Hỏi: Một trong những quyển sách thất lạc của Kinh thánh, quyển kinh Jasher, có thuật lại là Abraham, vì không tôn thờ các thần giả vào thời của ông, đã bị ném vào lò lửa và thoát thân bình an vô sự, trong khi người anh em của ông thì bị thiêu cháy. Đó có phải là một câu chuyện thật, và liệu quyển kinh của Jasher có chính xác hay không?
Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.
Có và không! Theo nghĩa là, con yêu dấu, có nhiều câu chuyện trong kinh Cựu ước, và thậm chí cả kinh Tân ước, không có cùng một loại thực tại mà con có thể quan niệm ngày nay khi con nghe về khái niệm thực tại.
Con thấy đó, con yêu dấu, tâm thức nhân loại đã thay đổi lớn lao trong vòng mấy ngàn năm qua theo những cách mà con người hiện đại không sao hiểu được. Và do đó khi con nhìn lại một số lời dạy trong Kinh thánh – và ngay cả trong các kinh điển khác của thế giới như kinh Veda hay kinh Phật giáo – thì một người với một tâm thức hiện đại, do đã quen lối suy nghĩ duy vật và đường thẳng, sẽ đặt lên câu hỏi: “Ủa, chuyện này có thật không?” Và khi họ hỏi như vậy thì họ cũng nhìn vào đó theo cách họ quan niệm thực tại.
Trong khi đó thì một người sống vào thời buổi đó sẽ có một quan niệm khác hơn về thực tại, nghĩa là họ không đến nỗi đường thẳng, không đến nỗi quá tập trung vào khía cạnh vật chất, và do đó họ không nhất thiết sẽ nhìn mọi chuyện một cách đen trắng, đường thẳng. Cho nên ở một mức độ nào đó, họ hiểu rằng các lời kinh dạy mang một tính chất biểu tượng, và cái lò lửa kia không nhất thiết là một lò lửa vật lý, mà nó biểu tượng cho cuộc thử lửa mà mỗi việc làm của mọi người đều được thử thách, cho dù là có thật hay không thật.
Cho nên, con yêu dấu, đó là cái đã tạo ra vấn đề – và qua đó phong trào cực chính thống (fundamentalist) hiện đại đang bị ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ hiện đại, cách tư duy đường thẳng duy vật hiện đại, nhưng họ lại không biết. Và khi họ nhìn vào Kinh thánh, nhìn vào một số lời dạy và câu văn trong đó, thì họ bảo: “À, đây nhất định phải là chuyện đã thực sự xảy ra trong thế giới vật lý, đúng y như cách CHÚNG TA hiểu bản văn Kinh thánh.” Và họ không nhận ra là con người thuở xưa không nhất thiết đã hiểu theo cùng cách như vậy.
Vì thế chẳng hạn, khi con nhìn vào trận đại hồng thủy thời Noah, con có thể nói, đúng là có một thực tế nào đó theo nghĩa là có một trận lụt đã phát sinh ra câu chuyện về con tàu của Noah. Nhưng đó không phải là loại lụt mà con quan niệm thời nay. Bởi vì, con yêu dấu, vào thuở con người nhận được lời dạy và trải nghiệm tai biến đó, thì người ta chưa có quan niệm về trái đất mà con hiện có. Họ không thấy trái đất rộng lớn như con thấy bây giờ, họ không thấy trái đất tròn, họ không biết là trên trái đất có những rặng núi cao hơn gấp bội những ngọn núi như núi Ararat mà họ quen thuộc.
Cho nên, con yêu dấu, khi con – với một tư duy hiện đại – nhìn vào trận lụt của Noah, con nói: “Chà, nếu Kinh thánh phải được hiểu theo nghĩa đen thì nhất định có nghĩa là một trận đại hồng thủy toàn cầu đã trải rộng khắp trái đất và nước lụt đã lấp cả đỉnh Everest.” Và đó là lúc con rơi vào cái khía cạnh kia của tư duy hiện đại là tư duy khoa học hoài nghi, bảo rằng: “Ái chà, làm sao chuyện này có thể xảy ra được? Khối nước khổng lồ đó từ đâu mà có?”
Con yêu dấu, con có thấy điều ta muốn nói ở đây không? Có một sự kiện vật lý đã khởi đầu cho câu chuyện nói trên, nhưng đó không phải là cùng loại biến cố mà con mường tượng với tư duy hiện đại. Nói cách khác, một huyền thoại đã được dựng lên khiến cho biến cố đó trong tư duy hiện đại trở nên to lớn hơn hẳn sự kiện thực tế.
Và đây là chuyện xảy ra với rất nhiều điều của quá khứ, con yêu dấu. Đó là tại sao ngay câu đầu, ta đã nói là quyển sách đó vừa chính xác vừa không chính xác. Bởi vì điều này thực sự tùy thuộc vào tư duy của con khi con đọc một bản văn cổ, tức là cái phin lọc mà con nhìn xuyên qua để mà diễn giải.
Con yêu dấu, quả thực là Đại thượng sư [khi thày hiện thân là Homer] đã đưa ra các lời dạy trong hai bộ sách Odyssey và Iliad. Nhưng liệu điều này có nhất thiết có nghĩa là nhân vật chính trong quyển Odyssey đã chạm trán với tất cả những sinh vật được mô tả trong sách hay không? Hay đó là một biểu tượng cho những gì anh ta đã đối mặt trong chính tâm thức của anh? Cho nên liệu con có phải khoác vào cái tư duy cho rằng nếu ngày nay con không tin những loại sinh vật như vậy có thể hiện hữu, thì bắt buộc quyển Odyssey cũng hoàn toàn hư cấu và do đó không có chút giá trị nào cho loài người hiện đại hay sao?
Và tất nhiên – một lần nữa với Kinh thánh – câu hỏi đặt ra là liệu các biến cố được kể lại trong Kinh thành có nên được diễn giải từng chữ trong nghĩa đen bởi tư duy hiện đại hay không? À, sự kiện chúng mang một ý nghĩa biểu tượng thâm sâu hơn đã không khiến chúng trở thành lỗi thời đâu con. Cho nên một lần nữa, con đừng bám mắc vào những cách diễn giải đó, bởi vì như chúng tôi đã bày tỏ qua các lời dạy hiện đại, có rất nhiều điều hơn nữa cần được con người thấu hiểu. Và như con sẽ thấy qua cuốn sách của thày Maitreya [Master keys to spiritual freedon – Bí quyết của tự do tâm linh], có một cách hiểu về kinh Sáng thế sâu xa hơn hẳn cách diễn giải thông thường theo nghĩa đen.
Như vậy ta cũng muốn tạo ấn tượng trong con là các giáo lý tâm linh có nhiều cách diễn giải. Điều này không có nghĩa là có một cách đúng và mọi cách khác bắt buộc phải sai. Đây lại là một hệ quả khác của tư duy hiện đại, qua đó dựa trên cách suy nghĩ khoa học, con tin rằng mỗi câu hỏi đặt ra chỉ có một câu trả lời duy nhất, hay mỗi sự đo đạc khoa học chỉ có một kết quả đúng đắn duy nhất. Ấy nhưng ta nói vói con, có một tầng mức tâm thức chỉ biết đến số lượng, và đó chính là tầng tâm thức mà khoa học thời nay đang bị kẹt vào. Đó là lý do tại sao người ta muốn đo đạc và định lượng mọi chuyện.
Nhưng vượt trên tầng mức của thực tại có thể được đo lường, còn có một tầng mức thâm sâu hơn nơi con không thể định lượng bằng cách đo đạc, bằng cách chia ra thành từng đơn vị nhỏ, bởi vì thực tại không hề đường thẳng. Cho nên để hiểu và tiếp cận với tầng mức thực tại thâm sâu đó, con phải sẵn lòng vượt quá cái tư duy trí thức, phân tích, cứ muốn đo lường mọi chuyện rồi dán nhãn lên mọi chuyện.
Điều thực sự quan trọng không phải là liệu một bản văn tâm linh có chính xác hay có diễn ra đúng như mô tả hay không. Điều thực sự quan trọng là con sử dụng câu chuyện đó để kích hoạt một trải nghiệm nội tâm sẽ giúp con thăng vượt một mức tâm thức nào đó. Kinh sách và văn bản tâm linh không được thảo ra để cống hiến một số thông tin trí thức, đường thẳng, hay một số dữ kiện nào đó. Chúng được viết ra để giúp con người thăng vượt một mức tâm thức. Không một ai trong thế giới hiện đại đã hoàn toàn thoát khỏi trạng thái tâm thức thần thoại, cho nên mọi người đều có thể tìm thấy lợi ích trong việc đọc các bản văn cổ và sử dụng bản văn để làm bàn đạp cho những khám phá trực giác.
Cho nên, con yêu dấu, ta cũng biết là ta đã không trả lời câu hỏi của con một cách đường thẳng, nhưng ta tin tưởng trả lời như vậy cũng là đủ rồi.