Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 23/1/2018.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Ở tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày, lẽ tự nhiên con giáp mặt với hai liều lượng của Tia thứ Sáu. Thày muốn bắt đầu bằng khai triển thêm những điều thày đã giảng trong các bài trước, đặc biệt liên quan đến nghiệp quả. Hiển nhiên có nhiều hiểu biết, ý tưởng và lý thuyết phiến diện về nghiệp quả lưu truyền trên thế giới. Thầy cần con vượt quá những thuyết này và hiểu một cách sâu sắc hơn con tạo nghiệp như thế nào.
Có rất, rất nhiều người tin vào một triết lý Đông phương hay Thời đại mới cho rằng nghiệp quả là hậu quả của một hành động, có nghĩa là họ tin rằng nghiệp quả cơ bản là một hiện tượng vật lý. Con làm một hành động vật lý tạo ra nghiệp, và khi nghiệp quả trở lại, nó tạo ra một sự việc vật lý xảy ra cho con. Như thày đã giảng trong các bài trước, hiểu như vậy không đúng. Ta không thể nói nghiệp quả ở tầng vật lý vì xung lực nghiệp mà con tạo ra (ngay cả khi được tạo ra bằng một hành động vật lý) không phải là một xung lực trong quang phổ rung động vật lý. Nó là một xung lực đi vào ba thể cao và luân lưu trong ba tầng cao cho tới khi nó có thể trở về trong trường năng lượng của con. Sau đó, như thày đã giảng, nó có thể, và cũng có thể không, trở thành một sự việc vật lý tùy theo con đã thay đổi tâm thức hay chưa.
Lý do vì sao con cần suy ngẫm điểm này vì con nhận ra là không có gì trong cõi vật lý quy định được con. Con cũng nhận ra là không có gì trong thế giới vật lý có thể định đoạt con sẽ thăng thiên hay không. Nhiều người trong các con đã chấp nhận quan niệm cho rằng, để hội đủ điều kiện thăng thiên, con cần cân bằng nghiệp quả. Điều này không sai, nhưng nghiệp quả không phải là nghiệp quả vật lý. Cân bằng nghiệp quả, trước hết, là thanh lọc các thể cảm xúc, tư tưởng và bản sắc khỏi các phàm linh hiện diện trong ba thể đó. Quả thực cân bằng nghiệp quả không phải là bù đắp một điều gì đó bằng một hành động vật lý. Nó trước tiên là giải quyết các phàm linh nội tại để khi ông hoàng thế gian tới, y không tìm thấy gì trong ba thể cao của con để y có thể khiến con đi vào một khuôn nếp phản ứng. Đây chính thực là ý nghĩa cân bằng nghiệp quả.
Lẽ dĩ nhiên, trong tiến trình nghiệp quả có một xung lực năng lượng, nhưng một lần nữa, xung lực này không có tính chất vật lý. Thày không phủ nhận là con cần đọc một số bài chú bài thỉnh để làm rã tan xung lực năng lượng đó, nhưng khía cạnh quan trọng nhất của cân bằng nghiệp quả là làm rã tan các phàm linh.
14.1. Tương tác với người khác mà không tạo nghiệp
Tuy nhiên, có một khía cạnh khác, có thể gọi là khía cạnh Omega, của cân bằng nghiệp quả là tránh tạo ra nghiệp mới. Lẽ tự nhiên, nếu con tiếp tục tạo nghiệp mới, thì con càng phải thỉnh cầu nhiều hơn ngọn lửa tím để cân bằng tất cả nghiệp quả. Con cần áp dụng nguyên tắc đầu tiên của khoa Cấp cứu, là ngưng tai nạn. Nói cách khác, con cần ngưng tạo nghiệp mới, ngưng những vòng xoắn phản ứng khiến con tạo nghiệp. Trong bài trước, thày có giảng làm sao ngưng phản ứng với sa nhân, không phản ứng khi họ khiến con cảm thấy tội lỗi, không xứng đáng, bất toàn hay bất cứ gì khác.
Bây giờ thày đặt trọng tâm vào cách thông thường nhất mà con người tạo nghiệp, đó là khi họ tương tác với người khác. Lẽ tự nhiên, con là đệ tử chân sư thăng thiên và con đã theo học giáo lý của các thày một thời gian rồi nên đã tới tầng khai ngộ này. Con đã chế ngự được những lối tương tác vật lý, hung bạo, hung hãn. Tuy nhiên, con đang ở một tầng tâm thức nơi con chưa hoàn toàn tự giải thoát khỏi những vòng xoắn phản ứng với người khác. Với một người ở tầng tâm thức của con, con không có hành động hung hãn với người khác, nhưng con vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng người khác đang có hành động hung hãn với con – và dĩ nhiên là họ có làm vậy.
Con có thể nhìn cuộc đời Giê-su và thấy là khi thày ở tầng tâm thức 143, sa nhân hành động chống thày và đem thày đóng đinh trên thập tự giá. Tuy nhiên, điều thày muốn nói đặc biệt ở tầng này, là con có cảm giác người khác có thể có hành vi hung hãn với con và con thường cảm thấy bất lực khi đối phó với hoàn cảnh này. Thày có nói tới nhu cầu tôn trọng quyền tự quyết, vậy nếu con hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của họ thì con không thể ngăn họ có hành động hung hãn với con. Vậy làm sao con tránh cảm thấy bất lực?
Con yêu dấu, con cần hiểu sâu sắc cách luật tự quyết tự trải bày, đặc biệt liên quan đến nghiệp quả. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét trái đất là loại hành tinh nào. Thày có nói là có rất nhiều hành tinh có tầng tâm thức cao hơn trái đất nhiều, và tại các nơi đó không có sự hung hãn mà con thấy trên trái đất. Trái đất là một trong những hành tinh thấp nhất khi so sánh mức độ hung hãn giữa con người với nhau. Khi con nhìn nhận sự kiện này, con có thể bắt đầu xem xét con chờ đợi được gì nơi cuộc sống trên trái đất.
Có một số người trong các con là a-va-ta đến từ hành tinh tự nhiên là nơi con không bao giờ chạm mặt sự hung hãn. Do đó, con có một ký ức vi tế là đáng lẽ không được có sự hung hãn. Chuyện con người có hành động hung hãn với nhau là điều không tự nhiên. Một số khác trong các con là cư dân nguyên thủy của trái đất, và con có một ký ức vi tế về đời sống trên trái đất trước khi sa nhân được phép đầu thai xuống đây. Con cũng có cảm giác là con người có hành động hung hãn với nhau là không “tự nhiên”, không “đúng”.
14.2. Một mong chờ không thiết thực khác
Con có thấy chăng là con chờ đợi cuộc sống phải như thế nào trên trái đất. Tuy nhiên, chờ đợi này không phù hợp với thực tại cuộc sống là gì trên trái đất. Có một khoảng cách giữa chờ đợi của con và thực tại. Do đó, con cần phải làm một lượng định đơn giản. Con có thể thay đổi hiện trạng trên trái đất chăng? Lẽ dĩ nhiên là không. Con không thể chỉ búng tay là loại bỏ chiến tranh và sự hung hãn khỏi hành tinh.
Con có thể chọn hướng hành động thiết thực nào? Đó là con buông bỏ những chờ đợi mà con đã tạo ra trên một hành tinh khác hay khi trái đất không như ngày nay. Nói cách khác, con nhận ra con có một chờ đợi không thiết thực và đã tới lúc con sẵn sàng nhận ra là nó kềm hãm sự tiến bộ của con. Nó tạo căng thẳng, mâu thuẫn trong con, khiến con bị kéo đi nhiều hướng. Nó khiến con như căn nhà bị chia rẽ bên trong, giống như điều các phàm linh nội tại vẫn làm. Như thày đã giảng, sa nhân rất vui sướng tạo ra một sự chờ đợi nơi con, tỷ dụ như Thượng đế sẽ tới và cứu con, và sau đó con thấy thực tại phá tan kỳ vọng đó, khiến con hồ nghi không biết đâu là thật, đâu là giả.
Con cần tới điểm nhìn nhận là con đang ở trên một hành tinh rất dày đặc, rất khó khăn, và do đó con cần nhìn vào sự chờ đợi của mình và nói: “Chúng không áp dụng vào hành tinh này. Chờ đợi của tôi không thiết thực, không hợp lý, không phù hợp với thực tại trên hành tinh này.” Sau đó, con giản dị buông bỏ nó. Con cần buông bỏ nó – giống như con buông bỏ mọi phàm linh khác, vì sự chờ đợi không thiết thực của con đã trở thành một phàm linh nội tại. Con yêu dấu, con buông bỏ nó.
Con nhận ra trái đất là loại hành tinh nào và con nói: “Dựa trên những gì con biết về hành tinh này, dựa trên những gì con biết về quyền tự quyết, con có thiết thực chăng nếu con có bất cứ chờ đợi nào về điều phải xảy ra hay không được xảy ra trên trái đất?” Câu trả lời sỗ sàng là: “Không”. Câu trả lời này thoạt nghe có thể sỗ sàng, nhưng khi con chấp nhận nó, nó đem lại giải thoát. Con thấy là không có lý do gì để có bất cứ mong chờ nào và do đó không có gì trong con chống cự đời sống trên trái đất. Khi con không mong chờ điều phải xảy ra hay điều không được xảy ra, thì con có thể đến với cuộc đời mà không bị ý tưởng nào bao phủ. Con có thể đến với cuộc sống, như Giê-su nói, với tâm ngây thơ của trẻ thơ.
Khi con ngây thơ như thế, không mong chờ điều phải xảy ra hay điều không được xảy ra, thì con đang ở trong vương quốc của Thượng đế trong chính tâm con. Lúc đó con nhận ra là không có lý do nào để chờ đợi điều này phải xảy ra hay không được xảy ra. Con biết không có điều gì xảy ra hay không xảy ra có thể quy định được con. Không có gì trong cõi vật lý quy định được con. Không có gì trong cõi vật lý ngăn cản được sự thăng thiên của con.
Con có thể tới điểm nhìn người khác và nói: “Tại sao tôi lại có bất cứ chờ mong người khác phải làm điều này hay không được làm điều nọ?” Nếu con nhìn lại cuộc đời mình, con thấy là suốt cuộc đời (và thày có thể bảo đảm với con là trong nhiều kiếp trước cũng vậy) con có những chờ đợi, có khi vi tế có khi hiển nhiên, về người khác. Con muốn họ làm một số chuyện, con không muốn họ làm một số chuyện, và tình trạng này khiến con lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng với người khác. Các chờ mong cũng khiến con cảm thấy bất lực vì một đằng con mong muốn ngăn ngừa người khác làm điều gì hại con hay tự hại, nhưng mặt khác con cảm thấy con không được phép dùng bất cứ phương tiện hung hãn nào để ép buộc họ. Một lần nữa, con lại cảm thấy bất lực.
14.3. Thế giới không xoay quanh con
Một khi con buông bỏ chờ đợi người khác làm điều này điều kia, thì con không cần cảm thấy bất lực nữa. Lúc đó, con nhận ra là con có thể tiến thêm bước nữa về hướng an bình nội tâm bằng cách nhớ lại những gì thày nói về tư duy thần diệu. Trong thế giới có một phàm linh tập thể dựa trên trải nghiệm của trẻ thơ khi chúng còn trong bụng mẹ. Tất cả những người đã sinh ra trong suốt lịch sử trái đất đã góp phần vào phàm linh này.
Khi một bà mẹ mang thai nhi trong dạ, bà biết là nó là một sinh thể khác, một xác thân khác đang lớn lên trong bụng bà. Bà nhận ra điều này vì bà nhớ rất rõ lúc bà không mang thai, là lúc bà làm chủ thân thể của bà. Khi bà mang thai thì có một sinh thể khác lớn lên bên trong thân thể của bà, và bà nhận ra điều này rất rõ. Đây là con của bà, bà có sự nối kết với nó, nhưng bà biết nó là một sinh thể khác ngày nào đó sẽ sinh ra và có cuộc sống riêng biệt. Nhưng về phía hài nhi thì nó cảm thấy thế nào?
Đa số con người không có ký ức về thơi kỳ mình chưa sinh ra, nhưng nếu con có ký ức đó thì con sẽ thấy là hài nhi trong bụng mẹ không trải nghiệm nó là một thân thể tách biệt vì hài nhi trải nghiệm thân thể bà mẹ là thân thể của nó. Hài nhi không biết là có một sinh thể khác ở trong thân thể bà mẹ. Nó thực sự cảm thấy thân thể bà mẹ là thân thể của nó, và khi hài nhi lớn lên trong bụng mẹ, nó bắt đầu cảm thấy hơi bối rối về sự hiện diện của thân thể này bên trong thân thể lớn hơn. Kết quả là đa số trẻ thơ sinh ra với ý niệm thế giới là một sự nối dài của thân thể của chúng. Hài nhi đã quen coi thân thể bà mẹ như sự nối dài của nó. Khi chúng sinh ra, lúc ban đầu chúng cảm thấy thế giới là một sự nối dài của thân thể của chúng. Chúng chưa có ý niệm là một sinh thể tách biệt trong một thân thể tách biệt. Không phải tất cả trẻ thơ, nhưng đa số trẻ thơ cảm thấy như vậy.
Kết quả là nhiều trẻ thơ trải qua một giai đoạn, mà các tâm lý gia đã nhận diện, khi chúng cảm thấy: “Thế giới là một sự nối dài của con, con là trung tâm thế giới. Do đó, con chịu trách nhiệm tất cả những gì xảy ra. Mọi chuyện xảy ra đều xoay quanh con và liên quan tới con.”
Thày cần con nhận ra là trong ba thể cao của con, đặc biệt là trong thể tình cảm, có một phàm linh nội tại vẫn còn cảm thấy nó là trung tâm của thế giới của con. Nó có thể không cảm thấy có trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trên thế giới, và nó nhận ra người khác là sinh thể tách biệt. Tuy nhiên, phàm linh này cảm thấy mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của nó xoay quanh nó. Mọi chuyện mà người khác làm liên quan tới nó.
Khi con chưa nhìn thấu phàm linh này, thì con có khuynh hướng cảm thấy, có thể là ở trong tiềm thức, là điều người chung quanh con làm liên quan tới con. Nói cách khác, con có thể cảm thấy có trách nhiệm về điều họ làm, bị tổn thương bởi hành động của họ, cảm thấy họ làm điều đó chống lại con. Bây giờ thày cần con suy ngẫm điều này vì điều quan trọng là con nhận ra đây là cảm nhận của một phàm linh nội tại. Cái Ta Biết không cảm thấy như vậy. Cái Ta Biết biết nó là một sinh thể tách biệt, người khác là sinh thể tách biệt và họ có quyền tự quyết giống như con có quyền tự quyết của mình. Một khi con tách ra khỏi phàm linh thì con nhận ra một điều rất, rất quan trọng.
14.4. Cảm thấy con là nguyên nhân của hành vi người khác
Con có thể có một người trong gia đình hay một người thân cận nổi giận với con. Có thể là người đó lên án con đã làm một điều mà đáng lẽ con không được làm, hay đã không làm điều mà con phải làm, theo sự đánh giá của người đó. Người đó đến với con với năng lượng hung hãn và lên án, và phản ứng bình thường của con là cảm thấy vì có chuyện gì con đã làm hay không làm nên người đó mới nổi giận như vậy. Nói cách khác, con cảm thấy có trách nhiệm, con cảm thấy con là nguyên nhân của hành vi người đó.
Chúng ta đã nói về đề tài này nhưng con cần nhìn lại một lần nữa và nhận ra là người kia không nói và làm như vậy bởi vì con. Con không chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của người khác. Con chịu trách nhiệm về những lựa chọn của chính con nhưng không chịu trách nhiệm về lựa chọn của người khác. Đúng là con chịu trách nhiệm về những hành động của con, những gì con làm, những gì con nói, nhưng con không chịu trách nhiệm về phản ứng của người kia đối với hành động của con.
Đa số đệ tử chân sư thăng thiên tới tầng này không gặp khó khăn đạt khai ngộ mà thày nói tới trong bài giảng trước khi thày nói là con cần nhận ra là con chịu trách nhiệm về phản ứng của mình. Nhưng họ thường khó nhận ra mặt kia của đồng tiền và nói: “Nếu tôi chịu một trăm phần trăm trách nhiệm về các phản ứng của tôi, thì tôi một trăm phần trăm không chịu trách nhiệm về phản ứng của người khác.” Con cần bước lùi lại và nói: “Tại sao người kia lại làm điều này với tôi? Có thể tôi đã làm điều gì kích động một phản ứng nơi người kia, và phản ứng này khiến họ lên án tôi. Tuy tôi chịu trách nhiệm về hành động của tôi, nhưng tôi không chịu trách nhiệm về phản ứng của người kia.”
Do đó, con không cá nhân hóa hoàn cảnh bằng cách nhận ra rằng người kia không làm điều đó chống lại con. Người kia làm điều đó để phản ứng lại con nhưng người kia không làm điều đó chống lại con. Con bây giờ có thể bắt đầu tạo sự khác biệt trong tâm mình.
Điều quan trọng là ở đây con nhận ra sự khác biệt vi tế, không dễ hiểu, giữa tâm thức nhị nguyên và tâm thức Ki-tô. Các thày đã gọi tâm thức nhị nguyên là tâm thức tách biệt vì nó tách mọi thứ ra thể loại khác nhau. Nó tách con ra khỏi Thượng đế, người khác và hành tinh nơi con sống. Tâm thức Ki-tô không tách ra nhưng nó phân biện – nó nhận ra sự khác biệt.
Con cần nhận ra sự khác biệt khi con nhận ra con có khuynh hướng cảm thấy là khi người khác làm điều gì ảnh hưởng đến con, họ làm chống lại con, họ chống lại cá nhân con. Nếu họ tức giận, con nghĩ họ giận con và con cảm thấy có trách nhiệm. Vì con là người tâm linh sẵn sàng sửa đổi chính mình, con lúc nào cũng nhìn vào: “Làm sao tôi có thể thay đổi chính tôi để người kia không tức giận tôi?” Một khía cạnh của việc tăng triển tâm thức Ki-tô là con có thể tới điểm phân biện và nói: “Điều người kia làm không phải là để trực tiếp chống lại tôi. Nó không phải là một sự tấn công cá nhân tôi. Nó do phản ứng nội tâm của người đó gây ra.”
14.5. Vòng xoắn nghiệp quả không bao giờ dứt
Con yêu dấu, con cũng hiểu là thách đố lớn nhất cho đa số người trên trái đất là đối xử với những người thân cận nhất, tỷ dụ như trong gia đình. Con cảm thấy không thể rời bỏ các người đó. Do đó, con cảm thấy phải phản ứng lại họ và phải coi trọng những gì họ làm hay nói – con phải coi là những điều đó liên hệ tới cá nhân con. Kết quả là đa số con người đã tạo ra những khuôn nếp phản ứng khi liên hệ với nhau. Nếu một người trong gia đình nổi giận với con, con cảm thấy có trách nhiệm, con cảm thấy phải coi chuyện này như liên hệ tới cá nhân con, con phải xét xem con có thể thay đổi như thế nào để tránh người đó nổi giận.
Sự việc này khiến đa số con người trên trái đất bị dính líu vào cái mà các thày đã gọi là vòng xoắn nghiệp quả hay nghiệp quả nhóm, tức là họ có khuôn nếp phản ứng rất mạnh giữa nhau tiếp nối từ kiếp này sang kiếp khác. Con thấy hiện tượng này ở khắp nơi. Thày cần con nhận ra là những người đó không làm điều đó chống lại cá nhân con. Họ có thể là người trong gia đình con và con có thể có liên hệ cá nhân với họ, nhưng họ không tức giận cá nhân con. Điều này có thể hơi khó hình dung, vậy chúng ta hãy làm một thí nghiệm tư tưởng. Ta hãy giả thử con có một người trong gia đình tức giận con về một điều gì con đã làm. Bây giờ, con hãy tưởng tượng người đó có một người khác cũng làm với họ điều mà con đã làm. Liệu người đó có tức giận với người sau hay không? Câu trả lời là: “Rất có thể”
Câu chuyện không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy, vì có lúc một người tự cho phép nổi giận với một người trong gia đình nhưng không nổi giận với người ngoài. Con có thể thấy là con người có khuynh hướng đối xử với người trong gia đình, được gọi là người “thân thương”, tệ hơn người hoàn toàn xa lạ.
Trong đa số trường hợp, con thấy là nếu một người khác làm (hay ít ra là đã từng làm) cùng việc con làm với người thân nhân của con, thì người thân nhân cũng sẽ tức giận với người này y như với con. Điều này giúp con nhận ra là sự tức giận của người thân nhân không gắn liền với cá nhân con. Nó có thể hướng tới người khác như tới con. Nếu sự tức giận của người đó không hướng tới cá nhân con, thì đâu là tính cách cá nhân trong đó? Nó có tính cách cá nhân bên trong tâm thức người thân nhân. Sự tức giận nằm bên trong các thể tình cảm, tư tưởng và bản sắc của người đó. Con có thể đã kích động sự tức giận nhưng con không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân là một cơ chế nội tại trong tâm lý người đó, giống như sự tức giận của con là một cơ chế nội tại trong tâm lý của con.
14.6. Cảm thấy mình có trách nhiệm về tâm lý người khác
Con yếu dấu, con đã sẵn sàng nhìn vào tâm lý của chính mình nếu không thì con đã không theo khóa học này cho tới đây. Người thân nhân con có thể không sẵn sàng làm vậy. Con cần nhận ra là con cần thận trọng trong việc sẵn sàng nhìn vào tâm lý mình. Con không nên quá sẵn sàng nhìn vào tâm lý mình đến độ con nhận trách nhiệm về cơ chế tâm lý trong tâm người khác. Sự tức giận của người kia là một cơ chế tâm lý trong bốn thể phàm của người ấy, không phải trong tâm của con, không phải trong thể phàm của con. Do đó, con không thể nhận trách nhiệm về sự tức giận này và tìm cách thay đổi mình để né tránh sự tức giận của người kia. Con không thể né tránh được, sự tức giận vẫn có mặt trong tâm người đó và chỉ chờ một yếu tố kích động khác.
Điều con và đa số mọi người làm trong trường hợp này là tạo dựng trong tâm mình ý tưởng phải tránh hành vi nào hay phải làm hay nói điều gì để né tránh sự tức giận của người kia. Điều này có nghĩa là lúc đó con tạo ra một hành động thiếu cân bằng trong con, do sự bất cân bằng của người kia gây nên. Điều thày muốn chỉ cho con thấy là để bước ra khỏi khuôn nếp phản ứng với người khác, để đạt được an bình trong quan hệ của con với người khác, con cần nhìn vào chính mình và phân biện rằng: “Tôi sẽ không cảm thấy có trách nhiệm đối với vấn đề tâm lý của người khác và tôi sẽ không cho phép mình tiếp tục mang những phàm linh nội tại mà tôi đã tạo ra để bù đắp hay né tránh những vấn đề xúc cảm của họ.”
Con cần nhìn vào chính mình trong quan hệ của con với người khác và nhận ra những khuôn nếp phản ứng mà con đã tạo dựng. Rồi con thấy được có một phàm linh đằng sau khuôn nếp đó và con buông bỏ nó. Con có quyền buông bỏ phàm linh này. Con yêu dấu, khi con có thể nhìn vào quan hệ của con với một người khác và dùng nó để thấy khuôn nếp phản ứng của mình, phàm linh nội tại của mình, thì con giải thoát mình khỏi bất cứ khuôn nếp nào với người đó.
14.7. Thay đổi cách quan hệ vận hành
Lúc đó, có hai chuyện sẽ xảy ra. Trước nhất, con được giải thoát khỏi mọi khuôn nếp phản ứng, con có thể gặp người kia với tâm ngây thơ của trẻ thơ, và con có thể tránh không phản ứng lại người đó nữa. Con có thể tránh phản ứng như con đã phản ứng trong quá khứ. Con sẽ thấy là khi con ngưng phản ứng theo kiểu họ chờ đợi, có khi họ bị ngạc nhiên. Có nhiều trường hợp chỉ việc này thôi cũng đủ để thay đổi cách mối quan hệ vận hành. Cũng có thể là người kia sẽ thay đổi.
Lẽ dĩ nhiên, cũng có trường hợp người kia không chịu thay đổi, dù con đã thay đổi. Người đó bị quá bao trùm trong vòng xoắn của họ, trong tâm lý của họ, và không chịu thay đổi. Trong trường hợp này, một số chuyện có thể xảy ra. Khi con đáp lại sự hung hãn của người khác với tâm trẻ thơ, tâm hoàn toàn vô tư, tâm dựa trên tình thương, thì người đó lãnh chịu sự xét xử của Ki-tô. Sự xét xử của Ki-tô là một cơ hội cho người đó nhìn vào tâm mình. Nếu họ không nắm lấy cơ hội, thì điều sẽ xảy ra trong thực tế (ta có thể nói là trên phương diện nghiệp quả) là con sẽ được giải thoát khỏi người đó. Lúc đó, con có tự do chọn lựa con có muốn ở gần người đó hay không.
Con yêu dấu, con sẽ nhiều lần thấy là khi con tự giải thoát khỏi một khuôn nếp phản ứng với người khác, thì bỗng nhiên người đó không còn có mặt trong đời con nữa. Lẽ dĩ nhiên, có trường hợp người trong gia đình mà con không thể cách ly một cách vật lý, nhưng con tới điểm không còn khuôn nếp phản ứng với họ, và do đó, bất kỳ họ làm gì, con không phản ứng lại. Hành động của họ không làm con xáo trộn, không làm con khó chịu. Con chỉ cho nó vào tai này qua tai kia, như người ta thường nói.
Con thấy đây là một cách liên hệ rất khác, và nó thực sự là cách duy nhất giúp con đạt được bình an trong quan hệ với người khác. Con không có ý định hành động hung hãn. Như thày có giảng trong bài trước, con không có ý định khuynh loát hay ảnh hưởng quyền tự quyết của người khác. Con yêu dấu, con chỉ làm được một điều là giải thoát mình khỏi các khuôn nếp phản ứng, và trở lại là chính mình. Con hãy biểu hiện mình ở tầng tâm thức hiện nay của mình và qua đó cho người kia cơ hội vươn lên cao hơn khuôn nếp của họ. Nếu họ không nắm lấy cơ hội này, thì họ chống lại con không sao cả vì con không bị xáo trộn.
Nói cách khác, con cần tới điểm có thể nói về một mối quan hệ thân thiết: “Nếu người kia không thay đổi, tôi có thể chấp nhận được.” Sau đó, con có thể nói: “Tôi có thể tách ra khỏi người này chăng?” Nếu con quyết định: “Không được, mối quan hệ này quá thân thiết, tôi không muốn tách ra khỏi người này.” thì lúc đó con có thể ở với người đó mà không bị xáo trộn bởi tâm lý của người đó. Có trường hợp con tới điểm cảm thấy: “Có, tôi có thể chấp nhận người kia không thay đổi, nhưng tôi không muốn làm như vậy.” Lúc đó con có quyền tách ra khỏi người đó và nói: “Tôi không muốn những người như thế này trong đời tôi nữa.” Đây không phải là con tìm cách tránh né khuôn nếp phản ứng trong con, đó chỉ giản dị là con cảm thấy và nhận ra là con đã vươn lên cao hơn tâm thức của những người đó. Do đó con có quyền quyết định là con thích giao tiếp với những người cùng tầng tâm thức hay cao hơn tầng tâm thức của con.
14.8. Tạo nghiệp với sa nhân
Bây giờ chúng ta cần đi xa hơn nữa và tự đặt một số câu hỏi. Thày có nói là con sống trên một hành tinh dày đặc nơi có nhiều sự hung hãn. Ở đây có sa nhân. Sa nhân đang đầu thai có thể có hành động hung hãn với con. Cũng có những người không phải là sa nhân nhưng tâm họ tạm thời bị sa nhân xâm chiếm. Họ bị sa nhân ở các tầng cao bắt họ có hành động hung hãn với con. Con nhận ra câu hỏi là: “Nếu một người có hành động hung hãn chống lại con, thì hệ quả là gì trên mặt nghiệp quả?”
Ở đây, chúng ta cần nhận ra là có một phàm linh tập thể được thiết kế để khiến con cảm thấy có trách nhiệm về những chuyện không thuộc trách nhiệm của con. Thí dụ, sa nhân thích xâm phạm con, khiến con phản ứng lại họ, rồi họ làm cho con cảm thấy vì phản ứng của con không phải là phản ứng cao nhất, con thể nào cũng đã tạo nghiệp với sa nhân. Con yêu dấu, có đúng vậy chăng?
Chúng ta hãy lấy một lập trường cực đoan hơn. Giê-su dạy con hãy chìa má bên kia. Thày chứng minh là đối với những người có hành động hung hãn với thày, thày chìa má kia và để cho họ đóng đinh thày lên cây thập tự. Giê-su lúc đó đã ở một tầng tâm thức rất cao do đó thày đã khắc phục được hầu hết các ảo tưởng mà thày nói con lấy vào để đi xuống tầng 48. Giê-su không phản ứng lại sa nhân dựa trên sợ hãi nhưng dựa trên tình thương. Trong trường hợp này, khi con hoàn toàn không dính mắc, con có thể thấy một cách dễ dàng là Giê-su không tạo nghiệp vì sa nhân đóng đinh thày lên cây thập thự. Thày tin rằng con thấy điều này một cách dễ dàng.
Sa nhân có hành động hung hãn chống lại một sinh thể có quyền tự quyết. Lẽ dĩ nhiên, họ tạo nghiệp khi làm vậy nhưng Giê-su (vì thày không phản ứng dựa trên sợ hãi) không tạo nghiệp. Còn con thì sao? Giả thử con xuống trái đất lần đầu ở tầng tâm thức 48. Con bị sa nhân tấn công, và lẽ tự nhiên con (vì con không thể làm gì khác) phản ứng lại họ dựa trên tầng tâm thức 48.
Ở đây chúng ta cần thấy một khác biệt. Nếu con có hành động vật lý, chẳng hạn con chống trả và giết sa nhân, thì con có tạo nghiệp vì hành động đó. Nếu con tránh không có hành động vật lý (như nhiều người trong con các con đã làm được khi phải giáp mặt với hành động hung hãn cao độ), thì con không tạo nghiệp. Con có thể nói với chính mình: “Nhưng con có tạo nghiệp vì đã phản ứng một cách giận dữ chăng?” Điều này tùy thuộc mức độ giận dữ của con.
Khi con xuống tầng 48, con lấy vào hết ảo tưởng này tới ảo tưởng khác cho tới khi con tới tầng 48. Ở tầng 48, con thấy sự việc qua một tấm màn, một tấm kiếng mờ, một phin lọc. Dựa trên cách con nhìn đời xuyên qua phin lọc đó, con phản ứng lại những gì con giáp mặt. Ở tầng 48, con không thể tránh phản ứng với đôi chút giận dữ khi con bị người khác xâm phạm. Nếu con chỉ phản ứng với mức độ giận dữ đó thôi, thì con không tạo nghiệp vì phản ứng đó. Con ở tầng 48; không thể chờ đợi con ở một tầng cao hơn. Con không tạo nghiệp khi con đáp ứng ở tầng tâm thức của con.
Bây giờ, nếu sự giận dữ của con cao hơn mức độ bình thường ở tầng 48, con sẽ tạo nghiệp vì phần giận dữ phụ trội đó. Ta cũng có thể nói là tuy con ở tầng 48 và nhìn đời qua phin lọc ở tầng đó, lúc nào cũng có một phản ứng cao và một phản ứng thấp. Nói cách khác, phản ứng thấp củng cố tầng tâm thức 48, hay ngay cả khiến con tuột xuống tầng 47, còn phản ứng cao thăng vượt tầng 48 và giúp con vươn lên tầng 49.
Nếu con đi con đường thấp thì con tạo nghiệp. Nếu con đi con đường cao, con không tạo nghiệp dù hành động của con chưa phải là sự không dính mắc của tâm Phật. Con yêu dấu, nghiệp quả không giản dị, không đi theo đường thẳng như sa nhân trình bày. Thày bảo đảm với con là sa nhân đã tìm cách ảnh hưởng tất cả các giáo lý hiện hành về nghiệp quả, như của Ấn giáo và Phật giáo, Đạo Lão hay nhiều phái thuộc khuynh hướng Thời đại mới.
14.9. Không cá nhân hóa quan hệ
Điều con có thể bắt đầu nhận ra ở đây là con đã tới điểm có thể đi một bước rất quan trọng, sẽ giải thoát con như bước mà thày dạy con trong bài giảng trước. Đây là bước con không cá nhân hóa quan hệ của con với người khác. Con nói: “Bất cứ họ làm gì đối với tôi, họ không chống lại cá nhân tôi vì họ hành động dựa trên tầng tâm thức của họ, dựa trên ảo tưởng của họ, có thể là vì họ bị tà lực xâm nhập. Nhưng ở bất cứ trình độ nào, họ không chỉ chống lại riêng cá nhân tôi. Đúng thực là nếu tôi không ở đó, họ sẽ tìm một người khác để chống lại, họ sẽ chỉ tìm người khác để làm cái cớ để biểu lộ sự hung hãn bên trong họ, và họ cần thể hiện sự hung hãn lên ai đó vì họ không chịu đựng được nó bên trong họ.”
Chắc con đã nhận ra là khi một người hung hãn với người khác, không phải là họ muốn chống lại người đó. Họ chỉ đơn giản có căng thẳng bên trong đến độ nó trào ra, họ mất tự chủ và lúc đó họ phải hướng nó ra ngoài vì nếu không họ không thể ở trong chính hào quang của họ. Đây là cơ chế đằng sau hầu hết mọi sự hung hãn trên hành tinh này.
Một người có sự chia rẽ nào đó trong tâm lý. Sa nhân khai thác sự chia rẽ đó để dần dần tăng độ căng thẳng cho đến khi nó tới điểm bùng nổ và người đó không chịu nổi sự hỗn loạn và căng thẳng nội tại. Sau đó, sa nhân lại khiến người đó tạo ra niềm tin, tạo ra phàm linh nội tại, là hướng cơn giận về người khác là điều chấp nhận được vì người khác đó là nguyên nhân cơn giận. Người đó bị phàm linh làm mù quáng nên không thấy cơn giận là một cơ chế trong nội tâm. Y thực sự tin rằng y nổi giận vì điều người khác làm, và cơn giận chính đáng vì người kia đáng lẽ không được làm như vậy. Con thấy là khi người khác có hành động hung hãn, họ tạm thời bị một tà linh xâm nhập, họ không kềm chế hành động của họ được, họ không hành động theo lý trí. Vì vậy con nói: “Tôi nhìn nhận tôi đang sống trong loại hành tinh như thế nào. Tôi nhìn nhận ở đây có sa nhân và tà linh, họ luôn tìm cách tạo ra hỗn loạn và bất hòa, và họ hướng điều này tới bất cứ ai có hài hòa và bình an.” Con nhìn nhận đây chỉ là một lực.
Con yêu dấu, bây giờ giả thử con đang trong trận mưa bão có sấm chớp ngay trên đầu con, tiếng sấm rất, rất lớn và có sét đánh xuống mặt đất không xa chỗ con đứng. Con có cảm thấy là đám mây bão đang giận con và đang tìm cách đánh trúng cá nhân con chăng? Thày đoán là con không cảm thấy như vậy ở tầng tâm thức của con, nhưng con nhìn nhận là có người trên thế gian (và chắc chắn là có trong quá khứ) cảm thấy có những thần linh hung hãn trong thiên nhiên tìm cách hại cá nhân họ. Do đó, họ cảm thấy có một thần linh ác độc đang điều khiển sét đánh họ, trong khi ngày nay con có khuynh hướng nhìn sấm sét như một lực thiên nhiên không có cá nhân tính.
Điều thày muốn nói với con là quả thực có sa nhân đang muốn tấn công con vì họ muốn ngăn chặn quả vị Ki-tô nơi con, nhưng họ muốn tấn công bất cứ ai có tầng quả vị Ki-tô đó. Một cách nhìn lành mạnh là con đứng lui lại và xem chuyện này như một lực vô tư và không liên quan đến riêng ai. Do đó con tránh không phản ứng lại một cách cá nhân. Thày chỉ muốn giúp con chuyển đổi tâm, nhìn sự việc và nói: “Con không cần xem việc này như một tấn công cá nhân con. Con không cần cảm thấy mình là nguyên nhân, mình chịu trách nhiệm về nó, mình cần phản ứng lại, mình cần thay đổi hành vi hay cách nhìn đời của mình để né tránh nó. Con chỉ cần nhìn vào nó và sau đó con hành động theo khía cạnh kia của nguyên tắc chìa má bên kia. Con có thể nhìn nó và để cho nó đi xuyên thẳng qua con mà không cho nó gây ra bất cứ phản ứng nào trong con.”
14.10. Khi người khác không thể lấy đi sự bình an của con
Một khai ngộ quan trọng trên con đường đưa tới quả vị Ki-tô là khi con phải đương đầu với một người đang nổi giận, đang la hét kết án con đủ điều, nhưng con đứng yên và không có phản ứng nào trong con. Khi con làm được điều này với sa nhân, tà lực và tất cả mọi người khác, thì con tới điểm cảm thấy con không bất lực. Con có quyền lực làm chủ phản ứng của mình, bứng đi các phàm linh nội tại khiến con có khuôn nếp phản ứng. Khi con dùng quyền lực này, con có thể tới điểm mà con hoàn toàn bình an bên trong vì con không chờ đợi người khác phải làm gì hay không được làm gì.
Con biết rằng bất cứ điều gì người khác làm sẽ không tạo phản ứng trong con. Do đó, con không cần chờ mong vì con không sợ họ sẽ làm điều gì đó tạo phản ứng trong con. Nếu con đứng lui lại và trung thực nhìn vào cuộc đời của con cho tới điểm này, con thấy là đã có rất, rất nhiều lần con quan ngại những gì người khác có thể làm. Con biết nếu họ làm một số điều, chúng sẽ tạo phản ứng trong con. Phản ứng đó không thoải mái và nó có thể khiến con chê trách mình vì con nghĩ một người “tâm linh” không được phản ứng như vậy.
Con hãy nhìn mình một cách trung thực và thấy là con vẫn còn những cơ chế lẩn tránh. Con không tìm cách bù đắp mà tìm cách lẩn tránh. Con cũng có thể có khuôn nếp bù đắp khiến con cố gắng dễ thương với người khác để họ không nổi đóa với con. Thông thường hơn là ước muốn né tránh người khác hay né tránh hành vi của người khác vì con muốn né tránh phản ứng trong con.
Lẽ tự nhiên, con nay đã tới điểm con có thể nhìn những việc này và nói: “Nhưng phản ứng nằm trong con. Như vậy có nghĩa là con có quyền lực để thay đổi nó. Con không cần thay đổi người khác nữa. Con chỉ cần thay đổi chính mình. Con cần tách mình ra để thấy được phản ứng này chỉ là một phàm linh nội tại. Nó chỉ là thêm một phàm linh nội tại khác giống như nhiều phàm linh nội tại mà con đã loại bỏ trong khóa học này. Do đó lẽ tự nhiên con cũng có thể loại bỏ phàm linh này.” Con làm theo những bước cần thiết mà các thày đã dạy con. Con buông bỏ phàm linh, con tiêu trừ năng lượng, con thấy ảo tưởng, và con giải thoát.
Con yêu dấu, thành thực mà nói thì tới điểm này trên con đường tu con muốn bình an trong quan hệ với người khác. Con có bao giờ đạt được bình an bằng cách thay đổi người khác chăng? Dĩ nhiên là không, do đó cách duy nhất là thay đổi chính mình bằng cách buông bỏ các phàm linh và có thái độ là con không cần thay đổi người khác, vì quả vị Ki-tô của con không tùy thuộc vào hành vi của người khác. Nó hoàn toàn dựa vào chuyện gì xảy ra trong chính bốn thể phàm của con, bên trong hào quang và tâm của con.
14.11. Một lời về cách phụng sự đích thực
Các con yêu dấu, con có thể nghĩ là cho tới giờ thày chưa nói gì nhiều về phụng sự. Thày sẽ đưa ra vài nhận xét về đề tài này trong phần sau đây. Nếu con nhìn vào cuộc đời mình, con thấy con có một số mong chờ về hình thức phụng sự mà con phải hiến tặng đời sống như một phần của điều kiện thăng thiên của con, một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Con có thể đã dùng giáo lý chân sư thăng thiên để tạo ra một mong chờ khiến con cảm thấy căng thẳng bên trong tâm.
Con có thể cảm thấy rằng: “Chắc hẳn con phải phụng sự, nhưng con đang không làm hay đang không làm đủ. Con quá bận rộn với đời sống hàng ngày nên không có thì giờ phụng sự.” Con cảm thấy xấu hổ, con cảm thấy tội lỗi, con cảm thấy mình chậm trễ, con cảm thấy căng thẳng.
Con yêu dấu, thày không phủ nhận là con có một Sứ vụ Thiêng liêng và con có việc phụng sự, nhưng việc làm phụng sự đó không được quy định bởi tâm vỏ ngoài của con. Nó được quy định trước khi con đầu thai và nó được quy định dựa trên một tầng tâm thức cao hơn tầng tâm thức khi con đầu thai.
Lúc nào đó, con tìm ra một giáo lý tâm linh, con học về khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng và phụng sự đời sống. Chuyện này xảy ra vào một lúc trong quá khứ khi con ở tầng tâm thức thấp hơn bây giờ. Điều này có nghĩa là trong tâm vỏ ngoài, con tạo ra một mong chờ dựa trên tầng tâm thức lúc đó và tiếp tục mang nó trong tâm cho đến nay. Do đó, con nghĩ là cách con nhìn Sứ vụ Thiêng liêng lúc đó là cách nhìn đúng, và con cần thực thi những chờ mong đó với lý luận đường thẳng.
Điều thày muốn nói với con là nay con đã lên một tầng tâm thức cao hơn nhiều. Do đó, đã đến lúc con nhìn vào mong chờ này và nói: “Điều giản dị là nó không thiết thực vì nó dựa trên một tầng tâm thức thấp hơn của con ngay bây giờ. Do đó, con cần buông bỏ mong chờ này. Con cần bước lui lại và cho phép một cái nhìn mới về Sứ vụ Thiêng liêng của con được hiện ra từ bên trong.” Để làm được điều này, một lần nữa con cần tâm cởi mở và thơ ngây của trẻ thơ. Con có thể có trạng thái tâm này nếu con nghe theo điều thày sắp nói sau đây.
Ta là Nada, là vị thày chính lo việc khai ngộ con ở tầng này của con đường tu của con, tại đây cho phép con buông bỏ mọi mong chờ liên quan tới Sứ vụ Thiêng liêng của con và việc phụng sự của con trên trái đất. Thày cho phép con buông bỏ hết; để nó qua bên và không lo lắng con phải làm gì trong Sứ vụ Thiêng liêng hay việc phụng sự của con. Thày cho phép con bỏ qua bên toàn bộ ý niệm con phải làm điều gì đó trong cương vị một người tâm linh.
Nếu con chấp nhận nghe lời thày, thì nó sẽ tạo ra sự yên lặng, sự vắng bóng căng thẳng trong tâm con để con có thể bắt đầu lắng nghe nội tâm. Con có thể nghe thấy Hiện diện TA LÀ cho con biết về Sứ vụ Thiêng liêng của con thay vì một phàm linh nội tại (mà con đã tạo ra ở tầng tâm thức thấp hơn) cho con biết về Sứ vụ Thiêng liêng của con. Sứ vụ Thiêng liêng của con không phải là nguồn căng thẳng. Sứ vụ Thiêng liêng của con là niềm vui lớn nhất của con.
Nó không phải là một phận sự hay một bổn phận. Nó không phải là điều con cảm thấy con phải làm. Khi con cảm thấy có bổn phận, phận sự hay con phải làm điều gì, thì đó là vì có một phàm linh đang xen vào tiến trình phụng sự sự sống của con. Con cần nhận ra điều này, vô hiệu hóa phàm linh, vượt qua nó, và lắng nghe. Con lắng nghe với tâm ngây thơ, cởi mở của trẻ thơ, với tâm vô tư, và con có thể nhận được những khía cạnh trong Sứ vụ Thiêng liêng thích hợp với tầng tâm thức hiện nay của con. Con sẽ cảm thấy niềm vui, không phải một gánh năng, khi con nhận được tín hiệu đó.
Con yêu dấu, thày đã cho con nhiều chuyện để suy ngẫm. Thày không muốn bài giảng này là một gánh nặng cho con. Do đó, thày sẽ giản dị chấp nhận là thày đã cho con đủ để dẫn con tới tầng khai ngộ cuối ở khóa nhập thất của thày. Tại đó, thày sẽ giúp con đạt được nhiều tự do hơn khỏi các căng thẳng mà con cảm thấy khi con là đệ tử chân sư thăng thiên đang đi trên con dường dẫn tới thăng thiên.