29 | Thăng vượt cách giao tiếp bằng lời với cái ta cao

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Padmasambhava qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6/2023, nhân một hội nghị ở Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ chân sư thăng thiên Padmasambhava. Ý định của thày là bài đóng góp này sẽ không dài dòng, nhưng thày muốn trình bày đôi chút về ngôn từ. Bởi vì nếu con nhìn lại lịch sử các giáo lý tâm linh đã được trao truyền trên hành tinh này, con có thể tự hỏi: “Đâu là cản trở lớn nhất, đâu là chướng ngại lớn nhất cho sự thăng tiến tâm linh của rất nhiều người tâm linh chân thành đã tìm thấy con đường tâm linh suốt các thời đại?” Và quả vậy, trở ngại lớn nhất đó là ngôn từ. Bây giờ con cũng có thể tự hỏi: “Vậy đâu là tài nguyên lớn nhất cho các vị thày tâm linh của nhân loại? Đâu là cơ hội lớn nhất cho sự thăng tiến của người tâm linh?” Và trả lời cũng là ngôn từ. Lý do đơn giản cho sự kiện này tất nhiên là trên một hành tinh như địa cầu, với sự dày đặc của vật chất lẫn của tâm thức đại chúng, việc thần giao cách cảm thật không thực tế trên quy mô rộng lớn. Và do đó giáo lý tâm linh phải được chuyển tải qua ngôn từ.

29.1. Ngôn từ: cơ hội lẫn trở ngại cho sự tăng triển tâm linh

Một mặt, việc dùng ngôn từ để trao truyền giáo lý quả là một cơ hội vì đây là một sự giao tiếp từ cõi tâm linh dưới dạng ngôn từ. Nhưng mặt khác, ngôn từ cũng là trở ngại lớn nhất cho sự tăng triển tâm linh. Tại sao như vậy? Ấy, là vì con người có xu hướng trở nên dính mắc với một cách diễn đạt bằng lời đặc thù, và họ muốn lời này truyền đạt hay quy định một chân lý tối hậu nào đó. Lý do là vì tâm đường thẳng – cái tâm thuần trí, phân tích, lý luận hợp lý – có khả năng làm nhiều trò phù phép với ngôn từ. Có thể con đã được xem các nhà ảo thuật trình diễn nhiều trò lạ, nhưng trí năng con người cũng có thể làm nhiều trò ảo thuật với ngôn từ. Nó có thể diễn giải theo cách của nó. Nó có thể chẻ nhỏ thật chi li và suy diễn bất tận. Và điều này, tất nhiên, con đã thấy các nhà Bà la môn đạo Ấn làm như vậy và đức Phật đã tìm cách vô hiệu hóa việc làm đó. Nhưng chẳng bao lâu sau khi Phật không còn hiện thân thì chính những nhà trí thức của đạo Phật lại bắt đầu làm y như vậy. Khi Giê-su bước chân trên trái đất, các thày thông giáo và người Pha-ri-si cũng làm như vậy, và ngay sau khi Giáo hội Công giáo được thành lập – và cả trước đó nữa – thì các nhà thần học cũng bắt đầu làm chuyện tương tự với lời dạy của Giê-su.

Và hiển nhiên trong thời hiện đại, các nhà khoa học, các nhà duy vật cũng làm đúng chuyện này với các khám phá hay giảng dạy của khoa học. Rồi nhiều người tâm linh khi họ tìm ra một giáo lý tâm linh dù là mới hay cũ, thì họ cũng làm y chang như vậy. Họ tranh luận bất tận về ý nghĩa của ngôn từ, họ diễn giải bất tận để cố làm thế nào đạt tới một cách diễn giải tối hậu nào đó.

29.2. Đi tìm giáo lý cao nhất trong quá khứ

Một sự kiện, một xu hướng mà con có thể nhận thấy trong lãnh vực tâm linh là có rất nhiều người tâm linh nhìn ngược về phía sau. Họ đi tìm một lời dạy đã được truyền giảng một thời gian trước đây. Có thể đó là lời dạy cổ xưa nhất mà con người biết đến hiện nay – kinh Veda – hay đó có thể là lời dạy của Phật, có thể là Kinh Cựu ước, là lời dạy của Giê-su, là những cách diễn giải sau này hay kinh điển của Phật giáo hay kinh Koran. Đó có thể là những lời dạy mới hơn, thậm chí là lời dạy của chân sư thăng thiên được trao truyền trong những đợt truyền pháp trước. Nhưng con thấy xu hướng người ta cứ nhìn ngược dòng thời gian, như thể họ cho rằng vào thuở khi các bậc hiền giả Veda còn hiện thân, đó là một thời trong sáng hơn, thuần khiết hơn, cho nên lời tiết lộ của các bậc này cũng là lời tiết lộ cao nhất có thể được trao truyền. Hay họ cho rằng thời của Mohammed mới là một thời đặc biệt làm sao, và đó là lý do kinh Koran phải là lời tiết lộ tối thượng có thể được đưa ra.

Liệu những người này chẳng bao giờ mở báo ra đọc hay sao, chẳng bao giờ xem truyền hình, đọc sách hay lên mạng? Chẳng lẽ họ không nhận ra là mức sống con người đã có tiến bộ so với mười ngàn năm về trước? Họ chẳng tự hỏi vì nguyên do gì sự tiến bộ này đã xảy ra? Họ chẳng nhìn ra là tiến bộ đã đạt được là do tâm thức tập thể ngày nay cao hơn thời các hiền giả Veda, hay thời Mohammed, hay thời Giê-su hay thời của Phật? Vậy có hợp lý lắm không khi cho rằng mười ngàn năm về trước, người ta có thể đưa ra một lời tiết lộ cao hơn bây giờ? Làm sao đó là tiết lộ cao nhất được khi tâm thức tập thể thấp hơn ngày nay? Điều này có hợp lý không?

29.3. Càng ngày càng ít khoảng rộng cho việc diễn giải

Đấy, đối với một số người thì chuyện đó hợp lý, hay họ chỉ đơn giản từ chối không chịu suy nghĩ. Nhưng vì lý do gì người ta không chịu chấp nhận bất kỳ lời tiết lộ nào đến sau? Tại sao họ cứ bám vào cái cũ? Là vì lời tiết lộ ở những thời trước được trao truyền cho một mức tâm thức thấp hơn, có nghĩa là gì? Có nghĩa là lời tiết lộ có thể được đưa ra vào thời điểm đó không chính xác bằng những lời có thể được đưa ra ngày hôm nay. Không chính xác nghĩa là gì, lời diễn đạt giáo lý không chính xác bằng hôm nay, có nghĩa là gì? Có nghĩa là có nhiều khoảng rộng để người ta diễn giải. Và càng có nhiều khoảng rộng để diễn giải thì tâm đường thẳng càng dễ giở trò phù phép của nó, và những ai mắc bẫy tâm đường thẳng – chẳng hạn các nhà Bà la môn hay các thày thông giáo và người Pha-ri-si thuở trước – càng có thể sử dụng trí năng cao trội của họ để tự ban cho mình một địa vị đặc quyền. Và một khi họ đạt được địa vị này thì họ không muốn buông nó ra, và đó là tại sao họ cố bám lấy những lời dạy cũ mà họ có thể diễn giải một cách bất tận.

Ngay cả các lời dạy của chân sư thăng thiên được trao truyền trong thế kỷ vừa qua cũng cho thấy một chiều hướng tiến triển rõ ràng. Con thử quay lại các đợt truyền pháp trước, đọc lại lời dạy, thì con sẽ thấy những lời dạy này không chính xác, không trực tiếp như lời dạy hôm nay. Một số các con đã bày tỏ: “Nhưng các lời dạy cũ dùng từ ngữ cao siêu hơn nhiều,” trong khi lời dạy ngày nay rất giản dị, dùng từ vựng rất hạn hẹp. Thày đồng ý như vậy, tuy nhiên ngôn từ cao siêu cho phép người ta rộng đường suy diễn hơn.

Điều các thày muốn làm trong khuôn khổ việc tiết lộ tuần tự, như một phần của tiến trình tiết lộ tuần tự, như khía cạnh Omega của tiết lộ tuần tự, là làm cho lời giảng thật bình dị để càng ngày càng có nhiều người nắm bắt được, nhưng cũng để cho ngay cả những người ở một mức tâm thức cao hơn không còn gì nghi ngờ về những điều được bày tỏ, không còn nhiều khoảng rộng để diễn giải, không còn nhiều nhu cầu để suy diễn.

29.4. Sự suy diễn dựa trên mức tâm thức hiện thời

Tất nhiên, một lời dạy được trao truyền bằng lời nói luôn luôn sẽ bị suy diễn vì con người sẽ suy diễn dựa trên mức tâm thức hiện tại của họ. Thày có thể đưa ra một lời dạy cho một tầng tâm thức nào đó nhưng sẽ vẫn có những người ở các tầng từ 48 đến 96, hay ngay cả những người ở các tầng bên dưới có thể diễn giải dựa theo tầng của họ, dựa theo thế giới quan và phin lọc nhận thức ở tầng đó. Điều này không thể tránh được, nhưng ít ra các thày làm những gì mình có thể làm từ cõi thăng thiên hầu giúp cho giáo lý càng khó tranh cãi, càng chính xác càng tốt.

Tất nhiên thày không bảo là những lời dạy các thày đang ban truyền là giáo lý tối thượng, không thể nào chính xác hơn được trong tương lai khi tâm thức tập thể vươn lên cao hơn nữa. Nhưng dẫu vậy, con hiểu điều thày muốn nói chứ. Thày đoan chắc là việc quay lại cái cũ không thực sự hiệu quả, đặc biệt khi chúng ta đang ở một thời kỳ chuyển tiếp giữa hai thời đại, giữa hai chu kỳ tâm linh đang chuyển từ thời Song ngư sang thời Bảo bình, vì các lời dạy trong thời Song ngư được đưa ra cho mức tâm thức của chu kỳ đó và giờ đây thì các thày đang giảng dạy cho thời Bảo bình.

29.5. Vượt quá ngôn từ

Tất nhiên, lời dạy thày trao cho con ở đây không chỉ là một lời dạy chung chung, vì nó cũng liên quan đến khái niệm nối kết với cái ta cao của con, Hiện diện TA LÀ của con. Maitreya vừa trao truyền một lời dạy thật chính xác, và thày đây chỉ muốn đóng góp thêm từ nhãn quan của thày. Maitreya có giải thích là tới một điểm nào đó con cần phải thách thức những hình ảnh con có về Hiện diện TA LÀ của con, những hình ảnh mà con đã hình thành ở một tầng thấp hơn. Con cần ngừng phóng chiếu những hình ảnh này, vì nếu không thì Hiện diện TA LÀ sẽ phải rút lui khỏi con và ngừng trả lời các câu hỏi của con hay hướng dẫn con.

Đấy, trong khuôn khổ tiến trình này, con thử nhìn xem rất nhiều người khi họ nghe nói lần đầu về Hiện diện TA LÀ, họ thường làm điều họ vẫn quen làm dựa trên bất kỳ truyền thống tôn giáo hay tâm linh nào mà họ đã theo. Họ thỉnh gọi Hiện diện TA LÀ, họ cầu nguyện Hiện diện TA LÀ, họ đặt câu hỏi cho Hiện diện TA LÀ, nhưng làm thế nào con thỉnh gọi, cầu nguyện hay đặt câu hỏi đây? Bằng lời nói, chẳng phải vậy sao?

Có thể là ở một tầng nào đó trên đường tu tâm linh, con có thể nhận được sự hướng dẫn bằng lời nói hay câu trả lời từ Hiện diện TA LÀ của con – không phải là một giọng nói ầm ầm từ trên trời vọng xuống mà là lời nói đến với con từ bên trong tâm con. Nhưng khi con đến tầng cao hơn nơi con cần bước lên để bắt đầu trải nghiệm sự hợp nhất với Hiện diện TA LÀ, thì khi đó con cần nhìn nhận là con không thể đạt được hợp nhất bằng cách tiếp tục giao tiếp với Hiện diện TA LÀ qua ngôn từ, bằng cách nói chuyện với Hiện diện TA LÀ, đặt câu hỏi hay thỉnh gọi. Bởi vì tại sao con lại cần giao tiếp bằng lời chứ? Chỉ khi con nói chuyện với một sinh thể bên ngoài tâm con, một sinh thể tách biệt với con. Đương nhiên đó là cách con nói chuyện với người khác – các thày hiểu rõ là con đã quen làm vậy rồi và một lần nữa các thày không chê trách gì con. Việc con cũng làm vậy với Hiện diện TA LÀ trong một thời gian là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Nhưng sẽ tới một điểm sự giao tiếp bằng ngôn từ trở thành một trở ngại sẽ ngăn con đạt đến sự Hợp nhất rộng lớn hơn với Hiện diện mà các thày đã giải thích.

Đến một điểm con đơn giản cần lấy quyết định ý thức là con sẽ ngừng tiếp cận Hiện diện TA LÀ của con qua từ ngữ. Con ngừng chờ đợi hay hy vọng là con sẽ nhận được một hồi đáp bằng từ ngữ. Bởi vì đến một điểm con vẫn có thể nhận được xung lực hồi đáp từ Hiện diện nhưng xung lực này sẽ không mang hình dạng lời nói, nó sẽ giống hơn một cảm giác hay một hình ảnh. Và cuối cùng như Maitreya đã mô tả, ngay cả cách đó cũng phai nhạt đi, và tới một điểm con không còn tìm cách nhận được một điều gì từ Hiện diện hay giao tiếp với Hiện diện của con, bởi vì như Maitreya đã tả chân thật hùng hồn, sự phân biệt giữa Hiện diện TA LÀ, cái Ta Biết và tâm Ki-tô tan biến mất.

Con không còn hướng bất cứ gì về Hiện diện của con nữa, con không còn chờ đợi nhận được gì nữa từ Hiện diện. Con chỉ là một với đại dương của Hiện diện và tâm con chảy theo Hiện diện, khi lên khi xuống. Và con không phân tích, con không lý giải, con không suy diễn, con không cố cắt nghĩa hay đặt chuyện này chuyện nọ vào một khuôn khổ vũ trụ hay một tầm quan trọng vũ trụ. Con chỉ – con là Hiện diện và Hiện diện cũng chính là con. Đâu còn nhu cầu giao tiếp bằng lời nữa?

29.6. Đề nghị của Padmasambhava

Nếu con cảm thấy cần sự trợ giúp để thực hiện việc trên thì thày cống hiến cho con sự giúp đỡ của thày. Con chỉ đơn giản đọc câu thần chú của thày*. Con đọc lớn 9 lần, xong con nhắm mắt lại, tập trung vào bên trong và không đọc thần chú. Con chỉ đơn giản để cho thần chú đến với con.

Có thể con sẽ thắc mắc: “Nhưng thần chú chẳng phải là từ ngữ hay sao?” Là gì chứ – từ ngữ? Đó là âm thanh con ạ, nó không mang ý nghĩa nào mà tâm vỏ ngoài có thể chụp lấy. Tất nhiên con có thể lên mạng internet truy tìm cách diễn giải câu chú, nhưng nếu con tìm thêm chút xíu, con sẽ tìm thấy 17 cách diễn giải khác nhau. Cách nào mới là cách đúng? Thôi con hãy quên đi chuyện tìm ý nghĩa câu thần chú mà hãy đơn giản nhìn nó như là âm thanh. Âm thanh này làm gì chứ? Nó làm yên tâm con, tâm vỏ ngoài của con, để con có thể trải nghiệm Hiện diện của thày cùng Hiện diện của con. Đó là điều thày có thể làm cho con trong bối cảnh này, và thày sẽ giúp những ai đọc câu chú này nếu con cảm thấy con cần đến nó.

Thày không bảo là việc này nên thay thế việc con hòa điệu với một vị Thượng sư hay một chân sư đặc biệt mà con cảm thấy gần gũi. Đây chỉ là thêm một dụng cụ mà các thày đã quyết định cho con.

Với lời này, thày đã cho con những gì là niềm vui mà cũng là trách vụ của thày trao cho con tại buổi họp mặt thật tuyệt vời này mà các con đã tổ chức và tham gia. Tất cả các thày mong con có thể nhìn thấy tác động mà một đại hội như thế này tạo ra trong tâm cảm xúc, lý trí và bản sắc của mọi người. Chỉ tiếc là các thày không thể truyền đạt điều này bằng tư tưởng nên con phải tin lời thày thôi.      

Và như vậy, thày niêm con trong tình yêu của tim thày.

* Câu thần chú của Padmasambhava: OM AH HUM, VAJRA GURU PADME SIDDHI HUM