Bài giảng của chân sư thăng thiên Serapis Bey qua trung gian Kim Michaels, ngày 7/1/2016.
TA LÀ chân sư thăng thiên Serapis Bey. Giờ đây chúng ta đã đến tầng thứ sáu trong khóa nhập thất của thày, là tầng con đối diện với sự phối hợp giữa Tia thứ Tư của Thuần khiết với Tia thứ Sáu, thường được gọi là tia sáng của phụng sự và tia sáng của an bình.
Phụng sự và an bình có liên hệ như thế nào? Các thày có nói là con đã đi xuống địa cầu với một mục đích cao hơn, một mục đích vượt hẳn những gì hầu hết mọi người có thể thấy được qua tâm ý thức. Con đã đi xuống đây vì con thấy đây là một hành tinh kém cỏi với nhiều bóng tối và nhiều điều kiện cần thay đổi. Con đã đến vì con nghĩ rằng bằng cách hiện thân ở đây, đem lại ánh sáng và biểu đạt sự sáng tạo cá nhân của mình, con sẽ có thể tạo sự khác biệt và quả thực giúp nâng địa cầu lên một mức cao hơn, để địa cầu rũ bỏ một số biểu hiện đen tối mà con đang chứng kiến, chẳng hạn như chiến tranh và đủ loại hình thức vô nhân khác của con người đối với con người.
Có thể nói một phần lớn động lực của con, ý định của con để tới địa cầu là đóng góp một mức phụng sự sẽ giúp nâng địa cầu lên cao hơn. Vì vậy, ngay trong ý định sâu thẳm nhất của con đã gắn sẵn mong muốn cải thiện trái đất, đưa trái đất đi lên.
14.1. Khi phụng sự lấy mất sự anh bình
Điều thày muốn cho con thấy bây giờ là mong muốn phụng sự địa cầu có thể lấy đi cảm giác an bình của con như thế nào. Tiếc thay, đây là một vấn đề mà con có thể làm cho trầm trọng hơn khi con khám phá con đường tâm linh và bước theo một giáo lý tâm linh. Trên thế giới có nhiều loại giáo lý tâm linh bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng tinh vi của sa nhân, đặc biệt là tư duy cuồng đại. Những giáo lý này trực tiếp cho tín đồ cảm nhận là họ có mặt ở đây để thay đổi một số điều kiện cụ thể trên trái đất. Ngay cả giáo lý của chân sư thăng thiên mà các thày truyền rải cũng có thể làm gia tăng tư duy cuồng đại và mong muốn nhìn thấy những thay đổi đặc thù trên trái đất. Hiển nhiên các thày thường hay kêu gọi các con thỉnh cầu một số thay đổi cụ thể. Chẳng hạn trong sách của Mẹ Mary về chiến tranh có cung cấp một số dụng cụ để con thỉnh gọi và giúp tiêu trừ tệ nạn chiến tranh khỏi địa cầu (Help the Ascended Masters Stop War – Giúp chân sư thăng thiên chấm dứt chiến tranh). Vậy thì làm thế nào con cân bằng được mong muốn thay đổi cụ thể với sự an bình nội tâm của mình?
Rõ ràng các thày muốn thấy thay đổi cụ thể trên trái đất. Rõ ràng các thày muốn thấy chiến tranh bị loại trừ khỏi hành tinh. Các thày muốn thấy địa cầu gia tốc lên một trạng thái cao hơn nơi chiến tranh và những dòng sống hiện thân tâm thức chiến tranh bị rũ sạch, vì chúng không thể ở lại với độ rung gia tốc của hành tinh và tâm thức tập thể.
Tuy vậy như thày có nói, các thày muốn thấy điều đó xảy ra trong bối cảnh của Định luật Tự quyết. Các thày muốn thấy một số lớn loài người trên hành tinh sử dụng quyền tự quyết của mình để năng cao tâm thức, vượt lên khỏi tâm thức của chiến tranh chẳng hạn. Làm thế nào họ sẽ làm được vậy? Họ sẽ không thể làm được bằng cách bị ép buộc.
Con yêu dấu, con chẳng thấy hay sao là các thày đâu có yêu cầu con thỉnh gọi một điều gì sẽ cưỡng ép người ta? Các thày yêu cầu con đọc những bài thỉnh sẽ nâng cao sáng ngộ, hiểu biết cùng viễn quan của mọi người để họ có thể tự nguyện thực hiện những thay đổi đó.
Đến giờ con chẳng thấy hay sao là một trong những khác biệt căn bản giữa chân sư thăng thiên và hàng ngũ giả trá là các thày hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết, trong khi hàng ngũ giả trá thì chẳng có chút lòng tôn trọng nào hết?
14.2. Sa nhân buộc con người phải phản ứng
Các sa nhân đã làm gì ngay từ khi chúng đến địa cầu? Chúng đã bắt buộc mọi người phải phản ứng đối với chúng và chống lại chúng. Con chẳng thấy hay sao đây là một trong những cơ chế đằng sau chiến tranh và đủ mọi loại bạo lực khác? Con sống trong một cơ thể vật lý, con phải sống ở đâu đó để có thể tồn tại, chu cấp cho bản thân cũng như cho gia đình. Con sống trên một mảnh đất, cho nên nếu có một nhóm người tập hợp một đội quân tiến vào mảnh đất đó để cưỡng đoạt và có thể giết hại chính con lẫn gia đình con, thì con bắt buộc phải phản ứng lại một cách nào đó.
Đây chính là cách mà sa nhân đã ép uổng con người phải rơi vào những vòng xoắn ốc phản động tự nó ngày càng mạnh mẽ hơn. Con thấy như ở vùng Trung đông, con người ở đó đã từ hàng ngàn năm qua bị kẹt cứng trong một vòng xoắn ốc tương tự. Sa nhân gần như chẳng phải làm gì để giữ cho tình trạng này kéo dài mãi mãi khi đã có con người tự ý làm như vậy. Họ không thể tự kéo mình ra khỏi vòng xoáy, và hiển nhiên con thấy rõ những vòng xoáy này là đối nghịch với hòa bình. Không thể có hòa bình giữa con người khi ai nấy vẫn mắc kẹt trong vòng xoáy như vậy, Không thể có hòa bình trong tâm con người khi ai nấy bị mắc kẹt trong vòng xoáy như vậy. Những vòng xoáy cướp đi hòa bình như thế không chỉ gây ra chiến tranh giữa quốc gia hay bộ tộc, mà có cả những vòng xoáy trong gia đình hay nơi sở làm khiến người ta, một lần nữa, bị kẹt vào những phản ứng đối với nhau và chống lại nhau. Có một số người, dù là trong hôn nhân hoặc trong cùng một gia đình với anh chị em hay cha mẹ, đã kẹt vào vòng xoáy với cùng những dòng sống đó suốt bao nhiêu kiếp sống. Và cứ thế họ lại tái đầu thai trong cùng những nhóm gia đình vì họ không thể phá vỡ thoát khỏi những vòng xoáy mà họ đã duy trì với các dòng sống trong nhóm.
Con, tất nhiên, là một học trò tâm linh, một học trò của chân sư thăng thiên. Con đã tự kéo mình ra khỏi những vòng xoáy phản động dễ thấy nhất, vì nếu không thì con đã không vươn lên được khỏi tầng tâm thức 48. Điều mà thày cố giúp con nhìn ra ở đây là còn có những vòng xoáy khác vi tế hơn.
Một trong những vòng xoáy này là sự cảm nhận cho rằng, bởi vì sa nhân đã cưỡng ép người ta vào vòng xoáy hướng hạ, thì con là người tâm linh cũng rất chính đáng khi con cưỡng ép người khác, vì lợi ích của họ, phải bước ra khỏi vòng xoáy hướng hạ đó. Đây chính là tinh túy của tư duy cuồng đại khi con nghĩ có một trận chiến hoành tráng giữa thiện và ác, và con đang đứng về phe thiện. Vì cái ác quá hung hãn, cho nên con bắt buộc phải sử dụng vũ lực để đánh bại nó, hay để giải phóng mọi người khỏi nanh vuốt của nó.
Đó là cách biện minh đằng sau đủ loại hành vi dựa trên vũ lực do những người theo tôn giáo, những người tâm linh hay nhiều loại người thiện chí khác, khi họ nghĩ là họ đang phục vụ cho một chính nghĩa tốt đẹp nhưng họ lại dùng đến vũ lực. Ở mức của con nơi tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày trong Tia thứ Tư, con đã thoát ra khỏi những vòng xoáy đó, nhưng liệu con đã hoàn toàn thoát khỏi cái tư duy tinh tế ở đằng sau?
14.3. Phụng sự và thành công
Ngay cả khi con không phản ứng trực tiếp lại người khác hay tìm cách ép buộc họ, con vẫn có thể bị tác động bởi ý thức tinh tế là con đang ở đây để cống hiến một việc ích lợi cho địa cầu, và thước đo để đánh giá xem con phụng sự có thành công hay không là thấy được những thay đổi vỏ ngoài cụ thể. Con yêu dấu, khi nào con còn nghĩ việc phụng sự của con trên hành tinh này phụ thuộc vào việc sản xuất ra một số thay đổi vỏ ngoài cụ thể gắn liền với những chọn lựa tự quyết của người khác, thì con sẽ không bao giờ đạt được an bình nội tâm.
Con có thể nói, như nhiều đệ tử cũng nói khi bàn thảo về đề tài này ở cõi ê-the: “Nhưng Serapis, có phải thày đang bảo là chúng con không ở đây để phụng sự và đem lại thay đổi cụ thể? Chúng con chẳng ở đây để giúp loại trừ cái ác khỏi địa cầu hay sao?” Trả lời cho câu hỏi đó là: “Có và không”, bởi vì nó tuỳ thuộc vào cách con nhìn vấn đề.
Các thày đã từng dùng hình ảnh một người bị kẹt trong một hang động tối tăm. Vì họ trong bóng tối cho nên họ không thể thấy mình đang ở đâu hay đang làm gì, và do đó có một số chọn lựa mà họ không thể chọn một cách ý thức. Nếu ánh sáng trong động được gia tăng lần hồi, họ sẽ từ từ thấy rõ hơn. Và khi tầm nhìn của họ rõ ràng hơn, họ sẽ – từ bên trong – bắt đầu chọn lựa một cách ý thức hơn, hiểu biết hơn. Như thày MORE đã từng nói, nếu người ta biết tốt hơn thì người ta cũng sẽ làm tốt hơn – và điều này đúng cho mọi người, trừ sa nhân. Thậm chí điều này cũng đúng cho cả sa nhân, nhưng chúng sẽ không bao giờ đạt tới điểm biết tốt hơn đó cho đến khi chúng xoay chuyển tâm thức và nuốt trọn niềm kiêu hãnh, một điều vô cùng khó khăn đối với chúng.
Đối với tất cả những dòng sống khác, nếu họ thật sự thấy được một chọn lựa tốt hơn những chọn lựa trước, thì trong đa số trường hợp, họ sẽ lấy chọn lựa đó. Như trong câu chuyện quen thuộc, nếu con nghĩ mình đang cầm một sợi dây thừng và ánh sáng lần lần tỏa rạng, và con thấy đó là một con rắn, thì con sẽ tự động buông rắn ra.
Công việc của con không phải là chế tạo một số thay đổi cụ thể bằng cách sử dụng vũ lực trên người khác. Chẳng hạn, làm thế nào con dùng vũ lực để ép buộc người khác yêu chuộng hòa bình? Chính vũ lực đã lấy đi hòa bình của họ và khiến họ giao chiến lẫn nhau. Làm thế nào dùng thêm vũ lực có thể loại bỏ vũ lực đã có mặt ở đó và đã tàn phá địa cầu? Không thể nào được!
Sa nhân đã tạo ra đủ loại ý tưởng vi tế bảo rằng không những chuyện đó có thể làm được mà đó còn là cách duy nhất. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng điều này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là phương cách của các chân sư thăng thiên. Các thày làm việc với quyền tự quyết, trong khuôn khổ Định luật Tự quyết. Hễ gia tăng ánh sáng thì người ta sẽ chọn lựa tốt hơn. Nếu họ không chọn lựa tốt hơn thì con hãy lui về và để yên cho họ bước vào một vòng xoắn ốc hướng hạ, cho tới khi họ chán chê trải nghiệm đó và kêu gào cầu mong được hơn như vậy. Khi những cú giáng của trường đời đủ cay đắng, họ sẽ không tránh khỏi cầu mong như thế.
Con yêu dấu, con có thấy được sự mâu thuẫn giữa động lực nguyên thủy của con, thuần khiết và dựa trên tình thương đã khiến con đến trái đất, với động lực và quan điểm mà con hiện có trong tâm ý thức và ba thể cao hơn của con? Con có thấy điều thày đang chỉ ra cho con, là khi nào còn có mâu thuẫn giữa hai cái đó thì con sẽ không thể tìm thấy an bình nội tâm trên hành tinh này?
Con không thể an bình với việc con hiện thân trên địa cầu nếu con còn nghĩ con ở đây là để đem lại những thay đổi cụ thể lệ thuộc vào sự chọn lựa tự quyết của người khác. Con phải đạt tới điểm con nhận ra là việc con phụng sự đời sống không tùy thuộc vào bất kỳ điều kiện nào hay bất kỳ người nào ngoài chính con.
Tại khóa nhập thất, khi thày trò ngồi họp nhóm thảo luận về đề tài này, các đệ tử thường phản ứng và nói: “Nhưng làm thế nào chúng con phụng sự đây? Chúng con không thấy được làm thế nào chúng con có thể phụng sự.” Các thày đã nói gì về mục đích của đường tu tự điều ngự chứ? Đó là để trở thành cánh cửa mở cho ánh sáng đến từ Hiện diện TA LÀ và đoàn chưởng giáo chân sư thăng thiên ở trên con.
14.4. Sa nhân sợ ánh sáng của con
Sa nhân cực kỳ muốn con tin là con không được phép biểu hiện ánh sáng đó ở đây trên địa cầu, con không thể biểu hiện ánh sáng đó, và con không thể biểu hiện ánh sáng cho tới khi một số điều kiện được hội đủ trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con. Chúng có rất nhiều tầng lớp lừa dối nhằm cản trở con thực hiện đúng một điều mà con đã đến đây để thực hiện – đó là làm cánh cửa mở cho ánh sáng.
Ở mức thấp nhất, chúng không muốn con biết ngay cả sự kiện con có chọn lựa đó. Cao hơn, chúng muốn con nghĩ là điều đó vi phạm quyền tự quyết của người khác, đặc biệt là chính bọn chúng, nếu con biểu hiện ánh sáng. Nếu người ta muốn sống trong bóng tối, người ta phải được phép làm vậy và con không có quyền đến đây mà tỏ lộ ánh sáng của con.
Con yêu dấu, con có thấy là con có quyền đó chính vì con đã hiện thân trong cõi vật lý. Quyền tự quyết của con đã trở thành một phần của phương trình địa cầu. Thày có nói trong một bài giảng trước là quyền tự quyết cá nhân của con không thể hủy bỏ quyền tự quyết của bảy tỷ người kia trên hành tinh. Điều đó đúng, nhưng ngược lại cũng đúng. Quyền tự quyết của bảy tỷ người trên hành tinh không thể hủy bỏ quyền tự quyết cá nhân của con.
Con có quyền hiện thân. Con có quyền là con người của con và làm cánh cửa mở cho ánh sáng từ đoàn chưởng giáo bên trên con. Đây là quyền mà Thượng đế đã ban cho con. Sa nhân có quyền phủ nhận ánh sáng trong bản thân chúng và phủ nhận ánh sáng trong con. Nhưng chúng không có quyền đòi hỏi con phải tắt ánh sáng con đi. Đúng hơn, chúng có quyền đòi hỏi nhưng con không có bổn phận phải làm theo đòi hỏi của chúng.
Ở một tầng lớp lừa dối cao hơn nữa, chúng muốn con nghĩ là con không thể biểu hiện ánh sáng cho tới khi một số điều kiện nào đó hội đủ – như người khác cần phải sẵn sàng tiếp nhận, hay con phải có đủ một số hoàn cảnh vỏ ngoài, có đủ tài chánh, có một nơi để ở, có một môi trường yên tĩnh, điều kiện này hay điều kiện nọ.
Trong các bài giảng trước, thày đã dẫn con qua một tiến trình nơi con nhìn ra là không có một điều kiện bên ngoài nào có thể ngăn cản con tự thăng vượt và do đó biểu hiện ngày càng nhiều ánh sáng hơn. Sa nhân cũng muốn con nghĩ là con không thể biểu hiện ánh sáng của mình do một số điều kiện nội tâm.
14.5. Chủ nghĩa toàn hảo là một phát minh của sa nhân
Các thày có đề cập đến sự kiện khi con đến địa cầu lúc ban đầu, con đã trải nghiệm một chấn thương nhập đời khi sa nhân – một cách hung bạo – đã gạt bỏ con, gạt bỏ cá thể và ánh sáng của con. Chúng đã khiến con cảm nhận theo nhiều cách là con không được biểu hiện ánh sáng đó, rằng con bị chối bỏ, rằng con không đủ tiêu chuẩn và phải toàn hảo thì mới biểu hiện được ánh sáng.
Chủ nghĩa toàn hảo là một phát minh của sa nhân. Chúng đã lấy tâm đường thẳng và làm một chuyện với tâm đường thẳng mà con phải vô cùng thận trọng. Con thấy đó, tâm đường thẳng gọi là đường thẳng vì nó luôn luôn vận hành theo cấp số. Một ví dụ điển hình là những con số mà con đếm từ 1, 2, 3, 4, vân vân. Luôn luôn có một tiến trình cấp số, luôn luôn có một cái thang, và tâm đường thẳng muốn nhét, muốn sắp xếp mọi thứ trên một cái thang như vậy. Có những khi con có thể đưa tâm đường thẳng tới cùng cực hầu làm lộ ra những hạn chế của nó. Điều mà sa nhân đã làm là đưa tâm đường thẳng tới cùng cực và bảo rằng Thượng đế phải là sinh thể cao nhất có thể tưởng tượng được, có nghĩa là Thượng đế ở trong một trạng thái mà chúng gọi là sự toàn hảo, một trạng thái nơi không có gì thay đổi.
Tất nhiên, tâm đường thẳng luôn luôn nhìn vào sự thay đổi. Luôn luôn có một tiến trình cấp số, không chỉ trong số lượng mà cả trong thời gian. Thời gian là con đẻ của tâm đường thẳng khi nó luôn luôn tiến hành từ thời điểm này đến thời điểm sau. Con đưa tiến trình cấp số này tới sự cùng cực tối hậu của nó và con nói: “À, chắc chắn phải có cái không bao giờ thay đổi, và khi một cái gì thay đổi từ ít sang nhiều, thì điều đó chứng tỏ cái ít là bất toàn. Do đó, phải tới một điểm khi người ta đạt trạng thái tối hậu của cái nhiều nơi mọi thứ đều toàn hảo.”
Điều này, tất nhiên, là một lời dối. Thượng đế không toàn hảo theo nghĩa Thượng đế không thay đổi, bởi vì Đấng Sáng tạo không ngừng tăng triển. Đó chính là lý do tại sao Đấng Sáng tạo đã tạo ra con, tạo ra thày và tất cả chúng ta. Không hề có một trạng thái không thay đổi nào trong bất kỳ thế giới nào có hình tướng. Nếu con muốn cái không thay đổi, con sẽ cần vượt khỏi mọi thế giới hình tướng, và điều này thì sa nhân không thể hiểu nổi. Vì vậy chúng đã tạo dựng ý tưởng toàn hảo để mà thay thế.
Khi con đến đây và biểu hiện ánh sáng của con, và khi chúng cảm thấy bị đe dọa, chúng nói: “Ở đây trên trái đất, chúng tôi đã quy định một tiêu chuẩn cho cách bạn phải cư xử. Cách bạn biểu hiện ánh sáng không hội đủ tiêu chuẩn của chúng tôi, cho nên bạn không được biểu hiện ánh sáng của bạn ở đây.” Tất nhiên, chúng không nói ánh sáng của con có vấn đề gì mà chính con mới là vấn đề. Chính con đã không hội đủ một tiêu chuẩn nào đó. Điều này đã khiến cho nhiều người tâm linh và người sùng đạo tự đặt mình trên một đường tu tập mà họ nghĩ sẽ dẫn họ tới trạng thái toàn hảo nói trên. Nhiều người tâm linh đã sử dụng giáo lý tâm linh cùng dụng cụ tâm linh đế nỗ lực trở thành toàn hảo – để biến ngã vỏ ngoài của mình thành toàn hảo hầu thỏa mãn tiêu chuẩn của thế gian. Thế là ý tưởng đã được nhét vào tâm con rằng khi nào con trở thành “toàn hảo”, thì chúng sẽ chấp nhận ánh sáng của con.
Có hai lời gian dối ở đây – thật ra có nhiều hơn – nhưng hai lời gian dối chủ yếu là thứ nhất, con sẽ không bao giờ toàn hảo được vì không hề có trạng thái toàn hảo. Và thứ hai, sa nhân sẽ không bao giờ chấp nhận ánh sáng cho dù ánh sáng được biểu hiện cách nào. Và thêm vào đó, tất nhiên, còn có lời gian dối rằng ánh sáng của con cần được chấp nhận để nó có thể thực hiện công việc của nó.
14.6. Ánh sáng luôn luôn làm công việc của nó
Con yếu dấu, con có thấy điều thày vừa nói về nguyên nhân của thay đổi? Đó là khi ánh sáng gia tăng khiến người ta thấy được nhiều hơn. Một lần nữa, con thử hình dung một hang động tối tăm. Đây có thể là một cái động với trần cao, và trên sàn có nhiều buồng riêng biệt khác nhau, gần giống như quang cảnh văn phòng ngăn ra thành nhiều buồng vuông nhỏ để người ta ngồi trong đó làm việc trước máy tính. Con biết là trong một văn phòng như vậy, nếu con gia tăng ánh sáng bằng cách đặt một chiếc đèn trong một buồng thì mọi người không thể thấy được chiếc đèn đó, nhưng độ ánh sáng trong nguyên văn phòng vẫn gia tăng và ai nấy nhìn thấy được nhiều hơn trước.
Điều thày muốn nói ở đây là như sau: Để việc phụng sự của con thành công, người ta không cần thấy được là con đang biểu hiện ánh sáng, họ không cần chấp nhận bản thân con hay ánh sáng của con, họ không cần nhìn nhận và công nhận chuyện đó. Con chỉ cần biểu hiện ánh sáng của con và để yên cho ánh sáng làm công việc của nó.
Thày đang tìm cách dẫn con đến mức nhận ra trong tâm ý thức một điều mà thày cố trao cho con trong khóa nhập thất này, đó là sự thành công của việc phụng sự không tùy thuộc vào phản ứng của người khác. Khi nào con còn nghĩ là nó tùy thuộc vào phản ứng của người khác, con sẽ không thể bình an. Và sau đây mới là vấn đề khó xử, tiến thoái lưỡng nan.
Nếu con không bình an với việc mình hiện thân trên địa cầu, con sẽ không thể là cánh cửa mở cho Ánh sáng trong khi con hiện thân trên địa cầu. Chuyện đó không thể!
Con phải bình an để phụng sự. Và để bình an, con phải tách rời ý tưởng phụng sự khỏi mong muốn tạo ra những kết quả cụ thể hay được người khác nhìn nhận, công nhận và chứng nhận. Điều này dẫn thày đến một đề tài khá tinh tế.
14.7. Cuộc tìm kiếm vô vọng một lòng tự tin dựa trên sợ hãi
Con cũng biết, nếu con để ý các điều kiện trên địa cầu, là trong những thập niên gần đây, nhiều nhóm người đã được công chúng biết đến và công nhận nhiều hơn. Con biết đến nhiều nhóm thiểu số trước kia vẫn từng bị xã hội coi như ruồng bỏ. Giờ đây họ đã đứng dậy và đòi hỏi quyền lợi của mình, họ đã nhận được nhiều sự chú ý đến độ họ được công nhận và đón nhận rộng rãi hơn trước.
Nếu con nhìn vào tâm lý những người như vậy, con cũng biết là khi con cảm thấy mình là một nhóm thiểu số, một thiểu số bị chà đạp và ruồng bỏ, con có thể mang một lòng tự tin yếu kém, một cảm nhận thấp về giá tri bản thân. Khi ban đầu con đến hành tinh này, con đã đến với một cảm nhận lành mạnh, dựa trên tình thương, về giá trị của mình. Rồi khi con bị sa nhân gạt bỏ tàn nhẫn, con đã đánh mất niềm tự trọng đó, ít ra là một phần. Lần hồi con cảm thấy mình là người bị ruồng bỏ, một người không được chấp nhận và không thể được chấp nhận.
Con bị đặt vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan, một trong những ốc xoáy hướng hạ tự tăng cường mà sa nhân tạo ra rất thiện nghệ. Khi con đánh mất lòng tự tin và tự trọng, con cảm thấy như mình thiếu sót. Con bước vào một tâm trạng dựa trên sợ hãi. Bản chất của tâm trạng dựa trên sợ hãi là con cảm thấy thiếu hụt, cho nên con nẩy sinh một mong muốn bù đắp, lấp đầy sự thiếu hụt. Nhưng không có cách gì để lấp đầy sự thiếu hụt của một tâm trạng sợ hãi. Đó là một cái lỗ đen không bao giờ có thể lấp đầy.
Cảm giác thiếu hụt cũng cho con lòng khao khát muốn tìm lại cảm nhận trước kia về giá trị bản thân. Tiếc thay, giờ đây con cũng đã tin vào lời dối của sa nhân bảo rằng con phải thực hiện chuyện đó bằng cách tranh thủ sự công nhận và chấp nhận trong thế gian – hay đúng hơn, sự công nhận và chấp nhận của chúng. Con có thấy chuyện bất khả thi ở đây hay chăng? Chính sa nhân đã phá hoại phẩm giá của con khi chúng gạt bỏ con, thì bây giờ con lại bị mắc kẹt trong vòng xoáy phải tìm cầu sự chấp nhận của chúng. Chính chúng đã tạo ra sự thiếu hụt phẩm giá trong con. Xác suất sẽ là bao nhiêu để chúng lấp đầy sự thiếu hụt đó?
Như con vẫn biết, chúng sẽ chỉ tiếp tục nuôi lớn vòng xoáy đó bằng cách dời cột mốc ngày càng xa hơn để con không bao giờ chạm tới được. Đó chính là toàn bộ mục đích của ý tưởng toàn hảo. Ai có thể định nghĩa được toàn hảo chứ? Phải, ngay bây giờ con có thể định nghĩa toàn hảo một cách nào đó, nhưng một khi con đạt đến mức đó, con sẽ nhận thấy lòng tự trọng của con vẫn chưa phục hồi. Kết luận là gì? Là với tâm đường thẳng, con luôn luôn có thể định nghĩa một mức cao hơn. Con có thể đếm nhiều tới đâu? Nguyên chuỗi số đó có ngừng lại ở một số nào chăng? Đúng vậy, các nhà khoa học cũng không biết nữa.
Đến bao giờ con mới có thể toàn hảo dưới mắt sa nhân? Không bao giờ, con yêu dấu. Bao lâu nữa con sẽ muốn đuổi bắt cái củ cà-rốt này, được treo lủng lẳng trước mũi con lừa đang kéo chiếc xe với bọn sa nhân ngồi cười hả hê trên xe? Con hãy ngừng làm con lừa kéo xe cho sa nhân, và thay vào đó, con hãy là cánh cửa mở cho ánh sáng của các chân sư thăng thiên!
14.8. Bước trên đường tu với động lực xuất phát từ tự ngã
Đâu là sự xoay đổi mà con cần làm? Đó là nhận ra là khi con tìm thấy con đường tâm linh, con không tức thì loại bỏ được tự ngã. Sẽ có một giai đoạn trên đường tu khi một phần động lực của con, một phần ý định của con để bước trên đường tu là do tự ngã cung cấp. Tự ngã muốn một cái gì đó.
Lý tưởng nhất cho tự ngã là nó muốn chặn đứng không cho con bước chân trên con đường tự điều ngự. Khi nó không thành công – vì thật sự nó không thể ngăn cản con khi con đang đọc quyển sách này – thì nó sẽ muốn có được cái gì đó từ việc con bước trên đường tu. Khi con nhìn rất nhiều người tâm linh, nhìn nhiều phong trào và đạo sư tâm linh một cách trung thực, con sẽ thấy một xu hướng rõ rệt.
Như thày đã nói, đa số những người tâm linh ngày nay đều đã đến địa cầu với một mục đích tích cực muốn đem lại ánh sáng của mình và đóng góp đáng kể. Khi họ bị chối bỏ một cách tàn bạo, họ đánh mất cảm nhận về giá trị bản thân và dần dần cảm thấy mình bị ruồng bỏ. Khi họ tìm ra một phong trào tâm linh, họ cảm thấy đây là một cơ hội để tìm lại lòng tự trọng của mình.
Nhiều người tâm linh – ngày nay là thành viên của các phong trào tâm linh, kể cả các phong trào của chân sư thăng thiên – đã cảm thấy như mình bị ruồng bỏ khi mình lớn lên trong một xã hội thường khi là phản tâm linh. Rồi khi con khám phá ra một vị đạo sư hay giáo lý tâm linh, bỗng nhiên tự ngã của con được dịp sử dụng sự kiện này để tạo dựng cảm nhận là cho dù con khác hẳn mọi người khác, điều đó không có nghĩa là con thấp kém hơn họ. Thật ra, sự kiện con khác họ có nghĩa là con cao hơn họ vì con có nhận thức tâm linh cao hơn. Đó là tại sao con đã nhận diện được giáo lý này trong khi hầu hết người khác đều không nhận ra.
Thày không đang bảo là con không có mức nhận thức cao hơn đa số người khác trên địa cầu. Nhưng con chẳng thấy hay sao, thật là không xây dựng nếu con cho phép tự ngã thúc đẩy con sử dụng giáo lý tâm linh để củng cố cho khát vọng của tự ngã trở thành đặc biệt, tốt đẹp hơn người khác? Như các thày có nhắc nhở nhiều lần, tự ngã là một khả năng tương đối, có nghĩa là nó so sánh mọi thứ với những thứ khác. Tất nhiên, nó chỉ có thể so sánh với những gì nó có thể nhìn thấy, và tự ngã chỉ nhìn thấy được những gì nằm trong nhị nguyên. Nhị nguyên dựa trên xét đoán giá trị: cái này tốt hơn cái kia tồi hơn. Tự ngã sẽ luôn luôn tìm cách chèn vào niềm tin rằng những người đặc biệt – họ đặc biệt vì họ là thành viên của tổ chức tâm linh này và nhận diện được giáo lý của vị đạo sư giác ngộ đặc biệt nọ – tốt đẹp hơn người khác trên địa cầu.
Con yêu dấu, một lần nữa, thày không chê trách con gì hết. Thật con không thể lớn lên trên hành tinh địa cầu như hiện nay mà không bị ảnh hưởng bởi khuôn nếp này. Gần như không có đệ tử nào đến dự khóa nhập thất của thày mà không có khuôn nếp này trong ba thể cao của mình và thường khi trong cả tâm ý thức nữa. Thày không ở đây để trách móc con, thày không ở đây để khiến con xấu hổ. Thày ở đây để giúp con thăng vượt chính cái khuôn nếp đang lấy mất sự bình an của con.
Nhưng con nhìn nhận một cách ý thức, phải không con, rằng con muốn an bình và con muốn thành công trong nỗ lực phụng sự trên hành tinh này? Con muốn phụng sự trong an bình, và con muốn sự an bình đến từ cái biết là mình phụng sự thành công. Một khi con nhìn nhận đây là điều con muốn, thì con không cần cưỡng lại việc thày phơi bày ra khuôn nếp trong tâm đang ngăn cản con có được điều con muốn. Mong muốn sử dụng giáo lý tâm linh để tự đặt mình cao hơn người khác sẽ lấy mất sự an bình nội tâm của con.
Thày cũng biết đối với một số người, điều này sẽ cho họ một cảm giác an bình bề mặt. Nếu con nhìn nhiều phong trào tâm linh trên trái đất, con sẽ thấy họ đi theo cùng một khuôn nếp như vậy. Họ có một giáo lý tâm linh, họ có một vị đạo sư tâm linh, dù là còn sinh hoạt hay đã khuất. Họ xem vị đó như thần tượng và biến vị đó thành một vị có vẻ vô cùng đặc biệt. Đạo sư càng đặc biệt bao nhiêu thì chính họ cũng trở nên đặc biệt bấy nhiêu do họ đi theo vị ấy. Vì dù sao, tuyệt đại đa số con người trên hành tinh đã không nhận ra đạo sư đó, y như con người đã không nhận ra Giê-su hay đức Phật khi hai thày còn ở trong thế gian. Sự kiện con nhận diện được đạo sư phải có nghĩa là chính con cũng rất đặc biệt. Và những người đặc biệt như con càng hiếm hoi thì con sẽ càng đặc biệt hơn nữa so với những ai không nhận ra đạo sư của con.
Có những người ngồi quanh quẩn, và họ tạo ra một vòng xoáy tự tăng cường khi họ chứng thực lẫn nhau rằng mình là những người thật đặc biệt. Thậm chí họ còn đạt tới một cảm giác an bình bề nổi do mình quá đặc biệt, do mình đã hành xử đúng y như mình cần hành xử bằng cách tự cô lập trong tháp ngà này. Đấy, nếu con đã bị hoàn toàn mắc kẹt trong một vòng xoáy như thế thì con đã không đang đọc bài giảng này. Sự kiện con đang đọc có nghĩa là con đã bắt đầu thoát khỏi nó. Để con thoát ra khỏi hoàn toàn, việc còn lại là con hãy nhìn ra cơ chế đó trong ý thức, và ý thức để cho nó ra đi.
14.9. Con đặc biệt và độc đáo
Con yêu dấu, bây giờ thày nói chuyện riêng với mỗi con đây. Con đặc biệt, con độc đáo. Nhưng sự độc đáo của con không neo trụ nơi bốn thể phàm của con. Sự độc đáo của con được neo trụ nơi Hiện diện TA LÀ và căn thể của con, và nơi cái Ta Biết là phần nối dài của Hiện diện.
Điều con đã cố làm ở dưới này trên địa cầu là xây đắp một cái ngã vỏ ngoài đặc biệt so với người khác. Chuyện này sẽ không bao giở lấp đầy khát vọng tìm lại giá trị bản thân. Con sẽ không bao giờ cảm thấy bình an khi nào con còn tự so sánh với bất cứ gì trong cõi phàm, trong bầu cõi chưa thăng thiên. Cách duy nhất để con tìm lại cảm nhận giá trị bản thân – để con cảm thấy an bình với con người của con, an bình với cách mình biểu hiện con người của mình trên địa cầu – là nối kết lại với sự kiện là sự đặc biệt của con do cá thể mà Thượng đế đã ban cho con, chứ không do cá tính mà con đã xây đắp qua phản ứng đối với các điều kiện do sa nhân tạo ra.
Tại sao con cần tranh thủ sự công nhận của sa nhân hay của người khác khi con đã có sự công nhận của Đấng Sáng tạo ra con cũng như của các chân sư thăng thiên? Con có thể nói như nhiều đệ tử khác tại nhập thất của thày: “Nhưng đó là vì con có thể cảm thấy trong tâm ý thức sự công nhận của người khác, nhưng con không thể cảm thấy sự công nhận từ các thày và từ Thượng đế.” Điều đó cũng đúng, nhưng chỉ đúng vì con chưa làm cuộc xoay chuyển trong tâm ý thức để cho phép con cảm được sự công nhận của các thày. Sự công nhận và chứng thực của các thày về con, tình thương của các thày cho con, không bao giờ ngừng xối xuống như nước mưa từ trời.
Làm thế nào con trở thành một chân sư thăng thiên? Bằng cách trở thành cánh cửa mở cho tình thương chảy xuyên qua con từ một mức cao hơn nữa xuống mức thấp hơn. TA LÀ Thượng sư của Tia thứ Tư. Thày không chế tạo ra ánh sáng của Tia thứ Tư, mà thày nối kết với nguồn cội của ánh sáng đó ngược trở lên cho tới Đấng Sáng tạo. Thày đứng trong dòng chảy đó, thày là cánh cửa mở cho dòng chảy đó. Thày có thể dẫn hướng, nhưng niềm vui của thày là để cho nó chảy xuyên qua thày. Thày không ngừng để ánh sáng chảy xuyên qua thày hầu trải nghiệm niềm vui tột cùng.
Tại sao thày lại muốn hạn chế niềm vui của thày bằng cách kềm giữ ánh sáng khỏi con? Thày không là kẻ đang hạn chế ánh sáng chảy xuống con. Con mới là kẻ không nhận ra ánh sáng vì con mang một số giới hạn trong tâm khiến con nghĩ con không xứng đáng với ánh sáng hay con không có khả năng nhận được ánh sáng. Đó mới chính là điều mà thày muốn giúp con thay đổi ở tầng thứ sáu trong khóa nhập thất của thày.
Mục đích của thày là giúp con biết được ở mức bản sắc thể là con độc đáo. Con không độc đáo so với người khác, vì nơi cõi thăng thiên mọi so sánh đều vô nghĩa, đều không không hiện thực. Con độc đáo một cách không thể so sánh. Mối quan tâm là con tốt hơn hay tệ hơn bất cứ ai khác hoàn toàn lỗi thời và không can hệ. Khi con biết được điều này trong thể bản sắc, con sẽ có thể lần hồi đem nó xuống trí thể và cảm thể, rồi xuống đến tâm ý thức của con. Nếu con muốn, con có thể xoay chuyển và, trong một giây, trải nghiệm được tình thương của thày.
Sau khi con đọc xong bài thỉnh kèm theo chương này, có lẽ con hãy ngồi im lặng một lúc, con chỉ hòa điệu với Hiện diện của thày và mở ra để nhận lấy tình thương của thày. Nếu con có thể trải nghiệm điều này một cách ý thức, nó có thể đem lại một sự xoay chuyển. Con sẽ có khả năng chấp nhận là mình độc đáo, là mình đặc biệt. Con đã xứng đáng trong cách mà Thượng đế đã tạo ra con. Con không cần phải độc đáo, đặc biệt hay xứng đáng so với bất cứ gì trên địa cầu, bất cứ tiêu chuẩn nào của địa cầu. Con không cần tốt đẹp hơn người khác và do đó con không cần hạ thấp người khác.
Con chẳng thấy hay sao, con yêu dấu, là trong những cộng đồng mà thày đang nói tới (nơi họ ngồi quanh và xác nhận lẫn nhau là mình thật đặc biệt), thật ra họ có một thái độ cực kỳ phán xét. Bất cứ ai không hội đủ những điều kiện được quy định trong cộng đồng của họ sẽ tự động bị đánh giá và ruồng bỏ. Con không thể thuộc vào công đồng đó trừ khi con sẵn sàng xác chứng cho mọi thành viên khác là họ đặc biệt. Nếu con chất vấn, con sẽ bị loại trừ và tống ra ngoài. Đó là một thái độ dựa trên sợ hãi, và thày mong muốn thấy con tìm được một niềm tự trọng dựa trên tình thương, và niềm tự trọng này đã nằm sẵn ở đó rồi. Không phải là chuyện phát triển, trau dồi hay thu hoạch, mà là chuyện mở tâm con ra để trải nghiệm và chấp nhận nó. Con chấp nhận đó chính là con người mà con là. Và con có giá trị.
Làm thế nào con có thể an bình trên địa cầu nếu con không biết là mình có giá trị, và giá trị này đến từ một nguồn vượt trên tất cả mọi thứ trên địa cầu? Thày không muốn con sống phần đời còn lại trong một trạng thái thiếu an bình, rồi ngay trước khi con rời khỏi tấm màn đời này, con có một giây phút minh mẫn và ngộ ra là mình chỉ cần làm một cuộc xoay chuyển đơn giản thì mình đã có thể sống trọn đời trong an bình. Thày không mong muốn con làm cuộc xoay chuyển đó vào giờ phút cuối đời.
Thày mong muốn con xoay chuyển ngay bây giờ hầu con sống phần đời còn lại trong an bình, biết rõ rằng mình đang làm công việc phụng sự cao đẹp nhất mà con có thể bằng cách con là chính mình, con là cánh cửa mở cho ánh sáng mà con là.
TA LÀ một cánh cửa mở cho Ánh sáng mà TA LÀ. Con có cảm được ánh sáng của thày? Đó là cùng ánh sáng đang ngụ trong con.
Serapis Bey TA LÀ.