Viết năm 2021
Với thời gian, tôi đã tương tác với một số người khiến tôi thắc mắc: “Làm sao một người có thể học hỏi và thực hành giáo lý tâm linh nhiều năm hay ngay cả vài thập kỷ mà vẫn không nắm bắt khía cạnh chủ yếu của con đường tâm linh?”. Cho nên tôi muốn chia sẻ vài ý tưởng về đề tài này.
Tôi vẫn nhớ năm 1976 khi tôi khám phá sách Tự truyện của một người Yogi của Yogananda và tôi bỏ ra một cuối tuần đọc nó ngấu nghiến. Cuốn sách này có tác động cách mạng trên tôi trên nhiều phương diện và nó kích hoạt nơi tôi cái biết nội tại là tăng trưởng tâm linh chính là việc thay đổi tâm thức. Tôi xin nhắc lại điều này: tăng trưởng tâm linh chính là việc thay đổi tâm thức CỦA TÔI. Chẳng tốt gì cho tôi khi thay đổi tâm thức người khác hay khi thay đổi điều gì đó trong thế giới vật lý. Điều duy nhất quan trọng là tôi thay đổi tâm thức CỦA TÔI.
Tôi cũng biết là không thể gian lận trên con đường tâm linh. Đại đa số con người trên trái đất chưa sẵn sàng đi vào thiên đàng hay cõi tâm linh vì tâm thức họ quá thấp hay còn tập trung vào ngã của mình. Cho nên cách duy nhất tôi có thể thăng vượt trái đất là nâng tâm thức mình vượt quá mức tâm thức thông thường của hành tinh này. Dù tôi nắm bắt được điều này, tôi vẫn còn hiểu phiến diện về cách thực hành và tôi thường không thấy được chính tôi cần thay đổi như thế nào. Do đó tôi muốn chia sẻ những gì tôi hiểu về cách chúng ta tăng trưởng trên con đường tu.
1.1. Hiểu bằng trí năng khác với chuyển hóa tâm thức
Những người trong chúng ta lớn lên trong nhiều quốc gia hiện đại đã tiếp xúc với thái độ thường không nói ra là điều duy nhất thật sự quan trọng trong cuộc sống là hiểu bằng trí năng. Trí năng là tâm đường thẳng, phân tích. Trong những năm đầu của tôi trên đường tu, tôi rất chú tâm vào việc học giáo lý tâm linh và tôi tạo ra một thế giới quan đường thẳng và trí năng trong đầu mình.
Suốt cuộc đời, tôi lúc nào cũng có những trải nghiệm trực giác cho nên tôi nắm bắt được sự khác biệt giữa hiểu điều gì bằng trí năng và thực sự thể nhập nó. Tôi có thể thấy được tu không phải là hiểu bằng trí năng vì nó chỉ đưa mình tới một mức nào thôi. Tôi thấy nơi mình và nơi người khác là ta có thể hiểu điều gì đó bằng trí năng nhưng ta không áp dụng nó cho chính mình và vì vậy tâm thức chúng ta chưa hoán chuyển. Một ví dụ thông thường là chúng ta hiểu người khác biểu lộ một sắc thái nào đó của tự ngã và họ phải thay đổi nhưng chúng ta không thấy được tự ngã của chính mình.
Do đó tôi nắm bắt được là muốn tăng trưởng tâm linh, tôi phải vượt quá cái hiểu trí năng về các khái niệm tâm linh. Một cách nào đó tôi phải quay các khái niệm này vào bên trong để có thể thấy điều gì đó bên trong mình. Tôi chưa thực sự nắm bắt ý nghĩa của điều này nhưng tôi nhận ra có điều gì đó tôi chưa thể thấy với tầng tâm thức hiện tại của tôi và mục tiêu của tôi là thấy được nó để tôi có thể xoay chuyển tâm thức mình lên một tầng cao hơn. Yogananda giải thích điều này rất rõ khi ông mô tả là trí năng của ông có ý tưởng là các vị thày chân chính sống trên núi Hy mã lạp sơn cho nên dù đã gặp thày tâm linh nơi thành phố ông ở, ông vẫn phải lên núi để tìm một trong những vị thày huyền thoại đó.
1.2. Hiểu tự ngã mà không nhìn mình trong gương
Tôi được nuôi dạy để có thái độ chất vấn mọi chuyện. Một phần là vì cha mẹ tôi nuôi dạy để tôi không quá ngây thơ và không dễ bị gạt. Một phần vì xã hội của tôi nuôi dạy lối suy nghĩ chất vấn, tìm tòi những gì cần cải thiện. Cho nên khi lần đầu tiên tôi nghe tới khái niệm tự ngã, tôi nhanh chóng xây dựng một hiểu biết trí năng về tự ngã và tôi giỏi áp dụng nó với xã hội và người khác. Tôi không giỏi được bằng vậy khi áp dụng vào chính mình.
Nhiều năm trước đây tôi đọc quyển sách của M. Scott Peck (Những người của gian dối) trong đó ông mô tả việc ông làm đầu tiên như một tâm lý gia tại một căn cứ hải quân. Có một lúc ông đi gặp người giám sát của ông và nói ông có một vấn đề với cách hành xử của một đồng nghiệp, và ông mô tả hành xử này một cách chi tiết. Người giám sát tìm cách chuyển câu chuyện từ người đó sang chính Scott Peck và rốt cuộc nói: “Không, CHÍNH ÔNG – ông Scott Peck – ÔNG có một vấn đề!!!” Ông Peck rất khó chịu và bước ra khỏi phòng, nhưng sau đó trong ông có một giọng nho nhỏ nói lên: “Có thể nào ông giám sát nói đúng chăng?”
Tôi có trải nghiệm tương tự nhiều năm trước đây khi tôi là một nhân viên của tổ chức Ngọn Hải đăng trên Đỉnh (Summit Lighthouse) tại Montana. Tôi xung đột với người giám sát của tôi và đã thảo ra một bản báo cáo trình bày cách sắp xếp công việc có thể thay đổi thế nào. Trong vòng vài tuần lễ tôi đã tạo ra một sự dính mắc vĩ đại thấy mình đúng trong vấn đề này. Tôi nói chuyện với người khác và tôi đưa mình vào một trạng thái tâm ám ảnh cưỡng chế. Tôi đã đánh mất ý niệm tầm vóc vấn đề, và vấn đề này chiếm trọn tâm của tôi y như nó là vấn đề trọng đại nhất trong vũ trụ.
Một hôm bà Elizabeth Clare Prophet chất vấn hành vi dựa trên tự ngã của tôi. Tôi ngồi xuống và đây là lần đầu tiên, tôi như bước ra ngoài hoàn cảnh và có thể nhìn hoàn cảnh với tầm nhìn trung hòa. Lúc ấy, tôi nhận ra vấn đề này chẳng quan trọng gì cả so với sự tăng triển tâm linh và thăng thiên của tôi. Tôi quyết định quên người kia đi, quên những luận cứ cần thay đổi điều gì, thay vào đó tôi nhìn xem tôi cần thay đổi mình thế nào. Tôi thực sự buông bỏ vấn đề và tôi cảm nhận sự hiện diện đầy yêu thương của thày El Morya xuống với tôi và trải nghiệm này quả thực đã chuyển hóa tôi.
Đây là một tình huống quyết định sự thành công hay thất bại của tôi trên con đường tu. Lúc đó tôi bị kẹt trong khuôn nếp muốn thay đổi điều gì đó bên ngoài mình và tôi có thể kẹt ở đó vô hạn định. Tuy vậy vì tôi sẵn sàng nhìn vào chính mình và chọn tập trung vào việc cần thay đổi chính mình, tôi cảm nhận được tình thương mà các chân sư thăng thiên có đối với những đệ tử đã chịu đi bước quan trọng nhất này trên đường tu. Kể từ ngày đó, tôi có thói quen luôn luôn có ý thức chính mình cần nhìn thấy điều gì trong mỗi tình huống.
Tôi thường xuyên gặp những người đã đi trên con đường tâm linh nhiều năm mà vẫn chưa có bước đột phá cơ yếu này. Có thể họ hiểu điều gì đó về tự ngã nhưng họ chưa bao giờ nhìn mình trong gương và sẵn sàng muốn thực sự nhìn thấy tự ngã của mình. Hoặc giả họ đã thấy một số khía cạnh của tự ngã nhưng vẫn còn một vấn đề nào đó mà họ chưa bắt đầu thấy.
Đối với tôi khía cạnh cốt yếu nhất của đường tu là thấy được điều mà tôi chưa thấy trước đây. Tôi biết tự ngã hay các ngã tách biệt của mình sẽ chống trả điều này vì chúng biết chúng chỉ có thể sống còn và kiểm soát được tôi khi chúng giữ tôi đui mù. Tôi biết trừ khi tôi mở tâm chịu thấy một điều gì, thì tôi sẽ không thấy nó. Điều này có nghĩa là tôi không thể cho phép mình nghĩ tôi đã tới phần bằng phẳng của con đường tu, là nơi không thể tiến nữa, tôi đã khắc phục xong tự ngã và chẳng còn gì cho tôi phải thấy nữa.
Trong 45 năm trên đường tu, tôi đã thấy nhiều trường hợp những người tới điểm họ nghĩ rằng họ tinh thông đến mức không còn gì cho họ thấy nữa, do đó họ ngừng tìm kiếm. Tôi đã gặp những người tuyên bố họ không còn tự ngã, nhưng chỉ lúc sau phô bày rõ ràng hành vi dựa trên tự ngã. Lúc nào tôi cũng cảm thấy không thể cho phép mình làm vậy và các chân sư có giải thích là cho tới ngày chúng ta thăng thiên, chúng ta sẽ vẫn còn ảo tưởng mà chúng ta cần nhìn thấy.
Tôi nhận ra rằng ta có thể đi trên con đường tu nhiều năm mà tâm vẫn có thể bị đóng lại trước một số vấn đề. Chúng ta bị kẹt cứng trong một cách nhìn nào đó về một vấn đề đến độ không mở tâm ra nhận một tầm nhìn cao hơn. Tâm chúng ta bị khóa lại, đóng lại và lẽ tất nhiên chúng ta không thể tới chỗ thấy được điều chúng ta không thấy. Nhưng nếu chúng ta không tới chỗ thấy được điều chúng ta không thấy ở tầng tâm thức hiện tại của mình thì làm sao chúng ta xoay chuyển lên một tầng tâm thức cao hơn được?
Tôi biết rằng những điều trên nghe có vẻ trừu tượng nên tôi xin đưa ra một số ví dụ tôi đã gặp qua.
1.3. Chơi lá bài Trump
Có hai người tôi đã quen nhiều năm. Họ ở trong tổ chức Ngọn Hải đăng trên Đỉnh và ngay lúc ban đầu họ đã chấp nhận những giáo lý được trao truyền thông qua tôi. Đã nhiều năm tôi không gặp họ, nhưng một ngày kia họ đến tham dự một hội nghị và nêu vấn đề chuyện Trump làm tổng thống là một điều rất hệ trọng. Sau cuộc tấn công tòa nhà quốc hội Hoa Kỳ ngày 6 tháng Giêng 2021, tôi đưa ra một số nhận xét trên Facebook và bỗng nhiên một trong hai vị này bắt đầu viết về gian lận bầu cử trên trang Facebook của tôi. Tôi cố hỏi ông vài câu hỏi theo kiểu đặt câu hỏi của Socrates nhưng tôi nhận ra thật rõ là tôi không thể nói bất cứ gì khiến ông cứu xét một cách nhìn cao hơn về tình huống đó.
Khi tôi nói “cái nhìn cao hơn”, tôi không nói tới ông Trump hay cuộc bầu cử. Đối với tôi, vấn đề không phải là ông Trump và cuộc bầu cử. Vấn đề là làm sao chúng ta tăng trưởng tâm linh.
Trước tiên hết, tôi thấy là hai vị này đã cho phép mình bị lôi kéo vào tâm thái tôn thờ ông Trump, một sự tôn thờ thần tượng mà ông Trump đã xây dựng nơi rất nhiều người theo ông. Những người này nghĩ rằng ông Trump quan trọng hơn bất kể tổng thống nào khác và ông ta là hy vọng duy nhất đem lại một số thay đổi. Họ tin hầu hết những gì ông nói. Họ chỉ nhìn vào những luận cứ xác chứng cái nhìn của họ và họ loại bỏ ngay lập tức bất kỳ luận cứ nào không xác chứng lối nhìn của họ. Nhưng một lần nữa, luận cứ không phải là vấn đề, vấn đề là tư duy: “Trump không thể nào sai và tôi không thể nào sai về Trump!” Đối với tôi, đây là tôn thờ thần tượng và tôi thấy một số ví dụ khá thê thảm tư duy này đã diễn bày ra sao trong lịch sử.
Như một đệ tử tâm linh, làm sao tôi có thể cho phép mình bị thu hút vào việc xem bất kỳ một con người nào như một thần tượng? Đối với tôi không có điều gì trên thế giới này quan trọng hơn tăng triển tâm linh, vậy thì làm sao, đối với tôi, có bất kỳ vấn đề nào trên thế giới có thể quan trọng hơn việc nâng cao tâm thức của mình?
Khi một trong hai vị này nghe thấy là qua trung gian của tôi, các chân sư thăng thiên nói ông Trump là một sa nhân, thì phản ứng của bà là các thày không thể nào là các chân sư thật. Đối với tôi, điều này cho thấy tâm của bà đã bị khóa chặt trong một cái nhìn đặc thù về ông Trump và không có gì có thể thay đổi cái nhìn của bà được. Bà sẵn sàng ngay tức khắc bỏ qua bên những gì các chân sư nói để duy trì quan điểm của bà về ông Trump. Dưới mắt tôi, điều này có nghĩa là quan điểm của bà về ông Trump quan trọng hơn chuyện nâng cao tâm thức của bà. Bà đã quả thật rời bỏ đường tu và biến mình thành người đi theo một con người thế phàm.
Một vị khác đã đi trên con đường tu nhiều thập niên cũng là người theo ông Trump. Sau bầu cử, ông tin chắc ông Biden sẽ không thành tổng thống vào ngày 20 tháng Giêng 2021 nhưng ông Trump sẽ được phục chức (qua cách đặc biệt nào đó không được Hiến pháp cho phép). Chuyện không xảy ra nhưng ông không nản chí. Thay vào đó, ông nghĩ chuyện này sẽ xảy ra ngày 4 tháng 3 2021, là thời điểm người tân tổng thống nhận chức theo truyền thống từ nhiều thập niên trước đây. Điều này cũng không xảy ra và lúc ấy ông dời thời điểm tới tháng 5, rồi tháng 7, rồi tháng 8. Tôi không biết giờ đây ông có ngày nào mới chăng, nhưng điều tôi thấy là ông không hề tự hỏi: “Phải chăng cái nhìn của mình về tình huống phải thay đổi? Có điều gì ở đây tôi cần phải thấy ra?”
1.4. Khẩu trang và chủng ngừa
Một vấn đề khác khiến một số người có phản ứng mạnh là đeo khẩu trang và chủng ngừa Covid. Một lần nữa xin quý vị ghi nhận là tôi không đang nói về vấn đề, vì vấn đề không phải là vấn đề. Vấn đề thật là làm sao thay đổi tâm thức.
Tôi quen biết một số người bình thường dễ tính nhưng đột nhiên họ có quan điểm rất mạnh về các vấn đề này và hành động như thể họ xem việc thuyết phục người khác rất quan trọng. Nếu tôi thấy mình có phản ứng như thế, tôi sẽ tự hỏi tại sao tôi có thái độ mạnh mẽ đến thế về vấn đề này?
Tôi được nhiều cảm hứng khi học chuyện Phật Gautama ngồi dưới cội bồ đề, sẵn sàng nhập Niết bàn. Thử thách cuối là thày phải đối đầu với các ác quỷ của ma vương Mara. Tôi hiểu bằng trực giác thử thách là ác quỷ tìm cách khiến Phật phải phản ứng lại bất cứ điều gì trên thế giới này, và nếu thày quả thực phản ứng, thì thày không thể bỏ thế gian lại đằng sau và nhập Niết bàn.
Tôi thấy là điều này cũng áp dụng cho sự thăng thiên của tôi. Nhiều năm trước, tôi nắm bắt rằng điều làm cho tôi phản ứng với thế gian là một dính mắc. Có một vấn đề nào đó, một quan điểm nào đó mà tâm tôi bị khóa chặt trong đó. Khi tôi nghĩ quan điểm này nhất định phải đúng, thì ác quỷ lúc nào cũng có thể lôi kéo tôi vào cuộc tranh luận với nó bằng cách chất vấn con bò thánh trong tư tưởng của tôi. Tôi trải nghiệm bằng trực giác rằng khi tôi sẵn sàng thăng thiên, tôi sẽ phải nhìn lại trái đất một lần cuối và nếu có điều gì tôi còn dính mắc ở đây, thì tôi không thể mãi mãi bỏ lại đằng sau hành tinh này.
Như vậy chìa khóa để tôi thăng thiên là tôi cần khắc phục dính mắc của mình, nghĩa là khắc phục bất cứ quan điểm mạnh mẽ hay cố định nào. Tôi trải nghiệm rằng với sự nâng cao tâm thức của mình, tôi không còn bất cứ quan điểm mạnh mẽ nào nữa. Với mỗi vấn đề hay quan điểm, tôi sẵn sàng nhìn thấy một cái nhìn cao hơn. Nói cho cùng, bất cứ vấn đề nào trên trái đất cũng chỉ là một vấn đề trong thế giới vật chất và khi so sánh với sự thăng thiên thì chẳng có điều gì thuộc về vật chất là quan trọng.
Hiển nhiên khi trẻ hơn tôi không nghĩ như thế. Tôi đã kể lại sự việc xảy ra tại Ngọn Hải đăng trên Đỉnh và thời đó tôi rõ ràng ở một mức tâm thức vẫn còn xem một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với mình. Cho nên tôi hiểu là một số người vẫn còn ở mức tâm thức coi trọng một số quan điểm nhưng chẳng phải là tất cả chúng ta đều có khả năng tăng triển vượt quá mức này?
Có một người nói rằng ông chưa bao giờ có vấn đề với bất cứ câu trả lời nào của các chân sư truyền tải qua tôi nhưng ông quả thực có vấn đề với một câu trả lời về chủng ngừa. Nếu tôi thấy mình có phản ứng đó, tôi sẽ tự hỏi tại sao tôi phản ứng mạnh như thế và đằng sau đó có ngã tách biệt nào đang lẩn trốn chăng. Tôi sẽ lý luận rằng bởi vì câu trả lời đó khiến tôi phản ứng, có thể là nó kích hoạt một cái ngã mà tôi chưa thấy nhưng cần thấy.
1.5. Chắc chắn là Kim sai
Một phần vì chuyện ông Trump và cuộc bầu cử và một phần vì Covid, có một số người đã bước vào trạng thái tâm dùng đủ loại luận cứ để lý luận tôi đã sai trên những đề tài này. Nói cách khác, họ tin chắc quan điểm của họ đúng, nên tôi chắc chắn phải sai vì tôi không hoàn toàn đứng thẳng hàng với họ. Vì lý do đó, một số người phủ nhận tôi là một sứ giả, một số người khác lý luận tôi là một sứ giả đáng tin với một số vấn đề khác nhưng tôi không phải là sứ giả với các vấn đề này. Tôi không trung hòa với các vấn đề đó, tôi có thành kiến cho nên tôi không có khả năng nhận được thông điệp thật từ các chân sư thăng thiên (họ tin chắc là thông điệp của các chân sư đứng thẳng hàng với quan điểm của họ).
Nói chung, tôi không tranh cãi với những người như thế vì tôi hiểu là một khi một người nghi ngờ những gì tôi nhận được từ các chân sư thì không có luận cứ nào mà cá nhân tôi có thể nghĩ ra sẽ giúp được họ. Một khi họ nghi ngờ tôi là một sứ giả, họ có thể dễ dàng vứt đi bất cứ điều gì tôi nói, vậy tôi đâu cần nói bất cứ điều gì nữa? Nhưng tôi sẽ đưa ra vài nhận xét.
Lẽ tất nhiên chuyện có thể xảy ra là tâm thức của tôi có thể pha màu thông điệp nhận được từ các chân sư. Nhưng khi tôi quan sát thái độ của mình về ông Trump và Covid, tôi không thấy mình có quan điểm mạnh mẽ. Khi tôi quan sát thái độ của một số người, tôi quả thực thấy họ có quan điểm mạnh mẽ. Cho nên tôi cảm thấy mình trung hòa trong các vấn đề này hơn những người lên án tôi không trung hòa.
Tuy nhiên, vấn đề thực ở đây không phải là tôi đúng hay sai. Vấn đề thực là: Làm sao BẠN tăng triển tâm thức? Giả dụ tôi sai và bạn có thể tìm ra luận cứ chứng minh điều này trong tâm bạn. Điều này sẽ giúp BẠN thăng vượt mức tâm thức hiện tại của bạn như thế nào? Làm sao chuyện chứng minh mình đúng sẽ giúp bạn thăng vượt chính mình?
Tôi đã nói về tình huống ở Ngọn Hải đăng. Thời đó, chính tôi có tư duy cuồng đại. Vấn đề đó quả thực quan trọng cực kỳ đối với tôi. Làm thế nào tôi đã tăng triển lên một mức tâm thức cao hơn? Không phải bằng cách chứng minh tôi đúng trong một tình huống mà giờ đây chẳng quan trọng gì với bất cứ ai. Tôi đã trăng triển bằng cách vượt thăng toàn bộ tư duy coi chuyện thế gian quan trọng đến như thế đối với tôi.
Các chân sư có nói rằng trong tâm thức nhị nguyên, chúng ta có thể minh chứng bất cứ quan điểm nào bằng cách loại bỏ đủ những bằng chứng trái ngược. Một người nói rằng nếu tôi chỉ cần nhìn vào những bằng chứng mà ông đã xem xét, thì tôi sẽ tin chắc như ông là quả thực đã có một sự gian lận bầu cử vĩ đại. Tuy thế, ông đạt được gì khi chứng minh ông đúng? Ông chỉ củng cố thêm sự đồng hóa với một ngã tách biệt đặc thù và do đó khóa chặt mình mạnh mẽ hơn nữa vào tầng tâm thức hiện tại của ông.
Vấn đề thật là tăng triển và điều này tùy thuộc vào việc chúng ta dính mắc với các quan điểm hiện thời của chúng ta mạnh mẽ chừng nào. Tôi chỉ tăng trưởng tâm thức khi thăng vượt các quan điểm hiện tại của mình và với lên một tầm nhìn cao hơn. Điều này cũng áp dụng với bạn. Nếu tôi thấy mình bị ám ảnh cưỡng chế muốn thuyết phục người khác là tôi đúng, tôi sẽ quan ngại và bắt đầu tìm cái ngã đằng sau dính mắc này.
Sau những lần tiếp xúc với những người có quan điểm mạnh mẽ về Covid và ông Trump, tôi bắt đầu xem xét tại sao tôi có phản ứng về điều này. Tôi nhận ra tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với họ và bởi vì họ học các giáo lý được trao truyền qua tôi, tôi phải có khả năng giúp họ khắc phục dính mắc của họ. Tôi nhận ra tôi cảm thấy mình phải có khả năng tìm ra một luận cứ có thể thuyết phục những người này thấy được nhu cầu thay đổi. Và nếu tôi không thuyết phục được họ thì, vì lý do nào đó, tôi khiếm khuyết.
Tôi đang làm việc với tập đoàn các ngã này trong một thời gian khá dài. Tôi chưa thấy rõ là việc viết bài này có nghĩa là tôi đã khắc phục được chúng, hay tôi cần viết để thấy ra điều gì tôi chưa thấy. Để xem sao.
Điều tôi thấy được là khi tôi thăng thiên, không có quan điểm nào mà tôi có trên trái đất quan trọng nữa. Tôi sẽ không mang theo quan điểm trần thế của mình lên thiên đàng. Để tới được trạng thái thăng thiên, tôi phải buông bỏ TẤT CẢ các quan điểm thế tục của mình. Điều quyết định tôi thăng thiên không phải là những gì tôi nắm giữ nhưng chính là những điều tôi buông bỏ. Như những thiền gia nói, tôi không thể ôm chặt quan điểm của mình.
1.6. Cởi mở nhưng không mở quá
Từ thuở bé, tôi đã có cảm nhận là tôi luôn luôn cần tìm cái mà tôi gọi là tầm nhìn cân bằng và tránh bị lôi cuốn vào những quan điểm cực đoan. Điều này nghe hơi có vẻ mâu thuẫn vì nhiều người “bình thường” (như gia đình tôi) coi những quan niệm tâm linh của tôi là cực đoan. Hiển nhiên, người tâm linh cởi mở hơn người trung bình, bằng không chúng ta đâu mở tâm đón nhận một giáo lý tâm linh. Tuy nhiên, có một khuynh hướng là một số người tâm linh không biết ngừng ở đâu và hậu quả là họ mở tâm đón nhận quá nhiều thứ đến độ rốt cuộc họ cảm thấy hoang mang và bị choáng ngợp.
Tôi sống ở Montana khi tổ chức Ngọn Hải đăng trải qua giai đoạn được gọi là chu kỳ trú ẩn và họ xây dựng hầm trú ẩn chống bom khi có chiến tranh hạt nhân. Tôi thấy nhiều người làm việc này một cách rất mất cân bằng và họ tin thế giới sẽ tận thế. Thực tế là chính tổ chức Ngọn Hải đăng có một quan điểm mất cân bằng và đã xây dựng những hầm trú ẩn để sống sót những trận dội bom và có đủ lương thực để tồn tại bảy năm (chuyện này thực sự phá sản tổ chức). Tôi không bị lôi kéo vào tư duy này vì tôi cảm nhận bằng trực giác là nó quá mất cân bằng. Tôi cũng có cảm nhận trực giác là chiến tranh hạt nhân sẽ không xảy ra.
Tôi biết một người đã nhiều lần tin rằng thế giới sắp sửa tận thế. Ông nghĩ chuyện sẽ xảy ra vào mùa xuân sắp tới và ông tin như vậy đều đặn 30 năm nay. Thế mà ông không tự hỏi có điều gì trong tâm thức mình đã khiến ông dễ tin vào điều này hết lần này đến lần khác.
Sau đó tới chuyện Q-Anon và nhiều thuyết âm mưu khác. Tôi xem qua chúng và có thể đọc được bằng trực giác năng lượng hay sự rung động đằng sau chúng, và tôi biết cần tránh xa. Tôi nghĩ Q-Anon là trò hề cho tới ngày có một người giết con gái mình vì ông nghĩ cô bé có DNA của quỷ và một ngày kia sẽ lớn lên thành quái vật.
Tôi chấp nhận sa nhân hiện hữu và họ có ảnh hưởng lớn trên xã hội nhưng tôi không chấp nhận là có một nhóm nhỏ kiểm soát toàn thế giới. Tôi chấp nhận là có những kẻ hiếp dâm trẻ thơ nhưng khi một lý thuyết nói rằng họ đều là thuộc đảng Dân chủ thì tôi chỉ giản dị nhún vai.
Tôi đã tới điểm nhận ra rằng cân bằng mà tôi tìm không quả thực là cân bằng vì nó không là điểm ở giữa hai đối cực. Thày Gautama không xem Trung đạo là điểm nằm giữa hai đối cực nhưng là sự thăng vượt toàn bộ tâm thức chứa đựng các đối cực và điểm giữa hai đối cực.
Tôi đã gặp nhiều người tâm linh không nắm bắt được nhu cầu tìm cân bằng – hay trung hòa. Tôi nghĩ kết quả hiển nhiên nhất của sự việc này là họ không có trực giác rõ ràng. Nếu chúng ta không trung hòa, ta khó đọc được rung động năng lượng của người và ý kiến. Điều này có nghĩa là họ bị lôi kéo vào một số luận cứ và sau đó tâm lý trí của họ che mờ trực giác của họ. Họ nghĩ họ có cái biết trực giác là một lý thuyết nào đó có giá trị nhưng họ không thấy được đây không phải là trực giác trung hòa.
Như một ví dụ, tôi mường tượng là người muốn thuyết phục tôi cuộc bầu cử có gian lận sẽ nói rằng trực giác của ông nói cho ông biết đã có gian lận và trực giác của tôi không rõ ràng trên điểm này. Người tin rằng thế giới sẽ tận thế vào mùa xuân cũng sẽ nói trực giác của ông nói cho ông điều này. Thực tế là ông đã nói nhiều lần dù tôi là người sứ giả, ông xem mình tiến hóa tâm linh cao hơn tôi và đó là lý do tại sao ông thấy được các lý thuyết này có giá trị. Ông là người anh lớn giữ cân bằng cho tôi cho tới khi tôi trưởng thành đủ để thấy điều ông đã thấy rồi.
Chắc chắn rằng tôi vẫn còn có thể học những điều mới và thấy được điều mà tôi chưa thấy bây giờ và điều này xảy ra gần như mỗi ngày. Nhưng có thể tôi là một sứ giả cho các chân sư bởi vì tôi có sự cân bằng hay trung hòa nào đó, có nghĩa là tôi không có quan điểm mạnh mẽ là các chân sư phải nói hay không được nói điều gì? Tôi không muốn các chân sư xác chứng một lý thuyết mà tôi dính mắc và điều này có nghĩa là tôi có thể cho phép các chân sư nói điều các thày muốn nói, không phải nói điều mà tôi hay ai khác nghĩ các thày phải nói.
Đối với tôi, có một điểm trên đường tu mà chúng ta không đi quá được cho tới khi chúng ta vượt lên trên những đối cực và cố gắng có một tâm trạng trung hòa. Tôi không nói chuyện này dễ làm nhưng tôi thấy một số người còn chưa nắm bắt cần phải làm vậy và như thế có nghĩa là họ đang không tiến về hướng này. Họ tiếp tục bị lôi kéo vào những lý thuyết mất cân bằng và có phản ứng mạnh và đấy không phải là cách tăng triển nhanh nhất.
1.7. Tới một điểm và không muốn đi xa hơn nữa
Cách đây ít lâu, một người bắt đầu đăng trên mạng là theo ý của người đó tôi không còn là một sứ giả chân chính nữa. Lập luận của người đó là những quyển sách đầu trong bộ Con đường tự điều ngự có giá trị, nhưng kể từ quyển sách về Tình thương của Paul người Venice, tôi đã nhận được những thông điệp giả.
Tôi đã gặp người này và ông là một người có vấn đề trong quan hệ với người khác và đang sống một mình. Câu hỏi của tôi là: Có thể chăng thày Paul người Venice đã thách thức quan điểm của ông về quan hệ với người khác, và ông quá dính mắc vào quan điểm này đến độ không chịu xem xét mình có cần thay đổi nó hay chăng? Để biện minh cho việc không chịu thay đổi, ông phải chối bỏ tôi là sứ giả, và qua đó cho ông một cái cớ để không xem xét các giáo lý được trao truyền sau điểm đó, tuy các giáo lý này thực ra có có khả năng giúp ông khắc phục ngã tách biệt đó.
Tôi đã thấy trong tổ chức Ngọn Hải đăng có những người tới một điểm họ có cái gì mà họ không chịu nhìn trong chính họ, và để biện minh chuyện này họ chối bỏ người sứ giả. Nhiều năm trước đây, bà Elizabeth Clare Prophet nhận được một bài truyền đọc từ thày Maitreya dạy nên ngừng ăn đường. Cả một nhóm đệ tử ở nước Đức đã chối bỏ không nhận bà là sứ giả, và lý lẽ đưa ra không phải là những gì thày Maitreya đã nói về việc ăn đường mà vì thày đã nói với cường độ quá cao nên họ cho rằng thày Maitreya thật không bao giờ coi nhẹ quyền tự quyết như vậy.
Đối với tôi, tôi thấy thật rõ ràng là giá trị thật của các chân sư thăng thiên ở chỗ các thày không ở trong tâm thức đang bao trùm trái đất. Do đó, các thày có thể thách thức chúng ta xét lại một số điều mà chúng ta coi là đương nhiên. Nếu chúng ta không chịu cho phép ai thách thức một quan điểm nào đó của mình, thì tôi nghĩ đây là một dính mắc. Khi ta quá dính mắc vào một quan điểm thế gian đến độ chối bỏ các chân sư thăng thiên, thì thái độ này không thể nào đưa tới tăng trưởng tâm linh.
1.8. Là người đặc biệt
Trong phái Thiền Siêu việt (transcendental meditation) có nền văn hóa coi mình đặc biệt vì đang cứu rỗi thế giới qua việc thiền quán. Trong tổ chức Ngọn Hải đăng, nền văn hóa của tổ chức là chúng tôi đang cứu rỗi thế giới qua việc đọc chú và chúng tôi có giáo lý tâm linh cao nhất trên hành tinh, có nghĩa là chúng tôi là những đệ tử tâm linh tiên tiến nhất trên hành tinh. Quý vị có thể tìm thấy bất cứ tổ chức tâm linh nào và thấy là các thành viên cảm thấy họ đặc biệt vì giáo lý hay vị đạo sư của họ.
Có một giai đoạn trên con đường tâm linh khi chúng ta dùng giáo lý tâm linh để khiến mình cảm thấy đặc biệt. Điều này dễ hiểu vì đa số chúng ta là người đã bị xã hội phản tâm linh gạt bỏ. Nhưng đây chỉ là một giai đoạn, vì khi chúng ta đi quá tầng tâm thức thứ 96, thì nhu cầu cảm thấy đặc biệt dần dần phai mờ cho tới khi nó không còn quan trọng nữa. Trọng điểm của tâm thức Ki-tô là nhận ra cái một trong mọi sự sống, và bạn không thể làm điều này khi cảm thấy mình hơn người khác.
Một thí dụ là một nhóm đã giúp tôi tổ chức hai buổi hội nghị. Khi tôi gặp nhóm này lần đầu, tôi thấy rõ là nhóm này có một động lực khiến tôi tự hỏi tại sao họ lại mời tôi đến. Nhóm này được thành lập bởi một người mà đa số nhóm coi là thày tâm linh của họ. Ông này không nói tiếng Anh nên tôi không trao đổi nhiều với ông, nhưng ông đòi hỏi một sự dấn thân và trung thành khá cao từ các thành viên, và đây là một điều mà tôi không làm. Tuy thế, hội nghị đầu là một trải nghiệm tích cực.
Tại hội nghị thứ nhì, tôi cảm thấy rõ ràng có một sự xoay chuyển trong năng lượng và không khí có điều gì căng thẳng. Sau đó tôi được biết là vị lãnh đạo nhóm chờ đợi các chân sư xuyên qua tôi sẽ tấn phong ông làm sứ giả cho nước ông. Khi chuyện này không xảy ra thì ông phải tìm một lời giải thích, và lời giải thích là tôi không còn là sứ giả của các chân sư thăng thiên nữa.
Lời giải thích bên ngoài mà ông đưa ra là quyển sách Những kiếp sống của tôi không thể do các chân sư truyền cảm hứng. Tôi thấy điểm này lý thú vì quyển sách được trình bày như một câu truyện, và như vậy có nghĩa là không nên coi mọi chuyện trong đó là sự thật tuyệt đối. Nói cách khác, độc giả được tự do coi một số chuyện trong đó là hư cấu. Nhưng những người trong nhóm đã hiểu quyển sách một cách tuyệt đối, và sau đó chỉ trích nó dựa trên cách hiểu đó. Họ đặc biệt khó chịu câu chuyện nhân vật trong sách đổi xác với Giê-su trong tiến trình phiên tòa kết án Giê-su.
Nhóm đó tiến hành một giai đoạn mà họ gọi là phân biện trong đó họ so sánh những bài truyền đọc của tôi với các bài của bà Elizabeth Clare Prophet. Các thành viên được chỉ thị dùng trí phân biện của riêng mình, nhưng vị lãnh đạo và đa số thành viên lấy quyết định là tôi không còn là sứ giả nữa. Những thành viên không cùng phân biện giản dị bị đẩy ra khỏi nhóm. Một số bị áp lực thay đổi sự phân biện ban đầu của họ và đồng tình với người lãnh đạo.
Sau đó tôi được biết là trong nhóm có một nhóm nhỏ thuộc những người thân cận của vị đạo sư. Tôi được biết nhóm này coi họ là những người tâm linh tiên tiến nhất trên hành tinh. Do đó tôi có thể tưởng tượng là họ chờ đợi các chân sư tấn phong vị lãnh đạo của họ qua tôi. Thay vào đó, tôi nhận được một bài truyền đọc từ thày Sanat Kumara nói rất thẳng là chúng ta cần vượt qua cảm nhận mình đặc biệt. Tôi được biết là vị lãnh đạo cho rằng thày Sanat Kumara thật sẽ không bao giờ nói một chuyện như thế.
Một thành viên của nhóm viết thư cho tôi nói rằng vì 35 người trong nhóm họ đã quyết định tôi không còn là sứ giả nữa, nên tôi đương nhiên phải chấp nhận sự phán xử đó và từ chức sứ giả. Tôi không trả lời vì tôi không thấy làm sao có thể đi tới được các vị đó. Thay vào đó, tôi chú tâm vào việc phụng sự mấy ngàn người trên thế giới nghĩ rằng tôi vẫn là một sứ giả của các chân sư thăng thiên.
Tôi nghĩ rằng các người đó tìm cách dùng tôi và giáo lý được trao truyền qua tôi để xác chứng nhu cầu cảm thấy đặc biệt của họ. Điều này không dễ làm với giáo lý được trao truyền qua tôi, và đồng thời cũng vì tôi không tìm cách khiến người khác cảm thấy đặc biệt. Như có lần tôi đã nói: “Bạn có thể khiến người khác làm bất cứ điều gì cho bạn nếu bạn khiến họ cảm thấy đặc biệt đủ, nhưng tôi giản dị không cần điều này.”
Tôi biết chắc là khi các người đó tố cáo tôi không còn là sứ giả nữa thì họ cảm thấy rất đặc biệt. Dù sao thì họ đã nghĩ tôi trước đó là một sứ giả chân chính và họ đã nhận ra điều này, do đó họ đặc biệt. Giờ đây họ nhận ra tôi không còn là sứ giả nữa, và như vậy họ đặc biệt hơn tôi vì họ thấy được điều này.
Chủ đề của bài viết này là những gì giúp chúng ta tăng trưởng. Những người đó có tăng trưởng chăng khi nhận ra tôi là một sứ giả, khi họ không thực sự áp dụng giáo lý? Và họ có tăng trưởng chăng khi họ tố cáo tôi, hay họ chỉ đơn giản củng cố cái ngã kẹt trong tầng tâm thức vẫn còn nhu cầu cảm thấy mình đặc biệt? Và phải chăng họ đã củng cố cái ngã ở tầng cho rằng mọi sự phải trắng hay đen, hoặc cái này hoặc cái kia?
Khi tôi mới vào con đường tâm linh thì tôi có nhu cầu cảm thấy mình đặc biệt, và nền văn hóa của nhóm Ngọn Hải đăng cho tôi phương tiện để xây dựng cảm nhận này. Vì tôi đã nâng tâm thức mình lên nên vấn đề cảm thấy đặc biệt dần dần phai mờ đi. Ta có thể lập luận là trong cương vị một người sứ giả, tôi có thể dễ dàng nâng mình lên vị thế người rất đặc biệt, nhưng tôi nhận ra tôi không còn nhu cầu so sánh mình với người khác. Tôi không muốn tương tác với người khác với quan niệm mình hơn họ. Tôi muốn tương tác với người khác mà không ở trong động lượng nhị nguyên, hơn thua hay bằng.
1.9. Coi mình rất hệ trọng
Năm 2009 tôi ly dị người vợ thứ nhì của tôi, và lúc đó chúng tôi lãnh đạo một phong trào tâm linh nhỏ. Bà quyết định tấn công tôi trên mạng Internet, tố cáo tôi không là sứ giả và tìm cách mô tả tôi là một người chồng không xứng đáng. Một nhóm nhỏ theo bà trong khi đa số ở lại với giáo lý được trao truyền qua tôi.
Ngay từ đầu tôi đã biết là tôi không thể cho phép mình trả lời các lời cáo buộc mà bà loan tải trên trang mạng của bà, qua điện thư và trên Facebook. Trong tâm ý thức của tôi, thì lý do một phần là tôi không muốn khiến bà đau đớn bằng cách chứng tỏ bà sai, và phần kia vì tôi nhận ra tôi không có hy vọng thuyết phục được bà và những người theo bà. Tôi có thể thấy bà và các người theo bà đã xoay chuyển tâm họ vào một trạng thái tâm khiến tôi không thể tới họ. Do đó, thay vì bỏ thì giờ tìm cách thay đổi người tôi không có hy vọng giúp đỡ, tôi chú tâm vào việc giúp đỡ người mà tôi có thể giúp đỡ.
Lúc đó tôi có cảm nhận là có một khai ngộ quan trọng mà tôi cần trải nghiệm khi tôi để cho bà nói bất cứ gì bà muốn nói về tôi. Tôi nghĩ lúc đầu bà muốn tôi lên tiếng đáp trả để bà có thể lôi tôi vào một cuộc chiến không bao giờ dứt, như bà đã từng làm với một số người khác. Khi tôi không hồi đáp thì bà nhận ra là bà có thể nói bất cứ gì bà muốn và bà bắt đầu đưa ra những lời cáo buộc đi ngược lại sự thật, có khi còn là chuyện hoàn toàn dựng đứng. Tôi nghĩ bà bị kẹt trong nhu cầu giữ chú ý của các người theo bà bằng cách liên tục đưa ra những chuyện động trời về tôi.
Phải nhiều năm sau tôi mới nhận ra đây là, đối với tôi, một trải nghiệm tương tự như bị đóng đinh trên thập tự. Có thể nói tôi bị đóng đinh trên mạng Internet và tôi bất lực không thể tự bảo vệ. Tôi không thể bước xuống khỏi cây thập tự. Điều tôi có thể làm được là nhìn vào phản ứng của mình và xem xét mình có thể học hỏi được gì từ trải nghiệm. Tôi quả thấy nhiều điều tôi có thể học, nhưng tôi xin nêu ra ở đây một hai điểm liên quan đến đề tài của chúng ta.
Nếu lượng định một cách khách quan thì tôi đã là một người chồng tốt hỗ trợ người vợ thứ nhì của tôi trong suốt 20 năm. Tôi cảm thấy bất công là tôi bị cáo buộc là người chồng xấu xa nhất từ trước đến nay. Khi tôi chiêm nghiệm chuyện này, thì một hôm tôi chợt nhận ra: “Tôi có một dính mắc với chuyện được coi là một người tốt”. Ngay tức khắc tôi nhận ra điều này đúng. Được người khác xem mình là người tốt là điều rất quan trọng đối với tôi. Khi tôi nhìn sâu hơn thì tôi nhận ra tôi có một hình ảnh về mình như một người tốt không bao giờ muốn tổn thương ai, và điều này trên căn bản là một chiếc áo tù buộc tay tôi. Lúc nào tôi cũng phải sống đúng theo hình ảnh này. Cho tới nay, điều này không khó làm nhưng nay tôi bị tố cáo oan thì vấn đề trở nên hiển nhiên cho tôi. Tôi bắt đầu làm việc trên dính mắc này và dần dần buông bỏ nó. Để làm được chuyện này, tôi phải buông bỏ tất cả mọi dính mắc đến cách người khác nhìn tôi và nói về tôi. Lẽ tất nhiên, đây là một bước nhất thiết cho một người có hiện diện trên mạng Internet.
Trong khi tôi tiếp tục suy ngẫm thêm (tiến trình này kéo dài vài năm), thì một hôm tôi thấy là đặc tính chính của bà vợ trước của tôi là bà lúc nào cũng coi mình hệ trọng. Bà lúc nào cũng tin chắc là khi bà nói điều gì, thì mọi người không những phải tin bà mà còn phải coi điều bà nói cũng hệ trọng như bà. Do đó, sau khi bà tuyên bố là sau khi ly dị bà, tôi nay đã trở thành một sứ giả giả hiệu, thì bà chờ đợi là mọi người phải chấp nhận điều đó. Tôi không nghĩ bà có thể tưởng tượng là người khác có thể nhìn bà và không tin chuyện này đúng. Tôi không nghĩ bà hiểu được một số người có thể đọc được sự rung động của bà và thấy sự việc bà tự nhận mình là một người tiến bộ cao đồng thời làm đủ mọi chuyện để miệt thị một người khác, là điều không hợp lý.
Sau đó tôi nhận ra là trong đời tôi, tôi đã từng gặp nhiều người cũng coi họ rất hệ trọng. Đúng theo thói quen của tôi, tôi bắt đầu xem xét vì sao tôi lại gặp quá nhiều người như vậy, hay nói cách khác tôi cần nhận được thông điệp gì từ những người như thế. Sau một thời gian, tôi chợt nhận ra: “Tôi cũng coi mình quá hệ trọng!” Đây là một kết luận không dễ vì tôi có thể thấy tôi luôn luôn là một người có nhận biết về chính mình, có thể nói là tự giác quá độ. Tôi luôn luôn sẵn sàng chất vấn chính mình, là điều mà nhiều người nghiêm trọng đó không chịu làm. Nhưng tuy tôi sẵn sàng chất vấn chính mình, tôi vẫn có hình ảnh mình là một người tốt, giống như một Hoàng tử cỡi Ngựa trắng, và tôi coi hình ảnh này rất hệ trọng. Tôi cũng có một số ý tưởng thế nào là một người tâm linh, thế nào là một vị thày tâm linh mà tôi coi là hệ trọng. Do đó, tôi nhận ra là điều mà tôi thấy nơi người khác tôi cũng cần thấy nơi chính mình.
Tôi thấy rõ là tôi giản dị phải buông bỏ ngã đó. Tôi đã có được đôi chút tiến bộ, nhưng phải đợi đến khi các chân sư trao truyền giáo lý về chấn thương nhập đời hoàn vũ, tôi mới thật sự đột phá. Tôi nhận ra, như một avatar, tôi đã tới trái đất với thiện ý cao nhất, nhưng khi sa nhân cáo buộc tôi đủ thứ chuyện, thì việc này khiến tôi tạo ra một ngã gốc cố hết sức bảo vệ hình ảnh tôi là một người tốt. Sau một thời gian, tôi có một số đột phá khác, và tôi đạt được một xoay chuyển trọng đại trong đời khi bỗng nhiên tôi nhận ra là không có gì trên trái đất hệ trọng như tôi nghĩ chúng là. Không có quy luật hoàn vũ nào đòi hỏi tôi coi bất cứ chuyện gì trên trái đất là hệ trọng.
Điều tôi muốn nói ở đây là tôi hoàn toàn hiểu là có những người coi ông Trump, cuộc bầu cử, chủng ngừa và việc đeo khẩu trang là những chuyện rất hệ trọng. Tôi không đang tìm cách khinh dễ những người đó. Tôi chỉ giản dị muốn nói là ở bất cứ giai đoạn nào trên đường tu, điều mình có thể thấy và điều có vẻ hệ trọng là một sản phẩm của tầng tâm thức của mình. Tiến bộ tâm linh là nâng cao tâm thức, và khi chúng ta làm chuyện này, sẽ tới một điểm những gì trước đó mình thấy rất hệ trọng lúc này không còn hệ trọng nữa. Khi tôi duyệt qua chuyện xảy ra ở tổ chức Ngọn Hải đăng, thì tôi thấy tôi đã coi hoàn cảnh và chính tôi rất hệ trọng. Nhưng ngày hôm nay, 30 năm sau, tôi không còn coi chuyện đó hệ trọng chút nào cả.
1.10. Có phân biện Ki-tô, hay không có
Có một người rất nhiệt tình muốn thuyết phục tôi là quả thực có một gian lận vĩ đại trong kỳ bầu cử vừa qua tại Hoa Kỳ. Đối với tôi, sự khăng khăng của ông rõ ràng do một dính mắc, nhưng dính mắc cái gì? Ông tuyên bố trên trang Facebook của ông là ông tin có gian lận vì ông có phân biện Ki-tô. Ông nói ông đã bỏ công nghiên cứu vấn đề, nhưng tôi thì không và đó là lý do vì sao tôi không chấp nhận có gian lận. Như vậy, có thể chăng là hai người đều có phân biện Ki-tô nhưng tới những kết luận khác nhau?
Tôi nhớ là khi tôi ở Ngọn Hải đăng, có một giai đoạn tôi cảm thấy tôi đã đạt được phần nào phân biện Ki-tô, và tôi cảm thấy tôi phân biện giỏi hơn những người không tâm linh. Điều này có lẽ đúng, nhưng ngày nay tôi thấy là thời ấy tôi vẫn còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tư duy cuồng đại và lối suy nghĩ trắng đen. Tôi nghĩ mọi chuyện phải được đặt trên thang điểm tốt xấu, đúng sai. Do đó, tuy lúc trước tôi có một phần phân biện Ki-tô, nhưng cũng có nhiều lớp phân biện cao hơn mức phân biện tôi có thời đó.
Điều mà tôi thấy nơi nhiều người, trong đó có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên, là chúng ta trải qua một giai đoạn trong đó ta có một phần phân biện Ki-tô, nhưng nó bị pha màu bởi một số ngã tách biệt mà ta chưa khắc phục. Có nghĩa là chúng ta ở trong giai đoạn mong manh sau khi đã vượt qua khai ngộ thứ nhất của Ki-tô (nhận diện Ki-tô) nhưng chưa vượt qua khai ngộ thứ nhì, là lúc chúng ta ngưng không ép Ki-tô vào hộp tư duy của mình. Do đó chúng ta tìm cách dùng giáo lý chân sư thăng thiên và điều ta nghĩ là phân biện Ki-tô để chứng thực các ý kiến mà chúng ta tha thiết. Tự ngã vui sướng khi chúng ta đi vào phản ứng này vì lúc đó chúng ta thực sự bị kẹt cứng.
Làm sao chúng ta biết là mình chưa đạt được tầng cao nhất của phân biện Ki-tô? Ấy, khi chúng ta còn hiện thân trong thân thể vật lý thì chúng ta CHƯA đạt được tầng cao nhất của phân biện Ki-tô, vì tầng này chỉ đến khi ta nhìn thấu suốt ảo tưởng cuối cùng ở tầng 144. Tuy thế, chúng ta có thể đo lường bằng cách nhìn xem chúng ta có dính mắc vào một vấn đề, ý kiến hay hình ảnh về mình nào chăng. Chúng ta coi vấn đề hay chính mình quan trọng đến chừng nào? Nếu chúng ta không trung hòa trước một vấn đề, thì chúng ta không thể có phân biện trong sáng nhất về vấn đề đó.
Tỷ dụ, tôi dùng phân biện Ki-tô của mình để quyết định chủng ngừa bệnh Covid. Tôi không có vấn đề với ai khác nói rằng họ đã dùng phân biện Ki-tô của họ để quyết định không chủng ngừa. Nhưng nếu một người biện minh rất mạnh mẽ là người khác phải hay không nên chủng ngừa, thì tôi nghĩ người đó chưa đạt được một tầng phân biện Ki-tô cao. Tôi càng đi xa trên con đường tu thì càng cảm thấy ít có nhu cầu thuyết phục người khác. Lẽ tất nhiên từ lâu tôi đã khắc phục ham muốn lúc nào cũng đúng, và đây cũng là chỉ dấu khác của phân biện Ki-tô.
Ở trong Ngọn Hải đăng, đa số cho rằng bản chất của phân biện Ki-tô là khả năng biết đúng hay sai trước mọi vấn đề, nhưng phân biện này bị tô màu bởi tư duy trắng đen. Khi chúng ta nâng mình lên khỏi tư duy này, thì ta nhận thấy là trên một hành tinh như trái đất, không có gì thực sự trắng hay đen, vì vấn đề thực là làm sao nâng cao tâm thức con người – và điều này có nghĩa là vượt quá việc quy định mọi chuyện đúng hay sai.
Chúng ta cũng bắt đầu thấy là vượt lên trên tất cả các khác biệt bên ngoài và xung đột, có một nhân tính cơ bản và thiết yếu. Chúng ta thấy cái một đằng sau sự khác biệt. Tôi không bao giờ quên lần tôi nói chuyện mới một người đàn ông Mỹ, và ông này kể cho tôi là ông bị gọi đi quân dịch và gửi đi Việt Nam khi ông 17 tuổi. Tôi nói: “Đúng vậy, ông lúc đó chưa đủ tuổi đi bầu nhưng đủ tuổi giết một người khác.” Ông phẫn nộ trả lời: “Đúng vậy, hoặc bị giết!”. Câu chuyện này khiến tôi nhận ra là ông hoàn toàn chú tâm vào chính mình, do đó đối với ông khía cạnh tệ hại nhất của chiến tranh là bị giết. Đối với tôi, khía cạnh tệ hại nhất của chiến tranh là giết người khác.
Tôi thấy một số người lớn tiếng (họ lúc nào cũng lớn tiếng) nói về các nhân quyền cá nhân và chính phủ không có quyền ép buộc họ phải đeo khẩu trang hay chủng ngừa. Đối với tôi, đây không phải là phân biện Ki-tô, vì khi bạn có phân biện thì lẽ tất nhiên bạn thấy là các quyền cá nhân của mình không thể thực thi mà không ngó ngàng gì đến quyền cá nhân của 300 triệu người Mỹ khác. Hiến chương có thể quy định các quyền cá nhân, nhưng cách duy nhất mà một xã hội có thể vận hành tốt là các quyền cá nhân được quân bình cùng với tổng thể. Tôi không có quyền truyền cho người khác một căn bệnh có thể chết người vì tôi từ chối đeo khẩu trang hay chủng ngừa.
Khi phân biện Ki-tô của chúng ta gia tăng thì chúng ta bắt đầu nắm bắt giáo lý của các chân sư về phin lọc nhận thức. Ở bất cứ tầng nào trong số 144 tầng tâm thức ta có một phin lọc nhận thức ngăn cản ta thấy quá một tầm nhìn nào đó. Ta có một nhận thức giới hạn và đó là lý do vì sao ta coi một số chuyện quá hệ trọng. Tôi thấy được lợi ích rất nhiều khi nhận ra rằng khi tôi tiến lên các tầng cao hơn, những chuyện trước kia rất quan trọng với tôi nay không còn quan trọng nữa. Điều này giúp tôi nhìn phản ứng của mình và nhận ra thực ra không phải là TÔI đang phản ứng, mà chỉ là một ngã tách biệt không phải là cái ta thực của tôi.
Khi chúng ta còn đồng hóa mình với một ngã đặc thù, thì chúng ta chỉ có thể thấy một cách phản ứng duy nhất trước một hoàn cảnh, và đó là tìm cách thay đổi hoàn cảnh bằng cách giải bài toán do ngã quy định. Điều này sẽ không bao giờ cho ta an bình nội tâm vì ngay cả khi vấn đề được giải quyết, thì ngay lập tức một vấn đề khác hiện ra. Ta chỉ có an bình nội tâm khi ta từ chối giải quyết vấn đề và để cho ngã chết đi. Mỗi lần ta để cho một ngã chết đi thì ta cảm thấy tự do hơn vì ta có ít vấn đề cần giải quyết hơn. Mỗi lần ta để cho một ngã chết đi thì ta có an bình nội tâm hơn vì có ít điều kiện mà ta phải phản ứng lại hơn. Khi chúng ta không còn ngã nào khiến ta phản ứng lại chuyện thế gian, thì ta giống như đức Phật ngồi dưới cội bồ đề, và các ác quỷ của Ma vương Mara không thể khiến thày phản ứng. Như Giê-su ta nói: “Hoàng tử của thế gian tới và không nắm được gì nơi ta.”
1.11. Thách thức thấy được tự ngã
Tất cả những điều tôi nói ở trên có thể tóm lược là suốt bao năm quan sát chính mình và các người tâm linh khác, tôi thấy một lằn ranh rõ rệt. Một số người nhìn ra được tự ngã của họ và tăng triển. Một số khác không thấy được tự ngã của mình và không nâng tâm thức, tuy họ có thể gia tăng hiểu biết trí năng về các đề tài tâm linh.
Nhìn ra tự ngã không phải việc dễ làm. Trong kinh Sáng Thế ký (Genesis) có nhận xét là con rắn là con vật “tinh tế” nhất trong loài vật. Tự ngã rất giỏi dùng lý luận của rắn để lẩn trốn hay ngụy trang, và ta cần sẵn sàng xem xét chính mình để lật tảy nó. Ta cũng cần sẵn sàng chịu nỗi đau đớn khi nhìn nhận: “Tôi không giỏi như tôi nghĩ vì tôi quả thật có tự ngã”.
Tôi đã mô tả hoàn cảnh trên Ngọn Hải đăng, và đó là lần đầu tiên tôi phải nhìn nhận tôi có một tự ngã. Đây là tình huống đau đớn nhất đời tôi vì tôi đã dùng giáo lý và nền văn hóa của tổ chức Ngọn Hải đăng để củng cố hình ảnh tôi là một người tốt. Tôi muốn là một đệ tử tốt của các chân sư thăng thiên, do đó khi vị sứ giả bắt tôi phải đối diện với cư xử dựa trên tự ngã của tôi thì tôi cảm thấy rất đau đớn. Tuy nhiên, chuyện này cũng dẫn tới đột phá lớn đầu tiên trên đường tu của tôi, do đó xứng đáng để chịu nỗi đau đớn.
Lúc đó tôi không nhận ra là nỗi đau đến từ một phần của tự ngã, một ngã tách biệt, và điều tuyệt vời về ngã tách biệt là ta có thể để chúng chết đi. Và khi ngã đó chết thì cơn đau biến mất. Điều tôi muốn nói là ta rất đau đớn khi lần đầu thấy tự ngã, nhưng lần thứ nhì sẽ không đau đớn bằng. Và chúng ta có thể tới điểm thấy tự ngã không còn gây đau dớn nữa vì ta đã cho hình ảnh mình phải toàn hảo chết đi.
Tôi thấy nhiều người có hình ảnh là như một người tâm linh – thường là người tâm linh rất đặc biệt – họ phải luôn tuôn toàn hảo. Tôi nhớ là trong nhiều năm có một số cư xử dựa trên tự ngã mà tôi giản dị không thể có vì chúng khiến tôi quá đau đớn. Khi chúng ta cảm thấy như vậy, thì trong tiềm thức chúng ta sẽ chống trả không chịu thấy tự ngã, nhưng như vậy thì làm sao ta tăng triển?
Quý vị hãy ghi nhận hoàn cảnh của tôi trong Ngọn Hải đăng. Lúc đó, tôi chỉ bày một số chuyện xảy ra trong đơn vị của tôi mà tôi nghĩ không hữu hiệu và không phù hợp với lề lối sinh hoạt chuyên nghiệp. Quả thực là vài năm sau, đơn vị có một người lãnh đạo khác và vị đó thực thi những gì tôi đề nghị tuy không hề thảo luận với tôi. Do đó, tôi có thể tiếp tục biện minh là lúc đó tôi đúng, nhưng làm vậy thì có giúp tôi tăng triển chăng?
Vào lúc đó, tôi tin chắc là tôi chỉ hành động như vậy vì tôi không muốn tổ chức Ngọn Hải đăng phí phạm tiền của vì những thủ tục không hữu hiệu. Tôi chú tâm vào tình trạng bên ngoài, và tôi nghĩ tôi có thiện tâm khi chỉ trích cách sắp xếp công việc. Nhưng ngày nay tôi thấy rõ là cốt lõi câu chuyện không dính dáng gì đến hoàn cảnh bên ngoài, mà là cái gì đó trong tâm lý của tôi. Nói cách khác, tự ngã của tôi phóng chiếu là tôi là một người tốt đang tìm cách giúp đỡ, nhưng sự thực là tự ngã đang tìm cách nhận được sự chứng thực mà nó khao khát. Nếu tôi tiếp tục chú tâm vào hoàn cảnh bên ngoài, thì cho tới ngày nay tôi vẫn còn bị kẹt cứng trong động lượng của tự ngã. Giải thoát khỏi nó cho tôi một cảm giác nhẹ nhõm và tự do lạ thường.
Đi trên đường tu không phải lúc nào cũng vui sướng. Để thật sự thấy một khía cạnh của tự ngã, chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng nỗi đau thấy hình ảnh mà mình có về mình bị vỡ tan. Khi bà Prophet bắt tôi phải đối diện tự ngã của mình, thì tôi cảm thấy y như thể hình ảnh mà tôi có về mình bị vỡ tan và tôi sắp chết. Câu hỏi là làm sao tới được điểm mình chấp nhận thấy điều đó, thay vì để tự ngã tiếp tục lẩn trốn?
Tôi có thể dễ dàng tránh tình trạng xảy ra cho tôi trên Ngọn Hải đăng. Bây giờ nhìn lại thì tôi thấy lúc đó tôi có mong muốn tăng triển càng nhanh càng tốt, và do đó tôi cứ tiếp tục xông tới cho tới khi bà Elizabeth Clare Prophet bắt tôi phải đối diện chính mình. Tôi cần bà làm chuyện này vì tôi coi bà như người có tầng tâm thức cao hơn tôi, và do đó tự ngã của tôi không thể khiến tôi phớt lờ hay biện minh chống những gì bà nói. Và đó là lý do vì sao tôi rốt cuộc lật tảy lớp ngụy trang của tự ngã, quyết định ngưng chú tâm vào hoàn cảnh bên ngoài và nhìn vào chính mình, và nhìn nhận: “Tôi là người cần thay đổi – không phải thế giới, không phải người khác, mà là TÔI!”
1.12. Nỗi đau khi nhìn thấy tự ngã
Tự ngã lúc nào cũng tìm cách đánh lạc hướng chú ý của mình để mình tưởng có một vấn đề bên ngoài quan trọng đến độ mình phải giản dị dồn hết chú tâm vào đó, có nghĩa là mình không phải nhìn vào chính mình. Chỉ trong năm vừa rồi tôi đã thấy một số người bị ám ảnh bởi ông Trump, cuộc bầu cử, khẩu trang, chủng ngừa, cách ly và tận thế đến độ họ không nhìn vì sao họ lại có phản ứng mạnh như vậy trước các vấn đề đó.
Tôi biết những người đó nghĩ vấn đề quả thực quan trọng đến độ thuyết phục người khác (trong đó có tôi) là họ đúng là điều tối cần thiết. Tôi thấy đây là cách cư xử của tự ngã, tuy tôi biết họ sẽ không thấy như vậy. Vì sao tôi lại có thể nói như vậy? Vì một khi bạn đã thấy một số động lượng dựa trên tự ngã nơi chính mình, thì bạn sẽ dễ thấy chúng nơi người khác. Khi bạn không còn bị tự ngã của mình lừa gạt, thì bạn không thể bị tự ngã của người khác lừa gạt.
Tôi không nói ra điều này để hạ thấp những người này vì họ có tự ngã. Nhưng tôi đang cố nói thẳng với mục đích giúp những ai mở tâm thấy là khi mình có một phản ứng mạnh với bất cứ gì trên trái đất, thì có tự ngã đằng sau. Phản ứng mạnh do đó trở thành một cơ hội để thấy tự ngã, nếu mình chịu tìm kiếm.
Tôi có nói là thấy mình có tự ngã là điều đau đớn, nhưng không thấy tự ngã cũng đau đớn. Động lượng dựa trên tự ngã đem lại đau đớn vì nó đến từ một chấn thương trong quá khứ mà chúng ta cố tình che phủ để có thể sống với nó. Trước khi có tình huống trên Ngọn Hải đăng, tôi có một động lượng dựa trên tự ngã và nó khiến tôi đau đớn triền miên. Tôi đã quá quen với nỗi đau đó nên không còn nhận ra nó. Thấy tự ngã và nhìn nhận rằng đó là tự ngã khiến tôi đau nhói, nhưng một khi tôi buông bỏ nó, thì cả nỗi đau nhói lẫn nỗi đau âm ỉ (liên quan đến khía cạnh đó của tự ngã) đều biến mất.
Tôi đã thấy những người nghĩ rằng họ rất đặc biệt và là đệ tử tâm linh rất tinh thông (ngay cả là thày tâm linh), nhưng tâm thức họ không thay đổi suốt nhiều thập niên. Lý do là hình ảnh mà họ có về chính họ ngăn cản họ nhìn vào chính mình và nhìn nhận là mình có một tự ngã. Một số những người đó còn tuyên bố là họ không có tự ngã. Tôi cũng thấy là những người đó ở trong nỗi đau triền miên, nhưng họ quá quen với nỗi đau nên không nhận ra nó. Tôi thấy đây là nỗi đau mà trước đây tôi cảm thấy, và tôi mong tôi có thể giúp họ giải thoát khỏi nó.
Chúng ta ai ai đều có tự ngã và ngã tách biệt. Trong một thời gian dài, tôi e dè không chịu nhìn nhận là tôi có một vài khía cạnh của tự ngã. Rốt cuộc tôi đã khắc phục được sự e dè đó và điều này đã khiến con đường tu của tôi dễ dàng hơn nhiều. Một khi bạn đã thấy một số ngã và cho chúng chết đi, thì thấy các ngã khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tôi hy vọng là đa số những ai thấy giá trị của giáo lý chân sư thăng thiên sẽ tới được sự đột phá khi thấy và để tự ngã chết mà không còn đau đớn nữa. Tôi hy vọng là bài viết này sẽ giúp một số vượt qua trở ngại. Có một giai đoạn trên đường tu khi câu ngạn ngữ “không có đau đớn thì không có lợi lạc” là đúng. Nhưng có một giai đoạn cao hơn khi có lợi lạc mà không có đau đớn – và đây là điểm mà tôi hy vọng bạn đạt được.