Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 14/3/2014.
TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto. Thày đến để giảng về những khai ngộ mà con đi qua ở cấp khai ngộ thứ năm tại khóa nhập thất Royal Teton. Dĩ nhiên, đây là mức của Tia sáng thứ Năm, thường được gọi là tia của sự thật, tia chữa lành hay tia của viễn kiến. Điều thày muốn con biết đến ở đây là có một yếu tố của Tia thứ Năm nói chung chưa được biết đến, ngay cả đối với học trò của các chân sư thăng thiên.
12.1. Luân xa Mắt thứ ba
Tất nhiên, Tia thứ Năm có liên hệ đến cái gọi là con Mắt thứ ba ở điểm giữa hai lông mày. Người ta bảo khi luân xa này được linh hoạt, con đạt được khả năng nhìn thấy những thứ mà mắt vật lý không thể thấy. Nhiều người tâm linh đã nghe kể chuyện có người đã mở được mắt thứ ba và nhìn được hào quang cùng một số hiện tượng khác. Nhiều người còn cho rằng khả năng này rất đáng thu hoạch và là một chỉ dấu thành tựu tâm linh. Kỳ thực, có thể đó không là chỉ dấu thành tựu tâm linh chút nào, như con thấy rõ nơi rất nhiều người gọi là ngoại cảm trên thế giới. Họ có thể có một số khả năng bắt sóng được một cái gì đó vượt khỏi cõi vật chất, nhưng họ thường không đủ trưởng thành tâm linh để biết được cách sử dụng như thế nào.
Có một yếu tố của Tia thứ Năm, tia của viễn kiến tâm linh, mà ít người biết đến. Tất nhiên con biết rõ từ bản thân cũng như từ kinh nghiệm, có bao người trên thế giới vô cùng gắn bó với khái niệm chân lý. Như thày đã có giảng, người ta thường cho rằng có một cách diễn đạt minh triết, một hệ tư tưởng hay một hệ thống tín ngưỡng là chân lý cao trội, hay minh triết cao trội. Có nhiều học trò của chân sư thăng thiên bị quá dính mắc vào một giáo lý vỏ ngoài đến độ họ không thể theo kịp các thày khi các thày cứ tiếp tục rải truyền Lời Hằng sống, là dòng chảy liên tục sẽ không bao giờ ngừng lại cho đến khi con người cuối cùng thăng thiên khỏi trái đất.
12.2. Giấc mơ công thức bí mật
Khi học viên đến cấp khai ngộ thứ năm tại khóa nhập thất của thày, họ thường nghĩ giờ đây chỉ có việc đi vào thư viện của các thày và phát hiện quyển sách bí mật chứa đựng một công thức bí mật sẽ bỗng nhiên trao cho họ những khả năng siêu phàm đó. Con nhìn xem có bao nhiêu người trên thế giới cứ chạy đuổi theo hũ vàng ở cuối cầu vồng. Một số đuổi theo hũ vàng trong nghĩa đen dưới hình dạng của cải vật chất, nhưng con nhìn xem có bao nhiêu người tầm đạo cũng đuổi theo một hũ vàng theo nghĩa ẩn dụ khi họ cố giành được một loại kiến thức, hay một công thức, hay một khả năng nào đó vượt khỏi bình thường. Đây là một trở ngại to lớn cho các đệ tử trên đường tu tâm linh mà không sớm thì muộn con cần phải lột bỏ. Vậy thì tại sao con không lột bỏ nó ngay tại đây ở khóa nhập thất của thày tại Royal Teton?
Các thày hoàn toàn có khả năng giúp con đạt được minh triết sẽ cho phép con bác bỏ cuộc săn đuổi khả năng siêu phàm mà tự ngã đã bày ra. Thày đã nói gì về tự ngã? Nó tìm kiếm sự an toàn tối hậu. Nếu bỗng nhiên con có được một loại công thức hay khả năng siêu nhân nào đó, thì có phải là nó sẽ cho con và tự ngã của con một cảm giác an toàn? Thế nhưng nếu con đạt được khả năng đó và nó cho tự ngã con một cảm giác an toàn, thì liệu con sẽ thực sự tinh tiến tâm linh hay không? Ngược lại là đằng khác, nó sẽ cản trở bước tiến tâm linh của con và dẫn con vào ngõ cụt.
Các thày có nhiều học trò đến khóa nhập thất đã lạc vào một ngõ cụt như vậy, hoặc là họ đã thu hoạch một kiến thức hay khả năng nào đó, hoặc là họ mơ ước làm được chuyện đó. Và họ đến, tưởng rằng các thày sẽ giúp họ có được khả năng siêu phàm. Và dĩ nhiên, họ cũng nghĩ là chân lý có thể được diễn tả bằng ngôn từ, và phải có cách tìm ra một lời biểu đạt là chân lý tuyệt đối. Tại khóa nhập thất Royal Teton, các thày có một thư viện chứa đựng tất cả mọi giáo lý tâm linh đã từng được truyền giảng trên trái đất. Nó cũng hao hao như Thư viện Alexandria danh tiếng thuở trước nhưng rộng lớn hơn nhiều. Thư viện của các thày trở ngược về những nền văn minh từ lâu đã bị lãng quên. Con hẳn có nghe nói tới thời Atlantis và Lemuria, nhưng thư viện của các thày đi ngược trở về tới những nền văn minh chưa từng bao giờ có tên.
Khi có ai tìm kiếm chân lý cách đó, tìm kiếm chân lý tối hậu được biểu đạt qua lời nói, các thày đưa họ vào thư viện đó và bảo họ: “Vào đây, con hãy bỏ ra bao nhiêu thì giờ cũng được để tìm ra chân lý đó, và khi nào con tìm thấy điều gì, con cho các thày biết nhé.” Họ háo hức nhảy vào thư viện. Lúc đầu, họ vô cùng hào hứng, gần như bị choáng ngợp bởi lượng sách trong thư viện, vì thật sự có hàng triệu quyển trong đó. Họ chọn ra một vài quyển và đọc ngấu nghiến. Họ vô cùng phấn khích, tưởng rằng mình đã tìm ra một biểu đạt rất cao của chân lý.
Nhưng rồi họ tìm ra một quyển khác hình như cũng có thẩm quyền rất lớn, một chiều sâu và minh triết cũng tuyệt vời, và họ lại đọc. Cứ thế hết cuốn này tới cuốn khác, dù ít hay nhiều đến đâu thì cũng sẽ tới điểm họ bắt đầu nhận ra là có quá nhiều cách khác nhau để biểu đạt chân lý, đều có vẻ có giá trị, đều có vẻ thẩm quyền, nhưng tất cả đều khác nhau một chút và có khi thì khác nhau rất nhiều.
Lần hồi học viên bị dồn tới chỗ bực dọc khi họ không biết phải tin cái nào. Có lẽ chính con cũng nhận diện được trạng thái này trong đời con, hay ít ra nơi nhiều người trên thế giới đã đi theo thuyết bất khả tri (agnosticism) do cuộc chiến không giải quyết được giữa khoa học và tôn giáo. Họ không biết phải tin vào gì nữa, hay họ tin là chẳng có chân lý nào tối hậu. Liệu thày có đang bảo là các thày muốn học trò của chân sư thăng thiên đi theo thuyết bất khả tri hay chăng? Không phải trong nghĩa phàm phu, nhưng các thày mong muốn con đạt tới điểm nhận ra, như thày đã có đề cập, rằng không một câu nào bằng ngôn từ có thể là chân lý tối hậu.
12.3. Con nhìn thấy gì khi mở mắt thứ ba
Đó là một nhận thức hoàn toàn cơ yếu trên đường tu. Vậy con sẽ làm gì đây? Khi một học viên đạt tới điểm thất vọng này, các thày có thể nhập cuộc và giúp người đó. Tại sao các thày lại để cho họ đạt tới cao điểm thất vọng đó? Bởi vì khi họ mới đến nhập thất, họ tin chắc nình nịch là phải có một chân lý tuyệt đối, và họ không sẵn sàng lắng nghe khi các thày bảo họ là chuyện đó không phải. Họ cần phải trải nghiệm tuyệt vọng trước khi họ mở tâm ra để nhận lấy những gì mà các thày sẽ cho họ tiếp theo.
Sau đó các thày đưa học viên vào một căn phòng đặc biệt nơi các thày hiển thị lên một màn ảnh những gì con thật sự thấy được với con mắt thứ ba mở tối đa. Có những nhà ngoại cảm trên thế giới ở những mức độ mở mắt thứ ba nhiều hay ít, nhưng rất ít người trong hiện thân đã mở được tối đa con mắt thứ ba.
Và như vậy, các thày chiếu lên màn hình những gì con có thể thấy được nếu mắt thứ ba của con mở ra toàn diện. Các thày cho thấy khi con đưa ra một câu nói bằng ngôn từ, những lời này thật sự không phải là lời vật lý. Như con cũng biết từ khoa học, không có gì gọi là vật chất vật lý. Vật chất chỉ đơn giản là một dạng năng lượng dày đặc hơn, và đó là tại sao con thọ nhận được bằng giác quan vật lý. Khi con có khả năng nhìn bằng con mắt thứ ba đã linh hoạt, con thấy được năng lượng đằng sau vật chất, con thấy được dòng chảy của năng lượng đằng sau hình dạng vỏ ngoài. Bấy giờ các thày có thể lấy bất kỳ câu nói nào, cho nó chạy qua một bộ máy đặc biệt, hơi giống như máy tính nhưng tân tiến hơn bội phần, và hiển thị lên màn ảnh năng lượng do lời nói tạo ra.
Nếu con muốn một minh họa cụ thể, con thử hình dung một chương trình máy tính mà con sử dụng để thu và chỉnh sửa âm thanh. Âm thanh được lưu trữ dưới dạng những bít gồm có số một và số không trên ổ đĩa của máy tính, nhưng trên màn ảnh, nó hiện ra như là những làn sóng hay đường vẽ lên lên xuống xuống. Bây giờ con có thể vặn âm thanh lên và thấy sóng hiện trên màn ảnh. Con có thể thay đổi một số yếu tố và sóng cũng thay đổi theo. Nó cũng từa tựa – tuy sơ khai hơn rất nhiều – những gì con sẽ thấy tại nhập thất Royal Teton. Các thày cho học viên thấy là khi con lấy một câu nói đút vào máy, trên màn ảnh sẽ hiện ra dòng năng lượng do câu nói tạo ra.
Các thày cho thấy là dòng năng lượng có thể đi lên hay đi xuống, hay giản dị đứng yên tại chỗ. Các thày cho thấy là có rất nhiều điều giảng dạy trong các địa hạt tâm linh, chính trị, khoa học hay tôn giáo có mặt trên địa cầu thực sự tạo ra một dòng năng lượng đi xuống. Nếu con đọc và nhập tâm những lời đó, hoặc nếu con đọc lớn trên đài phát thanh hay truyền hình, những ai nghe được sẽ trải nghiệm một dòng chảy đi xuống trong năng trường của mình.
Các thày cũng cho thấy tuyệt đại đa số những loại nhạc, lời nói, tin thời sự được truyền thông trên đài phát thanh, truyền hình hay qua internet, đều sản xuất ra những làn sóng năng lượng “bơi đứng” – nếu có thể gọi như vậy. Chúng trồi lên ngụp xuống, nhưng chúng không dứt khoát đi lên hay đi xuống. Chúng cứ đứng yên một chỗ, nhảy múa tại chỗ. Các thày cũng cho thấy có những câu nói tạo ra một dòng chảy hướng thượng. Tất nhiên, đây là những câu nói sẽ nâng cao tâm thức của con. Nhưng sau đây mới là phần hấp dẫn. Bất cứ câu nói nào bằng ngôn từ được thốt ra trong vũ trụ vật chất chỉ có thể sản xuất một xung năng lượng với tầm hạn chế.
12.4. Các bài truyền đọc có một mục đích đặc biệt
Nếu ngay bây giờ con đang ở một trình độ tâm thức nào đó và con nghe hay đọc được bài truyền đọc này, rất có thể bài này sẽ nâng cao mức tâm thức của con. Nó tạo ra một xung lực đi lên, một xung năng lượng hướng thượng, sẽ nâng cao trạng thái tâm thức của con – nếu con hòa điệu vào với nó và cho phép mình được nâng lên. Tất nhiên, con cũng hoàn toàn có thể đọc hay nghe bài truyền đọc này mà không hòa điệu với nó, hoặc con từ chối để cho mình được nâng cao hơn mức tâm thức hiện tại của mình. Nhưng đối với những ai sẵn lòng, bài truyền đọc có thể đưa con lên cao hơn mức hiện tại, trừ khi tất nhiên là con đã ở sẵn một mức cao hơn trình độ mà bài này nhắm đến.
Điều các thày có thể cho con thấy là bất kỳ một câu nói nào cũng được đưa ra cho một tầng tâm thức nào đó. Bất kỳ câu nói nào cũng được đưa ra cho một trong 144 tầng tâm thức hiện diện trên địa cầu. Mục đích của bài truyền đọc này là để chạm được những ai ở cấp khai ngộ thứ năm của Tia thứ Hai, và cống hiến cho con một xung năng lượng có khả năng đưa con lên cấp thứ sáu. Câu này không được đưa ra cho tầng tâm thức thứ 144, và nó cũng không có ý là chân lý tối hậu. Nó không có ý nâng con từ mức hiện thời của con lên thẳng tới tầng 144. Nó chỉ nhằm mục đích nhấc con lên một bậc, và điều này nó sẽ làm được.
Chuyện gì xảy ra nếu con lại nghĩ bài truyền đọc này là một biểu đạt tối hậu về chân lý? Điều các thày có thể thị hiện trên màn ảnh là dòng năng lượng do bài này tạo ra sẽ đưa con lên tới một mức nào đó, nhưng rồi nó sẽ bắt đầu chạy vòng tròn. Từ đó trở đi, con sẽ dẫm chân tại mức này. Vì năng lượng chảy vòng tròn, con sẽ cảm giác có lúc lên lúc xuống. Trong vòng tròn, khi năng lượng chảy xuống phía này, con có cảm giác đi xuống, và khi nó chảy lên phía kia, con có cảm giác đi lên.
Điều này quan trọng vì nó cho con thấy chuyện gì xảy ra cho nhiều đệ tử tâm linh khi họ tìm thấy một giáo lý nhất định. Như thày đã nói, bài truyền đọc này cốt ý nhấc con lên một nấc. Trên thế giới có nhiều giáo lý tâm linh nhắm vào nhiều trình độ tâm thức, và chúng có thể đưa con lên mấy nấc. Bất kỳ giáo lý nào trên thế giới cũng chỉ có một tầm hiệu nghiệm giới hạn. Không thể nào khác được. Thày không thể đưa ra một lời dạy cho tầng 144 sẽ hấp dẫn một người ở tầng thứ 10. Người này sẽ không cách chi nắm bắt được lời dạy đó.
Một giáo lý chỉ có thể chạm được một tầm giới hạn, có nghĩa là ngay cả khi một giáo lý đưa con lên mấy tầng tâm thức, nhất định sẽ tới một điểm con không thể lên cao hơn. Khi đó, giáo lý bắt đầu giống như một con sóng chạy vòng vòng trên đại dương. Điều này có nghĩa là có những điểm con sẽ đi xuống trong tâm thức cho dù con vẫn tuân thủ giáo lý. Có thể con không để ý thấy mình đi xuống, nhưng rồi lại tới một điểm khi năng lượng lại chảy ngược lên và con có cảm tưởng đi lên. Nếu con để ý thấy mình đi lên, con sẽ tưởng là giáo lý vẫn đang giúp con tăng trưởng. Đây là lý do tại sao một số đệ tử có thể ở lại với một giáo lý vỏ ngoài nhiều năm trời, nhiều thập niên, thậm chí nhiều kiếp sống, cho tới khi họ chán ngấy và nhận ra là mình cần tìm kiếm cái gì đó có thể dẫn mình lên mức kế tiếp.
Đây là một cơ chế vô cùng quan trọng mà con cần hiểu rõ với tâm ý thức vỏ ngoài của con, vì nó có thể tránh cho con bước vào ngõ cụt mà rất, rất nhiều đệ tử đã bước vào do nghĩ mình phải trung thành với một giáo lý vỏ ngoài, một đạo sư vỏ ngoài hay một tổ chức vỏ ngoài. Khi học viên nhìn ra điều này, thực sự nắm bắt được điều này, thì dường như họ trút được một gánh nặng ngàn cân. Giờ đây họ nhìn ra là họ có thể buông bỏ một giáo lý, đạo sư hay tổ chức mà không bị phản ứng tiêu cực.
12.5. Khi đệ tử nhận ra là không có giáo lý nào tối hậu
Điều xảy ra với nhiều đệ tử trên thế giới là họ tìm được một giáo lý nào đó. Trong một thời gian họ rất nhiệt tình, nghĩ rằng nó sẽ cho mình sự an toàn tối hậu mà tự ngã thèm khát. Khi tìm được giáo lý, đạo sư, tổ chức đó, họ nghĩ là mình đã tìm được hũ vàng ở cuối cầu vồng. Họ cho rằng họ chỉ cần ở lại đó và tiếp tục làm cùng những thứ đó thì một ngày kia họ sẽ thăng thiên, nhập được Niết bàn hay bất kỳ mục tiêu nào khác.
Sau một thời gian, họ đạt tới một điểm khi họ không thể đi lên cao hơn với giáo lý đó, và giờ đây họ bắt đầu chạy vòng vòng. Đối với một số đệ tử nhạy bén, sẽ có một điểm khi họ nhận ra quả thực họ đang chạy vòng vòng và chẳng đi tới đâu. Nếu họ không hiểu được là giáo lý đó không bao giờ được trù liệu để đưa họ lên cao hơn mức đó, thì rất có thể họ sẽ tức giận, oán trách. Có thể họ cảm thấy là đạo sư hay giáo lý kia đã hứa hẹn suông. Trong một số trường hợp, quả là đạo sư đã hứa hẹn suông. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, đơn giản là tự ngã của đệ tử đã khiến cho họ diễn giải giáo lý như một lời hứa suông. Nhưng kỳ thực nó không hứa suông, mà chỉ cách diễn giải đã khiến cho nó sai lầm, bởi vì tự ngã, tất nhiên, luôn tìm đường thoát dễ dãi nhất, là một sự cứu rỗi bảo đảm, tự động.
Điều gì xảy ra cho rất nhiều đệ tử như vậy? Sâu bên trong và vượt khỏi mức ý thức của tâm, họ biết là họ phải rời bỏ giáo lý cũ và bước về phía trước. Nếu tâm vỏ ngoài của họ vẫn còn vấn vương với giáo lý đó hay những lời hứa hẹn của giáo lý đó, thì trong nhiều trường hợp, cách duy nhất để họ thoát ra được là họ chợt hiểu giáo lý đó không phải là tối hậu. Họ hiểu ra là nó giả trá, và họ tức giận buộc tội đạo sư hay giáo lý kia là đã hứa suông.
Vấn đề với phản ứng này là nó sẽ kéo đệ tử bước ngược trở xuống cầu thang tâm thức. Có rất, rất nhiều đệ tử tìm được một giáo lý và sử dụng giáo lý đó để vươn lên mấy tầng tâm thức, thế rồi vì tức giận đã rơi xuống mấy tầng, có khi còn thấp hơn cả mức tâm thức trước khi họ theo giáo lý. Nhiều người bị lạc vào ngõ cụt. Nhiều người trở thành như kẻ không còn tin vào gì nữa, cho rằng không có lời dạy nào là hiệu nghiệm, không có vị đạo sư nào là chân chính. Nếu con hiểu điều thày đang nói ở đây, nếu con có thể nắm vững điều này trong tâm ý thức của con, thì con sẽ hiểu ra là một giáo lý chỉ nhắm đưa con tới một mức nào đó thôi.
Một khi giáo lý đã làm xong phận sự, đây là lúc con cần hòa điệu với điều này. Thật ra đây là trách nhiệm của con hòa điệu với điều này, rồi con cần lấy quyết định tiến bước. Khi đệ tử sẵn sàng thì thày xuất hiện. Khi con sẵn sàng buông bỏ giáo lý hiện hữu và mở tâm ra để nhận sự chỉ đạo nội tâm từ cái ta Ki-tô cùng các chân sư thăng thiên, con sẽ nhận được chỉ đạo đó. Nếu con hòa điệu tâm vỏ ngoài của con, thì trong tâm vỏ ngoài con sẽ biết là con đã nhận được. Con sẽ có thể bước tới mà không có phản ứng tiêu cực, không cảm thấy như mình bị lạc lõng trong một khoảng trống không. Để tới được điểm này, con phải buông ra.
12.6. Nhìn ra những cái móc trong tâm thức mình
Các thày cho các học viên thấy trên màn ảnh một tấm hình của năng trường của họ. Họ đứng trước một máy scan, và các thày chiếu lên màn ảnh những chỗ trong tâm thức họ có những cái móc buộc họ lại với một giáo lý trên địa cầu. Đây chính là điều khiến cho “một nhà bị chia xé nhau” [Matthew 12:25]. Nó lôi kéo họ ra mọi hướng, hoặc nó kéo họ rơi xuống cầu thang. Có một điều gì đó mà họ đã không buông ra, khiến họ không thể xuôi chảy cùng với Dòng sông sự Sống vì hình như con thuyền của họ có một chiếc neo đang giữ chặt thuyền lại ở vị trí cũ hay đang lôi thuyền đi ngược dòng. Hoặc nó khiến cho thuyền nằm tréo trên dòng chảy, khiến cho nước bị khuấy động, đập tung toé.
Khi đệ tử nhìn ra chuyện này và cắt đứt sợi dây trói buộc, họ thấy rõ là họ tự do đến chừng nào. Vấn đề khó khăn ở đây là con sẽ không thực sự được tự do cho tới khi con cũng nhìn ra trong tâm ý thức và lấy quyết định ý thức cắt đứt sợi dây. Điều mà các thày có thể làm tại khóa nhập thất Royal Teton là giúp con nhìn ra những dây buộc mà con mang và cắt đứt ở mức thể bản sắc, lý trí và cảm xúc. Điều mà các thày không thể làm được tại khóa nhập thất là giúp con cắt đứt ở mức tâm ý thức. Đây là công việc mà con phải làm một cách ý thức trong tâm nhận biết bình thường, tỉnh táo của con. Tất nhiên, công việc này sẽ dễ hơn hẳn một khi đã làm ở ba cõi trên, nhưng nó vẫn đòi hỏi ở con một sự tỉnh giác ý thức, một nỗ lực ý thức và một quyết định ý thức.
Khi con đã cắt đứt các ràng buộc này một cách ý thức, con sẽ có một cảm giác tự do rất mới, một cảm giác được chữa lành khỏi những vết thương và mâu thuẫn cũ. Tự ngã và các thày giả không muốn con cắt đứt các sợi dây này. Đó là tại sao họ sẽ cố khiến con cảm thấy là con phải giữ lòng trung thành, giống như con phải đóng tâm ý thức lại trước những sáng ngộ mà con đã gặt hái ở các thể cao của tâm con. Họ ráo riết tìm cách khiến con bám chặt vào những gì con đang có mà không chịu bước tới.
Khi con chưa bước tới thì làm sao con có thể thật sự được chữa lành? Khi con chưa chữa lành những phân rẽ lôi kéo tâm con ra tứ phía, thì làm sao con đạt được viễn kiến cao hơn là dấu ấn của Tia thứ Năm? Nếu con không đạt được viễn kiến đó, làm sao con có thể cảm thấy mình trọn vẹn? Và nếu con không cảm thấy trọn vẹn, làm sao con có thể là cánh cửa mở để chữa lành tha nhân? “Thày thuốc, hãy chữa lành chính mình,” câu tục ngữ nói vậy. Điều mà các thày có thể cho con thấy là làm cách nào sử dụng minh triết để chữa lành vết thương của con, chữa lành cho người khác, bằng cách dùng lý lẽ với người khác và với chính con.
12.7. Sử dụng bài truyền đọc để tăng triển một cách ý thức
Đâu là mục đích của bài truyền giảng này cùng những bài truyền giảng khác từ thày và các Thượng sư khác? Đó là trao cho con những dụng cụ để con lý luận với chính mình ở mức tâm ý thức. Khi con tìm hiểu một bài truyền đọc, có hai điều xảy ra. Con sẽ nhận được ánh sáng tâm linh, và ánh sáng này bắt đầu tạo ra biến đổi trong năng trường của con.
Con cũng sẽ nhận được kiến thức vỏ ngoài dưới dạng ngôn từ. Vấn đề là con sẽ làm gì với những ngôn từ đó. Một số học viên sẽ chỉ đọc qua và nói: “Ừ nhỉ, chuyện này thật thú vị.” Một số khác sẽ nghiên cứu chăm chú hơn, và thậm chí một số khác còn học thuộc lòng một số câu, nghĩ rằng nếu mình ghi nhớ từng câu thì chắc hẳn mình đã học được bài học. Một trong những bài học mà thày mong muốn con học là con hãy đọc một bài truyền đọc cho tới khi con gặp một số câu gây ra hai loại tác động. Hoặc câu đó khuấy lên trong con khiến con cảm thấy mình đã chạm được gấu áo của một thực tại cao hơn, hoặc nó khuấy lên một phản ứng trong con khiến con cảm thấy muốn kháng cự lại. Khi con có cảm giác kháng cự này, đó là cơ hội cho con sử dụng giáo lý để lý luận với chính mình. Con có thể, với tâm ý thức, khảo sát xem kháng cự đó là gì.
Vì tất nhiên, con thừa hiểu là một cuốn sách như thế này chỉ có thể trình bày một cách chung chung. Thày không thể nói riêng cho từng đệ tử sẽ đọc sách này trong tương lai. Chính con mới có nhiệm vụ liên kết cuốn sách này với hoàn cảnh cá nhân của mình. Khi con cảm thấy có sự kháng cự hay có thắc mắc chưa giải đáp liên quan đến một câu trong sách, thì con có trách nhiệm khám phá xem kháng cự đó có nghĩa là gì. Con tự đặt một số câu hỏi. Con cố hòa điệu với câu văn. Con cố nhìn từ mọi góc cạnh và nói: “Nhưng lỡ lời nói này chính xác? Vậy thì có nghĩa là gì? Làm thế nào nó sẽ giúp tôi thoát ra được đây? Khi đọc câu này, tôi có sợ hãi gì không? Tôi có ngờ vực gì không? Thắc mắc nào nảy lên trong tâm tôi?”
Xong con tra vấn từng vấn đề, con cố nhìn khắp chung quanh rồi đi sâu hơn và sâu hơn nữa. Con đang dùng lý luận với chính mình để làm sáng tỏ khía cạnh nào của tự ngã, phàm linh nào trong tâm thức, đang chống cự lại câu viết. Làm như vậy, con có khả năng phơi bày ra phàm linh, nhưng con cũng có thể phơi bày niềm tin đã tạo ra phàm linh, cái ảo tưởng nhị nguyên cụ thể đã tạo ra phàm linh. Khi con làm vậy, con có thể đạt đến một điểm, như thày đã có đề cập, khi con nhìn thấy, con chiêm nghiệm được ảo tưởng. Và khi con chiêm nghiệm được ảo tưởng, con sẽ buông bỏ nó một cách tự nhiên, tức thì và không chút khó nhọc nào.
Đây là trách nhiệm của con với tư cách là đệ tử của chân sư thăng thiên. Con không thể chờ đợi việc đọc một cuốn sách là đủ được. Ngay cả con cũng không thể chờ đợi việc thực tập các bài thỉnh là đủ được. Chắc chắn là chúng có tác dụng, nhưng không có gì có thể đi ngược lại quyền tự quyết của con. Phải đến một lúc con nhìn vào cái xà, cái phàm linh trong mắt con một cách ý thức và cố tình. Con nhìn vào các ảo tưởng, và con sẽ tiếp tục xem xét chúng từ nhiều góc độ khác nhau, tra vấn chúng với đủ loại câu hỏi, cho đến khi con nhìn ra cái tin tưởng cốt lõi nằm đằng sau ảo tưởng. Khi con nhìn thấy nó trong ánh sáng của sự thật Ki-tô, con nhận ra là nó không thực, nó là một ảo tưởng. Ngay khi đó, buông nó ra sẽ không khó khăn gì cho con.
12.8. Được chữa lành nhờ buông ảo tưởng là mình không trọn vẹn
Đây cũng là một yếu tố của Tia thứ Năm là tia chữa lành. Con cần gì để được chữa lành? Con cần buông bỏ trạng thái không lành lặn. Nếu con không buông bỏ cảm nhận là con không lành lặn, con sẽ không thể bước vào trạng thái tâm nơi con lành lặn, nơi con trọn vẹn. Con không thể buông bỏ căn bệnh hay ảo tưởng cho đến khi con nhận ra là nó không thực. Con không thể thấy được điều này nếu con không nhìn qua tâm Ki-tô, nhưng con sẽ không tự động có được tâm Ki-tô. Con chỉ có thể đạt được tâm Ki-tô bằng cách thách đố các ảo tưởng một cách ý thức và có hệ thống, bước vào những vùng sâu thẳm cho tới khi con phát hiện điều tin tưởng mà cá nhân con đã chấp nhận một lúc nào đó trong quá khứ, và bây giờ nó đã trở thành một cái neo giữ chặt chiếc thuyền của con lại và ngăn không cho thuyền xuôi chảy với Dòng sông sự Sống.
Đây là cái mà trong đạo Phật gọi là con thuyền Bát nhã, con thuyền minh triết, và khi con leo lên thuyền, con sẽ có thể giữ tay lái giữa biển Luân hồi cho đến khi con đến được bờ bến xa hơn. Bờ bến xa hơn thường được người đạo Phật xem là một trạng thái tối hậu, Niết bàn. Nhưng bờ bến xa hơn đối với mức tâm thức đặc thù của con là khi con vượt qua khai ngộ sẽ đưa con lên tầng kế tiếp. Không chỉ có một “bờ bến xa hơn” duy nhất. Bờ bến xa hơn là cái bến kế tiếp, cái tầng kế tiếp, và cứ thế con leo lên bước kế tiếp cho tới khi con đạt đến tầng 144, là khi con nhảy bước lượng tử cuối cùng vào trạng thái thăng thiên.
Sự trọn vẹn sẽ đến khi con từ bỏ cảm nhận mình thiếu sót, và một trong những bước to lớn để tiến tới trọn vẹn là con buông giấc mơ tìm được một chân lý tối hậu, hay công thức tối hậu, hay khả năng tối hậu nào đó. Không có gì trong thế giới vật chất là tối hậu. Không có gì là cuối cùng. Không có gì là kết liễu. Mọi thứ đều là Dòng sông sự Sống không ngừng tuôn chảy. Nếu con có thể thực sự thể nhập được sự thật này, con sẽ khiến cho đường tu khai ngộ của con dưới bảy tia sáng dễ dàng hơn bội phần. Thay vì cảm thấy mình là kẻ thất bại triền miên vì mình đã không đạt được trạng thái tối hậu, con có khả năng cảm thấy mình đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác mỗi lần mình vượt qua một cuộc khai ngộ.
12.9. Các chân sư thăng thiên không phán xét con
Các thày đã từng thấy những học trò theo học một giáo lý của chân sư thăng thiên suốt 30, 40 năm trời hoặc nhiều hơn nữa. Họ đã siêng năng học tập giáo lý. Họ đã siêng năng cầu thỉnh ngọn lửa tím hay đọc bài chú cho các tia khác. Họ đã làm tất cả đúng theo tiêu chuẩn vỏ ngoài, nhưng toàn bộ hành trình của họ là một cuộc vật lộn. Họ đã lắng nghe và chấp nhận giáo lý về đường tu khai ngộ, nhưng họ vẫn tập trung tâm trí vào mục đích cuối cùng, cho dù là thăng thiên hay cái gì khác. Họ đã quá tập trung vào mục tiêu cuối cùng này đến độ họ có cảm tưởng là nếu mình chưa đạt được thì mình sẽ thiếu sót, mình sẽ bất xứng, mình không thể được các chân sư chấp nhận.
Các thày không phán xét con theo cách mà con tự phán xét. TA LÀ Lanto, TA LÀ Thượng sư của Tia sáng thứ Hai. Vai trò của thày không phải là đưa con đến mức khai ngộ tối hậu. Vai trò của thày là dẫn con từ mức này lên mức sau, xuyên qua bảy cấp được biểu tượng qua các khai ngộ của Tia thứ Hai, rồi giao phó con cho vị bào huynh yêu dấu của thày, Paul người Venice, sẽ dẫn con đi tiếp qua các khai ngộ của Tia thứ Ba.
Liệu con có thực sự nghĩ là thày, Lanto, nhìn con như một học trò bất xứng? Toàn bộ thời gian con kinh qua các khai ngộ của khóa nhập thất này, thày đã nhìn con trong ánh sáng tích cực. Thày nhìn con như một đệ tử đã đạt được thắng lợi vượt qua bảy cuộc khai ngộ dưới thày MORE và Tia thứ Nhất. Thày nhìn con như đã đạt được một thắng lợi quan trọng ngay cả trước khi con bước vào khóa nhập thất của thày, rồi khi con vượt mức khai ngộ đầu tiên, con đã đạt thêm một thắng lợi nữa, và cứ thế. Khi con tới khai ngộ chót trong khóa này, con sẽ đoạt được điều mà thày xem là thắng lợi cao nhất ở mức khai ngộ của thày, và thày vui mừng gửi con lên tầng kế tiếp.
Thất bại ở đâu? Thiếu sót ở đâu? Con là học trò toàn hảo khi con bước đến, không phải là con toàn hảo, không phải là con thành tựu mức tâm thức cao nhất, nhưng con đã bước qua các khai ngộ của Tia thứ Nhất trước khi con nhập khóa của thày. Đó không là thắng lợi hay sao? Làm sao con có thể cảm thấy mình bất xứng khi con đã đi qua các khai ngộ khó khăn và nghiêm ngặt của Tia thứ Nhất? Thày MORE đã không gửi con đến với thày nếu con chưa vượt qua khai ngộ, và điều đó, thày cam đoan là một thắng lợi. Thày sẽ không gửi con đến với Paul người Venice cho tới khi con vượt qua khai ngộ của Tia thứ Hai, và điều đó là một thắng lợi nữa.
Con hãy ngừng đeo đuổi hũ vàng ở cuối cầu vồng, vì thày nói với con, cũng như thày Maitreya đã nói trong sách, không những không có hũ vàng nào cả mà cầu vồng cũng chẳng có luôn. Cầu vồng sẽ không ngừng dời đi trước mặt con, y hệt như củ cà rốt treo lủng lẳng trước mũi con lừa của truyện ngụ ngôn. Con sẽ không bao giờ bắt kịp. Con sẽ không bao giờ bắt kịp cầu vồng, con yêu dấu, vì cầu vòng chỉ hiện thực từ một góc độ nào đó. Nó không có hiện hữu cố định hay khách quan. Nó chỉ tương đối trong quan điểm của con và con sẽ luôn luôn nhìn thấy nó với một khoảng cách. Nếu con lại gần, con sẽ không còn thấy nó nữa, vậy thì làm sao con biết được nó kết thúc ở đâu?
Con hãy từ bỏ cuộc tìm kiếm chân lý tối hậu. Hãy nhận ra những câu nói của thày qua ngôn từ chỉ có thể đưa con lên tới một mức nào đó, và sau đó con cần phải mở chính con ra để nhận được lời dạy kế tiếp, câu kế tiếp, chỉ dấu kế tiếp, trải nghiệm kế tiếp. Hãy sẵn lòng chiêm nghiệm Tánh linh Sự thật vượt khỏi câu nói về sự thật. Đây là dấu ấn của những đệ tử tiến bộ nhanh chóng, vượt qua cấp khai ngộ thứ năm của Tia thứ Hai.
TA LÀ Thượng sư của Tia thứ Hai. Thày sẽ làm hết sức để giúp con vượt qua khai ngộ này, nhưng thày không thể vượt qua thay cho con, vì nó đòi hỏi một quyết định với tâm ý thức. Trước khi con lấy quyết định tự nguyện đó, con phải sẵn lòng dùng lý luận với chính mình, và tra vấn xem tại sao tự ngã của con lại tìm kiếm chân lý tối hậu. Đâu là tin tưởng cụ thể mà cá nhân con đã chấp nhận khiến con dễ bị ý tưởng đó tấn công, là ý tưởng phải có cách tìm ra một chân lý tối hậu hay một khả năng tối hậu? Con hãy buông nó ra, con yêu dấu, rồi sau đó con có thể bước lên cấp khai ngộ thứ sáu dưới Tia thứ Hai. Thày sẵn lòng và sẵn sàng chào đón con bước vào cấp khai ngộ này. Lanto TA LÀ.