Tại sao một số lãnh đạo tôn giáo lạm dụng quyền lực?

Hỏi (Kim Michaels): Thưa Giê-su, con đã gặp nhiều người, đặc biệt là các tín hữu Công giáo, thất vọng và buồn nản về những sự kiện họ xem là sự lạm quyền hay tham nhũng trong giới lãnh đạo của nhà thờ hay của các tôn giáo có tổ chức nói chung. Con có cảm tưởng trong giới lãnh đạo bất cứ một tổ chức tôn giáo nào cũng có nguy cơ lạm dụng quyền lực. Đặc biệt con thấy những vấn đề sau đây:

  • Một số lãnh đạo tôn giáo có vẻ cho rằng họ đứng trên và vượt khỏi các thành viên trong giáo hội,
  • Một số lãnh đạo có vẻ chờ đợi sự phục tùng mù quáng của người cấp dưới, và họ không chấp nhận cho ai bất đồng hay ngay cả đặt câu hỏi,
  • Một số tin rằng họ thay mặt cho Thượng đế và do đó họ không thể sai lầm,
  • Một số có xu hướng trở nên cứng nhắc, gần như cuồng tín, trong cách tiếp cận tôn giáo hay quyền lực. Họ bám vào một cách diễn giải kinh điển và từ chối không xem đến bất cứ ý tưởng nào vượt ngoài niềm tin của họ.
  • Một số lãnh đạo còn tìm cách lợi dụng sự sợ hãi để ép buộc tín đồ phải tuân theo hệ thống chức sắc hay phải mù quáng chấp nhận học thuyết của giáo hội.

Quan điểm của thày về cách lãnh đạo các hội thánh hiện đại là như thế nào?    


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Tất nhiên, thành viên của nhiều giáo hội, cả trong đạo Cơ đốc lẫn các tôn giáo khác, đã phải chịu đựng sự lạm quyền của người lãnh đạo, Ta không muốn phủ nhận hay làm ngơ trước một sự thật mà bất cứ người khách quan nào cũng có thể nhìn thấy.

Tuy nhiên, ta muốn lùi lại một bước và thay vì tập trung vào người lãnh đạo của một giáo hội nào đó, chúng ta hãy thử nhìn vào những thử thách mà lãnh đạo mọi tổ chức tôn giáo hay tâm linh phải đối diện. Khi chúng ta hiểu rõ hơn những cơ năng tâm lý liên quan cụ thể đến việc lãnh đạo giáo hội, chúng ta mới giúp mọi người có được một tầm nhìn khác hơn. Sự lạm dụng quyền lực xảy ra trong hầu hết mọi tổ chức tôn giáo và thật là quan trọng cho chúng ta hiểu tại sao.    

Trong vũ trụ vật chất, mọi sự đều là con dao hai lưỡi. Không có một điều gì mà chúng tôi, các vị thày tâm linh của nhân loại, nói hay làm mà tâm nhị nguyên không thể hiểu sai và lạm dụng. Điều này đặc biệt áp dụng cho việc giao quyền hành cho một người nào đó.  

Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận rằng hầu hết mọi người trên địa cầu đều phần nào thờ ơ đối với tôn giáo. Họ không có quan điểm rõ ràng, và ngay cả trách nhiệm về cuộc sống của họ mà họ cũng không nắm lấy thì làm sao họ nhận trách nhiệm cứu rỗi cả hành tinh? Cho nên những ai bị lôi cuốn vào các tổ chức tôn giáo, đặc biệt những người sẵn sàng nhận trách nhiệm lãnh đạo, thường là những người không thờ ơ. Họ là người nhiệt thành, họ là người hành động, và một số là những người dẫn đầu chứ không phải là người đi theo.  

Con có nhớ là ta đã nói rằng thà nóng hay lạnh còn hơn là nguội. Qua câu đó, ta muốn nói là đã làm môn đệ của Ki-tô thì không có ai nguội cả. Tất nhiên là có những người tưởng mình là môn đệ của Ki-tô do đã gia nhập một hội thánh nào đó, nhưng đó chỉ là ảo ảnh.

Để làm môn đệ đích thực của Ki-tô, con phải rực lên một ngọn lửa muốn làm điều gì đó vượt hẳn tư lợi của mình. Ở đây cần phải phân biệt, lòng nhiệt thành không đồng nghĩa với việc trở thành môn đệ đích thực của Ki-tô. Một môn đệ của Ki-tô tuy rực lửa đi theo một chính nghĩa nhưng sẽ phụng sự chính nghĩa đó một cách cân bằng. Người đó sẽ lánh xa mọi cực đoan, mọi cách nhìn trắng đen khởi lên từ tư duy nhị nguyên tương đối. Người đó tận tâm đi tìm một viễn quan quân bình, tức là trung đạo của tâm thức Ki-tô.

Điều ta đang cố giải thích là loại người cảm thấy thu hút vào các trách vụ lãnh đạo trong một tổ chức tôn giáo thường là những người hoặc nóng hoặc lạnh. Thế nào là nóng hay lạnh? Cả hai loại người này đều có lòng nhiệt thành và sẵn sàng cống hiến cho chính nghĩa. Người nóng là người đã tìm được một mức quân bình nào đó, trong khi người lạnh vẫn chưa đạt được sự quân bình của mình. Cho nên một người lạnh có khuynh hướng tiếp cận cuộc sống hay tiếp cận tôn giáo trong cái nhìn đen trắng. Tuy có một số người lạnh chọn được chính nghĩa chân chính, nhưng phần còn lại sẽ đi theo chính nghĩa giả trá.

Một ví dụ điển hình là Paul với lòng nhiệt thành cao độ, nhưng Paul thuở đầu lại hoạt động chống lại ta. Điều cứu vãn những người lạnh là họ luôn luôn chuyển động, cho nên nếu có được một vị thày tâm linh giúp họ đổi hướng thì sự nhiệt thành của họ sẽ tuôn vào một mục đích xứng đáng. Đó là điều đã xảy ra cho Paul.    

Tuy nhiên, phục vụ một mục đích xứng đáng không có nghĩa là mình đã thực sự tinh tấn tâm linh. Nó chỉ có nghĩa là mình không còn tạo ra nghiệp chướng do mình phục vụ một mục đích tệ hại. Nói cách khác, một người nhiệt tâm phục vụ một giáo hội vẫn có thể mất quân bình và đi theo một đường lối phàm phu. Nói ra thì hơi ngược đời, nhưng một người có thể hội đủ mọi tiêu chuẩn của một đệ tử mà lại là một phản đệ tử. Thử thách lớn nhất cho người đó là buông bỏ cách tiếp cận mất quân bình, tìm lại sự quân bình và nhờ vậy bước vào con đường tu bên trong. Paul chưa bao giờ đạt được sự quân bình đó mặc dù ông tiến bộ đáng kể.

Trong hầu hết các tổ chức tôn giáo, con sẽ tìm thấy cả hai loại lãnh đạo, quân bình lẫn mất quân bình. Bây giờ chúng ta hay nhìn xem điều gì xảy ra khi một người mất quân bình đạt được địa vị lãnh đạo trong một tổ chức tôn giáo.

Như ta vừa nói, ít ai bị quyến rũ vào những chức vụ đó trừ khi họ cảm thấy việc phụng sự Thượng đế là điều quan trọng. Cho nên hầu như tất cả những người đó đều cảm thấy mình quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn tất cả, vì họ thực sự tin rằng họ đang làm việc cho ý muốn và mục tiêu của Thượng đế. Họ cũng tin là công việc này quan trọng hơn mọi công việc thế phàm nào khác. Điều này tự nó không sai. Tuy nhiên khi một người mất quân bình ôm lấy cái nhìn đó và nắm quyền hành một tổ chức tôn giáo, thì lạm quyền có thể xảy ra.   

Vì người mất quân bình không hiểu sự cần thiết phải đạt được trung đạo của tâm thức Ki-tô và cũng không có sự phân biện để nhìn thấy trung đạo, họ thường có một cái nhìn trắng đen, Họ ôm lấy giáo điều hoặc hệ tư tưởng và cho đó là chân lý tuyệt đối bất khả sai lầm.

Từ đó họ tin rằng bất cứ ý tưởng nào có vẻ đi ngược lại hoặc đi xa hơn thế giới quan của họ đều sai trái một cách tuyệt đối. Nói cách khác, họ bắt đầu tin rằng họ đang nhập vào một cuộc chiến giữa thiện và ác, và thiện khác ác y như trắng khác đen. Tiếc thay, sự quân bình của họ khiến họ định nghĩa sự khác biệt giữa thiện và ác trên căn bản tư duy nhị nguyên.

Sau đó họ bắt đầu tin rằng việc áp đặt chân lý “duy nhất” này lên toàn tổ chức cùng mọi thành viên có một tầm quan trọng vĩ đại. Điều này có thể dẫn đến sự tin tưởng, đôi khi rất vi tế và không được nhận diện, rằng họ trở thành một vị đại diện hay một phát ngôn nhân cho Thượng đế hay cho các chân sư thăng thiên. Nói cách khác, họ cảm thấy rằng nếu con lên tiếng nói ngược lại chân lý “tuyệt đối” của họ thì con cũng đang nghịch lại Thượng đế, và do đó việc họ áp chế con chỉ là một điều cần thiết, hợp lý. Trong những trường hợp cùng cực, hầu hết mọi biện pháp nhằm bảo vệ cái mà họ coi là chuẩn mực chân chính duy nhất của Thượng đế sẽ được họ xem là hoàn toàn thích đáng. Ví dụ điển hình là Toà án Dị giáo cũng như việc ta bị đóng đinh trên thập tự.       

Điều thực sự xảy ra trong tiến trình này là những người mất quân bình như vậy sẽ cảm thấy, bởi vì chính nghĩa của họ tuyệt đối quan trọng, cho nên họ cũng phải nắm lấy quyền hành tuyệt đối. Nói cách khác, họ bắt đầu tin rằng vì họ làm việc cho Thượng đế và sự nghiệp chân chính duy nhất, họ phải có quyền hành tuyệt đối. Và họ tin là trong mọi công việc của họ, họ được sự hổ trợ tuyệt đối của Thượng đế.

Người ta thường nói, mọi quyền lực đều thối nát, và quyền lực tuyệt đối thì thối nát một cách tuyệt đối. Câu này chí lý lắm đó. Thật là khó ở trong một địa vị nắm quyền tuyệt đối – cho dù đó là quyền lực có thực hay tưởng tượng – mà không bị quyền lực chiếm trọn lấy mình và không sử dụng quyền lực một cách mất quân bình. Cách duy nhất để tránh bị tha hóa bởi quyền lực tuyệt đối là trụ vững nơi trung đạo của tâm thức Ki-tô.

Những ai không trụ vững được nơi trung đạo, dù là do sự mất quân bình tâm lý, tin tưởng bất toàn hay động lượng cũ từ tiền kiếp, đều sẽ không tránh khỏi rơi vào cực đoan và lạm dụng quyền thế ở một mức nào đó. Đó chỉ đơn giản là hậu quả không thể tránh khỏi khi mình cho phép mình cảm thấy nắm vị trí quyền lực toàn diện.

Cho nên một sinh thể Ki-tô sẽ không để cho mình cảm nhận mình ở trong vị trí đó. Phải nhận ra là chỉ có Thượng đế và ý muốn Thượng đế mới có quyền năng tuyệt đối, và ngay cả Thượng đế cũng phải cúi mình trước quyền tự quyết của con người. Có thể nói, mặc dù Thượng đế có quyền năng tuyệt đối, nhưng ngài không sử dụng quyền năng đó vì ngài đã ban quyền tự quyết cho con người. Do đó, không một lãnh đạo nào có thể chính danh tuyên bố là mình được sự ủng hộ của Thượng đế mà đồng thời vi phạm quyền tự quyết của người khác.

Con có thấy sự phân biệt vi tế nhưng tối quan trọng này không? Nếu con thực sự được Thượng đế hỗ trợ, con sẽ cương quyết tôn trọng quyền tự quyết của tất cả đồng môn của con y như các chân sư thăng thiên tôn trọng quyền tự quyết của mọi người. Thật là rõ ràng như thế. Hoặc con đứng nơi trung đạo của Ki-tô, hoặc con đứng ở vô số những điểm cực đoan mà tư duy nhị nguyên đã định ra.  

Kim Michaels: Vậy thì làm thế nào thoát khỏi trạng thái mất quân bình và tìm lại sự quân bình?

Giê-su: Trước tiên phải hiểu ra vấn đề. Con không thể giải quyết một vấn đề cho đến khi con nhìn nhận là có vấn đề, rồi con bắt đầu tìm hiểu điều gì gây ra vấn đề. Cho nên nếu con thực sự muốn đạt được sự cứu rỗi cá nhân, con phải khởi đầu với sự nhìn nhận rằng việc sử dụng quyền lực mất quân bình là vấn đề cần giải quyết. Con không thể đem theo sự mất quân bình lên thiên đàng. Ở trên đó không hề có sự mất quân bình.  

Có thể nói, để tránh rơi vào bẫy của sự mất quân bình, một đạo hữu cuồng tín cần có những biện pháp nhất quyết. Ta đã có trao cho các con một số dụng cụ tâm linh trong trang dụng cụ để giúp thăng vượt sự cuồng tín tôn giáo. Ta cũng khuyên con nên đọc bài giáo lý của Mẹ Mary về cách thoát khỏi các độc tố tâm linh tương ứng với các vị Phật Thiền định.