Hỏi: Khi mình đạt được một mức độ nhận thức cao hơn, điều này có luôn luôn đi đôi với một cảm nhận hạnh phúc cực lạc lớn hơn không?
Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 9/10/2019.
Nhưng con yêu dấu, con muốn nói gì khi con nói hạnh phúc cực lạc? Sự nhận biết cao hơn không luôn luôn dẫn đến loại hạnh phúc mà con có thể thấy trong phim Hollywood, và cũng không dẫn đến loại cực lạc mà nhiều Phật tử, chẳng hạn, mơ ước. Họ đã lấy một hình ảnh của thế gian mà phóng chiếu lên những khái niệm đó.
Có một số người chán nói về kundalini dâng lên và họ đã giải thích theo cách đó. Con thấy một số khác có những trải nghiệm tâm linh lạ lùng khi họ cảm giác một trạng thái ngất ngây. Và con cũng thấy một số nhà thần bí Cơ đốc giáo, chẳng hạn, kể lại họ đã chiêm nghiệm một trạng thái dạt dào kéo dài.
Nhưng làm thế nào con sinh hoạt được bình thường trong đời sống hàng ngày nếu con ở trong trạng thái như vậy? Câu trả lời là không thể được. Con không có mặt nơi đây để có một trạng thái cực lạc bởi vì, như các thày vừa mới nói, con có thể chứng nghiệm trạng thái đó khi con ở cõi thăng thiên.
Nhưng đấy không phải là mục đích ở địa cầu. Mục đích là con trải qua những kinh nghiệm mà địa cầu cho con cơ hội trải qua. Khi con đạt tới một mức nhận biết cao hơn, thật sự tâm con sẽ trở nên trung hòa hơn. Điều này thật sự là điều mà Phật gọi là cực lạc nhưng rất ít Phật tử hiểu được như thế. Họ hiểu trong nghĩa gần hơn với hạnh phúc con người.
Thực tế là hạnh phúc con người là một trạng thái tương đối của tâm, có tính chất nhị nguyên. Nó có một đối cực, là khổ sở, và cả hai chỉ có thể hiện hữu trong thế đối nghịch với nhau. Con cảm thấy hạnh phúc đối chiếu với cảm giác khổ sở; đây là tâm nhị nguyên. Khi con nâng cao sự nhận thức, con vượt ra khỏi đối cực nhị nguyên và con có một cảm nhận an bình, phúc lạc, nhưng đây không phải là hạnh phúc trong nghĩa phàm phu vì hoàn toàn không có tương phản.
Con càng lên cao hơn trong nhận biết thì con càng cảm thấy ít tương phản trong tâm thức. Do đó con không nghiệm thấy cái hạnh phúc phàm phu luôn có đối nghịch, hoặc luôn cần phải được so sánh với một cái gì khác. Con chứng nghiệm một tâm thức không có cách nào diễn tả bằng lời vì nó thực sự không thể so sánh với bất cứ gì trong trải nghiệm con người.
Đó là lý do đức Phật đã sử dụng từ “cực lạc” bởi vì vào thời đó từ này không thực sự mang một ý nghĩa nào cả. Đó là một từ mới. Ngày nay chúng ta cũng có thể phát minh ra một từ mới như vậy để mô tả cảm nhận này, nhưng chẳng bao lâu người đời sẽ bắt đầu phóng chiếu những hình ảnh phàm phu vào đó. Cho nên, tốt hơn hết là ta cứ giảng dạy và nói rằng con cần vượt qua các đối cực nhị nguyên. Không có tương phản nào giữa tâm thức của con và một tâm thức ngược lại. Con ở trong một trạng thái trung dung hơn, bình đẳng hơn, quân bình hơn.
Và đó cũng là điều Phật muốn nói khi thày dùng từ “trung đạo”. Trung đạo không phải là điểm đứng giữa hai đối cực mà nó vượt hẳn lên trên toàn bộ cái thang nơi đối cực hiện hữu.