Bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/12/2020. Bài này được truyền đọc trong Webinar 2020 – Tăng triển khả năng phân biện Ki-tô của bạn.
TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô. Chúng ta đã bàn về bốn tầng của tâm, là bốn thể phàm của con, và các sa nhân đã nỗ lực như thế nào để ngăn chặn khả năng phân biện Ki-tô của con ở các thể này bằng cách lôi kéo con vào những cơn lốc xoáy, những khuôn nếp phản ứng khác nhau. Nhưng tại sao chúng lại làm được điều đó? Tất nhiên, chúng làm được là vì con có cái xà trong chính mắt con, con có một số tâm lý chưa giải quyết – là điều hoàn toàn bình thường trên đường tâm linh. Chúng ta đã bàn về các cấp độ khác nhau trên đường tu, về 144 tầng tâm thức, và rõ ràng khi con lần đầu tiên tìm thấy đường tâm linh – bất kể lúc đó con đang ở tầng tâm thức nào trong kiếp đầu thai này – con cũng không thể nắm hết được những khai ngộ và ảo tưởng ở những tầng cao hơn, con không thể nhìn xa hơn tầng tâm thức bấy giờ của con.
Cho nên, một khi con đã học cách nhận diện phần nào những gì sa nhân đang cố làm từ bên ngoài để phá hoại khả năng phân biện Ki-tô của con, thì con cần bắt đầu xem tới, đâu là những điều kiện bên trong đã khiến con dễ bị chúng thao túng đến thế. Và điều này, tất nhiên, có nghĩa là con cần bắt đầu xem xét tâm lý mình. Và ở đây con cần phân biệt một số chuyện. Ta biết nhiều người trong số các con đã theo học đợt truyền pháp này từ khá lâu và đã vượt qua chướng ngại này, nhưng ta vẫn muốn đưa ra cho những ai lần đầu đọc lời dạy này mà chưa theo dõi những bài dạy trước đây.
Ta đã từng so sánh chúng tôi, các chân sư, với những nhân viên bán xe cũ, chuyên môn nhử mồi xong đánh tráo. Chúng tôi quảng cáo một chiếc xe rẻ mạt, xong một khi con đã vào trong tiệm rồi, chúng tôi mới cố bán cho con một chiếc xe mắc tiền hơn. Nói cách khác, để khiến con đoái nhìn vào giáo lý của chúng tôi, chúng tôi phải đưa ra một cái gì hấp dẫn đối với mức tâm thức hiện tại của con cho dù mức đó là gì. Xong một khi con đã bắt đầu học hỏi giáo lý, chúng tôi cần đưa con lên tầng cao hơn của đường tu nơi con thực sự bắt đầu tinh tấn, là sự tinh tấn đặc trưng của một người đang mặc lên chiếc áo của quả vị Ki-tô cá nhân. Cho nên khi con nhìn vào cộng đồng tâm linh Thời mới nói chung, con sẽ thấy mỗi người đang ở một trình độ tâm thức khác nhau, mỗi người có một trọng điểm khác nhau, ý tưởng và kỳ vọng khác nhau về những điều mình có thể gặt hái trên đường tu tâm linh.
Rồi sẽ đến một điểm khi để tiến xa hơn trong phân biện Ki-tô, con sẽ cần xem xét: “Đâu là động lực đã khiến tôi đi theo con đường tâm linh? Tại sao tôi đã cất bước? Tại sao tôi đã đi cho tới điểm này? Tôi đã chờ đợi những gì từ đường tu?” Có lẽ con chưa từng tự hỏi như thế một cách ý thức – đa số hành giả tâm linh thì không. Thường họ tìm thấy một phong trào tâm linh, rồi phong trào đó, giáo lý đó vang dội với cái gì bên trong họ, và họ không nhận thức rõ ràng rằng sở dĩ họ đi theo như vậy là vì phong trào đã hứa hẹn là họ sẽ thỏa mãn được bất cứ kỳ vọng nào của họ về đường tu. Nói cách khác, đường tu sẽ đem lại gì cho họ? Phong trào hay giáo lý đã vang dội trong họ có hứa ở đâu đó là các kỳ vọng của họ sẽ được thỏa mãn. Cho nên điều rất quan trọng là con phải lui lại và xét xem kỳ vọng của con về đường tu là gì.
Đại đa số hành giả, và các con đã theo đợt truyên pháp này từ khá lâu, sẽ có thể nhìn ngược lại thời con lần đầu tiên ý thức đường tu và sẽ nhận diện được điều này trong tâm mình. Hầu hết các con đều có một kỳ vọng rõ rệt là đường tu sẽ làm gì đó cho mình, sẽ đem lại điều gì đó mà mình muốn hay cần trên địa cầu. Có những lợi lạc liên quan tới đời sống ở đây trên điạ cầu mà con sẽ có được, và con mong mỏi đời con sẽ trải ra như thế nào trong tương lai. Điều này không có gì sai trái – con không thể tránh khỏi đã suy nghĩ như thế, nhất là đối với những ai đã lớn lên trong một xã hội phi tâm linh, dù đó là xã hội tôn giáo hay phi tôn giáo. Các con đều đã được dạy dỗ, được lập trình để coi trọng trên hết đời sống trong vũ trụ vật chất.
Các sa nhân đã từ hàng ngàn năm cố gắng lập trình nhân loại để con người đặt trọng tâm trên hết vào cuộc sống thế gian. Tất nhiên, các tôn giáo cũng đưa cho con một lối thoát khỏi thế giới này, đoán chừng là con sẽ được cứu rỗi sau kiếp này. Nhưng vì chuyện đó xảy ra sau kiếp này, đó không phải là điều mà hầu hết người theo đạo sẽ bỏ thời gian ra mà nghĩ đến – đâu là những yêu cầu để vào được Nước Trời, dù người ta định nghĩa Nước Trời là gì? Và một lần nữa, họ sẽ chỉ tập trung vào những gì tôn giáo họ có thể làm cho họ trong cuộc sống ngay đây trên trái đất. Khi con nhìn vào người tâm linh nói chung, con sẽ thấy họ có rất nhiều kỳ vọng khác nhau về những gì đường đạo sẽ đem lại cho họ. Chẳng hạn, một số người kỳ vọng họ sẽ chữa lành bệnh tật thể chất, một số kỳ vọng sẽ thị hiện rất nhiều tiền để mua sắm bất cứ gì mình muốn, một số kỳ vọng sẽ đạt được tâm hồn thanh thản và đời sống an lạc, có thể nơi một tu viện hẻo lánh. Một số sẽ kỳ vọng cả điều ngược lại là họ sẽ có quyền năng bước ra thế giới và tác động mạnh mẽ trên xã hội và người chung quanh.
Có rất nhiều kỳ vọng dưới nhiều hình thức khác nhau như vậy đối với mỗi người, và như ta vừa nói, chuyện đó không có gì sai trái. Con phải khởi sự ở một mức nào đó, mức tâm thức hiện tại của con. Thật là lô-gíc khi con sẵn sàng bước trên đường tu ở tầng tâm thức thứ 48, con cởi mở hơn với con đường tâm linh để thực sự phát triển tâm thức. Con sẽ có những kỳ vọng này và chúng sẽ theo con cho tới tầng 96. Nhưng sẽ tới một điểm khi con cần cứu xét kỳ vọng đó và bắt đầu tự hỏi: “Đi theo Ki-tô sẽ đòi hỏi tôi phải làm gì?”
Nếu con nhìn ngược lại cuộc đời của ta cách đây 2000 năm, nếu con đọc được giữa những hàng chữ, con sẽ thấy điều mà ta thực sự giảng dạy cho các đệ tử của ta và dân chúng nói chung là con đường dẫn đến quả vị Ki-tô. Đi theo Ki-tô có nghĩa là đi theo một vị thày ở một mức tâm Ki-tô cao hơn mình, và như vậy con mới lần hồi khoác lên tâm Ki-tô. Con có thể đọc lại một số lời ta giảng thời đó và con thấy ta nói đến sự cần thiết phải sẵn sàng mất sự sống để theo Ki-tô. Con phải không bám mắc vào Mammon, con cần để cho những người chết đi chôn người chết. Nói cách khác sẽ tới một lúc, để bước theo Ki-tô con phải buông bỏ một cái gì đó. Điều này thực sự có nghĩa là tạm thời trên đường tâm linh, từ tầng 48 đến tầng 96, con có thể duy trì ảo tưởng rằng đường tâm linh chỉ là chuyện hoàn thành một cái gì đó trong đời sống trên trái đất.
Ta không nói rằng đường tu sẽ không thực hiện được điều gì cho con. Điều ta muốn nói là giữa hai tầng 48 và 96, con có thể duy trì ảo tưởng rằng động lực chủ yếu khi theo đường tu là con kỳ vọng sẽ đạt được lợi lạc gì đó trong đời sống của con nơi vũ trụ vật chất. Bây giờ khi con tiến đến gần mức 96, con cần giải quyết kỳ vọng này bởi vì nó sẽ không đưa con xa hơn mức 96 đâu. Tới một điểm con phải bắt đầu nhìn nhận rằng mục đích thực sự của đường tu không phải là đạt được một lợi thế tạm thời trong thế gian này. Mục đích thực sự là đạt được sự sống vĩnh hằng vượt khỏi thế gian, và đây là một vấn đề rất khác với cái nhìn khi con mới khởi sự. Nó rất khác với cái nhìn mà hầu hết những ai theo tôn giáo đều có về sự cứu rỗi, hay thế nào là vào Thiên đàng cho dù mỗi tôn giáo có định nghĩa Thiên đàng là gì. Và sẽ tới một điểm con cần nhìn nhận rằng những tầng cấp cao hơn của tâm Ki-tô, những tầng tâm Ki-tô có ý thức hơn, sẽ đòi hỏi con bỏ lại mọi thứ.
Thật ra để bước lên những tầng mức cao đó của tâm Ki-tô, con sẽ phải đi qua một giai đoạn nơi con bỏ lại hết thứ này rồi tới thứ khác. Con lần lượt buông bỏ một ý niệm nào đó về sự sống, một kỳ vọng nào đó, một quan điểm nào đó, và một trong những điều con phải buông bỏ là sự mong đợi rằng đường tu sẽ đem lợi lạc gì cho con. Đó là tại sao con cần xem xét các kỳ vọng của con rằng đường tu sẽ làm gì cho mình, và mình sẽ có được gì nhờ nó. Nếu con chờ mong, chẳng hạn, là con sẽ thị hiện được vô số của cải, sẽ tới lúc con phải nhìn lại và tự hỏi tại sao con cần của cải bất tận như thế, con mong thực hiện được điều gì với nó, con sẽ có cảm giác thế nào khi con có của cải? Và con cần bắt đầu tự hỏi: “Ừ nhỉ, ngay cả nếu tôi có số tiền bất tận đó, nó có sẽ nhất thiết cho tôi cảm giác mà tôi đang tìm?”
Con hãy nhìn rất nhiều người giàu có đến độ họ không thể tiêu hết tiền, họ đang cảm thấy thế nào? Tâm trạng tâm lý của họ ra sao? Hầu hết đều không cảm thấy thoải mái, an bình, vì họ lo lắng kiếm tiền nhiều hơn cho dù họ không cần, hay họ lo lắng làm sao không bị mất tiền. Họ vẫn căng thẳng. Họ không an lạc. Họ không dùng tiền của họ để làm gì cho tha nhân, một điều mà bao nhiêu người tâm linh đều mơ ước làm được. Con nhìn thấy vậy và con nghĩ: “Chà, chắc chắn mình sẽ làm tốt hơn vì mình là người tâm linh.” Con sẽ làm tốt hơn nếu con bước lên cao hơn và nhận xét đơn giản: điều mà con đang tìm kiếm – cho dù đó là sự thay đổi vật lý, thành quả vật lý nào đó mà con mong có được do bước chân trên đường đạo – động lực khiến con đi tìm cái đó chỉ là để sản xuất ra một cảm giác nào đó trong tâm con.
Con cần bước lên và nhận ra rằng khi con đạt được những điều kiện vỏ ngoài như thế, con sẽ không tự động sản xuất được cám giác con tìm, bởi vì cảm giác xảy ra trong tâm lý con, mà tâm lý con, ít ra là ở các tầng cao của tâm Ki-tô, thì không lệ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Cảm giác bên trong, sự trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm sống của con, tất cả được định đoạt bởi những gì xảy ra trong bốn thể phàm của con. Vì vậy, dù con có nghĩ rằng sự giàu có sẽ sản xuất ra cảm giác bên trong mà con muốn, nhưng nó không thể làm được. Chỉ khi nào con làm việc trực tiếp với tâm lý của mình, giải quyết những gì đang chặn nghẽn cảm giác bên trong thì con mới có được cảm giác đó. Con có thể kỳ vọng là một ngày kia con sẽ đạt khả năng đi thuyết phục, truyền đạo cho người khác, sẽ cải thiện hành tinh và phục vụ mục tiêu của các chân sư. Đó có thể chỉ là những gì ngoại tâm con nhìn thấy, là cách ngoại tâm con nhìn thấy. Nhưng khi con nhìn vào sâu hơn, có một cảm giác ở đằng sau mà con đang mong có được, và cảm giác này sẽ không do khả năng vỏ ngoài đem lại. Nó chỉ có thể đạt được sau khi con giải quyết những yếu tố tâm lý đang ngăn chặn cảm giác, nếu đó là cảm giác thanh cao chứ không là cảm giác nào đó dựa trên sợ hãi.
Đấy, có một khúc rẽ trên đường đạo mà con sẽ không thể vượt qua cho tới khi con hoàn toàn nhìn nhận rằng bước kế tiếp của con là phải đặt trọng tâm vào việc giải quyết tâm lý của con. Một số người sẽ nhận ra điều này trước tầng 96, nhưng con cần phải nhận ra thì mới bước xa hơn tầng 96. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là con đã tới chỗ nhìn nhận rằng con phải buông bỏ mọi kỳ vọng, những kỳ vọng mà con đã ôm giữ từ khi con mới cất bước, những kỳ vọng đã là động cơ khiến con bỏ công sức ra cho đến mức này. Tất cả phải được bỏ lại.
Nhiều hành giả tâm linh, tuy tiếng là người chân thành tu tập theo một giáo lý hay một pháp môn, không sẵn sàng buông bỏ mọi kỳ vọng của mình. Họ bám chặt vào những kỳ vọng này và không thể buông ra. Tại sao như thế? Tại vì cái mà ta gọi là ngã gốc (primal self). Như các chân sư đã giải thích cặn kẽ trong sách “Healing your spiritual traumas” (Chữa lành chấn thương tâm linh) và những quyển khác trong cùng bộ, đã có một thời điểm khi lần đầu tiên con gặp gỡ sa nhân và phải đối mặt với ý muốn vô hạn của chúng nhằm tiêu diệt con như một sinh thể tâm linh. Sự kiện đó đã khiến con bị cú sốc, bị tổn thương sâu sắc, và để đối phó với chấn thương này hầu tiếp tục sống và sinh hoạt trên hành tinh, con đã tạo ra một cái ngã gốc. Ngã gốc đó có chức năng chủ yếu là để kìm nén, che giấu nỗi đau của cái gọi là chấn thương nhập đời, chấn thương vũ trụ nguyên thủy. Ngã gốc được con tạo ra để phản ứng lại những gì xảy ra cho con trên điạ cầu khi con đối diện với sa nhân.
Đối với một vài người, sự kiện này đã xảy ra trên một hành tinh khác, nhưng dù sao thì lần đầu tiên con gặp sa nhân, con đã bị cơn sốc khi nhận ra là có ai đó đang hoàn toàn sẵn sàng tiêu diệt mình nếu họ có thể. Con cảm thấy đau đớn vô cùng vì con không thể tưởng tượng nổi có ai muốn tiêu diệt mình, bởi vì con là một người tích cực luôn muốn giúp mọi người và đưa hành tinh lên một tầm cao hơn. Con không thể tưởng tượng có ai cảm thấy bị đe dọa đến độ phải hủy hoại con. Và con đứng đó, con gặp sự kiện đó, con bị choáng váng, ngập tràn đau khổ khi sa nhân không ngừng tấn công con, buộc con đủ mọi thứ tội vạ trong đủ mọi hoàn cảnh vỏ ngoài khác nhau.
Ngã gốc được tạo ra để bù đắp cho cơn sốc, cho cảm giác mất mát – mất mát sự trong trắng của con – và trên hết để che giấu mất mát đó hầu con không phải sống lại nỗi đau đã trải qua, và hơn nữa để tạo lên niềm kỳ vọng là một ngày kia con sẽ tìm lại được tâm trạng trinh nguyên mà con đã mất. Con có khả năng trở lại cái tâm trinh nguyên ấy, nhưng con thấy không, ngã gốc đã sinh ra từ tình huống này. Nó không sinh ra từ tâm trinh nguyên của con. Ngã gốc thực sự không thể hiểu nổi tâm con trước khi chấn thương xảy ra, nó chỉ có thể đối tác với tâm trạng của con sau đó mà thôi. Ngã gốc không thể cảm thông được tâm Ki-tô, không thể cảm thấu được sự trong trắng chân thực là tâm của con trước sự cố. Ngã gốc định ra những mục đích mà dường như con phải đạt, nhưng đó không phải là mục đích thật, không là mục đích thực tế, không là muc đích có giá trị. Ngã gốc cũng không thể nhìn xa hơn cái tầng tâm thức nơi nó được sinh tạo, tất nhiên là gắn liền với địa cầu, cho nên nó không thể hiểu được tâm Ki-tô Nó không thể hiểu rằng chỉ bằng cách vượt lên tâm thức cao hơn thì nó mới tìm được sự an bình nội tâm thực sự và lấy lại sự trong trắng.
Ngã gốc chỉ có thể đối tác với trái đất, và bởi vì nó nghĩ rằng một số điều kiện trên trái đất đã khiến con đánh mất trạng thái trinh nguyên, thì bắt buộc phải có những điều kiện khác trên trái đất sẽ giúp con lấy lại được trạng thái đó. Thế là nó bị kẹt cứng trong một vòng luẩn quẩn khiến nó đi tìm một trạng thái của tâm, một điều kiện nào đó trên địa cầu, dựa trên sự kỳ vọng rằng điều kiện này sẽ sản xuất ra một cảm giác không hề có trên địa cầu.
Tâm trong trắng nguyên thủy là cái mà con đã đem theo con trước khi con gặp sa nhân, tâm này không xuất phát từ những điều kiện trên địa cầu. Con đánh mất nó không phải vì con đã thực sự đánh mất nó, mà con chỉ đánh mất sự nhận biết về nó. Bởi vì cái Ta Biết bị cơn sốc nặng nề đến nỗi nó sinh tạo ra những cái ngã tách biệt này, khiến con bây giờ đứng trong ngã tách biệt, con nhìn ra ngoài qua phin lọc của ngã tách biệt, và đây là lý do con không thể thấy được là con chưa bao giờ đánh mất sự trinh nguyên, con chưa bao giờ đánh mất cái gì hết. Là sự nhận biết thuần khiết của cái Ta Biết, con không thể mất gì được cả. Tâm trong trắng là sự kết nối của con với Hiện diện TA LÀ của con, và sự kết nối này không thể nào đánh mất. Nó chỉ có thể bị bao phủ bởi những cái ngã vỏ ngoài, những cái ngã tách biệt. Con không làm sao thấy được nối kết của con với Hiện diện TA LÀ chỉ vì con đứng trong ngã mà nhìn ra. Cách duy nhất để con lấy lại sự nối kết với Hiện diện TA LÀ là đứng ra ngoài ngã.
Nhưng để đứng ra ngoài ngã, con phải nhìn ngã. Ngã gốc không thể hiểu nổi tiến trình này. Nó nghĩ là trên địa cầu có một số điều kiện đã khiến con mất một cái gì đó. Nó không biết rõ cái đó là gì, nhưng nó biết đại khái con đã mất gì đó. Nó đang cố giúp con lấy lại cái con đã mất. Nhưng nó nghĩ cách duy nhất là con phải có được một số điều kiện nào đó trên trái đất. Và đó là lý do tại sao khi lần đầu tiên con gặp đường tu tâm linh cho dù dưới hình thức nào – một lời dạy của chân sư hay bất cứ gì khác – thì ngã gốc có kỳ vọng rằng bằng cách theo đường tâm linh này, bất kể con định nghĩa đó là gì, con sẽ đạt được khả năng, quyền năng thay đổi hoàn cảnh bên ngoài để nó sản xuất ra cái điều kiện bên trong mà ngã gốc cho là mục đích cần đạt. Nhưng tiếc thay, trong cốt lõi, cái điều kiên mà ngã gốc thấy được đó không phải là một điều kiện thực tế. Điều mà con thực sự cần lấy lại là sự nối kết với Hiện diện TA LÀ của con, và cái này thì không nằm trên trái đất và do đó không thể được sản xuất bởi bất cứ điều kiện nào trên trái đất.
Con có thể nhìn thấy rất, rất nhiều người đã đi theo một phong trào tâm linh nào đó rồi rút lui khỏi xã hội, ẩn cư nơi vùng hẻo lánh xa xôi nơi họ được che chắn khỏi sự nhộn nhịp hối hả của cuộc sống hàng ngày, và con có thể thấy nhiều người trong số họ tu tập những pháp môn thật khắc khổ suốt hàng chục năm trời trong khung cảnh đó. Nhưng rất, rất ít người đạt được sự tinh tấn mà họ mơ ước. Tại sao vậy? Bởi vì đa số giáo lý và phương pháp tâm linh trên địa cầu thường hứa hẹn những kết quả tự động, hứa rằng nếu con theo học giáo lý, thực hành những tu tập vỏ ngoài, thì con sẽ đạt được mục tiêu mà không cần xem xét tâm lý của mình.
Con hãy để ý câu vừa rồi. Đa số giáo lý tâm linh hứa hẹn con sẽ đạt được bất kỳ mục đích nào con mong muốn mà không cần xem xét đến tâm lý của mình. Các chân sư đã đưa ra những lời dạy vô cùng thâm sâu và chi tiết về ngã gốc cũng như về những cái ngã tách biệt khác tuôn ra từ đó, và lời dạy này trong tinh túy thật đơn giản. Ngã tách biệt, ngã gốc và mọi cái ngã riêng biệt khác luôn luôn phóng chiếu ra ý tưởng là con có một số vấn đề mà con phải giải quyết, một số điều kiện mà con phải đạt được. Nhưng kỳ thực, đây là một ảo tưởng. Khi nào con còn tin rằng có những điều mà con phải làm, những điều mà con phải đạt, hay những điều mà con phải giải quyết, thì con sẽ vẫn còn kẹt trong ngã đó. Và đây, cái chìa khoá để đi xa hơn một mức nào đó của tâm Ki-tô thực sự là phải giải hóa ngã gốc. Nhưng con không thể làm điều này chừng nào con còn cố giải quyết những vấn đề do ngã gốc định ra, hay có thể nói, giải quyết cái vấn đề đã định ra ngã gốc. Con cần bước tới điểm khi con có thể, trong tư cách cái Ta Biết, bước ra khỏi ngã gốc, nhìn thẳng vào nó và hỏi: “Đây có thực sự là một vấn đề không? Vấn đề này có bao giờ giải quyết được không? Và ngay cả khi giải quyết được thì tôi sẽ đạt được gì?”
Và con ngộ ra, con chiêm nghiệm ra sự thật rằng đó không phải là một vấn đề có thật, và con không hề được gì khi giải quyết nó. Ở điểm này, con sẽ tách ra khỏi ngã đó. Như các chân sư đã chỉ cho con cách thực hành và tu tập, con có thể để cho nó chết đi. Thay vì cố giải quyết vấn đề, con chỉ đơn giản để cho nó chết đi. Nói cách khác, điều mà ngã cũng như sa nhân phóng chiếu vào con chỉ là ý tưởng rằng con có thể đạt được trạng thái nội tâm mà con mong mỏi bằng cách giải quyết vấn đề vỏ ngoài. Nhưng các chân sư nói với con, con sẽ không bao giờ đạt được trạng thái nội tâm mà con mong mỏi cho tới khi nào con buông bỏ sự tìm cầu cách giải quyết vấn đề, tìm cầu cách sản xuất điều kiện vỏ ngoài. Con buông nó ra. Con để cho ngã chết. Con không tìm cách giải quyết bất cứ gì, bù đắp cho bất cứ gì hay đạt được bất cứ trạng thái nào. Con chỉ đơn giản để cho ngã chết.
Con hãy đọc lại câu ta nói trước kia: “Can hệ gì tới ngươi? Còn con, hãy theo ta”. Ý nghĩa thật của câu này là sẽ có rất, rất nhiều điểm trên đường tâm linh khi con phải đối mặt với một ảo tưởng, một khai ngộ nào đó. Ảo tưởng là khi có những điều mình phải làm, những chuyện mình phải giải quyết. Nhưng thực sự điều con cần làm là nhận ra cái đó xuất phát từ một ngã tách biệt, và thay vì cố giải quyết, con từ bỏ mọi nỗ lực giải quyết. Con để yên cho ngã chết vì con đã ngộ được rằng việc bước theo chân Ki-tô quan trọng hơn gấp bội chuyện sản xuất một thành quả vỏ ngoài trên địa cầu.
Bây giờ, ta trở lại những gì ta đã nói về cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Nếu con quan sát một cách vô tư những người tuyên bố theo Trump, con sẽ thấy họ bị xúc động mạnh mẽ. Họ dính mắc với Trump và hình ảnh mà ông phóng ra. Cái mà họ thật sự dính mắc là cái cảm giác mà ông đã cho họ, và họ tin rằng cách duy nhất để có được cảm giác này là qua Trump, qua việc ông là tổng thống, ông là người lãnh đạo. Những người này đang cố làm gì? Họ đang cố sản xuất ra một cảm giác, nhưng họ làm vậy qua trung gian một điều kiện trên địa cầu, và bây giờ họ phải đối diện với sự kiện điều kiện này có thể sẽ thay đổi và Trump sẽ không còn là tổng thống nữa. Làm sao thoát khỏi sự thể này? Chỉ bằng một cách là nhận ra có một cái gì hơn thế nữa, quan trọng hơn điều kiện vỏ ngoài đó đối với con. Nếu con là học trò của chân sư và con tin vào Trump, làm thế nào con sống tiếp được khi ông rời Nhà Trắng? Phải, chỉ bằng một cách là sẵn sàng tự nhủ: “Chuyện đó can hệ gì tới tôi? Vì tôi đi theo Ki-tô”.
Con nhận ra việc nâng cao khả năng phân biện Ki-tô của mình quan trọng hơn bất kỳ điều kiện nào bên ngoài, cho dù tổng thống có là ai. Quả vị Ki-tô của con không tùy thuộc ai làm Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu con nghĩ là nó tùy thuộc thì con chưa thực sự hiểu tâm Ki-tô là gì, và con cần học hỏi rất nhiều lời dạy của ta về tâm Ki-tô. Vậy làm thế nào con sống tiếp được từ điểm này trở đi? Chỉ bằng một cách là buông bỏ một cái gì đó, chỉ bằng cách nhận ra rằng cảm giác mà con mong muốn không thể phát xuất từ điều kiện bên ngoài mà từ sự kiện con làm việc trực tiếp với tâm lý của con. Đây là cốt lõi của giáo lý các chân sư trong đợt truyền pháp này. Nếu con đã đến mức không thể áp dụng những giáo lý này, đó là chọn lựa của con, và con hãy ra đi bình an, hoặc con cũng có thể ra đi không bình an nếu con muốn như vậy. Nhưng các chân sư không thể giúp những ai không sẵn lòng buông bỏ một cái gì.
Ta chỉ dùng sự kiện trên như một ví dụ, bởi vì dĩ nhiên có rất nhiều ví dụ khác. Con nhìn vào những người tâm linh nói chung, con nhìn học trò của chân sư trong các đợt truyền pháp trước hay ngay cả trong đợt này, con sẽ thấy rất nhiều người tới một điểm sẽ đụng phải một điều gì đó mà họ không sẵn lòng buông bỏ. Rồi hoặc là họ ngừng tiến bước trên đường tâm linh, hoặc họ bước vào con đường tay trái, con đường công truyền, nơi họ từ chối thay đổi một điểm gì đó trong tâm lý họ, họ từ chối từ bỏ một cái gì đó để theo Ki-tô. Họ đã không nói được: “Chuyện này can hệ gì tới tôi? Tôi đi theo Ki-tô, tôi sẽ đi theo Ki-tô,” mà ngược lại họ đã như người thanh niên kia nói với ta rằng: “Con muốn theo Giê-su lắm chứ, nhưng trước tiên con có thể đi chôn cha con được không?” Nói cách khác, họ có một việc gì đó trong thế gian mà họ phải làm trước khi đi theo Ki-tô, và như thế họ không thể nào theo Ki-tô vì lúc nào cũng sẽ có những công việc trong đời phải làm trước. Ta đã nói gì với thanh niên đó? “Hãy để cho kẻ chết đi chôn người chết”. Hãy để cho những ai bị kẹt trong tâm thức chết đối phó với mọi vấn đề mà họ tưởng họ phải cần đối phó. Con có thể từ chối đối tác với tất cả những vấn đề này, buông chúng đi, rồi cất bước cùng Ki-tô đi tới những tầng cao hơn của đường tu. Nhưng tất nhiên, tại sao họ không làm được? Bởi vì họ chưa chịu nhìn vào cái ngã gốc luôn nghĩ rằng nó phải sản xuất ra một cảm giác nào đó bằng cách sản xuất những điều kiện cụ thể ở đây trên địa cầu.
Có thể nói, đây là ảo tưởng ngàn đời. Đây chính là bí mật của con đường tâm linh nếu chẳng qua có một bí mật. Đây là bí mật vì có rất ít giáo lý nào thật sự tiết lộ với những lời thẳng thắn, rõ ràng như thế. Lý do một phần là vì, thực tế mà nói, việc nâng cao tâm thức tập thể trên địa cầu là một tiến trình chậm chạp, lần hồi. Không có ích gì đưa ra một giáo lý khi chưa có một số người sẵn sàng nắm lấy và đem ra thực hành. Nhưng dù sao đi nữa, cốt lõi của vấn đề là như sau: “Khi bảo rằng con người chưa sẵn sàng áp dụng giáo lý thì điều này có nghĩa gì?” Có nghĩa là con người chưa sẵn sàng nhìn vào bản thân mình, nhìn vào cái xà trong mắt mình. Bao nhiêu tín đồ đạo Cơ đốc tự nhận là họ sùng tín ta, nhưng liệu họ có sẵn lòng đoái nhìn đến những lời ta đã dạy, chẳng hạn như phải nhìn vào cái xà trong mắt mình thay vì phán xét người khác theo cái giằm trong mắt người? Đây thực sự là một điều mà con phải buông bỏ, một trong những điều khó bỏ nhất khi con lên cao hơn tầng thứ 96. Con thấy không, các sa nhân là một ví dụ rõ ràng nhất của tình trạng tư duy này. Chúng từ chối nhìn vào bản thân, vào cái xà nơi mắt chúng, để chỉ tập trung vào cái giằm trong mắt người khác, luôn luôn vạch ra cái giằm đó, luôn luôn hướng ra bên ngoài và nghĩ rằng vấn đề nằm ở bên ngoài, rằng người khác có lỗi và cần phải thay đổi.
Các sa nhân bị mắc bẫy trong tâm thức này và không thể vượt ra ngoài cho đến khi chúng quyết định quay đầu lại. Nhưng dù quay đầu thì chúng cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để vượt qua được. Chúng đã tạo ra trên hành tinh này một con quái vật tập thể vô cùng hùng mạnh luôn cuốn hút mọi người vào tâm thức đó. Vì thế mà con luôn phán xét người khác. Có bao nhiêu trường hợp như thế, như khi con dựng lên ai đó thành con dê tế thần, đổ tội cho họ là nguyên nhân những vấn đề của con, và con tin rằng nếu con có thể loại trừ hay thay đổi con dê thì vấn đề của con sẽ giải tỏa. Vấn đề sẽ tự nhiên biến mất như trong phép lạ. Đây là một con quái vật tập thể vô cùng kiên cố, và một lần nữa, khi con lần đầu tiên gặp giáo lý của chân sư, con vẫn bị nó ảnh hưởng vì con đã lớn lên trong một môi trường lấy chuyện phê phán người khác làm chuẩn. Nó hoàn toàn tự nhiên và ta hoàn toàn thông cảm. Ta nói như vậy bất kể con đã lớn lên ở đâu với rất, rất ít ngoại lệ.
Trong xã hội có một chuẩn mực, một cách cư xử gọi là bình thường. Đó là cách cư xử tại Đan Mạch, người Đan Mạch là như thế, người Mỹ là như thế, người Pháp, người Đức, người Anh cũng là như thế, vân vân. Mọi quốc gia đều có chuẩn mực này, chuẩn mực mà một người tiếng là tốt lành trong xã hội phải tuân thủ, và con được nuôi nấng lớn lên để phê phán chính mình lẫn người khác dựa theo chuẩn này. Con có tuân thủ hay không tuân thủ? Có những áp lực và biện pháp được áp đặt lên những ai không tuân thủ. Cho nên thật là không thể tránh được khi con tìm thấy giáo lý các chân sư, con đã mang sẵn nguyên cái tâm thức này trong bốn thể phàm của con. Con mang những cái ngã đã được tạo ra để đáp ứng tình trạng đó, và có lẽ suốt nhiều kiếp đầu thai, rất có thể con đã củng cố cho nó lớn mạnh hơn. Những cái ngã này không ngừng lượng giá chính con, lượng giá người khác và mọi sự xảy ra chung quanh, nó phán xét tất cả. Cho nên chuyện gì xảy ra khi lần đầu con gặp giáo lý chân sư dạy về quả vị Ki-tô và phân biện Ki-tô? Đúng vậy, những cái ngã này đồng loạt kêu lên: “Hoan hô! Đây hẳn là miền đất hứa, vì nếu chúng ta có thể đạt được quả vị Ki-tô và phân biện Ki-tô, chúng ta sẽ có một chuẩn mực tuyệt đối để phán xét mọi người”.
Trong hầu hết người tâm linh, có một cơ chế tâm lý vận hành. Con đã lớn lên trong một xã hội chắc là bị chi phối bởi một tôn giáo nào đó, hoặc cũng có thể bởi tôn giáo của chủ nghĩa duy vật khoa học. Con đã luôn cảm thấy con không thực sự muốn là một người duy vật, nhưng con cũng không làm sao theo được tôn giáo đang chiếm ưu thế. Cho nên con có cảm tưởng mình là một người đứng bên lề, bị ruồng bỏ. Con đã luôn cảm thấy mình bị phán xét bởi người ngoan đạo lẫn người duy vật, thậm chí cả người cộng sản tùy theo con lớn lên ở đâu. Con cảm thấy mình là người ngoài cuộc. Con bị người ta đánh giá vì con không theo một chuẩn mực nào. Cho nên để đối phó với sự thể, rất có thể vào thời thơ ấu hay trong những kiếp trước, con đã tạo ra những cái ngã, và những cái ngã này mong muốn bù đắp cho sự kiện con bị đánh giá.
Ngã thực hiện sự bù đắp bằng cách cố đạt một ấn tượng, một tin tưởng rằng cho dù con bị người ta đánh giá thì chính họ mới sai lầm vì chỉ có con là đúng vì con là một người tâm linh. Con hoàn toàn có lý khi là người tâm linh, và đây, có cả giáo lý của chân sư thăng thiên xác minh con có lý khi con là người tâm linh. Thật không tránh nổi những cái ngã này sẽ bắt đầu sử dụng giáo lý chân sư để phán xét người khác. Nếu họ không tin ý kiến này thì họ sai rồi. Họ không tin vào luân hồi thì họ phải sai thôi. Họ không tin điều này, không tin điều kia mà các chân sư giảng dạy, do đó họ ở một mức tâm thức thấp hơn mình. Một lần nữa, ta không trách móc ai cả. Chính ta cũng như vậy khi ta còn ở những mức thấp kém của đường tu, không phải trong kiếp đầu thai chót mà những kiếp trước đó. Tất cả chúng ta đều đã trải qua vấn đề này, đó là một phần không thể thiếu của đường tu tâm linh. Nhưng vấn đề là khi một số người tâm linh, thậm chí một số học trò của chân sư, không thể đứng riêng ra khỏi vấn đề. Họ không thể nhận diện cái ngã tách biệt này trong họ, những ngã tách biệt muốn phê phán mọi thứ, lại dùng cả giáo lý của chân sư để thiết lập, dưới mắt họ, một cái chuẩn tối hậu để phán xét mọi người.
Đây là một sự thể con thấy khắp mọi nơi, một phần của cái mà chúng ta có thể gọi là thân phận làm người. Con phớt lờ cái xà trong mắt mình và tim giằm trong mắt người, và con phê phán người khác một cách vô cùng khắc nghiệt dựa trên một chuẩn mực mà con coi là tuyệt đối. Có điều, hầu hết người tâm linh và nhiều học trò của chân sư chắc chắn mang kỳ vọng có thể tạo dựng một cộng đồng tâm linh dựa trên tình thương và tốt thiện. Cho nên con có trực giác là có thể có một cộng đồng tâm linh nơi sự phê phán sẽ vắng bóng. Bao nhiêu người kỳ vọng là khi họ tìm thấy giáo lý của chân sư, những ai theo giáo lý này sẽ không hề xoi mói mà sẽ hiền hòa, tương thân tương ái. Ta hiểu được con có kỳ vọng như thế, nhưng điều này không thực tế.
Vị sứ giả này, nhiều năm trước đây, có nghe tin về tổ chức Summit Lighthouse khi ông sống ở Đan Mạch. Dĩ nhiên ông đã dựng lên một kỳ vọng về cuộc sống tại Summit Lighthouse cũng như về những thành viên ở đó, dựa trên một cái nhìn từ xa, thấy được lý tưởng của giáo lý và nghĩ rằng mọi người theo giáo lý chắc hẳn là yêu thương và hiền hòa. Khi ông đến trụ sở của Summit Lighthouse tại Montana năm 1987, ông bàng hoàng. Chỉ sau ba ngày, giống như ba ngày mà – theo kinh sách – ta đã từng trải nơi địa ngục, ông ngồi xuống và phải lấy một quyết định. Hoặc ông phải ra đi, hoặc ông sẽ ở lại và tìm một giải pháp ổn thỏa. Một ý nghĩ đến với ông, mà ông nhận được trong ngoại tâm, là “Nhưng khoan đã, khi tôi bước qua cánh cổng này, làm gì có tấm bảng nào nói là phải bỏ tự ngã trước khi vào? Cho nên tôi đã không bỏ tự ngã của tôi ngoài cửa, và rất có thể mọi người khác cũng không ai bỏ tự ngã của họ ngoài cửa. Có nghĩa là mọi người trong đây vẫn đều mang tự ngã, tôi cũng vẫn mang tự ngã, vậy thì có lẽ kỳ vọng của tôi hơi thiếu thực tế đó. Có lẽ tôi thiếu thực tế khi tôi chờ đợi mọi người bước qua cánh cửa này bỗng nhiên trở thành toàn hảo, và chính tôi cũng trở thành toàn hảo khi tôi bước vào.” Đây chính là ý tưởng đã cho phép ông ở lại với cộng đồng và tinh tấn vượt bực trong thời gian 10 năm ông sống ở đó.
Một số ý tưởng tương tự cũng đã hữu ích cho nhiều người khác, nhưng cũng có những người không nhận ra được điều này, họ phản ứng một cách khác và bắt đầu phán đoán, hay họ tiếp tục phán đoán người khác và ngay cả chính họ mà không hề hay biết. Vì vậy con có thể thấy tại Summit Lighthouse, hồi đó cũng như bây giờ, có một không khí phán xét mà qua đó họ sử dụng các giáo lý của chân sư để tạo ra hình ảnh về một đệ tử lý tưởng của chân sư. Họ phán xét lẫn nhau dựa trên tiêu chuẩn đệ tử có tuân thủ các đòi hỏi vỏ ngoài này hay không: bạn là nhân viên à? Bạn là nhân viên của bộ phận nào? Bạn có đọc đủ số bài chú hay không? Có là người giao tiếp? Có đóng góp tài chánh cho nhà thờ? Có cư ngụ ở Glastonbury? Lái xe hiệu gì? Màu gì? Mặc áo màu gì? Ăn thức gì? Có kiêng ăn gì không, và vô số những chuyện khác. Cái gì đứng đằng sau khuynh hướng phán xét đó? Chính là ý tưởng cho rằng việc tuân thủ các nghi lễ và luật lệ vỏ ngoài sẽ tự động đưa con tới trạng thái tâm Ki-tô.
Cho tới giờ, các chân sư đã ban cho con nhiều lời dạy để chất vấn ảo tưởng đó cho nên con phải đủ khả năng thấy được rằng sẽ tới lúc con sẽ không thể tiến bước cao hơn trong quả vị Ki-tô và phân biện Ki-tô cho tới khi con nhìn nhận một cách toàn diện và ý thức rằng quả vị Ki-tô không phải là sản phẩm của các điều kiện ngoại cảnh trên địa cầu. Quả vị Ki-tô không phải là chuyện đã đạt được gì, đã làm được gì, sở hữu cái gì, tu tập pháp môn nào, đọc được bao nhiêu bài chú. Những thứ đó không sản xuất ra quả vị Ki-tô. Quả vị Ki-tô chỉ là một điều duy nhất mà thôi – nó không phải là những gì con đã thu được mà là những gì con đã bỏ lại. Con đã bỏ lại bao nhiêu cái ngã tách biệt? Bao nhiêu ảo tưởng con đã bỏ lại? Bao nhiêu kỳ vọng con đã bỏ lại? Bao nhiêu lần con đã đương đầu với một kỳ vọng, một vướng mắc, và đã tự nhủ một cách hoàn toàn chân thành: “Cái này can hệ gì đến tôi? Tôi sẽ đi theo thày!” Đó là chìa khóa duy nhất cho quả vị Ki-tô.
Con có thể là thành viên của một tổ chức tâm linh. Con có thể nhiệt thành tuân thủ một pháp môn tu tập suốt nhiều năm hay nhiều thập niên. Các chân sư đã thấy điều này rất nhiều lần rồi, nhưng con vẫn không tiến một bước nào về phía tâm Ki-tô chính vì con không chuyển dời tâm thức để nhận ra tâm Ki-tô là gì. Đây không phải là chuyện bám giữ vào cái này hay cái kia trên địa cầu, không là chuyện hoàn thiện cái này hay cái nọ, mà là chuyện buông bỏ. Rất, rất nhiều hành giả khi họ tìm thấy một con đường tâm linh, tập trung rất nhiều vào ý niệm chứng đạt tâm linh cũng như một số khả năng. Nhiều người mơ ước có được quyền năng thần thông, và thật tiếc thay, cuộc đời của ta đã phần nào kích động mơ ước này bởi vì ta đã thực hiện một số phép siêu phàm. Cho nên một số người cũng muốn làm giống thế, hoặc họ muốn chứng đạt được gì đó tùy theo định nghĩa của tổ chức hay giáo lý của họ, và tất cả là để biến cái mà họ đang có thành một cái gì hoàn hảo và tốt đẹp đến nỗi các chân sư phải trầm trồ: “Ồ, có đệ tử kia đã thật sự chứng đạt được cả bảy tia sáng, người ấy đã sẵn sàng thăng thiên rồi đấy.”
Con có thấy không, đường tu thật sự không phải là đạt được một khả năng nào đó, hay ngay cả kiến thức và sự hiểu biết, bởi vì con đường giả trá do các sa nhân phóng chiếu ra – và được nhiều hành giả ở một cấp bậc nào đó chấp nhận vì họ không biết làm gì khác hơn – chính là con đường nâng cao một khía cạnh nào đó của tự ngã, nâng cao một ngã tách biệt nào đó. Vì chúng ta đang bàn về phân biên Ki-tô, con có biết con có một cái ngã tách biệt rất mạnh mẽ khi con tìm thấy một con đường đã được thiết lập suốt nhiều kiếp sống do văn hóa phán xét gây ra? Như vậy, con có một cái ngã tách biệt với khả năng phán xét người khác, và bây giờ ngã này cảm thấy nó có thể áp dụng lời khuyên răn của ta là phải “phán xét theo lẽ công bình” bởi vì nó đinh ninh là nó không phán xét theo chuẩn mực của con người mà theo một chuẩn mực cao hơn. Thế là khi con tìm được giáo lý của chân sư, ngã này liền nói: “À, đây là cơ hội quá tốt cho tôi, tôi sẽ lấy lời dạy này, học tập thật kỹ, đem ra áp dụng, tôi sẽ hoàn thiện khả năng phán xét của tôi. Tôi sẽ chứng đạt chuẩn mực cao nhất của phán xét là phân biện Ki-tô, và tôi sẽ có khả năng phán xét như một chân sư phán xét.”
Nhiều học trò của chân sư tin rằng chỉ có chuyện hoản chỉnh cái ngã này, và khi họ có được sự phán xét tối thượng đó thì họ sẽ chứng đạt quả vị Ki-tô. Đây là quả vị Ki-tô, họ nghĩ như thế. Nhưng con yêu dấu, đây chỉ là một cái ngã. Nó sẽ không bao giờ lên được Thiên đàng. Dù cho khả năng phán xét của con có cao siêu biết mấy, nó sẽ không bao giờ vào được Thiên đàng. Con sẽ không bao giờ vào được Thiên dàng khi nào con còn lôi cái ngã này theo con. Nó không thể chui qua cánh cửa. Làm thế nào con vào được Thiên đàng? Chỉ bằng cách bỏ cái ngã này lại. Có nghĩa là gì? Nhiều học trò tâm linh mà chân sư đã thấy, trong đợt truyền pháp này cũng như những đợt trước, vẫn còn rơi vào cạm bẫy mà nghĩ rằng tâm Ki-tô là chuyện nhìn thế giới, nhìn hành động, nhìn ý nghĩ, nhìn mọi thứ hiện ra và xét đoán chúng dựa trên tiêu chuẩn là chúng đúng hay sai.
Các chân sư đã từng nói gì? Các sa nhân đã phải làm gì để phá nát cuộc sống trên hành tinh này? Chúng phải phóng chiếu ra một chuẩn mực về những gì phải xảy ra hoặc không được xảy ra, khiến loài người phải lượng định mọi thứ dựa trên giá trị đúng hay sai, thật hay giả. Những người này nghĩ rằng bằng cách lấy một lời dạy của chân sư rồi áp dụng và học tập, họ sẽ có thể hoàn thiện cái ngã phán xét ấy để nó nhìn vào mọi chuyện xảy ra trên địa cầu mà xét đoán. Cái này đúng hay sai? Là Ki-tô hay phản-Ki-tô? Nhưng đây là một ảo tưởng và ở tầng tâm thức thứ 96, con sẽ cần phải đương đầu với nó nếu con muốn bước lên những tầng cao hơn. Nếu không, con sẽ rơi vào vòng xoáy đi xuống của sự xét đoán và sẽ ngày càng xét đoán nhiều hơn, trong khi cứ đinh ninh mình là đấng Ki-tô Hằng sống đang xét đoán.
Ta sẽ minh họa cho con thấy. Giả sử con đang ở một phi trường sầm uất. Đó là trước nạn dịch corona và phi trường đầy nghẹt người. Ai ai cũng nói năng, có loa phóng thanh, có nhạc, có đủ mọi loại tiếng động. Con bước vào đó và nghĩ: “Công việc của tôi là xét đoán xem những tiếng động này là của Ki-tô hay phản-Ki-tô”. Con sẽ làm gì? Con sẽ chú tâm lắng nghe từng tiếng động và con nghĩ rằng bằng cách phát triển khả năng phán xét tiếng động, con sẽ biểu hiện tâm Ki-tô. Nhưng tâm Ki-tô thực sự là gì? Tâm Ki-tô không phải là nghe và phán xét tiếng động đâu. Người có tâm Ki-tô là người nghe được sự im lặng vượt ngoài mọi tiếng động. Con có thể đứng giữa nơi ồn ào nhất cả hành tinh nhưng đằng sau tiếng động vẫn có im lặng. Tiếng động cần có không gian để hiện hữu, là không gian mà đức Phật cầm giữ cho địa cầu. Không gian này – tánh nhận biết im lặng đằng sau tiếng động – đó chính là tâm Ki-tô là phân biện Ki-tô tối hậu.
Đã có một thời, như ta có giải thích, khi con nhìn vào các tầng vật lý, cảm xúc, lý trí và bản sắc, con sử dụng khả năng của mình để phân biện giữa những gì là ảo tưởng, là sự thao túng, là cơn lốc xoáy và tất cả những thứ đó. Ở cấp độ đó, có thể nói là con vẫn còn phán xét. Ít ra là còn lượng giá và phân tích. Đấy là một phần của tâm Ki-tô ở những bước đầu. Nhưng ta nói với con, sẽ tới một lúc khi con có thể bước lên những tầng cao hơn của tâm Ki-tô, hay con có thể đi xuống những tầng thấp hơn vì con tưởng rằng tâm Ki-tô chỉ là chuyện phán xét. Hãy trở lại ví dụ con đang đứng ở phi trường, với tiếng động khắp nơi và người ta qua lại thật náo nhiệt. Con sực nhớ ra là con đang đeo một cặp tai nghe chống ồn, úp chặt vào hai tai. Trên tai nghe có cái nút bật nhỏ xíu, và nếu con vặn nút đó lên, tai nghe sẽ khiến cho mọi tiếng ồn biến mất và con sẽ chỉ nghe thấy im lặng. Đấy, đó là những tầng cao của tâm Ki-tô và phân biện Ki-tô. Đó là con đang đặt tâm con trong sự im lặng đằng sau tiếng động.
Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là con nhận ra điều quan trọng nhất cho con là lắng nghe im lặng. Làm sao con nghe được im lặng? Bằng cách lấy chú tâm ra khỏi tiếng động. Khi nào con còn tập trung vào tiếng động thì con không thể nghe thấy im lặng. Đâu là yếu tố hàng đầu lôi kéo con tập trung vào tiếng động? Đó là sự tin tưởng rằng con cần phải xét đoán xem tiếng động nào là tốt hay xấu, tiếng động nào là phải hay trái. Nhưng đến mức này, con sẽ nhận ra là sự phán xét một ý tưởng nào, một hiện tượng nào là đúng hay sai, không còn quan trọng nữa. Quan trọng hơn là chiêm nghiệm được sự im lặng, tâm Ki-tô. Một khi con bắt đầu chiêm nghiệm im lặng đó – mà đối với hầu hết mọi người sẽ không xảy ra thường xuyên trước khi con hóa giải được ngã gốc, và tuy nhiều người thoáng nghe được im lặng trước khi họ hóa giải ngã gốc, họ không có khả năng giữ vững được lâu – và sau khi con hóa giải ngã gốc, con sẽ chứng nghiệm im lặng đó, và bỗng nhiên nó trở thành điều quan trọng nhất, quan trọng hơn mọi sự xét đoán là ai sẽ là tổng thống hay đủ mọi chuyện khác mà người đời thường đem ra xét đoán.
Và đây là lúc con sẽ bắt đầu nhìn xa hơn tất cả những loại quan điểm vỏ ngoài. Như ta đã trình bày, có thể có hai học trò của chân sư đều tin rằng mình có một khả năng phân biện Ki-tô nào đó, và một người thì muốn Trump làm tổng thống và người kia ủng hộ một người khác làm tổng thống. Nhưng nếu cả hai bước lên một tầng cao hơn của tâm Ki-tô, họ sẽ bắt đầu thấy ai làm tổng thống không còn quan trọng gì nữa. Có nhiều thứ khác quan trọng hơn. Chẳng hạn, một điều quan trọng hơn là nếu họ đạt tới một sự hợp nhất nào đó nơi họ không còn bị ngăn cách bởi vấn đề ai sẽ làm tổng thống. Đây là một ví dụ hành giả có thể khắc phục cái ngã chỉ muốn phê phán tất cả. Đây là cách duy nhất cho con hay bất cứ ai kiến tạo được một cộng đồng mà nhiều người tâm linh vẫn mơ ước, một cộng đồng dựa trên tình thương, nhân ái và tương trợ.
Làm sao một cộng đồng có thể tương trợ nếu ai ai cũng luôn phê phán nhau? Làm thế nào có thể ngừng phê phán nhau nếu không ai chịu nhìn vào chính mình và nhìn vào cái ngã đang khiến mình phê phán mọi thứ, kể cả chính mình? Con phải đương đầu với ngã này, con phải nhận ra rằng không phải là chuyện đạt được khả năng phê phán tuyệt hảo, mà là chuyện để cho ngã chết đi hầu sánh bước với Ki-tô bước vào trong im lặng. Con muốn gì? Con muốn quả vị Ki-tô hay muốn sự phán xét của con người? Ta đã đặt trước mặt con sự sống và sự chết. Con hãy chọn sự sống nếu con muốn bước tiếp với ta. Còn không thì ta sẽ phải bỏ con lại đằng sau, và con có thể đi theo bất cứ đường nào mà con định ra dựa trên cái ngã phán xét đúng hay sai, Ki-tô hay phản-Ki-tô. Cái ngã này sẽ phê phán bất cứ gì đứng ra chất vấn thẩm quyền của ngã.
Con hãy chân thật với chính mình. Ta đã có nói, con tự nhận là học trò của chân sư, con đã bỏ thời gian học hỏi giáo lý của chân sư. Con thực sự muốn gì? Con muốn tinh tấn hay muốn bào chữa cho cái ngã không bao giờ vào được Nước Trời? Cái ngã xét đoán sẽ xét đoán bất kỳ giáo lý nào đứng ra tra vấn nó, kể cả giáo lý của chân sư, và nó sẽ xét định rằng giáo lý này không phải là của Ki-tô.
Các chân sư đã từng thấy những nhóm người đã tự thuyết phục mình và thuyết phục cả người khác rằng sứ giả này hay sứ giả kia không còn là sứ giả nữa bởi vì các chân sư sẽ không bao giờ nói ra điều đó. Họ đã rời bỏ tổ chức này hay tổ chức kia để đi theo đường riêng, tin chắc là họ biết rõ hơn cả vị sứ giả là sứ giả có nhận được thông điệp chính xác từ chân sư hay không. Nhưng đằng sau tất cả, họ nghĩ rằng – cái ngã xét đoán của họ nghĩ rằng – họ biết rõ hơn cả chân sư những gì chân sư muốn nói. Nhưng nếu lời ta nói phải phù hợp với sự xét đoán của ngã xét đoán, thì làm sao ta giúp được con thoát khỏi ngã tách biệt đây?
Ngã nghĩ rằng nó có thể vào được Thiên đàng một khi nó biết phán xét tuyệt hảo, nhưng con yêu dấu, ta là một chân sư thăng thiên và ta biết ngã đó sẽ không bao giờ vào được Thiên đàng, và con cũng không vào được nếu con cứ bám víu vào nó. Cơ hội duy nhất cho ta giúp con thăng hoa là khiến con nhận ra ngã đó hầu con buông nó ra. Nhưng nếu con cho phép nó thuyết phục con rằng khi ta tra vấn nó thì không phải một chân sư đang nói chuyện với con, thì con tiêu rồi. Đối với ta, con đã tiêu mất. Ta không thể giúp con. Ta chỉ có thể tôn trọng quyền tự quyết của con và nói rằng, một lần nữa hành giả này đã chọn con đường tay trái tôn vinh ngã thay vì để cho ngã chết đi mà đi theo Ki-tô. Đối với những ai trong số các con làm điều này trong kiếp này, ta có thể cam đoan rằng con đã làm chuyện đó trong nhiều kiếp đã qua. Con sẽ tiếp tục chọn lựa làm như thế đến bao giờ nữa đây, cứ theo ngã tách biệt mà không theo Ki-tô? Con sẽ cần tới bao nhiêu lần nữa để chiêm nghiệm chuyện này không thể thành được? Vì thế mà cuối cùng con sẽ phải trở lại cuộc đời này trong một kiếp đầu thai nữa và một kiếp nữa và một kiếp nữa, trong khi những ai chịu buông bỏ ngã xét đoán sẽ thăng hoa.
Ta phải làm gì thêm nữa đây để xuyên thủng những lớp phòng thủ kiên cố mà ngã tách biệt đã xây đắp chung quanh cái Ta Biết của con? Và con cần gì thêm nữa đây? Con hãy suy ngẫm câu hỏi này. Đâu là những rào cản mà ngã tách biệt đã dựng lên hầu cái Ta Biết không thể nghe thấy ta, hầu con không có tai để mà nghe, không có mắt để mà nhìn, khiến con không thể chiêm nghiệm được cái vượt khỏi tầm của ngã là sự im lặng vượt khỏi mọi tiếng động? Có sự sống vượt khỏi tầm của sự chết. Đó là tâm Ki-tô vượt khỏi cái mà con nghĩ là tâm Ki-tô, cái tâm thức phản-Ki-tô, tâm thức của cái chết, tâm thức của Sa-tăng.
Hôm nay con hãy chọn, chọn đi theo Ki-tô hay phản-Ki-tô. Ta cho con tự do hoàn toàn bởi vì nay ta đã làm tất cả những gì ta có thể nghĩ được để giúp con chọn sự sống, và vì vậy ta sẽ buông bỏ, bởi vì là một chân sư thăng thiên thì ta không vướng mắc liệu ta có cứu vớt được con hay không. Nhưng tất nhiên, ta sẽ cương nghị và tung ra ngọn lửa để giúp đâm thủng những phòng thủ bao trùm quanh cái Ta Biết của con.
Các chân sư có dạy rằng cái Ta Biết là sự nhận biết thuần khiết. Thật vậy, nó đi song song với sự im lặng. Chứng nghiệm im lặng là chứng nghiệm tỉnh giác thuần khiết, là sự chứng nghiệm rằng con là cái gì nhiều hơn tất cả những cái ngã bên ngoài. Cho nên con có thể bỏ chúng lại mà sẽ không chết, con sẽ không biến mất bởi vì con là, cái Ta Biết là, sinh thể nguyên thủy đã giáng thế từ Thiên đàng – và ta nói gì nhỉ? – không một người nào có thể thăng lên trở lại Thiên đàng ngoại trừ đó là người đã giáng thế từ Thiên đàng.
Cái Ta Biết đã đi xuống trong sự tỉnh giác thuần khiết mà không có bất kỳ ngã tách biệt nào, vậy thì chỉ có cái Ta Biết mới thăng lên trở lại, và làm thế nào nó thăng trở lại? Bằng cách để cho tất cả ngã tách biệt chết đi. Bằng cách buông bỏ chúng hết. Tất cả bọn chúng phải chết đi để con có được sự sống vĩnh hằng.
TA LÀ con đường, sự thật và sự sống vì TA LÀ chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô.