8 | Tình thương và Tình thương

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/1/2015.

TA LÀ Paul người Venice. Con bây giờ đã tới tầng thứ ba ở khóa nhập thất của thày, tầng của tình thương phối hợp với tình thương. Khi con có hai lần tình thương, thì con đối mặt với cái gì? Thứ nhất, con tới chỗ khai ngộ cần vượt qua trò chơi quyền lực tinh vi đằng sau mọi hình thức ganh đua. Con có thể tự hỏi, ganh đua dính dáng gì đến tình thương? Nó là một hình thức tình thương hủ hóa. Cốt lõi của tình thương là gì? Đó là ý muốn trở nên Hơn nữa, nhưng câu hỏi là: “Hơn cái gì?”

8.1. Bản chất của trở nên Hơn nữa

Từ nhiều năm nay, các thày đã giảng giáo lý về khái niệm trở nên hơn nữa, là hơn nữa. Các thày biết là khi tâm phân tích vỏ ngoài của con nghe câu này, nó chỉ có thể phản ứng một cách. Hơn nghĩa là hơn cái gì khác. Làm sao con biết con trở nên hơn nữa nếu con không so sánh với một trạng thái trước đó, khi con ít hơn?

Làm sao con đo được sự hơn nữa? Con có nghĩ chăng là có thể đo được Chân sư MORE bằng một tiêu chuẩn thế gian? Nhiều người trong các con nghĩ như vậy vì con chưa hòa điệu với Hiện diện của thày MORE, là một cái gì vượt lên trên so sánh. Hiện diện của thày cũng vậy, Hiện diện TA LÀ của con cũng vậy.

Có một sự khác biệt tế nhị nhưng cơ bản giữa trở nên hơn nữa bằng cách trôi theo Dòng Sông sự Sống và trở nên hơn nữa bằng cách so sánh với một điều nào đó trong vũ trụ vật chất, là một bầu cõi chưa thăng thiên. Khi con trở nên hơn nữa bằng cách trôi theo Dòng Sông sự Sống, con thăng vượt ý niệm bản ngã của mình. Con có so sánh mình với tiêu chuẩn nào chăng? Con so sánh mình với cái con là ngày hôm qua, một phút trước đây hay kiếp sống trước. Con nhìn lại và nói: “Tôi hơn cái gì tôi là trước đây.” Đây không phải là ganh đua. Đây là một hành động tự nhiên trong thế giới hình tướng: đo lường sự tiến triển của mình, đo lường mức tăng trưởng của ý niệm bản ngã của mình. Đây là một điều chính đáng, cần thiết, có ích. Nhưng khi con so sánh mình với người khác hay với một tiêu chuẩn thế gian, thì không có ích nữa. Đó là một sự hủ hóa của động lực trở nên hơn nữa, chính là cốt lõi của tình thương.

8.2. Sa nhân ganh đua với Thượng đế như thế nào

Sự hủ hóa này từ đâu tới? Hình thức ban sơ của nó đến từ lúc các sa nhân quyết định họ biết rõ hơn Thượng đế cách vận hành vũ trụ và cứu rỗi các dòng sống. Họ cũng quyết định, dù họ không hoàn toàn nhận ra điều này, là họ muốn ganh đua với Thượng đế. Con có thấy chăng, dựa trên những gì các thày đã giảng về sa nhân, là họ ganh đua với Thượng đế trong trò chơi quyền lực tối hậu? [đọc Vũ trụ quan về sự ác độc]

Ai làm chủ vũ trụ? Ai có quyền tối hậu quyết định ai được cứu rỗi và ai không được cứu rỗi? Tất nhiên là đấng Sáng tạo có quyền tối hậu. Các vị hợp nhất với đấng Sáng tạo và là thành viên của Hội đồng Nhân quả có quyền quyết định ai được cứu rỗi và ai không được cứu rỗi. Các vị đại diện đấng Sáng tạo này lấy quyết định dựa trên dòng sống đã thăng vượt chính nó như thế nào. Con có thăng vượt chính con tới điểm thăng vượt mọi sắc thái vị kỷ và bắt đầu phụng sự nâng tất cả lên? Nếu vậy thì con đã sẵn sàng thăng thiên lên cõi tâm linh và trở thành một chân sư thăng thiên. Nếu con chưa thăng vượt mọi sắc thái vị kỷ thì con chưa sẵn sàng. Đây không phải là một sự trừng phạt. Đây không phải là một bản án. Nếu con chưa sẵn sàng thì con không thể thăng thiên, giống như khinh khí cầu không thể bay lên không trung khi nó chưa đủ động lượng để khắc phục trọng lực kéo xuống của trái đất.

Sa nhân đã làm một điều hoàn toàn khác. Họ đã tạo ra một tiêu chuẩn và nói: “Con không xứng đáng được cứu rỗi nếu con không sống theo tiêu chuẩn này.” Họ đã tạo ra một đối cực giả, trong đó có tiêu chuẩn ở một bên và đối ngược với tiêu chuẩn ở bên kia. Lúc đó họ có thể so sánh người này với người kia dựa trên tiêu chuẩn và nói: “Người này đúng, người kia sai. Người này tốt, người kia xấu. Người này xứng đáng được Thượng đế cứu rỗi, người kia xứng đáng bị vĩnh viễn đày vào địa ngục.” Đây là khái niệm đằng sau sự ganh đua trên trái đất. Có nhiều người trên trái đất bị hoàn tòan vướng mắc vào sự ganh đua phù phiếm để đạt được vinh quang nào đó trên trái đất.

8.3. Ý chí cải thiện chính mình

Con cần phân biện một điều. Rất có thể xảy ra là toàn thể các dòng sống trên một hành tinh đi vào một trạng thái tâm thức khiến họ không cố gắng cải thiện chính mình. Con chắc có nghe nói về các hành tinh đã tự hủy diệt vì chiến tranh giữa cư dân. Nhưng cũng có hành tinh đã tự hủy diệt vì các cư dân đã đi vào một trạng thái tâm thức quá đồng nhất đến độ không một ai cố gắng thăng vượt ý niệm bản ngã của họ. Họ công nhận giá trị lẫn nhau trong một tình trạng kém xoàng. Ở một thời điểm trong quá khứ, trái đất đã có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy hướng hạ như vậy. Đó là lý do vì sao nhiều loại dòng sống được phép đầu thai vào đây, trong đó có các sa nhân.

Nếu con muốn nâng tâm thức từ một tầng thấp lên một tầng cao, con cần ý chí, ý chí trở nên hơn cái mà con là trước đó. Khi con ở dưới tầng tâm thức 48, ý chí này cần một động lực. Con có thể có động lực gì khi con ở dưới tầng 48? Con có thể có lòng ham muốn vinh quang nào đó trên trái đất, ham muốn hơn người khác, thắng một giải thưởng, trở nên danh tiếng, trở nên một anh hùng, được người khác trọng vọng.

Khi con nhìn vào, tỷ dụ sinh hoạt thể thao, thì thày không nói tất cả hình thức ganh đua đều hoàn toàn sai một cách tuyệt đối. Có những thể tháo gia, qua nỗ lực tranh đua, đã trau dồi ý muốn thăng vượt chính mình và qua đó chuẩn bị để khám phá con đường tâm linh. Thày không nói là trên thiên đàng có tinh thần ganh đua, hoặc ganh đua nảy sinh từ Thượng đế, hoặc các thày chân sư thăng thiên chấp nhận và khuyến khích tinh thần ganh đua. Thày chỉ muốn nói là trên một hành tinh có trình độ tâm thức của trái đất, ganh đua là một dụng cụ cần thiết giúp con người có động lực cải thiện chính mình.

Ganh đua có thể giúp con người bước lên tầng 48 nơi họ khám phá cái gì cao hơn. Thày không nói là tất cả các thể tháo gia, hay tất cả những ai tham gia vào hình thức ganh đua nào đó, đều ở dưới tầng 48, nhưng thày xác nhận là đa số những người này ở dưới tầng 48. Chỉ có một số ít đã bước lên trên tầng 48 và tham gia tranh đua vì lý do khác, nhưng đa số chắc chắn ở dưới tầng 48 và động lực thúc đẩy họ tranh đua là để so sánh mình với người khác. Họ luôn luôn so sánh mình với người khác hay với một tiêu chuẩn, tỷ dụ như phá kỷ lục thế giới, thắng nhiều trận quần vợt nhất, kiếm được nhiều tiền nhất trong bộ môn của mình, hay bất cứ điều gì khác thúc đẩy con người.

8.4. Ganh đua trong quan hệ cá nhân

Vấn đề mà tinh thần ganh đua tạo ra có thể thấy rõ nhất trong quan hệ cá nhân. Kết quả cao nhất của bất cứ quan hệ cá nhân nào là gì, tỷ dụ như quan hệ đôi lứa, hay với cha mẹ, anh chị em, hay con cái? Kết quả cao nhất của bất cứ quan hệ giữa con người là gì? Đó là cả hai bên tới điểm họ làm việc để nâng người kia lên, đồng thời họ cũng đi trên con đường tu tâm linh để thăng vượt chính mình. Đó là kết quả cao nhất. Làm sao con bước lên được mức đó khi con ganh đua với anh chị em, hay ngay cả với cha mẹ, với người vợ người chồng, đồng nghiệp trong sở, hay bạn bè? Nếu con lúc nào cũng muốn hơn người, muốn có địa vị tương xứng với người khác hay hơn họ, thì làm sao con có thể rời bỏ tinh thần ganh đua để bước vào Tánh linh Sáng tạo?

Thày có giảng về quan hệ đôi lứa trong các bài trước, và bây giờ mình xem xét nó trở lại. Nếu con trở lại vai trò nam nữ cũ xưa, con thấy không có nhiều ganh đua giữa người đàn ông và người vợ. Người đàn bà đã được giáo dục để chấp nhận chỗ đứng của mình và thấy rằng không có ích gì để tranh đua với người đàn ông.

Tình thế đó có đưa tới một số quan hệ hữu ích. Những quan hệ đó không hữu ích theo ý nghĩa cao nhất, nhưng chúng hữu ích vì người đàn bà chấp nhận là người chồng có một sự nghiệp và một địa vị trong xã hội, và bà sẽ làm mọi chuyện để giúp chồng hoàn thành sứ mệnh đó. Ngược lại, người chồng tri ân sự hỗ trợ của người vợ, và làm mọi chuyện để giúp bà tìm những sở thích của mình và tiến triển. Có nhiều quan hệ hữu ích theo cách đó vì không có ganh đua giữa vợ chồng. Như thày có nói, dĩ nhiên quan hệ kiểu này dựa trên một sự đè nén bất quân bình đối với người phụ nữ là một điều không lành mạnh một cách tối hậu hay lâu dài. Thày không chấp nhận kiểu quan hệ này. Thày chỉ nêu lên như một thí dụ của kết quả khi không có ganh đua giữa vợ chồng.

Tình hình trong thời đại tân thời ra sao? Con có một tiến trình đã đem lại một số tiến bộ trong việc giải phóng phụ nữ và cho họ bình quyền. Mình có thể bàn cãi là tiến trình này có đem lại tự do và bình quyền trọn vẹn cho phụ nữ hay không, và thày là người đầu tiên cho rằng không, nhưng đây không phải là điều thày muốn nêu ra ở đây. Điều thày muốn nói là phong trào giải phóng phụ nữ và việc phụ nữ đi làm và có sự nghiệp đã tạo nên một sự ganh đua giữa vợ chồng đã khiến nhiều quan hệ đôi lứa đổ vỡ.

Trong nhiều nền văn hóa, con có tình trạng con trai được giáo dục với tinh thần ganh đua, khi chơi thể thao, kiếm tiền hay trong nhiều sinh hoạt khác. Đồng thời, con gái được giáo dục để có học vấn, công việc làm, sự nghiệp. Người con trai không nhận ra rằng y cưới một người vợ không giống mẹ y, là người chấp nhận chỗ đứng của mình. Y chờ đợi là người vợ sẽ làm mọi chuyện mẹ y đã làm trong nhà trong khi vẫn đi làm. Dĩ nhiên là điều này chỉ đưa tới xung đột.

Đồng thời, nhiều phụ nữ cảm thấy bị áp lực hai đằng. Họ cảm thấy họ phải ra ngoài xã hội, có sự nghiệp và làm những gì cần thiết để thành công trong sở làm, nhưng đồng thời cũng phải là người vợ, người mẹ, người nội trợ gương mẫu trong gia đình. Ai có thể làm được chuyện này? Chuyện này không thể làm được, chắc chắn là đàn ông không thể làm được.

Nhiều phụ nữ đã cố gắng, cố gắng rất nhiều để làm chuyện này và khám phá ra là họ không thể. Nhiều người đã mất tự tin. Nhiều người đã bị thất vọng hay chấn thương vì tiến trình này. Nhiều hôn nhân đã đổ vỡ do sự thất vọng của cả hai bên. Điều mà con thấy trong mấy chục năm vừa qua trong các nước kỹ nghệ tân tiến các vai trò truyền thống của hai phái nam nữ đã sụp đổ và con người đã gặp nhiều khó khăn để tìm ra một cách giao tiếp mới với nhau trong quan hệ hôn nhân.

8.5. Vượt qua tinh thần ganh đua

Khi con tới tầng thứ ba của khóa nhập thất của thày, thày và các phụ tá sẽ giúp con nhìn lại chính mình và nhận ra con có vẫn còn bị tinh thần ganh đua ảnh hưởng hay không. Chúng tôi sẽ đặc biệt giúp con thấy liệu con có tinh thần ganh đua với người phối ngẫu, hay khuynh hướng ganh đua nếu con không có người phối ngẫu. Vượt qua tinh thần ganh đua này là một điều cơ yếu, không những để con tiến triển tâm linh, nhưng cũng để con có một quan hệ lứa đôi hữu ích.

Chìa khóa để vượt qua tinh thần ganh đua này là gì? Nó nằm ở điểm chiêm nghiệm rằng chỉ có một sự “ganh đua” thật, đó là thăng vượt ý niệm bản ngã của mình. Con có thể so sánh với chính mình khi xưa và xem là mình có tiến bộ chăng, nhưng tiến bộ là gì? Tiến bộ không phải là có thêm kỹ năng, khả năng hay địa vị trong xã hội. Tiến bộ chắc chắn không ở con số trong chương mục ngân hàng của con. Điều quan trọng là con có phải là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ, và cánh cửa mở rộng bao nhiêu. Khi con nhận ra điều này, con thấy là so sánh mình với người khác, và đặc biệt với người phối ngẫu, là điều hoàn toàn vô nghĩa. Xem ai kiếm được nhiều tiền hơn có quan trọng chăng? Xem ai có địa vị cao hơn hay được nhiều trọng vọng hơn có quan trọng chăng? Những điều này không quan trọng nếu con nhận ra một chân lý sâu xa.

8.6. Một hủ hóa tình thương nguy hiểm

Sa nhân đã tìm cách hủ hóa tình thương bằng nhiều cách, nhưng có lẽ hình thức hủ hóa nguy hiểm nhất là quan niệm cho rằng phải sống theo một tiêu chuẩn thế gian mới xứng đáng được nhận tình thương của Thượng đế. Họ muốn con tin rằng có một Thượng đế trên thiên đàng và ngài là một Thượng đế thương yêu. Thượng đế thương yêu con, nhưng nếu con muốn nhận tình thương của Thượng đế, con phải xứng đáng. Và để xứng đáng, con phải sống theo một tiêu chuẩn do sa nhân quy định.

Con yêu dấu, điều này có hợp lý chăng? Sa nhân không có tình thương. Họ không thể tạo ra tình thương. Con không thể tạo ra tình thương; con chỉ có thể nhận nó từ bên trên. Con có thể dùng câu này như câu chú:

Con không thể tạo ra tình thương;
Con chỉ có thể nhận nó từ bên trên

Có lý gì chăng khi những người không có tình thương, đã quay lưng từ chối tình thương của Thượng đế, lại có thể quy định một tiêu chuẩn có khả năng khiến Thượng đế, một cách máy móc, sẽ cho con tình thương nếu con sống theo tiêu chuẩn đó? Thật hoàn toàn không có lý.

Thày có thể biện minh suốt ngày đêm để giúp trí phân tích của con lý luận và hiểu ra tình thương của Thượng đế là gì, nhưng thầy đã nói gì trong bài trước về trí phân tích? Nó không thể hiểu được cái vô tận vì nó luôn luôn so sánh. Nó so sánh mọi chuyện với những gì nó biết hay với một tiêu chuẩn, sau đó nó phân tích bằng cách chia ra từng phần nhỏ. Trên trái đất, con có thể lấy một hình thể và cắt nó ra từng phần nhỏ, và con có thể đi tới cái có vẻ là thành phần tối hậu, ít nhất là trong quang phổ tần số vật chất.

Nhưng tình thương không có tính chất vật lý! Nó không phải là một vật; nó không thể bị cắt ra thành phần nhỏ. Nó không có thành phần. Con có thể nói: “Nhưng tình thương cũng có sắc thái biểu hiện? Có phải chăng tình thương là cái này, là cái khác vân vân? Thày sẽ trả lời: “Tình thương không có thành phần. Tình thương không có biểu hiện.”

Chỉ khi tình thương bị bóp méo bởi tâm vỏ ngoài thì nó mới có đặc tính. Cái mà đa số gọi là tình thương hoàn toàn không phải là tình thương, và đó là vì họ đã pha màu tình thương. Tình thương mà con người biểu lộ hơn rất nhiều sự ác độc hay sợ hãi mà họ biểu lộ. Đúng thực là có những cảm xúc nhân gian có rung động cao hơn một số cảm xúc nhân gian khác. Một số điều con người gọi là tình thương có độ rung cao hơn sự giận dữ hay thù hận. Tuy nhiên, tình thương này là một cảm xúc nhân gian, so sánh, tương đối và không phải là tình thương thuần khiết – không phải là Tình thương Thiêng liêng.

Cái trí vỏ ngoài, phân tích sẽ không bao giờ hiểu được tình thương, bản chất thực của Tình thương Thiêng liêng. Cái trí vỏ ngoài muốn tình thương là một cái gì nó có thể xử lý bằng cách mô tả đặc tính, phân tích các thành phần, và so sánh với tiêu chuẩn của sự thực. Thày có thể tìm cách đưa ra lý lẽ vì sao tình thương, Tình thương Thiêng liêng, lại như nó là, nhưng trí vỏ ngoài của con sẽ có thể phản bác và đưa ra lý lẽ vì sao tình thương không thể như vậy được.

Tình thương Thiêng liêng như thế nào? Sự thực mà trí vỏ ngoài không thể hiểu, tự ngã không thể chấp nhận, là Tình thương Thiêng liêng hoàn toàn và tuyệt đối vượt lên trên mọi điều kiện. Ta có thể gọi nó là tình thương vô điều kiện vì nó là cách ngắn nhất để mô tả Tình thương Thiêng liêng. Nó vượt lên trên mọi điều kiện mà tâm thức tương đối và tách biệt có thể quy định. Đó là lý do tại sao không thể so sánh nó với bất cứ điều gì trên trái đất. Nó không thể bị đóng khung trong một tiêu chuẩn. Nó không thể bị đóng khung trong một định nghĩa.

8.7. Trải nghiệm tính chất vô điều kiện của Tình thương Thiêng liêng

Thày có thể cho con lý lẽ về điều này, nhưng thày sẽ không làm vậy vì khi con theo học khóa giảng này, con cũng tới khóa nhập thất của thày ban đêm. Ở khóa nhập thất của thày, thày có nhiều phương pháp giúp con trải nghiệm tình thương vô điều kiện, và khi con đã trải nghiệm thì không cần biện minh đúng sai. Câu hỏi là: “Kinh nghiệm tình thương vô điều kiện mà con có ở khóa nhập thất trên cõi ê-the là nơi có sự thuần khiết cao, con có thể nào chuyển nó xuống tâm ý thức của con chăng?” Tâm ý thức của con thường trụ ở cõi vật chất, là nơi có rung động thấp hơn cõi ê-the. Kinh nghiệm tình thương vô điều kiện trong tâm ý thức khó hơn rất nhiều.

Nhiều người trong các con đã trải nghiệm, ít nhất là chợt thoáng, tình thương vô điều kiện hay trạng thái tâm thức thuần khiết hay vô điều kiện. Nhiều người trong các con đã có trải nghiệm thần bí, và con chỉ cần nhận ra là các trải nghiệm này cho con thấy điều gì đó về tình thương. Con phải mở tâm và trái tim mình ra, bỏ qua bên những hình tư tưởng về tình thương cho đến khi con có trải nghiệm có ý thức về tình thương vô điều kiện.

Thày biết rõ là có người sẽ biện minh chống lại ý niệm Tình thương Thiêng liêng là tình thương vô điều kiện. Cũng có đệ tử chân sư thăng thiên, hay ít nhất là cựu đệ tử chân sư thăng thiên, sẽ biện minh chống lại ý niệm này. Khi con biện minh chống lại thì con sẽ đóng tâm vỏ ngoài không trải nghiệm được tình thương vô điều kiện một cách ý thức. Nếu con lựa chọn không trải nghiệm Tình thương Thiêng liêng, thì thày tôn trọng lựa chọn của con, nhưng thày sẽ chất vấn tại sao con lại đặt mình thành một chuyên gia về tình thương? Làm sao con có thể là một chuyên viên về tình thương nếu con không chịu trải nghiệm sắc thái cao nhất của tình thương? Con yêu dấu, điều này có hợp lý chăng?

8.8. Tình thương Thiêng liêng không có điều kiện, không thể kiểm soát

Những người mong muốn tự tôn mình như chuyên gia hay khuôn mặt uy tín trên trái đất thường bị kẹt nhất trong tâm thức sa ngã. Họ muốn kiểm soát mọi thứ, và sa nhân chắc chắn là muốn kiểm soát tình thương. Họ muốn loại bỏ Tình thương Thiêng liêng. Họ muốn ngăn chặn tất cả những người tâm linh nhìn nhận, chấp nhận hay trải nghiệm tình thương vô điều kiện. Họ cực lực mong muốn con tin rằng tình thương có điều kiện và có thể được quy định bởi tiêu chuẩn của họ.

Các con yêu dấu, tình thương vượt lên trên ngôn từ, hình tướng, hình ảnh. Nó không thể quy định được. Nó không thể sở hữu được. Nó không thể kiểm soát được. Hoặc con là cánh cửa mở cho tình thương tuôn chảy qua con, hoặc con tự cắt đứt mình ra khỏi nó. Thày có nói gì về sự sở hữu? Con muốn cái đồng hồ dừng lại. Con muốn mọi chuyện đứng yên để con có thể sở hữu cái con nghĩ con cần sở hữu. Tình thương Thiêng liêng là gì? Tại sao nó là vô điều kiện? Vô điều kiện có nghĩa gì? Nó có nghĩa không bao giờ đứng yên. Nó luôn luôn tuôn chảy và thăng vượt chính nó. Đó là lý do vì sao nó không thể bị giam trong bất cứ hình tướng nào.

Tình thương là cái luôn luôn kéo con lên để con trở nên hơn nữa, thăng vượt chính mình, và càng ngày càng gần hơn sự hợp nhất với Hiện diện TA LÀ và sự thăng thiên. Nếu con nghĩ con có thể ngưng dòng chảy của tình thương, tạo ra một hình tư tưởng, phóng chiếu nó lên tình thương và nói: “Đây là tình thương”, thì con quả thực không biết tình thương là gì. Tình thương không thể bị giam. Không ai có thể sở hữu nó. Tự ngã sẽ không bao giờ chấp nhận điều này. Sa nhân sẽ không bao giờ chấp nhận điều này, trừ phi họ đạt được giác ngộ, là điều sa nhân có thể làm, nhưng tự ngã thì không.

Con không cần phải băn khoăn về điều này khi con đi trên con đường tự điều ngự. Điều con cần quan tâm là chân thành nhìn vào tâm mình, vào cách mình được dạy dỗ, vào cách mình đã bị điều kiện hóa để có một hình tư tưởng về tình thương. Con cần chất vấn những tiêu chuẩn để giải thoát tâm mình khỏi những hình ảnh này về tình thương. Bằng cách này, con mở tâm ý thức của mình để trải nghiệm điều mà tâm ê-the của con đã trải nghiệm.

8.9. Trải nghiệm có ý thức tình thương vô điều kiện

Trong cả hai trường hợp, chính cái Ta Biết là cái ta đã trải nghiệm. Nếu con, cái Ta Biết, muốn trải nghiệm tình thương vô điều kiện một cách ý thức, và giữ sự nhận biết ý thức của kinh nghiệm này, thì con cần phải tách mình ra khỏi cái tâm tách biệt. Con cần phải xa lánh các hình ảnh giả, các hình ảnh sa ngã, về tình thương. Thày không có ý định biện minh với cái ta vỏ ngoài và thuyết phục nó là tình thương thực sự vô điều kiện. Ý định của thày là giúp con có được, trong tâm ý thức của mình, một sự nhận biết có ý thức những gì con đã trải nghiệm ở khóa nhập thất của thày trên cõi ê-the.

Thày có thể làm gì ở khóa nhập thất để giúp con trải nghiệm tình thương vô điều kiện? Thày sử dụng cái máy mà thày đã đề cập tới, có khả năng phóng lên màn ảnh những gì có trong trường năng lượng của con ở các tầng tiềm thức. Thày có thể chỉ cho con thấy con đã hủ hóa tình thương như thế nào và dùng nó để xây tường giam tâm ý thức của con. Thày có thể chỉ cho con thấy điều này buộc con như thế nào với sa nhân, với tâm thức tập thể, với trung giới (astral plane).

Khi con thấy hình ảnh này, ban đầu con sẽ rất chấn động. Con sẽ bị chấn động khi con thấy bao nhiêu năng lượng từ Hiện diện TA LÀ bị chuyển về tình thương hủ hóa này. Con sẽ bị chấn động khi con thấy bao nhiêu năng lượng bị hút bởi các quỷ dữ và tà linh trong trung giới. Con sẽ bị chấn động khi con thấy các bồn chứa năng lượng bị hủ hóa. Con sẽ bị chấn động khi con thấy những sinh thể xấu xa và bất hòa sống trong các bồn chứa đó, đang giơ vuốt và móc bám vào trường năng lượng của con qua các hủ hóa tình thương đó. [đọc Vũ trụ quan về ác quỷ]

Khi con thấy các hình ảnh này ở cõi ê-the, thì con có động lực để nhìn vào tiềm thức của mình và khám phá những niềm tin đã khiến con hủ hóa tình thương. Con sẵn sàng nhìn vào các hình tư tưởng về tình thương đến từ tâm thức sa ngã mà con đã chấp nhận. Thày không chê trách con là đã chấp nhận chúng. Ai có thể lớn lên trên một hành tinh như trái đất, sống ở đây nhiều kiếp, mà không chấp nhận những hủ hóa tình thương đã thấm đẫm hành tinh này?

Thày không có ý định miệt thị con, và trên cõi ê-the con biết rõ điều này vì con trải nghiệm nó trực tiếp. Khi con đọc bài này với tâm ý thức, tâm vỏ ngoài của con không trải nghiệm Hiện diện của thày như khi thày đứng bên cạnh con trong thân xác. Khi con ở khóa nhập thất của thày trên cõi ê-the, con trải nghiệm Sinh thể của thày, Hiện diện của thày. Con biết, con trải nghiệm, là thày không chê trách con. Điều mà con cảm thấy từ thày chính là tình thương vô điều kiện chỉ muốn nâng con lên.

Khi thày chỉ cho con thấy con bị buộc vào các lực phản tình thương này, con không cảm thấy là thày đang chỉ trích hay miệt thị con. Con chỉ cảm thấy thày muốn con được tự do, nhưng con chỉ được tự do khi con thấy. Con phải thấy làm sao con bị buộc vào các lực phản tình thương. Con phải thấy vì sao con bị buộc vào chúng bởi các niềm tin sai lầm và hình tư tưởng về tình thương. Khi con cho là tình thương có điều kiện thì con buộc mình vào các sinh thể có điều kiện đã từ rất lâu xa rời Tánh linh.

8.10. Tự ngã sẽ chối bỏ tình thương vô điều kiện

Thày có nói về một quan hệ lứa đôi trong đó con chờ đợi người yêu sẽ cho con tình thương mà con cần. Thày có nói là con có trách nhiệm lấy tình thương đó từ bên trong mình, từ Hiện diện TA LÀ của mình. Con sẽ không thể nào lấy được tình thương đó, chấp nhận được tình thương đó, nếu con chưa bắt đầu quán chiếu và chấp nhận một cách ý thức là tình thương không có điều kiện.

Nếu con thấy Thượng đế có điều kiện, thì con sẽ chối bỏ tình thương vô điều kiện. Con sẽ không nhận ra nó là tình thương vì nó không đáp ứng các điều kiện của con, định nghĩa của con, về tình thương, và do đó con nghĩ nó là cái gì khác. Cũng có thể con cảm thấy bị nó đe dọa. Chắc chắn là tự ngã của con cảm thấy bị nó đe dọa. Nếu con đồng hóa mình với tự ngã, con sẽ chối bỏ tình thương.

Tại khóa nhập thất của thày trên cõi ê-the, có học viên khi cảm nhận tình thương của thày thì chối bỏ nó. Có lúc họ co rúm lại vì ghê rợn, và lúc đó thì thày chỉ cho họ thấy trên màn ảnh tác dụng của nó, nguyên do từ đâu và niềm tin đằng sau là gì. Thày có thể chỉ cho họ thấy chuyện gì xảy ra trong trường năng lượng của họ khi một tia tình thương vô điều kiện chảy vào nó. Thày có thể chỉ cho thấy là tự ngã co rúm vì nó cảm thấy ghê rợn tuyệt đối, thù ghét tuyệt đối chống lại tình thương này và làm đủ mọi cách để đẩy lui nó. Tự ngã tìm đủ mọi cách để thuyết phục con chối bỏ tình thương vô điều kiện. Khi học viên thấy rõ hình ảnh chuyện gì đang xảy ra, thì đa số thoát ra khỏi thái độ này ngay tức khắc trên cõi ê-the. Điều thày muốn đạt được qua quyển sách này, là nói với tâm ý thức của con, và giúp con chấp nhận chuyện đó một cách ý thức.

Khi con có một quan hệ lứa đôi thương yêu, thì đúng lý con phải nhận tình thương từ người bạn đời, nhưng con làm sao có được tình thương này khi con có quá nhiều điều kiện định nghĩa tình thương? Tại khóa nhập thất của thày, thày có thể chỉ cho con thấy là trong đa số quan hệ trên trái đất, một hay cả hai người phối ngẫu chối bỏ tình thương đến từ người kia. Đàn ông không đến từ Hỏa tinh và đàn bà không đến từ Kim tinh, nhưng vì tình trạng bất quân bình quá đáng giữa hai phái tính đã chi phối trái đất từ mấy ngàn năm nay, người con trai và con gái đã được giáo dục với quan niệm trái ngược về tình thương và cảm xúc, cách biểu lộ cảm xúc và cách đáp ứng lại cảm xúc. Trong rất nhiều quan hệ lứa đôi, người phụ nữ có nhiều tự do biểu lộ tình thương và biểu lộ một cách vô điều kiện hơn là người đàn ông, nhưng trong nhiều trường hợp người đàn ông không chấp nhận được tình thương này. Y đã được giáo dục để có một hình ảnh khác là tình thương phải biểu lộ như thế nào, và y không chịu nổi khi bà vợ biểu lộ tình thương một cách tự do hay biểu lộ một hình thức tình thương cao hơn.

Mặt khác, đa số phụ nữ có vấn đề lớn khi họ biểu lộ tình thương và cảm thấy nó không được đón nhận. Họ cảm thấy bị chối bỏ, không có giá trị, bị bỏ quên. Sau khi cảm thấy bị người chồng chối bỏ, người vợ bắt đầu cảm thấy người chồng không bày tỏ đủ tình thương với bà. Dĩ nhiên là người vợ được giáo dục để nghĩ là người chồng phải biểu lộ tình thương giống như bà, nhưng làm sao y làm vậy được khi y đã được giáo dục với một quan niệm hoàn toàn khác về tình thương? Do đó hầu như không thể tránh là cả hai sẽ thất vọng. Con thường thấy mô thức qua đó người vợ cảm thấy không được thương yêu đủ và bắt đầu lên án người chồng: “Anh không thương tôi nữa. Anh không thương tôi đủ. Anh không bao giờ biểu lộ tình thương. Anh không bao giờ nói anh thương tôi.”

Khi chuyện này xảy ra, thường người đàn ông phản ứng bằng cách cảm thấy mình không có khả năng ứng xử. Có thể y cũng nhận thấy là y không biểu lộ tình thương một cách tự do. Y cảm thấy người vợ thiếu cái gì mà y không cho được. Vì y không biết phải cho làm sao nên y cảm thấy y thiếu khả năng và muốn người vợ ngừng đổ lỗi cho y. Y theo mô thức hoặc cố hết sức biểu lộ tình thương, và hy vọng như vậy sẽ đầy đủ, hoặc y chối bỏ vấn đề và bắt đầu càng ngày càng rút lui khỏi người vợ, muốn vợ ngưng không nhiều cảm xúc như vậy.

Chỉ có một giải đáp cho tình trạng này, đó là cả hai vợ chồng đều qua tiến trình vượt qua những hủ hóa tình thương mà họ đã chấp nhận khi họ lớn lên. Họ phải bắt đầu chấp nhận tình thương vô điều kiện từ Hiện diện TA LÀ của họ. Khi con mở tâm đón nhận tình thương của Hiện diện TA LÀ, con cũng sẽ bắt đầu biết cách biểu lộ nó, nếu con muốn thử làm và tiếp tục thử làm.

8.11. Tình thương vô điều kiện không đứng yên

Thày có nói là tình thương không đứng yên, vậy làm sao con trải nghiệm tình thương khi con hiện thân trên trái đất? Một số người trong các con có thể trải nghiệm là con có thể đi vào trạng thái thiền định sâu hoặc trạng thái nhập một với tổng thể, và cảm thấy tình thương vô điều kiện từ Hiện diện TA LÀ của mình, từ một chân sư thăng thiên, hay từ Thượng đế. Con cũng trải nghiệm là con không thể duy trì tình thương này khi ở trong tâm thức và sinh hoạt bình thường, hằng ngày và thức tỉnh.

Tại sao vậy? Đó là vì, khi con trải nghiệm tình thương, đó là một món quà để con mở tâm ra và để tình thương tuôn chảy xuyên qua con. Con có thể có một trải nghiệm đích thực, thần bí về tình thương vô điều kiện, nhưng đó chỉ là để con có một ý niệm đo lường cùng với tâm cao là tình thương là gì. Sau đó, con cần tiến bước kế tiếp, giống như câu truyện ẩn dụ mà Giê-su đã nói về các gia nhân được cho tiền. Có hai gia nhân đã tăng trưởng số tiền được cho, còn một người thì đem chôn xuống dưới đất. Con không nên chôn tình thương xuống dưới đất, nhưng hãy dám biểu lộ nó.

Con không thể liên tục nhận tình thương nếu con không biểu lộ nó, nếu con không để nó tuôn chảy qua con. Cách duy nhất để liên tục trải nghiệm tình thương là để nó tuôn chảy xuyên qua các luân xa, tâm, con người, lời nói, hành động của con. Tình thương muốn được biểu lộ. Nó muốn tuôn chảy. Con không thể trải nghiệm tình thương vô điều kiện như một trạng thái đứng yên. Con có thể trải nghiệm nó thoáng qua, nhưng con không thể trải nghiệm nó liên tục. Con chỉ có thể trải nghiệm tình thương một cách liên tục như một dòng suối, một dòng chảy. Làm sao có dòng chảy trừ phi có một lỗ thoát để nó chảy qua, trừ phi có một chỗ để nó chảy tới?

8.12. Một mô thức bất hài hòa trong các quan hệ

Mục đích biểu lộ tình thương cho người vợ hoặc chồng không phải là để có được một phản ứng nào đó từ người này. Đây là một mô thức bất hài hòa nhất trong các quan hệ vợ chồng. Một trong hai người vợ chồng bắt đầu nhận biết thế nào là tình thương vô điều kiện và bắt đầu biểu lộ tình thương đó với ngời kia, nhưng nó không được chấp nhận như chờ đợi, có thể vì người đó chưa sẵn sàng chấp nhận tình thương vô điều kiện. Người đầu cảm thấy tình thương của mình bị chối bỏ. Cũng có thể người đó cảm thấy bị chối bỏ và lúc đó người đó ngưng dòng chảy của tình thương. Người đó cắt đứt tình thương. Người đó nối kết sự biểu lộ tình thương của mình với cách người kia đón nhận nó.

Con yêu dấu, đây là lúc con nhận ra tính ích kỷ không phải lúc nào cũng xấu. Con sẽ tới một điểm trên con đường tu nơi con cần một hình thức cao của tính ích kỷ, và nói: “Điều gì tốt nhất cho tôi? Điều gì tốt nhất cho sự phát triển tâm linh của tôi? Có phải điều tốt nhất cho tôi là sau khi tôi nhận được hồng ân của kinh nghiệm tình thương vô điều kiện, tôi cố gắng hết sức biểu lộ nó với người bạn đời của tôi? Khi người bạn đời của tôi không thể nhận nó giống theo quan điểm của tôi, thì tôi phản ứng bằng cách cắt đứt dòng chảy tình thương. Hành động này có thực sự tốt nhất cho tôi, cho sự phát triển tâm linh của tôi chăng?”

Con yêu dấu, câu trả lời dĩ nhiên là không! Hẳn là con cũng phải thấy như thế! Cái gì tốt nhất cho con? Điều tốt nhất cho con là con tách rời sự biểu lộ tình thương với cách người bạn đời của con tiếp nhận nó, hay không tiếp nhận nó. Con không để sự biểu lộ tình thương của con tùy thuộc vào trạng thái tâm và chọn lựa của người khác. Con tiếp tục biểu lộ tình thương, và con tiếp tục gia tăng khả năng biểu lộ tình thương của mình.

Nếu con làm vậy thì một trong hai chuyện sẽ xảy ra. Hoặc người bạn đời của con sẽ dần dần chuyển hóa và có thể nhận tình thương của con, hoặc con tiếp tục nâng tâm thức của mình cho tới lúc con không thể tiếp tục có quan hệ đó nữa. Con sẽ được dòng chảy của tình thương đưa con tới một quan hệ khác, nơi con có thể biểu lộ tình thương một cách tự do hơn và tình thương đó được tiếp nhận tự do hơn.

8.13. Hãy tự do biểu lộ tình thương

Một mô thức bất hài hòa khác là con bắt đầu biểu lộ tình thương và con chờ đợi người bạn đời phải đáp ứng bằng cách biểu lộ tình thương với con. Nhưng người bạn đời con có thể không sẵn sàng làm điều này, và cũng có khi vị ấy không muốn làm điều này. Con có thể tìm cách nói chuyện với người bạn đời về nhu cầu biểu lộ đồng thời tiếp nhận tình thương, nhưng nếu câu chuyện này không dẫn đến kết quả, thì con nên chú tâm vào việc gia tăng dòng tình thương tuôn chảy xuyên qua con, gia tăng khả năng là cánh cửa mở cho tình thương tuôn vào. Con hãy gia tăng khả năng biểu lộ nó bằng những cách càng ngày càng tế nhị và tự do hơn. Con càng tự do khi biểu lộ tình thương, thì con càng giải thoát mình khỏi mối liên hệ với một người hay tình thế khiến tình thương không thể được tự do biểu lộ. Con càng biểu lộ tình thương, con càng tạo thêm động lượng sẽ tăng dần tới lúc nó đủ để mang con ra ngoài tình thế đó sang một tình thế khác nơi tình thương có thể được biểu lộ tự do.

Thày có đang nói là con phải quyết định có ý thức, với tâm vỏ ngoài, là con phải bỏ người vợ hoặc chồng nếu vị ấy không thể tiếp nhận hay biểu lộ tình thương? Không, thày không nói vậy. Thày nói là con mở tâm ra đón nhận dòng chảy của tình thương vô điều kiện. Nếu con có điều kiện và áp dụng chúng vào việc người bạn đời phải tiếp nhận hay biểu lộ tình thương theo điều kiện nào đó, thì con không mở tâm ra đón nhận dòng chảy của tình thương vô điều kiện.

Con chớ nghĩ là con có thể dùng bài giảng này của thày như một cái cớ để bỏ người vợ hoặc chồng của con. Ít nhất con đừng nghĩ là con có thể đánh lừa thày khi con làm vậy. Con hãy chú tâm vào việc mở tâm đón nhận dòng chảy của tình thương vô điều kiện. Con hãy ở lại trong quan hệ cho tới khi con nhận được từ bên trên lời hướng dẫn không thể chối cãi là đã đến lúc tuôn chảy đi. Con đừng quyết định với tâm vỏ ngoài.

Đúng thực là con nên kháng cự khi tâm vỏ ngoài tìm cách dẫn con tới quyết định đó. Con hãy học cách nhận ra khi tự ngã đang ép con lấy một quyết định. Con hãy kháng cự nó bằng cách từ chối không lấy quyết định. Con hãy học cách nhận ra những chuyển dời vi tế trong nhận biết của mình, tỷ dụ như khi con cảm thấy là sợi dây buộc con vào bờ đã nhả ra. Con cảm thấy là con được tự do trôi theo dòng chảy của cuộc sống.

8.14. Quan hệ tình yêu là một thách đố lớn

Con yêu dấu, chắc con đã bắt đầu nhận ra là khi con đến khóa nhập thất của Tia thứ Ba của thày, một trong những điểm chính mà con cần cải thiện là các quan hệ tình yêu của con. Một trong những thách đố lớn nhất mà con phải đối diện trên con đường tu tâm linh là quan hệ tình yêu của con. Thày đã nêu lên sự kiện là trên hành tinh này, quan hệ giữa người nam và nữ đã bị hủ hóa, bị mất quân bằng đến độ rất khó mà có được một quan hệ cao, một quan hệ sáng tạo.

Có quá nhiều lực đang tìm cách phá hủy các mối quan hệ tình yêu vì đây là cách hiệu quả bậc nhất để trì hoãn sự tiến bộ tâm linh của con người. Đúng thực là có những cách hiệu quả hơn, tỷ dụ như khiến con người tham gia chiến tranh và bị chết hoặc bị thương cả thể xác lẫn tinh thần. Trong những hoàn cảnh sống mà con có thể gọi là “bình thường”, quan hệ tình yêu đã khiến nhiều người đình chỉ, hay có khi bãi bỏ hoàn toàn, việc phát triển tâm linh, khi họ đi vào một mô thức tàn phá, đánh nhau với vợ hay chồng hoặc tìm cách tiêu diệt khi không kiểm soát được người này.

Thày hoàn toàn không có ý muốn con trách cứ mình nếu con không thành công trong quan hệ tình yêu. Ngược lại, thày tìm cách để con đo lường cùng với thày là quan hệ tình yêu trên trái đất là một thách đố rất lớn. Có nhiều hành tinh khác nơi quan hệ tình yêu dễ dãi đến độ con không thể tưởng tượng được. Con hãy tha thứ mình nếu con đã có vấn đề trong quan hệ tình yêu. Con hãy cố tha thứ và kiên nhẫn với người bạn đời của mình.

8.15. Tha thứ người bạn đời và đi tiếp con đường của mình

Nếu con đã trải nghiệm quan hệ tình yêu đã chấm dứt, thì con nên nhận ra điều này: điều duy nhất mà con có thể làm là tiếp tục cuộc đời của mình. Để có thể tiếp tục cuộc đời của mình, con cần rút tỉa những bài học từ quan hệ đó. Con cũng cần tha thứ, cần giải thoát người bạn đời khỏi mặc cảm tội lỗi hay đổ lỗi.

Thày biết là tự ngã của con sẽ phản ứng và nói: “Nhưng người bạn đời của tôi đã làm điều này và điều kia. Làm sao tôi có thể tha thứ được?” Con không tha thứ để giải thoát người đó khỏi những cái móc dính mắc. Con tha thứ để giải thoát con khỏi những cái móc dính mắc, vì sa nhân sẽ có những móc trong tâm con nếu con không tha thứ.

Con cần nhận biết có ý thức là điều tốt nhất cho sự phát triển tâm linh của con là con tiếp tục cuộc đời mình sau khi một quan hệ tình yêu chấm dứt. Để con có thể tiếp tục cuộc đời mình, con cần tha thứ. Con cần tha thứ người bạn đời, nhưng con cũng cần tha thứ chính mình. Con cần buông bỏ.

Có một sợi dây thừng đang buộc con vào quá khứ, đang giữ con thuyền của con ở một nơi cuộn sóng trong Dòng sông sự Sống. Con hãy đi sâu vào thể cảm xúc của mình và cảm thấy là sợi dây thừng thắt lại thành cái gút. Con hãy tháo cái gút, cầm sợi dây thừng trong tay, và mở bàn tay ra để sợi dây trôi đi. Con hãy cảm thấy là con thuyền của thể phàm của con, của tâm hồn con, nay được tự do trôi theo dòng nước để rời khu cuộn sóng và tới một phần yên lặng hơn của dòng sông.

TA LÀ Paul người Venice, và điều thày thương yêu nhất là tình thương, Điều thày thương yêu nhất sau đó là con.