Bài truyền đọc của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, ngày 7 tháng 1 năm 2023. Bài truyền đọc này được trao truyền nhân hội nghị mừng Năm mới 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn.
TA LÀ Chân sư Thăng Thiên Phật Gautama. Padmasambhava và thày đã bàn bạc với nhau để xem nên trao truyền điều gì cho các con, những học trò trực tiếp của các thày, ngõ hầu giúp các con trong thời điểm cụ thể này. Các thày cũng đã xem có thể trao truyền điều gì sẽ giúp cho những ai khác có tâm cởi mở về mặt tâm linh và điều gì sẽ giúp cho cả hành tinh này nói chung. Lẽ tự nhiên, chính các con đang kết nối qua internet và cùng nhau đọc các bài chú, bài thỉnh, cũng đang giúp cho hành tinh này rất nhiều.
Bây giờ thày có thể nói gì về cuộc sống trên trái đất mà có ý nghĩa cho đại đa số mọi người? À, thày có thể nói là cuộc sống khó khăn và đầy thử thách, hay như cách đây 2500 năm, thày nói về Khổ đế – Chân lý đầu tiên của Tứ diệu đế – rằng cuộc sống là đau khổ. Có lẽ hầu hết mọi người trên trái đất đều đồng ý như vậy. Nếu con bước lui lại và đặt một câu hỏi khác: “Cuộc sống trên trái đất là gì vậy, có gì có thể so sánh với cuộc sống này không?” Vậy đây là một cách khả dĩ để nhìn vấn đề.
1.1. Cảm giác khi con bước vào đầu thai
Con cũng biết trước đây người ta có những bộ đồ lặn rất lớn, không thấm nước và khá nặng, gồm một cái mũ bảo hiểm to bằng kim loại có những lỗ nhỏ xíu để nhìn ra ngoài. Thày biết hầu hết các con tất nhiên chưa từng mặc bộ đồ lặn này, nhưng dẫu sao con cứ hình dung đang mặc một bộ đồ như vậy và cảm thấy khá gò bó. Bộ đồ vừa nặng, lại kềnh càng, ngay đơ, khó chuyển động trong đó. Tất nhiên thêm vào đó, người ta dùng một sợi dây cột con vào một vật cố định trên mặt nước, và có một cái vòi dùng để bơm không khí vào mũ bảo hiểm. Con thử hình dung chuyện gì xảy ra khi con ở dưới nước trong một bộ đồ như vậy. Bộ đồ đã khiến con cảm thấy gò bó, nhưng khi con xuống dưới nước thì áp suất của nước sẽ tác động lên thân thể con qua áp suất đè lên bộ đồ. Con càng xuống sâu thì áp suất nước càng lớn. Khi con ở trên mặt nước, ít nhất con có thể nhìn khá xa qua những lỗ nhỏ trên mũ bảo hiểm, nhưng một khi con đã xuống nước, con không thể nhìn xa lắm vì còn tùy thuộc vào độ trong của nước. Bây giờ con hãy hình dung để có thể xuống sâu hơn, con cần phải đeo những vật nặng. Con có thể cần đôi giày lặn thật nặng, hoặc chì lặn đeo ở thắt lưng để có thể chìm xuống đáy. Đó, tình trạng này giống như khi một sinh thể tâm linh, một sinh thể phi vật chất – còn gọi là hồn hay bất cứ tên gì con muốn gọi – bước vào hiện thân vật lý.
Con không chỉ đang mặc một bộ mà đến bốn bộ đồ lặn. Từ một sinh thể tâm linh đi xuống đầu thai, thoạt tiên con đi xuống một thể mà các thày gọi là thể bản sắc, là trụ điểm của bản sắc của con. Bản sắc mà giờ đây con có trong kiếp sống này có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường con sinh ra, bởi nền văn hoá, bởi cách mọi người nhìn chính mình và bởi cái mà các thày gọi là tâm thức tập thể. Con đã được nuôi dạy để nhận diện mình theo một cách nào đó.
Đến thể tiếp theo, bộ đồ lặn tiếp theo con mặc vào là thể lý trí, là cách con nhìn cuộc sống, cách con nhìn khía cạnh “như thế nào” của cuộc sống, khác với khía cạnh “là gì” khi con nhìn qua thể bản sắc. Thể lý trí là những điều con có khả năng hay không có khả năng thực hiện, con thực hiện bằng cách nào, và nhiều cách vi tế con nhìn cuộc đời cũng như cách con quy định con là loại người thế nào, những chọn lựa, những tùy chọn của con là gì.
Nhờ trí thể mà con có khả năng tranh luận đồng tình hay bác bỏ một quan điểm nào đó. Con có thể thấy thể lý trí của những người khác nhau có thể suy ra những kết luận rất khác nhau. Thậm chí người ta có thể nhìn vào cùng một ý tưởng, cùng một bằng chứng, nhưng có người đi đến kết luận là không có Thượng đế, không có gì bên ngoài vũ trụ vật chất. Nhưng người khác lại kết luận là phải có cái gì vượt ngoài vũ trụ vật chất, và tất nhiên còn vô số những câu hỏi khác mà người ta có thể tranh cãi. Đây là điều diễn ra chủ yếu trong trí thể, nhưng dĩ nhiên nó bắt đầu ở bản sắc thể, vì có người lớn lên đã chấp nhận bản sắc mình là người sùng đạo, trong khi người khác lại xem mình là kẻ vô thần hay khoác vào đủ loại bản sắc khác nữa.
Thể thứ ba con mặc vào tất nhiên là thể tình cảm, là trụ điểm của những cảm xúc của con. Một lần nữa tùy vào nơi con lớn lên, con đã được nuôi dạy để khoác vào một số khuôn nếp quy định cách phản ứng của mọi người trong nền văn hóa của con đối với một số tình huống nhất định. Có người rất thụ động, họ có xu hướng phục tùng kẻ có thẩm quyền, họ không muốn lấy quyết định, họ có cảm giác mình không được quyền đòi hỏi. Có người lại hung hãn hơn, cảm thấy mình có quyền yêu cầu hay ngay cả áp đặt ý muốn lên người khác. Có người cảm thấy mình có quyền nổi giận, có người cảm thấy mình phải đè nén cảm xúc, không được giận dữ hay bộc lộ bất kỳ cảm xúc nào khác. Một lần nữa, con thấy có vô số phản ứng.
Và cuối cùng tất nhiên là thể vật lý, đây là thể gò bó nhất trong bốn thể vì nó dày đặc nhất. Con có thể thấy một sinh thể phi vật chất đi vào bốn thể này bị gò ép khủng khiếp. Đây chỉ là bốn thể con khoác vào trong kiếp này để có thể đầu thai. Dĩ nhiên đạo Phật và nhiều triết lý tâm linh khắp thế giới công nhận sự đầu thai. Con không chỉ đem vào kiếp sống này nền văn hóa nơi con lớn lên mà con còn đem theo các khuôn nếp bản sắc, lý trí, tình cảm từ những kiếp trước. Và ở đây ít nhất con có thể nói rằng cơ thể vật lý là một thân mới mỗi lần con đầu thai, nhưng vẫn có một số khuôn nếp từ quá khứ định đoạt cơ thể vật lý của con sẽ như thế nào trong kiếp này, sẽ vận hành ra sao, và thậm chí có xu hướng mang bệnh tật gì.
Con thấy là khi con bước lùi lại và nhìn cuộc sống, con có thể nhận thấy một khi con ở bên trong bốn thể này, bốn bộ đồ lặn này, và một khi con đã lặn xuống dưới nước tức tâm thức tập thể hay trường năng lượng của trái đất, thì con không thể không cảm thấy bị gò ép. Đơn giản là không thể khác được. Con không thể đầu thai trên trái đất mà không cảm thấy áp lực khổng lồ này.
1.2. Nguyên nhân thật sự của khổ đau
Đấy là ý nghĩa sâu sắc của Khổ đế, rằng cuộc sống là khổ đau. Vì vật chất dày đặc, tâm thức đại chúng dày đặc, vì những xung đột liên tục giữa người với người, nên cuộc sống trên một hành tinh như trái đất chính là khổ đau. Con không thể thoát khỏi khổ đau bởi vì đây là môi trường con sinh sống. Vậy thì con có thể làm gì? À, dĩ nhiên con có thể làm nhiều việc và các thày cũng đã trao truyền nhiều giáo lý, nhưng chúng ta hãy tập trung vào Tập đế – Chân lý thứ nhì của Tứ diệu đế. Đau khổ xuất phát từ cái thường được dịch là ham muốn sai lầm. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu sắc hơn, hiểu biết cao hơn, là không có “sai” ngược lại với “đúng”.
Có một loại ham muốn đặc thù gây ra khổ đau, và tất nhiên điều này có thể giảng giải ở nhiều mức hiểu khác nhau. Ở đây thày không đang tìm cách bác bỏ cách phần lớn Phật tử đã diễn giải giáo lý của Phật trong suốt 2500 năm qua. Thày không cố nói là họ đã diễn giải sai. Nhưng con thấy đó, không chỉ trong đạo Phật mà trong hầu hết các tôn giáo khác và ngay cả trong các triết lý phi tôn giáo trên hành tinh này, con người có xu hướng định nghĩa cái đúng như là đối nghịch của cái sai.
Đây lẽ tất nhiên là bản chất của tâm thức nhị nguyên. Có hai đối cực, nhưng chúng không chỉ đối lập như trắng với đen chẳng hạn. Có một sự phán xét giá trị được gán ghép lên hai đối cực này, và điều này có nghĩa là người ta thấy một cực đúng và cực kia sai. Tương tự như vậy, nhiều Phật tử xuyên qua các thời đại đã nhìn những ham muốn theo cách này và đã tìm cách quy định bên này là những ham muốn sai mà Phật nói tới, và bên kia là những ham muốn đúng mà Phật nói tới. Nhưng cùng lắm, đây cũng chỉ là một mức hiểu nông cạn.
Cũng có thể nói, đây không phải là ý Phật muốn nói. Đây không phải là điều thày đã nói 2500 năm về trước vì thày đã trao truyền giáo lý về các “cặp đôi” trong kinh Pháp cú. Khi con nói đúng-sai, con đã tạo ra một cặp và chính điều này khiến con rơi vào bẫy của tâm thức nhị nguyên. Thật sự trạng thái tâm thức nhị nguyên này mới là nguyên nhân của khổ đau. Thày đang nói là con không thể đầu thai trên một hành tinh như trái đất mà không cảm thấy áp lực, nhưng áp lực đó là vì tâm thức đại chúng trên trái đất bị chi phối rất mạnh bởi nhị nguyên, bởi các cặp, bởi những đối cực nhị nguyên, bởi những phán xét giá trị: tốt xấu, đúng sai, vân vân.
Nhiều người trên thế giới sẽ không thể nắm bắt được điều này. Họ sẽ không thể nắm bắt nhị nguyên. Đây là lý do tại sao các thày tâm linh luôn phải đối mặt với một số giới hạn. Trở lại với hình ảnh một người mặc bộ đồ lặn, chúng ta có thể nói là con người trên trái đất cũng đang mặc một bộ đồ lặn nặng trịch như vậy, họ đang bị tất cả mọi thứ trì kéo xuống, vì vậy mà họ đang ở tận dưới đáy. Điều gì đang kéo họ xuống? Ấy, đó là cơ thể vật lý của họ, các khuôn nếp cảm xúc của họ, các tin tưởng lý trí của họ hay những con bò thiêng trong trí thể của họ, và ngay cả ý niệm bản sắc của họ. Chính những nội dung trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể là chì lặn của con, chúng kéo con xuống tận đáy đại dương.
1.3. Thách thức đặt ra cho các thày tâm linh
Giờ đây chúng ta thấy con người trên trái đất, họ đang ở trong bộ đồ bốn thể phàm rất gò bó đang trì kéo họ xuống đáy đại dương. Tùy vào độ trong của nước nơi họ sống, họ chỉ nhìn được bao xa. Nhưng là thày tâm linh, các thày đã giải phóng mình khỏi sức nặng này, giải phóng mình khỏi các bộ đồ lặn, các thày đã lên khỏi mặt nước và hòa mình vào ánh sáng mặt trời trong veo nhờ đó nhìn được rất rất xa, và giờ đây các thày đang cố gắng liên lạc với những người trong bộ đồ lặn nặng trịch kia còn ở tít dưới đáy biển và không làm sao nhìn xa hơn mũi mình ba mét.
Khi con bước lùi lại và bằng trí năng bước ra ngoài bộ đồ lặn thì con có thể nhận ra vấn đề. Các thày, những vị thày tâm linh, đang trải nghiệm một thực tại hoàn toàn khác với những gì hầu hết mọi người trải nghiệm ở đáy biển. Các thày đang nỗ lực cho mọi người biết có một chọn lựa khác hơn những gì các con đang kinh qua. Có một góc nhìn khác, một cách khác để nhìn cuộc sống, và các thày đang cố truyền đạt là trước tiên, con nên mong muốn có được tầm nhìn rộng lớn hơn này. Các thày cũng cố nói là mặc dù con không thể đạt được tầm nhìn trọn vẹn như các thày ở ngoài hiện thân, nhưng con có khả năng đạt được tối thiểu một tầm nhìn rộng hơn trong khi còn đang đầu thai.
Nhưng liệu có bao nhiêu người có khả năng trụ vững vào đó? Có bao nhiêu người nắm được có một cách nhìn đời khác với cách họ đã được dạy dỗ trong kiếp này, khác với những điều họ đã khoác vào trong nhiều kiếp trước? Bao nhiêu người có thể nắm bắt được điều này?
Điều đã xảy ra với triết lý đạo Phật và nhiều giáo lý tâm linh hay tôn giáo khác, là tất nhiên các triết lý này được trao truyền từ một tầm nhìn cao hơn, một tầm nhìn rộng hơn so với hầu hết mọi người trên trái đất. Nhưng con người thì không thể nâng tâm thức mình lên để có tầm nhìn này, và tất nhiên một vị thày tâm linh không mong đợi như vậy. Nếu là một vị thày tâm linh, con mong đợi mọi người sẽ theo con đường tuần tự từ mức nhận biết hiện thời, tầm nhìn hiện thời của họ, rồi từng bước một mở rộng sự nhận biết, mở rộng tầm nhìn và ít ra cũng đến gần hơn với tầm nhìn của vị thày. Tuy vậy, điều không thể tránh xảy ra và đã xảy ra với tất cả các tôn giáo và các triết lý tâm linh, là có những người bị thu hút bởi triết lý và vì vậy họ phải – và họ không thể làm được gì khác – tiếp cận triết lý này ở tầng nhận thức hiện thời của họ. Có nghĩa không thể tránh việc họ phóng chiếu điều gì đó lên giáo lý tâm linh. Cũng có thể nói, vì họ tiếp cận giáo lý từ bên ngoài cho nên để giáo lý tới được tâm ý thức của họ, nó phải đi qua phin lọc của cảm thể, trí thể và bản sắc thể, thậm chí qua cả thể vật lý và bộ não của họ.
Con có thể nói con đang mặc bốn bộ đồ lặn và ở ngay chính giữa những bộ đồ này là con, tức cốt lõi của bản thể con như một sinh thể tự nhận biết. Nhưng con không thể nhìn thế giới một cách trực tiếp như nó là, con chỉ có thể thấy qua bốn bộ đồ lặn, tức bốn thể phàm tạo thành một phin lọc. Vì thế một lời dạy tâm linh là một xung lực đến với con từ bên ngoài, và để có thể chạm được con như một sinh thể có nhận biết, một sinh thể có khả năng suy nghĩ, khả năng đưa ra quyết định, thì lời dạy này phải đi qua phin lọc của bốn thể, tức bốn tầng của tâm.
1.4. Làm thế nào một giáo lý tâm linh có hiệu quả được?
Tùy vào những gì có mặt trong bốn thể của con trước khi giáo lý tâm linh chạm được con, những thứ này sẽ lọc lựa và pha màu giáo lý. Câu hỏi là: “Làm thế nào một giáo lý tâm linh có hiệu quả được?” À, nó chỉ có thể hiệu quả nếu con, cái ta mà con là, hiểu được cách vận hành cơ yếu của một giáo lý. Vậy mục đích trao truyền một giáo lý tâm linh là gì? Mục đích là cho con thấy có một cách vượt ngoài tâm con, con thấy con có khả năng vượt khỏi tầm nhìn hiện tại của con, mức nhận thức hiện nay của con, và giáo lý này nhằm cho con một công cụ để đi muốt chặng đường này, là quá trình vượt khỏi nhận thức hiện nay của con về thế giới, phin lọc nhận thức hiện nay của con, cách nhìn đời hiện nay của con.
Nếu một người không hiểu điều này thì chuyện gì sẽ xảy ra? À, họ sẽ nắm lấy giáo lý rồi áp chồng lên đó những gì họ đang có trong ba thể cao của họ. Họ sẽ chồng lên giáo lý các khuôn nếp cảm xúc, khuôn nếp lý trí và một ý niệm bản sắc nào đó. Một hệ quả tiêu biểu của sự thể này là có nhiều người trên thế giới khao khát cảm thấy cao trội hơn người. Họ thường chụp lấy một giáo lý và dùng bất kỳ lời dạy nào trong đó để xây dựng một lớp phủ lên giáo lý, để khiến cho những ai theo giáo lý này, những ai sống theo đủ bộ các yêu cầu vỏ ngoài này, những ai tuân thủ các quy tắc và công phu tu tập, cảm thấy như thể mình cao trội hơn những kẻ không theo giáo lý.
Con thấy trong hầu hết mọi tôn giáo trên trái đất đều có những người cảm thấy họ cao trội hơn kẻ ngoại đạo. Rất rất nhiều Phật tử cảm thấy như vậy. Tất nhiên nhiều người Cơ đốc giáo, người theo Ấn giáo, Hồi giáo, hay bất cứ tôn giáo nào khác cũng có cảm nhận như vậy. Và đây chỉ là một ví dụ cho thấy, khi con không nắm được cách vận hành cơ yếu của một giáo lý tâm linh thì con sẽ áp chồng lên đó những nội dung của tâm tình cảm, lý trí và bản sắc của mình ở mức tiềm thức. Trong cốt lõi, con đang kéo giáo lý vào bộ đồ lặn của con.
Thày đã nói khi con mặc một trong những bộ đồ lặn này, con cần một cái vòi bơm không khí vào mũ bảo hiểm, nhưng con cũng có một sợi dây cột con với mặt nước phía trên. Một giáo lý tâm linh là gì? À, giáo lý là sợi dây. Câu hỏi là con định làm gì với sợi dây đó? Con có thể thấy rất rất nhiều người khắp thế giới không hề biết là có sợi dây này. Họ đơn giản chỉ lang thang ở đáy biển tìm kiếm một thứ gì đấy với tầm nhìn rất hạn hẹp. Nhưng với những ai đã tìm thấy một giáo lý tâm linh thì họ nhận ra: “Ồ, đây là sợi dây tôi có thể nắm lấy.” Nhưng câu hỏi giờ đây là liệu họ có hiểu mục đích của sợi dây không? Liệu họ sẽ nói: “Ô, chắc phải có gì đó ở cuối sợi dây này, và nếu tôi lần theo nó mà leo lên thì liệu tôi có tìm thấy gì đó ở đầu bên kia không?”
Và dĩ nhiên đây là mục đích của sợi dây. Con lần theo dây để leo lên, nhưng những ai không hiểu cách vận hành cơ yếu của một giáo lý tâm linh sẽ làm chuyện khác. Họ sẽ kéo sợi dây về phía họ cho đến khi cả sợi dây rơi xuống tầng cấp của họ, rồi họ quấn sợi dây xung quanh mình để giờ đây sau khi tiếp cận một giáo lý tâm linh hay một tôn giáo, họ lại càng bị bó chặt hơn trong bộ đồ lặn ban đầu. Sợi dây đáng lẽ dùng để giải thoát họ, nay lại được họ dùng để quấn chặt hơn nữa xung quanh người họ, bởi vì giờ đây tất cả những ý tưởng về một người Phật tử, một tín đồ Hồi giáo hay một tín đồ Cơ đốc giáo cần phải hành xử ra sao, phải cảm thấy thế nào, phải suy nghĩ kiểu gì hay xác định mình là ai, khiến họ gần như không thể nhúc nhích.
1.5. Mong muốn thoát khỏi áp lực
Đây là tình trạng trên trái đất và điều này đưa chúng ta quay trở lại với những mong muốn đúng đắn. Mong muốn sai lầm gây khổ đau, vì vậy những ai kéo sợi dây về phía mình sẽ suy luận rằng nếu họ xác định được mong muốn nào là đúng và trau dồi những mong muốn này thì chắc chắn họ sẽ thoát khổ. Nhưng làm vậy sẽ không đem lại kết quả. Rất rất nhiều người, không chỉ các Phật tử mà cả những người theo các tôn giáo hay giáo lý tâm linh khác, đã chứng minh là điều này không đem lại kết quả, nhưng con không thể giải thích được cho họ khi họ không hiểu được mục đích của một giáo lý là để giúp họ thấy một điều gì mà hiện giờ họ không thể thấy, giúp họ thấy một điều gì vượt ngoài trạng thái tâm hiện nay của họ.
Sự khác biệt giữa người giác ngộ và chưa giác ngộ là gì? Chỉ khác một điều duy nhất, đó là trạng thái tâm. Để đi về phía giác ngộ – và Bát chánh đạo được định nghĩa là một quá trình đi về phía giác ngộ – con phải bắt đầu ở tầng mức của mình. Con không thể nhảy một bước vĩ đại, hay ít ra hầu hết mọi người không thể nhảy một bước vĩ đại. Bát chánh đạo là một quá trình tuần tự, đi từng bước có hệ thống, qua đó một người có thể tiến đến giác ngộ. Có nhiều điều cần nói về đề tài này và thày sẽ trở lại sau. Nhưng điều căn bản của Bát chánh đạo là có một quá trình dẫn con đi từ nơi này đến nơi kia.
Nơi kia là gì? Ấy, đó là nơi, như thày đã nói, con giải phóng chính mình khỏi tầm nhìn hạn hẹp hiện nay và đạt được viễn kiến rộng hơn, một trạng thái tâm khác hơn. Hay nói cách khác từ một nhãn quan cụ thể, sự khác biệt giữa người chưa giác ngộ và người đã giác ngộ là mức nhận biết. Và con có thể định ra một con đường tuần tự đưa con từ mức nhận biết hiện thời lên đến những mức nhận biết ngày càng cao hơn, cho đến khi con đạt đến trạng thái tự do khỏi hầu hết các giới hạn chung của con người.
Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể định nghĩa điều gây ra đau khổ là những mong muốn, nhưng đó là loại mong muốn nào? Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn. Hầu hết mọi người đều cảm thấy bị hạn chế vì tất cả đều đang mặc bộ đồ lặn. Mọi người cảm thấy bị cản trở bởi một loạt các giới hạn đối với những gì mình có thể làm hay không thể làm. Họ thường cảm thấy là hoàn cảnh bắt buộc họ phải làm nhiều chuyện.
Ở tầng cấp cơ bản nhất, con phải nuôi sống cơ thể vật lý. Và nếu con không phải là Thái tử Tất đạt đa lớn lên trong cung điện xa hoa được cung cấp mọi thứ cần thiết, thường thường con sẽ phải làm lụng vất vả để nuôi sống cơ thể vật lý, thì ngay ở điểm này nhiều người cảm thấy bị áp lực. Nhưng cũng có nhiều thứ khác mà con người cảm thấy bắt buộc phải làm. Nhiều áp lực đè nặng lên cảm thể. Nhiều khuôn nếp trong tâm lý trí khiến người ta cảm thấy bó buộc phải đương đầu với một số ý tưởng nào đó. Và tất nhiên nơi bản sắc thể, con bị áp lực phải xem mình thuộc thành phần của nhóm người này hay nhóm người kia. Và có lẽ ngay cả khi con thuộc về nhóm này thì cũng có nghĩa con phải chống lại nhóm kia, con phải đánh nhau với họ, tranh đấu với họ. Có thể nói là nhiều người cảm thấy bị áp lực không ngừng. Vậy họ mong muốn điều gì? Họ khao khát điều gì? À, họ mong muốn rũ bỏ áp lực, hay ít nhất tìm cách giảm nhẹ áp lực. Con có rất rất nhiều mong muốn liên quan đến những áp lực mà ai ai cũng đều cảm thấy trong hoàn cảnh hiện tại của mình, dù áp lực đó là gì tùy theo nơi mình lớn lên.
Con có một loạt những mong muốn, con muốn thoát khỏi một số giới hạn, con muốn giảm bớt một số áp lực. Câu hỏi là: “Những mong muốn như vậy có thể nào toại nguyện được không?” Và câu trả lời tất nhiên là: có và không. Nhiều người đã giảm bớt được phần nào áp lực đời sống. Chẳng hạn có nhiều người ở một số nơi trên thế giới được đi học, có công ăn việc làm với thu nhập ổn định đều đặn, nên họ không phải lo lắng về các nhu cầu cuộc sống. Những nhu cầu này đã được chu toàn, nhưng có nghĩa chăng là họ đã tự do khỏi áp lực? Họ đã thoát khỏi một số áp lực nhưng chắc chắn nhiều người vẫn bị đè nặng bởi những áp lực khác.
Nhìn chung, con thấy con có thể tự do phần nào khỏi một số áp lực của cuộc sống, nhưng thật là vô cùng khó khăn để tự do khỏi tất cả mọi áp lực. Tại sao lại như vậy? Ấy, đó là vì con đang tìm kiếm tự do khỏi áp lực, nhưng áp lực này nằm ở đâu? Con trải nghiệm áp lực này ở đâu? Có thể con sẽ nói: “Tôi đang mặc bộ đồ lặn này ở dưới nước và sức nặng của nước tạo một áp lực lên tôi, chính việc tôi đang đầu thai trên một hành tinh dày đặc như trái đất cùng với tâm thức tập thể cũng dày đặc khiến cho một áp lực bên ngoài tác động lên tôi.” Cũng đúng, quả là có một áp lực bên ngoài.
1.6. Cái hiểu cốt yếu trong một giáo lý tâm linh
Nhưng cái hiểu cốt yếu trong một giáo lý tâm linh là có sự khác biệt giữa áp lực bên ngoài và việc trải nghiệm áp lực này bên trong. Một lần nữa, suốt các thời đại nhiều người đã không nắm được điểm này. Họ đã học một giáo lý tâm linh truyền đạt những ý tưởng này dưới một dạng thích hợp với thời đại và nền văn hóa nơi các ý này được trao truyền. Nhưng họ đã không nắm được sự khác biệt giữa áp lực bên ngoài và việc trải nghiệm áp lực này bên trong. Có nghĩa là gì?
Đây, con đang cảm nhận áp lực từ thế giới. Xong con tìm thấy một giáo lý tâm linh, và một lần nữa đây lại là một trong những tình thế khó xử cho các vị thày tâm linh. Các thày đã vượt lên trên áp lực. Các thày không có cảm giác áp lực. Các thày trải nghiệm quá nhiều tự do hơn, quá nhiều hỉ lạc hơn chính vì không cảm thấy áp lực đó. Các thày thấy rõ áp lực con đang hứng chịu. Nhưng các thày cũng thấy nhiều người bị áp lực đè nặng đến độ họ không thể nghĩ xa được. Các thày cần cho họ một chút động lực để ít ra còn khích lệ họ học giáo lý tâm linh đang được trao truyền, cũng như tham gia vào quá trình theo học và áp dụng giáo lý.
Điều gì sẽ thúc đẩy được những người đang chịu áp lực to lớn như vậy? Ấy, đó là họ muốn thoát khỏi áp lực. Một giáo lý tâm linh phải ngầm cam kết là con có thể được giải thoát khỏi áp lực. Tất nhiên lời cam kết này đúng sự thật – và đồng thời nó cũng không thật. Vì nếu con lấy một giáo lý tâm linh, và như thày đã nói, con kéo sợi dây xuống rồi con quấn nó quanh mình, thì cam kết này không thật vì giáo lý sẽ không giúp con được tự do khỏi áp lực. Tại sao vậy? Là vì áp lực mà con trải nghiệm không đến từ bên ngoài.
Thày đã nói gì trước đó? Bất kỳ xung lực nào phóng tới con đều phải đi xuyên qua cảm thể, trí thể và bản sắc thể trước khi chạm được vào con, tức sinh thể có ý thức bên trong bốn bộ đồ lặn. Áp lực cũng giống như vậy. Có một áp lực từ thế giới ngoài kia, từ tâm thức đại chúng. Không thể chối cãi điều này. Thày không hề nói là không có áp lực nào lên con. Nhưng việc trải nghiệm áp lực này diễn ra trong tâm con, và vấn đề là con có những khuôn nếp cảm xúc gì, những tư tưởng gì, niềm tin gì và ý niệm bản sắc gì. Đây là những thứ tạo ra trải nghiệm áp lực cho con. Áp lực có đó, nhưng chính việc con trải nghiệm áp lực như thế nào mới tác động đến con.
1.7. Làm thế nào sử dụng một giáo lý tâm linh
Một lần nữa, con đang ở đây, con đang đầu thai trên một hành tinh rất khó khăn. Con tìm ra một giáo lý tâm linh. Vậy làm sao con sử dụng giáo lý này? Giả dụ như mục tiêu của con là giảm bớt phần nào áp lực mà con đang cảm thấy. Và bấy giờ con nói: “Đây là giáo lý đã hứa tôi có thể tìm thấy tâm an bình, hay giác ngộ, hay niết bàn.” Nhưng làm sao điều này xảy ra? Có phải bằng cách tìm ra một giáo lý tâm linh nào đó rồi quyết định theo học, thì con có thể loại bỏ những áp lực bên ngoài đang đè nặng lên con không? À tất nhiên là không. Bởi vì áp lực bên ngoài một phần do độ dày đặc của vật chất, phần còn lại do độ dày đặc của tâm thức đại chúng dính liền với tất cả mọi người trên hành tinh này.
Làm sao việc con tìm ra và đi theo một giáo lý tâm linh có thể thay đổi được điều kiện bên ngoài đó? Làm sao con thay đổi được độ dày đặc của vật chất và tâm thức đại chúng khi con ngồi trong một tu viện Phật giáo, chân xếp bằng, tụng niệm hay nghiên cứu kinh điển? Một giáo lý tâm linh được trao truyền từ những sinh thể đã tự do khỏi áp lực, khỏi bộ đồ lặn, chưa bao giờ đưa ra những cam kết như vậy. Những ai đã đạt được tự do sẽ không bao giờ cam kết như vậy. Chọn lựa còn lại là gì? Đó là việc đi theo một giáo lý tâm linh sẽ không loại bỏ được áp lực, nhưng nó sẽ thay đổi cách con trải nghiệm áp lực. Một giáo lý tâm linh không thể làm gì khác. Nó chỉ có thể thay đổi kinh nghiệm bên trong của con, nó không thể thay đổi hoàn cảnh bên ngoài.
Dĩ nhiên đây là một lời phát biểu cần được giải thích thêm vì mọi sự đều là sự trải bày của lý duyên khởi mà thày sẽ trình bày sau. Và do đó, bằng cách thay đổi tâm thức của mình thì hoàn cảnh bên ngoài cũng sẽ thay đổi. Nhưng ngay bây giờ, chúng ta cần nhận ra là cho dù con có thay đổi tâm thức nhiều thế nào đi nữa, con cũng sẽ không thay đổi được nền tảng cơ bản của vật chất dày đặc và tâm thức đại chúng dày đặc. Con không thể mong thay đổi toàn bộ áp lực này. Nhưng bằng việc đi theo một giáo lý tâm linh, con có thể mong thay đổi cách mà áp lực này ảnh hưởng đến con, cách con trải nghiệm cuộc sống trên trái đất. Và đây là cốt lõi của bất kỳ giáo lý tâm linh nào. Đây là sự thật của bất kỳ giáo lý tâm linh nào. Mục tiêu chủ yếu của bất kỳ giáo lý tâm linh nào là giúp con nhận diện cái chì lặn đang trì kéo bộ đồ lặn của con ở những tầng tình cảm, lý trí và bản sắc, giúp con thấy những chì lặn này, đem chúng vào nhận biết ý thức và nói: “Tôi có muốn tiếp tục kéo lê những thứ này với tôi không?” Và nếu con trả lời “không” thì con buông chúng ra.
1.8. Mong muốn bất khả thi
Thế nào là mong muốn mang tính xây dựng và mong muốn không mang tính xây dựng? Ấy, mong muốn dựa trên tầng nhận biết hiện tại của con và mong muốn thoát khỏi áp lực con đang cảm thấy, là một mong muốn không mang tính xây dựng vì nó trói buộc con vào tầng nhận biết hiện tại. Mong muốn này đi ngược lại hướng tăng triển vươn lên những tầng nhận biết cao hơn. Làm sao có thể khác được? Chừng nào con còn chì lặn trong bộ đồ lặn, trong cái đai của bộ đồ lặn, thì chúng sẽ kéo con xuống do tác động của trọng lực. Trọng lực của tâm thức đại chúng sẽ kéo con xuống. Không có cách nào khác, đơn giản đây là vật lý học cơ bản, là định luật cơ bản của tự nhiên. Duy có điều đây là vật lý học vượt khỏi tầng cấp vật chất nhưng bao gồm mọi tầng của thế giới vật chất là tình cảm, lý trí và bản sắc.
Những gì giống nhau sẽ thu hút nhau. Có một trọng lực, và lực này sẽ thu hút mọi thứ con đang có trong tâm tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Không có cách nào khác. Hầu hết mọi người khi lần đầu tiên tìm thấy một giáo lý tâm linh thì họ mong muốn làm gì? Họ mong muốn thoát khỏi áp lực bằng cách dùng những thành phần sẵn có trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể. Hay nói cách khác, thày đã nói gì chứ? Trải nghiệm áp lực của con được định đoạt bởi những gì có mặt trong ba thể của con, ba tầng của tâm con. Chính những nội dung này khiến con trải nghiệm áp lực theo cách con đang trải nghiệm.
Giờ đây con tìm ra một giáo lý tâm linh hứa rằng con có thể thoát khỏi áp lực này. Và con nghĩ chỉ cần học giáo lý vỏ ngoài và thực hành vỏ ngoài là con có thể thoát khỏi áp lực mà không cần làm việc với nội dung trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể. Hay nói cách khác, con có thể thoát khỏi trải nghiệm mà không cần làm bất cứ gì với chính những điều kiện đã tạo ra trải nghiệm đó.
Điều này không thể làm được, chưa bao giờ làm được. Không có đường tắt nào sẽ giúp con làm được. Đó là một mong muốn bất khả thi. Vì vậy từ một nhãn quan nào đó, chúng ta có thể nói đây là một mong muốn sai lầm. Chắc chắn đây là ý thày muốn nói trong lời dạy 2500 năm về trước. Con phải trong lọc mong muốn của con để không chờ đợi những kiểu đường tắt nhằm thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi áp lực, nhưng lại không chịu xem xét bản thân mình và tâm của mình. Nhìn ra những điều kiện trong tâm đang tạo ra trải nghiệm áp lực nơi con – đây là cách thực tế duy nhất để nhìn một giáo lý tâm linh.
1.9. Nhu cầu duy trì sự liên tục
Bây giờ điều gì ngăn cản con người nắm bắt được sự thật đó, là điều mà Tập đế, Chân lý thứ nhì, muốn nói lên về các mong muốn? Ấy, đó là nội dung của Diệt đế – Chân lý thứ ba của Tứ đế – là các dính mắc. Mọi người đều có một nhu cầu thường không được xã hội, hay ngay cả ngành tâm lý hiện đại công nhận. Chúng ta có thể gọi đó là nhu cầu an toàn, nhu cầu bình an, nhưng sẽ xây dựng hơn nếu gọi đó là nhu cầu duy trì sự liên tục.
Nhu cầu này phát xuất từ phản ứng của con đối với áp lực, những áp lực bên ngoài. Nếu con nhìn từ một nhãn quan nào đó, con có thể nói tất cả nhân loại đều có khả năng bị cái gọi là suy sụp tinh thần. Ngày càng có nhiều người đang phải chịu khủng hoảng tinh thần, ngay cả những người trong thế giới hiện đại không gặp khó khăn vật chất. Mọi việc trở nên quá sức, quá tải, và họ không thể đương đầu với cuộc sống. Họ không thể sinh hoạt theo một cách được xem là bình thường trong xã hội. Đằng sau tình trạng này là gì? À, đằng sau đó là một sự việc rất đơn giản, con sống trên một hành tinh nơi con phải tiếp xúc với một áp lực quá lớn ở thể vật lý, thể tình cảm, thể lý trí, thể bản sắc đến mức không ai có thể đương nổi.
Con không thể sống sót về mặt tinh thần, tâm lý, dưới áp lực của hành tinh này nếu con không tìm ra cách bảo vệ mình trước áp lực. Hay nói cách khác, áp lực quá lớn đến mức không chịu nổi. Vậy tại sao nhiều người vẫn tìm được cách sống tương đối bình thường? Là vì con cũng có khả năng phần nào dẹp bỏ áp lực. Đây là điều thày muốn nói khi đề cập đến một số thành phần trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể hoạt động như một phin lọc giữa con và thế giới xung quanh. Con dựng lên các phin lọc này để có thể bóp nghẹt, kìm nén một số cảm xúc, kìm nén một số ý nghĩ, kìm nén một số áp lực ở bản sắc của con, và nhờ vậy con không bị quá tải để có thể sinh hoạt.
Chúng ta có thể nói là đại đa số con người đã xây dựng một cảm giác cân bằng cho phép họ sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, việc liên tục chịu áp lực khiến luôn luôn có nguy cơ xảy ra điều gì đó phá vỡ thế cân bằng khiến người ta trở nên choáng ngợp, mọi chuyện trở nên quá sức chịu đựng. Chính cơ chế cần phải duy trì trạng thái cân bằng này là lý do khiến người ta dính mắc. Con bị dính mắc vào một số khuôn nếp cảm xúc vì mặc dù con không ý thức được điều này nhưng con vẫn cảm thấy chúng bảo vệ con khỏi những cảm xúc choáng ngợp. Các khuôn nếp lý trí cũng tương tự như vậy. Chẳng hạn có nhiều người sùng đạo rất dính mắc với một số khuôn nếp ngăn chặn họ nghi ngờ tôn giáo của họ. Đây là nguyên nhân của dính mắc.
Thày đã không thể trao truyền lời dạy này cách đây 2500 năm vì tâm thức đại chúng thời đó thấp hơn bây giờ rất nhiều, và rất ít người, hầu như không một ai hiểu được điều này. Nhờ những tiến bộ ở nhiều lĩnh vực trong thế giới hiện đại, trong ngành tâm lý học nhưng không chỉ trong ngành tâm lý học, mà giờ đây thày trao truyền được một lời dạy sâu sắc hơn. Về căn bản, chúng ta có thể nói là để sống sót về mặt tâm lý trên hành tinh này, hầu hết mọi người đều đã dựng lên những thành lũy bảo vệ mình khỏi sự quá tải. Nhưng tuyến phòng thủ này cũng ngăn con vượt ra ngoài mức nhận biết hiện thời của con. Có thể nói là bộ đồ lặn giữ cho con được khô ráo và các chì lặn giữ cho con thẳng đứng, nhưng chúng cũng giam hãm con trong bộ đồ lặn và khiến con chìm xuống tận đáy biển. Vì thế đây là một trong những nghịch lý, nan đề, bí ẩn về con đường tâm linh. Để thay đổi trải nghiệm sống hiện nay của mình, con cần xem xét chính những điều vừa bảo vệ con lại vừa giới hạn con, và đây chính là điều mà Bát chánh đạo được thiết lập để giúp đỡ mọi người. Tất nhiên, Bát chánh đạo không phải là phương pháp duy nhất. Có nhiều phương pháp giá trị khác mô tả quá trình này, nhưng nỗ lực của thày ở đây là chia nhỏ tối đa quá trình này ra và khiến nó trở nên phổ quát nhất có thể.
1.10. Hiểu mục đích của Bát chánh đạo
Chúng ta hãy tóm tắt. Khổ đau là do những áp lực con gặp phải. Từ đó con mong muốn thoát khỏi áp lực, mong muốn giảm bớt áp lực. Đây là những mong muốn sẽ không giải thoát con khỏi áp lực nếu con muốn thoát khỏi áp lực nhưng lại không nhìn vào nguyên nhân gây ra áp lực. Nguyên nhân chính là những điều kiện bên trong con, cho nên những mong muốn này không thể giải thoát con. Khi con dấn thân vào quá trình thật sự của đường tu tâm linh, dù con gọi là Bát chánh đạo hay gì khác, thì nó cũng đòi hỏi con xem xét những cơ chế một đằng sẽ bảo vệ con khỏi bị choáng ngợp bởi áp lực, nhưng đằng khác lại giữ con trong áp lực một cách vô hạn định. Con được bảo vệ bởi bộ đồ lặn, nhưng con cũng không bao giờ ra khỏi bộ đồ lặn trừ khi con chịu nhìn vào cái gì đang trì kéo con xuống.
Đây là mục đích thật sự của Bát chánh đạo. Đây không phải là một giải pháp vỏ ngoài nhằm thay đổi những điều kiện vỏ ngoài để giờ đây không còn những điều kiện gây áp lực hay đau khổ cho con. Bát chánh đạo không thiết kế một quá trình thần thông để thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Nó thiết kế một quá trình tuần tự có hệ thống để thay đổi những điều kiện bên trong con, từ đó con thay đổi cách trải nghiệm những điều kiện bên ngoài.
Đây là cốt lõi không chỉ của đạo Phật mà của mọi triết lý tâm linh mang tính xây dựng khác. Những ai nắm được điều này sẽ tiến bộ khi áp dụng Bát chánh đạo, hay bất kỳ tên gọi nào để chỉ đường tu. Những ai không nắm được thật ra sẽ chỉ dùng giáo lý tâm linh để trói mình chặt hơn vào tầng mức nhận biết hiện thời của mình. Họ sẽ chỉ củng cố phin lọc nhận thức của họ, và trong quan hệ với mọi người, họ cảm thấy mình rất đặc biệt so với những ai không theo giáo lý của mình, mình cao trội vì mình đã đạt đến mức hiểu biết cao siêu – hiểu biết trí thức – về giáo lý. Họ cũng đã thực hành miên mật quá nhiều năm đến mức họ cảm thấy chắc chắn mình đã gặt hái được vài tiến bộ.
Giờ đây chúng ta cần đặt ra một câu hỏi. Liệu có thể tìm thấy một giáo lý tâm linh có giá trị, rồi theo học và miên mật thực hành những gì giáo lý yêu cầu mà không tiến bộ chăng? Câu trả lời tất nhiên là có thể. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào ba thể. Ở cảm thể, con có những khuôn nếp cảm xúc khiến con phản ứng một cách nào đó trong một số tình huống nhất định. Đây là chì lặn con có trong cảm thể. Con có đủ loại chì lặn với đủ loại khuôn nếp phản ứng khác nhau. Đâu là cách để con được tự do và đi lên những tầng nhận biết cao hơn? Đó là nhìn vào những chì lặn này, xem xét chúng, xem tại sao con phản ứng theo cách này, đằng sau những phản ứng này là gì, là những tin tưởng gì, rồi con bỏ chúng đi một cách ý thức. Đây là cách con bỏ một cục chì lặn khỏi thắt lưng và thả nó xuống đáy đại dương. Con nhẹ hơn và do đó con dễ dàng bước thêm một bước trên con đường tuần tự.
Chúng ta cũng có thể nói là con đang chìm dưới nước trong bộ đồ lặn nhưng rồi con bắt gặp một cái thang. Con bám vào thang, và khi con ném bỏ một chì lặn thì con bước lên được một bực thang. Nhưng cho tới khi con vứt chì lặn đó đi thì con tha hồ nắm chặt lấy thang mà vẫn không bước lên được bực kế tiếp. Đây thật sự là cách tăng triển – xem xét chính mình, xem xét các khuôn nếp cảm xúc và buông bỏ chúng. Nhưng thày vừa nói gì hồi nãy? Con người chịu quá nhiều áp lực đến mức chức năng tâm lý của họ không thể hoạt động. Họ đã học cách tạo ra một cơ chế đè nén một số cảm xúc. Rất rất nhiều người, không chỉ trong đạo Phật mà cả những truyền thống tâm linh và tôn giáo khác, đã dùng giáo lý tâm linh để củng cố cơ chế đè nén một số cảm xúc.
Trong hầu hết các phong trào tâm linh, con sẽ thấy có những người đi theo phong trào từ rất lâu, họ rất chăm chỉ thực hành bất cứ pháp hành nào được quy định, họ toát ra sự điềm tĩnh khi đi đứng. Họ đi chậm rãi, cử động, nói năng theo một cách nào đó. Dường như cảm xúc của họ luôn luôn được kiểm soát, luôn phải điềm tĩnh. Nhưng trong nhiều trường hợp, đơn giản là họ đã dùng giáo lý để củng cố hoặc dựng lên những cơ chế mới nhằm đè nén cảm xúc, và điều này không đưa đến tăng triển. Có thể con sẽ nói: “Nhưng những người này đang kinh nghiệm cuộc sống khác với trước khi họ tìm ra giáo lý, vậy phải chăng họ chưa tiến bộ gì trong việc thay đổi trải nghiệm nội tâm? Thày vừa nói khía cạnh chính của cuộc sống trên trái đất là những trải nghiệm nội tâm, kinh nghiệm cuộc sống. Và những người này rõ ràng đã thay đổi.”
À đúng vậy, nhưng điều thày đang nói ở đây là có hai cách để thay đổi kinh nghiệm sống. Con có thể đè nén hay con có thể làm tan biến. Con có thể đè nén cảm xúc và đạt được một trạng thái tĩnh lặng và an bình nội tâm nào đó, nhưng điều này thật mong manh và có thể dễ dàng bị xáo trộn. Đây là lý do con thấy trong nhiều truyền thống tôn giáo và tâm linh, người ta tự cách ly và cô lập khỏi thế giới bằng cách sống trong tu viện chẳng hạn, hay trong một số cộng đồng hoặc bất kỳ nơi nào khác. Họ có thể duy trì cảm giác an bình nội tâm mong manh vì họ hiếm khi bị môi trường bên ngoài quấy rầy, họ hiếm khi bị thách thức. Điều này không dẫn con lên những bước kế tiếp trên bậc thang, và khi những điều kiện bên ngoài thay đổi thì con có thể dễ dàng bị xáo trộn.
Rất rất nhiều người, không chỉ người tâm linh mà rất nhiều người khác đã trải qua những năm tháng vừa rồi, bắt đầu với đại dịch, bây giờ là chiến tranh ở Ukraine rồi sau đó là khủng hoảng kinh tế, thì trạng thái cân bằng của họ đã bị xáo trộn. Thật là dễ hiểu. Thày đang giản dị chỉ ra là nếu trạng thái cân bằng của con có thể bị xáo trộn bởi ngoại cảnh thì có nghĩa là có điều gì đó con chưa giải quyết, và điều này xuất phát từ cơ chế thày đã mô tả. Con mang một điều gì kềm chế mà con chưa giải quyết, vì con vẫn dính mắc vào việc duy trì trạng thái cân bằng này.
1.11. Con phải sẵn lòng bị xao động
Điều này nghĩa là gì? Rất giản dị, để thật sự nắm bắt con đường tâm linh là gì, để thật sự neo trụ vào con đường này, con phải sẵn lòng bị xao động. Thày không nói là con phải sẵn lòng trải qua sự suy sụp tinh thần hay bị choáng ngợp, vì Bát chánh đạo và bất kỳ con đường tâm linh nào khác cũng được thiết kế như một con đường tuần tự. Nó sẽ đưa con lên từng nấc thang một mà không khiến con bị quá tải. Nhưng con phải chịu bị xao động một chút, và đây chính là điều mà rất rất nhiều người không nắm được tầm quan trọng.
Nếu con nhìn vào đời mình và đường tu của mình, con có thể thấy nhiều người khi lần đầu tìm thấy một giáo lý tâm linh đều có khao khát đạt được an bình nội tâm. Đây không phải là một khao khát không chính đáng, nhưng nó lại khiến cho nhiều người sử dụng giáo lý tâm linh nhằm tạo ra một số ranh giới bao quanh tâm mình, họ nghĩ họ có thể đạt được an bình nội tâm bằng cách đè nén cảm xúc thay vì nhìn vào cảm xúc và giải thể chúng, làm tan khuôn nếp của chúng.
Tại sao con phản ứng tức giận trong một số tình huống? Tức giận là một cảm xúc. Nó là một loại năng lượng, nhưng như thày đã giải thích, cảm thể là tầng thấp nhất của tâm con. Bên trên cảm thể là trí thể và trên cùng là bản sắc thể. Năng lượng chảy vào tâm từ cái ta cao của con. Đầu tiên, năng lượng đi vào bản sắc, đến lý trí, rồi đến cảm xúc. Cảm xúc của con không thể đột ngột xuất hiện trong cảm thể. Nó đến từ một số khuôn nếp tư tưởng trong trí thể và thậm chí từ một ý niệm bản sắc trong bản sắc thể. Chính điều này cho con cảm nhận cân bằng hiện thời.
Một lần nữa, thày không đang cố tìm lỗi ở đây. Con không thể làm gì khác được trên một hành tinh như trái đất. Con cần có một ý niệm bản sắc nào đó. Con cần có những khuôn nếp lý trí và cảm xúc nào đó để đối phó với ngoại cảnh. Nhưng để đi đến sáng ngộ, hay có thể gọi là một trạng thái tâm thức cao hơn, thì con phải sẵn lòng xem xét những khuôn nếp này và nói: “Tại sao tôi lại đáp trả bằng cơn giận?” À đó là vì con có một chờ đợi những gì phải xảy ra hay không được xảy ra trong hoàn cảnh bên ngoài. Chờ đợi đó đã không được đáp ứng. Nhưng thật sự không phải vì sự chờ đợi không được đáp ứng mà cơn giận nảy sinh. Đó là vì khi sự chờ đợi không được đáp ứng thì trạng thái cân bằng của con bị xáo trộn. Trạng thái cân bằng che đậy một cảm giác bất lực sâu xa, và khi cảm giác bất lực bị khuấy động thì con nổi giận. Cơn giận là phản ứng mặc định đối với cảm giác bất lực. Có người trong cơn thịnh nộ sẽ có những hành động mà họ không thường làm, và trong vài trường hợp, cơn giận giúp họ thay đổi ngoại cảnh. Trong một số trường hợp khác, cơn giận chỉ làm cho tình trạng tồi tệ hơn. Nhưng trong tất cả mọi trường hợp, cơn giận củng cố cho khuôn nếp.
Cách thực sự để thoát khỏi tình trạng này là truy về cảm giác bất lực cũng như sự chờ đợi điều này điều kia phải hay không được xảy ra. Con truy từ cảm thể lên trí thể cho đến bản sắc thể. Con có những khuôn nếp nào khiến con cảm thấy bất lực, khiến con cảm thấy điều này điều kia phải hay không được xảy ra? Đây chính là đường tu. Bát chánh đạo là xem xét những khuôn nếp trong tâm con một cách tuần tự và có hệ thống, đem chúng ra ánh sáng của nhận biết ý thức. Con thấy chúng và nói: “Tôi thấy khuôn nếp này đã bảo vệ tôi khỏi bị choáng ngợp, nhưng tại sao tôi lại có nguy cơ bị choáng ngợp? Đó là vì có một khuôn nếp sâu xa hơn quy định mối quan hệ của tôi với thế giới tôi đang sống. Tôi có một chọn lựa ở đây. Tôi có thể tiếp tục đè nén với hy vọng sự đè nén vẫn có tác dụng, nhưng như vậy thì tôi sẽ không bước tiếp lên bậc thang. Tôi sẽ không thật sự bước trên Bát chánh đạo cho dù tôi có học giáo lý bao nhiêu và thực hành bao nhiêu đi nữa. Chọn lựa kia là tôi có thể nhận chân Bát chánh đạo là gì, và tôi xem xét một cách có hệ thống các khuôn nếp của tôi, phản ứng của tôi đối với thế giới.”
Thày có đề cập đến những người đã đi theo một giáo lý tâm linh từ rất lâu và học cách đè nén cảm xúc để luôn luôn tỏ ra điềm tĩnh, tự chủ, bình an và kềm chế. Nhưng cũng có nhiều người lại dùng tâm lý trí, trí năng để học giáo lý. Và giờ đây ở tầng lý trí, họ đã củng cố những khuôn nếp cho phép họ duy trì một cảm giác cân bằng. Đây là điều con không chỉ thấy trong các giáo lý tâm linh hay tôn giáo. Quả thật con thấy rất nhiều ví dụ về những người đã dùng tâm lý trí để tạo ra một cảm giác cân bằng. Và điều này dựa vào đâu? Nó dựa vào ý niệm là họ hiểu bằng trí năng, phân tích, lý luận cách thế giới vận hành ra sao, và họ nghĩ họ nắm bắt được một số quy trình, một số định luật thiên nhiên, một số nguyên lý nào đó được Thượng đế quy định. Và vì họ hiểu những điều này nên họ nghĩ họ có khả năng kiểm soát thế giới, hay tối thiểu là kiểm soát được ngoại cảnh của họ.
Kết quả là con thấy có nhiều người đã tạo ra một quan niệm về thế giới phải vận hành thế nào, rồi họ dùng tâm lý trí tìm cách phóng chiếu quan niệm này lên vũ trụ. Và họ nghĩ họ có khả năng thu hẹp sự vận hành của vũ trụ trong vài quy tắc đơn giản để cảm thấy mình kiểm soát được thế giới. Điều họ làm là dùng giáo lý tâm linh, hay có thể một ý thức hệ chính trị như chủ nghĩa cộng sản hay ngay cả chủ nghĩa khoa học duy vật, để tạo ra một hình tư tưởng về cách vận hành của thế giới. Nhưng thày đã nói mục đích của một giáo lý tâm linh là gì chứ? Đó là giải phóng con khỏi trạng thái nhận biết hiện thời của con. Có nghĩa là giải phóng con khỏi những khuôn nếp trong trí thể của con. Và một lần nữa, những khuôn nếp này bảo vệ con khỏi bị choáng ngợp bởi những nỗi nghi ngờ chẳng hạn.
Nhiều người mộ đạo đã tạo ra những khuôn nếp loại này và nói: “Ồ, tôi không cần suy nghĩ về chuyện này. Tôi không cần suy nghĩ về bất cứ gì chất vấn giáo lý tâm linh và tôn giáo của tôi. Chuyện này không cần thiết vì tất cả đều sai, không thể nào đúng được, vì vậy tôi có thể gạt bỏ mà không cần suy nghĩ.” Điều này cho phép họ duy trì cảm giác cân bằng. Nhưng vấn đề tất nhiên là thế giới lại khá hỗn loạn. Mọi người đều có những tin tưởng khác nhau và những hệ thống tin tưởng, tôn giáo và ý thức hệ khác nữa. Sẽ luôn luôn có điều gì trong thế giới đe dọa tin tưởng của con.
1.12. Làm sao thăng vượt mức tâm thức hiện thời
Nhiều người cũng đã tạo ra cảm nhận là nếu họ theo học một giáo lý tâm linh, thực tập theo quy định, thì đảm bảo là cuối cùng họ sẽ đạt được mục tiêu. Nhiều Phật tử suốt các thời đại và cả ngày nay vẫn tin rằng: “Nếu tôi chỉ học những lời Phật dạy, chỉ chú tâm vào Phật pháp và miên mật thực hành theo quy định của giáo phái Phật giáo của mình, thì tôi đảm bảo sẽ giác ngộ hay nhập niết bàn. Đức Phật là một đạo sư đích thực và ngài đã hứa nếu tôi tu tập theo Bát chánh đạo thì tôi sẽ giác ngộ. Và vì ngài là một vị thày tâm linh chân chính nên lời hứa của ngài phải đúng sự thật.”
Thày vừa giải thích thế nào? Các thày đã phải hứa hẹn để hấp dẫn những đệ tử đang ở mức tâm thức hiện thời của họ. Nhưng con không thể chụp lấy lời hứa đó, diễn giải bằng tâm thức hiện thời của con, nghĩ ra là con phải bước theo Bát chánh đạo như thế nào rồi con bước đi với cùng tâm thức hiện thời của con, để đảm bảo là con sẽ thăng vượt tâm thức hiện thời của con. Không thể có chuyện như vậy.
Con không thể thăng vượt tâm thức hiện thời bằng cách đứng yên ở mức tâm thức hiện thời. Làm sao có thể vậy được? Cho dù con có xây dựng những ý tưởng cầu kỳ đến đâu chăng nữa, chúng cũng sẽ không giúp con thăng vượt phin lọc nhận thức mà con mang trong trí thể. Con phải sẵn lòng bị dao động, nghi ngờ ít nhất một khía cạnh trong cách con nhìn cuộc sống. Con phải sẵn lòng đặt một số câu hỏi nhức nhối và xem xét những gì đằng sau khuôn nếp tư tưởng hiện thời của mình.
Nếu con không chịu làm vậy thì con cứ việc tiếp tục đè nén mọi nghi ngờ và tự thuyết phục là mình đúng, nhưng con không đang leo tiếp bực thang. Con chỉ dậm chân tại chỗ mà thôi. Con chỉ giữ chặt tin tưởng của mình mà thôi. Và có lẽ trong suốt kiếp này, con càng lúc càng tin chắc là mình đúng vì mọi người quanh con có cùng những khuôn nếp tư duy như nhau, và các con củng cố lẫn nhau rằng mình là kẻ đã hiểu giáo lý của Phật. Nhưng con thấy điều thày giải thích ở đây chứ. Con đang ở một mức nhận biết giới hạn. Phật đã vượt khỏi tất cả những giới hạn của con người trên trái đất. Con sẽ không đạt đến tầng cấp của Phật nếu con không thăng vượt những giới hạn hiện thời của con một cách hệ thống và tuần tự. Điều này không thể làm được. Không có cách chi làm được.
Điều này dẫn chúng ta đến đâu? Con là một người tâm linh. Con đã học giáo lý tâm linh một thời gian khá dài. Con đã thực hành miên mật đúng theo quy định một thời gian khá dài. Con chẳng đã tiến bộ hay sao? Ấy, đa số đã tiến bộ vì họ sẵn lòng nhìn vào một vài điều, xem xét chúng, buông bỏ chúng. Còn một số thì chưa tiến bộ vì, như thày đã nói, họ đã dùng giáo lý để củng cố khuôn nếp của họ. Nhiều người đã củng cố ý niệm bản sắc cho rằng mình đặc biệt hơn những ai không theo giáo lý này, những ai không hiểu giáo lý như cách mình hiểu hay những ai chưa chăm chỉ thực hành. Họ củng cố bản sắc mình là người đặc biệt, nhưng tất nhiên điều này chỉ giữ họ kẹt lại trong bộ đồ lặn. Có thể họ đã thay đổi trải nghiệm cuộc sống theo nghĩa là họ thấy mình càng lúc càng đặc biệt, nhưng họ không đang leo thêm được nấc thang nào.
1.13. Những gì một phong trào tâm linh không thể làm cho con
Phần lớn các con đều đã có tiến bộ. Nhưng con có thể tiến xa hơn bằng cách trở nên ý thức hơn về những điều thày giảng ở đây – quá trình thăng vượt tâm thức đích thực và nhu cầu luôn luôn bị xao động. Như thày đã nói, nhiều người trong các con sẽ nhận ra khi lần đầu con tìm thấy giáo lý thì con nghĩ: “A, bây giờ tôi đã tìm ra cái tôi khao khát. Giờ đây tôi đã về nhà. Tôi thật sự thuộc về nơi này, thuộc về giáo lý này, thuộc về cộng đồng này với những người cùng chí hướng này, và khi tôi ở đây mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Tôi sẽ đạt được cảm giác an bình nội tại, có nghĩa là tôi có thể đương đầu với việc tôi có mặt trên hành tinh này.”
Nhiều người trong các con đã cảm thấy đầy nhiệt huyết khi tìm ra giáo lý và phong trào tâm linh đầu tiên của mình. Nhưng rồi có chuyện xảy ra làm xáo trộn và gây thất vọng cho con. Đột nhiên con nhìn ra đây không phải là điều con nghĩ. Có người đã bỏ đường tu vì lý do này, có người thì tìm ra một hướng để tiếp tục. Nhưng con có hoàn toàn hiểu chăng là không có một giáo lý tâm linh hay phong trào tâm linh nào sẽ tự động cho con điều con muốn?
Nhiều người tìm được một phong trào tâm linh rồi bị thất vọng, nhưng sau đó họ lại tìm thấy một phong trào tâm linh khác và họ nghĩ: “Đây rồi”. Hay đúng hơn, họ lý luận: “Chắc phải là cái này vì tôi không thể chịu nổi thất vọng lần nữa, vì vậy tôi sẽ đè nén bất kỳ nỗi nghi ngờ nào đối với phong trào thứ nhì hay thứ ba, hay bất kể là thứ mấy.” Nhưng cách duy nhất để tăng triển thật sự là dùng một giáo lý vỏ ngoài và một phong trào vỏ ngoài để chất vấn cảm giác cân bằng của con. Bây giờ con có thể nói: “Nhưng khi lần đầu tôi tìm được một giáo lý tâm linh, tôi đã mong muốn tìm thấy an bình nội tâm thoát khỏi áp lực của thế giới. Mong muốn này có gì sai không?” À, có đúng và sai. Con có thể nói đây là một mong muốn chính đáng vì sau cùng khi con đạt được giác ngộ hay niết bàn, con sẽ tự do khỏi áp lực của thế giới. Nhưng làm cách nào đạt được tự do này? Có người sẽ nói: “Ấy, tôi sẽ chỉ có tự do sau khi rời thế giới này. Khi tôi không còn đầu thai nữa thì tôi sẽ tìm thấy an bình thật sự.”
Nhưng con thấy đó, tất cả giáo lý nói về nghiệp quả và luân hồi, cho dù là Phật giáo, Ấn giáo hay những giáo lý hiện đại hơn nói về quá trình thăng thiên, tất cả đều ngụ ý nếu chưa đạt đến một tầng mức nào đó thì con chưa thể thoát khỏi bánh xe luân hồi, con sẽ phải quay lại đầu thai. Nói cho cùng, con có thể bảo đây không phải là chuyện thân xác này chết đi thì con sẽ đạt được an bình. Con sẽ chỉ an bình khỏi áp lực của thế giới này khi con tốt nghiệp khỏi bánh xe luân hồi, hay con thăng thiên và không còn phải quay lại đầu thai nữa.
Tất nhiên, đây là điều các thày giảng dạy ngày nay. Nhưng đây không là lời dạy thiết thực khi trao truyền cho đại chúng cách đây 2500 năm. Vì vậy, trọng tâm của Bát chánh đạo thời ấy là giúp mọi người thay đổi trải nghiệm sống khi vẫn còn đang đầu thai. Và tất nhiên đây cũng là viễn quan phù hợp với ngày nay. Điều các thày muốn dạy con là làm thế nào thay đổi trải nghiệm sống để con đạt được an bình nội tâm khi vẫn còn thân vật lý và vẫn phải tiếp xúc với áp lực bên ngoài. Một phần là vì nếu con đạt được an bình nội tâm, con sẽ giữ được sự cân bằng tuyệt vời cho toàn bộ hành tinh. Con sẽ giúp kéo tâm thức tập thể đi lên khi con đạt đến mức nhận biết cao hơn trong khi vẫn hiện thân trong cơ thể vật lý. Đối với nhiều người các con, đây chính là Sứ vụ Trọn đời của con – là đạt được sự yên bình cao hơn này khi vẫn còn trong thân vật lý.
1.14. Kìm nén hay giải quyết
Con thấy rất nhiều người khắp chiều dài lịch sử đã cách ly khỏi thế giới, sống trong các cộng đồng tu sĩ nơi môi trường ngoại cảnh được kiểm soát chặt chẽ. Họ được bảo vệ khỏi các hành động bạo lực xảy ra bên ngoài, cho nên họ ở trong một môi trường rất kềm chế nơi thế cân bằng của họ không bị xao động. Nhiều người đã sống cả đời trong những môi trường như vậy mà không thật sự tăng triển. Họ đã không bước lên bậc thang. Họ chỉ dùng môi trường và giáo lý vỏ ngoài để củng cố trạng thái cân bằng dựa trên đè nén. Tất nhiên đây không phải là điều thày kêu gọi con làm ngày nay.
Các thày kêu gọi con tìm một lối tu tập sẽ giúp con đạt được an bình thật sự, an bình không do đè nén mà do giải quyết. Con đạt được an bình này khi con vẫn còn thân vật lý hầu con có thể kéo tâm thức đại chúng đi lên, và con cũng trở thành cánh cửa mở qua đó con nhận được các ý tưởng và xung lực từ một tầng nhận biết cao hơn mà sau đó con có thể biểu đạt ra thế giới. Nếu con có thể làm được xoay chuyển cơ bản này thì toàn bộ cách con tiếp cận cuộc sống có thể thay đổi rất nhanh. Giờ đây con đạt được một tầm nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống.
Con có nhận thấy điều khác biệt cơ bản mà thày mô tả ở đây không? Một đằng là cách tiếp cận qua nỗ lực giảm bớt áp lực của đời sống trong thế giới này. Con tìm kiếm một loại an bình nội tâm nào đó cho dù con muốn định nghĩa thế nào, nhưng cách con đạt bình an là dùng một giáo lý và thực hành tâm linh để đè nén cảm xúc, đè nén tư tưởng, đè nén ý niệm bản sắc để dựng lên một cảm nhận hư giả là con chủ động được cảm xúc, con giỏi hơn người khác về mặt trí năng, và vì vậy trong bản chất con là người cao trội hơn những ai không theo giáo lý của con.
Còn cách tiếp cận kia là con đi tìm sự giải quyết. Khác biệt trong cách nhìn thế giới là gì? À, khi con tìm cách đè nén một điều gì thì con nhìn thế giới như một mối đe dọa tiềm ẩn. Bất cứ gì xảy ra xáo trộn sự cân bằng của con đều là mối đe dọa cho trạng thái cân bằng này và do đó cần phải đè xuống. Con cần tìm cách dẹp bỏ nó thật nhanh để quay về trạng thái cân bằng. Con đã tạo nên những khuôn nếp trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể chỉ để làm chuyện này là trấn áp bất cứ gì làm xáo trộn thế cân bằng của con.
Khi con chọn cách thứ nhì này thì con sẵn lòng bị xáo trộn. Và quả thật con có thể xoay chuyển và nói: “Mục tiêu thật sự của tôi là giải quyết tất cả mọi khuôn nếp trong cảm thể, trí thể và bản sắc thể đã trói tôi vào trái đất, đã giữ tôi trong bộ đồ lặn, đã ngăn tôi nắm lấy sợi dây và leo lên nấc thang để càng lúc càng tự do. Tôi muốn đi theo chánh đạo của đức Phật, đi theo Bát chánh đạo, không phải con đường vỏ ngoài mà là con đường nội tâm của Bát chánh đạo.”
Điều này có nghĩa gì đối với con? Có nghĩa là khi một điều gì xảy ra bên ngoài làm xáo trộn thế cân bằng của con thì nó không phải là một mối đe doạ. Nó là một cơ hội. Nó là một cơ hội để con hỏi: “Tại sao điều này khiến tôi xáo trộn? Tôi đang có cảm xúc gì? Đằng sau cảm xúc này là gì? Thay vì phủ nhận cảm xúc và cố kìm nén nó, tôi hãy đi vào trong lòng nó. Tôi thật sự cảm thấy gì ngay đây? Có gì đằng sau cảm xúc này? Tôi có thể nhận diện tiến trình tư duy gì? Tôi đã có những tin tưởng gì? Tôi đã xây dựng loại thế giới quan nào cho phép tôi cảm thấy cân bằng nhưng đồng thời cũng giữ tôi lại ở một tầng cấp nào đó? Chính vì các khuôn nếp lý trí của tôi mà tôi không thể nắm bắt giáo lý tâm linh tôi đang theo học. Giáo lý luôn phải rập theo các khuôn nếp lý trí này thay vì lẽ ra phải thách thức chúng. Và rồi khi tôi vượt lên trên những điều này thì ý niệm bản sắc của tôi trong quan hệ với trái đất là gì?”
Lấy ví dụ, con làm điều gì đấy và người ta phản ứng tiêu cực với việc làm của con. Cảm xúc đầu tiên là con có thể bực bội với phản ứng của họ. Khi con đi vào trong cảm xúc, trước hết con cảm nhận một sự bất lực là mình không thay đổi được phản ứng của người kia đối với mình, thay đổi cách người kia nhìn mình. Nhưng con cũng cảm thấy là con phải có cách thay đổi được phản ứng của người kia vì con muốn hòa đồng với mọi người. Con không muốn ai giận con và con không biết, ít nhất thể cảm xúc của con không biết, làm thế nào khác hơn là phải thay đổi cảm xúc của người kia để con không cảm thấy mình đã quấy rầy họ.
Sau đó, con bước lên cõi lý trí và nhận ra: Tại sao con lại có những tin tưởng này? Có lẽ con có cảm giác mình đã hiểu quyền tự quyết, mình tôn trọng quyền tự quyết của người khác, và con cảm thấy mình phải sống được trên hành tinh này mà không làm phiền ai, không khiến ai nổi giận, không khiến ai kết tội mình. Con luôn tìm cách hoà hoãn với người khác, đưa ra lời giải thích cho họ thấy lý do họ không nên giận con, lý do con là người thật sự tốt, vân vân.
Rồi con lên tầng bản sắc và nhận ra có lẽ con có cảm giác mình không thật sự được phép thuộc về nơi đây, trái đất này, con không được phép tự biểu đạt, ít nhất nếu điều này gây phiền toái hay khiêu khích người khác. Con cảm thấy mình phải sống được ở đây mà không quấy rầy người khác. Con luôn tìm cách rút khỏi các hoàn cảnh mà con có thể gây phiền phức cho người khác, để con duy trì cảm nhận mình có thể ở đây mà không phải liên tục đối mặt với những người bảo con không có quyền ở đây. Có thể còn nhiều khuôn nếp khác, nhưng đây là một ví dụ có thể áp dụng cho nhiều người tâm linh.
Điều con có thể làm sau đó là bắt đầu xem xét các khuôn nếp này, và dần dần qua thời gian – có thể một thời gian dài – làm việc với chúng, thấy được chúng, dần dần giải quyết chúng, cho đến khi con nhận ra con thật sự có quyền có mặt trên trái đất. Con có quyền đeo đuổi một mức tâm thức cao hơn, một mức nhận biết cao hơn. Con có quyền biểu lộ mức nhận biết này ngay cả nếu nó có quấy rầy người khác. Con thậm chí có thể nhận thấy điều này chắc chắn sẽ quấy rầy người khác, vì đây là điều xảy ra với bất cứ ai nâng cao nhận biết của mình vượt khỏi những điều được xem là bình thường trong bất kỳ xã hội nào. Con sẽ làm xáo trộn cảm giác bình thường, cảm giác cân bằng của họ.
Hầu hết mọi người đã tạo ra một cảm giác cân bằng cho rằng họ có quyền là con người mà họ là, và khi có điều gì từ bên ngoài khuấy động cảm giác cân bằng này thì họ nổi cơn thịnh nộ. Họ đã quy định một cảm giác bình thường rằng đây là tất cả con người mà họ có thể là. Họ cần là như vậy. Khi cái bình thường này bị khuấy động, họ lên cơn giận, và con làm gì khi con đang theo con đường tâm linh? Con đang lần hồi nâng nhận biết của mình lên vượt khỏi những điều thông thường trong xã hội. Nó sẽ xáo trộn người khác chăng? Ấy, làm sao lại không xáo trộn được?
1.15. Sẵn lòng xáo trộn người khác
Đây là điều chưa được ghi chép trong các lời dạy của Phật hay trong các huyền thoại về Phật, đó là thày đã gặp phải rất nhiều kháng cự, chống đối, tức giận khi thày bắt đầu truyền pháp trong tư cách Phật. Điều này được ghi chép lại nhiều hơn trong Kinh thánh khi Giê-su gặp phải sự chống đối khi thày bắt đầu giảng dạy. Nhưng ở một mức độ nào đó, tất cả mọi vị thày tâm linh đều gặp phải những chống đối này. Một vài vị đã tìm được cách rút lui, như thày đây cuối cùng đã rút vào Tăng đoàn. Vì đây là một cách truyền đạo thích đáng, thày rút khỏi thế giới và những ai mở tâm ra với giáo lý sẽ tìm đến thày.
Một cách thích đáng khác, như Giê-su đã nêu gương, là đi ra ngoài thế giới và làm bối rối nhiều người. Giê-su đã làm gì? Nếu con nhìn toàn bộ sứ vụ ba năm của Giê-su thì con thấy thày đã làm gì? Thày đã thách thức cảm giác bình thường của mọi người. Thày đã nói: “Có cái gì hơn thân phận làm người mà con đang trải nghiệm ngay bây giờ.” Và phản ứng của mọi người là gì? Hoàn toàn bác bỏ. Người ta thà trả tự do cho một tên sát nhân còn hơn là cho kẻ đến khuấy động họ, vì họ có thể chịu được tên sát nhân. Đây chỉ là chuyện bình thường – có những người đi giết người khác. Nhưng khi bảo rằng con có thể là nhiều hơn một con người thế phàm thì thật là thái quá. “Chúng tôi sẽ không chịu bị khuấy động, cho nên chúng tôi sẽ giết người nào khuấy động chúng tôi.”
Con thấy đó, đa số người tâm linh rất ngần ngại không muốn quấy rầy người khác. Vậy điều gì sẽ giúp cho thời hoàng kim của Saint Germain, thời đại của nhận biết cao hơn thị hiện đây? Đó là có một số người chứng tỏ được là cuộc sống có cái gì hơn nữa, hơn cái mà mọi người xem là bình thường, và con cần làm vậy bằng cách bước ra ngoài kia trong bất kỳ vai trò và khả năng nào. Điều này không có nghĩa là con phải làm những gì Giê-su hay Phật đã làm, bị giết hay bị hành hạ, nhưng con sẽ quấy rầy người khác, và đồng thời con cần tìm ra một cách để con an bình với việc làm này hầu hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nhưng con không cần làm vậy khi con mới cất bước trên đường tu. Con có thể dành một khoảng thời gian dài để giải quyết những khuôn nếp này, để khi người khác phản ứng lại thì con không cảm thấy xao động.
Thày biết bài giảng này đã dài. Nhưng thày mong thiết lập một nền tảng để thày có thể trao cho con những giáo lý sâu sắc hơn về Bát chánh đạo, cũng như cách thức con có thể tiến đến niềm an bình nội tại thật sự, không dựa trên đè nén và chối bỏ, mà dựa trên sự giải quyết và một cái nhìn sáng ngộ hơn.
Và như vậy, thày cảm ơn các con đã chú tâm để thày có thể phóng chiếu ý tưởng này qua tâm và luân xa của con để nó đi vào tâm thức đại chúng, từ đó nó chạm được những ai sẽ không bao giờ nghe tới người sứ giả này hay giáo lý này, sẽ không bao giờ nghe tới Chân sư Thăng thiên Phật Gautama, hay sẽ không bao giờ chấp nhận ý tưởng này mặc dù nó vẫn ảnh hưởng lên tâm thức họ. Họ sẽ đột nhiên nhìn ra một điều gì họ chưa từng thấy trước đây, và từ đó họ có thể dùng bất kỳ lời dạy tâm linh nào mà họ tiếp nhận ở một tầng mức cao hơn.
Một lần nữa, mục tiêu của các thày là nâng cao nhận biết của mọi người. Mục đích của các thày không phải là đưa họ vào một giáo lý tâm linh đặc thù, nhưng với những ai mở tâm ra với một giáo lý tâm linh chân chính, các thày mong muốn họ đạt được những mức thấu triệt ngày càng cao hơn. Theo một nghĩa nào đó, con là chất xúc tác giúp củng cố phong trào này, và tất nhiên phong trào này đã diễn ra trong một thời gian rất dài, thậm chí trước cả khi thày truyền đạo cách đây 2500 năm trong tư cách Phật. Đây là một quá trình đã không ngừng nghỉ từ khi bầu cõi chưa thăng thiên này được tạo lập, thậm chí từ các bầu cõi trước nữa. Đây là hơi thở-ra và hơi thở-vào của Thượng đế. Là một phần của hơi thở-vào này, ý thức mình là một phần của hơi thở-vào, có thể rất hữu ích để con đạt được trạng thái an bình dù con đang sống trong một thế giới đầy rẫy biểu hiện xáo trộn. Con có mặt ở đây để góp phần vào quá trình đang tiếp diễn mỗi lúc một cách bất tận, nhằm nâng cao mọi sự sống từng bước vươn lên những tầng càng lúc càng cao hơn. Điều gì sẽ có thể xáo trộn con đây nếu không phải là một khuôn nếp mà con chưa giải quyết, một ngã tách biệt mà con chưa buông bỏ, một dính mắc với ngã tách biệt đó hay với khuôn nếp đó?
Bằng cách nhìn ra điều này, bằng cách làm việc trên ngã tách biệt này cho đến khi con tách mình ra khỏi nó và đột nhiên con thấy nó từ bên ngoài, con thấy nó giới hạn con biết chừng nào và con để nó chết đi – đây chính là cách con dần dần đạt được an bình ngày càng lớn hơn. Không có công thức thần diệu nào đâu. Con không thể bất thần búng ngón tay mà đạt được an bình nội tại. Nhưng con có thể đi qua sự chuyển hoá này, và con đi nhanh hay đi chậm tùy theo con sẵn lòng tới đâu để nhìn vào những gì gây xáo trộn cho con. Với những lời này, thày hy vọng thày đã xáo trộn sự an bình lẫn trạng thái cân bằng của con, và đổi lại, thày trao cho con một cảm nhận an bình sâu sắc hơn. Chắc chắn thày sẽ trở lại và trao truyền những lời dạy thâm sâu hơn, thậm chí còn xáo trộn con nhiều hơn nữa khi con sẵn lòng.
Thày niêm con trong niềm vui của Phật mà Ta Là.
- Bài thỉnh kèm với bài giảng này:
2. Con thỉnh cầu sự sẵn lòng bị xao động - Trở về mục lục sách Bát chánh đạo