Tha thứ là hình thức tư lợi cao nhất

Hỏi: Xin thày chia sẻ ý nghĩ của thày về sự tha thứ. Chúng ta có thể tha thứ cho người khác hay không? Hay tha thứ chỉ nhắm vào bản thân mình, vì tội lỗi duy nhất là nhận thức sợ hãi thay vì tình thương?

Sự tha thứ đứng yên
và lặng lẽ không làm gì
nó chỉ đứng nhìn
và đợi
và không phán xét.  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Tha thứ là một trong những khái niệm bị hiểu lầm nhiều nhất. Ý nghĩa thực sự của tha thứ là “giải phóng”, nhưng hầu hết mọi người không hiểu ai là người được giải phóng khi mình tha thứ. Họ cho rằng khi họ tha thứ cho ai đó đã làm hại mình, thì họ đã giải phóng người đó khỏi trách nhiệm, họ đã giải thoát cho người đó khỏi bị mắc tội. Điều này đơn giản là không đúng.

Trong Kinh thánh, con tìm thấy câu sau đây: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, hãy đừng tự mình trả thù ai, mà hãy dành cho cơn thịnh nộ của Thượng đế; vì có chép lời Thượng đế phán rằng: Sự báo đền thuộc về ta, ta sẽ đáp trả.” (Romans 12:19).

Câu nói đơn giản ở trên đề cập đến một định luật của vũ trụ mà Kinh thánh chỉ giải thích phần nào. Trong các tôn giáo phương Đông, luật này có tên là luật nghiệp quả, và trong khoa học, đây là luật hành động và phản ứng. Như ta có giải thích khắp trang mạng này, tất cả những gì con làm đều làm với năng lượng của Thượng đế. Khi con làm hại một ai đó, con làm tha hóa một lượng năng lượng nào đó của Thượng đế. Thượng đế đã lập ra một quy luật khách quan để bảo đảm rằng bất kỳ năng lượng tha hóa nào mà con từng phóng ra vũ trụ sẽ được gửi trả về cho dòng sống của con. Nói cách khác, không một dòng sống nào có thể thoát khỏi hậu quả của hành động của mình. Đa số người theo đạo Cơ đốc không hiểu những hệ quả sâu rộng của luật này, và lý do chính là vì các lời dạy của ta về nghiệp quả và luân hồi đã bị cố tình xóa bỏ khỏi đạo Cơ đốc.

Đó là một trong những lý do chính yếu tại sao ngay cả nhiều tín đồ Cơ đốc không thể hoàn toàn tha thứ cho những người đã làm hại mình – cho dù ta đã dạy mọi người hãy tha thứ bảy mươi lần bảy. Họ không thể buông bỏ ý muốn trừng phạt người khác hay bắt người khác phải chịu trách nhiệm, và lý do là vì họ không hiểu bằng cách nào Thượng đế có thể đáp trả cho con người. Hầu hết đều nhận xét thấy có một số người đã làm những hành vi tàn ác tày trời mà dường như vẫn sống trọn kiếp mà không bị trừng phạt. Tất nhiên, đó là vì năng lượng tha hóa, tức nghiệp quả, không phải lúc nào cũng quay trở lại trong kiếp này, nhưng con sẽ không thể tránh trải nghiệm sự trở lại của năng lượng đó. Định luật khách quan của Thượng đế sẽ đáp trả.

Khi con hiểu định luật khách quan của nghiệp quả, con sẽ nhìn ra là Thượng đế không phải là một thượng đế nóng giận và phán xét, luôn dõi nhìn từng hành vi của con và cố trừng phạt con bằng cách đày con xuống địa ngục. Nếu người đạo Cơ đốc thực sự hiểu được luật vũ trụ quy định rằng không ai có thể thoát khỏi hậu quả của hành động của mình, thì họ sẽ có những bước tiến khổng lồ để khắc phục hình ảnh sai lầm và thần tượng về một thượng đế nóng giận.

Cũng quan trọng không kém, họ sẽ tiến bước vượt bực để khắc phục những khái niệm vô minh về sự tha thứ. Khi con nhận ra cách vận hành của luật Thượng đế, con thấy rõ là con tuyệt đối không có nhu cầu phải trừng phạt bất cứ ai, hay bắt họ phải chịu trách nhiệm một cách nào đó. Nói cách khác, nhiều người cho rằng bằng cách oán trách một ai đó thì chừng như họ đang buộc người đó phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Một khi con hiểu luật Thượng đế thì con thấy điều này hoàn toàn không cần thiết. Thượng đế hoàn toàn có khả năng khiến cho một dòng sống phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, và ngài không cần con giúp ngài làm chuyện đó. (Nhiệm vụ bảo vệ con người khỏi những kẻ liên tục có hành động sai trái là một vấn đề riêng biệt, và ta đã có trình bày về vấn đề này ở một nơi khác).

Ý thày ở đây là nếu con tin rằng Thượng đế không có khả năng khiến cho một dòng sống phải chịu trách nhiệm và do đó con cần phải oán trách người đó hay thậm chí có biện pháp để trừng phạt người đó, thì thật sự con đang cho rằng con hiểu rõ hơn ngài, hay con đang thay mặt ngài để đóng vai “thiên thần báo thù”. Những tin tưởng đó đều sai lầm và nguy hiểm cho sự phát triển tâm linh của con.

Sự thật đơn giản là khi con giữ một hình ảnh hay một tình cảm tiêu cực đối với một người khác, con đang tạo ra một sợi dây liên kết năng lượng với người đó. Nếu con suy nghĩ một cách lôgíc, con có thể tự hỏi tại sao một người có suy nghĩ lại muốn tạo ra một sợi dây liên kết năng lượng giữa mình và người đã làm hại mình. Hiển nhiên, không một người sáng suốt nào sẽ muốn làm chuyện đó. Con sẽ muốn mình hoàn toàn tự do, giải phóng khỏi người đó chứ, hầu con còn bước tới trước mặt và đưa đời mình về một hướng tích cực. Chìa khóa cho tự do của con là hoàn toàn tha thứ cho người đó. Thật ra khi con tha thứ, con đang giải phóng chính con.    

Ta cũng biết rõ là có một số người bị người khác làm tổn thương đến độ họ đã phân mảnh cỗ xe tâm hồn của họ, hay họ phải mang những vết thương tâm lý trầm trọng. Như ta đã có giải thích ở nơi khác, những vết thương như vậy nơi dòng sống, hay những vết thương tâm lý như vậy không thể bỗng chốc được chữa lành. Cho nên ta không bảo là ai ai đã từng bị tổn thương cũng có khả năng tha thứ tức thì cho người đã làm hại mình.

Nếu con đã bị tổn thương nghiêm trọng, con cần dùng những dụng cụ thích hợp để chữa lành dòng sống hay cảm thể của con cho không còn vết thương. Nhưng điều ta muốn chỉ rõ là khi tiến trình hàn gắn này tiến triển, sẽ đến một điểm không thể hàn gắn thêm được nữa cho tới khi con hoàn toàn tha thứ cho người kia. Có thể nói sự tha thứ toàn diện là kết quả tối hậu của tiến trình hàn gắn. Tuy nhiên, đối với những ai có khả năng tha thứ ngay từ đầu – dù là chỉ một phần – thì đó có thể là khởi sự tốt nhất cho tiến trình chữa lành.

Cho nên tóm lại, nếu con thực sự quan tâm đến sự tinh tấn tâm linh của mình, quả thật con nên tha thứ cho người khác. Con cũng nên tha thứ chính mình, và con nên tha thứ cả Thượng đế của con về bất kỳ tổn thương nào đã gây cho con, cho dù là bởi Thượng đế hay bởi các tổ chức tôn giáo hay bởi những kẻ nhân danh Thượng đế.

Con nói rằng “tội lỗi duy nhất là nhận thức sợ hãi thay vì tình thương”. Con đang đi đúng hướng với câu nói đó, nhưng ta thích nói thế này hơn: tội lỗi duy nhất là ý niệm tách biệt khỏi nguồn cội của mình, ý niệm rằng mình tách biệt khỏi tình thương. Chính sự tách biệt này đã nảy sinh ra lòng sợ hãi, và từ sợ hãi nảy sinh ra mọi tội lỗi.

Bài thơ của con thật hay, nhưng sự tha thứ cũng có một khía cạnh tích cực. Giản dị là con không thể ngồi đó chờ sự tha thứ xảy ra như trong phép lạ. Con cần tạo ra tiền đề cho tha thứ xảy ra bằng cách chữa lành những vết thương và nâng cao hiểu biết của mình. Con hãy tiếp tục tìm kiếm sự hiểu biết cho đến khi con nhận được sáng ngộ trực giác sẽ khiến con nhận ra trong loé sáng rằng tha thứ thật là hình thức tư lợi cao nhất. Con bỗng thấy được khi con tha thứ mọi người và mọi việc, con đang tự giải phóng khỏi những dây nhợ đã buộc con vào một nhà tù mà con đã tự tạo ra trong tâm mình, cũng như một nhà tù vật chất ngay trên hành tinh địa cầu này.