Nhà tâm lý học M. Scott Peck kể rằng suốt mấy thập niên hành nghề, nhiều người đã hỏi ông, “Tại sao thế giới lại có xấu ác?” nhưng không ai từng hỏi ông câu hỏi cũng không kém hợp lý, “Tại sao thế giới lại có tốt thiện?”… cứ như thể là ai nấy đều biết thế giới căn bản là tốt thiện và sự xấu ác chỉ là một điều không bình thường.
Dựa trên bài viết trước, rõ ràng xấu ác là kết quả của tâm thức phản Ki-tô đã tạo điều kiện cho con người tách biệt khỏi mục đích và quy luật của Thượng đế. Nó đã giam hãm con người sau một tấm màn ảo tưởng, từ đó phát sinh ra nhiều hình thức hành vi ích kỷ. Do con người không nhìn thấy được bản chất duy nhất của sự sống nên cứ tưởng mình có thể làm hại người khác mà không tổn thương gì đến mình. Người ta đặt ra những định nghĩa riêng của mình về thiện và ác, khiến họ có thể tin rằng Thượng đế sẽ thưởng công cho họ khi họ giết hại tín đồ của một tôn giáo khác. Thật ra, họ không biết gì hơn nên cũng chẳng làm gì được hơn.
Tâm phản Ki-tô là chọn lựa đi kèm với quyền tự quyết và nó sẽ luôn luôn là sự cám dỗ cho bạn cho tới khi bạn đạt đến bản sắc cao nhất là sự nhận biết mình là con của Thượng đế, là chính Ki-tô hiện thân. Ngay đến Giê-su mà còn bị ác quỷ cám dỗ khi thày khởi sự sứ mạng của thày. Cho nên xấu ác không phải do Thượng đế tạo ra, nó không phải là đối cực của Thượng đế, và nó không cần thiết để thiên ý được hoàn thành. Trái lại, xấu ác là kết quả của một lựa chọn, một lựa chọn thiếu hiểu biết. Nó phát xuất từ sự vô minh, nhưng không phải vô minh trong nghĩa dốt nát mà một hình thức cố tình vô minh khi chính mình tạo ra ảo tưởng rằng hành vi của mình không có gì xấu ác.
Điều này giải đáp một câu hỏi nữa, đó là tại sao Thượng đế lại cho phép rắn có mặt trong Vườn Eden. Trong định nghĩa rộng nhất của rắn, đó là biểu tượng cho tâm phản Ki-tô, là cám dỗ mà người đồng sáng tạo phải đối mặt trước khi đạt quả vị Ki-tô trọn vẹn, như Giê-su đã từng đối mặt. Nhưng rắn còn có một ý nghĩa cụ thể hơn, là biểu tượng cho những kẻ đồng sáng tạo đã cố tình phản nghịch lại quy luật Thượng đế và đang cố ngăn cản mục đích của Thượng đế thành hình.
Những bài trước đã có trình bày về tiến trình sáng thế khi Thượng đế sinh tạo ra một số bầu cõi trong hư không. Một bầu cõi tân lập chỉ có một lượng ánh sáng hạn chế, tạo cơ hội cho tâm phản Ki-tô có mặt ở đó. Vì bóng tối còn quá dày đặc nên các ảo tưởng của tâm phản Ki-tô chưa bị lộ nguyên hình. Nhưng khi bầu cõi gia tăng ánh sáng đến một mức quyết định, nó sẽ thăng lên một độ rung cao hơn và ánh sáng sẽ mạnh mẽ đến độ không còn bóng tối nào có thể hiện hữu. Khi đó, tâm phản Ki-tô sẽ không thể tồn tại vì không còn vùng tối nào nữa cho nó ẩn nấp.
Bầu cõi có thăng lên được là nhờ đa số dòng sống ở đó cũng đã thăng lên. Tuy nhiên vì mỗi người có quyền tự quyết, cho nên không có gì bảo đảm mọi người trong bầu cõi đều đồng ý hay tham gia tích cực vào tiến trình đó. Rất có thể là vẫn còn một số dòng sống bám víu vào những ảo tưởng của tâm phản Ki-tô. Luật tự quyết cho phép họ cứ tiếp tục trong tâm trạng đó một thời gian, nhưng khi bầu cõi thượng thăng, họ không thể ở lại với bầu cõi nếu họ vẫn bám mắc vào ảo tưởng. Họ sẽ phải đi tới một nơi nào khác, tức là một nơi còn đủ bóng tối để dung thứ ảo tưởng tách biệt của họ. Cụ thể, điều này có nghĩa là họ sẽ phải đi xuống bầu cõi mới lập, tức là bầu cõi được sinh tạo tiếp theo sau khi bầu cõi trước đã thăng thiên. Tiến trình này được mô tả trong Kinh thánh:
“Tôi lại nghe có tiếng nói lớn trên trời rằng: Bây giờ sự cứu rỗi và sức mạnh đã đến, cùng với vương quốc Thượng đế chúng ta và quyền năng đấng Ki-tô của ngài, vì kẻ buộc tội anh em chúng ta, kẻ đã ngày đêm buộc tội anh em trước mặt Thượng đế, nay đã bị quăng xuống rồi.
“Anh em đã khắc phục nó bằng huyết Chiên Con và bằng lời chứng của mình; anh em chẳng tiếc đời sống của mình cho đến chết.
“Bởi vậy, hỡi các tầng trời và các đấng ở đó, hãy vui mừng đi! Khốn nạn thay cho các cư dân của đất và biển, vì ác quỷ đang giận dữ đến cùng các người, bởi vì nó biết thời gian của nó chỉ còn ngắn thôi” (Khải huyền 12).
Đoạn trích hơi khó hiểu ở trên mô tả những gì xảy ra khi bầu cõi ở ngay trên vũ trụ vật chất chúng ta thượng thăng để nhập cõi tâm linh. Những kẻ đồng sáng tạo còn dính mắc tâm phản Ki-tô và từ chối thăng hoa, bắt buộc phải đi xuống vũ trụ vật chất. Họ đầu thai trên địa cầu và điều này giải thích tại sao lại có một số người hình như hoàn toàn quyết tâm xấu ác trên hành tinh chúng ta. Hơn thế nữa, họ lập thành một “thế lực” xấu ác ẩn nấp đằng sau tấm màn những năng lượng tha hóa mà nhân loại đã tạo nên, và họ tìm cách khuynh loát những con người đang hiện thân. Các sinh thể không xác này có mặt trong trường năng lực bao quanh trái đất, và họ có khả năng ảnh hưởng nhân loại qua tự ngã của nhân loại. Đó là tại sao những tin tưởng nhị nguyên cùng năng lực tha hóa đang nuôi dưỡng tự ngã của bạn là những cánh cửa để họ xâm nhập vào tâm thức bạn. Và điều này giải thích tại sao nhiều khi chúng ta có thể mất kiểm soát đời mình.
Điều quan trọng nhất cần hiểu là các sinh thể này đã bị cắt đứt khỏi nguồn năng lựợng xối xuống từ bản ngã tâm linh của họ. Vì vậy họ không thể nhận được năng lượng trực tiếp từ trên, mà họ chỉ có thể sống còn bằng cách đánh cắp năng lượng từ những người vẫn còn giữ liên hệ với cái ta tâm linh của mình. Đó là tại sao một số người, cũng như một số hồn không xác, luôn tìm cách xúi giục nhân loại có những hành vi tha hoá năng lương. Bởi chỉ khi nào độ rung năng lượng bị kéo xuống thấp thì họ mới có thể thấm hút vào bản thân họ.
Và đây là lời giải thích cho những hành vi tàn bạo tồi tệ nhất mà hành tinh này có thể chứng kiến, như những cuộc chiến vô nghĩa, lạm dụng tình dục trẻ em, hiếp dâm, giết người hàng loạt cùng đủ loại tội ác dã man khác. Khi bạn nhìn vào những hành vi đó, hẳn bạn sẽ nghĩ, “Tại sao người ta làm những chuyện đó, mục đích là gì?” Thật sự, những kẻ làm vậy chẳng có mục đích gì hết. Chẳng qua tâm trí họ đã bị tạm thời – thậm chí, vĩnh viễn – chiếm đoạt bởi một thế lực đang khuynh loát họ với mục tiêu duy nhất là sản xuất cái năng lượng tha hóa mà nó cần hầu sống sót.
Bởi thế cho nên phần lớn những xung đột giữa con người với nhau kỳ thực chỉ là một cuộc chiến tranh giành năng lượng tâm linh. Những kẻ không thể nhận được năng lượng tự trong bản thân bắt buộc phải đi lấy cắp từ những ai vẫn còn nhận được. Kẻ bần cùng phải lấy từ những người có của.