Đôi khi khóa học khởi sự với một nhóm đệ tử khá đông. Các thày cứ để yên cho họ tranh luận và thay phiên nhau trình bày quan điểm, và các thày chỉ quan sát thôi. Khi có một đệ tử bắt đầu chất vấn chính cuộc tranh luận, chất vấn khuôn khổ tư duy đằng sau cuộc tranh luận, thì lúc đó các thày có thể kéo đệ tử đó ra ngoài. Đệ tử này có khả năng đi lên mức kế tiếp, là mức nơi khai ngộ về minh triết không còn được biểu đạt qua uy lực, mà minh triết được biểu đạt qua chính Tia sáng thứ Hai của minh triết.
4.9. Các học viên không qua được khai ngộ đầu tiên
Còn đối với các học viên nào không chất vấn cuộc tranh luận, các thày sẽ để yên cho họ tiếp tục tranh luận. Thường chuyện này có thể kéo dài khá lâu, nhưng lần lượt các đệ tử sẽ từ từ được kéo ra ngoài, và trong nhiều trường hợp, cuối cùng sẽ chỉ còn lại đúng hai học viên. Đây chính là hai người đã trở thành kẻ lãnh đạo phe nhóm của mình, là hai người đã phát biểu về minh triết với nhiều uy lực nhất và cũng là hai người tin chắc nhất rằng mình đúng, rằng chỉ có thể có một chân lý duy nhất mà thôi. Và đó chính là tại sao họ lại biện luận quan điểm của mình hùng hồn đến như vậy.
Con sẽ ngạc nhiên khi thấy những học viên hùng hồn như thế có thể tiếp tục tranh luận lâu đến như vậy. Con sẽ ngạc nhiên khi thấy họ nhiều lần trở vào thư viện, tra khảo sách vở để tìm ra cho bằng được cái lý lẽ tối hậu. Và quả thật, điều đã từng xảy ra là các học viên này tới mức không chịu thua nhau, giận dữ nhau, rồi họ bỏ đi, không phải chỉ bỏ khóa nhập thất này, mà bỏ hẳn luôn cả tiến trình khai ngộ.
Một số đã rơi xuống tầng tâm thức ở dưới tầng 48 tương ứng với tầng của họ, bởi vì họ đã không thể buông nhả nỗ lực sử dụng minh triết để khống chế đối thủ của mình. Điều này không xảy ra thường lắm nhưng nó có thể xảy ra, bởi vì ở mỗi tầng tâm thức giữa 48 và 96, con có khả năng rơi xuống tầng đối xứng ở dưới tầng 48. Điều này xảy ra khi con tha hóa cuộc khai ngộ ở mức tâm thức hiện thời của con qua sự tức giận hay sợ hãi, hay một cảm xúc tiêu cực nào khác. Con cứ biểu lộ cảm xúc này ngày càng cực đoan hơn mà không sẵn lòng tra vấn xem có cách nào khác hơn, có cách nào không dẫn đến bực dọc.
Thày muốn con biết là nếu con nhìn vào các sinh hoạt công cộng trên trái đất này, con sẽ thấy trong thời đại hôm nay có những con người tương tự như thế. Con sẽ tìm thấy họ trong giới truyền thông, trên chính trường cũng như trong các lãnh vực khoa học, các tổ chức giáo dục như viện đại học chẳng hạn. Họ là những người ham mê tranh luận trí thức. Họ thường xem mình có kiến thức và hiểu biết cao siêu, nhưng đây là sự hiểu biết nhân thế, hiểu biết nhị nguyên. Hiểu biết như vậy không bao giờ giải quyết được việc gì. Thày có thể nói với con là một số người hiện đang viết lách về một đề tài nào đó, họ đã làm chuyện này từ lâu lắm rồi. Có thể họ đang viết sách để biện bác chống lại một quan điểm nào đó, nhưng họ không vừa mới bắt đầu làm chuyện này trong kiếp này đâu. Họ đã làm chuyện này từ nhiều kiếp trước rồi.
Ngày nay có những người đang đầu thai trong các giới trí thức đã từng đầu thai làm thày thông giáo và người Pha-ri-si cách đây 2000 năm. Vào thời đó, chính họ đã sử dụng sự khôn ngoan phàm phu của họ để biện bác chống lại Giê-su khi thày đứng trước mặt họ như đấng Ki-tô Hằng sống. Một số người đầu thai ngày nay cũng chính là người Bà la môn Ấn giáo thuở trước đã biện bác chống lại Gautama khi thày xuất hiện trước mặt họ trong xác thịt. Họ biện bác rằng đức Phật làm sao có lý được khi bảo tất cả đều là Phật tánh, bởi vì lời này đi ngược lại kinh điển của họ thời đó, cho nên họ phải đem tất cả nghị lực và tài ba trí thức ra để mà bác bỏ.
4.10. Trải nghiệm Tánh linh của Minh triết
Đó chính là khuôn nếp lạm dụng minh triết qua quyền năng. Con nâng cao một lời diễn đạt thành một dạng minh triết cao hơn, rồi con phóng chiếu nó ra để bắt buộc tất cả mọi thứ phải tuân theo minh triết này. Thậm chí con còn phóng chiếu ra để buộc cả Phật Hằng sống lẫn Ki-tô Hằng sống cũng phải tuân theo phin lọc nhận thức của con. Phật Hằng sống và Ki-tô Hằng sống đã đến đây để giúp con thoát ra khỏi hộp tư duy kín mít của phin lọc nhận thức của con. Cái hộp bị đóng kín vì con đã lấy một lời tuyên bố về minh triết rồi vận dụng quyền năng để nâng nó lên địa vị tuyệt đối. Lời tuyên bố minh triết của con có thể hoàn toàn hữu lý, nó có thể đúng, nhưng nó không phải là cách duy nhất để mô tả thực tại. Nó không phải là chân lý duy nhất, bởi vì không hề có chân lý duy nhất. Bất kỳ lời diễn đạt nào cũng chỉ là một cách mô tả, nhưng điều này không có nghĩa là mọi lời diễn đạt đều thực hoặc có giá trị như nhau. Có những lời diễn đạt lầm lẫn, nhưng cũng có nhiều hơn một lời diễn đạt là thực, đúng, hữu lý và hữu ích. Diễn đạt chỉ là diễn đạt; nó chỉ là những cách mô tả có khả năng giúp con thăng vượt ngôn từ và đạt được sự chiêm nghiệm toàn diện về Tánh linh của Minh triết, là tánh linh đã nảy sinh ra Lời, nhưng lại là nhiều hơn lời nói, nhiều hơn hình tướng.
Hỡi con yêu dấu, đây là sự khác biệt giữa những ai vượt qua được khai ngộ đầu tiên của Tia thứ Hai và những ai bị rớt lại. Những học viên này sẽ phải tiếp tục lạm dụng quyền năng của mình bằng cách cố nâng một lời diễn đạt lên thành chân lý tuyệt đối tối thượng mà mọi người trên địa cầu phải tôn trọng, tuân thủ và thờ phượng. Chính đó là thử thách đầu tiên trong các khai ngộ của Tia thứ Hai. Một khi con qua được các khai ngộ của Tia thứ Nhất, con cũng sẵn sàng vượt qua thử thách này ở mức nội tâm. Nhiều người đọc đến đây cũng đã qua được cuộc khai ngộ ở mức nội tâm. Nhưng câu hỏi chủ yếu ở đây là: “Liệu ngoại tâm của con đã hòa điệu được với bước tiến nội tâm của con hay chưa?”
Liệu con đã nhận ra được, với ngoại tâm ý thức của con, rằng mọi cách diễn đạt bằng ngôn từ chỉ là một cách khả dĩ để mô tả thực tại vượt khỏi mọi ngôn từ? Đó không là chân lý duy nhất. Đó không là cách diễn đạt duy nhất, và do đó con không được biến nó thành một cái hộp tư duy đóng kín. Nếu con đóng hộp tư duy con lại, thì thày, Lanto, sẽ không thể dạy con. Nếu vậy thì con cần đi về và học hỏi từ Trường đời Cay đắng, nơi con sẽ giao chiến với người khác và tiếp tục xung đột như thế trong nhiều kiếp đầu thai nữa, cho đến khi con sẵn sàng chấp nhận rằng một lời diễn đạt nào đó, cho dù hay ho đến đâu, cũng chỉ là một cách mô tả cái mà thực sự không có lời nào có thể mô tả được.
Ngay cả Lời của Thượng đế cũng không thể nắm bắt hết sự viên mãn của Thượng đế. Ngay cả lời nói của Lanto cũng không thể nắm bắt được sự viên mãn của tánh linh mà TA LÀ. Nếu con cho rằng con có thể biết được thày qua lời nói, thật là con chưa biết thày chút nào. Nhưng nếu con sử dụng lời nói của thày như một phương thức để hòa điệu chiếc máy thu thanh của tâm con với Hiện diện của thày, thì thày sẽ chia sẻ Hiện diện của thày với con. Và như vậy con sẽ vượt qua cuộc khai ngộ nhằm gỡ bỏ phin lọc nhận thức đầu tiên của con trên Tia sáng thứ Hai của Minh triết.
TA LÀ Lanto. TA LÀ một tánh linh. TA LÀ nhiều hơn tất cả những gì có thể biểu đạt qua lời nói, và thày khao khát chia sẻ với con cái nhiều hơn đó. Trước khi thày có thể làm được vậy, con phải sẵn lòng từ bỏ bất cứ lời diễn tả nào mà con cho là sẽ mô tả thày, hay mô tả Thượng đế, hay mô tả thực tại tâm linh, hay mô tả cuộc sống trên địa cầu. Con hãy dùng những từ này mà thày trao cho con để con mở tâm ra một chiêm nghiệm hoàn toàn vượt khỏi ngôn từ. Lanto TA LÀ. “Lanto” chỉ là một từ. “TA” chỉ là một từ. “LÀ” chỉ là một từ. TA LÀ nhiều hơn. Con hãy biết thày là cái nhiều hơn đó thì con cũng sẽ biết con là cái nhiều hơn.