Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 22 tháng 5 năm 2015. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân một hội nghị tại Hòa Lan.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary, đại diện cho Mẹ Thiêng liêng cho trái đất. Thày trao truyền giáo lý này để cho các con một dụng cụ có thể dùng lại nhiều lần để chữa lành bất cứ loại vấn đề hay chấn thương tâm lý nào. Nó đặc biệt được thiết kế để giúp con chữa lành điều mà các thày gọi là “chấn thương nhập đời vũ trụ.” Đây là một dụng cụ dành cho những người đã đạt được một trình độ nào đó trên con đường tâm linh. Dụng cụ này không được dùng với lòng tham vọng phàm phu, muốn mọi người xem mình là một học viên cao cấp hay muốn nghĩ rằng mình sẵn sàng với bất cứ chuyện gì.
Các con cần quen thuộc với giáo lý của các thày về chấn thương nhập đời vũ trụ, các con cần quen thuộc với giáo lý của các thày về tà lực và các con cần cầu thỉnh sự bảo vệ (từ Đại Thiên thần Michael) mỗi lần dùng dụng cụ này. Sau khi con làm bài tập hình dung mà thày sẽ trao truyền, con cũng cần đọc một bài thỉnh thích ứng với bất cứ vấn đề tâm lý nào mà con đang đối phó. Các thày có trao truyền rất nhiều bài thỉnh nhằm giải quyết nhiều khía cạnh khác nhau của tâm lý (xin xem trang mạng chansuthangthien.org), nhưng thày đề nghị con bắt đầu với bài thỉnh để giúp con người yêu chính mình (tỷ dụ như bài INV05 Bài thỉnh để thương yêu chính mình). Con cũng có thể tạo ra một canh thức từ bài tập này. Con làm bài tập mỗi ngày một lần và sau mỗi lần hình dung, con đọc một trong các bài thỉnh từ bộ sách Khóa học về Sung túc (Course in Abundance) vì khi kết hợp chúng với bài tập hình dung, cả hai sẽ tác động hỗ tương nhau để đạt mục đích chữa lành các vấn đề tâm lý của con.
Đây là một dụng cụ mà con không được dùng nếu con có vấn đề tâm lý nghiêm trọng đòi hỏi sự can thiệp của người chuyên nghiệp. Con không được dùng nó nếu con đang trong một trạng thái mất quân bình nặng. Không phải dụng cụ này tự thân nó nguy hiểm, nhưng vì sự hình dung sẽ đưa con đi sâu vào tâm lý mình. Nó có thể sẽ khơi ra những sự mất quân bình mà con không nhất thiết đối phó được nếu con không đang ở trong một trạng thái tương đối quân bình nào đó. Sau khi đã cảnh báo các con, lẽ dĩ nhiên là thày rất vui mừng được trình bày cho các con một dụng cụ giúp các con chữa lành tâm lý mình và đạt được trạng thái mà vị thày yêu dấu Saint Germain của chúng ta gọi là “tự do tâm trí”. Bây giờ chúng ta bắt đầu bài hình dung.
(Ghi chú: Bạn có thể hình dung bằng cách dùng cuốn sách và đọc từng đoạn một, sau đó bạn nhắm mắt lại và hình dung. Tuy nhiên, bạn có thể nhận ra rằng sẽ dễ hơn nếu bạn dùng một bản thu âm để bạn có thể giữ mắt nhắm. Bạn có thể nghe bản thu âm của bài này bằng tiếng Việt bằng cách bấm vào nối kết ở đầu trang mạng này. Bài thu âm các bài tập trong sách này bằng tiếng Anh có thể mua được từ www.morepublish.com).
5.1. Bắt đầu hình dung
Con hãy hình dung con đang đứng trước một bức tường. Bức tường này rất cao. Con còn không thể thấy được đầu bức tường. Bức tường kéo dài cả hai phía và con không thể thấy nó ngừng ở đâu. Con thấy được là bức tường rất dày, làm bằng đá, nhưng không phải là đá mà con biết ở trên trái đất. Nó là một chất rung động ở mức độ cao hơn.
Do đó, con nhận ra là bức tường này tạo nên một rào cản bất khả xâm phạm đối với bất cứ năng lượng thấp nào mà con gặp trên trái đất. Không có điều gì trên trái đất có thể đi qua bức tường này. Một khi con vượt qua bức tường, con sẽ được bảo vệ, hoàn toàn bảo vệ và niêm phong khỏi mọi năng lượng tiêu cực có thể đè nặng con, có thể đã đè nặng con trong kiếp này hay các kiếp trước.
Bây giờ con hình dung có một cánh cổng. Cánh cổng mở ra trước mặt con dù có vẻ không có ai mở nó. Bây giờ con cần quyết định con có muốn đi vào cổng hay không, hay con muốn đứng tại chỗ con đang đứng và không tham gia bài hình dung này.
Bây giờ Mẹ sẽ coi rằng nếu con tham gia, thì con đã chọn lựa đi qua cổng. Con nghe tiếng cổng đóng lại sau lưng và con biết con được bảo vệ và niêm khỏi bất kỳ năng lượng tiêu cực nào trên trái đất, trong các cõi tình cảm, lý trí hay bản sắc.
5.2. Luân xa gốc
Bây giờ con nhìn quanh và con thấy một khu vườn rất đẹp. Nó có những bãi cỏ rộng, xanh mướt, xa xa có những lùm cây làm nền và có những thảm hoa hình cong uốn lượn đầy những hoa nở rộ. Có tiếng chim hót trong nền cảnh và ngoài ra mọi thứ đều yên tĩnh. Khi con đi bộ trên cỏ, nó mềm đến độ chân con gần như lún xuống. Mẹ yêu cầu con, khi con tập bài hình dung này một mình, con hãy thăm thú khu vườn này bao lâu cũng được, (nếu cần, con ngưng bài thu âm đi) và con thong thả thăm thú khu vườn.
Khi con đi loanh quanh khám phá, sẽ có lúc con gặp một hàng rào cây cao và ở đấy có một lối để đi qua. Lối đi qua này có một cánh cổng. Cánh cổng đang mở, giống như con từng thấy trong một số khu vườn, nó được làm bằng lưới kim khí cho phép không khí thông qua.
Con nhận ra con có thể đi qua cổng. Lỗ hổng to đủ để con qua được, nhưng con không qua được nếu con mang bất cứ ba lô nào trên lưng.
Bây giờ thì con nhận ra mình có một cái ba lô buộc vào lưng. Nó là nỗi niềm lo lắng nào đó của con về thế gian, hay một chấn thương nào đó con đã trải nghiệm trong kiếp này.
Bây giờ Mẹ yêu cầu con hòa điệu với luân xa gốc của mình để xét xem con có niềm lo lắng nào về thế gian, về chính mình, về cuộc đời của mình hay bất kỳ chấn thương nào con đã trải nghiệm trong cuộc đời. Chúng hiện lên trong tâm khi con hòa điệu với luân xa gốc của mình.
Mẹ không yêu cầu con đi sâu vào nó nhưng con chỉ cần có một ấn tượng về nó. Con nhận ra rằng niềm lo lắng hay chấn thương này là cái mà con mang trên lưng. Để có thể đi qua cánh cổng, con cần đặt cái ba lô xuống và để nó bên ngoài cổng.
Con không cần phân tích hay đi vào bên trong nó hay bị nó làm choáng ngợp. Con chỉ giản dị nhìn thấy nó và con quyết định: “Tôi sẵn sàng muốn để nó qua một bên ngay lúc này để tôi có thể đi qua cổng và xem bên kia có gì.”
Bây giờ con hình dung là con bỏ cái ba lô xuống, để nó bên ngoài cổng và con bước qua cổng.
5.3. Trung tâm luân xa hồn
Giờ đây con thấy mình ở trong một khu vườn khác, còn ấm cúng mật thiết hơn khu vườn đầu. Khu vườn này đầy hoa, chúng có vẻ như tỏa chiếu ánh sáng. Khu vườn này tuyệt diệu, được thiết kế để trẻ thơ vui chơi. Con nghe thấy văng vẳng từ xa tiếng cười của trẻ thơ. Con cũng có thể cảm thấy như muốn bỏ thì giờ để khám phá khu vườn, khám phá xem mình cảm thấy thế nào khi ở trong sự rung động vui chơi của trẻ thơ.
Khi sẵn sàng, con sẽ thấy là trong khi con đi loanh quanh khu vườn, con tới một cánh cổng khác ở hàng rào cây khác. Giống như cánh cổng đầu tiên, có một khe hở con có thể bước qua. Bây giờ con thấy mình có một ba lô khác trên lưng.
Bây giờ Mẹ yêu cầu con hòa điệu với trụ sở của luân xa hồn và một lần nữa, con xét xem mình có lo lắng hay chấn thương nào liên quan tới trung tâm của hồn, sự sáng tạo của hồn, sự vui chơi của trẻ thơ. Rồi con giản dị nhìn nó và con quyết định: “Phải, tôi muốn đi qua cổng, do đó tôi sẽ bỏ ba lô này bên ngoài.”
Con hình dung mình gỡ ba lô xuống và con lại đi qua khe hở nhỏ hơn khe hở đầu. Không biết làm sao mà con nhỏ hơn một chút so với lúc con bắt đầu.
5.4. Luân xa rối dương (solar plexus)
Một khu vườn khác mở ra. Khu vườn này hoàn toàn yên lặng, ngay cả tiếng chim hót cũng không còn. Nó chính là sự tĩnh lặng.
Con đi bộ trong khu vườn này, và con nhận thấy là ngay cả bước chân của con cũng không tạo ra tiếng động. Con nhận thấy mình đang lắng nghe hơi thở mình, nhưng ngay cả hơi thở của con cũng không tạo ra âm thanh. Dường như là khu vườn hút âm thanh và con cảm thấy ôi sao tự do khi không còn mang theo tiếng động của thế gian trong mình nữa.
Sau một lúc, con đi tới một cánh cổng khác. Bây giờ Mẹ yêu cầu con hòa điệu với luân xa rối dương của con. Một lần nữa, con hãy hòa điệu vào bất kỳ niềm lo lắng nào, bất kỳ chấn thương nào mà con nhận ra. Con chỉ giản dị nhận biết nó và con biết nó đang ở trong một ba lô khác không biết làm sao đã hiện ra trên lưng con.
Một lần nữa, con quyết định: “Tôi sẽ không đi sâu vào nó, tôi sẽ để ba lô này xuống vì tôi muốn đi qua cánh cổng tới.”
Con hình dung để ba lô bên cạnh cổng, đi qua khe hở nhỏ hơn một chút và con bây giờ cũng nhỏ bé hơn một chút.
5.5. Luân xa tim
Bây giờ con bước vào một khu vườn có ánh sáng màu hồng xinh đẹp. Nó đầy hoa hồng, hoa màu hồng đủ dạng, đủ cỡ. Khu vườn thật đẹp, thật yên tịnh.
Con cảm nhận được một sự rung động gần giống – gần giống như tình yêu, nhưng không giống bất cứ tình yêu nào con đã biết trên trái đất. Nó là tình yêu vô điều kiện.
Một lần nữa, con có thể đi thăm thú khu vườn như ý muốn, nhưng tới một lúc thì con quay trở lại và bây giờ con khám phá một cánh cổng khác. Lần này thày yêu cầu con hòa điệu vào luân xa tim của con và một lần nữa con đi tìm bất kỳ niềm lo lắng hay gánh nặng nào, bất kỳ chấn thương nào liên quan tới tim, tới tình yêu, bị thất vọng trong tình yêu, cảm thấy tình yêu của mình bị từ chối.
Con chỉ thấy nó ở đó; con không đi sâu vào nó. Con nhận ra rằng nó lại ở trong cái ba lô mà con mang theo và ba lô này không thể lọt qua cánh cổng. Một lần nữa con quyết định: “Tôi muốn đi qua cánh cổng.” Con để ba lô xuống và bây giờ một phiên bản nhỏ hơn nữa của con đang đi qua cánh cổng.
5.6. Luân xa cổ họng
Đằng sau cánh cổng này là một khu vườn khác, nhưng không phải là khu vườn cây. Đây là một khu vườn ngọc quý, với những khối pha lê xanh dương đẹp khắp nơi, đủ dạng đủ cỡ. Có ánh sáng chiếu vào khu vườn và được phản chiếu lại bởi tất cả các khối pha lê, tạo nên những mô hình đủ loại.
Có những lối đi giữa các khối pha lê, trông gần giống như những thảm hoa bằng pha lê. Khi con đi vào trong khu vườn, một lần nữa con có thể thong thả thăm thú.
Một lúc sau thì con tìm thấy một cánh cổng khác. Lần này con cần hòa điệu với luân xa cổ họng và một lần nữa nhận ra bất kỳ chấn thương nào, bất kỳ nỗi lo lắng nào liên quan tới đời sống, liên quan tới nói lên quan điểm mình hay không nói lên, liên quan tới tổ chức, chính quyền hay bất kỳ quan tâm tương tự.
Một lần nữa, lẽ dĩ nhiên, con thấy là những nỗi lo lắng này không lấp đầy tâm con, nó lấp đầy chiếc ba lô của con. Ba lô này lại xuất hiện lần nữa. Một lần nữa, ba lô này không lọt qua cánh cổng được nhưng con có thể lọt qua. Con cũng quyết định bỏ xuống ba lô này, và con đi qua cánh cổng. Con thấy mình nhỏ hơn vì con nhẹ hơn, con ngây thơ hơn, con giống trẻ thơ hơn.
5.7. Luân xa con mắt thứ ba
Bây giờ con thấy một khu vườn khác và con kinh ngạc vì nó vĩ đại. Nó có quang cảnh trải rộng với phong cảnh mênh mông và những cánh đồng đầy hoa, những áng mây đủ hình tượng và đủ loại cảnh tượng mỹ miều rộng lớn bao la.
Một lần nữa con thăm thú khu vườn và lần này con có thể đi nhanh hơn. Con có thể đi với tốc độ của ánh sáng và thấy đủ mọi thứ. Con có thể thăm thú như ý mình muốn.
Một lúc sau thì con lại tìm thấy một cổng khác. Lần này con hòa điệu với luân xa con mắt thứ ba của con và con nhận ra bất kỳ tình huống nào, bất kỳ nỗi lo lắng nào, bất kỳ chấn thương nào khởi lên liên quan tới viễn quan, liên quan tới khả năng nhìn của con, liên quan tới khả năng biết và hiểu của con.
Một lần nữa con nhận ra nỗi lo lắng hay chấn thương này chỉ nằm trong chiếc ba lô nên nó không chiếm cứ tâm con. Một lần nữa con quyết định bỏ ba lô xuống và con đi qua cánh cổng.
5.8. Luân xa đỉnh đầu
Lần này con thấy một khu vườn ấm cúng mật thiết. Giữa vườn là hình tượng đức Phật ngồi trong sự yên tịnh toàn hảo. Thày ngồi trên một bông sen ngàn cánh nổi trên mặt hồ nước tĩnh lặng. Con ngạc nhiên trước vẻ đẹp và yên tịnh của cảnh này.
Một lần nữa có những lối đi để con thăm thú nếu con muốn và con có thể thăm thú một thời gian.
Một lần nữa sẽ tới lúc con tìm thấy một cánh cổng khác và con nhận ra là con cần hòa điệu với luân xa đỉnh đầu và nhận ra bất kỳ nỗi lo lắng nào, bất kỳ chấn thương nào liên quan tới nhận biết, tới minh triết, tới sự bình an khi biết rằng mọi sự đều là Phật tánh.
Một lần nữa con nhận ra chúng chỉ nằm trong chiếc ba lô. Chúng không chiếm cứ tâm con và con quyết định bỏ ba lô xuống và một lần nữa con đi qua cánh cổng.
5.9. Với Mẹ Mary
Bên kia cánh cổng không phải là một khu vườn. Con bỗng nhiên cảm thấy mình trong thân thể một hài nhi ngồi trong lòng của Mẹ. Bây giờ con hình dung con là một hài nhi và Mẹ đang ôm con trong lòng. Lòng Mẹ ấm áp, con hoàn toàn được bảo vệ, được bảo bọc bởi Hiện diện nuôi dưỡng của Mẹ Thiêng liêng.
Con đã bỏ lại đằng sau những nỗi lo và bây giờ con là một hài nhi ngây thơ, nằm trong lòng Mẹ Thiêng liêng. Nếu con muốn, Mẹ sẽ đong đưa con, Mẹ sẽ hát bài ru con. Nếu con muốn bú sữa mẹ, con cứ tự nhiên vì Mẹ không cảm thấy ngần ngại về chuyện thân thể và nhu cầu dinh dưỡng của nó. Con có thể uống dòng nuôi dưỡng tinh khiết của Mẹ Thiêng liêng cho tới khi con no đủ.
Bây giờ Mẹ muốn con hình dung, bằng cách nào cũng được, là con đi ngược lại tiến trình sanh đẻ đã đưa con đầu thai tại đây. Một lần nữa con đi vào không gian eo hẹp chật chội của ống sinh và con cảm thấy bị gò ép khắp chung quanh mình. Thay vì con sốc vì bị đẩy mạnh ra, bây giờ con đang nhẹ nhàng lướt ngược dòng ống sinh để tới một chỗ an toàn, ấm áp, nuôi dưỡng là bụng của Mẹ Thiêng liêng.
Bây giờ con ở trong bụng của Mẹ Thiêng liêng – trong bụng của Mẹ. Đây là biểu tượng chúng ta đã vượt qua kiếp đầu thai hiện thời của con, chúng ta đã vượt qua mọi dính mắc và mọi nỗi lo lắng thường khiến con chú tâm vào thân thể vật lý hiện thời của mình, cuộc sống hiện thời của mình và thế giới trong đó con sống. Chúng ta đã bỏ chúng lại đằng sau, ở bên ngoài cổng.
Bây giờ chúng ta được nuôi dưỡng, chúng ta cảm thấy an toàn và do đó chúng ta sẵn sàng đi xuống một đường hầm đang mở ra trước mặt chúng ta. Đây là một đường hầm dẫn về các kiếp trước của con trên hành tinh này.
5.9. Tìm hiểu các kiếp trước
Chúng ta đi trong đường hầm này tay trong tay, Mẹ dẫn con đi, giúp con cảm thấy an toàn, và chúng ta nhận biết là có những cánh cửa ở dọc theo đường hầm. Đây là những cánh cửa dẫn tới những kiếp trước của con.
Có thể sẽ có lúc trong tương lai, khi con dùng bài tập này, con sẽ cảm thấy bị thôi thúc muốn đi vào một trong những cánh cửa đó và nhìn xem chuyện gì xảy ra trong kiếp đó. Nếu con làm điều này trong tương lai, con có thể dùng kỹ thuật mà Mẹ sẽ trao cho con sắp tới đây, để giải quyết bất kỳ chấn thương nào ở một kiếp sống trước. Mục đích bài tập này là đưa con trở về quá khứ xa và đó là lý do vì sao chúng ta không đi vào bất kỳ những cửa này. Mẹ biết là có khi chúng ta đi qua một cánh cửa và hầu như có một từ lực thu hút sự chú ý của con khiến con muốn đi vào. Lúc đó Mẹ sẽ quàng tay qua vai con và nói: “Chưa phải lúc, chúng ta có chuyện khác cần nhìn vào ở phía xa hơn của đường hầm.”
Chúng ta đi bộ qua hết cánh cửa này tới cánh cửa nọ. Không cánh cửa nào có sức thu hút con mạnh đến độ Mẹ không thể dìu con đi qua nó. Giản dị là chúng ta cho phép chúng mờ nhạt đi. Chúng không quan trọng, nhưng chúng ta đi càng ngày càng xa ngược dòng mà con gọi là thời gian. Thực ra, chúng ta cứ tiếp tục di chuyển, gần giống như khi con di chuyển trên trái đất một cách tự do về bất cứ hướng nào. Chúng ta chỉ quyết định di chuyển về hướng dẫn tới lần đầu thai đầu tiên của con trên hành tinh trái đất.
5.10. Rạp hát
Sau một lúc, bất thình lình chúng ta thấy mình đã tới cuối đường hầm. Không còn cánh cửa nào khác bên hông, nhưng có một khung cửa ở cuối đường hầm.
Khi chúng ta đi qua khung cửa này, chúng ta thấy mình đứng trong một rạp hát. Có những dãy ghế ngồi, có một con đường ngay giữa dẫn lên sân khấu. Ngay trước mặt là sân khấu. Có những cảnh dựng và trang hoàng công phu trên sân khấu.
Bây giờ Mẹ nắm tay con và chúng ta ngồi xuống trong những ghế đó. Khi chúng ta ngồi xuống, thì dường như buổi trình diễn bỗng nhiên bắt đầu. Những nhân vật xuất hiện từ hai bên, họ đóng những vai trò khác nhau, vở kịch được diễn ra.
Con hoàn toàn không nhập vào cảnh trên sân khấu; con chỉ quan sát thôi. Vở kịch đang diễn ra. Có thể con cũng không thấy màn kịch nào cả, có thể con chỉ có một số cảm giác, một số cảm nhận.
Có thể lần đầu tiên con làm bài tập này thì con chưa sẵn sàng nhìn thấy chi tiết. Bất cứ điều gì con thấy, bất cứ điều gì con nhận thấy, bất cứ điều gì con trải nghiệm, bất cứ điều gì con cảm nhận, nó hòa điệu tâm con vào hoàn cảnh chấn thương đầu tiên mà con gặp phải khi đầu thai trên hành tinh này.
Con có thể cảm thấy một số cảm xúc, con có thể có một số ý tưởng, con có thể hoàn toàn bình tĩnh. Những chuyện này đều được cả vì Mẹ đang ở bên cạnh con. Mẹ đang hướng dẫn con, Mẹ đang bảo vệ con và không điều gì có thể làm con choáng ngợp, không điều gì xấu sẽ xảy ra cho con. Bất cứ điều gì xảy ra cho con lúc đó không thể xảy ra nữa, con yêu dấu. Nó không thể xảy ra cho con bây giờ, vì con không còn là con người đã gặp chuyện đó vào lúc đó.
Con có thể thấy có một người trên sân khấu đang bị một hoàn cảnh chấn thương, nhưng con không thực sự đồng hóa mình với người đó. Con thấy vở kịch đang diễn ra, nhưng con không bị lôi cuốn vào đó. Con đang không ở trên sân khấu quan sát truyện đang xảy ra, con đang ngồi với Mẹ bên cạnh con và con đang quan sát nó từ bên ngoài.
Sau một lúc thì vở kịch đã trải bày xong. Dường như tất cả các nhân vật đã xuất hiện trên sân khấu đã đóng băng lại. Con có thể tưởng tượng một sân khấu trên đó tất cả các diễn viên bỗng nhiên đóng băng, gần giống như con ngưng một cuộn phim thành một bức tranh tĩnh.
Lúc đó, Mẹ nắm tay con. Chúng ta đi theo con đường chính giữa rạp về phía sân khấu. Chúng ta đi dọc một bên sân khấu và có một tấm màn mà chúng ta vén lên và bây giờ chúng ta bước vào hậu trường.
Bây giờ thì con ở hậu trường với Mẹ và điều mà con cảm thấy rất thật khi nhìn từ phía trước bây giờ chỉ vỏn vẹn là cảnh trí và dụng cụ sân khấu, chỉ trông giống thật khi nhìn từ một góc độ nào đó. Khi nhìn từ phía trước thì ta có cảm tưởng là ta đang nhìn vào một thế giới thật. Bây giờ ở hậu trường, con thấy là mọi thứ đều là dàn dựng và không có gì trong đó là thật cả. Tất cả như màn ảo thuật, tất cả là một vở kịch đang được diễn ra.
5.11. Trên sân khấu
Bây giờ lẽ dĩ nhiên là chúng ta bước lên sân khấu. Một lần nữa, Mẹ nắm tay con. Nếu con muốn, Mẹ sẽ bế con. Chúng ta đi về phía nhân vật chính đã trải qua một biến cố chấn thương.
Chúng ta thấy là chấn thương lớn đến độ chính vì nó mà người đó bị đóng băng. Người đó, sinh thể đó vẫn còn bị đóng băng ở đó và đã bị đóng băng như vậy từ khi biến cố xảy ra.
Tất cả những nhân vật còn lại cũng bị đóng băng nhưng chúng ta nhận ra họ không phải là những nhân vật thật bị đóng băng từ lúc đó, họ chỉ là cảm nhận của nhân vật chính. Tuy rằng có những sinh thể đã hành động như thế ở thời điểm quá khứ đó, nhưng họ đã đổi khác với thời gian. Những gì còn lại trong rạp hát là hình ảnh mà nhân vật chính có về các nhân vật đó và những gì họ đã làm đối với nhân vật chính này.
Bây giờ chúng ta bước tới gần người này và Mẹ cho con thời gian để con tự điều chỉnh. Con cảm thấy gần giống như con đang nhìn một người lạ nhưng có dáng vẻ gì quen thuộc về người này. Con quay nhìn Mẹ có ý hỏi. Mẹ quỳ xuống bên cạnh con, vòng tay ôm vai con và nói: “Con có thấy chăng là có một thời con đã đồng hóa mình với người này và con thấy chăng là bây giờ con đã hơn người này rất nhiều?” Bỗng nhiên con hơi rúng động và thân thể con giựt nảy lên vì con nhận ra đây chính là con ở thời điểm đó. Tuy cảnh tượng có vẻ đáng sợ, nhưng Mẹ đang ở bên cạnh con và con cũng nhận ra rằng: “Nhưng tôi không còn là người này nữa. Tôi đã tiến hơn trên biết bao nhiêu mặt.”
Bây giờ Mẹ nói với con là rạp hát này hiện hữu trong tâm thức con, trong trường năng lượng của tâm thức con. Tâm thức con, toàn bộ tâm thức con, ngày nay hơn thế rất nhiều. Con nói: “Làm sao con biết được điều này?” Mẹ nói: “Có đúng chăng là con đã đi qua bảy khu vườn? Các khu vườn này là tâm thức của con, tâm thức mà con đã gày dựng từ ngày con đầu thai lần đầu trên trái đất. Con hãy chiêm nghiệm vẻ đẹp của các khu vườn này và con có thể thấy là ngày hôm nay con hơn rất nhiều con người đã đầu thai lần đầu trên trái đất này.”
Bây giờ con thấy được là diễn biến chấn thương đầu tiên này là một cú sốc vô cùng nặng cho con vì sự tương phản giữa những gì con biết trước khi con xuống trái đất và trải nghiệm khốc liệt khi con tới hành tinh này. Dù rằng ở thời điểm đó nó là một cú sốc đối với con, con nhận ra rằng bây giờ con biết nhiều hơn nhiều, con đã trải nghiệm nhiều hơn nhiều trên hành tinh này, con đã có nhiều trải nghiệm tích cực trên hành tinh này, con đã có những thành tựu trên hành tinh này. Qua sự điều ngự bảy tia sáng con đã tạo ra những khu vườn xinh đẹp mà con đã thấy.
Thực sự là diễn biến đầu tiên này, dù nó là một cú sốc vào thời điểm đó, ngày nay không còn quy định con nữa. Con không còn là sinh thể bị đóng băng vào lúc đó. Nó chỉ là một phần của con. Nó vẫn là một phần của con vì nó bị đóng băng vào lúc đó và con chưa trở về để nhìn lại nó.
Bây giờ con đang ở đây với Mẹ, con nhìn nó và con thấy là con hơn thế rất nhiều. Do đó, con có thể nhìn chấn thương đầu tiên này. Con thực sự có thể đi vào trong nó và trải nghiệm nó trở lại. Con sẽ không có cùng trải nghiệm mà con có lần đầu.
Sau đó con nhận ra rằng nếu con muốn giải thoát mình khỏi chấn thương, con thực sự cần cho phép mình đi vào bên trong con người trên sân khấu đã bị đóng băng vào quá khứ. Thoạt tiên con do dự: “Nhưng Mẹ Mary, con có thể ra khỏi nó được không?” Mẹ nói: “Nhưng con có thể nắm tay Mẹ trong suốt thời gian này, và nếu con không tự mình ra khỏi được, Mẹ sẽ kéo con ra. Điều này, Mẹ hứa với con.”
Con nhìn vào mắt Mẹ và Mẹ thấy được con nhất quyết chuyển hóa: “Tôi đã mang chấn thương này trong tôi đủ lâu rồi và do đó tôi sẽ đi vào trong đó và trải nghiệm nó lại.”
Bỗng nhiên, con chui vào nhân vật đầu tiên ấy, con người đầu tiên ấy, và bây giờ con đang trải nghiệm lại diễn biến gây chấn thương này. Ở điểm này, có thể là nó không đến với con trong chi tiết, nhưng con có thể có một cảm xúc mạnh. Con có thể có nỗi đau, có thể có cái gì kéo hút con và con cho phép mình trải nghiệm nó một thời gian. Có thể là một giây, có thể là vài giây, có thể lâu hơn. Khi con sẵn sàng, con cảm thấy Mẹ đang kéo tay con. Khi con bất thình lình chuyển sự chú ý ra khỏi cái đau, khỏi chấn thương và hướng về Mẹ, con thấy là con nhẹ nhàng chui tuột ra khỏi nhân vật. Mẹ còn không phải kéo con ra vì con đã nhẹ nhàng chui tuột ra khỏi nhân vật.
Một lần nữa, con giống một trẻ thơ đang ngồi trong lòng Mẹ. Mẹ đang vỗ về con, Mẹ đang ôm con trong lòng và bỗng nhiên con có thể nhìn hoàn cảnh với tâm hoàn toàn bình an. Con nhìn hoàn cảnh và con nhận ra nó cũng chỉ là một diễn biến, giống như nhiều diễn biến khác. “Có rất nhiều diễn biến khác trên trái đất không ảnh hưởng đến tôi, không quy định được tôi. Nhưng trong tâm của tôi, tôi đã coi diễn biến này đặc biệt, tệ hơn thực tại rất nhiều, nhưng nó chỉ là một diễn biến, nó chỉ là một điều gì đã xảy ra.”
“Do đó, tôi nhận ra là có rất nhiều diễn biến khác mà tôi đã buông bỏ và chắc chắn tôi cũng có thể buông bỏ diễn biến này. Tôi có thể buông nó xuống, tôi không phải nắm giữ nó. Tôi không phải nắm chặt nó nữa. Nó không có chỗ đứng trong bản thể của tôi. Tôi không muốn nó, tôi không cần nó. Tôi muốn thoát khỏi nó. Tôi muốn vui chơi trong các khu vườn mà không bị nó đè nặng và không bị nó lôi kéo trở về diễn biến đó.”
“Dường như là hoàn cảnh thật không còn đó nữa. Nó đã thay đổi với thời gian, nó đã hoàn toàn chuyển biến và không còn ở đó nữa. Nó chỉ có mặt trong tâm của tôi mà thôi, nó chỉ hiện hữu ở trong tâm của tôi mà thôi. Tôi không còn muốn nó trong tâm mình nữa và tôi có quyền lực thay đổi tâm mình. Tôi có thể thay đổi bất cứ điều gì xảy ra trong tâm mình.”
Bỗng nhiên con cảm thấy hứng khởi và con nói: “Mẹ Mary, hãy giúp con thoát khỏi cái này, hãy giúp con thoát khỏi toàn bộ kịch bản này.” Mẹ nói: “Chắc chắn là Mẹ sẽ giúp con.”
Trước hết, Mẹ muốn con trở về với nhân vật bị tổn thương đó và Mẹ cần con thương yêu nhân vật đó, yêu mình như mình là ở thời điểm đó, yêu mình như con cảm thấy Mẹ yêu con. Con yêu phản ứng của mình.
Bỗng nhiên, con nhận ra là sau khi hoàn cảnh xảy ra, nỗi đau mãnh liệt đến độ con quả thực đã trách mình đã phản ứng như thế. Con trách mình là mình đã phản ứng lại hoàn cảnh và cách phản ứng này đã tạo ra nỗi đau của mình. Con trách mình và con nghĩ lẽ ra con phải có khả năng kinh nghiệm hoàn cảnh đó mà không đau đớn, không phản ứng lại.
Con yêu dấu, không ai trong chúng ta có thể tránh phản ứng lại chấn thương khốc liệt mà chúng ta gặp khi đầu thai lần đầu trên hành tinh này. Chưa một ai trong chúng ta đã tránh khỏi chuyện phản ứng và con không cần đòi hỏi mình không phản ứng. Dù con đã phản ứng thế nào chăng nữa, con có thể thoát khỏi nó. Con có thể thoát khỏi nó bằng cách yêu cái ta đã phản ứng.
Khi con đi vào cái ta đó và yêu nó, con cảm thấy là nhân vật đã đóng băng vào quá khứ bỗng nhiên bắt đầu tan băng, chảy ra, trở nên lỏng. Nó không còn cứng ngắc nữa, nó không còn là cái vỏ cứng nữa. Nó lỏng ra, nó tuôn chảy và con thấy nó lỏng đến độ bỗng nhiên nó trở thành một vũng nước trên sàn.
Sau đó, con nhận ra là Mẹ đưa cho con một miếng vải và nói: “Con chùi vũng nước này đi và đưa lại cho Mẹ.” Con chùi vũng nước đó khỏi sàn và con đưa lại cho Mẹ miếng vải ướt. Mẹ đưa nó vào luân xa tim của Mẹ và chuyển hóa nó.
Con bây giờ cảm thấy một gánh nặng vừa trút khỏi con và con cảm thấy có sự thôi thúc kéo con trở về một trong các khu vườn đó để thăm thú cảnh đẹp. Con cũng nhận ra rằng tuy con cảm thấy tự do hơn, con vẫn còn ở trên sân khấu đó vì các nhân vật khác vẫn còn đóng băng trong quá khứ.
Con nhìn Mẹ và hỏi: “Nhưng tại sao con vẫn còn ở đây? Tại sao các nhân vật kia vẫn còn ở đó khi họ chỉ là những cảm nhận trong tâm của con?” Mẹ nói với con là khi chấn thương đầu tiên đó xảy ra, con để cho tâm bị ám ảnh bám mắc vào một hình ảnh đặc thù về mình và đấy cũng chính là hình ảnh con vừa làm cho tan. Con cũng để cho tâm bị ám ảnh bám mắc vào một cách nhìn đặc thù về những sinh thể đã làm chuyện đó đối với con và cái nhìn này bị đóng băng trong quá khứ.
Do đó, con cần lau dọn thêm một chút nữa. Điều con cần làm và Mẹ sẽ hướng dẫn con làm là con ngồi trên sân khấu. Con nhìn một nhân vật hiện lên trong tâm con, một hình ảnh. Có thể là hình ảnh không nhiều chi tiết nhưng con có cảm tưởng là có cái gì ở đó, và nó nguy hiểm, nó là một mối đe dọa đối với con và nó muốn hại con.
Bây giờ con nhận ra rằng con không phải là sinh thể có mặt ở đó lúc khởi thủy. Con không sợ hãi; con đang ở đây với Mẹ. Con tự do bên trong con và do đó con có thể nhìn hình ảnh mà con có trong tâm, hình ảnh mà con đã tạo dựng trong tâm vào lúc đó và con có thể yêu hình ảnh đó. Con có thể gửi tình yêu tới nó. Khi con làm vậy, con thấy cái vỏ cứng bắt đầu mềm đi, chảy ra, trở thành nước. Một lần nữa nó biến thành một vũng nước trên sân khấu. Mẹ đưa cho con một miếng vải khác và một lần nữa con lau vũng nước đó, đưa lại cho Mẹ và Mẹ tiêu trừ nó trong luân xa tim của Mẹ.
Cũng có thể có những nhân vật khác trên sân khấu và khi con làm bài tập này trở lại, mỗi lần lại có một nhân vật khác khởi lên trong tâm con. Bây giờ con biết công thức rồi. Con yêu nó cho tới khi nó chảy ra, trở thành nước và con lau chùi nó và con đưa lại cho Mẹ và Mẹ tiêu trừ nó.
5.12. Dùng bài tập cho các chấn thương khác
Có thể sẽ tới một lúc khi con làm bài tập này và không còn nhân vật nào hiện lên trong tâm con và sân khấu trống rỗng. Khi tới điểm này thì con đã sẵn sàng bỏ sân khấu lại đằng sau. Con vẫn có thể làm bài tập này và khám phá thấy rằng có một trong những cánh cửa trong đường hầm có sức thu hút con. Con có thể đi vào và con thấy một sân khấu khác với một kịch bản khác. Con có thể làm theo cùng công thức đó, đi vào trong nhân vật và nhận ra rằng nhân vật không phải là mình. Con gửi tình yêu tràn ắp nhân vật, làm nó tan lỏng đi và sau đó con coi xem có nhân vật nào khác không. Con nhận ra rằng họ chỉ bị đóng băng trong quá khứ và con làm cho họ tan lỏng ra và con lau chùi họ, nói theo nghĩa bóng.
Có thể sẽ tới điểm mà con có thể đi bộ qua đường hầm này và không có gì thu hút con nữa. Lúc đó, con không có nhu cầu lặp lại bài tập này. Trong phần đầu, Mẹ muốn đưa con trở về chấn thương đầu tiên hết của con và thật sự làm cho tất cả những nhân vật đã xúc phạm con trong kịch bản đó tan lỏng đi. Khi con thoát khỏi chấn thương nhập đời đầu tiên, chuyện giải quyết bất kỳ chấn thương nào mà con gánh chịu trong bất kỳ kiếp đầu thai nào sau đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đó là lý do tại sao Mẹ đã đưa con thẳng tới điểm khởi đầu, thay vì giải tỏa các chấn thương khác xảy ra sau này, gần kiếp đầu thai hiện nay của con hơn và do đó, có thể nói là chúng thu hút con mạnh hơn. Có thể là chúng dễ hóa giải hơn, nhưng con không dễ hóa giải chúng nếu con chưa hóa giải chấn thương đầu tiên. Mọi chấn thương khác đều liên hệ tới nó, đều được xây dựng trên nó. Do đó, khi trở về nguồn gốc, con yêu dấu, và giải tỏa chấn thương đầu tiên này, chúng ta tạo điều kiện để giải tỏa tất cả các chấn thương khác.
5.13. Rời rạp hát
Bây giờ Mẹ muốn con hình dung chúng ta ở trên sân khấu và ít nhất lúc này không còn nhân vật nào hiện lên trong tâm con. Đã tới lúc rời rạp hát và một lần nữa chúng ta đi ra khỏi cửa và đi vào đường hầm. Bỗng nhiên, chúng ta đã trở về và con lại trải nghiệm tiến trình sinh ra đời một lần nữa. Nhưng lần này, không có gì đau đớn, con còn không cảm thấy bị chật chội trong ống sinh.
Bỗng nhiên con trở về hiện thân là một trẻ thơ ngồi trong lòng Mẹ. Con có thể ngồi trong lòng Mẹ, như ngồi thiền, bao lâu con muốn trước khi con hoàn thành bài tập này và đọc bài thỉnh cuối. Mẹ sẽ ôm con bao lâu con muốn, cho tới khi con cảm thấy sẵn sàng, con cảm thấy trọn vẹn, con cảm thấy đã lành lặn đủ để trở về thân vật lý của con và sự nhận biết của kiếp sống hiện nay. Lẽ dĩ nhiên con trở về bằng cách đi qua các cánh cổng tượng trưng cho các luân xa của con.
Ở các cánh cổng con có thể nhặt lên chiếc ba lô mà con đã bỏ lại đằng sau. Có thể là con không ý thức con đã làm vậy nhưng không sao cả, nhưng cũng có thể là có điểm con bỗng nhiên do dự và nhận ra mình có chọn lựa: “Tôi sẽ nhặt lên chiếc ba lô này hay tôi để nó lại ở đây?” Lúc đó, có thể là con quyết định để nó lại và con trở về với cảm giác nhận biết bình thường của mình nhưng với cảm giác nhẹ nhàng hơn vì không còn mang theo chiếc ba lộ nặng chĩu như thế nữa.
Có thể con tới điểm khám phá mình đã làm tan luôn chiếc ba lô và con không còn ba lô nào nữa. Con có thể làm lại bài tập và đi qua các cửa mà không cần để lại gì đằng sau vì con đã chuyển hóa chúng.
5.14. Chấp nhận Tình thương Thiêng liêng
Điều Mẹ muốn con ghi nhớ từ bài giảng này là phần khó khăn nhất khi đầu thai trên trái đất là chúng ta không thể thực sự chấp nhận tình thương Thiêng liêng. Rất nhiều khi đó là vì chấn thương nhập đời đầu tiên quá kinh khủng và khiến chúng ta cảm thấy rằng nếu Thượng đế thật sự yêu chúng ta, thì ngài không thể nào cho phép để chúng ta phải chịu chấn thương này. Đáng lẽ ra ngài không được cho phép chúng ta phải chịu một chấn thương như vậy, đáng lẽ ra ngài phải bảo vệ chúng ta bằng cách nào đó.
Đây là một bí ẩn. Đây là một bí ẩn cần thiết mà con cần suy ngẫm, cần gia tốc, cần con phải thách thức cách nhìn đời của mình, thách thức những ý tưởng mà sa nhân đã phổ biến về một Thượng đế đầy giận dữ, một Thượng đế xa cách, hay không có Thượng đế, cho tới khi con nhận ra là con đã chọn lựa đầu thai.
Con biết tình trạng trên hành tinh này. Con có cảm nhận là con sẽ gặp khó khăn nhưng con không thể biết chính xác sẽ khó khăn đến đâu bởi vì chúng ta không thể biết được mình sẽ trải nghiệm một tình huống như thế nào bằng cách phóng chiếu tới tương lai. Con không thể biết được mình sẽ phản ứng chính xác như thế nào trong tương lai cho tới khi con trải nghiệm nó.
Lý do con chọn đi vào hoàn cảnh này, lẽ dĩ nhiên, trước tiên hết là vì con xuống trái đất với một mục đích tích cực. Một lý do khác là vì con biết là bất kỳ chấn thương nào mà con phải gánh chịu khi đầu thai trên trái đất, con sẽ có thể thoát khỏi nó. Nó không thể thật sự tiêu hủy con, thay đổi con hay chạm tới con. Có thể là con cảm thấy nó có thể chạm tới con, nhưng nó không thể nào chạm tới sinh thể vô hình tướng mà con thật sự là. Do đó, con biết là bất kỳ chuyện gì xảy ra, con sẽ có thể tháo gỡ được khi con có hiểu biết và được giúp đỡ. Con cũng biết là sẽ có các chân sư thăng thiên và các đại diện của Mẹ Thiêng liêng sẵn sàng giúp đỡ con, như Mẹ đây đang được hân hạnh giúp đỡ con.
Do đó con biết, như Shakespeare đã nói: “Cả thế giới là một sân khấu.” Con biết là những gì xảy ra trong cõi vật chất của trái đất giống như những gì xảy ra trong một rạp hát. Nó không thật. Con biết là khi con ở trong rạp hát, vở kịch có thể tác động mạnh tới con. Con có thể có phản ứng xúc động, nó có thể khuấy động nhiều ý nghĩ trong con. Nhưng con không đồng hóa mình với vở kịch, con không nghĩ mình là một trong những nhân vật trên sân khấu.
Ngay cả khi con ở trong một vở kịch và con là một trong những diễn viên, con có thể sống trong vai tuồng đó nhưng con biết một khi con rời sân khấu, con sẽ rời vai tuồng đó. Lý do vì sao con đồng hóa mình với trái đất là vì chấn thương nhập đời khốc liệt đến độ nó khiến con nghĩ chấn thương này đã thay đổi con và giờ đây con đã trở thành một sinh thể bị thương tích. Nó đã khiến con tự đồng hóa mình với nhân vật mà con thủ vai trong tất cả các kiếp đầu thai của mình.
Điều con có thể đạt được khi làm bài tập này một số lần, là con tới được điểm con không còn tự đồng hóa mình với nhân vật đầu tiên bị tổn thương trong chấn thương nhập đời đầu tiên. Con cũng không tự đồng hóa mình với bất kỳ vai trò nào khác mà con đã thủ vai trong các kiếp đầu thai khác. Con cũng không hoàn toàn tự đồng hóa mình với vai trò con đang thủ vai trong kiếp đầu thai này.
Khi con tới được điểm này, thì tâm trí của con đạt được một sự tự do mới khi con nhận ra rằng, đúng vậy, con sinh trưởng trong một gia đình nào đó, một quốc gia nào đó, một nền văn hóa nào đó. Các thứ đó có một lịch sử đi ngược dòng thời gian. Con đã bị ảnh hưởng bởi môi trường của mình, con đã bị ảnh hưởng bởi gen của mình. Ngoài những yếu tố đó, con cũng đã có nhiều kiếp sống trước đã ảnh hưởng mình, nhưng tất cả đã được giải tỏa tới điểm chúng không quy định được hướng đi của phần còn lại của kiếp đầu thai này của con. Con có tự do chọn lựa mình sẽ là ai trong phần còn lại của kiếp sống này.
Thật là một niềm vui lớn lao nhất cho Mẹ khi Mẹ giúp dẫn con tới điểm tự do lý trí, tình cảm, bản sắc và vật lý này. TA LÀ Mẹ Mary và TA LÀ mãi mãi Mẹ thiêng liêng của con.