Phí phạm thời gian trên đường tu tâm linh

Hỏi: Trong một kiếp sống nào đó, tại sao nhiều đệ tử phải mất quá nhiều thời gian để tìm thấy các chân sư thăng thiên? Rồi một khi chúng con tìm được các thày, tại sao lại khó khăn và mất nhiều thì giờ đến vậy để phát hiện và kích hoạt Sứ vụ Thiêng liêng của mình? Tại sao mất nhiều thời gian như thế? Tại sao quá nhiều thời gian bị phí phạm qua cách đó trong một kiếp người?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Washington D.C, Hoa kỳ, năm 2019. Đăng ngày 9/12/2019.

Cách thực sự để nhìn vấn đề này là không có thời gian nào bị đánh mất. Con phải kinh qua một số trải nghiệm trước khi con sẵn sàng tìm ra giáo lý trong tâm thức vỏ ngoài của con. Cách nhìn thực tế là con nói: “Tôi đã cần đến những trải nghiệm mà tôi đã có trước khi tôi tìm thấy các lời dạy, đó là để tôi mở tâm ra cho việc tìm thấy lời dạy.” Đây là cách tiếp cận thực tiễn.  

Bây giờ nếu con đi trở ngược lại trước thời internet, thì từ một góc nhìn thực tế, việc tìm kiếm giáo lý của chân sư thăng thiên từng khó khăn hơn rất nhiều. Vào thời đó, việc tìm kiếm có thể tốn nhiều thời gian hơn đến độ con có thể đã sẵn sàng phát hiện giáo lý nhưng con vẫn không tìm thấy giáo lý trong cõi vật lý. Thời nay với mạng internet, chuyện này ít là vấn đề hơn nhưng tất nhiên vẫn có thể xảy ra. Nhưng nói chung, con vẫn cần nói: “Tôi đã cần đến trải nghiệm đó để tôi có thể sẵn sàng, cho nên tôi sẽ không lo lắng là mình đã phí phạm thời gian hay không.”

Giờ đây con đã tìm ra giáo lý, một lần nữa con lại cần nhận ra là không có thời gian bị lãng phí ở đây. Việc phát hiện giáo lý chỉ là bước đầu của một tiến trình rất dài. Con cần thời gian để thể nhập các lời dạy, để chữa lành bốn thể phàm của con, để khắc phục mọi ngã tách biệt, để thanh lọc các luân xa và bao nhiêu việc nữa. Thẳng thắn mà nói, khi con tìm ra giáo lý, con đã hoàn thành một yếu tố quan trọng trong Sứ vụ Thiêng liêng của con rồi. Rất có thể là những gì con từng làm trước khi con tìm ra giáo lý cũng nằm trong Sứ vụ của con.

Con không thể giản dị bảo rằng chỉ khi nào con nhìn thấy Sứ vụ Thiêng liêng của con trong ý thức thì con mới bắt đầu thực hiện Sứ vụ. Con đã bắt đầu từ tuổi thơ ấu rồi, vì con mang sẵn một cảm nhận nội tâm về Sứ vụ của con gồm có những gì, cho dù con không nhận biết ý thức hay con không thể diễn tả bằng lời nói.

Đa số những sự kiện xảy ra cho con trong kiếp này là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con, vì Sứ vụ của con không chỉ là những gì con phải làm, mà còn là những trải nghiệm mà con có, cũng như bằng cách nào các trải nghiệm đó sẽ giúp con tăng triển. Điều quan trọng là con nên tránh bất kỳ cảm giác thất vọng nào là con đã tốn quá nhiều thời gian cho nên bây giờ con bị chậm trễ. Bởi vì cảm giác này thường khiến cho người ta rơi vào phản ứng mất cân bằng – mà sứ giả này đã mô tả – là con trở nên quá háo hức giành lại thời gian đã mất, con cố đền bù, thế là bỗng nhiên con phải đi cứu cả thế giới hay tự cứu chính mình trong vòng năm phút. Chuyện nó không xảy ra như vậy. Con vẫn cần kinh qua một tiến trình, và một phần của tiến trình này là nếm mùi một số trải nghiệm nào đó.

Các thày đã cố nói điều này nhiều lần: Không thể có chuyện tạo ra một chương trình hay ban ra một kiến thức nhất định sẽ lập tức thay đổi một con người. Ngay cả nếu con tưởng tượng các chân sư thăng thiên có thể thiết lập một khóa tu vật lý ở đâu đó, và giả dụ ta là vị thày trong khóa tu đó, vẫn không thể có chuyện con chỉ cần bước vào lớp học và ta ngồi đó dạy học, ta trao cho con kiến thức cùng hiểu biết, rồi sau một thời gian con bỗng giác ngộ.

Bởi vì để có thể thể nhập hiểu biết đó, con sẽ cần đến một số trải nghiệm nhất định, và trải nghiệm này sẽ tốn thời gian, nó là một tiến trình. Để khắc phục những cái ngã, con cần đến một trải nghiệm sẽ giúp con nhìn thấy ngã và nhìn thấy các khuôn nếp phản ứng của mình. Đây chính là hai khía cạnh Alpha và Omega: con nhận được giáo lý, nhưng cũng cần có trải nghiệm.

Một lần nữa, tại sao con lại nghĩ con đã phí thời gian? Thay vào đó, điều xây dựng hơn là nói rằng: “Tất cả chỉ là một phần của những trải nghiệm mà tôi cần. Làm thế nào tôi có thể sử dụng các lời dạy này tốt hơn từ giờ trở đi?”