Một nhà thờ cho người da đen có cần thiết không?

Hỏi: Kính chào thày Giê-su, con là một phụ nữ người Mỹ gốc Phi châu, lớn lên trong một giáo hội Baptist. Con không còn tự nhận mình là một tín đồ Cơ đốc nữa vì con nhận thấy giáo lý không đồng điệu với con người nội tâm của con. Một số câu hỏi của con đã không có câu trả lời và cuối cùng con đã phải đi tìm một giáo lý cao hơn.

Theo nhận xét của con, tín đồ trong các giáo hội của người da đen thường đặt các mục sư/chức sắc/giám mục của họ lên đài cao và tôn thờ họ như thể họ là Thượng đế. Khi họ thuyết pháp, nhiều lãnh đạo các giáo hội da đen lên án người đồng tính luyến ái, khiến cho những người này cảm thấy như mình nhơ nhuốc dưới mắt Thượng đế, không xứng đáng được Thượng đế thương yêu. Tiếc thay, nhiều tín đồ trong giáo hội lại mù quáng đi theo giáo lý hận thù như vậy, và chu kỳ phán xét cứ không ngừng tiếp diễn.  

Gần đây đã có những lời cáo buộc đối với một nhà truyền giáo da đen vô cùng quyền thế về việc ông đã có quan hệ bất chính với một số thanh niên. Trớ trêu thay, nhà truyền giáo này cũng là một người chống đối kịch liệt vấn đề đồng tính và hôn nhân đồng tính. Vậy câu hỏi của con là như sau: là con người, làm thế nào chúng con tìm được con đường trung hòa để đi theo tín ngưỡng của mình và không đặt trọn niềm tin vào con người? Người da đen phải làm gì để hiểu ra là việc hò hét từ trên bục giảng trong khi đeo trang sức bạch kim và kim cương và đi xe trị giá $100,000 đậu ngay giữa đường vào nhà thờ, hoàn toàn không chứng minh được mối liên kết trực tiếp, chân phước và hồng ân từ Đấng Sáng tạo?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6/2011.

Con hãy cho ta dùng câu hỏi này của con để đặt ra một câu hỏi rộng lớn hơn: Có cần nhà thờ Ki-tô giáo dành riêng cho người Mỹ gốc châu Phi hay không – có nhu cầu nào cho một nhà thờ của người da đen?

Nhưng đầu tiên, chúng ta hãy xem xét tại sao con người lại có khuynh hướng miệt thị người khác. Có một số mục sư trong các giáo hội cực chính thống (fundamentalist) – cả Mỹ gốc châu Phi lẫn da trắng – lên án đồng tính luyến ái trong khi chính bản thân họ lại có những vấn đề tình dục.

Tuy nhiên, nếu con nhìn xa hơn vấn đề đồng tính, con sẽ thấy là đằng sau đó có cả một cơ chế tâm lý phổ biến gọi là vật tế thần. Cơ chế này đặc trưng cho một loại tổ chức nhất định, không cứ là tổ chức tôn giáo. Một ví dụ điển hình trong lịch sử là chủ nghĩa Quốc xã, nhưng đã có rất nhiều loại tổ chức áp bức khác cũng đã phân biệt một nhóm người đặc thù nào đó, hay cả những cá nhân, hầu biến họ thành những con dê tế thần.

Tại sao họ lại biến người khác thành vật tế thần? Tại sao họ không nghe lời dạy của ta là KHÔNG được chú tâm vào cái giằm trong mắt người anh em? Phải, luôn luôn là vì họ không chịu nhìn vào cái xà trong mắt họ.

Họ sử dụng việc lên án người khác để không ai chú ý đến họ cùng những vấn đề chưa giải quyết trong tâm lý họ. Bởi vì trên căn bản, bất cứ điều gì mà con phóng chiếu lên người khác cũng phản ánh những vấn đề chưa giải quyết trong chính tâm lý của con.

Con thấy có sự thiếu tự tin trong tâm lý của những người đó. Nhưng hơn thế, con cũng thấy là họ không sẵn sàng làm công việc cải thiện bản thân để trau dồi lòng tự tin đích thực. Và sự thiếu sẵn sàng này được họ “bào chữa” bằng cách tạo ra một hình tư tưởng bảo rằng con người không thể tự cải thiện do đã bị đối xử tàn nhẫn, bị áp bức hay bị chà đạp. Những người như vậy có cái nhìn rất cứng nhắc về cuộc sống. Họ nghĩ là họ bị hạn chế trong một địa vị nhất định nhưng họ vẫn cho là họ sẽ được cứu rỗi, một phần là vì vật tế thần của họ có địa vị thấp hơn, và phần khác vì họ có những lãnh đạo “cao cả” đã hứa hẹn sẽ đưa họ lên thiên đàng.  

Trong bất kỳ tổ chức nào, người lãnh đạo cũng tương xứng với các thành viên, nghĩa là lãnh đạo luôn luôn là một tấm gương cực đoan của những vấn đề tâm lý chưa giải tỏa nơi đa số các thành viên của tổ chức. Do đó trong một tổ chức nhà thờ, cách cư xử của mục sư là sự phản ánh của tâm lý chưa giải tỏa trong hội chúng.

Ta không muốn nói là nếu một nhà thờ lên án người đồng tính thì điều này cho thấy phần lớn tín đồ đều có khuynh hướng đồng tính. Nhưng nó cho thấy là đa số hội chúng có những tâm lý chưa được giải tỏa mà họ không chịu xem xét, và vì vậy họ mới sẵn sàng lên án người khác để cảm thấy mình không cần phải xem xét chính mình. Đây là “tư duy bị ức hiếp”, qua đó con cảm thấy sâu xa là con có một điều gì đó không ổn dưới mắt Thượng đế, nhưng nếu con có thể làm như có nhóm nào khác còn tệ hơn mình nữa thì con cảm thấy Thượng đế sẽ chấp nhận con vì con không đến nỗi tệ như nhóm dê tế thần kia.

Khi con xem xét kỹ hơn, con sẽ thấy đây là một tư duy vô cùng phi lôgíc. Đây là cách nhìn chỉ thấy khuyết điểm, tức là con biết con không đáp ứng tiêu chuẩn mà con nghĩ Thượng đế đang sử dụng, nhưng thay vì đặt trọng tâm vào việc tự cải sửa, con lại tìm cách kéo thấp người khác. Nếu con đưa quan điểm này đến sự cùng cực hợp lý của nó, con như đang bảo rằng: “Đồng ý, chúng tôi không đủ tốt để được cứu rỗi, nhưng Thượng đế phải cứu một ai đó chứ, cho nên nếu chúng tôi khiến cho kẻ khác có vẻ tồi tệ hơn mình thì ngài sẽ phải chọn chúng tôi thôi.”

Vấn đề là Thượng đế không bắt buộc phải cứu rỗi bất kỳ một ai. Ngài đã ban quyền tự quyết cho mọi người, cho nên chính những chọn lựa của mỗi người sẽ định đoạt người đó sẽ được cứu rỗi hay không.

Đằng sau tư duy bị ức hiếp là niềm tin cho rằng một người vào được Nước Trời hay không là do những gì người đó đã làm hay không làm. Nhưng rõ ràng ta đã dạy rằng Nước Trời ở ngay trong con. Và cái ở ngay trong con chính là trạng thái tâm thức của con, tức là con có vào được Nước Trời hay không là hoàn toàn do trạng thái tâm thức của con định đoạt. Vào được Nước Trời có nghĩa là con ở trong chính tâm thức LÀ Nước Trời.  

Trong vương quốc của Thượng đế, mọi sự sống là một – “Ta và Cha ta là một” – cho nên khi nào con còn nghĩ con phải phán xét người khác thì con không thể ở trong trạng thái tâm thức thấy được tính duy nhất của mọi sự sống. Bởi vì khi con thấy mọi sự sống là một, con chỉ có thể cố gắng nâng mọi sự sống đi lên mà thôi. Vì vậy, khi nào con còn phán xét hay cảm thấy nhu cầu bài bác hay thay đổi người khác, con sẽ không thể bước vào Nước Trời, như thày Portia vừa giải thích thật hùng hồn.

Nếu con hiểu giáo lý và sứ vụ nguyên thủy của ta, con sẽ thấy là đường tu mà ta từng giảng dạy và chứng tỏ – tức là Đạo, là con Đường – nhắm đặc biệt đến những ai sẵn lòng thăng vượt tư duy bị ức hiếp đó để hoàn toàn nhận lãnh trách nhiệm về sự cứu rỗi của mình. Con cũng có thể thấy là vào thời đó, không có nhiều người đầu thai sẵn sàng đi theo con đường này. Cho nên nếu những lời dạy nguyên thủy của ta được bảo tồn thì đạo Ki-tô đã không bao giờ trở thành một tôn giáo lớn trên thế giới. Và thật vậy, ta không bao giờ có ý định lập ra một tôn giáo được dùng để giam con người trong tư duy bị ức hiếp.

Cho nên sự thật phũ phàng là như sau: Lý do đạo Ki-tô đã trở thành một tôn giáo toàn cầu là vì có một số kẻ trong tầng lớp thượng lưu quyền lực của Đế quốc La mã đã nẩy ý là họ có thể dùng một dạng tha hóa của giáo lý của ta để áp bức quần chúng tới mức cùng cực. Hình thức áp bức cùng cực là khi người dân hoàn toàn bị kiểm soát bởi một giai cấp thượng lưu quyền lực trên thế gian mà cứ tin chắc là nếu mình đi theo các lãnh đạo thế gian đó thì mình sẽ bảo đảm được bước vào vương quốc trên thiên đàng. Điều này đặc biệt hấp dẫn đối với những ai có tư duy bị ức hiếp, những người không chịu nhận trách nhiệm về bản thân mình mà cứ muốn làm người mù đi theo những người mù.

Trong thế giới ngày nay đã có nhiều dòng sống hơn sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về cuộc đời mình trên trái đất cũng như về sự cứu rỗi của mình. Con có thể tìm thấy những người như vậy trong mọi đoàn nhóm, nhưng tất nhiên là không đồng đều. Hay nói cách khác, một số nhóm có một tỷ lệ khá thấp những dòng sống đã trưởng thành tâm linh bởi vì nhóm chủ trương tán thành lối tư duy thịnh hành nói trên.

Con có thấy điều ta muốn nói chăng? Không hề có dòng sống nào gọi là dòng sống da đen, hay dòng sống da trắng, hay dòng sống gốc Tây ban nha, hay dòng sống da đỏ, hay dòng sống da vàng, hay dòng sống chấm xanh chấm đỏ gì hết. Thế nhưng trong mỗi đoàn nhóm đều có những dòng sống ở những mức độ trưởng thành khác nhau. Và nếu một nhóm có một bản sắc tập thể làm nhụt chí những ai muốn nhận lấy trách nhiệm bản thân – tức là nếu nhóm mang tư duy bị ức hiếp – thì nhóm đó sẽ thu hút những dòng sống thiếu trưởng thành, vì lý do giản dị là những người này sẽ tìm được đúng những gì họ mong muốn, tức là một cái cớ toàn hảo để không phải nhận lãnh trách nhiệm về chính mình.  

Nếu con nhìn người Mỹ gốc châu Phi một cách trung thực – cũng như nhiều nhóm người ngay tại Phi châu – con sẽ nhận thấy một xu hướng tư duy bị ức hiếp. Như một tập thể, người Mỹ gốc châu Phi đang củng cố, tăng cường cho ý niệm bản sắc coi mình là thành phần bị thiệt thòi, bị khinh miệt và ngược đãi. Và như với tất cả mọi thứ khác, một thái độ như vậy sẽ biến thành một vòng ốc xoáy hướng hạ, tự nó cứ nuôi cho lớn mạnh thêm hoài.

Điều điển hình với các thành viên của những nhóm như vậy là họ không muốn có sáng kiến, không muốn khởi xướng, không muốn nổi bật khỏi đám đông. Hậu quả là họ sẽ thần tượng hóa lãnh đạo của họ, đặt lãnh đạo lên trên bệ cao và tin rằng lãnh đạo sẽ không bao giờ lầm lẫn. Lý do là vì chỉ khi nào con đi theo một nhà lãnh đạo không thể sai lầm thì con mới có thể tin rằng lãnh đạo đó sẽ đưa con lên tận thiên đàng.

Làm thế nào phá vỡ được vòng ốc xoáy cứ tự bồi thêm sức mạnh như thế? Có hai cách. Một cách là nhóm đó thu hút những lãnh đạo yêu thích được thần tượng hóa, và thường khi họ cũng nghĩ mình là bất khả sai lầm. Loại lãnh đạo như vậy sẽ không tránh được trở thành tâm điểm cho toàn bộ tâm thức tập thể của nhóm, cho nên họ sẽ trải bày ra những tâm lý chưa giải tỏa của tập thể. Điều này có thể biểu hiện qua những chiếc xe hay đồ trang sức thật hào nhoáng, những hành vi phản ánh xu hướng đồng tính ẩn giấu, hay nó cũng có thể biểu hiện qua chuyện ngoại tình, cờ bạc, phim ảnh khiêu dâm, hoặc bất kỳ cách hành xử nào không phù hợp với những gì người lãnh đạo luôn rao giảng.       

Nói cách khác, bất kỳ hình tư tưởng nào mà nhóm đó đã tạo ra như là một điều kiện để lên được thiên đàng cũng sẽ bị lãnh đạo của họ phá vỡ tan tành qua cách hành xử của lãnh đạo, hầu ai nấy bắt đầu nhìn ra là việc tôn thờ một thần tượng không dẫn tới đâu, và chính họ mới cần nhận lấy trách nhiệm cho bản thân họ. Các thành viên trong nhóm có được cơ hội xem xét những phần tâm lý chưa giải tỏa trong bản thân họ.

Cách thứ nhì có thể giúp ích cho các thành viên là họ nhìn thấy một số gương sáng tích cực trong nhóm họ. Ngay bây giờ đây, người Mỹ châu Phi có một cơ hội độc đáo để vượt qua tư duy bị ức hiếp vì Tổng thống Hoa kỳ là một người da đen. Trong chính quyền trước, con cũng đã thấy Colin Powell, một tấm gương xuất sắc của một người Mỹ gốc châu Phi đã vượt lên trên tư duy bị ức hiếp. Và tất nhiên, còn có tấm gương của Oprah Winfrey cùng với nhiều người khác nữa.

Nếu con nhìn xem điều gì đã khiến cho những vị đó, cũng như nhiều người Mỹ gốc châu Phi khác, đóng góp vượt bực cho xã hội, con sẽ thấy một điểm vô cùng thâm sâu. Hoa kỳ là một xã hội với nhiều phe nhóm nhỏ lẻ và một mức độ hiềm khích chủng tộc cao hơn bất kỳ quốc gia dân chủ nào khác. Thế nhưng các hiềm khích đó thật sự chỉ nằm ở lớp vỏ ngoài của tâm thức. Nếu con bước vào sâu hơn, con sẽ thấy là Hoa kỳ đã được thành lập trên nền tảng một số nguyên lý phổ quát được hiện thân trong bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp.

Điều này có nghĩa là tại Hoa kỳ, mỗi cá nhân, bất kể xuất xứ của mình, đều có một cơ hội độc đáo để thành công – NẾU người đó có thể tự đặt mình cho đồng thuận với những nguyên lý phổ quát vừa kể. Nói cách khác, sự trung thực, sự liêm chính cá nhân, sự công bằng, sự tận tụy và tình yêu thương đích thực đối với đồng loại, sẽ giúp con tiến rất xa tại nước Mỹ cho dù nguồn gốc của con có là gì.

Colin Powell đã không thành công vì da ông màu đen, và ông cũng không thành công bất chấp da ông màu đen. Ông đã thành công vì ông đã thăng vượt tư duy bị ức hiếp để mà ôm lấy trạng thái tâm thức phổ quát mà các chân sư thăng thiên vẫn hằng cầm giữ trong viễn quan của mình cho tương lai nước Mỹ. Bất cứ ai cũng có khả năng noi theo tấm gương của những vị lãnh đạo như vậy vì phương châm của các chân sư thăng thiên vốn là: Việc gì một người đã làm được thì mọi người cũng làm được.

Vấn đề là nếu người ta cứ bám chặt lấy tư duy bị ức hiếp thì người ta sẽ không thấy được những tấm gương đó là tấm gương. Người ta sẽ đặt những người đó lên làm thần tượng, coi những người đó là ngoại lệ, y hệt như nhân loại đã hành xử với chính bản thân ta. Và đó là khi người ta sẽ khóa chặt mình lại trong những hệ thống kín mít để rơi vào vòng kềm toả của định luật thứ hai của nhiệt động học. Một cái gì đó sẽ phải đập tan các hình tư tưởng của con người, cho dù là qua cách hành xử của một mục sư hay qua một ai đó có cùng một thái độ nổi lửa nhà thờ của con.

Con có thấy không, vấn đề thực sự với một “nhà thờ của người da đen” tại Hoa kỳ chính là vì nó tự xem nó là một nhà thờ của người da đen. Đặc biệt tại các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, con nhận thấy rất nhiều nhà thờ là những hội chúng hoàn toàn da đen không mở tay ra chào đón người da trắng hay người da màu gốc Tây ban nha. Cho nên thái độ hiềm khích mà ta vừa đề cập được tập trung tại các tiểu bang miền Nam giữa hai nhóm người, một là các thành viên của nhà thờ da đen và hai là các nhà thờ da trắng theo xu hướng cực chính thống.

Thật là một điều đáng tiếc khi sự kỳ thị chủng tộc lại kết tụ nơi chính những con người tin chắc rằng mình là những “con chiên ngoan đạo của Ki-tô”.

Thánh Paul – người đã góp phần biến giáo lý của ta thành giáo lý phổ quát – có viết như sau trong những lá thư được cho là của thày:

“Nơi đây không có người Do thái hay người Hy lạp, không có người nô lệ hay người tự do, không có người nam hay người nữ, bởi vì tất cả anh em đều là một trong Ki-tô Giê-su.” (Galatians 3:28)

“Nơi đây không có người Hy lạp hay người Do thái, không có người cắt bì hay không cắt bì, không có người Barbarian hay người Scythian, không có người nô lệ hay người tự do, mà Ki-tô là tất cả, ở trong tất cả.” (Colossians 3:11)

Điều mà lớp thượng lưu quyền lực đã làm từ lâu là biến giáo lý chân thực của ta thành một công cụ để áp bức quần chúng. Và họ làm vậy bằng cách biến lời dạy bao gồm tất cả mọi người của ta trở thành một hệ thống phân mọi người ra thành những người được cứu rỗi và những người sẽ không được cứu rỗi, tức những con dê tế thần.

Nếu con mù quáng đi theo lãnh đạo thế gian để thù ghét những ai mà lãnh đạo của con bảo con phải thù ghét, thì hóa ra con chắc chắn là mình sẽ lên được thiên đàng mà không phải xem xét cái xà trong mắt mình. Hệ thống này vô cùng hấp dẫn đối với những ai mang tư duy bị ức hiếp. Nó có tác dụng giữ mãi họ lại trong trạng thái tâm thức coi mình là nạn nhân bị ức hiếp – bởi vì nếu mình không nhắm mắt đi theo lãnh đạo thì mình sẽ bị liệt vào thành phần đồ bỏ và sẽ bị hụt mất cơ hội cứu rỗi.

Thế nhưng thông điệp mà ta đã đến địa cầu để đem lại cho những ai bị ức hiếp là không hề có sự phân chia giả tạo nào dựa trên tiêu chuẩn thế gian có thể ngăn cản con người lên được thiên đàng. Nói cách khác, cho dù lớp thượng lưu quyền lực có nói gì đi nữa, thì bất cứ ai – BẤT KỂ xuất xứ của người đó trong xã hội loài người – cũng có khả năng lên được thiên đàng, MIỄN LÀ người đó thể hiện được các nguyên lý phổ quát mà ta đã thể hiện, tức là cùng những nguyên lý phổ quát được ghi trong Hiến pháp Hoa kỳ.      

Con có thấy điều này có nghĩa là gì chăng? Người Mỹ gốc châu Phi mang một tư duy bị ức hiếp đang ngăn cản rất nhiều người khởi xướng bất cứ điều gì. Họ nghĩ, bởi vì người da trắng đã áp bức họ cho nên chính người da trắng mới phải đi bước đầu để chấm dứt áp bức.

Nhưng nếu con thực sự hiểu được thông điệp của Ki-tô, con sẽ thấy tại sao cách suy nghĩ đó không đúng. Chính những người bị ức hiếp mới có cơ hội lớn nhất, cao nhất, để trở thành những vị thày của con Đường Ki-tô, bằng cách chứng tỏ là họ sẽ sử dụng giáo lý đích thực của Ki-tô để vươn lên một vị thế cao hơn trong đời sống, cao hơn vị thế mà lớp thượng lưu quyền lực lẫn tâm thức tập thể trong chính nhóm họ đã dành cho họ bấy lâu nay.    

Không hề có nhu cầu có một nhà thờ của người da đen tại Hoa kỳ, bởi vì mọi tín đồ đích thực của đạo Ki-tô sẽ thờ phượng chung với nhau bất kể sự khác biệt bề ngoài, chẳng hạn như màu da hay bất cứ gì khác. Người Mỹ gốc châu Phi không thể ngồi đó mà chờ cho người da trắng khởi xướng thay đổi này, cho dù quả thực một số vị mục sư da đen có tầm nhìn xa đã bắt đầu làm công việc này rồi. Chuyện đó không phải là trách nhiệm của người da trắng mà là cơ hội nghiệp tạo của người da đen, để người da đen khởi xướng thay đổi này trong xã hội nước Mỹ cũng như trong tâm thức đại chúng.

Con có thấy chăng thông điệp sâu kín của Ki-tô? Không phải giới thượng lưu sẽ tạo ra thay đổi trong xã hội, mà là những người xuất thân từ một vị thế khiêm tốn trong xã hội, miễn là họ sẵn lòng thăng vượt vị thế đó bằng cách hòa nhập với tâm Ki-tô phổ quát.

Đã đến lúc người Mỹ gốc châu Phi vươn lên khỏi tư duy làm người Mỹ gốc châu Phi, để thực sự thăng lên và khoác vào bản sắc làm người Mỹ Phổ quát. Bởi vì chỉ những ai xem mình cũng như xem mọi người khác là những đứa con của Thượng đế thì mới có thể tự gọi mình là tín đồ chân chính của Ki-tô – là những người Mỹ chân chính.

Không phải những gì con “làm” trên địa cầu này sẽ đưa con lên thiên đàng, mà là những gì con “buông bỏ” trên địa cầu này. Con vươn mình lên cao hơn mọi hình tượng chạm do con người tạo dựng. Chính điều đó sẽ đưa con lên vương quốc thiên đàng, là nơi tất cả đều là một trong Ki-tô, bởi vì Ki-tô là tất cả và ở trong tất cả.